Dec 4, 2016

Maldoror: I, 9

Khi gặp Milan Kundera hồi năm ngoái, tôi nhận ra ông già chín mươi tuổi gầy guộc cao lớn lưng hơi còng không một chút râu ria, vận toàn đồ đen, ánh mắt và nụ cười rất Trung Âu kia, xuống tận chân cầu thang để đón tôi, quan trọng đối với tôi đến như thế nào. Về đọc, về viết, về văn chương, về sự sắp xếp giá trị (Musil, Broch, Roth, Kafka, Gombrowicz, và cả Rabelais), về đọc thì phải như thế nào, viết thì phải ra sao, văn chương nghĩa là gì, nhưng là còn cả một điều nữa: về việc quê hương đích thực có thể nằm ở đâu.

Kundera của năm 2015 đã hoàn toàn xong việc, đã chuẩn bị cho một Cuộc Trở Về Vĩ Đại không hoàn toàn giống nhưng cũng không hẳn là khác cái cuộc trở về trong cuốn tiểu thuyết lớn nhất mà Kundera từng viết, Vô tri. Nhưng vẫn còn lại khía cạnh một nhà văn thích chọc quê thế giới. Kundera hỏi tôi thích đọc nhà văn Pháp nào, khi tôi ấp úng, "Maurice Blanchot", ông ấy nói luôn, không cần nghe tiếp nữa, như thế thì hơn hết tụi Gallimard rồi. Nói đến một chuyện gì đó, Kundera quay sang vợ, bà ấy nhắc, "đấy là hồi Václav (Havel) còn sống". Kundera tin là ở Séc có rất nhiều người Việt Nam.

Năm tôi mười sáu tuổi, L'Immortalité của Kundera trong bản dịch tiếng Việt làm tôi phải đi mày mò về một nhà văn có cái tên kỳ quái: Milan, giống như cái thành phố nằm trong câu đầu tiên La Chartreuse de Parme của Stendhal. Tôi nhanh chóng rơi trúng Cuộc sống không ở đây. La Vie est ailleurs là cuốn tiểu thuyết về các nhà thơ: đó là khi tôi đọc về những nhà thơ mà tôi đã biết, Puskin hay Lermontov, nhưng cũng là về các nhà thơ tôi chưa từng biết, nhất là Shelley. Nhưng người để lại cái tên sâu đậm nhất cho tôi là Lautréamont. Rimbaud, tất nhiên, nhưng dẫu sao, Rimbaud vẫn nằm trong số các nhà thơ mà tôi phải học, nên không thể hấp dẫn bằng Lautréamont.

Tôi có một thói xấu, đã nói qua ở kia, đó là nhét vô số thứ vào ngăn kéo, suốt những năm dài. Trong ngăn kéo của tôi tất nhiên có nhiều thứ của Milan Kundera, nhưng tôi cứ để đó đã, nguyên cả tiểu thuyết L'Insoutenable légèreté de l'être mà tôi dịch xong từ lâu chẳng hạn, vẫn để đó, để thêm tiếp nhiều năm nữa thì có sao đâu.

Les Chants de Maldoror của Lautréamont cũng nằm trong ngăn kéo từ rất lâu. Dưới đây là trích từ "Chant premier", chương thứ chín (ta sẽ thống nhất ký hiệu cho các "khúc" của Maldoror là LA MÃ, ảrập nhé), tức là I, 9.


