Aug 8, 2017

Nizan: Aden Arabie

Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ thực sự quan tâm đến Paul Nizan. Sự ở gần quá mức Jean-Paul Sartre của Nizan khiến tôi chán ngấy ngay từ đầu. Bỗng tôi mới phát hiện trở lại, rất gần đây, một Nizan như tôi chưa từng bao giờ biết.

Sau khi tôi bắt tay vào dò tìm, đúng hơn là dò hỏi, cái thế hệ sinh ra đầu thế kỷ 19 (xem ở kia), như thể có tiếng vọng nào đó vang lên, đối với tôi, từ cái thế hệ sinh ra sau đó đúng một trăm năm: những người sinh vào thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, họ như thế nào?

Jean-Paul Sartre sinh năm 1905. Paul Nizan cũng sinh năm 1905. Họ là bạn rất thân với nhau. Có ba người khác cùng sinh năm 1908: Claude Lévi-Strauss, Maurice Merleau-Ponty và Simone de Beauvoir. Những người rất quan trọng đối với thế kỷ 20 của nước Pháp.

Một "tiếng vọng" theo một chiều khác: tôi nghĩ đến mấy nhân vật Việt Nam cùng sinh ra vào năm 1905-1906: Nhất Linh, Nhượng Tống và Nguyễn Văn Huyên. Rồi lại mấy người sinh năm 1907-1908: Nguyễn Mạnh Tường và Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long. Cũng là những người rất quan trọng đối với ở đây.

Năm người bên này, và năm người bên kia, cứ như thể cả hai bên đều có nhiều điều, rất nhiều điều để nói, và không hẳn những điều họ nói hoàn toàn không có điểm gì chung.

Vả lại, sau ở kiaở kia, rồi lại đến ở kia (cái này sẽ sớm được viết tiếp), chắc cũng nên, trước khi thực sự bước vào phần rất hard-core của lý thuyết văn học (chẳng hạn như Paul de Man), đến với một tác phẩm mà Paul Nizan viết khi còn rất trẻ: Aden Arabie được Nizan cho xuất bản năm 1931. Nizan sẽ chỉ sống đến năm 1940. Aden Arabie có câu mở đầu (như sẽ thấy dưới đây) được Mario Vargas Llosa dùng làm đề từ cho một cuốn tiểu thuyết (xem ở kia).

Nizan rất giống Sartre. Cũng bé tí, và đặc biệt mắt cũng lác. Đây là lý thuyết của tôi: Nizan chết quá sớm, thành ra sau đó Sartre không sao mà cân bằng cho nổi, vì nếu có thêm một người mắt lác bên cạnh, sự lác của chính Sartre sẽ trở nên không lác lắm. Giả thuyết của tôi không có gì độc đáo: Ernesto Sabato cho rằng sở dĩ Sartre bảo địa ngục là người khác chỉ giản dị xuất phát từ chuyện Sartre quá xấu, bị người khác nhìn thì đúng là địa ngục.



Aden Arabie

Paul Nizan


I

Tôi hai mươi tuổi. Tôi sẽ không để bất kỳ kẻ nào nói đó là tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Một thanh niên bị mọi thứ đe dọa về hoang tàn: tình yêu, tư tưởng, mất gia đình, bước vào giữa đám người lớn. Thật tàn khốc khi phải học để biết số phần của mình trong thế giới.

Thế giới của chúng ta ra sao? Nó có dáng vẻ của chaos mà người Hy Lạp đặt ở khởi thủy của vũ trụ trong những đám mây lừa dối. Chỉ có điều người ta nghĩ mình nhìn thấy ở đó khởi đầu của kết thúc, kết thúc đích thực, chứ không phải thứ kết thúc chính là khởi đầu của một khởi đầu. Trước các chuyển hóa gây kiệt sức mà rất ít chứng nhân cố sức tìm ra chìa khóa, người ta có thể chỉ đơn giản là thoáng nhìn thấy sự hỗn độn dẫn đến cái chết đẹp đẽ của cái gì tồn tại. Mọi thứ đều giống sự mất trật tự nằm ở cuối những căn bệnh: trước cái chết vốn dĩ có nhiệm vụ biến mọi cơ thể trở nên vô hình, nhất thể của da thịt tan rời, mỗi bộ phận của sự đông đảo khủng khiếp ấy chạy về một hướng. Rốt cuộc sẽ là sự thối rữa không chứa đựng phục sinh.

Chỉ rất ít người cảm thấy đủ mức sáng suốt để có thể gỡ ra rạch ròi các lực đã cuồng lên đằng sau những đống lớn đổ nát thối rữa.

