Jan 2, 2018

Kẻ không tham chiến

Georges Simenon là một sự quay trở lại. Năm 2018 sẽ là một năm của những sự quay trở lại (như hôm qua chúng ta đã thấy, xem ở kia). Chuyến tàu định mệnh chính là định nghĩa cho thấy thế nào là một cuốn sách lớn với vỏ bọc bên ngoài là sự đơn sơ tuyệt đối. Một sự trở lại của nhân vật tầm cỡ Simenon, ngoài nhiều điều khác, gây ngay ra một pha quái đản kinh điển: vốn dĩ nó được ghi "thể loại" (trên bìa sau) khác hẳn, nhưng ở pha cuối cùng, một ai đó, chắc là thợ xếp chữ (nếu bây giờ trong nghề in còn tồn tại công việc này và danh hiệu này) đã đổi lại thành "Trinh thám" gì đó: chắc hẳn người thợ xếp chữ thấy Simenon thì hiển nhiên phải là "trinh thám" (thật ra người ấy đã không hề sai), nhưng cũng cần phải nói rằng sẽ thực sự tai hại khi thợ sắp chữ lại quá hiểu biết văn chương. Ngay tiếp sau đây, rất sớm, sẽ tiếp tục có thêm một tiểu thuyết nữa của Simenon, lần này là một tác phẩm chưa bao giờ xuất hiện trong tiếng Việt: La Vérité sur Bébé Donge. Dưới đây là bài viết về Chuyến tàu định mệnh của anh Nguyễn Chí Hoan


Kẻ không tham chiến


Nguyễn Chí Hoan


Xưa nay ở mọi cuộc chiến tranh, được coi là “thường dân” tất cả những ai không tham gia chiến đấu, dưới bất cứ hình thức nào, về bên nào giữa các bên đối địch. Cố nhiên quy ước ấy luôn luôn bị phá vỡ, song cũng vẫn luôn luôn hiện diện xung quanh và ngay trên các chiến địa. Suy rộng ra thì cõi nhân sinh, bao giờ cũng bao trùm và đông đảo hơn, bao giờ cũng là kẻ không tham chiến. Và tiểu thuyết Chuyến tàu định mệnh (1961) của Georges Simenon, kể câu chuyện tự thú của nhân vật thợ sửa chữa radio Marcel Féron, ở thành phố nhỏ bình lặng Fumay, nơi biên giới Pháp-Bỉ, về mùa xuân năm 1940, trong thời gian Chiến dịch Phía Tây chói sáng của quân đội Đức Quốc xã thôn tính chớp nhoáng Hà Lan-Bỉ-Pháp, cho phép ta một dịp hiếm hoi nhìn cái thực tại đó qua một lát cắt khác thường.

Marcel Féron có quá khứ tuổi thơ khá bi thảm: là một nạn nhân gián tiếp của Thế chiến thứ nhất, bởi người cha đi lính về nghiện rượu, suy sụp; còn trước đó, người mẹ, bị lăng nhục nặng nề vào ngày kết thúc chiến tranh, đã bỏ nhà đi mất, khiến thằng bé Marcel dặt dẹo đến năm mười bốn tuổi phải được đưa vào một dưỡng viện cho đến năm cậu mười tám tuổi. Dường như kinh nghiệm đó, hai mươi năm sau, làm nảy sinh trong tâm trí Marcel một cảm giác kỳ lạ: … , cảm tưởng của tôi khi chiến tranh bùng nổ là số phận lại chơi khăm tôi một vố nữa và tôi không ngạc nhiên, vì gần như tôi tin chắc rồi một ngày chuyện đó phải tới.

Cái “vố chơi khăm” lần trước của “số phận”, Marcel ám chỉ việc Thế chiến thứ nhất khiến anh ta bị bơ vơ tù hãm trong viện điều dưỡng, bị bệnh phổi và bị cận thị nặng, cận 16 độ; Tôi đã sống qua một cuộc chiến tranh, … Nhưng lần này, không phải chuyện bệnh phổi hay tật cận thị - cái làm cho anh ta được hoãn quân dịch vĩnh viễn - mà là điều anh ta ý thức rõ rệt: Đó là một cuộc chiến xô đẩy hàng chục triệu người, người nọ chống lại người kia.

