Ởkia tôi đã bắt đầu muốn đi vào câu hỏi, Isaac Bashevis Singer (và các nhà văn Đông Âu đầu thế kỷ 20) đọc gì? Lẽ ra tôi muốn chuyển sang Charles Baudoin, hay Otto Weininger là những nhân vật đặc biệt được đọc nhiều hồi ấy, nhưng sau khi, mới đây (về Joseph Roth cũng như ởkia), đi sâu vào câu chuyện Do Thái thế kỷ 20, tôi muốn quay trở lại, một lần nữa (thêm một lớp nữa), với văn chương Isaac Bashevis Singer.
Cũng từ đây, có thể tiếp tục thấy sự một nửa ở trí thức Việt Nam, trên một khía cạnh đặc thù.
Stefan Zweig chắc chắn là một trong những nhà văn được biết đến rộng rãi hơn cả ở Việt Nam, điều đó khỏi phải bàn cãi (người ta từng dịch đến cả các tác phẩm không mấy nổi tiếng của Zweig sang tiếng Việt), nhưng gần như không ai biết Arnold Zweig. Nhưng cuốn tiểu thuyết trong nhan đề có "Verdun" là một trong những tác phẩm văn chương lớn về Thế chiến thứ nhất.
Thomas Mann cũng tương tự: Heinrich Mann (và cả Klaus Mann, etc.) là khoảng trống hoàn toàn.
Isaac Bashevis Singer có một em trai - đó là nhân vật duy nhất trong số bốn anh chị em nhà Singer không trở thành nhà văn. Người chị, và nhất là người anh trai của Isaac Bashevis Singer là một nhà văn không hề tầm thường: Israel Joshua Singer. Thậm chí, trong lời đề tặng một cuốn sách cho người anh, Isaac Bashevis Singer gọi đó là bậc thầy lớn nhất của mình. Ở dưới, tôi sẽ còn quay trở lại với Israel Joshua Singer.
Singer (IB chứ không phải IJ) viết về cuộc sống ở Ba Lan và cuộc sống ở Mỹ. Singer cũng lại viết những câu chuyện kỳ ảo theo đúng truyền thống kể chuyện của người Do Thái (cũng không xa với Andersen) nhưng đồng thời là tác giả của những tác phẩm không thể đẫm thực tại hơn. Đó là một con người có thể đi về các cực điểm.
Satan ở Goray là cuốn tiểu thuyết về quãng giữa thế kỷ 17: người Do Thái vùng quanh Lublin bị Chmielnicki tàn sát thảm thương, cộng thêm câu chuyện về Đấng Cứu Thế (giả hiệu) từ Đất Thánh - Singer, với Satan ở Goray, viết một cuốn tiểu thuyết có thể gọi là lịch sử, nhưng Singer cũng sẽ viết những câu chuyện lấy bối cảnh thế giới hiện đại của nửa sau thế kỷ 20. Và có những lúc Singer rất dài (chẳng hạn, Những bóng người trên sông Hudson: vừa là "bóng người" vừa là "bóng ma", hay bộ đôi The Manor và The Estate), nhưng rất có thể, các thể loại ngắn dưới tay Singer mới thực sự là những tác phẩm lớn - ít nhất không kém so với các tiểu thuyết dài. (một ví dụ - không thành công cho lắm, phải nói vậy - xem ởkia).
Đến một lúc, tôi bỗng kinh ngạc nhận ra: tuy rành rẽ đến từng chi tiết nhỏ một số cuốn sách của Singer (IB), như Shosha hay Kẻ thù (xem ởkia, ảnh cuối cùng) - cuốn tiểu thuyết về Herman Broder một người Do Thái sau Thế chiến thứ hai sang Mỹ sống cùng người vợ vốn dĩ là nông dân Ba Lan đã giấu Broder suốt quãng thời gian chiến tranh; ta biết rằng một câu chuyện như vậy hiếm vô cùng: không nhiều người Do Thái được giấu để thoát khỏi cái chết, nhất là ở Ba Lan (bên Ý và vài nơi khác tình hình đỡ hơn), nhưng vẫn có thể, chẳng hạn Aharon Appelfeld từng kể chuyện được gái điếm che giấu - cùng vài cuốn khác, nhưng tôi hoàn toàn không biết gì về cuộc đời Singer, ngoài vài chi tiết đại cương, sơ sài. Có lẽ những nhân vật hấp dẫn tôi nhất thì tôi lại gần như không để ý tiểu sử của họ - suốt hàng chục năm tôi không biết lấy một thông tin về đời Dostoievski - điều này, tôi hoàn toàn không cố tình, chỉ là vì sách của họ khiến tôi thấy chẳng cần biết thêm gì nữa; thế cho nên, khi tình cờ cuốn biography về Dickens của Claire Tomalin rơi vào tay tôi, tôi đã sững sờ nhận ra, cuộc đời Dickens hấp dẫn ít nhất ngang với những tiểu thuyết cuốn hút nhất của Dickens. Nhưng chính Singer cũng nói, trong khi trò chuyện với Richard Burgin (in thành cả quyển sách to): hồi nhỏ, tầm mười hai tuổi, đọc Dostoievski, Singer hoàn toàn không biết phải đọc tên Dostoievski thế nào, và cũng không cần biết; Singer cũng nói, giả sử Tolstoi sống ở ngay bên kia đường thì chắc cũng không bao giờ mình sang gặp. Không phải cuộc đời nhà văn thì không đáng quan tâm (khi bắt gặp cuốn sách lớn của Tomalin, chẳng hạn, tôi ý thức được là mình thiếu điều thì đã bỏ lỡ nhiều thứ thế nào), nhưng xét cho cùng, cái đó quá thứ yếu - nhà văn càng lớn thì càng không cần người khác để ý đến con người mình, cuộc đời mình (kể cả nếu cái đó hay ho ra sao): viết là xóa bản thân mình đi.
