Jan 18, 2016

Meaulnes và Lương Ngọc

Năm 1937, tận năm 1937, Jean Giraudoux, một nhà văn lớn của nước Pháp, một trong rất ít người cùng thời từng khiến Marcel Proust hoảng hốt, vẫn còn viết, trong một bài báo, rằng đại ý ông ấy tự coi mình là một "petit Meaulnes".

Mỗi khi có một tác phẩm văn chương lớn xuất hiện ở Việt Nam, sau vài tháng tôi lại tìm xem người ta viết gì về nó. Lần nào cũng như lần nào, các bỉnh bút (nhất là dân chuyên nghiệp hoặc được coi là chuyên nghiệp) đều biết cách làm tôi ngạc nhiên. Thế mới tài.

Tên của đóa hồng (xem thêm ở đây) thực sự khiến tôi thấy rất ngại. Đó là một tác phẩm lớn, nhưng là lớn vừa tầm, do một nhà văn nổi tiếng viết, nhưng đó là một nhà văn kiểu giống như Somerset Maugham ngày xưa, số một trong số các nhà văn hạng hai (đây chính là điều Maugham tự nhận, và theo tôi không có gì đáng nhục mạ hết; như thế đã là quá nhiều). Một cuốn sách trông có vẻ phức tạp nhưng thật ra không hề phức tạp, với những yếu tố quan trọng nhất thì đã có sẵn ở Borges, lại thêm khối kiến thức triết học Trung cổ (mà Eco là một chuyên gia), nên ngay từ đầu đã có thể hình dung được cấu trúc và diễn tiến câu chuyện. Cuốn sách nào như vậy cũng là đơn giản hết. Thế mà tôi đọc thấy những cái gì như là nở hoa của kiến thức với tri thức bỏ mẹ gì đó, haha. Không hiểu nổi Eco thì không bao giờ hiểu nổi bất kỳ một cái gì khác nữa, vị trí của Eco là đứng ở cửa vào văn chương phương Tây đấy, thử thách nhỏ nhất cho công cuộc đọc mà thôi, chưa là cái gì hết.

Đến The Great Gatsby mới kinh (xem thêm ở đây). Giới đọc, nhất là giới xem phim, chê Daisy phù phiếm, vớ vẩn. Hãi hùng thật. Kiệt tác cỡ ấy mà cũng đọc ra thành như thế được. Scott Fitzgerald là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ XX, một nhà văn Mỹ cực hiếm đạt được tới tầm vóc ấy. Cioran dành cho Fitzgerald một chương còn dài hơn chương về Samuel Beckett.

Scott Fitzgerald không viết chuyện tình đâu. Tuyền những cầu ở quận Madison với cả bệnh nhân người Anh các thứ, đọc sang đến văn chương lớn, các bạn ngã như ruồi.

Nhưng buồn cười nhất là cái tờ Tuổi trẻ. Khi Swann mới ra, tờ báo lớn nhất nước ấy biết là không tránh được, phải gắng gượng viết một bài. Đời tôi đã đọc hàng chục nghìn thứ liên quan đến Đi tìm thời gian đã mất, chưa bao giờ tôi gặp một cái gì ngu xuẩn đến mức ấy. Tới đây có khi Tuổi trẻ lại mặt dày xông pha vào mấy vụ đánh đấm dịch thuật cho mà xem. Haha, tôi sẽ chẳng lạ đâu.

Scott Fitzgerald không viết chuyện tình. Alain-Fournier không viết chuyện tình. Nhượng Tống càng không viết chuyện tình.

Khi Le Grand Meaulnes của Alain-Fournier (hay bị bọn ngớ ngẩn ở Việt Nam gọi là "Alain" đầy thân ái hí hí) đột nhiên trở lại trong một bản dịch mới, rất gần thời điểm với Lan Hữu, tôi đã rất hy vọng, đã đầy đủ mọi thứ như vậy rồi, thì không thể đọc trượt được nữa.

Thế mà vẫn trật lất hết. Vẫn tình yêu cay đắng, say mê đầu đời, vẫn tuổi trẻ đã qua đầy tiếc nuối. Cái màu tình cảm bi lụy thống thiết này, bao giờ thì mới tan bớt đi được nhỉ?

Le Grand Meaulnes và Lan Hữu là hai kiệt tác. Hai kiệt tác ấy lại thông nhau. Sự thông nhau ấy lại đã được chỉ ra một cách tường minh, trong một bài viết của Ký giả Lô Răng tức Phan Lạc Phúc (vì bài viết này mà tôi phải đặc biệt quan tâm đến Phan Lạc Phúc, trước đây tôi chỉ quan tâm đến một Phan Lạc khác, tạm gọi là Phan Lạc X, nhưng không phải Phan Lạc Y mà rất nhiều người đã nghĩ ngay đến đâu).