Những khúc ca Maldoror

I, 9

Ta tự đề xuất, mà chẳng hề xúc cảm, lớn giọng ngâm những câu thơ nghiêm trang và lạnh lùng mà các ngươi sắp nghe đây. Các ngươi phải chú tâm vào những gì mà chúng chứa đựng, và phải phòng ngừa sẵn ấn tượng nặng nề chúng không khỏi gây ra, còn lại như sau khi một con dấu sắt nung áp lên, trong trí tưởng tượng tán loạn của các ngươi. Đừng nghĩ ta sắp chết đến nơi, bởi ta còn chưa là một bộ xương, và tuổi già còn chưa dán lên trán ta. Do vậy chúng ta hãy loại bỏ mọi ý so sánh với con thiên nga, vào thời điểm cuộc sống của nó vụt bay đi mất, và hãy chỉ nhìn thấy trước các ngươi một con quái vật, mà ta sung sướng vì các ngươi không thể trông rõ mặt; nhưng, bộ mặt ấy còn đỡ gớm ghiếc hơn nhiều so với tâm hồn của nó. Tuy nhiên, ta lại chẳng phải một tội đồ… Về chuyện này bấy nhiêu là đủ rồi. Cách đây chưa lâu ta đã gặp lại biển, bước trên boong những con thuyền, và các kỷ niệm của ta náo nhiệt như thể ta mới chỉ vừa rời nó hôm trước. Thế nhưng hãy, nếu các ngươi có thể, cũng bình thản giống như ta, trong cuộc đọc này mà ta đã thấy hối tiếc vì cho phép các ngươi, và đừng đỏ mặt xấu hổ với ý nghĩ trái tim con người nghĩa là như thế nào. Ôi bạch tuộc với ánh mắt lụa! mi, mà tâm hồn gắn chặt không rời tâm hồn ta; mi, đẹp đẽ nhất trong số mọi cư dân trên quả cầu trái đất, và điều hành một hậu cung gồm bốn trăm giác mút; mi, nơi ngự trị một cách cao quý, giống như trong một nơi cư ngụ tự nhiên, theo một thỏa thuận chung, một mối liên hệ bất khả tàn hủy, phẩm hạnh thông giao êm đềm và các ân sủng thần linh, tại sao mi không đến đây cùng ta, bụng thủy ngân của mi tì lên ngực nhôm của ta, hai ta cùng ngồi trên một tảng đá bờ biển, để ngắm quang cảnh mà ta ưa chuộng kia!

Đại dương già nua với những con sóng pha lê, mi giống chằn chặn với các dấu chỉ thanh thiên mà người ta nhìn thấy trên cái lưng tơi bời của rêu; mi là một màu xanh rộng lớn, áp lên cơ thể của trái đất: ta thích so sánh này. Vậy nên, ở khía cạnh đầu tiên của mi, một hơi thở buồn thật dài, mà người ta tưởng đâu là tiếng thì thầm cơn gió dịu của mi, lướt qua, để lại những dấu vết không thể xóa mờ, trên tâm hồn rung đảo sâu xa, và mi gợi nhớ đến các tình nhân của mi, mà chẳng phải lúc nào người ta cũng nhận ra, khởi đầu khốc liệt của con người, nơi hắn làm quen với nỗi đau, cái thứ sẽ không còn rời bỏ hắn nữa. Ta chào mi, đại dương già nua!

Đại dương già nua, hình dáng tròn cầu hài hòa của mi, gây vui sướng cho khuôn mặt uy nghi của kỷ hà học, sao cứ khăng khăng nhắc ta phải nhớ tới những lỗ mắt nhỏ xíu của con người, đê tiện chẳng khác mắt lợn rừng, và tới mắt lũ chim đêm, với công tua tròn xoe hoàn hảo. Tuy nhiên, con người từng tưởng hắn đẹp trong mọi thế kỷ. Ta thì cho con người chỉ tin vào vẻ đẹp của hắn do bởi lòng tự ái; nhưng, hắn không thực sự đẹp và hắn cũng ngờ điều đó; bởi, tại sao hắn lại nhìn mặt đồng loại của hắn với chừng ấy khinh bỉ? Ta chào mi, đại dương già nua!

Đại dương già nua, mi là biểu tượng cho căn cước: luôn luôn bằng đúng chính mi. Mi không biến đổi theo một cách thức cốt yếu và, ngay cả khi sóng của ngươi lên cơn thịnh nộ ở đâu đó, thì xa hơn, tại một vùng khác nào đó, chúng vẫn ở trong sự bình lặng hoàn toàn nhất. Mi không giống con người, hắn dừng lại trên phố để xem hai con chó ngao lao vào cắn cổ nhau, nhưng lại chẳng dừng chân khi có một đám tang đi qua; kẻ ấy sáng nay thì biết điều thế, nhưng tối đến thì đã tâm trạng tồi tệ; hắn cười hôm nay khóc ngày mai. Ta chào mi, đại dương già nua!

