Jan 4, 2016

Linda Lê, năm nay

Tôi dùng lại mấy từ từng dùng cách đây gần ba năm ở đây. Một sự thể hiện của thiếu thốn ngôn từ chăng? (đấy, lại câu hỏi tu từ).


Sự tồn tại của cõi văn chương Linda Lê là một điều kỳ diệu. Một cõi văn chương đi qua nhiều vòng, những vòng ấy được đánh dấu bằng các tập tiểu luận xen kẽ với các tiểu thuyết (về tập tiểu luận mới nhất của Linda Lê, xem ở đây, một kiệt tác đích thực).

Điều kỳ diệu trong Linda Lê nằm ở mấy chỗ mà giờ đây tôi đã hiểu trọn vẹn.

Kể từ khi tôi phát hiện ra Linda Lê, một sự phát hiện khá kỳ cục, vào mùa thu năm 2002, trong bếp chung tầng lầu thứ ba của ký túc xá một ngôi trường, tôi luôn luôn nghĩ, văn chương ấy sẽ phải thay đổi, sắp thay đổi rồi, đã hụt mất mấy lần, nhưng kiểu gì cũng thay đổi. Giờ thì tôi đã biết đích xác: trước đây tôi cứ nghĩ là bị thiếu gì đó, nhưng không phải, hoàn toàn không phải, mà ngược hẳn lại, bị thừa, cần phải cắt bớt đi một chút, một chút thôi.

Và văn chương ấy cũng tự hiểu ra. Linda Lê là một trong những nhà văn rất hiếm chuyển được qua mức "nổi tiếng" để bước vào địa hạt của "lớn". Một nhà văn hoặc lớn ngay tắp lự, hoặc nổi tiếng, cực ít người đi được từ địa hạt của nổi tiếng vào địa hạt của sự lớn lao.

Linda Lê đang bắt đầu sự dịch chuyển kỳ diệu ấy. Cuốn tiểu thuyết (roman) mang tên Roman này là một điểm mốc quan trọng, nhưng đã trước đó một chút (từ cuốn tiểu thuyết Oeuvres vives in năm kia). Quãng hơn mười năm vừa rồi là thời gian cần thiết cho một chuyển hóa mãnh liệt, chuẩn bị cho một lần hóa thân kỳ diệu.

Ở Việt Nam tôi chưa thấy bất kỳ ai làm được điều đó, tức là chuyển từ "nổi tiếng" sang "lớn". Ta có hai nhân vật xuất hiện là lớn luôn, không cần "nổi tiếng" từ trước, là Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp. Cũng có trường hợp đáng lẽ đã làm được cái việc kỳ diệu là chuyển khỏi "nổi tiếng" để bước sang "lớn", nhưng đã hụt bước cuối cùng. Chuyện mới xảy ra gần đây.

Linda Lê gần như là người duy nhất nói được cho tôi cần phải đọc nhà văn nào. Ngoài Paul Valéry, tôi chưa từng thấy thực sự có nhà văn nào viết tiểu luận văn chương lớn lao. Pamuk hơi giống trò hề, Nabokov thỉnh thoảng có tí ti tinh quái, Rushdie thì thường xuyên nhầm lẫn. Linda Lê là người bảo cho tôi rằng, cần phải đọc Thomas Bernhard và Robert Walser, chính là hai cõi văn chương mà tôi tuyệt đối cần. Linda Lê cũng là người duy nhất trên đời thực sự có thể nói chuyện với tôi, trong tinh thần bè bạn, về Cioran.

Tôi phá lệ chán ghét và kinh tởm trò tiên tri để lần này thực sự vào vai Cassandre: Linda Lê sẽ là một nhà văn rất lớn.

9 comments:

  1. Có cái nào của Linda Lê sắp in ở Vn không, đồng chỉ?

    ReplyDelete
  2. trong năm tới sẽ có ít nhất quyển trong "LL, năm nay" hồi 2012

    à mà sao câu hỏi làm mình nghĩ đến người quen thế nhỉ :p

    ReplyDelete
  3. Mr. Tin Văn nhầm rồi, điều tôi muốn nói không phải là điều bác phản đối, tất nhiên "lớn" và "nổi tiếng" không liên quan đến một văn chương như văn chương của LL, điều tôi muốn nói là văn chương ấy đang thay đổi, bác đâu có đọc được tiểu thuyết của LL, nên tất nhiên không thể hiểu được điều này hehe

    nhân tiện, sắp đến lúc chúng ta cũng cần nói chuyện về Nguyễn Huy Thiệp rồi, bác đợi nhé, giờ mới thực sự là một đòn của Trình Giảo Kim ^^

    ReplyDelete
  4. Mới xảy ra gần đây phải chăng là NNT ?

    ReplyDelete
  5. đừng đoán, không đoán được đâu, càng những gì hiển nhiên càng không cần phải nói, vì hiển nhiên nhất sẽ chứa đựng nhiều bí ẩn nhất, mà các bí ẩn tồn tại là vì chúng là bí ẩn

    ReplyDelete
  6. "Small is Beautiful" and it's grateful to be unknown...
    "as small as a world and as large as alone."
    -- GC.

    ReplyDelete
  7. - "Đêm nay ba lại hiện về. Dưới manh áo khoác bằng lửa. Ba hỏi tại sao tôi đã đốt hết thư từ, nỡ giết ba thêm lần nữa."

    - "Hôm nay mẹ mất"

    I don't know why Nguyen Dang Thuong doesn't translate Linda Le's books anymore. I like the whispering tone, the voice of Soliloquy in his "Linda Le"

    ReplyDelete
  8. Vì Nhị Linh ái mộ văn chương Linda Lê nên tôi xin được nói lời chân thật cuả tôi, một bạn đọc, nhé. Tôi đọc trích đoạn "Tiếng Nói" do Nguyễn Đăng Thường dịch, tôi rất thích. Và tôi tin, nếu Linda Lê đọc được tiếng Việt, nàng cũng sẽ thích bản dịch đó. Có thể nó sai ngữ pháp, không chuẩn với tiếng Việt, nếu không muốn nói là nó hơi gì đó làm dáng, cà chớn, nhưng mà nó hay. Nếu bạn quan sát những người tâm thần, họ cũng thường tỏ ra làm dáng, cà chớn và lạng quạng thế nào ấy, nói gì đến câu cú cho chuẩn. Nguyễn Đăng Thường dịch bằng một tâm thần như vậy.
    Thú thật, đọc mấy cuốn do Nguyễn Khánh Long dịch tôi lại không thấy thích. Phải có hơi tâm thần, hiện sinh, hoặc "in the middle of nowhere" thì chớp được tia sáng ma trơi cuả nàng này, đúng không dịch giả Nhị Linh? Nàng này đã từng vào viện tâm thần, không những không có linh hồn, mà còn có tới hai ba linh hồn, song nàng có tuệ giác tạm an trú trong thân xác nên mới có thể cầm bút và múa như mưa bão được.

    -- Gió Chán.

    ReplyDelete
  9. thêm một, hóa thân kỳ diệu
    4/1/2016

    ReplyDelete