Jan 12, 2018

Nữ công tước de Langeais (tiếp)

Sau khi đã tiếp tục được công cuộc Balzac (với Sao cho trong ấm - đã sắp đầy đủ), ta quay trở lại với một số tác phẩm còn dở dang: không thể để cho độc giả được sung sướng lâu quá :p

Đồng thời, vì Nữ công tước de Langeais là cuốn tiểu thuyết có nhan đề mang tên một phụ nữ, ta tiếp tục luôn hai cuốn tiểu thuyết (đều dài) khác đều mang tên phụ nữ: Ursule Mirouët (Ursule đã thực sự xuất hiện sau khi khung cảnh cuộc sống tại thành phố Nemours được miêu tả kỹ càng, cùng cái xã hội vây quanh ông bác sĩ Minoret) và Béatrix (các nhân vật cũng đã bắt đầu xuất hiện).

Nữ công tước de Langeais là cuốn tiểu thuyết nối tiếp Ferragus. FerragusNữ công tước de Langeais cộng thêm với một tác phẩm thứ ba, La Fille aux yeux d'or (về riêng cuốn này, xem ở kia), tạo thành một trilogy với tên chung Les Treize (Truyện Mười Ba Quái Kiệt), trilogy này được đặt ở đầu phần thứ ba của Vở kịch con người, phần về "cuộc sống Paris".

Ở "phần 1" của Nữ công tước de Langeais, hai tình nhân đã gặp lại nhau trên một hòn đảo Tây Ban Nha, nơi một đan viện dành cho nữ tu có luật lệ vô cùng nghiêm ngặt. Tướng Montriveau và nàng công tước de Langeais nói chuyện với nhau sau nhiều năm gặp lại. Câu chuyện trước đó của họ như thế nào? Ngay dưới đây, ta sẽ bắt đầu đến với nó.

Ngay dưới đây, ta cũng sẽ đến với một miêu tả thuộc hàng nổi tiếng nhất trong toàn bộ những gì Balzac từng viết trong các tiểu thuyết: miêu tả về "faubourg Saint-Germain", tức là khu vực sống của quý tộc Paris. Miêu tả của Balzac như thể sờ được đến linh hồn của khu phố và cư dân của nó, như thể chạm thẳng vào cốt yếu tinh túy nhất của một trong những nét đặc sắc và gây nhiều tò mò nhất của đời sống nước Pháp. Faubourg Saint-Germain sẽ còn là bối cảnh cho một bộ tiểu thuyết vĩ đại nữa, về sau: tất nhiên đó là À la recherche du temps perdu của Marcel Proust.

-----------



Cái mà người ta gọi, ở Pháp, là faubourg Saint-Germain không phải một khu phố, cũng chẳng phải một giáo phái, không phải một thiết chế, cũng chẳng phải bất kỳ cái gì có thể diễn đạt một cách rõ nét. Quảng trường Royale, faubourg Saint-Honoré, phố Chaussée d’Antin cũng sở hữu nhiều dinh thự nơi người ta hít thở không khí giống hệt faubourg Saint-Germain. Như vậy, trước hết, chẳng phải toàn bộ faubourg đều ở trong faubourg[20]. Có những người sinh ra ở rất xa tầm ảnh hưởng của nó có thể cảm nhận ảnh hưởng ấy và nhập thẳng vào thế giới ấy, trong khi một số người khác sinh ra chính tại đó thì lại có thể bị cấm chỉ khỏi nơi này mãi mãi. Các cung cách, lối nói năng, nói tóm lại là truyền thống faubourg Saint-Germain đối với Paris, từ chừng bốn mươi năm nay, cũng giống như Triều Đình từng như vậy ở đây trước kia, những gì từng như vậy dinh thự Saint-Paul vào thể kỷ mười bốn, Louvre vào thế kỷ mười lăm, Palais, dinh thự Rambouillet, quảng trường Royale vào thế kỷ mười sáu, rồi Versailles vào thế kỷ mười bảy và mười tám[21]. Ở mọi pha của lịch sử, Paris của tầng lớp cao và của giới quý tộc từng có trung tâm của nó, cũng như Paris thông tục sẽ luôn luôn có trung tâm riêng. Sự đặc thù định kỳ này mang lại chất liệu rộng lớn cho suy tư của những ai muốn quan sát hay họa lại các vùng xã hội khác nhau; và có lẽ không nên tìm những nguyên nhân cho điều này chỉ với mục đích biện minh cho tính cách của cuộc phiêu lưu này, mà cũng để phụng sự luôn cho các lợi ích nghiêm trang nữa, chúng náo hoạt trong tương lai thì nhiều hơn là trong hiện tại, đấy là giả sử kinh nghiệm không phải một thứ vô nghĩa đối với các đảng phái cũng như đối với tuổi trẻ. Những lãnh chúa lớn và những người giàu, đám người sẽ luôn luôn bắt chước thô thiển các lãnh chúa lớn, đều từng, vào mọi thời kỳ, đưa nhà của họ đi xa khỏi các nơi quá quen thuộc. Nếu công tước d’Uzès xây, dưới triều trị vì của Louis XIV, dinh thự đẹp mà trước cửa ông đặt vòi phun nước của phố Montmartre, hành động từ thiện khiến ông trở thành, ngoài những đức hạnh của ông, đối tượng cho một sự sùng mộ phổ biến đến mức khu phố kéo đoàn lũ đi theo xe ông, cái góc ấy của Paris hồi đó hoang vắng. Nhưng ngay khi các tường thành bị hạ đi, khi những đầm lầy nằm quá các đại lộ trở nên đầy nhà, gia đình d’Uzès lại rời dinh thự đẹp ấy, ngày nay thời chúng ta một chủ ngân hàng sống ở đó. Rồi giới quý tộc, bị kẹt vào giữa các cửa hiệu, bỏ quảng trường Royale, vùng phụ cận trung tâm Paris, vượt sông nhằm có thể hít thở thoải mái tại faubourg Saint-Germain, nơi các cung điện đã được dựng quanh dinh thự do Louis XIV cất cho công tước du Maine, Con Út trong số những người con được hợp thức hóa của ngài. Đối với những người quen với những tráng lệ của cuộc đời, quả thật, còn có gì nhơ bẩn hơn là sự náo động, bùn, những tiếng hét, mùi hôi thối, sự chật chội của những phố đông đúc? Chẳng phải các thói quen của một khu phố buôn bán hoặc sản xuất thường trực bất tương đồng với các thói quen của những Đại Nhân? Thương Mại và Lao Động đi ngủ vào lúc quý tộc nghĩ tới ăn tối, bên này rộn lên ồn ào khi bên kia nghỉ ngơi; tính toán của họ chẳng bao giờ gặp nhau, với bên này đó là thu vào, còn bên kia là tiêu đi. Từ đó mà có các phong hóa đối nghịch chằn chặn với nhau. Quan sát này không hề có gì ngạo mạn. Một giới quý tộc theo cách nào đó là suy nghĩ của một xã hội, giống như giới tư sản và những người vô sản là cơ cấu và hành động của nó. Từ đó mà có các chốn cư ngụ khác nhau cho những lực ấy; và, từ sự đối kháng giữa hai bên, xuất hiện một mối ác cảm vẻ ngoài tạo ra bởi sự đa dạng của các chuyển động tuy vậy lại được thiết kế trong một mục đích chung. Những bất tương thông xã hội này nảy sinh, hết sức logic, từ mọi bản hiến pháp, mà người libéral sẵn sàng phàn nàn hơn cả, giống như về một vi phạm đối với những tư tưởng trác tuyệt dưới đó các kẻ nhiều tham vọng của những giai tầng thấp hơn che giấu dự đồ của họ, hẳn sẽ thấy lố bịch vô biên ông hoàng thân de Montmorency khi ông sống trên phố Saint-Martin, ở góc cái phố mang tên ông, hoặc ông công tước de Fitz-James, hậu duệ của dòng giống hoàng gia Ê-cốt, lại có dinh thự trên phố Marie-Stuart, nơi góc phố Montorgueil. Sint ut sunt, aut non sint, những lời đẹp đẽ này của giáo hoàng[22] có thể dùng làm khẩu hiệu cho các Đại Nhân của mọi đất nước. Điều này, vốn dĩ hiện rõ vào mọi thời, luôn luôn được dân chúng chấp nhận, mang ngay trong bản thân nó các lý lẽ nhà nước: nó vừa là một kết quả lại vừa là một nguyên nhân, một nguyên tắc và một quy luật. Quần chúng có một lương tri mà nó chỉ ngoảnh lưng ở thời điểm những kẻ ngụy tín khiến họ trở nên tràn đầy dục vọng. Lương tri này dựa trên các sự thật về một trật tự chung, cũng đúng tại Matxcơva cũng như ở London, đúng ở Genève cũng như ở Calcutta. Khắp mọi nơi, khi tập hợp các gia đình có tài sản khác nhau trên một không gian cho trước, ta đều sẽ thấy hình thành những vòng tròn bên trên, của các nhân vật danh giá, của xã hội thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Bình đẳng có thể sẽ là một quyền, nhưng chẳng sức mạnh con người nào sẽ có thể biến nó trở thành thật. Hẳn sẽ rất hữu dụng cho hạnh phúc của nước Pháp nếu phổ biến rộng rãi ý nghĩ này. Ở các khối quần chúng kém trí tuệ nhất vẫn có đầy ân huệ của sự hài hòa chính trị. Hài hòa là thơ ca của trật tự, và các dân tộc vô cùng cần trật tự. Sự hòa hợp của các vật giữa chúng, nhất thể, để nói ngắn gọn bằng một từ, chẳng phải nó là biểu hiện đơn giản nhất của trật tự đấy ư? Kiến trúc, âm nhạc, thơ ca, mọi thứ tại nước Pháp đều, hơn so với bất kỳ đất nước nào khác, dựa trên nguyên tắc này, vả lại nó đã được viết ngay trên nền ngôn ngữ sáng sủa và thuần khiết của nó, mà ngôn ngữ sẽ luôn luôn là công thức chẳng bao giờ sai lệch nhất của một quốc gia. Vậy nên ta thấy nơi đây dân chúng lựa chọn cho họ những dáng vẻ nhiều tính thơ nhất, ngân nga nhất; gắn chặt vào với các tư tưởng đơn giản nhất; yêu quý các môtip gay gắt chứa đựng nhiều suy nghĩ nhất. Nước Pháp là đất nước duy nhất nơi một câu nho nhỏ nào đó cũng có thể gây ra một cuộc cách mạng to lớn. Các khối quần chúng ở đó chỉ từng nổi loạn nhằm tìm cách tạo nhất trí cho con người, vật và nguyên tắc. Thế nhưng, chẳng quốc gia nào khác cảm thấy rõ hơn cái suy tư về nhất thể, nó phải tồn tại trong cuộc sống của quý tộc, có lẽ bởi vì chẳng giới nào khác hiểu được rõ hơn những tất yếu chính trị: lịch sử sẽ chẳng bao giờ chứng kiến nó tụt về đằng sau. Nước Pháp đã rất hay bị lừa, nhưng cũng giống hệt một phụ nữ, bởi các tư tưởng rộng rãi, bởi những tình cảm nồng ấm mà tầm mức thoạt tiên vọt ra ngoài sự tính toán.

