Jan 1, 2016

Chiến tranh

Sự đơn giản không chỉ không làm nên văn chương, nó còn tiêu diệt văn chương (tất nhiên là ở dạng "sự đơn giản" quen thuộc nhất, vì cũng như nhiều thứ, sự đơn giản tồn tại trong nhiều hình thức). Chiến tranh là trường hợp "extreme" để điều ấy hé lộ, mạnh mẽ hơn ở những thời điểm khác: mọi văn chương tuyệt đối "anh hùng" cũng như mọi văn chương chỉ "phản chiến" đều không phải là văn chương. Anh hùng thuộc về tuyên truyền, nhưng phản chiến, đến lượt nó, cũng thuộc về tuyên truyền nốt, bởi vì khu vực địa dư của nó là "phản tuyên truyền".

Remarque lẽ ra đã phải bị xếp xó từ rất lâu (hiểu chưa, hiểu chưa?) chính vì sự đơn giản quá mức của văn chương ấy. Hemingway cũng thế, Vargas Llosa, hết sức dễ dàng, cho thấy những rao giảng của Hemingway về đàn ông tính, đực tính, là làm xàm đến mức nào (xem thêm ở đây). Giải thưởng Nobel cho Vargas Llosa chính là cách hết sức hữu hiệu để giảm bớt sức mạnh lên đến mức quá sức phi lý của văn chương García Márquez. Không, tôi không nghĩ giải thưởng Nobel có chút nào nhầm lẫn, kể cả trường hợp Pamuk, kể cả trường hợp Mạc Ngôn hay trường hợp gần đây nhất (xem thêm ở đây). Cũng đã đến lúc gói khăn liệm cho những gì Hemingway từng đẻ ra trong sự khô kiệt khả năng sinh sản của mình: những thứ như "triết lý tảng băng trôi" hay sự né tránh các tính từ chẳng hạn. Ở Hemingway có một nghịch lý lớn: trong khi The Old Man and the Sea sẽ còn tồn tại cực lâu như một trong những khoảnh khắc lóe sáng nhất của bóng tối, thì những gì làm nên rất nhiều huyền thoại Hemingway đã tắt lửa từ rất lâu rồi.

Việt Nam là mảnh đất không thể màu mỡ hơn cho sự sinh sôi của hàng tập đoàn thần tượng giả, những nhà tiên tri giả. Cũng đã có người dùng cụm từ gần giống như thế, nhưng những gì thể hiện ở trong đó thì tầm phào đến mức chỉ có thể nghĩ đó là một sự vay mượn sống sượng, một trò khôn lỏi rất đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Việt Nam là đất sống của những lập lòe lân tinh bị tưởng nhầm là mặt trời: García Márquez, Dostoievski, Nabokov, Hemingway, Henry Miller và đặc biệt là Erich Maria Remarque. Cận kề bên là những thần tượng bản địa, tất nhiên cũng là giả nốt: những "Áng Áng Áng", "À À À", "Ái Ái Ái" hay "Ú Ú Ú" (xin lỗi, bởi tôi đã ở quá xa, từ phía ấy chỉ còn vẳng đến tôi vài vọng âm mờ mịt không rõ ràng).

Quay trở lại trường hợp Remarque: để chạm đến văn chương đó, không gì tốt hơn là sử dụng hình ảnh Ernst Jünger, như hôm trước tôi vừa bắt đầu đề cập (xem ở đây). Họ đều là những cựu chiến binh của Thế chiến thứ nhất (Remarque nhập ngũ năm mười tám tuổi, Jünger nhập ngũ năm mười chín tuổi). Họ chiến đấu trong cùng một quân đội thất trận, nghĩa là cùng chiến tuyến với một nhân vật nữa: Adolf Hitler.

Sinh năm 1895, Jünger qua đời năm 1998. Chỉ riêng tuổi thọ của Jünger thôi cũng đã gây khiếp sợ. Tức là Jünger còn thọ hơn cả Claude Lévi-Strauss, hơn Maurice Blanchot và hơn cả Julien Gracq. Ta có thể hình dung Jünger có nhiều vòng đời hơn hẳn so với tuyệt đại đa số nhà văn từng tồn tại trên đời. Ta cũng biết là trong đời mình, Jünger trải qua nhiều vòng, rất nhiều vòng.

Quân đội nước Đức thất trận vào năm 1918 (xem thêm ở đây) nhưng vẫn có những anh hùng của nó. Jünger thuộc về rất ít (chừng hơn một chục) trung úy được nhận huân chương chiến tranh hạng cao quý nhất của Đức (chính Hindenburg là người vô cùng phản đối để cho một sĩ quan trẻ như Jünger được nhận vinh dự cao đến như thế; ai rành lịch sử Thế chiến thứ hai đều biết Hinderburg sẽ đóng vai trò như thế nào trong sự vươn lên khủng khiếp của Hitler và sự bùng nổ của Thế chiến thứ hai). Jünger anh hùng, và cuốn sách Trong lửa đạn của ông trở thành một dạng Kinh Thánh. Henri Barbusse có làm được điều ấy ở Pháp không? Dường như là không.

