Apr 6, 2018

Đọc lại Đặng Thai Mai (1)

Người ta có biết Đặng Thai Mai không? (tức là, thêm một lần nữa, một cái gì ở ngay đó, và do vậy, vô cùng khó hiểu); tôi nghĩ người ta không biết gì về Đặng Thai Mai. Đặng Thai Mai và (không phải Lỗ Tấn mà là) Tào Ngu:


Đặng Thai Mai của thời "tiền chiến":


Xem thêm ở kia.

Tiếp tục:


Ơ, còn quyển tập hai của Trên đường học tập và nghiên cứu, nhét vào đâu mất rồi.

Trong quyển ở giữa:


Đây là băng Tạ Vũ, Băng Sơn, Vân Long thời trẻ tuổi; tôi đã tìm được những bài Băng Sơn đăng báo hồi trẻ, vào thời Hà Nội 47-54 (cũng nhạt nhẽo giống y hệt vô số bài báo, tản văn etc. nhan nhản hồi thập niên 80, 90: Băng Sơn giữ được một mức độ ổn định vững chắc có thể nói là trong cả cuộc đời, lúc nào cũng nhạt nhẽo như nhau, viết cái gì cũng như nước ốc); cũng giai đoạn này, Nhật Tiến xuất hiện. Khác hẳn với những gì Nhật Tiến từng viết trong hồi ký Thuở mơ làm văn sĩ, Nhật Tiến vào giai đoạn này liên tục xuất hiện trong mục hộp thư tòa soạn của một tờ báo: tờ báo ấy mắng Nhật Tiến sa sả (và gần như không đăng bài), chắc vì đòi hỏi vô lối, láo xược quá; Nhật Tuấn cũng xuất hiện, trên một tờ báo cho trẻ con. Về nhiều điểm, sau này mấy nhân vật ấy chẳng mấy thay đổi. Tôi sẽ còn quay trở lại

Hai ấn bản của cùng một cuốn sách:


Hai quyển nữa:


Mấy thứ có thể gọi chung là "Paralipomena":



Người ta, hiện nay, có biết Đặng Thai Mai không? Tôi sẵn sàng trả lời: không. Cách đây một thời gian, tôi chính là người muốn tổ chức một cuộc hội thảo về Đặng Thai Mai, thế cho nên tôi đã có tham gia tổ chức. Rốt cuộc, tôi quyết định không viết tham luận, mà chỉ ngồi nghe. Rốt cuộc, cả cuộc hội thảo chỉ rặt là cúng cụ; rất giống một hội thảo về Nguyễn Mạnh Tường tại khoa Văn trường Sư phạm Hà Nội mà tôi tham gia cách đây chừng mười năm: tất cả (rất đông) nhà nghiên cứu đều làm đúng một điều giống nhau là thương vay khóc mướn, không một ai biết gì về Nguyễn Mạnh Tường hết.

Vấn đề là tại sao như vậy? Tại sao một nhân vật đồ sộ như Đặng Thai Mai (đồ sộ đến mức không thể không nhìn thấy) mà chẳng ai thấy hết cả?

Lý do rất có thể nằm ở chỗ: kể từ bấy đã xuất hiện một số mẫu nhà nghiên cứu. Một, Hoàng Ngọc Hiến, hai, Vương Trí Nhàn (tất nhiên là chưa hết). Nhưng có ai nói được Hoàng Ngọc Hiến nghiên cứu về cái gì không? Chắc chắn là không; và nguyên do không giống như ở trường hợp Đặng Thai Mai, vì trong trường hợp Đặng Thai Mai, người ta không biết là bởi lớn quá, trong khi ở trường hợp Hoàng Ngọc Hiến thì ngược lại: người ta không thể nói thật ra Hoàng Ngọc Hiến từng làm gì, chỉ bởi thật ra Hoàng Ngọc Hiến đã chẳng hề làm gì hết. Chúng ta sẽ còn quay trở lại với Hoàng Ngọc Hiến, một trường hợp rất hấp dẫn, ở đó có đúng một câu hỏi cần đặt ra: đã bao giờ Hoàng Ngọc Hiến là một nhà nghiên cứu hay chưa?

Vương Trí Nhàn thì liên quan thẳng đến Đặng Thai Mai, xem ở kia. Vương Trí Nhàn phê phán Đặng Thai Mai, liên quan đến Phạm Quỳnh.