Như vậy, đặc điểm đầu tiên, faubourg Saint-Germain sở hữu sự huy hoàng nơi các dinh thự của nó, những khu vườn lớn của nó, sự im lặng của nó, xưa kia rất hòa hợp với nét tráng lệ những tài sản điền địa của nó. Khoảng không gian đặt vào giữa một tầng lớp và cả một thủ đô chẳng phải là một sự tôn phong mang tính cách vật chất của những khoảng cách tinh thần hẳn phải chia cách đôi bên? Ở mọi tạo vật, cái đầu có vị trí nổi bật. Nếu do tình cờ một quốc gia làm cái đầu của nó rơi xuống chân, chẳng chóng thì chầy nó sẽ nhận ra là nó đã tự sát. Vì các quốc gia không muốn chết, khi ấy chúng lo sao tự tái tạo một cái đầu. Chừng nào quốc gia không còn đủ sức lực để làm điều đó nữa, thì nó ngỏm, như từng đã vậy Rome, Venise và biết bao chỗ khác[23]. Sự phân biệt bắt nguồn từ khác biệt về phong hóa giữa những tầng cầu của hoạt động xã hội khác nhau và tầng cầu bên trên nhất thiết hàm ý một giá trị thực, cốt yếu, nơi các đỉnh cao quý tộc. Ngay khi, ở mọi Nhà Nước, dưới bất kỳ hình thức nào mà Chính Quyền thể hiện ra, các nhân vật danh giá hụt chân so với các điều kiện vượt trội hoàn toàn, họ liền trở nên không sức lực, và dân chúng sẽ ngay lập tức lật đổ họ. Dân chúng lúc nào cũng muốn thấy họ, thông qua tay, trái tim và cái đầu, nắm lấy tài sản, quyền lực và hành động; lời nói, trí tuệ và vinh quang. Nếu không có sức mạnh nhân ba này, mọi đặc quyền sẽ tan biến. Các dân chúng, cũng như những phụ nữ, yêu sức mạnh ở kẻ nào đó điều hành họ, và tình yêu của họ chẳng phải không đi kèm lòng kính trọng; họ chẳng hề đồng ý trao sự tuân phục cho ai không áp đặt nó. Một giới quý tộc bị coi rẻ thì cũng giống một ông vua lười nhác, một ông chồng mặc váy; nó là ngu trước khi trở thành vô. Do vậy, sự phân tách của các Đại Nhân, các phong hóa đóng chặt kín của họ; nói ngắn gọn, trang phục chung của các đẳng cấp danh giá vừa là biểu tượng cho một quyền năng thực lại vừa là các nguyên nhân cho cái chết của chúng chừng nào chúng đã đánh mất quyền năng. Faubourg Saint-Germain đã để cho nó bị hạ gục trong phút chốc vì từng không muốn công nhận các bổn phận tồn tại của nó, mà đối với nó vẫn là dễ dàng để tiếp nối. Chắc nó đã thành thực mà thấy, cũng như giới quý tộc Anh từng thấy, rằng các thiết chế có năm thế này năm thế khác, tại đó cùng những từ không còn mang cùng các biểu nghĩa, tại đó các tư tưởng vận lên mình quần áo khác, và tại đó các điều kiện của cuộc sống chính trị thay hình đổi dạng hoàn toàn, mà nền tảng chẳng hề bị biến đổi một cách cốt yếu. Những tư tưởng này muốn có các phát triển xét về cốt yếu thuộc về cuộc phiêu lưu này, trong đó chúng bước vào, cả với tư cách định nghĩa các nguyên nhân, cả với tư cách giải thích những sự kiện.