Và Marcel Féron cho rằng anh ta đã đoán biết sự biến đó một cách chắc chắn, đến mức, những ngày phập phồng trong tin tức, tình trạng chờ đợi chiến tranh nổ ra - chứ không phải trông đợi các xung đột được dàn xếp - làm cho anh ta có cảm giác gần như mất kiên nhẫn, chịu hết nổi.

Hầu như không chắc vì sao Marcel lại nói đến “cú chơi khăm” này (của “định mệnh”!) một cách khích động đến thế. Nhưng vào lúc quyết định đi tản cư, anh ta thấy cuộc ra đi này nó còn mang lại cho tôi cảm giác hân hoan âm u, như thể phá hủy đi một thứ mà người ta đã kiên nhẫn xây dựng bằng chính bàn tay mình. Điều đáng kể là ra đi, là từ bỏ Fumay.Đó là một cuộc chạy trốn, đúng thế, nhưng trong tương quan với tôi thì không phải một cuộc chạy trốn trước tụi Đức, trước súng ống, bom đạn hay trước cái chết.đó là giờ gặp gỡ với định mệnh, giờ của một cuộc hẹn mà tôi đã chờ đợi từ lâu, vẫn luôn luôn chờ đợi, với định mệnh.

Như thể có một làn sóng truyền lan qua không khí. Làn sóng từ cuộc xô đẩy hàng chục triệu người đã khích động tâm trí Marcel mở ra trước cơ hội một chuyến phiêu lưu, một sự thay đổi mà thâm tâm anh ta mong muốn nhưng chẳng bao giờ có động lực để tìm kiếm và thực hiện.

Anh ta không biết chuyến phiêu lưu này đi về đâu, sự thay đổi mình đang hướng tới là gì, nhưng anh ta cảm thấy nó một cách hiển nhiên; đến mức khi ngồi trên toa hàng của đoàn tàu chở dân di tản, suốt mấy tiếng đồng hồ chờ khởi hành, Marcel tự hỏi liệu nếu người ta thông báo đường sắt đã cắt, tàu không thể đi được nữa, thì những dân di tản này có quay về nhà không? Riêng phần tôi, tôi tin chắc mình sẽ không chịu nhẫn nại mà quay về, chẳng thà cứ lần theo đám đá vụn đường rầy mà ra đi còn hơn.Sự nứt rạn đã xảy ra rồi. Tôi tự thấy không thể chịu nổi ý nghĩ mình sẽ lại nhìn thấy đường phố của mình, ngôi nhà của mình,như thể ngay cả thành phố này, trừ thời kỳ bốn năm tôi sống trong liệu dưỡng viện, đã đánh mất thực tại của nó. Tôi không nghĩ tới Jeanne cùng con gái tôi, lúc này đang ngồi trên toa hạng nhất, họ ở trên đó mà như đang xa cách tôi cả trăm cây số vậy.

Thậm chí Marcel cảm thấy gần như là yên ổn với việc cô vợ (Jeanne) đang mang bầu bảy tháng rưỡi và Sophie con gái nhỏ của anh ta tách biệt với anh ta đến vậy. Trên chuyến tàu tản cư đông nghẹt và ngập không khí khủng hoảng, sẽ chẳng có chuyện anh ung dung đi từ toa này sang toa khác: đây không đơn thuần một chuyến tàu; đây là phe không tham chiến đi tìm cho mình một chỗ ẩn lánh bên lề chiến cuộc. Và với Marcel thì lúc này, hiện trạng ở đây, trong toa xe lửa này có vẻ giống như lúc anh ta sống bốn năm trên “liệu dưỡng viện” - tôi muốn nói rằng quá khứ và tương lai không đáng kể, … “Sự nứt rạn” mà Marcel cảm nhận là như thế đấy: một khoảng không trọng lượng về thời gian; kéo theo đó là sự lơ lửng phi thực của các thứ bổn phận và trách nhiệm quen thuộc thường ngày cùng các đối tượng của bổn phận và trách nhiệm ấy; khiến chỉ còn gần như duy nhất cái trách nhiệm của bản thân với hiện hữu của bản thân.

