May 16, 2018

Ra một cái đề thi (văn)

Trước tiên: đã viết xong bài "Chủ nghĩa hậu hiện đại chính là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa".

Chúng ta quay trở lại với ba cái đề thi văn hồi năm ngoái (2017) ở kia (có đánh số rất rõ ràng). Ba đề thi văn này có thể được bình luận như thế nào? Tôi sẽ bình luận chúng theo ba điểm rất rõ ràng dưới đây.



Thứ nhất,

(1) và (2) có một số khác biệt, về mặt hình thức. Nếu nhìn kỹ, bất kỳ ai cũng sẽ nhận ra (hơi giống trò chơi tìm điểm khác nhau giữa hai bức tranh). Trong số những khác biệt đó, tôi sẽ chỉ nói đến một chi tiết: dấu hai chấm (:).

Ở (1), trước dấu hai chấm có dấu cách. Ở (2), trước dấu hai chấm không có dấu cách.

Tuy dư luận xã hội (tôi sẽ quay trở lại với cụm từ này, một cụm từ có rất nhiều ý nghĩa) hay chê trách ngành giáo dục Việt Nam (thêm một cụm từ then chốt nữa, sau đây tôi sẽ thu hẹp nghĩa của đối tượng lại, vì nói gì thì nói, "ngành giáo dục Việt Nam" xét cho cùng chẳng nói lên điều gì nhiều nhặn, thậm chí còn có thể coi đó là một cụm từ gần ở mức rỗng nghĩa: các phê phán nếu nhằm vào đối tượng bị (làm cho) rỗng nghĩa rất có khả năng, đến lượt chúng, cũng rỗng nghĩa nốt - người ta hay gọi, trong ngôn ngữ thông thường, là "sự rỗng tuếch" - nhưng tôi sẽ không sa đà vào đây) về một số điểm, trong đó có chuyện chẳng có chuẩn gì cả, nhưng có vẻ như đúng là hai Sở Giáo dục (và Đào tạo), Hà Nội và Sài Gòn, chẳng liên quan gì đến nhau.

Nói đúng hơn, chắc hẳn (ta hoàn toàn có thể suy đoán) chẳng có quy định gì cả, cho nên mọi thứ dường như chỉ được vận hành trên sự tình cờ của cái "hệ bàn phím". Đề thi (1) được gõ bằng một thứ làm cho dấu hai chấm xuất hiện thì tức khắc liền trước đó có dấu cách, đề (2) thì không.

Điểm trên đây rất nhỏ - tất nhiên - nhưng đúng là nó rất tốt để đi vào hai điểm tiếp sau, vì từ nó toát lên một cái gì đó có tính chất lệch lạc nhất định.


Thứ hai,

Ta đọc vào nội dung của (1).

"Câu 2" có nội dung như sau:

"Thơ là hùng biện du dương.

(Voltaired, theo Những bậc thầy văn chương thế giới - Tư tưởng và quan niệm, NXB Văn học, 1995)

etc."

Rất nhiều người sẽ thấy ngay: tên của "Voltaire" bị viết sai thành "Voltaired".

Vấn đề tức khắc nảy sinh: tức là (những) người ra cái đề thi này (như vậy, tôi đã thu hẹp được phạm vi, để không bị mắc trong cái bồng bềnh lỏng lẻo của cụm "ngành giáo dục Việt Nam" như đã nói ở trên nữa), cùng toàn bộ hệ thống hỗ trợ đi kèm (cứ giả sử là có) không đủ sức viết đúng tên Voltaire.

Tức là, những người ra cái đề thi này chưa bao giờ đọc Voltaire - ít nhất, không phải là độc giả đúng nghĩa ("đúng nghĩa" là một khái niệm hơi bồng bềnh, tôi công nhận: tôi sẽ điều chỉnh nó sau, siết cho nó chặt lại) của Voltaire.