Sự lộng lẫy của các lâu đài và cung điện quý tộc, sự xa xỉ nơi các chi tiết của nó, sự huy hoàng thường hằng của các món đồ đạc, cái khoảnh nơi rộn ràng mà không vướng bận, và chẳng hề cảm thấy chút băn khoăn, người chủ nhà hạnh phúc, giàu có từ trước khi sinh ra; rồi thói quen không bao giờ hạ mình xuống tới sự tính toán lợi ích thường nhật và ti tiện của tồn tại, thời gian mà người đó có được, học vấn vượt trội mà người đó có thể giành được từ rất sớm; nói tóm lại, các truyền thống của giới danh giá mang lại cho người đó những sức mạnh xã hội mà các đối thủ của anh ta vất vả bù trừ thông qua học hành, thông qua một ý chí, thông qua một thiên hướng bền bỉ; mọi điều hẳn đều phải nâng cao tâm hồn cái con người, ngay khi còn rất trẻ, đã được sở hữu ngần ấy lợi thế, in dấu lên anh ta lòng tôn trọng cao vời đối với bản thân anh ta mà hệ quả nhỏ nhặt là một sự cao quý của trái tim ăn nhịp với sự cao quý của cái tên. Điều này là đúng với vài gia đình. Đây đó, tại faubourg Saint-Germain, ta gặp được những tính cách đẹp, các ngoại lệ chứng minh ngược lại sự ích kỷ chung, chính nó đã gây ra sự biến mất của cái thế giới biệt lập này. Những lợi thế ấy được giành về cho giới quý tộc Pháp, cũng như cho mọi sự rộ hoa giới danh giá nảy nở trên bề mặt các quốc gia cũng lâu ngang với chúng sẽ đặt sự tồn tại của chúng lên tài sản, tài sản-đất cũng như tài sản-tiền, nền tảng vững chắc duy nhất của một xã hội quy củ; nhưng những lợi thế đó chỉ được duy trì đối với các nhân vật danh giá thuộc đủ mọi loại nếu họ giữ vững được các điều kiện mà dân chúng đã để cho họ được hưởng. Đó là các loại đất phong tinh thần mà hưởng dụng bắt buộc về phía chủ nhân, và ở đây chủ nhân ngày nay chắc chắn là dân chúng. Thời thế đã thay đổi, những loại vũ khí cũng vậy. Hiệp sĩ xưa kia chỉ cần mang áo choàng, áo giáp, sử sao cho thành thục cây giáo và giương lá cờ hiệu lên là đủ, giờ đây phải chứng tỏ được trí tuệ; và tại nơi từng chỉ cần tới một trái tim lớn lao, thời chúng ta lại cần một cái đầu to. Nghệ thuật, khoa học và tiền tạo thành tam giác xã hội nơi in hình gia huy của quyền lực, và từ đó giới quý tộc hiện đại phải triển khai. Một định lý đẹp đáng giá ngang một cái họ hiển hách. Nhà Rothschild, những Fugger[24] hiện đại ấy, là các ông hoàng trên thực tế. Một nghệ sĩ lớn thực sự là một ông trùm, anh ta đại diện cho cả một thế kỷ, và luôn luôn trở nên một luật. Như vậy, tài năng của lời nói, những cái máy áp suất cao của nhà văn, thiên tài của nhà thơ, sự vững chãi của nhà buôn, ý chí của vị nguyên thủ Quốc Gia tập trung nơi mình cả nghìn phẩm chất chói ngời, thanh gươm của ông tướng, những cuộc chinh phục cá nhân kia bởi một người duy nhất đối với toàn bộ xã hội nhằm áp đặt lên nó, những thứ đó tầng lớp quý tộc ngày nay phải cố công mà chiếm lấy độc quyền, giống ngày xưa nó đã có độc quyền về sức mạnh vật chất. Nhằm vẫn được ở lại nơi cái đầu của một đất nước, chẳng phải nghĩa là luôn luôn xứng đáng để dẫn dắt nó; là linh hồn và tinh thần của nó, để khiến nó cử động hai bàn tay? Làm thế nào đưa đường một dân tộc nếu không sở hữu các quyền năng tạo nên sự chỉ huy? Cây gậy của các thống chế sẽ ra sao đây nếu không có sức mạnh bên trong của viên đại úy cầm nó trên tay? Faubourg Saint-Germain đã chơi nghịch với những cây gậy, nghĩ rằng chúng là toàn bộ quyền lực. Nó đã đảo ngược các vế của mệnh đề điều khiển tồn tại của nó. Thay vì ném ra các huy hiệu gây choáng váng cho dân chúng và bí mật gìn giữ sức mạnh, nó đã để cho giới tư sản nắm lấy sức mạnh, đầy định mệnh bo bo vào các thứ huy hiệu, và thường trực quên mất các quy luật mà số lượng nhỏ của nó buộc nó phải chịu. Một giới quý tộc, cá nhân mà nói thì chỉ chiếm một phần nghìn nơi một xã hội, ngày nay, cũng như xưa kia, cần phải nhân bội lên ở đó các phương thức hành động nhằm đối lập lại, trong những cơn khủng hoảng to lớn, bằng một trọng lượng ngang bằng với trọng lượng các khối bình dân cộng lại. Thời chúng ta, những phương cách hành động phải là các lực có thực, chứ không phải những kỷ niệm lịch sử. Thật không may, tại Pháp, giới quyền quý, vẫn còn chứa đầy quyền năng xưa cũ đã tan biến, bị đối nghịch bởi một dạng tự phụ với nó thật khó để tự vệ. Có lẽ đây là một khiếm khuyết của quốc gia. Người Pháp, hơn mọi giống người khác, chẳng bao giờ kết luận ở mức dưới anh ta, anh ta khởi xuất từ mức độ trên đó anh ta đang ở để lên một mức độ cao hơn: hiếm khi nào anh ta thương xót những kẻ bất hạnh mà anh ta đã vươn lên phía trên, anh ta luôn luôn rên rỉ khi phải chứng kiến biết bao nhiêu kẻ sung sướng ở bên trên anh ta. Dẫu có tấm lòng bao dung, quá mức thường xuyên anh ta thích lắng nghe trí tuệ của mình hơn. Cái bản năng quốc túy này luôn luôn khiến người Pháp tiến lên phía trước, sự phù phiếm gặm nhấm tài sản của họ và chi phối họ cũng theo đường lối tuyệt đối giống y nguyên tắc kinh tế chi phối người Hà Lan, nó đã thống ngự giới quyền quý từ ba thế kỷ nay, giới quý tộc ấy, ở khía cạnh này, từng vô cùng Pháp. Con người của faubourg Saint-Germain từng luôn luôn kết luận về sự vượt trội vật chất của anh ta hưởng theo sự vượt trội trí tuệ của anh ta. Mọi thứ, tại Pháp, từng đều khiến anh ta tin điều đó, bởi vì kể từ khi thiết lập faubourg Saint-Germain, cuộc cách mạng quý tộc[25] được khởi đầu vào cái ngày nền dân chủ rời Versailles, faubourg Saint-Germain đã, ngoại trừ vài lỗ hổng, lúc nào cũng dựa vào quyền lực, cái thứ ở Pháp vẫn sẽ luôn luôn ít nhiều là faubourg Saint-Germain: từ đó mà xảy đến thất bại của nó vào năm 1830[26]. Thời ấy, nó giống như một quân đội tác chiến mà không có căn cứ. Nó đã chẳng hề tận dụng hòa bình để bắt rễ ăn sâu vào trái tim của quốc gia. Nó phạm tội lỗi do một khiếm khuyết về học vấn và do một sự thiếu tầm nhìn hoàn toàn lên tổng thể những lợi ích của nó. Nó giết đi một tương lai chắc chắn, làm lợi cho một hiện tại khả nghi. Có lẽ sau đây là nguyên nhân cho thứ chính trị sai trái này. Khoảng cách vật thể và tinh thần mà những sự vượt trội kia cố gắng trì giữ giữa chúng và phần còn lại của quốc gia đã, một cách định mệnh, không có kết quả nào khác, kể từ bốn mươi năm nay, ngoài giữ lấy nơi tầng lớp cao tình cảm cá nhân, trong lúc giết chết lòng ái quốc của đẳng cấp. Xưa kia, khi giới quyền quý Pháp còn to lớn, giàu có và hùng mạnh, các nhà quyền quý đều biết, trong cơn nguy khốn, chọn lấy thủ lĩnh và tuân phục. Lúc đã suy yếu, họ lại tỏ ra thiếu kỷ cương; và, cũng như thời Mạt Kỳ Đế Chế, người nào trong số họ cũng muốn làm hoàng đế; và khi tất tật thấy bình đẳng với nhau do sự yếu đuối của mình, họ lại tưởng đâu tất tật đều vượt trội. Mỗi gia đình bị lụn bại bởi cách mạng, lụn bại bởi sự phân chia tài sản ngang bằng, đều chỉ chăm chăm nghĩ đến nó, thay vì nghĩ tới đại gia đình quý tộc, và cho rằng nếu mọi gia đình đều làm giàu được, đảng phái sẽ mạnh. Nhầm. Tiền cũng chỉ là một dấu hiệu của quyền lực. Được cấu thành từ những con người trì giữ những truyền thống cao về lịch thiệp, về sự thanh lịch có thật, về ngôn từ đẹp, về sự đoan trang và lòng kiêu ngạo quý phái, ăn nhịp với những tồn tại của họ, các mối lo toan ti tiện khi chúng trở thành chính yếu của một cuộc sống mà lẽ ra chỉ được phép là phụ liệu, tất cả những gia đình ấy đều sở hữu một giá trị tự thân nhất định, nó, khi bị đặt lên bề mặt, chỉ để lại cho họ một giá trị danh nghĩa. Không một gia đình nào trong số đó đủ can đảm để tự nhủ: Chúng ta có đủ mạnh để mang quyền lực hay không? Chúng nhảy ào vào giống các viên trạng sư hồi 1830. Thay vì cho thấy mình là người bảo trợ với tư cách Đại Nhân, faubourg Saint-Germain lại lý tài như một kẻ mới nổi. Kể từ cái ngày sự thể được chứng minh cho quốc gia nhiều trí tuệ nhất trên đời rằng giới quyền quý được trung hưng tổ chức quyền lực và ngân quỹ nhằm thu lợi riêng, cái ngày ấy, giới quyền quý đổ bệnh thập tử nhất sinh. Nó muốn là một giới quý tộc trong khi nó chỉ còn có thể là một chế độ đầu sỏ, hai hệ thống rất khác nhau, và là điều mà mọi con người đủ khéo léo đều sẽ hiểu, chỉ cần đọc thật kỹ những tên họ của các lord thuộc Thượng nghị viện. Chắc chắn, chính quyền hoàng gia có nhiều hảo ý; nhưng nó liên tục quên mất là phải khiến cho dân chúng muốn mọi điều, kể cả hạnh phúc của bản thân, và rằng nước Pháp, người phụ nữ thất thường, muốn được hạnh phúc hoặc bị đánh đập tùy lúc. Nếu từng có nhiều công tước de Laval[27], mà sự khiêm cung rất xứng tầm với cái họ, thì chắc hẳn ngai vàng của ngành trưởng đã trở nên vững chắc ngang với ngôi vua của dòng họ Hanovre. Năm 1814, nhưng nhất là năm 1820, giới quyền quý nước Pháp phải thống trị thời kỳ có học vấn cao nhất, rồi thì giới tư sản nhiều tính chất quý tộc nhất, đất nước nhiều tính chất nữ nhất trên đời. Faubourg Saint-Germain có thể dễ dàng dẫn dắt và mua vui cho một tầng lớp hạng trung, say sưa với những tước hiệu, yêu nghệ thuật và khoa học. Nhưng những kẻ cầm trịch ti tiện của cái thời kỳ trí tuệ lớn ấy tất tật đều căm ghét nghệ thuật và khoa học. Thậm chí họ còn chẳng biết trình bày tôn giáo, mà họ cần, dưới những màu sắc thi vị hẳn sẽ làm cho nó được yêu quý. Khi Lamartine, La Mennais[28], Montalembert và vài nhà văn tài năng khác dùng thơ ca để mạ vàng, đổi mới hay mở rộng các tư tưởng tôn giáo, tất tật những kẻ làm hại chính quyền khiến bốc lên nỗi cay đắng của tôn giáo. Chưa từng bao giờ có quốc gia nào nhiều vui thú đến thế, khi ấy nó giống một phụ nữ mệt nhoài trở nên dễ dãi; chưa từng bao giờ quyền lực phạm phải nhiều điều vụng về đến như thế: nước Pháp và phụ nữ yêu quý nhất các lỗi lầm. Nhằm có thể tái hòa nhập, để tạo lập một chính quyền đầu sỏ lớn, giới quyền quý của khu faubourg phải ra sức bới tung, trong mục đích tìm ra bên trong chính nó thứ tiền tệ của Napoléon, phanh bụng để đòi hỏi trong cái hốc nội tạng của nó một Richelieu mang tính chất lập pháp; nếu thiên tài này không nằm bên trong nó, thì đi tìm nó đến tận trong gian phòng áp mái giá lạnh nơi có thể nó đang nằm chết, và làm cho nó nhập vào mình, giống như cái viện của các lord bên Anh không ngừng nhập vào các nhà quý tộc tình cờ. Rồi, hạ lệnh cho cái con người đó phải thật cả quyết, phải chặt đi những cành cây mục rữa, đốn sát gốc cái cây quý tộc. Nhưng trước hết, hệ thống tory Anh vĩ đại quá rộng đối với những cái đầu nhỏ; và sự nhập khẩu nó đòi hỏi người Pháp quá nhiều thời gian, đối với họ thì một thành công chậm cũng cầm bằng ngang với một fiasco. Vả lại, còn xa mới có được thứ chính trị cứu rỗi ấy, nó đi tìm sức mạnh nơi nào Chúa đã đặt nó, những con người bé tí vĩ đại kia căm ghét mọi sức mạnh không phát xuất từ họ; nói tóm lại, còn xa mới trẻ lại, faubourg Saint-Germain đã già đi. Lễ nghi, thứ thiết chế thuộc vào tất yếu hạng hai, có thể được duy trì nếu nó chỉ xuất hiện vào các dịp trọng đại; nhưng lễ nghi lại trở thành một cuộc chiến thường nhật, và thay vì một vấn đề nghệ thuật hoặc thuộc về sự tráng lệ, nó lại thành ra một vấn đề thuộc quyền lực. Trước tiên đối với ngai vàng đã bị thiếu mất một trong số những nhà cố vấn lớn đúng ở mức ngang bằng với hoàn cảnh, giới quý tộc chủ yếu thiếu hiểu biết về các lợi ích chung của nó, thứ lẽ ra đã có thể bổ khuyết cho mọi điều. Nó dừng lại trước cuộc hôn nhân của ông de Talleyrand[29], con người duy nhất sở hữu một cái đầu kim loại nơi nung rèn những hệ thống chính trị thông qua đó các quốc gia sống lại trong vinh quang rực rỡ. Faubourg chế nhạo các bộ trưởng không phải nhà quyền quý, nhưng cùng lúc lại chẳng cung cấp được các nhà quyền quý đủ mức vượt trội làm bộ trưởng; nó có thể mang tới những phụng sự đích thực cho đất nước bằng cách biến tòa án dân sự trở nên cao quý, bằng cách khiến đất đai được màu mỡ, bằng cách làm những con đường, đào các dòng kênh, bằng cách tự biến mình thành quyền năng điền địa đầy sức hoạt động; nhưng nó lại bán đất đai của mình đi nhằm đánh bạc ở Thị Trường Chứng Khoán. Nó có thể tước đi từ giới tư sản những con người hành động và có tài năng, mà tham vọng gây xói mòn cho quyền lực, bằng cách mở ra cho họ cơ hội bước vào hàng ngũ của nó; nó đã thích chiến đấu chống lại bọn họ hơn, và là chiến đấu mà không có vũ khí; bởi nó chỉ còn sở hữu trong truyền thống những gì nó từng có trong thực tế. Thật bất hạnh cho giới quyền quý này, còn lại vừa đủ cho nó, từ đủ loại tài sản khác nhau, để duy trì nhà xác cho nó. Sung sướng với các kỷ niệm riêng, chẳng gia đình nào trong số đó nghiêm túc nghĩ đến chuyện cho những đứa con trai cả cầm lấy vũ khí, giữa chùm tia sáng mà thế kỷ mười chín chiếu xuống quảng trường công cộng. Tuổi trẻ, bị đẩy bắn ra khỏi công chuyện kinh doanh, khiêu vũ ở nhà Quý Bà, thay vì tiếp tục tại Paris, qua ảnh hưởng của những tài năng trẻ, tận tâm, ngây thơ của Đế Chế và Cộng Hòa, tác phẩm mà những người đứng đầu mỗi gia đình hẳn đã khởi sự ở các tỉnh, chinh phục tại đó hiểu biết về tước hiệu của họ nhờ vào những biện hộ liên tục nhằm làm tăng các lợi ích lô can, tìm cách làm cho mình tương thích, tại đó, với tinh thần của thế kỷ, qua việc tái lập đẳng cấp nương theo sở thích của thời đại[30]. Túm tụm vào trong faubourg Saint-Germain của mình, nơi vẫn sống tinh thần của những đối đầu phong kiến cũ trộn lẫn vào với tinh thần của triều đình cũ, giới quý tộc, lủng củng tập hợp lại tại lâu đài Tuileries, trở nên dễ chiến thắng hơn, chỉ còn tồn tại trên một điểm và nhất là cũng có cấu tạo kém cỏi giống y như cấu tạo của nó tại Nguyên lão Nghị viện. Nếu rải rác ra và ăn nhập vào đất nước, nó trở nên không thể tàn phá; bị dồn vào faubourg của nó, dựa lưng vào lâu đài, trải rộng trong ngân quỹ, chỉ cần một nhát rìu chém là đã chặt đứt sợi dây cuộc đời hấp hối của nó, và cái bản mặt phẳng dẹt của một tay trạng sư bé con tiến lên nhằm hạ nhát rìu này[31]. Mặc cho đít cua đáng ngưỡng mộ của ông Royer-Collard, chế độ truyền thừa của tước vị nguyên lão và chế độ con cả thừa kế rơi rụng dưới những bài đả kích của một con người tự phụ là mình đã khôn khéo giật lại được vài cái đầu từ tay đao phủ thủ, nhưng đồng thời lại vụng về giết chết những thiết chế lớn. Ở đây có những ví dụ và lời dạy cho tương lai. Nếu chế độ đầu sỏ nước Pháp không có một cuộc đời tương lai, thì hẳn là nó cũng chẳng rõ sự tàn nhẫn đáng buồn nào đày nó xuống địa ngục sau khi qua đời, và lúc đó hẳn sẽ chỉ còn có thể nghĩ tới mộ quách của nó mà thôi; nhưng nếu con dao mổ của các bác sĩ phẫu thuật thật nặng nề khi cảm thấy, đôi khi nó trả lại cuộc sống cho những người sắp chết. Faubourg Saint-Germain có thể mạnh hơn khi bị chà đạp, so với khi nó thắng lợi, nếu nó muốn có một vị thủ lĩnh và một hệ thống.