Cho nên, Georges Simenon mô tả thật sinh động sâu sắc dẫu là trong ngôn từ giản dị tới mức hầu như đơn điệu, mô tả cái nhìn chăm chú một cách hờ hững, háo hức nhưng thận trọng giữ mình đến độ thờ ơ của Marcel Féron trên suốt những chặng tàu đi quanh co qua nước Pháp của anh ta. Từ Fumay thuộc vùng Ardennes miền Đông Bắc đến La Rochelle thuộc vùng Nouvelle-Aquitaine miền Tây, từ rừng đến bể, ta dõi theo cái nhìn của Marcel, thấy nơi thì bình yên thong thả như vẫn chẳng có chuyện các sư đoàn Panther đã vô hiệu hóa chiến lũy Maginot từ mấy hôm trước, nơi thì rộn rực chu đáo tiếp đón những dân tị nạn bên cạnh những đoàn tàu lầm lì chở đầy binh lính chiến xa quân dụng, nơi thì từng tốp Stuka đuổi theo đoàn tàu hay các đoàn xe di tản để xả đạn, ném bom. Khi chuyến tàu này dính một đợt không kích như vậy, người thợ lái chính trúng đạn chết, hành khách chen nhau tò mò xem hay tìm cách giúp rập, thì Marcel chỉ đến ngó qua rồi tránh xa. Không phải anh ta vô cảm với đồng loại. Nhưng anh ta cảm thấy xa lạ. Anh ta luôn tự nhắc với mình cái cảm giác về hiện tại đứt rời này - không chỉ vì vợ con anh ta đã thất lạc do đoàn tàu bị cắt toa trong đêm; thậm chí hoàn toàn không vì chuyện đó; mà dường như bởi chính lúc này anh ta cảm nhận được đầy đủ nhất cái hiện hữu thật của chính mình, tự do trong phiêu lưu, buông mình theo cái đích vô định theo một động năng giải phóng từ trong ý thức sâu xa.

Chuyện tình kỳ lạ trên chuyến tàu di tản của Marcel với Anna diễn ra trong khung cảnh như thế và làm nổi bật cái hiện hữu như thế. Sát bên người tôi, một cơ thể phụ nữ áp lại gần, căng thẳng, rung động, một bàn tay luồn xuống để nhấc cái rốp đen lên, tụt quần lót xuống chân, hai bàn chân nàng gỡ cái quần ra trong một cử động kỳ quặc.Chính Anna kéo tôi lại, lật người tôi, cả hai đều lặng lẽ như hai con rắn. Anna giúp tôi ngự trị trong nàng,

Marcel kể rằng đấy là lần đầu tiên trong đời anh ta kêu lên, thì thầm - Anh yêu em. Với một đàn bà xa lạ, giữa lúc quấn lấy nhau “như hai con rắn”. Ta có thể thậm chí cũng bật cười kỳ quặc với ngôn từ đặc biệt của Georges Simenon ở những đoạn erotic như thế. Đó hầu như không còn là ngôn từ nữa. Đó là những hình-ảnh-của-cảm-giác-và-ý-thức. Cái lạnh lẽo của “con rắn” với cái ấm nóng tột cùng của “anh yêu em”: còn gì có thể hiển minh hơn về tính xa lạ của hiện hữu. Và nó đi vào trải nghiệm như là “hạnh phúc”: Tôi đã không kêu lên. Thiếu điều tôi đã kêu. Thiếu điều tôi đã thốt ra những tiếng không mạch lạc, nói cám ơn, nói lên niềm hạnh phúc của tôi hoặc có thể còn rên rỉ than vãn nữa, bởi chính niềm hạnh phúc này đã làm tôi đau. Nỗi đau cố vươn tới cái bất khả.

