Oct 5, 2017

Andersen: Anne Lisbeth

Khuyến cáo: đây là một câu chuyện rất khủng khiếp, một trong những truyện khủng khiếp nhất mà Andersen từng viết. Cân nhắc cẩn thận trước khi đọc.


Anne Lisbeth


Anne Lisbeth có nước da hồng hào và cái miệng đỏ tươi, cô trẻ trung và tính tình vui vẻ, trông cô xinh xắn, hàm răng trắng đẹp, cặp mắt thật trong; bước chân của cô rất thanh thoát khi khiêu vũ, tinh thần cô lại còn thanh thoát hơn! Kết quả là gì?… “Thằng nhỏ tệ quá!”… quả thật, nó không xinh xẻo! Nó được gửi đến chỗ bà vợ của ông phu đào huyệt để sống tại đó, Anne Lisbeth thì được nhận vào lâu đài của bá tước, cô ở trong một căn phòng tráng lệ phủ đầy nhung lụa; và gió chẳng thể thổi tới cô, không ai được nói nặng lời với cô, bởi vì như thế thì thật không tốt cho cô và cô không sao chịu nổi. Cô làm vú nuôi cho đứa con của bá tước, trông nó thanh nhã như một hoàng tử, tươi tắn như một thiên thần, sao mà cô yêu đứa bé ấy thế; còn thằng con của cô, ừ thì! nó đã được gửi đến nhà vợ chồng người phu đào huyệt, tại đó đồ ăn không dồi dào lắm, thiếu thốn là đằng khác, và thường thì không có ai ở nhà, thằng bé khóc, nhưng chuyện đó chẳng người nào biết, bởi vì chẳng có ai ở đó để nghe nó khóc; khóc mãi, khóc mãi, rốt cuộc nó cũng ngủ thiếp đi, và khi ngủ, người ta không còn thấy đói hay khát, giấc ngủ là một phát minh tốt đẹp; trong suốt nhiều năm… thời gian trôi đi, cỏ dại tha hồ mọc, như người ta vẫn hay nói, đứa con trai của Anne Lisbeth lớn lên, và thế nhưng, đến một thời điểm, nó ngừng lớn, người ta nói thế; nhưng rốt cuộc nó gần như hoàn toàn trở thành người trong nhà, họ được trả tiền để giữ nó, Anne Lisbeth rũ bỏ hẳn khỏi nó, đó là một quý bà thành phố, cô có nhà cửa đẹp đẽ và đội mũ những lúc đi ra ngoài, nhưng không bao giờ cô đến nhà ông đào huyệt, nó nằm quá xa thành phố, vả lại cô chẳng có việc gì để làm ở đó, thằng bé là của họ và nó ăn khỏe, họ nói, nó phải làm việc để tự nuôi thân, bởi vậy nên nó chăn con bò sữa màu hung cho Mads Jensen, nó phải làm cái gì đó…

Con chó giữ nhà, ngoài cửa sân của lâu đài, kiêu hãnh ngồi trên nóc chuồng phơi nắng, nó cất tiếng sủa mỗi khi có người đi qua, những lúc trời mưa, nó chui vào chuồng, trong đó tha hồ khô ráo và ấm áp. Thằng bé con Anne Lisbeth ngồi trên hàng giậu, dưới mặt trời, gọt một cây cọc nhọn, vào mùa xuân, nó biết có ba cây dâu tây nở hoa, chắc chắn chúng sẽ ra quả, đó là ý nghĩ mang lại cho nó nhiều hy vọng nhất, nhưng rồi chẳng có quả dâu tây nào hết. Nó dầm mình dưới mưa và mưa phùn, lạnh thấu xương, sau đó gió lộng làm quần áo nó mặc trên người khô đi; nếu nó bén mảng đến lâu đài, người ta sẽ xô đẩy và đánh nó, nó còi cọc và xấu xí, đám gia nhân, cả nam lẫn nữ, nói thế, chuyện ấy thì nó đã quen… người ta chưa bao giờ yêu nó!

Đó là chuyện xảy ra với đứa con của Anne Lisbeth. Mà làm sao có thể khác đây? Số phần của nó là: “Không bao giờ được yêu”.

Từ trên đất liền, nó bị tống xuống tàu thủy, nó trở thành thủy thủ trên một con tàu xập xệ, cầm bánh lái, trong khi ông chủ uống rượu; nó bẩn thỉu và gớm ghiếc, nó bị lạnh cóng và bị cái đói hành hạ, có thể nói rằng chưa bao giờ nó được ăn khi đói và đúng là như thế.

