Aug 30, 2017

Thư

Thêm một mốc 50 năm nữa: năm 1966, André Breton qua đời. Từ năm 2016, thư từ của Breton mới bắt đầu được in. Cho đến lúc này, đã có vài tập trong số đó, dưới đây là một:


(Simone Kahn là người vợ đầu tiên của Breton)

Thư tạo ra một sự đọc rất không bình thường, có thể nói là một sự đọc hết sức khó chịu: dẫu có là như thế nào, thì ta cũng không thể chối bỏ một điều, là mình đang đọc thư của người khác. Có một cái gì đó rất hài hước trong sự ngược nhau giữa sự bảo vệ quyền riêng tư và đọc thư in một cách rộng rãi.

Nếu đó là những bức thư viết đã từ rất lâu, chẳng hạn như ở kia, thì sự tình có khác không? Cần phải nhận rằng không hề khác. Vẫn cứ là chuyện ta đọc thư của người khác, thư của một người gửi cho một người, chẳng hề liên quan đến một ai khác nữa. Nếu có xa xôi, thì các bức thư vẫn mang lại một cảm giác giống như khi các nhà khảo cổ tìm ra hóa thạch một người chết từ lâu lắm, trong một tư thế vô cùng "riêng tư".

Thư, ở một phương diện không nhỏ, làm nên lãng mạn: Rousseau, Goethe và Richardson đều viết "tiểu thuyết bằng thư". Trong toàn bộ tác phẩm của Diderot, rất có thể xuất chúng nhất lại là Lettres à Sophie Volland. Gần như không thể nhìn nhận Flaubert nếu không có các bức thư của Flaubert, nhất là thư gửi Louise Colet. Balzac viết song song Vở kịch con người và những bức thư cho Madame Hanska.

Vẫn chẳng có gì biện minh được cho cái gì. Đọc thư (thư của người khác) rất giống phải đi trên một bề mặt rất nhiều cạm bẫy. Có lúc như thể chỉ có thể đi bằng cách nhảy lò cò, hy vọng giảm sự tiếp xúc với phía dưới đến mức tối thiểu. Nhưng ít hơn thì lại có thể sâu hơn. Cũng có thể là giống như đi trên cát lún. Rồi đang trong lúc một chi tiết nào đó trong một bức thư nào đó như thể đang giúp ta nhìn thấy rõ hơn con người mà ta quan tâm (ta cố tự thuyết phục bản thân, rằng mình đang đọc các bức thư với mục đích là dò tìm theo một đường lối khác một cách thức nhìn nhận tinh thần và tâm hồn người đó) thì ta chợt đỏ mặt, vì cái vừa nhìn thấy dường như đang hé lộ về một cái gì mà ta rất không nên nhìn vào. Xét cho cùng, một ai có thư từ bị người khác đọc (và đọc một cách công khai, được các thiết chế xã hội coi như là "phù hợp với đạo đức" - nhưng thật ra mọi thứ chỉ dựa trên hai lập luận: đã quá thời hạn bảo hộ theo luật định, rồi thì mọi cá nhân đều đã không còn tồn tại: thật ra những lập luận ấy quá yếu, và thật ra chỉ dùng để che phủ đi một sự hiếu kỳ tập thể) cũng bị phơi bày quá mức. Ta cũng toát mồ hôi nghĩ đến những bức thư của chính mình.

Đọc nhật ký cũng tương tự: đọc nhật ký của Stendhal (lại chính là tác phẩm lớn nhất: nhiều lúc tôi còn nghĩ Le Rouge et le Noir hay La Chartreuse de Parme xét cho cùng chỉ là những gì đảm bảo để các quyển nhật ký của Stendhal không bị biến mất), ta liên tục gặp những câu cảnh báo, thậm chí chửi rủa, của Stendhal dành cho những kẻ nào dám đọc.

Nhưng rốt cuộc, nỗi hiếu kỳ là quá lớn, nó lại còn được biện minh quá tốt bởi cả một nền văn minh khôn ngoan đủ sức biện minh cho bất kỳ điều gì.

Dẫu có thế, tôi vẫn muốn những tập sách in thư từ có dòng cảnh báo "cân nhắc trước khi đọc: giở bìa sách là coi như bạn đã bước chân vào phòng ngủ của người khác; rất có thể chủ nhân phòng ngủ đang ở trong một tư thế mà bạn không thấy phù hợp". Và nói chung, đọc thư với nhật ký ít thôi, nếu có đọc thì cũng đọc cho nó nhanh, lướt qua thôi. Vả lại, trong thư từ có vô vàn điều mà người đọc không bao giờ thực sự hiểu hay nắm bắt được, điều đó là chắc chắn.

André Breton gặp Simone Kahn lần đầu tiên vào tháng Sáu năm 1920, tại vườn Luxembourg. Lúc này, Breton hai mươi tư tuổi, đã bắt đầu tách khỏi nhóm Dada (Breton sinh năm 1896, kém Céline hai tuổi: mối quan hệ giữa Breton và Céline như thế nào? Philippe Muray đã phân tích trong cuốn sách ở kia). Bắt đầu từ giữa tháng Bảy, Breton viết thư cho Simone Kahn. Họ sẽ lấy nhau vào tháng Chín năm sau đó, 1921.

Cái mốc 1920 chợt làm tôi nghĩ đến những bức thư khác, cũng được viết chính xác vào năm 1920, bắt đầu chỉ trước đó vài tháng (với Breton-Simone Kahn là giữa tháng Bảy thì ở đây là tháng Tư):


Milena Jesenská (tức Milena Pollak), ở thời điểm 1920, hăm ba tuổi, đây là dịch giả tiếng Séc của Kafka. Breton bắt đầu viết thư cho Simone Kahn khi còn là một thanh niên trẻ tuổi, còn ở năm 1920, Kafka chỉ còn bốn năm để sống.