Đại dương già nua, hẳn chẳng có gì là không thể đối với những gì mi che giấu trong lòng, các tiện ích tương lai cho con người. Mi đã cho hắn cá voi. Mi không để dễ dàng đoán định, trước những cặp mắt hau háu của các môn khoa học tự nhiên, hàng nghìn bí mật về sự tổ chức thâm sâu bên trong mi: mi thật khiêm nhường. Con người cứ tự tán dương không ngừng, rặt vì những điều lặt vặt. Ta chào mi, đại dương già nua!

Đại dương già nua, những loài cá khác nhau mà mi nuôi dưỡng đã không thề bồi tình huynh đệ với nhau. Loài nào cũng sống riêng rẽ. Các khí chất và cấu hình tổng thể đổi thay ở mỗi loài giải thích, một cách đầy đủ, những gì thoạt tiên trông như chỉ là một sự bất thường. Đối với con người cũng thế, hắn không có cùng các lý lẽ biện minh. Một mẩu đất có ba mươi triệu người sống trên, những kẻ ấy tưởng đâu mình buộc phải không được dây dưa với sự tồn tại của hàng xóm, cố định giống như các rễ cây trên mảnh đất thích hợp. Từ kẻ lớn đến kẻ nhỏ, mỗi con người lại sống như một tên mọi rợ trong hang ổ của hắn, và hiếm khi nào chui ra để thăm thú đồng loại, vốn dĩ cũng thu lu giống y trong một cái ổ khác. Gia đình chung lớn lao của loài người là một xứ Phi Lai xứng với thứ logic nhỏ mọn nhất. Ngoài ra, từ cảnh tượng những bầu vú phì nhiêu nhất của mi mọc ra khái niệm bội bạc; bởi vì, người ta ngay lập tức nghĩ đến những bố mẹ đông đảo kia, bội bạc đối với Đấng Sáng Tạo đến nỗi bỏ rơi thành quả sự kết hợp thảm hại của chúng. Ta chào mi, đại dương già nua!

Đại dương già nua, sự kỳ vĩ vật chất của mi chỉ có thể so sánh với kích cỡ mà người ta tưởng tượng về sức mạnh tích cực từng phải có để sinh ra được tổng thể khối của mi. Người ta chẳng thể nào bằng một ánh mắt mà bao quát được mi. Để chiêm ngưỡng mi, cái nhìn phải xoay ống viễn vọng của nó, theo một chuyển động liên tục, về bốn điểm nơi chân trời, giống một toán học gia, nhằm giải một phương trình đại số, và buộc phải kiểm tra riêng rẽ rất nhiều trường hợp khả dĩ, trước khi tìm được đáp số. Con người ăn các chất nuôi dưỡng, và phải nỗ lực trong nhiều thứ khác, xứng với một số phận tốt đẹp hơn, để trông có vẻ béo tốt. Nó cứ việc phồng mãi lên, con ếch đáng yêu đó. Hãy yên tâm, làm sao mà nó to bằng mi cho được; ít nhất thì ta giả định như vây. Ta chào mi, đại dương già nua!

Đại dương già nua, nước của mi đắng. Chính xác cùng vị với thứ mật mà phê bình tiết ra về mỹ thuật, về các môn khoa học, về mọi thứ. Nếu ai đó có thiên tài, người ta sẽ coi anh ta là một thằng đần; nếu một ai đó khác có cơ thể đẹp, thì đó sẽ là một tên gù đáng ghê tởm. Chắc chắn rồi, con người phải cảm nhận mãnh liệt về sự thiếu hoàn hảo của hắn, vả lại ba phần tư trong đó chỉ tùy thuộc mỗi vào hắn, thì mới có thể phê bình được như vậy! Ta chào mi, đại dương già nua!