Cũng phải khi đã đọc những cuộc trò chuyện của Singer với Burgin thì tôi mới biết, lúc từ Ba Lan sang Mỹ (ở tuổi ba mươi), Singer mới viết, từ trước, Satan ở Goray, cùng vài truyện ngắn (tất tật trong đó, trừ một, về sau Singer không cho dịch sang tiếng khác, coi như chối bỏ), và đầu quãng thời gian ở Mỹ, Singer gần như hoàn toàn không viết gì, suốt khoảng bảy, tám năm. Mãi khi chiến tranh gần kết thúc, Singer mới lại có một tác phẩm mới (tập truyện ngắn lấy nhan đề chung là tên cái truyện có nhân vật "Gimpel": Saul Bellow sẽ dịch nó, và kể từ đó Singer mới thực sự viết văn, với hình thức feuilleton gần như suốt đời; tôi cũng thấy, "khởi đầu mới" là Gimpel rất có ý nghĩa: như thể Singer có một sự nhận ra, rằng nhà văn, đó là một người ngây thơ, cả tin - đến mức tin mọi thứ, thậm chí ngẫn, đần vì vậy - giống như Gimpel). Như vậy, mặc dù bắt đầu viết rất sớm, Singer (IB) cũng là một nhà văn khởi đầu rất muộn, sau tuổi bốn mươi. Nhanh quá thì cũng có để làm gì đâu.
Văn chương Isaac Bashevis Singer giống như (chính là) một thiên thạch. Ít nhất, đó là văn chương đi qua được nhiều thế giới. Và những mẩu nhỏ (tức là ngắn) của văn chương ấy cũng kỳ lạ và hấp dẫn như tảng thiên thạch nguyên khối - không phải vì nó khác, mà vì nó luôn luôn là một.
Như vậy, quãng văn chương bên Mỹ của Singer (IB) khởi đầu bằng Gimpel the Fool và The Family Moskat. Luôn luôn, đó là con người của cả tiểu thuyết và truyện ngắn. Trong tập "Gimpel" có cái truyện rất đáng nhớ về người đàn ông cứ sống cùng người vợ nào là làm người vợ ấy lăn ra chết: bầu khí hậu của người Do Thái, nhất là các gia đình Do Thái, tại những ngôi làng Đông Âu, hay các thành phố nhỏ - shtetl - trở đi trở lại trong tác phẩm của Singer, cùng cuộc sống ở Warszawa, nhất là "phố Krochmalna" (Singer sống ở đây hồi nhỏ, cụ thể là từ 1908 đến 1917; lúc tình hình quá khó khăn - đang là chiến tranh - thì phần lớn gia đình Singer chuyển tới sống ở Bilgoray, quê nhà người mẹ; Singer sẽ quay trở lại Warszawa vài năm sau đó, trở thành nhà báo - cho đến cuối đời, như Singer nói với Burgin, Singer tự coi mình là nhà báo hơn là nhà văn; và cuộc sống bên Mỹ, tất nhiên: khi Singer (IB) sang Mỹ thì người anh, Singer (IJ) đã ở đó - Israel Joshua Singer qua đời sớm, cuối thập niên 40. (hai anh em nhà văn Singer hơn kém nhau chừng chục tuổi - người anh, theo lời kể của IB, luôn luôn phản đối bố mẹ và truyền thống: đó là một người Do Thái "hiện đại" ở đầu thế kỷ 20; điều này đặc biệt trầm trọng, vì ông bố của họ là một rabbi - IB sẽ nói với Burgin, tại Ba Lan hồi đó, cứ ba người Do Thái thì một là rabbi - bản thân IB cũng không chịu trở thành rabbi; nhưng người em trai út sẽ nối nghiệp ông bố, chi tiết này cũng có trong Shosha)