Một sự phê phán thích bùng nổ ở đây sẽ nói đến một số điều. Nhưng tôi sẽ không nói đến chúng, mà tôi đi tìm quyển sách.

Mất rất nhiều thời gian tôi mới tìm (lại) được nó, nó đây:



Nhiều người biết nhân vật thứ nhất đứng tên "biên soạn" cuốn sách này, đúng không? Rất nhiều người biết là đằng khác.

Nhận xét thứ nhất: một cuốn sách như thế này đúng là rất dễ làm ai đọc trúng phải nó viết "Voltaire" thành "Voltaired", bởi vì có thể thấy, ở cái mép gấp, dòng đầu tiên, cái tên của Nietzsche bị viết sai ngay lập tức.

Tôi cũng mở ra xem rồi, đúng là trong sách, dưới cái câu của Voltaire (câu đầu tiên của phần "Thơ là gì?", tr. 352), tên của Voltaire viết thành "Voltaired".

Và (những) người ra đề thi văn số (1) đã bê nguyên cái đó vào.

Tới đây là hết phần miêu tả các fact. Từ đây, ta rút ra được những gì?

Tôi tin tôi là người duy nhất biết câu của Voltaire nằm trong cuốn sách nào (trong Những bậc thầy văn chương thế giới, về cơ bản không ghi nguồn các trích dẫn - về cơ bản nó giống một quyển lịch dạng bloc trước đây rất phổ biến, mỗi trang, tức là mỗi ngày, có in câu nào đó, mà người ta gọi là "danh ngôn" - truyền thống danh ngôn rất phong phú, tôi sẽ còn quay trở lại). Ít nhất, (những) người ra đề (1) không biết - một khi đã không viết đúng nổi tên của Voltaire, chắc chắn họ không biết điều kia (và còn chắc chắn hơn nữa, họ chẳng quan tâm).

Đây, để tôi nói cho, câu ấy của Voltaire nằm trong cuốn sách mang tên Remarques sur les Pensées de Pascal. Sau khi Pascal (tôi hy vọng những người ra đề thi có biết đến Pascal, thì ít nhất trong sách giáo khoa của chúng ta Pascal có xuất hiện, "tam giác Pascal" ấy - tôi hy vọng các vị còn nhớ) qua đời, người ta tìm được rất nhiều giấy tờ ghi chép, từ đó mà sinh ra bộ sách mang nhan đề Pensées. Và cuốn sách của Voltaire bình luận (nêu các nhận xét) về Pensées: một sự bình luận sát sạt, rất tuyến tính.

Điều trớ trêu xảy ra ở đây: cuốn sách này không thuộc vào những gì mang lại vinh quang cho Voltaire. Thậm chí nó còn cho thấy cái nhìn thiển cận, sự đố kỵ (không ít), và sự kém cỏi của Voltaire trong nhìn nhận Pascal. Những điều kiểu như vậy vẫn có thể xảy ra chứ, đâu phải khi người ta tên là Voltaire thì mọi thứ đều sáng ngời (đối với riêng tôi, mọi chuyện còn ngược hẳn lại: Voltaire chính là một trong những nhân vật bị mất nghĩa nhiều nhất, vào thời điểm hiện tại - tôi sẽ sớm quay trở lại rất chi tiết với Voltaire, nhân vật mà Roland Barthes từng gọi là "nhà văn hạnh phúc cuối cùng"). Ngay đối với Pascal, chuyện tương tự cũng từng xảy ra, bởi Pascal lại chính là người chế giễu (có thể nói là không hiểu nổi) Montaigne. Nhưng tôi sẽ không sa đà vào đây.