Người ta không biết chút nào về những gì lẽ ra phải biết: văn hóa thì quá mức phức tạp, chẳng cho phép hiểu điều gì khác ngoài các nếp nhăn trên bề mặt. Nó mất hút vào những điều tế vi trong một thế giới ngăn nắp các đường lý trí và gần như mọi kẻ chuyện nghiệp đều không có khả năng đánh vần các văn bản mà bọn họ bình luận. Sai lầm thì bao giờ cũng kém giản dị hơn so với cái đúng.

Người ta cần a bê xê kết hợp lại với nhau của những gì có tầm quan trọng đích thực. Nhưng thay vì học đọc, những kẻ mà một sự dằn vặt chân thành đôi lúc gây mất ngủ lại tưởng tượng ra các kết luận thảy đều dựa trên nghiên cứu về những suy đồi đối chiếu: các kết luận thông qua sự xâm chiếm của lũ mọi, chiến thắng của máy móc, các hiện hình ở Pathmos [liên quan đến Jesus Christ], viện nhờ đến Genève và Chúa. Sao mà tất cả mọi người ai cũng trí tuệ thế!

Nhưng đám ma lanh ấy có tầm nhìn quá thấp, chẳng thể nào, từ bên trên cặp kính của bọn họ, nhìn được xa hơn các vụ đắm tàu. Thế nhưng đám trẻ lại tin tưởng vào bọn họ.

Những lời buộc tội không phúc án, những bản án thảm khốc: “Ngươi sẽ chết.” Những người thuộc lứa tuổi tôi, bị ngăn chặn không thể lấy hơi, bị áp bức giống như các nạn nhân bị gí đầu xuống dưới nước, tự hỏi còn có không khí ở đâu đó hay không: tuy nhiên cần phải gửi bọn họ đến giữa làn nước để hội với các gia đình những người chết chìm của bọn họ.

Vì người ta xếp tôi vào với đám trí thức, tôi chưa từng bao giờ gặp ai khác ngoài lũ kỹ thuật viên vô khả năng: đám kỹ sư, luật sư, chuyên gia cổ tự [“chartiste” là từ thường được dùng để chỉ học sinh và cựu học sinh “École des Chartes”; dường như đối với Nizan, từ này có một nghĩa vừa rộng hơn vừa đặc thù hơn], giáo sư. Thậm chí giờ tôi còn không thể nào nhớ nổi sự nghèo nàn ấy nữa.

Những ngẫu nhiên của trường lớp, những lời khuyên thận trọng đã đẩy tôi tới trường École Normale [Nizan cũng như Sartre là học sinh ENS, trường Sư phạm phố Ulm] và cái môn tập luyện chính thức đó, mà người ta vẫn còn gọi là triết học: cả đôi mau chóng gây cho tôi toàn bộ nỗi kinh tởm mà tôi đã đủ khả năng có được. Nếu người ta hỏi tại sao tôi ở lại chỗ ấy, thì đó là do sự lười biếng, thiếu chắc chắn, vô tri về các nghề nghiệp, và cũng bởi Nhà Nước nuôi tôi ăn, cho tôi chỗ ở, cho tôi mượn sách miễn phí và còn cho tôi thêm một trăm franc mỗi tháng [khoảng tám mươi năm sau thời của Nizan, học sinh ENS nhận chừng trên một nghìn euro].