Giờ đây, thật dễ để tóm tắt nhìn nhận mang một phần tính chất chính trị trên đây. Sự thiếu vắng những tầm nhìn rộng lớn và cái tổng thể các lỗi lầm nhỏ; ham muốn tái lập những sản nghiệp cao vời khiến ai ai cũng phải bận tâm; một nhu cầu có thực về phía tôn giáo nhằm đỡ đần cho chính trị; một cơn khát khoái lạc, thứ làm hại cho tinh thần tôn giáo, và làm nảy sinh các trò đạo đức giả, những kháng cự từng phần của một số tinh thần cao biết nhìn chuẩn xác và bị đặt trước các đối nghịch nơi triều đình; giới quyền quý ở tỉnh, thường thuần khiết hơn về dòng giống so với giới quyền quý ở triều đình, nhưng lại, quá mức dễ mếch lòng, lủi đi mất; tất tật những nguyên nhân kể trên hội tụ lại mang tới cho faubourg Saint-Germain các phong hóa bất đồng nhất. Nó không toàn khối trong hệ thống của mình, cũng chẳng hợp lý trong các hành động, lại cũng không đạo đức một cách hoàn toàn, không trụy lạc theo đường lối thẳng thắn, không băng hoại, chẳng gây băng hoại; nó không bỏ rơi hoàn toàn những vấn đề gây hại cho nó và không lựa chọn các tư tưởng hẳn sẽ cứu nó. Nói tóm lại, dẫu những con người có oặt oẹo tới đâu, thì tuy vậy toàn đảng vẫn được vũ trang bởi mọi nguyên tắc kỳ vĩ, thứ làm nên cuộc sống của các quốc gia. Thế nhưng, để chết đi trong sức mạnh của nó, thì nó phải là gì? Thật khó trong việc lựa chọn những con người được bày ra; nó có gu tốt, có sự khinh bỉ thanh nhã; nhưng sự sa đọa của nó chắc chắn chẳng hề có gì chói lọi lẫn hiệp sĩ. Cuộc lưu vong hồi 89 thì còn hằn sâu thêm những tình cảm; vào năm 1830, lưu vong trong nội địa chỉ còn khiến nổi bật các lợi ích. Vài con người xuất chúng trong văn chương, những thắng lợi trên diễn đàn, ông de Talleyrand tại các hội nghị, cuộc chinh phục Alger, và nhiều cái tên lại trở thành lịch sử trên các chiến trường, khiến giới quý tộc Pháp thấy những phương cách mà nó còn lại để nhất thống quốc gia và buộc người khác vẫn phải công nhận các tước hiệu của nó, đấy là giả sử nó còn thèm làm việc đó. Nơi những người được tổ chức tốt được thực thi một công trình của sự hài hòa bên trong. Một người mà lười nhác, thì sự lười sẽ biểu lộ ra trong từng chuyển động của anh ta. Cũng vậy, vẻ mặt của một tầng lớp người tương thích với tinh thần chung, với tâm hồn dùng nó để gây sống động cho cơ thể. Dưới thời Trung Hưng, người phụ nữ của faubourg Saint-Germain không bày ra cả lòng quả cảm kiêu hãnh mà các quý bà triều đình xưa kia vốn mang trong lối sống tách biệt của họ, cũng như sự lớn lao khiêm nhường của các đức hạnh muộn màng thông qua đó họ chuộc lại những lầm lỗi, và tỏa ra quanh mình một sự chói lọi rực rỡ vô chừng. Cô ta chẳng có gì thật nhẹ, không gì thật trầm trọng. Các dục vọng của cô ta, trừ vài ngoại lệ, lắm tính chất đạo đức giả; có thể nói rằng cô ta thỏa hiệp với những tận hưởng do chúng mang lại. Vài người phụ nữ thuộc những gia đình ấy sống cuộc đời tư sản của nữ công tước d’Orléans, mà cái giường ngủ chung với chồng hiện ra đến là lố bịch trước những người khách thăm Palais-Royal; chỉ dăm ba người tiếp tục được phong hóa của thời Nhiếp Chính[32], và gây ra một dạng chán ngán nơi các phụ nữ thiện xảo hơn họ. Bà lớn mới mẻ này không có chút ảnh hưởng nào lên phong hóa: tuy vậy cô ta có thể làm rất nhiều điều, cô ta có thể, xuất phát từ nỗi tuyệt vọng, trưng bày cảnh tượng đồ sộ của các phụ nữ giới quý tộc Anh; nhưng cô ta do ngẫn mà do dự giữa những truyền thống cũ, mộ đạo vì bị cưỡng ép, và che giấu mọi thứ, ngay cả các phẩm chất đẹp của mình. Không ai trong số những phụ nữ Pháp đó có thể tạo ra khách thính nơi các đỉnh cao xã hội tới để học hỏi về gu và sự thanh lịch. Giọng nói của họ, ngày xưa từng áp đảo đến vậy trong văn chương, biểu hiện sống ấy của các xã hội, giờ ắng lặng. Thế nhưng, chừng nào một văn chương không có hệ thống chung, nó không thành hình được và tan biến đi cùng thế kỷ của nó. Khi, vào một thời nào đó, có ở giữa một quốc gia một dân chúng biệt lập được cấu thành như vậy, sử gia gần như luôn luôn bắt gặp ở đó một khuôn mặt chính yếu tóm tắt những đức hạnh và khiếm khuyết của khối người mà nó thuộc về: Coligny nơi những người huguenot, Coadjuteur[33] ở giữa phong trào La Fronde, thống chế de Richelieu dưới Louis XV, Danton trong thời Khủng Bố. Sự trùng hợp ấy của nét mặt giữa một người với đoàn tùy tùng lịch sử của anh ta nằm trong bản tính mọi vật. Nhằm dẫn lối cho một đảng chẳng phải là cần hợp vào với các tư tưởng của nó, để nổi trội chói lói vào một thời chẳng phải cần đại diện cho nó, đấy ư? Từ bổn phận thường hằng đó, nơi có cái đầu thông thái và thận trọng của các đảng, trong việc nghe theo các định kiến và sự điên rồ của các khối quần chúng tạo nên cái đuôi cho nó, phát sinh những hành động mà một số sử gia trách cứ nơi các thủ lĩnh đảng, khi mà, ở cách xa những náo động sôi trào khủng khiếp của dân chúng, họ lạnh lùng phán định các dục vọng cần thiết nhất đối với hành xử của những cuộc tranh đấu lâu dài lớn lao. Điều gì đúng trong vở hài kịch lịch sử của các thế kỷ cũng đúng nơi tầng cầu chật hẹp nhất của những cảnh nhỏ của tấn kịch quốc gia tên là Phong Hóa.

