Oct 19, 2017

Dostoievski

Trước tiên, xem ở kiaở kia.

Thế kỷ 19, đối với tôi, ở phương diện văn chương, trước hết là bảy nhân vật: Balzac, Dickens, Andersen, Edgar Poe, Flaubert, Baudelaire và Dostoievski. Trong đó, Dostoievski là cực kỳ khó đối với bản thân tôi. Nếu không thấy gì đặc biệt, tốt hơn hết, đối với Dostoievski, nên đọc hết tất tần tật trước mười tám tuổi (mười bảy thì còn tốt hơn), rồi sau đó không bao giờ nhắc lại nữa. Xem thêm ở kia.

A, nhưng tại sao Dostoievski lại "cực kỳ khó"? Trước hết, đó là bởi vì không ai (ít nhất là tôi nghĩ vậy) đọc Dostoievski mà sau đó không cảm thấy một phần của mình đã bị để lại trong cuộc đọc. Rằng từ căn hầm của Dostoievski ta không hẳn thoát ra được một cách lành lặn, hoặc giả Dmitri Karamazov không buông tha chúng ta, rồi Nelly của Những kẻ tủi nhục sẽ vẫn còn vất vưởng trong một hình ảnh đáng sợ mãi không thôi rời bỏ ta.

Đọc Dostoievski tức là những đợt, như các đợt sóng, năm tiếng, sáu tiếng đồng hồ liên tục không thể ngẩng đầu lên, là toàn bộ tinh thần ta, như trở thành tấm gương phản chiếu những tinh thần nhân vật, vô số nhân vật, cũng lên cơn sốt. Đọc Dostoievski là một sự đọc tấy đỏ, bừng bừng, nhưng cũng có thể đột ngột lạnh giá.

Nhưng vẫn chưa hết: đọc Dostoievski đối với tôi là "cực kỳ khó" còn bởi vì một nguyên do nữa, mới nghe thì tưởng chẳng có gì, nhưng thật ra không phải thế.

Mọi thứ gì của Dostoievski tôi đều có. Dostoievski trong tiếng Việt tôi xếp từ sàn lên trần nhà. Nhưng không bao giờ tôi đọc lại nổi, dẫu chỉ một trang. Nói "một trang" thì cũng quá, nhưng mọi lần tôi định đọc lại Dostoievski, thì với bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào tôi cũng chỉ có thể đọc đến lúc nhận ra mình sẽ không thể đi xa được quá một trăm trang đầu tiên, chưa nói gì đến đọc cho đến hết. Mà thế nhưng, đọc Dostoievski, đọc lại Dostoievski nghĩa là phải có rất nhiều đợt năm, sáu tiếng đồng hồ không ngừng.

Tôi không có gì chống lại các bản dịch tiếng Việt tác phẩm của Dostoievski. Nhưng tôi có cảm giác tất cả chúng đều bị mắc lừa một cách dễ dàng, bị cuốn theo một cảm giác nào đó về "điên", "động kinh", "hysteria". Tôi nghĩ có không ít người dịch Dostoievski còn cố gắng tự tạo cho mình những cơn động kinh riêng.

Tình hình không khá hơn với tiếng Pháp: đọc vài trang của Henri Mongault là tôi đã chịu không thấu. Tất nhiên, không chỉ Mongault dịch Dostoievski sang tiếng Pháp, nhưng tôi đã thử nhiều lần mà vẫn không nổi.

Quay sang tiếng Anh, đây là Constance Garnett, nhân vật mà trước đây nhiều lần anh Nguyễn Khánh Long từng nhắc đến trên blog này:


Rồi lại cả Richard Pevear và Larissa Volokhonsky:


Tôi không có gì để chống lại tất tật các bản dịch, tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh, tuyệt đối không có gì hết. Nhưng kết quả vẫn là mãi mà tôi vẫn không thể đọc lại Dostoievski, một cách thực sự.

Thậm chí có lúc tôi gần như đã chấp nhận rằng đúng là nên không bao giờ quay lại với Dostoievski sau tuổi mười bảy nữa.