Đại dương già nua, lũ con người, mặc cho sự tuyệt hảo trong các phương pháp của chúng, vẫn còn chưa, nhờ vào các cách thức tìm hiểu của khoa học, đo được độ sâu chóng mặt các vực thẳm của mi; mi có những vực khiến cho các dây đo dài nhất, nặng nhất, cũng phải công nhận là bất khả xâm nhập. Với lũ cá… thì được phép: nhưng không phải với con người. Ta từng hay tự hỏi đâu là thứ dễ nhận biết hơn: độ sâu của đại dương hay độ sâu trái tim con người! Thường thì, tay khum lại đặt lên trán, đứng trên những con thuyền, trong khi mặt trăng treo đung đưa xộc xệch giữa các cột buồm, ta bắt chợt chính ta, làm tan biến mọi thứ gì không phải mục đích mà ta theo đuổi, cố công giải bài toán hóc búa ấy! Phải, bên nào sâu hơn, bất khả xâm nhập hơn: đại dương hay trái tim con người? Nếu ba mươi năm kinh nghiệm cuộc đời có thể, cho đến một mức nào đó, làm nghiêng cán cân về phía này hay phía kia, thì ta sẽ được phép nói rằng, mặc cho độ sâu của đại dương, không thể xếp nó cùng, khi so sánh về thuộc tính này, độ sâu trái tim con người. Ta từng có quan hệ với những con người rất đức hạnh. Bọn họ chết ở tuổi sáu mươi, không ai là chẳng hét lên: “Họ đã làm điều tốt trên trái đất này, nghĩa là đã rất nhân từ: chỉ vậy thôi, đâu có khôn gì, ai cũng có thể làm được như vậy.” Ai mà hiểu nổi tại sao hai tình nhân mới hôm trước còn thờ phụng nhau, chỉ vì một lời hiểu sai, tách khỏi nhau, một về đông, một sang đoài, trong lòng giày vò hờn căm, trả thù, tình yêu và hối hận, và không gặp lại nhau nữa, mỗi bên chui sâu vào trong lòng kiêu hãnh cô độc. Đó là một phép mầu ngày nào cũng tái khởi và chẳng vì thế mà bớt mầu nhiệm đi. Ai mà hiểu nổi tại sao người ta lại đi hân hưởng không chỉ các ô nhục chung của đồng loại, mà cả các ô nhục riêng ở những người bạn thân quý nhất, trong khi cùng lúc đó người ta cũng đau lòng vì vậy? Một ví dụ không thể bàn cãi để có thể khép lại cái chuỗi này: con người, tràn đầy đạo đức giả, nói có và nghĩ không. Chính bởi thế mà lũ nhóc đầu gấu của nhân loại mới tin tưởng lẫn nhau đến vậy và không ích kỷ. Tâm lý học còn phải tiến bộ rất nhiều. Ta chào mi, đại dương già nua!