Đã là cuối mùa thu, thời tiết khắc nghiệt, ẩm ướt và lạnh, gió buốt giá thổi xuyên qua những áo quần dày, nhất là ngoài biển, và một con tàu xập xệ đi trên mặt biển với một cánh buồm duy nhất, trên tàu chỉ có hai người, thậm chí có thể nói rằng chỉ có một người rưỡi, đó là ông chủ và thằng bé thủy thủ. Người ta tưởng đâu cả ngày đều là nhập nhoạng hoàng hôn, và giờ đây, trời đã tối hẳn, lạnh cắt da cắt thịt. Ông chủ uống một ngụm rượu, vậy thì mới ấm lên từ bên trong! Cái chai đã cũ lắm rồi, cốc cũng thế, phía bên trên còn lành lặn, nhưng chân thì đã gãy, và thay vào đó là một mẩu gỗ đẽo, sơn màu xanh, để giúp nó đứng được… Một ngụm, rất sướng, hai ngụm, còn sướng hơn, ông chủ nghĩ. Thằng bé thủy thủ đang giữ bánh lái, cầm thật chắc bằng hai bàn tay chai sần, nó xấu xí, tóc tai bù xù, gầy guộc và ngơ ngác, đó là con trai của người phu đào huyệt, dẫu trong sổ của giáo xứ, nó được ghi là con của Anne Lisbeth.

Gió tạt ngang dọc theo cách riêng của nó, con tàu cũng thế, trên mặt biển! Cánh buồm căng phồng, gió thổi mạnh, tàu lao đi… thời tiết ẩm ướt và lạnh lẽo khắp xung quanh, nhưng chuyện vẫn còn có thể tệ hơn nữa… Dừng lại!… Gì thế? Chúng ta đã đâm phải cái gì đó, một cái gì bị vỡ, và chuyện gì xảy đến với con tàu? Nó quay qua hướng khác! Có phải thủng rồi không? Nước biển tràn vào?… Thằng bé cầm bánh lái hét lên: “Chúa ơi!” Con tàu vừa đâm phải một tảng đá lớn ăn xuống đáy biển và nó chìm dần giống một chiếc giày cũ nơi ao làng; nó tiêu đời, cả người lẫn của, như người ta vẫn hay nói; nhưng của thì chẳng có mấy và, dẫu thế nào, chỉ có một người rưỡi: ông chủ và thằng con trai của ông phu đào huyệt. Chẳng ai chứng kiến chuyện này ngoài lũ mòng biển kêu queng quéc và lũ cá, dưới nước, vả lại chúng nhìn cũng không rõ lắm, bởi vì chúng hoảng sợ bơi dạt hết ra lúc nước ầm vang tràn vào con tàu chìm; nó mắc lại không xa dưới mặt nước; hai người kia được giữ chặt lại; bị giữ lại, bị lãng quên! Chỉ cái cốc cùng mẩu gỗ sơn xanh dùng thay đế không chìm, mẩu gỗ giữ cho nó nổi lềnh bềnh; cái cốc cứ thế trôi dạt và rốt cuộc bị vỡ, bị ném lên bờ… ở đâu và khi nào? Ồ! có quan trọng mấy đâu! Nó đã phụng sự và từng được yêu quý; điều này thì không đúng đối với thằng con trai của Anne Lisbeth. Dẫu vậy, tại vương quốc thiên đường, chẳng một tâm hồn nào có thể nói: “Chưa bao giờ được yêu!”

*
*       *

Anne Lisbeth sống ở thành phố đã từ nhiều năm nay, người ta gọi cô là “Bà” và cô kiêu hãnh ngẩng cao đầu, nhất là những lúc nhớ lại những kỷ niệm cũ, cái thời cô còn ở nhà bá tước, thời cô đi xe ngựa và được nói chuyện với các nữ công tước cùng nữ nam tước. Đứa con xinh đẹp của bá tước là một thiên thần nhỏ rạng rỡ, có tâm hồn quấn quýt nhất, nó đã yêu cô và cô đã yêu nó. Họ đã hôn nhau, đã vuốt ve nhau, đứa bé là niềm vui của cô, một nửa của cuộc đời cô. Giờ đây, nó đã lớn, mười bốn tuổi, có học thức và thật duyên dáng; cô đã không gặp nó kể từ hồi vẫn còn phải bế nó trên tay; đã nhiều năm rồi cô chưa đến lâu đài của bá tước, phải đi xa lắm.