Khi Hitler đã yên vị ở nơi cao nhất trong hệ thống chính trị nước Đức, sách của Remarque bị đốt không ít (tất nhiên Remarque chỉ là một trong số rất nhiều nhà văn, học giả bị chế độ Nazi đốt sách). Còn Jünger? Thời điểm 1939, Jünger có một hành động còn lớn lao hơn nhiều so với huân chương chiến công từng nhận sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc. Đúng cái năm gay cấn nhất của lịch sử châu Âu ấy, cuốn sách của Jünger Auf den Marmorklippen (Trên những vách đá) được in. Cuốn sách mỏng đặc biệt này dựng ra một bối cảnh tưởng tượng: Marina, Alta-Plana, cuộc đối đầu giữa dân du mục và những người trồng nho, và sự xuất hiện khủng khiếp từ bóng tối của một bạo chúa. Jünger chính là người thách thức Hitler ở khoảng cách gần nhất, bằng khả năng tiên tri lớn lao của mình. Rất nhiều tay chân thân cận của Hitler không thể chịu đựng được điều này và đòi Hitler xử lý Jünger. Nhưng Hitler đã từ chối, Jünger trở thành nhà văn Đức duy nhất thách thức Hitler trực diện mà Hitler không dám làm gì. Sự việc gần giống như sau này de Gaulle từ chối bỏ tù Sartre, nhưng đặt Hitler cạnh de Gaulle? Thật phi lý, nhưng theo tôi cũng không hẳn là không có một chút tương thích.

Jünger còn yên ổn để phục vụ quân đội Đức, Wehrmacht, trong Thế chiến thứ hai, thường xuyên ở Paris. Trong Những kẻ thiện tâm, Jonathan Littell đã để cho Jünger xuất hiện, một hình ảnh vô cùng đáng nhớ.

Sau này, người ta diễn giải Trên những vách đá còn vượt tầm đả kích riêng Hitler, vì người ta còn dần dà nhận ra trong đó hình ảnh của cả Stalin.

Và chính vào thời điểm này, Julien Gracq xuất hiện. Bình luận của Gracq về Jünger đã nâng hẳn tầm vóc của Jünger lên, nâng hẳn Trên những vách đá lên địa vị của một cái gì đó to lớn khủng khiếp, còn vượt xa cả 1984 của Orwell.

Thiên tài của Jünger nhanh chóng được các nhà văn lớn khác nhận ra (thiên tài thì nhìn ra thiên tài). Đề tài của Trên những vách đá rất nhanh chóng được Dino Buzatti sử dụng lại trong Hoang mạc Tác-ta. Gần đây nhất, ta có Đợi bọn mọi của Coetzee. Và giữa hai tác phẩm vĩ đại ấy là Bờ biển Syrtes của chính Julien Gracq, người ngưỡng mộ Jünger, biến Jünger trở thành một trong hai vị thánh bảo trợ của mình, bên cạnh André Breton của giai đoạn viết Un balcon en forêt. Trên blog này, tôi cũng từng có lần nói đến cuốn tiểu thuyết của Gracq. Bộ bốn tác phẩm ấy, mở đầu bằng Trên những vách đá, tự kết cấu với nhau tạo thành một cái nhìn mạnh khủng khiếp vào bạo lực và ngu xuẩn, vào độc tài và sự yếu đuối. Jünger ở ngọn nguồn của toàn bộ câu chuyện ấy, một trong những gì đẹp nhất mà lịch sử văn chương nương nhờ chiến tranh từng tạo ra.

Thế chiến thứ nhất từng có những người như thế, như Ernst Jünger của Trong lửa đạn. Thế chiến thứ hai, đến lượt mình, cũng có những con người đồ sộ; một trong số ấy mãi về sau mới dần được hiểu: Curzio Malaparte.


Vài thứ liên quan đến Thế chiến thứ nhất:

Văn chương và Thế chiến thứ nhất
Thế chiến thứ nhất: những ngôi sao

7 comments:

  1. Dostoievski và Nabokov mà cũng chỉ là lập lòe lân tinh thôi sao? Nếu có một bài nữa để nói chi tiết thì hay quá.

    ReplyDelete
  2. Chắc vì người Việt hay đặt những tôn sùng của họ lên làm thánh, như ông chủ tịch gì gì đó chẳng hạn. Dostoyevski thì đọc xong nói một lần thì hết rồi, chẳng còn gì để nói thêm, bởi ông viết rõ ràng dễ hiểu, chủ yếu thiên về câu chuyện và các miêu tả tâm lý, rồi thì xong còn gì nói nữa. Nhưng như thế là đủ rồi, người Việt sống quá thực tế nên tôn sùng hiện thực, phải súng ống ở đây và khoai mỳ chỗ đó mới được. Như thế dường như họ tôn ông lên hơi quá, ông là nhà văn hay nhà tư tưởng? Và họ thường đánh đồng tất cả. Trái ngược với Dostoievsky thì Franz Kafka vẫn được nói mãi, về một hiện thực khác, một cách nói hiện thực khác, nhưng hình như không phải ở người Việt mình, ở mình toàn là nhà tư tưởng hơn là nhà văn. Nên nói Dostoievsky cũng chỉ là lập lòe lân tinh hay sao (về khía cạnh văn chương)? Có phải thế không chị Nhị Linh?
    Ps. Đợi chị thêm một bài nữa về Franz Kafka. Chỉ thích mỗi Kafka thôi.

    ReplyDelete
  3. Hay quá chú ạ. Cháu chưa từng được học với một thầy cô môn Ngữ văn nào mà giảng văn tương tự như chú.

    ReplyDelete
  4. ngoài viết lách, Malaparte còn làm phim, chỉ một nhưng cũng rất nổi tiếng là Il Cristo Proibito. hóng Nhị Linh phê bình

    ReplyDelete
  5. chẳng có gì để "hóng" đâu

    ReplyDelete
    Replies
    1. em hóng ké ạ...lâu rồi NL bỏ mặc phim ảnh dù viết rất hay

      Delete