École Normale là một thiết chế khiến các quốc gia ghen tị với nền Cộng hòa [tức là “nền Cộng hòa Pháp”: ENS gắn liền với “Cộng hòa” là vì ngay sau Cách mạng 1789 nó cùng École Polytechnique tức trường Bách khoa được thành lập, trở thành một biểu tượng của cộng hòa]: nó là một trong những cái đầu của nước Pháp, cái đất nước có nhiều đầu giống như một con rắn nhiều đầu [tức là con “hydre”]. Tại đó người ta huấn luyện một phần trong cái tập hợp đầy cao ngạo các ảo thuật gia mà những ai trả tiền để tạo ra gọi là Élite và nó có sứ mệnh giữ cho dân chúng đi đúng con đường của vui thú và tôn trọng, hai phẩm hạnh của Thiện. Ở đó ngự trị tinh thần tập đoàn các xê-mi-na và các trung đoàn lính: người ta dễ dàng khiến đám trẻ tưởng rằng sự yếu đuối riêng của bọn họ tụ về niềm cao ngạo tập thể, rằng École Normale à một hữu thể có thực, sở hữu một tâm hồn - và là một tâm hồn đẹp - một pháp nhân đáng yêu hơn so với sự thật, công lý và con người. Tại cái nơi trú ngụ các thực thể trong suốt, giống Vườn Hồng. Đạo đức giả là bà hoàng. Phần lớn các normalien [từ gọi học sinh (và cũng có thể cựu học sinh) École Normale] mang ngay trên người họ những phán định duy nhất khẳng định họ thuộc về Élite: élite Ki-tô giáo, rất nhiều trong số họ thích lễ nhà thờ. Élite của giới đại học: có những người chuẩn bị như trước một chuyến đi lớn các bước cần theo của một sự nghiệp đẹp đẽ và ở tuổi hai mươi dự tính các cuộc hôn nhân với những cô con gái các giáo sư lừng danh: Tập san École Normale đăng các bảng phả hệ đầy ngạo nghễ và nực cười. Élite chính trị: nhiều người bơi trong làn nước bẩn các phân khu xã hội chủ nghĩa, liên đoàn cấp tiến với một sự khéo léo như lũ cá già [“vieux poissons”: trong tiếng lóng (argot) của École Normale, có nhiều từ liên quan đến cá: “cá chết” (poisson mort) là từ để chỉ học sinh cũ; có lẽ điều này bắt nguồn từ việc giữa cái vườn trung tâm của trường (cour des Ernests) có một cái bồn nước nuôi cá vàng, “poisson rouge”]. Nhưng luôn luôn là các élite của Trí Tuệ. Các ý nghĩ nhiều tham vọng này giới hạn lại phần lớn suy tư về giá trị con người.

Tại đó người ta đề xuất với các cậu thiếu niên mệt mỏi sau những năm mài mông ở trường trung học, bị băng hoại bởi cổ văn học, bởi luân lý và bếp ăn tư sản gia đình họ, ví dụ về những người xuất chúng đi trước: Pasteur, Taine, Lemaitre, Giraudoux, François-Pontet. Người ta hứa hẹn với họ tấm huy chương chừng nào họ đã làm trò xong và Học Viện Pháp [Institut, tức là thiết chế được cấu thành từ các thiết chế cấp dưới, chẳng hạn Académie Française, Hàn Lâm Viện Pháp] ở đoạn cuối cuộc đời họ: nhưng chẳng ai kể cho họ về cuộc đời Evariste Galois.

Năm 1924, vẫn còn có một người: Lucien Herr [rất nhiều thanh niên thế hệ của Paul Nizan chịu ảnh hưởng lớn lao của Herr, thủ thư của trường École Normale: thư viện của École Normale rất khổng lồ, trong đó có vô số sách của học sinh cũ và do học sinh cũ tặng trường; tin buồn là hiện nay thư viện cũ, từng chiếm gần hết tầng hai toàn bộ khối nhà chính đã bị bỏ, thư viện mới được xây đằng sau; người ta phải đi qua cổng, rồi vào cửa chính, qua sảnh, qua một cửa nữa, ra vườn, đi qua vườn, qua thêm một cửa, vào một sảnh khác, chỗ có tượng đài liệt sĩ, rồi đi thêm một cửa nữa - tất tật theo một đường thẳng - thì sẽ đến thư viện mới]. Khi người ta trông thấy người khổng lồ ấy cúi xuống một chồng sách lớn, cặp mắt không chút sương mù kia bên dưới một vầng trán gồ ghề, như thể một vách đá dựng đứng của suy nghĩ, khi người ta nghe thấy giọng nói không bao giờ dối trá của ông thốt ra những lời phán định chỉ chăm chăm hướng đến mục đích đúng đắn này: trả về cho mỗi người cái thuộc về anh ta, người ta biết sẽ không thảm khốc nếu phải sống tại cái nơi nhơ nhớp đó. Nhưng ông đã chết [Lucien Herr qua đời năm 1926]: chỉ còn lại École Normale, cái thứ thật hài hước và thường là đáng tởm, đặt dưới sự chủ trì của một ông giá nhỏ thó và ái quốc, đạo đức giả và hùng mạnh, rất kính trọng đám quân nhân [nếu không có gì nhầm lẫn (và chắc không nhầm lẫn), Paul Nizan đang ám chỉ đến Gustave Lanson].

Suốt những năm ấy tôi đã nghe, tại phố Ulm và trong các phòng của trường Sorbonne những con người quan trọng nói năng nhân danh Trí Tuệ.

