May 10, 2018

Chủ nghĩa hậu hiện đại chính là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa

Bài này, tôi viết hộ người khác. Lý do cụ thể thì cuối bài tôi sẽ nói, nhưng những ai có mặt tại buổi thuyết trình thứ ba của tôi về École de Genève (tại quán cà phê tên là Indochina gì đó, số 27 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội: quán cà phê vừa kịp mở, giống như là đặc biệt cho buổi thuyết trình, và chưa biết chừng nó sẽ trở thành một quán cà phê huyền thoại, trên cái phố chưa bao giờ chứng kiến quán cà phê nào tồn tại thực sự lâu) đã biết: về cuối buổi hôm ấy, một nhân vật bỗng xuất hiện, Đỗ Hải Ninh. Tôi có quy định là không được chụp ảnh nhưng nhân vật kia dám lén lút chụp. Hôm đó tôi đã chủ định viết riêng bài này để tặng cho thể loại "bề ngoài thơn thớt nói cười" etc.

Ở kia tôi đã có một định nghĩa; tôi rất tiếc, nhưng tôi ngờ (thật ra, tôi biết) định nghĩa ấy sẽ sống rất lâu: trí thức Việt Nam của thời bây giờ là những người lê la facebook. Tôi rất tiếc, vì tôi không hề chủ định tạo ra một thứ sống lâu như thế. Nhưng nó sẽ sống rất lâu; không phải vì nó gây hấn, mà vì nó đúng.

Một định nghĩa khác: tất cả những người làm về chủ nghĩa hậu thuộc địa (mà họ gọi là "hậu thực dân") ở Việt Nam là những người như thế nào? Tất cả họ đều là những người không đọc Naipaul. À, cũng trong buổi thuyết trình đã nhắc, tôi nói đến Edward Said: tôi sẽ quay trở lại với Said, rất sớm; thêm một lần nữa (chuyện đã không còn gì lạ, quá mức tầm thường là khác), cũng như ở hầu khắp mọi lĩnh vực, trí thức Việt Nam đã lựa chọn những gì kém nhất trong địa hạt Edward Said,  không hề biết những gì tinh túy nhất của Said nằm ở các chỗ khác, chứ hoàn toàn không ở Orientalism (đó, rất đơn giản, chỉ là một sự áp dụng sống sượng - và hỏng - lý thuyết của Michel Foucault; thêm một lần nữa, lý thuyết lại chứng tỏ nó lệch lạc như thế nào trong thao tác áp dụng: nhưng tại sao người ta lại có thể nghĩ lý thuyết là để áp dụng [vào thực tiễn] nhỉ? - thêm một cặp nhị nguyên ảo đầy tính cách đánh lừa, cặp lý thuyết-thực tiễn).

Và lại thêm một định nghĩa: không một ai (rất đông) trong số người mở miệng là "hậu hiện đại" ở Việt Nam trong vòng vài chục năm vừa rồi, trong nước cũng như (và nhất là) hải ngoại, là độc giả của Laurence Sterne.

Một điều đã trở nên hết sức rõ ràng: những gì (rất ít) còn lại được từ hồi "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" là những gì không chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; nói đúng hơn, đó là những gì giả vờ là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Một thứ (cứ gọi là chủ nghĩa đi), mọi thứ, i như trong Thánh Kinh, luôn luôn là cơ hội đồng thời là thử thách (phải tránh bằng được mấy cái idiom kiểu "cơ hội và thách thức", "triển vọng và thách thức" rồi thì biến thể kiểu "thành tựu và triển vọng" etc.): ân sủng và trừng phạt (thế giới vừa là cái này vừa là cái kia, cf. Schopenhauer). Các pha kiểu "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" hay "chủ nghĩa hậu hiện đại" là các pha rất giống với đánh cá ở hồ: có ai còn nhớ người ta đánh cá ở hồ vào cái thời Hà Nội đâu đâu cũng là hồ không nhỉ; một cái lưới rất rất to, chăng xuống, sao cho chiếm càng nhiều khoảng không gian của hồ càng tốt, và khi kéo lên, cá hồ nằm trong lưới: tấm lưới đó là "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" hay "chủ nghĩa hậu hiện đại", cá nằm trong lưới là những người hiện thực xã hội chủ nghĩa và hậu hiện đại.

