Jan 13, 2016

lại vẫn nhưng

băn khoăn, tôi rất băn khoăn, băn khoăn nhất khi đọc lại chính tôi, một công việc vô cùng khó nhọc, nghiệt ngã nhất trong sự nhìn lại (ví dụ như ở đây); hiểu mình là điều khó nhất, vậy thôi

tôi lại thấy thêm ở đây
                                     ở đây
                                              và ở đây

và nhất là bài viết dưới đây, mà hình như tôi đã không cho lên blog này, khi viết nó vào quãng giữa năm 2010; nó tuyệt đối quan trọng


Thành phố được suy tàn



Người Do Thái lang thang (Le Juif Errant, như nhan đề một cuốn sách của Eugène Sue - tác giả Bí mật thành Paris), thích cho vay cắt cổ, hay người Thổ hung hiểm giảo hoạt thích dùng thanh gươm cong, chỉ văn chương mới tạo ra được những hình ảnh ăn sâu đến vậy. Và cũng chỉ văn chương mới giải trừ được các huyền thoại dân gian lan truyền nhiều đời.

Orhan Pamuk của cuốn hồi ký Istanbul (Nguyễn Quốc Trụ dịch, Nhã Nam & NXB Văn Học) là nhà văn của phân tích kỹ càng và của sự giải thích mềm mại; sự chừng mực trong cách nhìn và sự phê phán của ông (nhất là phê phán cách nhìn Istanbul của người phương Tây và sự Tây hóa vô lối của người Thổ Nhĩ Kỳ) thu hút sự ngưỡng mộ cho những người Thổ đặc biệt nhưng ít được biết tới, Ahmet Rasim “nhà bỉnh bút” hay Koçu nhà bách khoa, nhưng không nhấn chìm Edward Said vào sự thù ghét hoặc phóng đại sự sai lệch trong tác phẩm quá nhấn mạnh tính “kỳ hoa dị thảo” của Pierre Loti. Cách nhìn không phi thường về một thành phố phi thường như Istanbul, bờ cõi của cả Đông phương và Tây phương, nơi mọi cái tên đều thuộc vào lịch sử kỳ vĩ của một nền văn hóa: Byzance, Ottoman, Hagia Sophia, pasha… không những tạo ra những góc quay thật đẹp về mùa đông Istanbul, khói phà tỏa trên mặt vịnh, những con tàu cháy ngoài biển, mà còn tạo ra được một hiệu ứng đặc sắc: ngay cả trong cái kỳ vĩ vẫn có thể tìm ra được điều giản dị của đời thường và sự kỳ lạ của những mẩu tin trên báo chí (chương "Đừng vừa đi ngoài đường vừa há hốc miệng ra"), miễn là có đầu óc sáng suốt. Một trong những điều đặc biệt của Istanbul (cuốn sách có quá nhiều điều đặc biệt, tất cả đan cài xâu chuỗi móc xích vào nhau giống như một bức tranh nhiều họa tiết phức tạp trong hội họa đạo Hồi) là suy nghĩ của Pamuk về sự suy tàn. Không thể nói là một con người say đắm với thành phố quê hương như Pamuk lại thoải mái và vừa lòng với sự suy tàn cứ ngày ngày diễn ra trước mắt ông, một cách vật chất chứ không hề trừu tượng, lẩy ra từ trong sách vở: chương "Phá hủy dinh cơ của các pasha: nỗi buồn dạo phố" mô tả những dinh thự bằng gỗ của Istanbul cứ thi nhau cháy rụi: “Vào những năm cuối thập niên 1950, hầu hết những dinh cơ này bị đốt rụi hoặc phá hủy, dọn đường cho các khu căn hộ” (tr. 48). Thế nhưng, những đoạn tả cảnh hay nhất (gồm những câu văn thật dài, nhiều chục dòng không dấu chấm) lại là khi Pamuk đưa cái nhìn chầm chậm theo những đổ nát, hoang phế đế chế, những bức tường không còn đứng vững, những vết nứt, những vỉa hè lát đá vỡ. Với suy tàn cái nhìn ấy ve vuốt, dịu dàng hơn nhiều so với những khi nhìn vào đổi thay cuộc sống và phong tục, hay sự hiện đại hóa. Thành phố Istanbul được suy tàn, chỉ đống đổ nát của một nền văn minh mới có sức mạnh gợi hứng cho một cái nhìn mới, của một con người tự nhận mình “thuộc thế hệ thứ nhất của một nền văn minh mới” thay thế cho những người Ottoman từng chinh phục Byzance. Chương "Chinh phục hay suy tàn? Constantinople trở thành Thổ Nhĩ Kỳ" là nơi sự lưỡng lự đẹp đẽ nhất trong trí tuệ Pamuk này được hé lộ và phân tích kỹ càng. Sống ở một thành phố như Istanbul, người ta không được phép không lưỡng lự, nếu muốn xứng đáng với tinh thần thành phố của mình. Istanbul vẫn cứ là thành phố kỳ lạ ấy, mà Pamuk đã cống hiến toàn bộ tài năng để cảm nhận, và sống, cái thành phố mà Dario Moreno đã phác họa thật khái quát và đơn giản đầy hiệu quả bằng một bài hát: “Istanbul, đó là Constantinople… Istanbul đó không còn là châu Âu nữa. Hoặc là Istanbul hoặc là Constantinople”.


tôi mới nhìn lại cuốn sách Istanbul; tôi tự hỏi tại sao lúc nào mình cũng thấy nó quan trọng đến thế, quan trọng không thể tưởng tượng nổi

và tôi đã hiểu: chính đó là khi, lần duy nhất, Orhan Pamuk thực sự thành thực, khi thú tội trước thành phố của mình, ở mọi tác phẩm khác của Pamuk, tôi đều nhìn thấy quá nhiều sự giả vờ: chủ yếu là gồng lên, nhưng dẫu có như vậy thì vẫn là giả vờ

và tôi đã hiểu, chỉ với Istanbul tôi mới viết được một cái text in lên bìa sau như thế:


Đây chính là cuốn sách biến Pamuk trở thành nhà văn của thành phố Istanbul, đúng như cách thức đã từng làm cho James Joyce là nhà văn của Dublin và Paul Auster thuộc về New York. Trong một viễn tượng hội họa, Istanbul tỏa khói những con phà, trầm lắng một nỗi buồn đế chế giữa ngổn ngang đổ nát thành quách cũ và đọng mãi trong tâm tưởng người đọc hai màu đen trắng, màu của quá khứ, của một ký ức hoang phế nhưng cũng đầy sức mạnh. Người ta chỉ có thể thực sự hiểu năng lượng văn chương của Orhan Pamuk khi thấm đẫm từng dòng ông viết về thành phố của ông, và khi ấy, sẽ không còn ai thấy kỳ lạ việc ông dành cả đời sống ở đó, trong ngôi nhà tuổi thơ, ngồi viết tại cái bàn nhìn ra mưa nắng trên mặt biển vịnh Bosphorus, điểm mốc phân chia ranh giới giữa Đông và Tây.


tôi đã viết nhiều text, có những lúc tôi cũng viết được rất không tệ, như cho Nghe mùi kết thúc (với tôi, tên của nó vẫn cứ là Đoạn kết đã thấy), xem ở đây, nhưng bởi vì không nhìn ra được sự thành thực khốc liệt ấy, nên tôi không sao làm ra nổi một text bìa như cho Istanbul 

No comments:

Post a Comment