Cho đến ngày tôi nghe nói đến André Markowicz. Rồi tôi tìm được vài bản dịch của Markowicz, trong đó có Karamazov:


Và thế là, lần đầu tiên tôi bước trở lại được vào thế giới của Dostoievski. Trong một chuyến đi xa, tôi tận dụng cơ hội có thể tập trung lâu hơn mức bình thường, để thanh toán Karamazov trong vòng hai hay ba ngày. Tôi nghĩ mọi tiểu thuyết của Dostoievski cần phải được đọc liên tục, không ngắt quãng. Dostoievski viết cũng tương tự như vậy.

Và tôi nhận ra, dường như, đối với một số nhân vật, trong đó có Dostoievski, tuyệt đối cần, trong một ngôn ngữ nào đó, một người, và chỉ duy nhất một người, dịch tất tật. Cho điều tốt đẹp nhất và điều tồi tệ nhất. Được ăn cả ngã về không. Tất tay, giống như nhân vật mê đánh bạc của Dostoievski. Một đập ăn quan, kiểu như vậy.

Markowicz khiến tôi đọc được Dostoievski một cách tổng lực. Đó là cả một điều kỳ diệu, dưới đây là ba tập sách lớn, bao trùm từ 1846 đến 1868:


Tổng lượng tiểu thuyết của Dostoievski có thể coi là bằng một nửa Vở kịch con người của Balzac và gấp đôi Tìm thời gian mất của Proust (à quên, còn chưa nói là sau Trong bóng hoa nữ, xem ở kia, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra được cái tên tiếng Việt cho À la recherche du temps perdu). Tôi cố ý nhắc đến cùng một lúc ba nhân vật này, bởi vì Balzac, Dostoievski và Proust chính là ba tiểu thuyết gia tuyệt đối, những sản phẩm mà duy nhất chỉ thế kỷ 19 mới có thể tạo ra được.

Và Dostoievski còn quan trọng tuyệt đối (ngoài rất nhiều điều khác) ở một vấn đề mà tôi gọi là trình hiện thực tại vào văn chương. Đúng, ở đây chúng ta lại phải gặp cái từ "représentation" trớ trêu ấy: trình hiện, và trình hiện cái gì? trình hiện như thế nào?

Cuốn sách hết sức quan trọng về sự trình hiện này, như nhiều người chắc đã biết, là Mimesis của Erich Auerbach, xem ở kia. Những ai từng đọc hết cuốn sách ấy (tôi nghĩ là không có ai, hehe), biết rằng chương thứ 18 nói đến thế kỷ 19, Stendhal, Balzac và Flaubert. Đó là một chương rất kém, có lẽ là chương dở nhất trong cuốn sách của Auerbach. Đặc biệt là paragraph cuối cùng: trong đó Auerbach nói rằng mình sẽ không phân tích các nhà văn Nga, nhất là Gogol và Dostoievski. Nhưng trình hiện mà bỏ qua Dostoievski thì đâu còn gì? Rất may, chúng ta vẫn có Bakhtine. Tôi sẽ quay trở lại với câu chuyện này một cách kỹ càng.


Một bản dịch khác của Markowicz:






NB. mấy thứ:
+ đã tiếp tục Hòn đá triết học
+ đã tiếp tục Adolphe
+ viết tiếp (và hết) bài "Con cò trên ruộng": thật không ngờ là lại có ngày tôi bình luận thơ của Xuân Diệu :p

5 comments:

  1. Đôi khi em nghĩ là biết đâu trong văn chương thế giới còn nhiều gương mặt chìm khuất nữa mà vì nhiều lý do mình chưa biết đến giống như trường hợp của "Con đường văn chương Việt Nam"

    ReplyDelete
  2. Poe! Poe! Poe! The raven commands.

    Cthulhu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi cũng đã rất hâm mộ Dos và phát hiện ra Dos chỉ nên đọc một lần. Tất nhiên muộn hơn nhiều so với tuổi 17. Nhưng đọc lại là thấy rất khó khăn

      Delete
  3. tiếc là không thấy được động kinh với cả mặc cảm gì gì đó. chỉ thấy, và đúng là phải đọc một mạch, cảm giác buồn khá lạ như có lần mơ thấy buồn ngủ mà ko ngủ được hay ko được ngủ, thế nào đó, buộc phải tìm cái gì đấy rất khẩn cấp, nguy tai, trong khi mắt cứ giương ra chỉ chực nhắm lại một cái.

    ReplyDelete
  4. Dos (cũng) thiếu 1 chữ i (như "nhiên") anh ơi

    ReplyDelete