Shtetl của Do Thái là khung cảnh cho Satan ở Goray: cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh thế kỷ 17, những cuộc tàn sát do các "hetman" Ba Lan/Ukraine thực hiện - quân Cô-dắc và Tác-ta vây thành phố Zamosc rồi cướp phá Goray. Chuyện xảy ra vào năm 1648. Vài năm sau, người Do Thái (những ai còn sống) bắt đầu quay trở về Goray. Đó là lúc một nhà tiên tri xuất hiện từ Jerusalem: Sabbatai Zavi (Zvi), rất nhiều người tin rằng thế giới sắp chấm dứt, Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện cứu dân Do Thái. Tất nhiên, chuyện đã không như vậy (không chỉ là một Đấng Cứu thế giả hiệu, Zavi lại còn đầu hàng người Thổ, trở thành một kẻ phản bội). Ở Mỹ, về sau (Satan ở Goray có thể coi là tác phẩm duy nhất của Isaac Bashevis Singer tại Ba Lan), Singer sẽ viết tác phẩm (ngắn) có nhan đề tiếng Anh là Reaches of Heaven, về cuộc đời Baal Shem Tov. Israel, một đứa trẻ mồ côi, sinh ra tại Đông Âu vào năm 1700, tức là chỉ vài chục năm sau các sự kiện xung quanh Bogdan Chmielnicki và Sabbatai Zavi, và sẽ trở thành nhân vật trọng yếu của một điều có thể coi là cải cách - trên một phương diện nhất định, có thể coi Baal Shem Tov ("Baal Shem" nghĩa là "Master of the Name" còn "Tov" nghĩa là "good": người Do Thái chúc mừng nhau sẽ nói "Mazel Tov") là một tương đương với Martin Luther bên Ki-tô giáo, nhân vật sống trước Baal Shem Tov chừng hai trăm năm; cũng như Luther, Baal Shem Tov không chỉ có ý nghĩa lớn về tôn giáo (giới luật, cùng những điều liên quan), mà còn về cả ngôn ngữ: Luther trong tiếng Đức, còn Baal Shem Tov, tiếng Yiddish. Martin Buber cũng từng viết một cuốn sách về cùng nhân vật: Truyền thuyết Baal Shem Tov.
Trong truyện ngắn của Isaac Bashevis Singer (Singer viết tổng cộng hơn một trăm truyện - tất nhiên không tính những gì đã bị chối bỏ) ta có thể bắt gặp câu chuyện một người đàn ông nghèo khổ nhưng tinh quái đóng giả làm quỷ, đêm đêm cởi truồng vào nhà một bà góa tha hồ sung sướng; một thiên tài toán học ghen tuông bệnh hoạn đến nỗi người vợ luôn luôn có trên người một quyển sổ để ghi lại từng phút mình làm gì - thói quen đó, người phụ nữ vẫn giữ kể cả khi đã bị chồng bỏ; hoặc giả, câu chuyện về một diễn viên, "một người bạn của Kafka" (Singer có cái nhìn không ít phê phán đối với Kafka, cả đối với Proust, nhưng đặc biệt nghiệt ngã với Joyce; Tolstoi cùng Dostoievski dường như là những nhà văn mà Singer ngưỡng mộ hơn cả, cùng Knut Hamsun; trong rất nhiều tác phẩm của Singer có chi tiết nhân vật dịch Der Zauberberg của Thomas Mann).
Một truyện ngắn, đối với Singer (IB) cần phải ngắn (như Chekhov, nhất là như Maupassant - Singer rất chỉ trích các nhà văn viết truyện ngắn rất dài; đặc biệt, Singer chế nhạo Harold Pinter ở điểm trưng bày bản thân nhiều hơn văn chương, cũng như Arthur Koetsler ở điểm chối bỏ nguồn gốc Do Thái). Và đó là các câu chuyện (ở đây, Singer đang lặp lại - ít nhất một phần - truyền thống truyện (récit) "hassidique" như đã thấy ởkia).