Đại dương già nua, mi hùng mạnh quá, đến nỗi lũ con người đã phải trả giá rất đắt mới biết được điều đó. Dẫu bọn chúng có vận dụng tới tất tật kho thiên tài của mình… cũng không tài nào chế ngự nổi mi. Bọn chúng đã tìm ra bậc thầy cho mình. Ta nói bọn chúng đã tìm được điều gì đó mạnh hơn chúng. Điều gì đó này có một cái tên. Cái tên ấy là: đại dương! Nỗi sợ mà mi gây cho bọn chúng lớn tới mức bọn chúng kính trọng mi. Mặc cho điều đó, mi vẫn, duyên dáng, nhã nhặn và dễ dàng, khiến xoay tròn những máy móc nặng nhất của bọn chúng. Mi khiến những máy móc đó nhảy vọt lên đến tận trời, rồi nhào chúi đáng ngưỡng mộ nghỉm hẳn xuống đáy các lãnh địa của mi: một diễn viên nhào lộn hẳn cũng phải lấy làm ghen tị. Chúng đã thấy sung sướng lắm, những lúc mi không nhất quyết bọc lấy chúng trong các nếp gấp sôi sục của mi, để đi xem, mà chẳng cần đến đường sắt, trong nội tạng nước của mi, lũ cá ra sao, và nhất là chính chúng ra sao. Con người nói: “Ta khôn ngoan hơn đại dương.” Cũng có thể; thậm chí như thế còn khá đúng; nhưng đại dương với hắn thì đáng ngại hơn là hắn đối với đại dương: điều này thì chẳng cần phải chứng minh. Lão già đáng kính giàu óc quan sát kia, đương thời với các giai đoạn đầu tiên của cái khối cầu lơ lửng của chúng ta, mỉm cười thương hại, khi dự vào các trận hải chiến giữa những quốc gia. Đây, chừng một trăm quái vật biển chui ra từ những bàn tay loài người. Các mệnh lệnh rổn rảng của thượng cấp, những tiếng la hét lũ người bị thương, những phát đạn đại bác, đó là tiếng ồn được cố tình gây ra nhằm tiêu hủy vài giây. Dường như vở kịch đã kết thúc, và đại dương đã tống tất tật vào trong bụng nó. Cái miệng thật khủng khiếp. Chắc là phải to lớn lắm về phía dưới, hướng theo cái không biết! Để đẩy lên mức tối cao vở hài kịch ngu xuẩn, thậm chí còn chẳng tới mức thú vị, người ta thấy, giữa không trung, một con cò, chậm cánh vì mỏi mệt, kêu toáng lên, vẫn không ngừng chao cánh rộng: “Này!… tôi thấy tệ quá đi! Bên dưới có các chấm đen; tôi đã nhắm mắt lại: chúng biến mất rồi.” Ta chào mi, đại dương già nua!