- Hôm nào mình sẽ phải nhất quyết đi đến đó! Anne Lisbeth nói, mình phải đến gặp tình yêu của mình, đứa con xinh đẹp của bá tước! Chắc chắn nó cũng mong mỏi được gặp mình, nó nghĩ đến mình, nó yêu mình, như cái lúc nó vòng hai cánh tay thiên thần ôm ghì lấy cổ mình và nói: “An-Lis!” Nghe cứ như tiếng đàn violon! Tuyệt đối mình phải nhất quyết đi đến đó, để gặp lại thằng bé!

Cô đi một chuyến xe bò kéo, rồi cô đi bộ, tới lâu đài của bá tước, nó thật to lớn và rực rỡ như vẫn vậy xưa kia, khu vườn, nhìn từ ngoài, vẫn giống như trước, nhưng tất tật những người sống trong nhà đều đã là người lạ, không ai trong số đó biết gì về Anne Lisbeth, họ không biết xưa kia cô từng quan trọng đến thế nào trong ngôi nhà này, chắc bà bá tước sẽ nói cho họ điều đó, cũng như đứa con trai của bà! Sao mà cô sốt ruột được gặp cậu bé đến thế.

Giờ đây, Anne Lisbeth đã đến nơi; cô phải đợi rất lâu, và thời gian thật dài khi người ta chờ đợi! Trước khi những người chủ ngồi vào bàn ăn, cô được gọi vào gặp bà bá tước, bà nói chuyện với cô rất thân ái. Cô sẽ gặp đứa con ngoan ngoãn của bà sau bữa ăn, tới lúc ấy người ta sẽ cho gọi cô!

Sao mà nó lớn thế, thật thanh mảnh, nhưng đôi mắt thì duyên dáng, cái miệng thì giống miệng thiên thần! Nó nhìn cô, nhưng không nói lời nào. Chắc hẳn nó không nhận ra cô. Nó quay người bước đi, nhưng đúng lúc đó, cô cầm lấy tay nó, và đưa lên miệng hôn! “Nào, được rồi!” nó nói, rồi đi ra khỏi căn phòng, nó, đối tượng tình yêu của cô, nó, mà cô từng yêu và vẫn yêu nhất, nó, niềm kiêu hãnh của cô nơi hạ giới này!

Anne Lisbeth rời khỏi lâu đài, bước ra đường cái, cô thấy buồn hết sức; thằng bé đã cư xử như một người xa lạ đối với cô, đã chẳng có lấy một ý nghĩ hướng đến cô, không một lời, nó, mà trước đây cô từng bế ẵm ngày đêm, mà cô vẫn thường xuyên nghĩ đến.

Một con quạ đen rất to đứng đó trước mặt cô trên đường, nó kêu, cứ kêu mãi. “Nào thôi! cô nói, cái đồ quạ báo điềm xấu!”

Cô đi qua trước nhà người phu đào huyệt, bà vợ đang đứng trước cửa, họ bèn nói chuyện với nhau.

- Trông cô béo tròn nhỉ! vợ của người phu đào huyệt nói, cô to béo quá đi! Cô thật là ổn đấy!

- Đúng thế! Anne Lisbeth đáp.

- Con tàu của họ đã bị đắm! vợ của người đào huyệt nói. Lars, ông chủ, và thằng bé đều bị chết đuối. Mọi chuyện đã kết thúc đối với cả hai. Thế mà tôi từng nghĩ rồi một ngày thằng bé sẽ mang về cho tôi một ít tiền; còn cô, nó chẳng khiến tốn kém chút nào, nhỉ, Anne Lisbeth!

- Họ bị chết đuối rồi à? Anne Lisbeth hỏi, và họ không nhắc đến chuyện đó nữa. Anne Lisbeth buồn bã vì thằng con trai nhà bá tước đã không muốn nói chuyện với cô, mà cô thì yêu nó và đã đi một chuyến thật dài để tới đây gặp nó, lại còn tốn tiền nữa, thế nhưng chẳng thích thú gì mấy. Nhưng về chuyện này cô chẳng hé răng nửa lời, cô không muốn giãi bày tấm lòng bằng cách nhắc đến chuyện ấy với vợ của người đào huyệt, bà ta chắc sẽ nghĩ vị trí trước đây của cô tại lâu đài là vớ vẩn. Đúng lúc đó, con quạ lại kêu phía trên đầu cô.

- Đồ đen thui bẩn thỉu kia, Anne Lisbeth nói!