Họ thuộc vào số các triết gia dạy sự thông thái trên những tờ tạp chí, viết các tác phẩm dày đặc quy chiếu và lý trí tốt lành. Họ gia nhập các giới bác học, họ triệu tập các hội nghị nhằm quyết định về những tiến bộ mà Trí Tuệ đã thực hiện được trong vòng một năm và về các tiến bộ mà nó còn phải thực hiện. Họ gắn các dải băng trên ve áo giống đám sen đầm về hưu. Họ khánh thành các tấm bảng đá, nơi các ngôi nhà sinh ra, nơi các ngôi nhà quàn xác, tại các ngã tư Hà Lan [chắc hẳn Nizan đang ám chỉ đến một chuyện cụ thể; tạm thời tôi còn chưa tìm ra]. Những buổi lễ tưởng niệm ấy giúp họ thăm thú đất nước. Gần như tất cả họ sống ở các khu phố phía Tây Paris: Passy, Auteuil, Boulogne: những khu phố êm ả, ít tiếng ồn, ít người, ở đó các cô gái không bị chậm kinh mất một năm [a!]. Đó là các Nhà Thông Thái của quận 16.

Tuy nhiên họ trình bày những tư tưởng đã thuần hóa rất kỹ, những lý thuyết mòn răng hết cắn về tâm lý học, về đạo đức, tiến bộ: những sự trừu tượng đó đã trơ lòi cả xơ kể từ thời của Jules Simon hay Victor Cousin; chúng vẫn còn dùng tốt. Họ là các quý ông tốt tính: họ nói rằng có thể túm lấy sự thật trong lúc nó đang bay giống một con chim ngây thơ. Họ lăng xê các thông điệp về hòa bình và chiến tranh, về tương lai nền dân chủ, về công lý và sáng tạo của Chúa, về tính tương đối, sự thanh thản và cuộc sống tinh thần. Họ tạo ra các tự vị, bởi vì tất cả họ đã cùng nhau phát hiện một mệnh đề quan trọng: các vấn đề sẽ không còn tồn tại nữa chừng nào các thuật ngữ về chúng đã được định nghĩa một cách ổn thỏa. Thế là chúng rơi vào cát bụi: không thấy cũng chẳng biết, đặt chúng ra cũng là giải quyết chúng rồi. Các triết gia sẽ chỉ đơn giản là đám chó canh [cụm “les chiens de garde” sẽ trở thành nhan đề một tác phẩm tàn độc khủng khiếp của Paul Nizan, hướng vào các triết gia của thời ấy] cho tự vị và sử gia về cái thời trung cổ ấy, khi các từ còn mang nhiều nghĩa. Trong lúc chờ đợi họ học cách gạt sang bên những suy nghĩ nguy hiểm, rồi sẽ đến ngày các chất độc của chúng bay hơi hết đi: lý trí có đủ thời gian, nó sẽ tìm thấy lại chúng khi tới lúc, thời điểm đó không trùng hợp với thời điểm của con người.

Họ làm triết học như vậy, nhìn chung nó đòi hỏi kha khá sự sạch sẽ và các chăm lo, thành thử sẽ là đáng trọng vọng nếu cống hiến cho nó những cuộc đời tách rời khỏi môn kế toán và Hội Jésus.

Và trời ơi thứ ngôn ngữ ấy! Họ trưng bày vô vàn lời hay ý đẹp, thành ngữ, ám dụ, đến nỗi thậm chí tôi còn chẳng biết nữa là nếu thật cố gắng tập trung vào những im lặng được truyền tới từ các tuyên bố bí mật của giấc ngủ, những cuộc trò chuyện với những người bộ hành loanh quanh trên các quảng trường, doanh trại, quán xá, nhà máy, tôi còn có thể tìm lại được nghĩa các lời nói thẳng thớm và những sáng tạo giản dị của con người hay không.