Đại dương già nua, ôi kẻ độc thân to lớn, lúc mi băng ngang nỗi cô đơn trang trọng các vương quốc ơ hờ của mi, mi có lý khi lấy làm kiêu hãnh về vẻ kỳ vĩ vốn dĩ của mi, và về những lời tụng ca thật đúng mà ta vội vã trao mi. Tràn đầy khoái lạc, bồng bềnh trên những luồng hơi uốn toát ra từ sự chậm uy nghi của mi, thứ kỳ vĩ nhất trong số các thuộc tính mà quyền năng tối thượng đã trao mi, mi bày ra, giữa một sự bí ẩn u tối, trên toàn bộ bề mặt trác tuyệt của mi, những làn sóng không gì sánh nổi của mi, với cảm giác êm đềm về sức mạnh vĩnh cửu của mi. Chúng giăng hàng nối đuôi nhau, chia cách bởi những quãng ngắn. Một đợt vừa ngớt, đợt khác đã ào tới va vào làm nó to lớn thêm, đi kèm với tiếng ồn sầu muộn của bọt tan, nhằm báo cho chúng ta biết rằng mọi thứ đều là bọt mà thôi. (Cũng vậy, lũ con người, những đợt sóng sống động ấy, lần lượt theo nhau chết đi, theo một cách thức đơn điệu; nhưng, chúng thì chẳng hề để lại tiếng ồn của bọt.) Con chim bay ngang tin cậy đậu xuống chúng, và buông mình theo những chuyển động của chúng, những chuyển động duyên dáng kiêu hãnh, cho tới khi nào xương cánh chúng hồi phục sự mạnh mẽ quen thuộc để có thể tiếp tục cuộc hành hương không trung. Ta những muốn vẻ huy hoàng con người chỉ là hiện thân ánh phản chiếu sự huy hoàng của mi. Ta đòi hỏi rất nhiều, và mong muốn chân thành này là nhằm mang lại vinh quang cho mi. Sự lớn lao về đạo đức của mi, hình ảnh của bất tận, cũng mênh mông như suy tư của triết gia, như tình yêu người phụ nữ, như vẻ đẹp thần thánh của chim, như những trầm ngâm của thi sĩ. Mi còn đẹp hơn đêm. Trả lời ta đi, đại dương, mi có muốn trở thành huynh trưởng của ta? Mi hãy quẫy động thật dữ dằn… thêm… thêm nữa, nếu mi muốn ta so sánh mi với sự trả thù của Thượng đế; mi hãy duỗi các móng vuốt nhợt màu của mi, trong lúc vạch một con đường trên chính ngực mi… được rồi. Hãy bày các đợt sóng đáng kinh hãi của mi, hỡi đại dương dị hợm, mà chỉ mình ta hiểu được, và trước mi ta gục xuống, phủ phục dưới chân mi. Sự huy hoàng của con người là đồ đi mượn; hắn sẽ chẳng thể nào khuất phục được ta: mi thì có. Ôi! lúc mi tiến lên, chỏm sóng khủng khiếp cao lừng lững, bao quanh là những nếp gấp vặn xoắn giống như ở một triều đình, kẻ phát từ tính và dữ dằn, cuộn các sóng động của mi lên nhau, với ý thức mi là gì, vừa làm thế vừa thốt ra, từ tận sâu bộ ngực mi, như thể ngấm đẫm một nỗi sám hối dày đặc mà ta không sao khám phá nổi, cái tiếng ầm ào sượng đục miên viễn mà lũ con người xiết bao sợ hãi, ngay cả khi bọn chúng ngắm nhìn mi, trong an toàn, run lên ở trên bờ, khi ấy ấy, ta thấy nó không thuộc về ta, cái quyền nhỏ nhoi được tự nhủ mi ngang hàng với ta. Chính vì thế, lúc sự vượt trội của mi hiện diện, hẳn ta sẽ trao mi toàn bộ tình yêu của ta (và chẳng ai biết cho nổi lượng tình yêu chứa đựng trong những khát khao của ta hướng tới cái đẹp), nếu mi không làm ta nghĩ, một cách đau đớn, tới đồng loại của ta, so với mi, chúng tạo ra sự tương phản hài nhất, phản đề hí lộng nhất mà người ta từng thấy trong sáng tạo: ta không thể nào yêu mi, ta căm ghét mi. Tại sao ta quay trở lại với mi, lần thứ nghìn, trở lại với những cánh tay bè bạn của mi, chúng mở rộng, để vuốt ve vầng trán cháy bỏng của ta, vầng trán thấy cơn sốt biến mất khi chúng chạm vào! Ta không biết số phận ẩn giấu của mi; tất tật những gì liên quan đến mi đều thu hút ta. Vậy nên, hãy nói cho ta biết mi có phải chốn trú ngụ của ông hoàng bóng tối. Hãy nói cho ta biết… nói cho ta đi, đại dương (chỉ cho ta thôi, để khỏi gây phiền muộn cho những kẻ mới chỉ từng biết toàn ảo tưởng), và có phải hơi thở của Satan tạo ra những cơn bão bắn tung nước mặn của mi lên đến tận mây. Mi phải nói cho ta, bởi vì ta sẽ vui sướng biết bao nếu biết địa ngục ở gần con người đến thế. Ta muốn đó sẽ là khổ cuối trong bài thơ nguyện của ta. Do vậy, thêm một lần nữa thôi, ta muốn chào mi và nói lời từ biệt với mi! Đại dương già nua, với những con sóng pha lê… Mắt ta tràn lệ, và ta không có đủ sức theo đuổi nữa; vì, ta cảm thấy đã tới thời điểm phải quay về với lũ con người, với dáng vẻ bạo tàn; nhưng… can đảm lên! Chúng ta hãy cùng nỗ lực, và chúng ta hãy thành tựu, với nhận thức về nghĩa vụ, số phận của chúng ta trên trái đất này. Ta chào mi, đại dương già nua!

18 comments:

  1. cái gì? bác dịch cuốn đó ư? huhu

    ReplyDelete
  2. không chỉ có thế

    à, nhân đây tôi cũng muốn nói thêm luôn một điều, là tôi không bao giờ tranh giành với bất kỳ ai, chẳng hạn khi tôi đã dịch một cái gì rồi người khác cũng dịch đúng cái đó rồi in ra, tôi cũng không thấy là có vấn đề gì, bản dịch của tôi cứ để đó cho đến kỳ public domain cũng được, hoặc thậm chí không bao giờ in thành sách cũng được

    tuy rằng tôi liên quan rất nhiều đến việc in sách, nhưng về phần riêng tôi, tôi tự thấy rõ quan niệm của tôi về sách chẳng giống một ai cả, tốt nhất là khỏi đụng độ, không đi đến đâu, mệt cả người

    ReplyDelete
    Replies
    1. anh còn liên quan tới tủ sách trinh thám không?

