Có một điều kỳ quái: khi nhìn lại mười năm (à, nếu mà trung thực hết mức, nói đúng ra thì cũng đã bắt đầu hơn mười năm một chút rồi), có một nhân vật mà tôi muốn "đưa đến đây" nhưng mãi vẫn chưa làm được, trong khi tất cả các nhân vật khác, gần như vậy - không cách này thì cách khác - tôi đều đã làm được. Cũng có thể tôi còn nhớ sót một số, nhưng điều đó cũng không quan trọng lắm. Rất kỳ quái, chưa bao giờ tôi thuyết phục được nhà xuất bản nào tại Việt Nam làm Jean-Philippe Toussaint.
Đây là Sự thật về Marie:
Cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 2009 này là cuốn thứ ba trong loạt "tiểu thuyết về Marie", hay nói đúng hơn là xê ri mang tên Marie Madeleine Marguerite de Montalte. Trước đó, là Faire l'amour (tức là Làm tình) và Fuir (Chạy trốn). Sau Sự thật về Marie, cũng đã có thêm cuốn thứ tư (năm 2013), tên là Nue.
Sự thật về Marie mở đầu như sau:
"Về sau, nhớ lại những giờ khắc tăm tối của cái đêm rất nực ấy, tôi nhận ra là chúng tôi, Marie và tôi, đã làm tình vào cùng một thời điểm, nhưng không phải với nhau."
Toussaint xuất hiện bằng một cú bùng nổ: năm 1985, nhà xuất bản Minuit huyền thoại in La Salle de bain (Phòng tắm). Trước loạt tiểu thuyết về Marie, Toussaint khiến người ta lo ngại vì cứ liên tục cho xuất bản các tiểu thuyết mang tên đồ vật. Không lâu sau Phòng tắm là Máy ảnh, rồi sau Máy ảnh gần chục năm là Ti vi. Nếu không chịu dừng lại, rất có khả năng Toussaint sẽ lấy mọi thứ đồ, mọi vật dụng quen thuộc của đời sống con người ra làm chủ đề tiểu thuyết, và như thế thì sẽ rất đáng sợ: người ta có thể đạt đến sự vô tận bằng liệt kê, liệt kê cho đến mức kiệt cùng, không bỏ sót thứ gì. Ai mà làm như vậy thật chắc chắn sẽ trở thành quái vật.
Rất may, Toussaint đã không tiếp tục danh sách vật dụng đó.
Jean-Philippe Toussaint cũng là một nhà văn được editor Jérôme Lindon của nhà Minuit phát hiện, khi Toussaint còn rất trẻ (Phòng tắm in khi Toussaint chưa tròn ba mươi tuổi). Lindon cũng phát hiện Jean Echenoz hay Marie NDiyae. Ở đâu đó, tôi đã nhắc đến cuốn sách mà Echenoz viết về Lindon khi Lindon mới qua đời, giờ ngại tìm lại quá. Khi Lindon mất, vào năm 2001, Toussaint cũng viết một bài báo.
Một hôm, Toussaint, vẫn còn rất trẻ, nhận được bức điện của Jérôme Lindon. Một nhà văn chưa in cuốn sách nào mà nhận được điện tín từ Lindon (để cho nhanh: Lindon là người xuất bản sách của Samuel Beckett), chuyện quá mức khủng khiếp. Ở thời điểm này, bản thảo La Salle de bain đã bị tất cả các nhà xuất bản từ chối. Tại Minuit, nó nằm trong ngăn kéo của Alain Robbe-Grillet, bị bỏ quên, vì Robbe-Grillet đã đi Mỹ từ đời tám hoánh. Vì một điều tình cờ, Lindon moi được bản thảo ấy, và đánh điện ngay cho Toussaint.
Một editor nhiều khả năng bị tăng nhịp tim lên gấp ba khi bỗng thấy xuất hiện trước mặt một bản thảo từ một nhân vật lạ hoắc nào đó. Editor là một nghề rất nguy hiểm. Và một editor đúng nghĩa không bao giờ có cái thói ngu xuẩn là lo các editor khác cướp mất các bản thảo: nếu đó là một editor đúng nghĩa, những bản thảo đặc biệt nhất sẽ tự biết cách tìm đến thôi.
Thời điểm Toussaint nhận bức điện của Lindon là cuối năm 1984. Trong tháng Chạp năm ấy, nhà văn trẻ đến gặp editor tại văn phòng của Lindon trên phố Bernard-Palissy; cuốn sách La Salle de bain được in sau đó một thời gian ngắn.