Cô đã mang theo cà phê và rau diếp xoăn, vì cô nghĩ hẳn bà vợ của người phu đào huyệt sẽ cảm kích nếu cô tặng chúng cho bà, để bà pha cà phê, như vậy cô cũng sẽ được một tách, và thế là bà vợ người phu đào huyệt đi đun cà phê, còn Anne Lisbeth ngồi xuống một cái ghế, và cô ngủ thiếp đi; cô mơ thấy cái thằng bé mà cho tới lúc này chưa bao giờ cô mơ thấy, thật lạ: cô mơ thấy đứa con của chính cô, nó, trong cùng ngôi nhà này, từng phải chịu đói, từng khóc lóc, sống bằng nước lã và bánh mì khô, và giờ đây đang nằm dưới đáy biển, chỉ Chúa Trời mới biết là nơi đâu. Cô mơ thấy cô đang ngồi ở chỗ cô đang ngồi, và vợ của người phu đào huyệt thì đi đun cà phê, cô ngửi thấy mùi thơm lừng, và một đứa bé xinh xẻo đứng ở bậu cửa, nó cũng đẹp như con trai của bá tước, và thằng bé nói:

- Thế giới sắp tan tành rồi! bám chặt vào con nhé, bởi vì dẫu có thế nào mẹ cũng là mẹ của con! Mẹ có một thiên thần trên vương quốc thiên đường! bám chặt vào con nhé!

Và nó đưa tay cho cô nắm lấy, nhưng có tiếng ồn ào kinh khiếp nổi lên, chắc chắn đó là thế giới sắp sụp đổ tan tành, và thiên thần bay lên, nắm thật chắc lấy hai tay áo sơ mi của cô, và cô bắt đầu rời khỏi mặt đất, nhưng một cái gì đó rất nặng bám vào chân cô, lôi cô xuống dưới, cứ như thể hàng trăm phụ nữ bíu vào người cô, và họ nói: “Nếu cô được cứu rỗi, thì chúng tôi cũng vậy! giữ chặt vào! giữ chặt vào!” và tất cả bọn họ bám chặt vào cô; quá nặng, “loạt-xoạt!” người ta nghe thấy vậy, ống tay áo đã bị rách và Anne Lisbeth rơi xuống từ một độ cao đáng sợ, điều đó khiến cô choàng tỉnh… và cô chực ngã xuống khỏi cái ghế mà cô đang ngồi, đầu óc cô quay cuồng đến độ không sao mà nhớ nổi mình vừa mơ thấy gì, chỉ biết đó là một điều rất tệ hại.

Sau đó họ uống cà phê, trò chuyện, và Anne Lisbeth đi sang thành phố bên cạnh, ở đó cô sẽ gặp được người chủ xe, tối hôm ấy, và ông ta sẽ chở cô về nhà trong đêm; nhưng khi cô gặp người chủ xe, ông ta bảo cô rằng họ sẽ không thể lên đường trước buổi tối hôm sau. Cô suy nghĩ xem mình sẽ phải chịu tốn kém như thế nào nếu ở lại, đồng thời nghĩ đến độ dài quãng đường, và thấy rằng nếu đi bộ men theo bờ biển, thay vì theo đường cái, cô sẽ tiết kiệm được chừng hai dặm; dẫu có thế nào, trời cũng đang đẹp và trăng thì tròn, thành thử Anne Lisbeth quyết định đi bộ, cô có thể về đến nhà vào ngày hôm sau.

Mặt trời đã lặn, những cái chuông buổi tối vẫn còn ngân vang… không, đó không phải là chuông, mà là lũ cóc Peder Oxe kêu ộp oạp dưới ao đầm. Giờ đây, chúng đã im tiếng, mọi thứ đều im lìm, không nghe thấy đến một con chim, tất tật chúng đều đã đi nghỉ, và cú mèo hẳn đã về nhà nó; không có lấy một tiếng động từ bìa rừng cũng như trên bãi biển, khắp nơi nào bước tới, cô đều chỉ nghe thấy tiếng chân của chính cô trên cát, thậm chí còn chẳng có tiếng sóng vỗ ì oạp, mọi thứ nơi biển sâu kia đều im lìm; tất tật ở nơi hạ giới này đều câm lặng, cả người sống lẫn người chết.

Anne Lisbeth bước đi, không nghĩ đến điều gì, như người ta vẫn hay nói, hay nói đúng hơn những ý nghĩ của cô đi lang thang, chỉ có điều những ý nghĩ của cô không đi lang thang bên ngoài cô, bởi vì chẳng bao giờ chúng vắng mặt đối với chúng ta, chúng chỉ thiu thiu ngủ, cả những ý nghĩ từng sống động giờ đây đã lắng xuống lẫn những ý nghĩ vẫn còn chưa thành hình. Nhưng dẫu có thế nào, các ý nghĩ vẫn cứ đến, chúng có thể thành hình trong trái tim chúng ta, thành hình trong đầu óc chúng ta hoặc rơi thẳng xuống chúng ta từ trên cao!