Vì chẳng hề biết Voltaire là ai, đi chép từ một cuốn sách, cho nên (những) người ra đề thi văn số (1) bị một cú lỡm. Chuyện này làm tôi nhớ đến một chuyện khác: trong giới nghiên cứu, rất nhiều người biết có một từ điển về báo chí, có một người làm ra nó, rồi lại có một ông cốp nào đó rất cao cấp chiếm đoạt nó, ghi tên mình như là tác giả. Tức là một vụ ăp cướp rất kinh. Nhưng điều trớ trêu nằm ở chỗ: chất lượng cái từ điển ấy tệ hại vô cùng - và thế là, ông cốp kia bỗng trở thành tác giả cho một đống rác. Tôi nghĩ câu chuyện vừa xong có không ít ý nghĩa hơn so với những câu chuyện triết học (gọi là "récit philosophique") của Voltaire (nhân tiện, Voltaire cũng lại là tác giả của một từ điển - chứ không chỉ tham gia Bách khoa thư tức Encyclopédie - là Dictionnaire philosophique: nói chung, cứ dính đến Voltaire là philo kinh lắm).

Vấn đề đã bắt đầu hiện ra tương đối rõ: (những) người ra đề thi số (1), như những gì họ thể hiện ở câu hỏi liên quan tới Voltaire, cho thấy rằng họ không hề biết đọc (và cũng chẳng đọc gì).

Sự không biết đọc này còn thể hiện thêm ở một điểm hiển hiện sờ sờ: đã không biết đọc, đã không đọc, lúc cần một cái trích dẫn, thì họ đâm ngay vào một cuốn sách ba xu rẻ tiền.

Bởi vì, Những bậc thầy văn chương thế giới (dẫu nhan đề của nó có là gì đi chăng nữa - chính bởi vì nó có nhan đề như thế) là một cuốn sách ba xu rẻ tiền.

Ở đây, ta đi thẳng vào một điểm quan yếu trong câu chuyện xuất bản Việt Nam: 1995 (năm in Những bậc thầy văn chương thế giới) là thời điểm bừng nở của một thứ: biên soạn. Rất nhiều người còn nhớ quyển sách to đùng ngã ngửa, rất là to, "almanach" gì đó, cũng xuất bản xung quanh thời điểm 1995-1996 này. Đó là một biểu hiện lớn của "tinh thần biên soạn" trong xuất bản sách Việt Nam một thời.

Ai rành hơn nữa còn biết đâu là nhân vật ngôi sao của quãng ấy: ai nói Nguyễn Q. Thắng thì vẫn còn hiểu biết quá sơ sài; đó là Nguyễn Hoàng Điệp (trong sự cộng tác với Bùi Việt Bắc: đây là một tandem).

Nhưng nhìn nhận như vậy thì vẫn còn quá nông nổi. Sau đây mới là ba ngôi sao đích thực của "tinh thần biên soạn" trong xuất bản Việt Nam: 1) Vương Trí Nhàn 2) Lại Nguyên Ân và 3) Đỗ Lai Thúy.

Một ví dụ nho nhỏ về nhân vật 1):





Những cuốn sách kiểu như thế này (mà ông Vương Trí Nhàn có thể làm rất dễ dàng: Tô Hoài và Nguyễn Huy Tưởng có rất nhiều "sổ tay", tôi đoán Vương Trí Nhàn cũng nhiều sổ tay ở mức tương đương; một điểm nữa khiến Vương Trí Nhàn có thể làm ra chúng rất nhanh chóng nằm ở bản thân công việc của ông hồi ấy) sẽ có vai trò rất quan trọng cho bước chuyển về sau này của Vương Trí Nhàn. Bởi vì Vương Trí Nhàn sẽ chuyển (nói đúng hơn: xoay). Vương Trí Nhàn sẽ trở thành một người nghiên cứu văn hóa. Ít nhất, những cuốn sách kiểu như thế này khiến Vương Trí Nhàn tin vào một con đường (mới) khả dĩ. Nhưng nghịch lý bắt đầu xảy ra: chính dạng sách này khiến Vương Trí Nhàn có ảo tưởng (một ảo tưởng ghi chép, do quá bị ấn tượng bởi Tô Hoài? rất có thể - cũng như Tô Hoài từng quá bị ấn tượng bởi Nguyễn Tuân); bởi vì, những gì Vương Trí Nhàn làm thật ra là gì? Thật ra trước hết, đúng thế, chính là "ghi chép", nhưng có liên quan gì tới văn hóa hay không? Đây là một điểm tương đối tinh tế, tôi sẽ còn quay trở lại. Một số người sẽ bắt chước theo Vương Trí Nhàn, mà nổi bật hơn cả chính là Phan Cẩm Thượng - nhưng các "ghi chép" của Phan Cẩm Thượng thì thô thiển (hơn nhiều, so với Vương Trí Nhàn: nền tảng học vấn của Phan Cẩm Thượng quá thấp, trình độ tư duy thì ở mức dưới trung bình; không những thế, hoàn toàn không có khả năng hội họa ở phương diện thực hành). Tôi cũng sẽ còn quay trở lại.