Quan trọng là cá không nằm trong lưới ấy chứ. (Một ví dụ: Đỗ Long Vân trông như là thuộc nhóm Trình Bầy, nhưng đấy là giả vờ thuộc về Trình Bầy: tất nhiên rồi, ai lại đi thuộc về một đám tầm thường như thế.)

Giống hệt như trước đây, phải là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (nhưng trớ trêu là không ai nói được nó là cái gì: khái niệm càng mù mờ càng tồn tại lâu) thì mới có giá trị (bầu trời đã trở thành bầu trời của ý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa; bầu trời thì chính là lưới đánh cá), rồi thì, tới một lúc khác, lại phải hậu hiện đại thì mới có giá trị.

Giới nghiên cứu văn học Việt Nam có một chiêu: ta sẽ bắt gặp nhan nhản, khắp mọi nơi, idiom có yếu tố. Ta sẽ thấy chẳng hạn Vũ Trọng Phụng có yếu tố đa thanh (hôm thuyết trình tôi cũng nhắc đến cái "đa thanh" này, tôi sẽ quay trở lại với nó, tập trung vào bộ ba Trần Đình Sử-Vương Trí Nhàn-Lại Nguyên Ân: họ có hiểu gì Bakhtin hay không?), rồi Vũ Trọng Phụng có yếu tố hậu hiện đại etc.

Tại sao lại có idiom "có yếu tố" như thế? Lý do hết sức đơn giản: đấy là vì các nhà nghiên cứu chẳng nhìn thấy gì cả, nhưng đồng thời lại đang diễn ra một vụ đánh cá hồ, nên họ chọn một vị thế mắt lưới, tức là ở đó, nếu thấy đám cá đông lúc nhúc có lợi thì chui luôn vào, còn bằng không thì vọt ra ngoài. Tức là, rất đơn giản, thêm một lần nữa, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam không nhìn thấy gì khác ngoài "vague terms" (cf. Ezra Pound). Tức là, còn đơn giản hơn nữa, chạy theo mốt; và tức là, vẫn thêm nữa: theo đúng logic của bourgeois. Lịch sử thì rất châm biếm: kể cả thời của "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa", logic điều khiển hành vi con người vẫn cứ là logic của bourgeois.

Điều hài hước hơn cả là "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa", dẫu vẻ ngoài có là như thế nào đi chăng nữa, không hề mác-xít. Karl Marx chính là người đặt ra một cách tường minh mối quan hệ lý thuyết và thực hành (chứ còn ai nữa đây?), nói đúng hơn, mối quan hệ giữa lý thuyết và praxis. Marx hồi trẻ, khi phê phán Hegel, đã nói đến tương quan ý thức-thực tại như là nhất thể khả dĩ giữa lý thuyết và praxis: "Suy nghĩ hướng đến thực tại thì còn chưa đủ, bản thân thực tại cũng phải hướng đến suy nghĩ nữa."

"Chủ nghĩa hậu hiện đại", như nó trình hiện ở môi trường Việt Nam, vẫn cứ là tuân theo logic (logic này không làm sao nhập được vào biện chứng) của "abx xyz mang màu sắc Việt Nam", và nó vẫn cứ là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vẫn là tương quan hồ-cá-lưới đánh cá.


Chính tôi cũng thấy bất ngờ vì độ rộng mà perspective mới này ("chủ nghĩa hậu hiện đại" với tư cách "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa") mở ra: rất có thể nó sẽ có kết quả là một cuốn sách. Thế cho nên tôi chưa viết nốt vội, đuổi theo vài chuyển động vừa hiện ra cái đã (kẻo chúng nó lại biến mất). Trước mắt, tôi có thể nói, ai là người từng giả vờ "chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa" xuất sắc hơn cả? Thì còn là ai khác đây ngoài Nguyễn Khải, và đâu là gạch nối nhiều ý nghĩa nhất để dẫn từ chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa sang chủ nghĩa hậu hiện đại? Thì còn là ai khác đây, ngoài Hoàng Ngọc Hiến? Và gạch nối ấy có một thuộc tính lớn: sự tha hóa (tức là, hai "chủ nghĩa" thông được với nhau nhờ con đường của tha hóa). Tôi sẽ phân tích rất kỹ càng hiện tượng này, nhất là các tầng sâu của nó.