“Một hành động tốt dẫn đến ân sủng”, điều đó đã được viết ra; “tội lỗi chính là cái chết!” điều đó cũng đã được viết ra. Đã nhiều điều được viết, đã nhiều điều được nói, mà người ta không biết, hoặc không nghĩ tới, đó chính là chuyện xảy đến với Anne Lisbeth. Nhưng một luồng ánh sáng có thể bừng lên bên trong chúng ta; rất có thể là như vậy.

Mọi tật xấu, mọi đức hạnh đều nằm trong trái tim chúng ta! trong trái tim của bạn! trong trái tim của tôi! chúng ở đó giống như những hạt giống nhỏ vô hình; rồi một tia nắng từ bên ngoài rọi tới, hay có sự tiếp xúc của một bàn tay độc ác, hoặc giả bạn rẽ nơi góc phố, đi sang phải hay đi sang trái, điều đó có thể quyết định nhiều thứ, và thế là hạt giống nhỏ bị khuấy động, nó phồng lên, nó vỡ tung, và dốc hết những gì chứa đựng vào dòng máu của bạn, vậy là bạn bị xáo trộn khủng khiếp. Đó là những ý nghĩ gây sợ hãi, trong lúc thiu thiu ngủ người ta không thấy chúng, nhưng chúng vẫn chuyển động: Anne Lisbeth thiu thiu ngủ, các ý nghĩ của cô thì chuyển động! Trong kỳ xưng tội, trái tim chất chứa những gánh nặng, đó là bản kê khai của cả một năm, rất nhiều thứ đã bị lãng quên, những tội lỗi của lời nói và suy nghĩ chống Chúa, đồng loại của chúng ta và cả chống lại ý thức của chính chúng ta nữa; chúng ta chẳng hề nghĩ đến chúng, Anne Lisbeth cũng không nghĩ đến chúng, cô đã chẳng hề làm gì xấu chống lại luật lệ của đất nước, cô được tiếng tốt, trung hậu và trung thực, điều đó thì cô biết rõ. Và trong lúc cô bước đi dọc theo bờ biển… cái gì nằm trên mặt đất thế kia? Cô dừng lại: cái gì đã bị vứt lên bờ biển? đó là một cái mũ đàn ông cũ kỹ. Người ta đã vứt nó xuống biển ở đâu? Cô lại gần, dừng bước và xem xét… Nào, được rồi! cái gì thế? cô sợ hãi; nhưng không có lý do để sợ hãi, đó chỉ là rong và sậy quấn quanh một viên đá lớn thuôn dài, trông hao hao một hình người, nhưng đó chỉ là rong và tảo, tuy nhiên điều đó không ngăn cản người ta thấy sợ, và khi đi tiếp, nhiều điều mà cô từng nghe kể hồi còn nhỏ quay trở về trong tâm trí cô, toàn bộ sự mê tín liên quan tới “bóng ma trên bờ biển”, bóng ma của người không được chôn cất, bị sóng ném lên bờ biển hoang vắng. Xác chết bị sóng biển ném lên, thân xác đã chết thì chẳng làm gì, nhưng bóng ma của nó, “bóng ma trên bờ biển”, thì đi theo người dạo chơi đơn lẻ, bíu lấy người đó và đòi được mang đến nghĩa địa để chôn cất trên đất Ki-tô; “Giữ chặt vào! giữ chặt vào!” nó nói; và trong lúc Anne Lisbeth tự nhủ thầm những lời ấy, đột nhiên toàn bộ giấc mơ quay trở lại với cô, cô nhìn thấy rất rõ cảnh tượng các bà mẹ bám vào cô, vừa bám vừa hét: “Giữ chặt vào! giữ chặt vào!” như thể thế giới đã sụp đổ tan tành, hai ống tay áo sơ mi của cô rách toạc, và thế rồi cô bị tách rời khỏi đứa con của cô, nó, vào giờ phán xử, đã bảo vệ cho cô. Con của cô, đứa con cô dứt ruột sinh ra, đứa bé mà cô chưa từng bao giờ yêu, thậm chí còn không hề nghĩ đến, đứa trẻ ấy giờ đang nằm dưới đáy biển, nó có thể đến đây như “bóng ma trên bờ biển” và hét lên: “Giữ chặt vào! giữ chặt vào! đưa tôi đến đất Ki-tô!” và đúng vào lúc cô nghĩ đến đó, nỗi sợ ập đến sát gót cô, thành thử cô vội rảo bước chân; nỗi sợ như thể đặt bàn tay lạnh lẽo ướt át vào trong bụng cô, thiếu điều thì cô ngất xỉu, và khi cô nhìn ra biển, vào lúc này, không khí mỗi lúc một trở nên dày và đặc hơn; một màn sương mù nặng nề hình thành, bao bọc lấy các bụi cây và đám cây cao, khiến chúng có những dáng dấp lạ thường. Cô ngoảnh đầu lại để nhìn mặt trăng, nó đang ở sau lưng cô, trông nó giống như một cái đĩa nhợt nhạt không tia sáng, có thể nói rằng một thứ gì đó nặng nề buộc lấy tay chân của cô: Giữ chặt vào! giữ chặt vào! cô nghĩ, và khi ngoái đầu lại nhìn trăng, cô có cảm giác khuôn mặt trắng nhợt của nó ở gần sát cô, và màn sương mù trải rộng như một tấm khăn liệm trên hai vai cô: “Giữ chặt vào! đưa tôi đến đất Ki-tô!” cô tưởng đâu mình nghe thấy và cô cũng nghe thấy một âm thanh, vô cùng trống rỗng, vô cùng lạ lùng, nó không xuất phát từ lũ ếch nhái dưới ao, cũng như không phải quạ đen hay quạ khoang, bởi vì cô không nhìn thấy chúng, “chôn tôi đi! chôn tôi đi!”, điều đó nghe thật rõ! Đúng, chính bóng ma trên bờ biển của đứa con cô đang nằm dưới đáy biển, nó không được yên bình trước khi được đưa tới nghĩa địa và một nấm mồ được đào cho nó trên đất Ki-tô. Đó chính là nơi mà cô muốn đến, nơi cô muốn đào nấm mộ, cô bèn tiến về phía nhà thờ, và vào lúc ấy cô có cảm giác gánh nặng bỗng nhẹ bớt đi, nó biến mất, và cô những muốn quay người lại trở về nhà theo con đường ngắn nhất, nhưng cô lại cảm thấy mình bị đè nặng! “Giữ chặt vào! giữ chặt vào!…” nghe như tiếng ộp oạp của ếch nhái, nghe giống tiếng thở than của một con chim, chính xác là người ta có cảm giác đang nghe thấy: “Chôn tôi đi! chôn tôi đi!”