Phan Lạc Phúc đặt được ngay Le Grand Meaulnes cạnh Lan Hữu. Như thế là xong rồi còn gì. Ông ấy đã cắt đi mọi không gian rườm rà trông như thể ngăn cách hai tác phẩm ấy. Phải biết nhìn thấy khoảng cách giữa những thứ cạnh nhau và sự cạnh nhau giữa những thứ xa nhau, thì mới hiểu được.

Nhà văn duy nhất mà tôi từng đặt cạnh Marcel Proust chính là Alain-Fournier (xem ở đây). Đó là năm 1913, cái năm khủng khiếp của nước Pháp (cũng trong năm 2013, Antoine Compagnon giảng suốt một thời gian dài chỉ về năm 1913, những bài giảng cực kỳ nổi tiếng). Năm 1913, Proust và Alain-Fournier cùng một lúc tiên tri sự sụp đổ của nước Pháp, của một thế giới. Nếu muốn đơn giản, cứ việc coi Combray, coi "temps" ở Proust là sự nối thẳng đến những gì sẽ mất. Nhưng ở phương diện này, Le Grand Meaulnes cao hơn nhiều: nó chính xác là cuốn sách văn chương tiên tri cho mọi thứ. "Domaine mystérieux", Yvonne de Galais, thiên đường đánh mất (chúng ta bị đuổi khỏi thiên đường, nhưng không vì thế mà thiên đường đổ sụp, ai đó từng nói vậy), tất tật làm nên một tác phẩm kiệt xuất. Thế các bạn nghĩ tại sao Le Grand Meaulnes là một kinh điển của văn chương Pháp nào? Vì nó miêu tả một câu chuyện tình đau lòng ư? Không có gì vớ vẩn hơn thế đâu.

Về Lan Hữu mới hay. Rất nhiều người nói là tôi đã quá lời khi ca ngợi cuốn tiểu thuyết ấy như vậy, tôi biết.

Nhưng thế là nhầm. Chính xác là điều ngược lại: tôi viết một lời giới thiệu vừa đủ, giải thích vừa phải. Tôi chưa nói đến đủ tầm đâu.

Lan Hữu xuất hiện, vào năm 1940, và thế là mọi sự đã thay đổi. Hãy hình dung như thế này này: khi có cuốn tiểu thuyết ấy (liên hệ thẳng với Tố Tâm là bắt đầu hiểu rồi đấy), cánh cửa bắt đầu nhúc nhích. Hãy nghĩ quãng thời gian từ 1940 đến 1945 ở Việt Nam là một cánh cửa. Cánh cửa ấy mở xuống vực thẳm. Lan Hữu chính là bản lề của cánh cửa ấy. Nó tiên tri cho sự sụp đổ. Không phải tự nhiên mà Nhượng Tống kể câu chuyện tình ba người đâu. Khi có ba người, tình yêu đã không còn thực sự là tình yêu nữa, Nhượng Tống muốn nói điều gì đó đằng sau nữa. Cũng không phải tự nhiên mà Nhượng Tống có sẵn câu chuyện ấy để kể nó ra vào năm 1940, trong một cuốn sách tuyệt vời đến thế đâu.

Trong tất cả, dường như chỉ Mai Anh Tuấn lờ mờ thấy điều gì đó. Đúng rồi đấy, phê bình trước hết là công việc của trực giác, của linh cảm, cần phải biết tin vào trực giác nảy ra ở bên trong mình ấy, đừng nhìn quá nhiều ra bên ngoài.

Nhiều lúc, làm được một cuốn sách nào đó xong, tôi thấy tiếc công lắm hehe.

7 comments:

  1. Câu Thiên đường của Kafka
    *câu hỏi tu từ*

    ReplyDelete
  2. Tố Tâm, Lan Hữu em nghĩ đến vỡ mộng
    Lan Hữu, La Grand Meaulnes thì không vỡ mộng, mà là lạc mất
    Về linh cảm thì thấy có sợi chỉ nhằng nào đấy, nhưng không tóm được sợi chỉ
    Người đọc thấy zấm zứt lòng quá, hoài công người làm sách rồi.

    ReplyDelete
  3. tính bọn phê bình với điểm sách thôi :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. *cảm thấy được an ủi* ;)

      Delete
  4. Vỡ mộng gì nhỉ, Gide cả đời đã bao giờ viết tiểu thuyết đâu.

    ReplyDelete
  5. đúng, Gide (không đọc là gờ ít gít sắc gít nhá hehe) chỉ viết truyện thôi

    ReplyDelete