Giữa họ có một nhà tư tưởng lớn: Léon Brunschwicg [một trong những đối tượng công kích mãnh liệt của Nizan khi hướng tới các triết gia]. Giấu bài thiện nghệ hơn, nhét nhiều quân đầm hơn trong các ống tay áo. Một sự chuẩn xác kiểu người thợ đồng hồ của suy nghĩ, một tài khéo hé lộ nghệ thuật của ảo thuật gia, những cái ấy trước tiên khiến người ta nghĩ tới một triết gia: nhưng rồi rốt cuộc người ta chỉ thấy độc một Robert Houdin [ảo thuật gia lừng danh; Houdini về sau lấy tên ấy là để thể hiện lòng ngưỡng mộ với “Robert Houdin”] mà người ta có thể cân đo, rồi thì có thể đếm những lời nói dối. Cái kẻ nhỏ mọn chuyên bán những lời ngụy biện đó có một vẻ ngoài của ông quản lý khách sạn già mãi về sau được phép để bụng phệ và nhiều râu. Sự mưu mẹo thoát ra từ khóe mắt ông, dẫn lối trong không gian xám xịt cho các cử động ngắn ngủn của hai bàn tay ẽo ợt giống tay lái buôn Do Thái của ông [điều đáng mỉa mai là Nizan sử dụng tương đối tự do các ẩn dụ với ngụ ý không mấy tốt đẹp hướng tới người Do Thái]. Vừa nháy mắt lia lịa vừa tung vãi lời hay ý đẹp giống các quyết nghị của lý trí, ở mỗi câu nói lại gợi ý: cứ để yên cho tôi làm, mọi chuyện sẽ ổn thôi, tôi sửa chữa mọi điều trong các tâm hồn và các môn khoa học. Rồi chào cử tọa. Một cơn háu đói kinh khiếp làm sao, nó được che giấu, đối với địa vị, sự nghỉ ngơi và các vinh dự! Một nỗi hãi hùng chân thực làm sao trước sự thật đe dọa, về cái sự thật, chẳng hạn, có thể phạm tới tiền bạc của con người giàu có ấy! Các môn đệ xếp hàng trật tự quanh ông lúc nào cũng sẵn sàng giơ cao phía trên xác chết của ông lá cờ quân lê dương của chủ nghĩa lý tưởng phê phán.

Tuy nhiên con người ta làm việc theo dây chuyền. Tuy nhiên đám cảnh sát bước đi ngoài phố, người ta chết bên Trung Quốc một cách khốc liệt, rồi tại Thượng Volta [tên chỉ vùng thuộc địa của Pháp tại Đông Phi], lao động cưỡng bức đốn ngã người Da Đen giống như một bệnh dịch.

Tức là người ta làm hết những gì có thể để che giấu trước chúng tôi sự tồn tại bằng da thịt cụ thể những người anh em của chúng tôi, để chúng tôi thực sự được trang bị vũ khí cho các công việc cha xứ vốn dĩ dành sẵn cho chúng tôi. Đám tư sản tọng cho đầy mồm những trí thức của bọn họ nhằm khiến họ không còn bị cám dỗ yêu thế giới nữa. Tức là chúng tôi sống ở cái vận tốc khốn khổ của giấc ngủ: ai cũng biết rằng các tốc độ lớn thì đắt tiền. Chúng tôi xoay vòng giống như người ta từng dạy cho chúng tôi xoay vòng, bận rộn với những trò chơi xây dựng nhỏ mọn được rao giảng bởi tất tật các công chức kia. Gần như mọi nơi đều có người, vùng nông thôn và ngoại ô: nhưng chúng tôi, chúng tôi nhìn các thầy và bố của chúng tôi để làm giống họ, mà họ thì buồn thảm ngồi thu lu trong các góc, đôi khi đứng dậy để mua vui cho ông chủ, chuyển cho họ một đơn hàng ảo tưởng, lập luận hoặc lời biện minh. Những tên hề, những kẻ đồng lõa: các nghề nghiệp của trí tuệ. Thảng hoặc, họ cầu xin người ta kiên nhẫn: thế giới sắp được cứu rỗi rồi.




II

Hãy hình dung xem: chúng tôi đó, ở tuổi hai mươi bị thả vào một thế giới   



(còn nữa)

7 comments:

  1. nghe Paul Nizan kể đoạn này thì có vẻ ở Trường Norman người ta chỉ nhằm xây nốt Tháp Babel. để hóng xem tiếp theo. nói gì thì nói, "nếu không có tháp babel. lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày." là ngày xưa thơ trong sách Vỡ lòng í.

    ReplyDelete
  2. ở một "thế giới" bị lạm phát tinh thần. nhưng chẳng phải "thế giới" là lạm phát hay sao!

    ReplyDelete
  3. Chú còn dịch tiếp cái này không? Cháu vẫn đang đọc.

    ReplyDelete
  4. đọc Maldoror trong lúc đợi đi

    ReplyDelete
  5. bác Nhị Linh sao giờ giống cái blog của ông hán nôm nào tối ngày dịch truyện ngắn (ăn cắp bản quyền).

    ReplyDelete
  6. đây không phải truyện ngắn

    Paul Nizan chết năm 1940

    không phân biệt được mấy cái như thế thì đi chỗ hán nôm bỏ mẹ nào đó đi đừng quay lại đây nữa xong rồi so sánh này nọ

    hán nôm bỏ mẹ nào đó tôi không biết tí gì đâu

    ReplyDelete