Sương mù thật lạnh và ẩm, bàn tay và khuôn mặt cô lạnh và ẩm vì sợ hãi! Bên ngoài, cô cảm thấy bị đè nặng, còn bên trong, một khoảng không vô tận mở ra cho những ý nghĩ mà trước đây cô chưa từng bao giờ có.

Tại đây, nơi miền Bắc, chỉ cần một đêm mùa xuân là đủ để tất tật chồi non trong khu rừng sồi nở, và như vậy nó có thể bày ra vẻ rực rỡ tươi trẻ sáng ngời của mình vào ngày hôm sau, dưới mặt trời; chỉ trong vòng một giây cũng có thể vọt lên và bừng nở bên trong chúng ta, bằng suy nghĩ, lời nói và hành động, mầm của tội lỗi đã được gieo sẵn vào cuộc đời mà chúng ta sống; nó vươn lên và bừng nở chỉ trong một giây, khi ý thức tỉnh dậy; và Đức Chúa đánh thức nó đúng vào lúc chúng ta ít trông đợi nhất; chỗ này, không có gì để biện minh, hành động thì ở đó và nó chứng kiến, các suy nghĩ được biểu hiện bằng lời nói và các lời nói vang lên rành mạch khắp thế giới. Chúng ta sợ hãi khi thấy những gì chúng ta mang trong mình mà không bóp nghẹt đi được, sợ hãi khi thấy những gì chúng ta đã gieo mầm bởi lòng kiêu ngạo và thiếu suy nghĩ. Trái tim giữ làm dự trữ mọi đức hạnh, nhưng cũng giữ luôn tất tật lỗi lầm, và chúng có thể lớn lên ngay cả trên nền đất khô kiệt nhất.