Ở điểm khởi đầu của cái cuộc sống phù du mà faubourg Saint-Germain thực thi vào quãng Trung Hưng, là thứ mà, nếu những nhìn nhận trên đây là chuẩn xác, nó không biết cách khiến cho vững vàng, một phụ nữ trẻ từng, rất thoáng qua, là típ người hoàn chỉnh nhất của bản tính vừa vượt trội vừa yếu ớt, to lớn và nhỏ bé, của đẳng cấp nàng. Đó là một phụ nữ có học vấn theo đường lối hời hợt, thực ra thì ngu dốt; chất chứa những tình cảm cao vời, nhưng lại thiếu mất một suy tư ngõ hầu phối hợp chúng; tiêu tốn đi những kho báu dồi dào nhất của tâm hồn nhằm tuân phục các quy ước; sẵn sàng thách thức xã hội, nhưng do dự và đi tới sự giả tạo do quá mức đắn đo; sở hữu nhiều sự bướng bỉnh hơn là tính cách, nhiều sự hâm mộ hơn so với lòng nhiệt tình, nhiều đầu óc hơn là trái tim; là phụ nữ một cách thượng đẳng và là người đỏm dáng một cách thượng đẳng, chủ yếu là phụ nữ Paris; yêu sự rực rỡ, các bữa tiệc; không suy nghĩ, hoặc giả suy nghĩ quá muộn; mang một sự cẩn trọng đạt đến mức gần ngang với thơ ca; hỗn xược thỏa sức, nhưng trong thâm tâm thì lại nhún nhường; bày ra sức mạnh như một cây sậy thẳng tắp, nhưng, cũng như cây sậy ấy, sẵn sàng cong gập lại dưới một bàn tay hùng mạnh; nói rất nhiều tới tôn giáo nhưng không yêu quý nó, và tuy nhiên lại sẵn sàng chấp nhận nó với tư cách một giải pháp. Làm sao mà giải thích cho nổi một tạo vật thực sự đa bội, có tiềm năng anh thư, và quên đi cái sự anh thư nhằm được nói ra một điều độc ác; trẻ và dịu ngọt, ít già trong trái tim hơn so với già bởi các châm ngôn của những người vây quanh, và hiểu được thứ triết lý vị kỷ của họ nhưng đã không áp dụng nó; sở hữu mọi tật xấu của sủng thần và tất tật sự cao quý của người phụ nữ rất trẻ; nghi ngại mọi thứ, và thế nhưng đôi khi lại tự buông thả bản thân để tin vào mọi sự? Chẳng phải hẳn đó sẽ luôn luôn là một bức chân dung dang dở, chân dung người phụ nữ này, nơi những sắc rực nhất va đập vào nhau, nhưng nhờ vậy lại tạo ra một sự rối mù thi vị, bởi có một ánh sáng thần thánh, một rạng ngời của tuổi trẻ khiến cho những nét mù mờ ấy trở nên có một dạng tổng thể? Sự duyên dáng giúp nàng có nhất thể. Vẫn còn chưa có gì bị vơi đi. Những dục vọng ấy, những dục vọng một nửa ấy, sự chớm nở của vẻ kỳ vĩ ấy, thực tại của sự nhỏ mọn ấy, những tình cảm giá lạnh và các cơn nồng nhiệt ấy là tự nhiên và trào ra từ hoàn cảnh của nàng cũng như từ hoàn cảnh của giới quý tộc mà nàng thuộc về. Nàng tự hiểu được bản thân và đầy ngạo nghễ tự đặt mình bên trên thế giới, lẩn vào sau cái họ mà nàng mang. Có cái tôi của Médée[34] trong đời nàng, cũng như trong đời giới quý tộc, nó đang chết đi mà không muốn cả ngồi dậy lẫn chìa tay cho một viên bác sĩ chính trị nào, cũng chẳng sờ, hay được sờ vào, vì cảm thấy yếu, hoặc giả đã thành tro bụi. Nữ công tước de Langeais, tên nàng là như vậy, lấy chồng được khoảng bốn năm thì cuộc Trung Hưng trở nên toàn vẹn, nghĩa là vào năm 1816, cái thời kỳ mà Louis XVIII, được soi sáng bởi cuộc cách mạng Bách Nhật, hiểu được hoàn cảnh của ngài cũng như thế kỷ của ngài, mặc cho những người xung quanh, những kẻ, tuy vậy, về sau lại thắng lợi trước cái ông vua Louis XI nhưng không có cây rìu ấy[35], khi ông bị bệnh tật đánh quỵ. Nữ công tước de Langeais là một người nhà Navarreins[36], gia đình quận công từng, kể từ Louis XIV, có nguyên tắc là không bao giờ từ bỏ tước hiệu trong các cuộc hôn nhân. Những người con gái của gia đình này không sớm thì muộn, cũng như mẹ họ, sẽ có một cái ghế đẩu tại Triều Đình. Ở tuổi mười tám, Antoinette de Navarreins rời khỏi nơi cư ngụ hẻo lánh nơi nàng đã sống để lấy con trai cả của công tước de Langeais. Khi ấy hai gia đình ở cách xa thế giới; nhưng cuộc xâm chiếm nước Pháp khiến những người bảo hoàng cho rằng sự trở về của nhà Bourbon là kết luận duy nhất khả dĩ cho những bất hạnh của chiến tranh. Các công tước de Navarreins và de Langeais, vẫn trung thành với nhà Bourbon, đầy cao quý đã kháng cự lại trước mọi quyến rũ của vinh quang đế chế và, nơi hoàn cảnh họ ở vào lúc hôn sự, lẽ dĩ nhiên họ phải tuân theo chính sách xưa cũ của gia đình họ. Như vậy cô Antoinette de Navarreins, đẹp và nghèo, lấy ông hầu tước de Langeais, mà ông bố qua đời vài tháng sau đám cưới. Khi nhà Bourbon trở về, hai gia đình lấy lại được địa vị, chức tước, phẩm cách của họ tại Triều Đình, và quay trở lại trong chuyển động xã hội, mà cho tới lúc ấy họ vẫn nán lại bên ngoài. Họ trở nên những đỉnh cao rực rỡ nhất của cái thế giới chính trị mới này. Vào cái thời của những hèn nhát và cải đạo vờ đó, ý thức công chúng thích nhận ra ở hai gia đình này lòng trung thành không tì vết, sự nhất trí giữa cuộc sống riêng và tính cách chính trị, những gì mà mọi phe phái đều vinh danh theo đường lối vô chủ ý. Nhưng, vì một bất hạnh khá hay gặp vào các thời chuyển đổi, những người thuần khiết nhất và, nhờ sự vươn lên cao của tầm nhìn, sự khôn ngoan trong những nguyên tắc, hẳn ở Pháp có thể khiến người ta tin tưởng vào sự hào phóng của một chính trị mới và quả cảm, bị đẩy ra xa khỏi công vụ, nó rơi vào tay những kẻ có lợi ích khi đẩy các nguyên tắc đến cực điểm, nhằm chứng tỏ lòng tận tụy. Các gia đình de Langeais và de Navarreins ở lại trong tầng cầu cao vút của triều đình, bị kết án phải thực hiện các nghĩa vụ thuộc về lễ nghi cũng như phải hứng chịu những trách móc và chế giễu của phái libéral, bị buộc tội là tọng đầy họng vinh dự và tài sản, trong khi gia sản của họ chẳng hề tăng thêm, và những hào phóng của Danh sách dân sự[37] bị tiêu tốn hết cho các chi phí liên quan đến trưng bày, vốn dĩ là nhất thiết đối với mọi nền quân chủ châu Âu, dẫu cho đó có là cộng hòa. Năm 1818, ông công tước de Langeais chỉ huy một đơn vị quân đội, và bà công tước có, ở bên một công nương, một vị trí cho phép nàng ở lại Paris, xa chồng, mà không gây bê bối gì. Vả lại, công tước có, ngoài chức chỉ huy, một chức vụ ở Triều Đình, ông tới đó, giao lại, những lúc vắng mặt, quyền chỉ huy cho một viên tướng cấp thấp hơn. Như vậy công tước và bà công tước sống hoàn toàn tách biệt với nhau, trong thực tế và trong tình cảm, mà chẳng ai hay. Cuộc hôn nhân qua sắp đặt ấy đã có số phần khá thường thấy nơi những thỏa ước gia đình đó. Hai tính cách đối nghịch nhau nhất trên đời đã phải xuất hiện cùng nhau, ngấm ngầm hoạnh họe với nhau, ngấm ngầm bị tổn thương, tách khỏi nhau vĩnh viễn. Rồi, cả hai đều đã tuân theo bản tính riêng cũng như các quy ước. Công tước de Langeais, một tinh thần nghiêm ngặt đúng như chắc hiệp sĩ de Folard[38] cũng giống như vậy, lao vào các sở thích, các khoái lạc một cách hết sức có phương pháp, và để cho vợ ông thoải mái theo sở thích và khoái lạc của nàng, sau khi nhận ra ở nàng một tinh thần cao ngạo vô biên, một trái tim lạnh lẽo, một sự tuân phục lớn lao trước các tập tục thượng lưu, một lòng trung thành trẻ trung, và sẽ phải tiếp tục thuần khiết dưới con mắt những người bà con cao sang, dưới ánh sáng của một triều đình đoan trang và nhiều tính cách tôn giáo. Thế nên ông lạnh lùng vào vai vĩ lãnh chúa lớn của thế kỷ trước, bỏ mặc một người phụ nữ hăm hai tuổi, bị xúc phạm một cách nặng nề, và trong tính cách có một phẩm chất rất đáng sợ, phẩm chất không bao giờ tha thứ cho một sự xúc phạm khi mà tất tật mọi phù phiếm phụ nữ nơi nàng, khi mà lòng tự ái của nàng, có lẽ cả các đức hạnh của nàng, đã bị lờ tịt đi, bị tổn thương một cách mờ tối. Khi một sự xúc phạm là công khai, thì một phụ nữ thích quên nó đi, cô ta có nhiều cơ may để lớn lên, cô ta là phụ nữ trong sự bao dung của mình; nhưng phụ nữ không bao giờ nuốt trôi được những xúc phạm bí mật, bởi vì họ không thích những hèn nhát, những đức hạnh, lẫn những tình yêu bí mật.