Tôi chủ yếu đọc truyện ngắn Isaac Bashevis Singer trong mấy tập dịch sang tiếng Pháp: Yentl (truyện ngắn eponym kể về một cô gái giả làm đàn ông để đi học yeshiva - câu chuyện không khỏi gợi nhắc đến Odel, con gái của Baal Shem Tov huyền thoại: chính theo dòng Odel chứ không phải từ con trai mà Baal Shem Tov tức Israel con trai Eliezer (hồi nhỏ có biệt danh "Srulik") ở Okup mới có một hậu duệ xuất sắc, vì cháu gọi Odel là bà rabbi Nachman sẽ trở thành một học giả Do Thái kiệt xuất, truyền nhân đích thực của ông cụ Baal Shem Tov), Le Blasphémateur, Le Spinoza de la rue du Marché, Les Aventures d'un idéaliste, Gimpel le naïf và Un jour de plaisir (quyển cuối cùng này - A Day of Pleasure trong tiếng Anh - đúng hơn cần xếp vào số các hồi ký của Singer, hoặc còn đúng hơn nữa, vào loạt hai cuốn In My Father's Court cùng phần tiếp theo của nó: một rabbi ở Warszawa cũng có thêm vai trò giống như quan tòa để phân giải những hiềm khích trong cuộc sống của người Do Thái). Những bản dịch tiếng Pháp không hoàn toàn trùng khớp với phiên bản in bên Mỹ, nhưng về cơ bản cũng chứa đựng phần lớn truyện ngắn của Singer. Ngoài Reaches of Heaven về Baal Shem Tov đã nhắc ở trên, Singer cũng viết cuốn sách trong tiếng Anh mang tên The Power of Light, tức là tám câu chuyện cho "Hanukkah" (tôi sẽ còn trở lại với cuốn sách này).
Một trong những tập truyện ngắn in ở Mỹ của Singer (IB) có nhan đề Passions (cũng là tên một truyện ngắn): từ "passions" (dục vọng) này có thể coi là tóm tắt rất nhanh chóng bầu khí hậu của văn chương Singer. Thêm một từ nữa là gần như đầy đủ: "meshugah" (tiếng Yiddish, nghĩa là "điên" - "khùng" thì đúng hơn) - cũng là tên một tác phẩm (ngắn) của Singer: trong Shosha đã có một "vĩ thanh" (Aaron Greidinger, sau chiến tranh, đến Israel và kể cho người bạn gặp lại ở đó đoạn kết cuộc đời Shosha) nhưng Meshugah chính là một đoạn sau nữa của câu chuyện Shosha. Truyện ngắn của Singer lặp đi lặp lại một số điều: nhưng nói đến "chủ đề" hay "mô típ" thì sẽ dẫn đến một hiện tượng: những từ ấy quá yếu. Motif là một từ quá chung chung (vague terms, có thể nói thế): các lặp lại trong truyện ngắn (và cả tiểu thuyết - nhưng ở một mức độ khác và trên bình diện khác; cũng cần phải nhìn thấy sự chuyển dịch giữa truyện ngắn và tiểu thuyết: tôi sẽ còn trở lại) của Singer giống như những tiếng gọi (hay tiếng vọng) - ở đây ta đang đi vào trung tâm dạng tồn tại cũng như chuyển động then chốt của một văn chương - từ một trung tâm nào đó, trung tâm của thiên thạch.
(còn nữa - nhân tiện, đã tiếp "tiếp Sách dở", tiếp bài "Đường đến tầm thường" cũng như bài về Hội Trí Tri)
Giáo dục ý chí ("Isaac Bashevis Singer đọc gì (1)")
Hiện sinh Do Thái (về Shosha)
Hai cuốn tiểu thuyết
Isaac Bashevis Singer
Mehring và Weiss
các nhà văn đều do bẩm sinh nhưng có một số bẩm sinh hơn những người khác :P
ReplyDelete"chảy từ nguồn", như Cioran hẳn sẽ nói
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDeleteIB hẳn là một Tiên tri ở vào cái thời người ta ko còn quan niệm được về hiện tượng đó nữa. hai-nghìn năm hẳn là một trong những cách ước lệ cổ xưa để thế tục có chỗ bám vào mà lập văn tự, vì ko thể lập trên thước thời gian địa chất mà cha Tassin của Rễ Trời ưa dùng. xem trên những khoảng mênh mông ấy thì Tiên tri chắc đã chọn "Ngắn" cho vừa mắt thế gian, nhưng hình thức phúng dụ thì chẳng thể thay bằng cái gì cho được. nhân đây nhớ ngày xưa bé có xem phim "Booc-đăng Khơ-men-nit-xki" sử thi đen trắng mô tả ông này kiểu như một dạng Quận He hehehe
ReplyDeletecũng như rabbi Do Thái nói Messiah "sắp" đến thì cần phải hiểu sắp theo nghĩa thời gian địa chất - tiếp tục
ReplyDeleteThe King of the fields.
ReplyDelete