Anne Lisbeth cất giấu trong suy nghĩ những gì mà chúng ta đã nói ở đây thành lời, cô trải qua kinh nghiệm về chúng, cô ngã xuống đất, trườn đi một đoạn. “Chôn tôi đi! chôn tôi đi!” người ta nghe thấy như vậy, và thiếu điều thì cô đã tự chôn mình, nếu nấm mộ cho phép lãng quên mọi điều trong vĩnh cửu… Chính là vào giờ của tỉnh thức mà những điều nghiêm túc hiện lên, cùng nỗi hãi hùng và sự sợ hãi đi cùng nó. Sự mê tín hết trút sự nóng lại đổ sự lạnh vào trong máu cô, rất nhiều điều mà cô chưa từng bao giờ muốn nhắc đến hiện ra trong tâm trí cô. Không một tiếng động, giống như bóng mây trong ánh trăng, một thị kiến lướt qua trước cô, trước đây cô từng nghe nói đến nó. Ngay trước mặt cô, bốn con ngựa mũi phì phò phi nước kiệu, ánh lửa vọt ra từ mắt và mũi chúng, chúng kéo một cỗ xe rực sáng, trong đó có vị lãnh chúa độc ác, người, hơn một trăm năm về trước, từng trị vì vùng này. Ngày nào cũng vậy, đúng vào nửa đêm, người ta kể như vậy, ông ta bước vào lâu đài của mình rồi ngay lập tức trở ra, ông ta không nhợt nhạt, trái ngược với những gì người ta vẫn hay nói về những người chết, không, mà đen như than. Ông ta gật đầu về phía Anne Lisbeth và ra hiệu với cô: “Giữ chặt vào! giữ chặt vào! rồi mi sẽ lại có thể được ngồi xe ngựa của bá tước và quên đi đứa con của mi!”

Cô rảo bước chân đi đến nghĩa địa; nhưng các cây thánh giá đen và lũ quạ đen lẫn lộn vào nhau trước mắt cô, lũ quạ kêu giống con quạ đã kêu ngày hôm đó, nhưng giờ đây, cô hiểu nó nói gì: “Tôi là một mẹ quạ! tôi là một mẹ quạ!” con nào cũng nói thế, và Anne Lisbeth biết rằng cái tên này cũng áp dụng cho cả cô, có lẽ cô sẽ biến thành một con chim màu đen giống như con quạ kia và có lẽ cô sẽ buộc lòng phải kêu không ngừng nghỉ những gì mà nó kêu, nếu không đào nấm mộ.

Và cô phủ phục người xuống đất, dùng hai bàn tay đào một nấm mộ trong đất cứng, máu trào ra từ các ngón tay cô.

“Chôn tôi đi! chôn tôi đi!” người ta không ngớt nghe thấy, cô sợ tiếng gà trống gáy và rạng hồng ở phía Đông, bởi vì nếu những cái đó xảy đến trước khi cô xong việc, cô sẽ tiêu đời. Rồi gà trống cất tiếng gáy và ánh sáng đầu tiên xuất hiện ở phía Đông… nấm mộ mới đào được một nửa, một bàn tay lạnh giá lướt qua đầu cô, xuống mặt, rồi đến chỗ trái tim cô. “Chỉ mới là một nửa nấm mộ!” tiếng thở dài vang lên, và giọng nói biến mất, lên đường về đáy biển, đúng, đó là bóng ma trên bờ biển; Anne Lisbeth ngã ra đất, mệt nhoài và bị chấn động, cô không tài nào nghĩ hay cảm thấy gì nữa.

Trời đã sáng khi cô tỉnh lại, hai người đàn ông nâng cô dậy; cô không ở nghĩa địa, mà trên bờ biển, và tại đó, cô đã đào ở trước mặt một hố sâu trong cát và bị đứt tay trào máu vì quờ đúng một mảnh thủy tinh, miếng kính sắc lẹm gắn vào một mẩu gỗ sơn màu xanh. Anne Lisbeth bị ốm; ý thức của cô đã chia bộ bài của sự mê tín, các quân bài nói cho cô biết rằng kể từ nay cô chỉ còn lại một nửa linh hồn, còn nửa kia, đứa con của cô đã mang theo với nó xuống đáy biển; cô sẽ chẳng bao giờ có thể vươn tới ân sủng của vương quốc thiên đường trước khi tìm lại được nửa ấy, nó đã bị giữ dưới đáy nước sâu; Anne Lisbeth quay về nhà, cô không còn là người như lúc trước nữa; các suy nghĩ của cô tơi bời như tấm lưới rối, cô chỉ gỡ ra được từ đó một sợi chỉ, cái sợi nhất quyết nói rằng phải mang bóng ma trên bờ biển đến nghĩa địa, đào một nấm mộ cho nó để có thể lấy lại linh hồn toàn vẹn.

Hơn một lần, người ta không thấy cô ở nhà, vào ban đêm, những lúc như thế cô luôn luôn ở ngoài bờ biển, tại đó cô đợi bóng ma; cả một năm trời trôi qua như vậy, và một đêm cô lại biến mất, nhưng người ta không còn tìm thấy cô nữa; cả ngày hôm sau trôi qua mà người ta vẫn không thấy cô đâu.

