Tiếp tục câu chuyện "sách mới" ở kia:
Sau một số năm, bản dịch tiếng Pháp từ tiếng Đức (Antonin Moeri) tập truyện Con ngựa nhỏ của Ludwig Hohl được tái bản.
Quyển sách chỉ nhỏ bằng bàn tay, gồm năm truyện. Ludwig Hohl là khám phá mới nhất của tôi. Bất kỳ ai từng đọc Grammars of Creation của George Steiner (một trong những cuốn sách, chắc chắn là hiếm hoi, vừa khiến người ta sung sướng lại vừa bắt người ta phải thở dài tự hỏi làm sao mà lại có thể viết được một cuốn sách lớn như thế), đều không thể quên khoảnh khắc, rất thoáng qua, khi Steiner nhắc đến Ludwig Hohl, sinh năm 1904, mất năm 1980, và gọi đó là "bậc thầy bí mật của văn chương Đức thế kỷ 20".
Chúng ta đọc một số người, và chúng ta sẽ đọc những ai mà những người đó đọc. Sự mở rộng của đọc gần như không thể đi theo con đường khác. Chúng ta đọc và chúng ta cũng đọc cả sự đọc. Ngay tức khắc, đó là vực thẳm của đọc: ở đằng sau cái này có cái kia và cái kia nữa, rồi lại cái khác nữa, rồi cứ thế và cứ thế. Đọc liên quan rất nhiều đến một điều rất ít khi, gần như không bao giờ được nhìn nhận: lòng tin. Đọc cũng có khía cạnh tôn giáo của nó. Chưa nói, ai cũng có các "nghi lễ" riêng khi đọc. Tôi sẽ không bao giờ đọc được bất cứ cái gì nếu chưa đánh răng, chẳng hạn thế.
Nói tóm lại, chú ngựa nhỏ đã dẫn tôi vào thế giới của Ludwig Hohl. Tôi sẽ còn quay trở lại với Hohl, tất nhiên, nhưng quả thật, có những khi ta cảm thấy thật may mắn vì trên đời có tồn tại những người như Hohl, hay Stig Dagerman.
- Đấy, hôm trước vừa nhắc đến Jean-Philippe Toussaint (xem ở kia) thì nhân vật ấy đã lại lù lù xuất hiện, người ta nói thế nào ấy nhỉ, vừa nhắc đến chó sói etc. etc.
Cuốn tiểu thuyết mới của Toussaint:
Đây không còn là một cuốn sách thuộc "xê-ri" về Marie (như đã nói hôm trước) nữa.
À, tôi mới nhớ ra, đã đến "mùa văn chương" ở Pháp. Năm nay không biết thế nào nhỉ, chứ cách đây một hai năm, tôi tình cờ thấy một trang web văn chương tiếng Việt đăng kha khá bài do ông Nguyên Ngọc đọc báo tiếng Pháp trên mạng dịch ra. Ông Nguyên Ngọc dịch các bài viết (chất lượng tồi tệ) về những cuốn sách mà ông chẳng biết lấy mảy may, và tất nhiên không đúng đến một chi tiết nào. Đọc rất giải trí.
Quay trở lại với Toussaint: Made in China kể về câu chuyện của Toussaint đi sang Trung Quốc. Đó là khi nhà văn cần sang đó gặp editor của mình, Chen Tong. Chen Tong là editor tại Trung Quốc của Toussaint, và khởi đầu sự nghiệp nhà xuất bản bằng cách in, khi còn rất trẻ, Alain Robbe-Grillet.
Toussaint, với Made in China, lại viết thêm một cuốn tiểu thuyết rất buồn cười, có thể nói rằng cứ vài câu lại có một chi tiết rất buồn cười, với đầy đủ mọi yếu tố thường thấy trong cái nhìn của người châu Âu vào người châu Á.
- Một cuốn sách bất ngờ:
Bỗng nhiên tôi được gửi tặng, hết sức cảm ơn.
Kim tích vật ngữ tập là một tập "setsuwa", tức là truyện dân gian. Nó có niên đại rất sớm, lại có thời gian bị chôn dưới đất, nhưng dường như vì không thể mất đi được nên nó đã không mất, mặc dù hiện nay không còn đầy đủ.
Các câu chuyện giống như bụi, chúng bay, có những lúc được nhặt lấy. Andersen, như chúng ta đã thấy thời gian vừa rồi, cũng là một người nhặt những câu chuyện.
- Cuốn sách mới của Nguyễn Vĩnh Nguyên:
NB1. đã tiếp tục bài của Octavio Paz về André Breton
NB2. (đừng tin chuyện "đánh răng" ở trên nhé, nói đùa đấy)
Cảm ơn cái NB2. Cháu đã đọc câu ý 3 lần và nhận ra từ chẳng hạn
ReplyDeleteÔi đúng quá, em đọc Nhị Linh xong đọc những gì Nhị Linh đọc :p
ReplyDeleteviệc đọc chắc chắn có khía cạnh tôn giáo vì nó đã từ đó sinh ra. nên một nghi thức có thể của sự đọc là đọc cẩn thận vài trang bất kỳ, rồi thì
ReplyDeleteCuốn Kim tích vật ngữ tập" giá bao nhiêu vậy bác
ReplyDeletehình như sách không bán, đúng không nhỉ Quách Hiền?
ReplyDeleteMình nghĩ là sách có bán. Không biết ngoài Đinh Lễ có không nhưng chắc chắn nhất ai có nhu cầu thì sang hỏi thử bên Viện Hán Nôm.
Delete