Nhưng đó chính là cái bất khả, dù Marcel chỉ thoáng nhận ra chứ chẳng kịp cố định nó vào tâm trí. Hãy giả định là anh ta muốn nói tới cái gì đó như “Tồn tại”. Bởi lẽ anh ta là một family-man vốn tính bẽn lẽn, ngay cả trong tâm tư … và vốn không khát tìm dục tình. Sau đó anh ta cũng có lúc nhìn nhận rằng gọi đấy là “hạnh phúc” - cuộc tình với Anna - chỉ vì anh ta không biết dùng cách gì khác nữa để gọi tên cái trải nghiệm vô song đó, cái cuộc tình hoàn toàn hòa hợp thể xác với tâm hồn (,Anna luôn luôn đoán biết được một cách chính xác Marcel nghĩ gì, muốn gì, và tuyệt đối chiều theo anh ta,) cái cuộc tình mà cả hai không một lần hỏi nhau về quá khứ mỗi người, không bao giờ nhắc đến viễn cảnh, hoàn toàn bằng lòng với hiện tại lúc này mà sống hết mình.

Nhưng đó là “cái bất khả”. Ở La Rochelle, từ trại tị nạn, đôi tình nhân khởi sự chia tay, ngay lập tức sau khi Marcel nhận được tin về nơi vợ và con gái anh ta đang lưu trú. Georges Simenon kéo dài cảnh chia tay này làm ba hồi, đủ cho thấy “nỗi đau” của Marcel trở lại câm lặng như thế nào, cái hiện hữu của anh ta trở lại tư cách một thường dân, một kẻ không tham chiến ngay cả và chính trong đời riêng của y như thế nào.

Tại sao Marcel Féron muốn kể lại câu chuyện vẫn trong vòng bí mật của anh ta? Liệu có phải như lời anh ta viết - trong cuốn vở, ghi lại chuyện này, mà anh ta cất giấu ở phòng làm việc - rằng anh ta muốn sau này con trai mình có thể đọc và thấy mình không chỉ tẻ nhạt đơn điệu tầm thường như hằng ngày nó thấy, mà cũng từng đã có lúc phun trào tồn tại như một ngọn núi lửa khôn lường đến thế?

Hẳn là không. Hẳn là vì niềm hối hận. Bởi đến lúc gần cuối chiến cuộc, khi Marcel vẫn sống ổn giữa cảnh ngổn ngang kinh khủng đầy chết chóc của vùng chiếm đóng, thì bất đồ Anna tìm đến. Và anh ta đã cư xử như một “con rắn” vậy thôi. Mà đôi chút biện minh có lẽ vì Anna đã rơi vào vị thế một người tham chiến. Còn Marcel trước sau vẫn là một kẻ không tham chiến. Dứt khoát không.

Cũng, có lẽ thế, Georges Simenon không viết truyện tình. Ông thăm dò và khám phá sự bấp bênh của những nền tảng - hay cái người ta cứ cho là thế - của tính người, cái hài kịch bất tận ấy.




nhân tiện: đã tiếp tục bài bình luận Montesquieu của Roger Caillois



Simenon trở lại

3 comments:

  1. Mới đây cháu có đi hiệu sách. Có một cô vào hỏi mua trinh thám."Em ơi, lấy cho chị quyển này, quyển này, quyển này." Cuối cùng cô ý mua được cả một chồng vật vã. Người bán hỏi:"Chị có thích đọc văn học lãng mạn không? Em giới thiệu cho chị quyển này, quyển này." Cô ấy nói:"Khồng, ghét tình yêu lắmmmm." :)))

    VVD

    ReplyDelete
  2. ấy thế nhưng tuyệt đại đa số tiểu thuyết trinh thám lại nói về tình yêu, và phần lớn tiểu thuyết lãng mạn không biết gì về tình yêu và lại hay là những truyện trinh thám, có thể là nhà điều tra phụ nữ truy đuổi tội phạm tình ái đàn ông

    ReplyDelete
  3. Cháu thì không thấy vậy. Chỉ thấy cô ấy vui vui. Cứ mong cô ấy lấy cuốn Simenon. Định recommend cho cô ấy nhưng lại thôi, cũng vì cuốn này cháu chưa đọc. Sau cùng cô ấy lấy một cuốn dày cộp theo giới thiệu của anh bán sách. Cháu cứ nghi anh ấy chưa đọc cuốn này vì sách mới, lại dày. Cháu còn anh ấy chỉ chăm chăm bán sách. Cũng do cô ấy nói là đã đọc nhiều cuốn Dan Brown.

    VVD

    ReplyDelete