Quãng buổi tối, khi tu sĩ bước vào nhà thờ để rung chuông vào lúc mặt trời lặn, ông nhìn thấy Anne Lisbeth nằm trước ban thờ; cô đã ở đó từ sáng sớm, sức lực gần như đã hoàn toàn rời bỏ cô, nhưng mắt cô sáng lấp lánh, mặt cô đỏ bừng bừng; những tia nắng cuối cùng rọi chiếu lên cô, làm bừng lên phía trên ban thờ mấy cái móc gài của quyển Kinh Thánh đang mở ra đúng những lời này của nhà tiên tri Joel: “Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Đức Chúa Trời”… “Đấy là vì tình cờ thôi!”, người ta nói, cũng như biết bao điều xảy đến vì tình cờ!

Trên khuôn mặt Anne Lisbeth, được mặt trời rọi sáng, người ta có thể đọc thấy sự yên bình và ân điển. Cô nói là cô thấy hạnh phúc. Giờ đây, cô đã tìm lại được cái thuộc về cô! đêm hôm đó, bóng ma trên bờ biển, tức là đứa con trai của cô, đã tới gặp cô, và nói: “Mẹ đã chỉ đào được một nửa nấm mộ… cho con, nhưng trong suốt một năm nay, thêm một ngày, mẹ đã hoàn toàn chôn vùi con trong trái tim mẹ, và đó chính là nơi mà một bà mẹ giữ được đứa con của mình tốt nhất!” rồi trả lại cho cô một nửa linh hồn mà cô đã đánh mất, và bảo cô đi vào nhà thờ.

- Giờ thì, mình đang ở trong nhà của Chúa! cô nói, và nơi đây, người ta được ở trong ân sủng!

Lúc mặt trời lặn hết, linh hồn của Anne Lisbeth đã ở tít trên cao, nơi không có nỗi sợ, khi mà người ta đã chiến đấu đến cùng, và Anne Lisbeth đã chiến đấu đến cùng.




các truyện của Andersen:

Andersen: Đứa bé gái giẫm chân lên ổ bánh mì
Andersen: Mộc thần nữ
Andersen: "Năm hạt đậu nhỏ chui ra từ vỏ đậu", "Đứa trẻ tật nguyền", "Thiên thần"
Andersen: Cây đèn đường cũ
Andersen: Con gái chúa tể đầm lầy
Trở về cổ điển: Andersen

8 comments:

  1. "giấc ngủ là một phát minh tốt đẹp" ; " Đó là những ý nghĩ gây sợ hãi, trong lúc thiu thiu ngủ người ta không thấy chúng, nhưng chúng vẫn chuyển động". Và quan trọng nhất, cần phải tìm ra được sợi dây (hay sợi chỉ) trong cả một đám rối nùi.

    ReplyDelete
  2. thế đã tìm được sợi dây chưa?

    à, tuy truyện này đã có "sợi dây" nhưng truyện sắp tới mới là câu chuyện chính yếu của Andersen về sợi dây nhé :p

    ReplyDelete
  3. Với đời mình, đương nhiên là tớ đã tìm được sợi dây rồi chứ. He he. Còn với những truyện của Andersen thì chưa chắc. Andersen có một sự am hiểu tỉ mẩn về những khoảng tăm tối của phụ nữ (bao gồm cả các bé gái) nhưng đồng thời ông ấy cũng bao dung vô biên với những nhân vật nữ, dù lớn hay bé, trong truyện của ông ấy.

    ReplyDelete
  4. ơ, thế nhiều tăm tối lắm thật à?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ồi, ăn thua gì. Bọn đàn ông còn tăm tối khủng khiếp hơn nhiều :p

      Delete
  5. đã cân nhắc cẩn thận rồi xem mà vẫn thấy tinh thần Hộ giáo át cả mùi bia đầm lầy.
    nhưng sức mạnh của sự mô tả mới cứu rỗi: tiếng ầm vang của nước tràn vào tàu, thằng bé dầm mưa vót cọc, những ý nghĩ lang thang và những thứ nảy mầm trong tim trút cái gì đó vào mạch máu ... đọc dựng tóc gáy.
    hay là chuyển sang phần đọc thêm cho Hiện tượng luận về Tri giác đi!

    ReplyDelete
  6. đang tìm cách phân tích nốt những khác biệt giữa "niệm năng" ở Bergson và những phát triển ở Merleau-Ponty là có thể bắt đầu cú hiện tượng luận tri giác đây :p Bergson quá quan trọng, gạch nối không thể bỏ qua được, chính vì thế mà cả Merleau-Ponty lẫn Deleuze đều bình luận Bergson rất đậm

    ReplyDelete
  7. bỏ ngoặc kép cho niệm năng đi. ý thức có phase/state năng lượng/lực v có "nhất niệm khoảnh" rồi mà.
    nghe bình luận về Bergson tò mò quá!

    ReplyDelete