Như vậy, đặt riêng 1), 2) và 3) rồi, giờ chúng ta đặt chung họ cạnh nhau, ý nghĩa của trio bỗng trở nên hết sức rõ ràng.

Nhưng vẫn còn có thể làm hơn thế (hoặc, cũng có thể, kém thế): xếp thành từng cặp thì sẽ ra sao?

Cặp 1) và 2) sẽ ra sao?

Ai đủ mức tinh tế sẽ nhận ra điều sau đây: Vương Trí Nhàn lúc nào cũng tránh nhắc đến Phan Khôi.


Trước khi chuyển qua điểm thứ ba liên quan tới ba cái đề thi văn mà chúng ta đang quan tâm, cần có một "rẽ hướng trổ bông", như dưới đây.


Trữ tình ngoại đề: giống và khác, thay đổi và bất biến

Tư Mã Thiên là một gợi ý lớn. Xem ở kia: một điều xuyên suốt trong cái nhìn của Tư Mã Thiên thể hiện ở câu, "cứ thời trước chuộng văn hoa thì thời sau chuộng thực chất"; một người khác nói: "Đạo đức của thời này là những gì lấy từ thùng rác của thời khác". Cũng Tư Mã Thiên: "Sự thế như dòng nước trôi đi, sóng thúc vào nhau sinh ra như vậy. Có gì là lạ?"

Sóng thì khác nhau, sóng thì thay đổi, nhưng "dòng nước" thì không khác, đó là một bất biến (một cách tương đối, nếu mà hình dung được sự tuyệt đối tương đối).



(còn nữa)



nhân tiện, đã tiếp tục Nặng và Thanh của Simone Weil

nhân tiện tiếp: một thông báo nhỏ:


đây chính là điểm xuất phát cho một kế hoạch chắc sẽ không quá nhỏ: Maupassant Project


5 comments:

  1. Tôi tưởng thứ kinh nhất trong ba cái đề văn của bác là vụ trích dẫn cuốn sách của tiến sĩ cận tử chứ?

    ReplyDelete
  2. Bác làm tôi hoảng: có 2 cái tên (gần như duy nhất) trong phê bình được ô Nguyễn Khải đánh giá cao trong "Đi tìm cái tôi đã mất" là Đỗ Lai Thúy và Phong Lê.

    (Tôi cứ định đi tìm mua đọc).

    Xem vẻ, mắt ô Khải cũng k0 được "xanh" lắm, nhỉ.

    ReplyDelete
  3. thế là còn chưa biết trong giới văn chương hay truyền tụng là đừng có nghe lời NK nói, nhất là khi nào NK khen ai

    ReplyDelete
  4. những hạt Brown. trong một cái ao. đẽo cày hoàn kiếm.

    ReplyDelete
  5. I have to thank you for the efforts you've put in penning this site.
    I am hoping to see the same high-grade content from you later on as well.
    In fact, your creative writing abilities has encouraged me
    to get my own site now ;)

    ReplyDelete