La Salle de bain là một cú tuyệt đẹp. Jean-Philippe Toussaint là một nhà văn rất không tầm thường. Có một lần, tôi đi qua hiệu sách, tôi nhìn thấy một cuốn sách mới của Toussaint. Tần ngần đứng đó một lúc - đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày tôi đọc La Salle de bain - tôi bỗng nhớ đến một cô gái mới quen trước đó không lâu. Trong câu chuyện, cô gái nói mình thích Jean-Philippe Toussaint. Thế là hôm ấy tôi mua quyển sách, để ngó qua xem Toussaint bây giờ thế nào, và chủ yếu là để tặng cho cô gái ấy.
Có mỗi thế mà cô gái suýt yêu tôi. May mà tôi bỏ chạy khi còn kịp. Quá may, quá may.
Nói tóm lại, cuối cùng, Jean-Philippe Toussaint đã sắp xuất hiện trong tiếng Việt. Tất nhiên, mở đầu sẽ là La Salle de bain, một Phòng tắm đủ sức cạnh tranh với cái phòng tắm trong bộ phim Psycho của Hitchcock.
Việt Nam giờ còn thiếu trọn bộ Marquez, trọn bộ Dostoyevski, trọn bộ Chekhov, trọn bộ... Gần đây nhất thì gần như trọn bộ Remarque đã xuất hiện. Tôi thấy giờ Việt Nam nên quăng ra cho thỏa hết đọc giả của mấy ông này, bao nhiêu năm nay cũng đọc có chừng đó người.
ReplyDeleteTrần Bình
tôi lại nghĩ vấn đề của Việt Nam là có quá lắm Remarque và Garcia Marquez, và quá lắm người đọc Remarque và Garcia Marquez, hay nói đúng hơn là làm ra vẻ đọc
ReplyDeletenhưng các vị không thấy Remarque là một nhà văn tầm thường à?
Đúng là mấy ông này không thiếu nhưng hình như với người Việt chưa bao giờ là đủ, cứ quanh đi quẩn lại vài năm lại thấy có vài người to tiếng hùng hồn nói Dostoyevski là thần tượng lớn nhất của tôi. Tôi nghĩ thị trường này tiêu hóa chừng đó người là giỏi lắm rồi, việc đưa một nhà văn mới vào Việt Nam hiện giờ theo tôi là dễ, nhưng đưa tên họ lên thì khó hơn hồi xưa, thời mà cả đám người chỉ giỏi chém văn chương, giờ chém sang cả điện ảnh hội họa âm nhạc, vì đồ lậu ngày càng dễ down hơn hồi trước.
ReplyDeleteĐương nhiên là tôi không phản đối việc làm mới nền văn nghệ của bất kì ai nhưng giờ chán quá nên tôi buộc miệng phải than vậy, bây giờ chúng ăn gì nhiều thì cứ quăng cho chúng thỏa, dẹp hết cách tân cho rồi.
Nhân tiện, tôi rất thích những bài viết của bác về Phan Khôi, tôi mới bắt đầu tìm hiểu ông này, có mua vài quyển tác phẩm in báo đọc.
Trần Bình
gần đây tôi đọc phải mấy bài bình luận điện ảnh đăng tạp chí Tia Sáng, tôi nghĩ phê bình điện ảnh hiện nay tồi tệ và rởm đời kinh
ReplyDeleteNói to lên Dostoevsky là thần tượng của tôi thì chả có gì sai cả, đấy là quyền cơ bản của con người, gọi họ là chúng này chúng nọ ra cái điều ta cao hơn chúng thì mình thấy là một nội_tâm đê tiện
ReplyDeleteAi cũng có thể chém về bất cứ cái gì mình thích và đăng ở bất cứ đâu bạn cũng có quyền phản đối hay không phản đối
Cảm ơn bác nhưng xin phép bác bàn vào vấn đề, còn tôi nói như thế nào thì chủ nhà sẽ tự điều chỉnh, hoặc block comment nếu thấy không thích hợp.
DeleteCái bài mà anh ngại tìm lại đây nè
ReplyDeletehttp://nhilinhblog.blogspot.com/2017/01/cuon-sach-cua-nam.html
ơ đôi bên ngừng thảo luận sớm thế à?
ReplyDeletelàm nhớ đến "Bản đồ và Vùng đất" là cái cuốn bảo rằng "đồ vật" là lãnh thổ và biên giới của người.
ReplyDelete