Như tôi đã nói ở ngay đầu, bài này tôi viết hộ người khác. Tôi viết hộ cho Phòng Nghiên cứu Văn học Đương đại Việt Nam của Viện Văn học Hà Nội, mà trưởng phòng hiện nay là Đỗ Hải Ninh.

Có một bí quyết như thế này, trong nhìn nhận: tại các cơ sở nghiên cứu (và cả giảng dạy) Việt Nam hiện nay, những gì cần đề phòng (nói đúng hơn, buồn cười) hơn cả? Đó là ba thứ sau đây: cứ nhìn thấy bộ phận nào mang tên có chữ 1) "hợp tác" 2) mỹ học (hoặc cũng có thể là "nghệ thuật học") và 3) "đương đại" thì cứ gần như chắc chắn được luôn rằng đó là những nơi không sản xuất ra gì khác ngoài những thứ nhảm nhí leng keng.

Tại sao tôi lại viết hộ? Đấy là vì kể từ khi bộ phận ấy bắt đầu tồn tại cho đến nay, tức là cũng nhiều chục năm, đã bao giờ nó sản xuất được bất kỳ cái gì có ý nghĩa nào đó hay chưa (ý nghĩa nói chung thôi, chẳng cần cầu kỳ đặt ra "ý nghĩa nghiên cứu", "mở đường" gì hết cả)? Tôi tin chẳng ai biết có cái như vậy đang tồn tại, từ rất lâu, rồi đâu.

Tôi thấy hơi sốt ruột cho tình trạng ấy (tình trạng của những người như Đỗ Hải Ninh: có tọa đàm thì súng sính váy áo vác cái đầu óc không vượt quá được một đứa học sinh cấp hai đi dự, rồi ngồi thộn mặt ra ở đó), cho nên tôi viết hộ; yên tâm đi, kể từ nay rất nhiều người đã biết đến Phòng Nghiên cứu Văn học Đương đại Việt Nam rồi.


Ai là người phụ trách bộ phận ấy trong một thời gian dài? đó là Nguyễn Đăng Điệp. Và một thành viên năng nổ trước đây: Đoàn Ánh Dương.




đã tiếp tục Nặng và Thanh của Simone Weil

10 comments:

  1. Undeniably believe that which you stated. Your favorite justification seemed to be on the
    internet the simplest factor to remember of. I say to you,
    I certainly get irked whilst people consider
    issues that they just don't understand about.

    You controlled to hit the nail upon the highest as neatly as defined out the entire thing without having
    side effect , people could take a signal.

    Will likely be again to get more. Thanks

    ReplyDelete
  2. cặp ấy, và dưới nhãn "lý luận", sản sinh những squads chuyên tạo hiện trường giả.

    ReplyDelete
  3. Cái vauge term cứ lôi pound vô làm gì, ông ấy có độc quyền vụ đó đâu

    ReplyDelete
  4. "thực tại hướng đến suy nghĩ" có phải như đề cương văn hóa vn hướng đến các luận đề về Feuerbach. còn những vụ đánh cá hồ bằng lưới htx thì đã được tiên tri còn sớm hơn và đúng hơn thế: "Qúa lời nguyện hết thành hoàng thổ công".

    ReplyDelete
  5. Lại Nguyên Ân rồi sẽ trở thành ông tổ ngành nghiên cứu Phan Khôi và Vũ trọngPhụng ở Việt Nam, chờ xem nhé

    ReplyDelete
  6. Không biết có phải do trùng hợp hay không, bộ ba Trần Đình Sử-Vương Trí Nhàn-Lại Nguyên Ân của bác đều có facebook riêng và hoạt động khá mạnh.

    ReplyDelete
  7. thành viên năng nổ và học sinh cấp hai?

    ReplyDelete