Đó là vị thế, mà thế giới không hề hay biết, trong đó bà công tước de Langeais ở vào, mà người phụ nữ ấy chẳng nghĩ đến, lúc người ta tổ chức những bữa tiệc nhân dịp đám cưới của công tước de Berri[39]. Thời điểm ấy, Triều Đình và faubourg Saint-Germain thoát được ra khỏi sự lờ đờ và dè dặt của chúng. Vậy là thực sự đã bắt đầu cái vẻ rực rỡ choáng ngợp đánh lừa chính quyền thời Trung Hưng đó. Thời điểm ấy, nữ công tước de Langeais, hoặc vì tính toán, hoặc do phù phiếm, không bao giờ xuất hiện bên ngoài nếu không được vây quanh hoặc đi kèm bởi ba hay bốn phụ nữ cũng ngời sáng tên họ ngang với tài sản. Là bà hoàng của mốt, nàng có các quý bà khác dùng để điểm trang cho mình, họ tái tạo ở nơi khác các cung cách của nàng, tinh thần của nàng. Nàng đã khéo léo lựa chọn họ giữa vài người vẫn còn chưa lọt vào vòng thân cận với Triều Đình cũng như vào trung tâm của faubourg Saint-Germain, và thế nhưng họ có tham vọng làm được việc ấy; mấy Vượt Trội nhỏ bé nhưng lại muốn vươn lên tới tận ngai vàng và được hòa vào với những quyền năng thần tiên nơi tầng cầu cao vút tên là lâu đài nhỏ[40]. Ở vị trí như thế, nữ công tước de Langeais mạnh mẽ hơn, nàng thống trị tốt hơn, nàng được an toàn hơn. Các quý bà của nàng bảo vệ nàng trước sự vu khống, và giúp nàng diễn cái vai đáng ghét của người phụ nữ hợp mốt. Nàng mặc sức chế nhạo đàn ông, các dục vọng, khơi gợi chúng, đón về những sự vinh danh mà mọi bản tính nữ đều dùng làm dưỡng chất, và vẫn làm chủ bản thân. Tại Paris và ở khoảng xã hội cao nhất, phụ nữ vẫn cứ là phụ nữ; nàng sống bằng hương xông, bằng những lời phỉnh nịnh, bằng các vinh dự. Vẻ đẹp thực hơn cả, khuôn mặt đáng ngưỡng mộ nhất cũng chẳng đáng gì nếu nó không được ngưỡng mộ: một người tình, những lời nịnh nọt là các chứng nhận cho sức mạnh của nàng. Một quyền lực không được ai biết tới thì là gì đây? Chẳng gì hết. Hãy giả sử người phụ nữ xinh đẹp nhất một mình trong xó phòng khách, ở đó nàng ta sẽ buồn. Khi một tạo vật như vậy ở vào chính giữa những huy hoàng xã hội, thế nào nàng ta cũng muốn ngự trị trên mọi trái tim, thường do không thể trở thành bà hoàng hạnh phúc trong một trái tim duy nhất. Những điểm trang kia, các lấp lánh kia, rồi những màn điệu đà, được tạo ra cho những sinh vật khốn khổ nhất, họ gặp nhau, những kẻ phô trương không chút trí tuệ, đám đàn ông mà phẩm cách nằm ở một khuôn mặt khả ái, những kẻ mà tất cả phụ nữ tự gây hại cho bản thân để hướng đến nhưng chẳng thu về được lợi ích gì, các thần tượng bằng gỗ mạ vàng đúng nghĩa, bọn họ, dẫu cũng có vài ngoại lệ, không có cả những tiền lệ của các petit-maître[41] thời La Fronde lẫn cái giá trị thô thiển tốt lành của các anh hùng đoạn Đế Chế, chẳng hề sở hữu trí tuệ và các cung cách nơi ông nội ông ngoại họ, nhưng lại muốn vớ được một cái gì đó ngon ăn miễn phí; những kẻ cũng can đảm giống như tuổi trẻ Pháp can đảm, chắc hẳn là thiện xảo nếu từng được kinh qua thử thách, và không thể thành ra cái gì do sự ngự trị của đám già mòn cũ đẩy bắn bọn họ ra bên lề[42]. Đó là một giai đoạn lạnh lẽo, ti tiện và không chút thơ ca. Có lẽ một kỳ trung hưng phải cần rất nhiều thời gian thì mới có thể trở thành một nền quân chủ[43].