Nhưng Đặng Thai Mai đúng. Đặng Thai Mai, cũng như Phan Khôi trước đó, rất đúng khi nhìn nhận Phạm Quỳnh.

Và, tại sao Vương Trí Nhàn phê phán Đặng Thai Mai? Trong đời, Vương Trí Nhàn có thực sự phê phán ai bao giờ không? Không, bởi vì Vương Trí Nhàn thuộc đúng vào khoảng của "vague terms", của vu khoát. Nhưng Vương Trí Nhàn đã phê phán Đặng Thai Mai, đấy là bởi Vương Trí Nhàn tưởng Đặng Thai Mai phê phán Phạm Quỳnh thì cũng giống Nguyễn Đổng Chi phê phán Phan Khôi hay Văn Tân phê phán Trương Tửu. Vì chắc thắng, vì chắc chắn mình có lý (do được dựa trên một nền tảng một sự phê phán ý luận và đạo đức), Vương Trí Nhàn đã, một lần hiếm hoi, bước ra khỏi cái vòng an toàn tạo ra từ mai rùa của những vinh danh sự trung bình (bởi vì, Vương Trí Nhàn là một đại kiện tướng vinh danh cho những giá trị trung bình: trung bình thì an toàn), như Thạch Lam, như Xuân Quỳnh, và vô số trường hợp trung bình (và cả thảm hại) khác. Nhà nghiên cứu không phải là người khôn lỏi. Khôn lỏi thì không phải là nghiên cứu, vì khôn lỏi thì chỉ là khôn lỏi.

Những mẫu như vậy đánh lạc hướng cái nhìn.

Nguyễn Đổng Chi (trong phê phán Phan Khôi) hay Văn Tân là các tinh thần tầm thường, nhưng Đặng Thai Mai khi phê phán Phạm Quỳnh thì không. Ta sẽ còn quay trở lại. Phạm Quỳnh cho thấy rất nhiều điều, cả vào thời của Phạm Quỳnh và cả (nhất là) thời bây giờ. Nhưng thật ra, trước hết, Phạm Quỳnh là ai? Phạm Quỳnh trước hết là đệ của Nguyễn Văn Vĩnh, và là một đệ kém.

Đặng Thai Mai nằm ở tâm điểm của mọi điều nhiều khả năng gây nhầm lẫn nhất. Tôi nhớ đến, trong hồi ký, Đặng Thai Mai kể có lần đi tàu điện, cầm trên tay một quyển tiểu thuyết Từ Chẩm Á; tôi cũng nhớ đến Đặng Thai Mai và câu chuyện về một vùng heo hút đồi núi miền Trung nhưng vẫn thường xuyên có người gồng gánh mang sách từ cảng biển, cảng sông đến. Còn một số điều về Đặng Thai Mai mà tôi vẫn đang cố gắng hình dung, nhưng không dễ; nhưng xét cho cùng, chẳng ai thực sự biết Đặng Thai Mai, đơn giản vì đó là một sự lớn đúng nghĩa.

Đặng Thai Mai nằm ở đó, nhưng đồng thời, Đặng Thai Mai còn nằm ở vị trí có ý nghĩa rất lớn với một điều nữa: học phong. Đã bao giờ có ai, trông như là kế tục Đặng Thai Mai, mà có ý nghĩa như vậy hay chưa? Tôi không nói đến chuyện một nhà nghiên cứu lớn, tôi chỉ muốn nói, đã bao giờ có người nào trông như thể kế tục Đặng Thai Mai mà là một nhà nghiên cứu đúng nghĩa hay chưa? Hoàng Trung Thông, Hoàng Trinh (tức Hồ Tôn Trinh), Hà Minh Đức hay Phong Lê (aka Lê Phong Sừ)? Không, không một ai trong số họ là nhà nghiên cứu hết. Hoàng Trung Thông thì đi một nhẽ, vì đó là một nhà thơ. Nhưng những người khác, có ai là dẫu chỉ tí chút phẩm chất, một nhà nghiên cứu hay không? Không.


2 comments:

  1. đứt gãy địa tầng thì bãi bể nương dâu thôi, nước lụt nhà ...

    ReplyDelete
  2. B ơi cho mình hỏi có thể tìm những cuốn của Đằn Thai Mai ở đâu ạ? những phê bình vhoc của ông nữa ạ?

    ReplyDelete