Kafka bắt đầu viết thư cho Milena khi đang ở Merano. Rồi sau đó, khi trở về Praha, Kafka ghé qua Viên gặp Milena. Phần lớn nhất của các bức thư chỉ nằm trong năm 1920, cho tới cuối năm ấy. Trong thư gửi Milena, Kafka nói rõ mình từng đính hôn ba lần, trong đó hai lần với cùng một người (đây là Felice Bauer: câu chuyện xảy ra trước đó chừng chục năm; sau này, Felice Bauer bán lại những bức thư của Kafka cho một nhà xuất bản; Thư gửi Felice Bauer là một trong những gì gây xao động lớn nhất thế giới - một thế giới rất rộng - xung quanh Kafka; ta sẽ sớm quay lại với câu chuyện Felice Bauer). Về sau, Milena tham gia kháng chiến ở Séc, chủ yếu giúp người Do Thái. Bị quân nazi bắt, Milena vào trại tập trung và chết tại đây năm 1944.

Chắc ta không thể tìm được ở đâu khác một Kafka gần với con người như trong các bức thư gửi Milena.

Ta cũng khó lòng hình dung một André Breton, vốn dĩ hay được miêu tả là khủng khiếp (và cũng không gần với hình ảnh con người), ủy mị, nhất là trong quãng thời gian đầu mối quan hệ, như thể hiện trong những bức thư gửi Simone Kahn.

Cũng có thể nói rằng, có những lúc Kafka và Breton xoay ra bên ngoài một mặt nào đó không ngờ.

Điều làm tôi thấy đặc biệt nổi bật, và giống nhau, ở những bức thư của Breton và những bức thư của Kafka nằm ở chỗ: cả hai đều liên tục nhắc đến Dostoievky.

Breton mang theo độc L'Idiot để đọc. Và thú nhận với Simone Kahn là trong lúc đọc cuốn tiểu thuyết (bởi vì trước đó Simone nhắc đến Dostoievsky), mình đã kẹp bức ảnh Simone trong đó, chốc chốc lại xem. Kết quả của hành vi đọc rất chểnh mảng này là cả buổi chiều André Breton chỉ đọc được có ba mươi trang L'Idiot.

Kafka thì kể cho Milena một giấc mơ, trong đó hai người ngồi trong một quán cà phê, gần đó có một người trông đặc biệt giống Dostoevsky, nhưng trẻ hơn nhiều.

André Breton đặc biệt khuyên Simone Kahn đọc Maldoror của Lautréamont, ngoài nhiều điều khác còn vì lý do sau đây: "Cuốn sách này sẽ nói cho em về anh nhiều hơn là anh có thể nói cho em về ông ấy" (thư ngày 18 tháng Chín 1920).

11 comments:

  1. Theo chú cuốn nào là đỉnh cao của Dos?

    ReplyDelete
  2. Dos có ảnh hưởng lớn. Theo cháu,Dos còn phủ bóng lên cả... Houellebecq. Ah, theo chú, tác phẩm nào là đỉnh cao của Dos? TA&HP lớn nhưng có lẽ không phải đỉnh cao.

    ReplyDelete
  3. nghe chàng nói thế, em bỗng hãi hùng khi nghĩ sẽ đọc lại Karamazov, thật là dày :))

    ReplyDelete
  4. Cứ sau những đợt mở kho thế này, nhiều tư liệu quý được in quá nhỉ, mà về Dos, tôi nghe nói ông ấy viết cực nhiều thư từ. Ở Việt Nam rất sùng bái Dos vậy mà trước giờ chả ai tuyển in bất cứ cái gì nhỉ? Hay là tôi không biết.

    ReplyDelete
  5. đúng, rất nhiều thư, và đặc biệt quan trọng

    ReplyDelete
  6. thư từ, giống như xưng tội, ngoài vài tiết lộ thì cũng rất thuyết phục-biện minh-che đậy. nên chi, xuất bản thư từ của người khác cũng lẩn quất sâu xa cái động cơ: "Ai rồi cũng có lượt của mình, ngài hiệu trưởng ạ! Trả thù là một món người ta ăn nguội!" - P.Modiano, Quảng Trường Ngôi Sao.

    ReplyDelete
  7. hehe, thư nhiều lúc đẩy mức độ mù mờ lên không thể tưởng tượng được, chắc vì phòng ngủ là khó hình dung nhất :p

    ReplyDelete
  8. ghost & shadow

    K: "Writing letters is actually an intercourse with ghosts, and by no means just the ghost of the addressee but also with one's own ghost, which secretly evolves inside the letter one is writing."

    NT: "[Ả]nh không giống sự thực, ảnh hay nịnh và lừa người ta. Trong ảnh đó, anh đẹp hơn anh và tôi đẹp hơn tôi. [...] Mong về phần anh, khi nhận thư này anh cũng làm như vậy, nghĩa là cũng xé ra làm hai và gửi trả lại cho tôi cái nửa của tôi. Bóng ai thì lại theo về người ấy anh ạ."

    ReplyDelete
  9. vẫn K.: gửi thư đi nghĩa là chấp nhận để cho chúng, trên đường, phơi mình làm thức ăn cho lũ ma

    ReplyDelete
  10. «Perhaps it’s just a password to make it easier for me to get to the other side of the world?»

    ReplyDelete