Từ mười tám tháng nay, nữ công tước de Langeais có cái cuộc sống trống rỗng ấy, chỉ hoàn toàn được phủ đầy bởi vũ hội, bởi những chuyến viếng vũ hội, bởi các thắng lợi không đối tượng, bởi những dục vọng thoáng qua, sinh ra và chết đi trong vòng một buổi tối. Những lúc nàng đặt chân tới một khách thích, các ánh mắt liền đổ dồn lên nàng, nàng gặt hái những lời phỉnh nịnh, vài câu nói chất chứa dục vọng mà nàng khuyến khích bằng cử chỉ, ánh mắt, và chúng chẳng bao giờ đi được xa hơn lớp biểu bì. Tông giọng của nàng, các cung cách của nàng, mọi thứ nơi nàng đều phát quyền uy. Nàng sống trong một dạng cơn sốt sự phù phiếm, sự hân hưởng thường trực, nó khiến nàng quay cuồng đầu óc. Nàng đi khá xa trong trò chuyện, nàng lắng nghe mọi thứ, và có thể nói là trôi dạt trên bề mặt trái tim. Về nhà, nàng thường đỏ mặt xấu hổ vì điều mà nàng đã cười, vì một câu chuyện bê bối nào đó với các chi tiết giúp nàng tranh luận về những lý thuyết tình yêu mà nàng không biết, cùng các khác biệt tinh tế nơi dục vọng hiện đại, mà đám đạo đức giả vui sướng bình luận cho nàng nghe; bởi phụ nữ, vốn dĩ biết nói với nhau mọi điều, đánh mất vào đó nhiều hơn so với mức tổn hại mà đàn ông phải chịu. Từng có một thời điểm, nàng hiểu ra rằng tạo vật được yêu là tạo vật duy nhất mà vẻ đẹp, mà tinh thần có thể được công nhận một cách phổ quát. Một người chồng thì nói lên điều gì? Rằng, khi còn là thiếu nữ, một phụ nữ hoặc có món hồi môn lớn hoặc học vấn cao, có một bà mẹ khéo léo, hoặc thỏa mãn được các tham vọng của người đàn ông; nhưng một người tình lại là cái chương trình thường hằng của những sự hoàn hảo cá nhân nơi cô ta. Bà de Langeais, vẫn còn trẻ, đã biết rằng một phụ nữ có thể để mặc cho mình được yêu một cách ngang bướng mà vẫn chẳng hề trở nên đồng lõa với tình yêu, chẳng hề tán thành nó, chẳng hề gây thỏa mãn cho nó bằng cách nào khác ngoài những tô tức nghèo nàn hơn cả nộp cho tình yêu, và hơn một con mụ hay giả đò hé lộ cho nàng các phương cách để đóng vai trong những vở hài kịch nguy hiểm ấy. Vậy là nữ công tước có triều đình riêng của nàng, và số người ngưỡng mộ nàng hoặc ve vuốt nàng chính là một bảo đảm cho đức hạnh nơi nàng. Nàng đỏm dáng, khả ái, quyến rũ cho tới tận kết thúc của bữa tiệc, của vũ hội, của buổi tối; rồi, khi màn đã hạ, nàng quay trở lại cô độc, lạnh lẽo, vô tư lự, và thế nhưng ngày hôm sau sống lại cho các cảm xúc khác cũng hời hợt y như thế. Có dăm ba chàng thanh niên hoàn toàn bị phỉnh thực sự yêu nàng, bọn họ bị nàng chế nhạo với một sự vô cảm hoàn toàn. Nàng tự nhủ: “Mình được yêu, anh ta yêu mình!” Đối với nàng sự chắc chắn đó đã là quá đủ. Tương tự kẻ hà tiện sung sướng khi biết rằng những trò thất thường của hắn có thể được thỏa mãn, có lẽ thậm chí nàng chẳng còn xáp lại gần cả ham muốn nữa.