      Delete
  3. Milan Kundera có kiến thức âm nhạc rất uyên thâm.

    ReplyDelete
  4. Uyên bác + Thâm tím, là vừa biết sâu sắc như một người bác so với chúng ta chỉ là đứa trẻ; và hiểu thật như một người bị đánh đòn thâm tím đã ngấm vào da thịt. Hình như ông ấy chơi đàn trước khi chơi chữ mà, rồi vẫn chơi song song sau này.
    Uyên thâm là kiểu như ông ấy nói về âm nhạc mà với những người không biết gì và cũng không hiểu gì nhưng họ chỉ cảm thấy sự thấp kém của họ chứ không nhận ra được ông ấy dùng từ ngữ uyên bác để nói quá kiến thức âm nhạc của mình. Tất nhiên ông ấy không làm thế. Nhưng đó là Uyên thâm, từ này do người nghe đặt ra do sự yếu kém không hiểu chứ không phải phản ánh sự thực nơi ông ấy. Nó là một nhận xét của một cá nhân không sợ bị phản bác vì mang tính tình cảm riêng tư.

    ReplyDelete
  5. Anh kể rõ hơn các cuộc gặp gỡ với các nhà văn mà anh từng gặp đi ạ :d

    ReplyDelete
  6. Jonathan Safran Foer nhé, hay Cao Hành Kiện, hay Patrick Modiano?

    à mà không, hay nhất phải là kể gặp VTL như thế nào :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. nhớ mang máng hình như anh đã từng kể gặp Patrick Modiano rồi thì phải (Trần Bạch Lan và tôi)? mà VTL là ai ạ? @@

      Delete
  7. VTL là nhân vật mà dưới vòm trời này không một ai đủ đảm lược để nói ra tên đầy đủ, giống như kỵ huý thời xưa đó: Hán Cao Tổ Lưu Bang, thời Hán là không được léng phéng nhắc đến "Bang", thời Nguyễn có ông vua tên có chữ "Tông" nên đến giờ tên vua trong miền Nam đất chúa và vua Nguyễn tất cả vẫn đồng loạt gọi là "Tôn", đã hiểu chưa? :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thả thính ghê, tí nữa thì mắc bẫy, nhưng thôi kệ anh với VTL của anh. Không đùa nữa, em muốn nghe kể chuyện gặp nhà văn cơ mà :p

      Delete
  8. Anh kể chuyện gặp anh trẻ Jonathan Safran Foer đi ạ ;)

    ReplyDelete
  9. hề hề, đợi lúc nào hứng chí sẽ kể

    ReplyDelete
  10. rất oách! ông ấy thực là có cái tâm hồn của sóng biển. "vẽ" sóng biển như này thì các họa sĩ ko theo kịp đâu. nhất là "bọt sóng." và haha "ta sẽ vui sướng biết bao nếu biết địa ngục ở gần con người đến thế." thì thấy cái câu "địa ngục là kẻ khác" đâm ra khá nhạt. thơ này nên được in ra "ở đây" nơi cũng đầy bọt sóng.

    ReplyDelete
  11. luôn luôn nó bằng với chính nó :p

    ReplyDelete
  12. “Nếu ba mươi năm kinh nghiệm cuộc đời có thể”- Nếu Lautréamont viết những khúc ca này năm 30 tuổi thì quả là vĩ đại. Tiểu sử ông ấy thế nào sao lại có thể chỉ đứng ngắm đại dương mà am tường hiểu thấu đáo mọi khía cạnh cuộc đời đến vậy. Cảm ơn bản tinh dịch:)

    ReplyDelete