Một tối nọ nàng ở nhà một trong các bạn gái thân thiết, bà tử tước de Fontaine[44], một trong những nữ địch thủ khiêm nhường của nàng, họ căm ghét nàng một cách lịch thiệp và luôn luôn đi cùng nàng: dạng tình bạn tua tủa vũ khí, mà bất cứ ai cũng nghi ngại, nơi những lời tâm sự thì kín đáo một cách thiện xảo, đôi lúc nham hiểm. Sau khi ban phát những chào hỏi đầy vẻ bao dung, trìu mến hoặc ngạo nghễ với dáng vẻ vốn dĩ là tự nhiên đối với người phụ nữ biết rõ toàn bộ giá trị những nụ cười của mình, ánh mắt nàng rơi xuống một người đàn ông mà nàng hoàn toàn không quen biết, nhưng dáng dấp lực lưỡng và nghiêm trang khiến nàng sửng sốt. Khi nhìn thấy người đó nàng thấy có một cảm xúc khá giống với nỗi sợ.

“Bạn yêu quý, nàng hỏi bà de Maufrigneuse[45], con người mới mẻ kia là ai thế?

- Một người mà chắc hẳn bạn từng nghe nhắc đến rồi, hầu tước de Montriveau.

- A! ra là anh ta.”

Nàng đưa cái kính mắt lên săm soi anh với vẻ hết sức hỗn xược, như thể trước một bức chân dung chỉ có thể nhận về các ánh mắt mà không đáp lại được.

“Giới thiệu tôi với anh ta đi, chắc anh ta hay ho.

- Chẳng ai gây buồn chán hơn, u tối hơn anh ta đâu, bạn yêu quý ạ, nhưng anh ta đang rất mốt đấy.”

Ông Armand de Montriveau, vào lúc ấy, chẳng hề hay biết, trở thành đối tượng cho một sự hiếu kỳ chung, và anh xứng với điều đó hơn so với bất kỳ thần tượng thoáng qua nào mà Paris cần đến và phải lòng trong vòng vài hôm, nhằm thỏa mãn cái dục vọng đi hâm mộ người khác cũng như cái nhiệt tình giả dối cứ định kỳ lại gây ngứa ngáy cho nó. Armand de Montriveau là con trai duy nhất của tướng de Montriveau, một trong số các ci-devant từng phụng sự Cộng Hòa một cách cao quý, và đã bỏ mạng do bị giết bên cạnh Joubert, tại Novi[46]. Đứa trẻ mồ côi, được Bonaparte chăm lo, vào học trường Châlons, và hưởng, giống nhiều đứa con trai khác của tướng lĩnh chết trận, sự bảo trợ của Cộng Hòa Pháp. Sau khi rời ngôi trường, không có chút tài sản, anh gia nhập pháo binh, và vẫn chỉ là tư lệnh tiểu đoàn khi thảm họa Fontainebleau xảy ra. Binh chủng mà Armand de Montriveau thuộc về không tạo cho anh nhiều cơ hội thăng tiến[47]. Trước hết số lượng sĩ quan ở đây nhỏ hơn so với các binh chủng khác; rồi, các ý kiến libéral và gần như có tính cách cộng hòa mà pháo binh hay phát biểu, những nỗi e ngại gây ra cho Hoàng Đế bởi một sự hội tụ của đám người thông thái quen việc suy nghĩ, đó là những điều ngáng đường vận hạn binh nghiệp phần lớn trong số họ. Do đó, trái ngược với quy luật thông thường, các sĩ quan ngoi lên được cấp tướng không phải lúc nào cũng là những nhân vật đáng kể nhất của quân đội, bởi vì, vốn dĩ tầm thường, bọn họ không gây nhiều sợ hãi. Pháo binh tạo nên một phân khu riêng biệt trong quân đội, và chỉ thuộc về Napoléon trên chiến địa. Ngoài các lý do chung trên đây, chúng có thể giải thích những chậm trễ trong binh nghiệp mà Armand de Montriveau phải trải qua, còn có các lý do khác nữa gắn liền với con người anh và tính cách của anh. Đơn độc trong thế giới, từ tuổi hai mươi đã bị ném thẳng vào cơn bão người mà chính giữa là Napoléon, và chẳng có mối quan tâm nào ngoài bản thân mình, sẵn sàng liều mạng sống mỗi ngày, anh đã quen với chuyện chỉ tồn tại nhờ một sự coi trọng trong nội tâm và nhờ tình cảm đối với nghĩa vụ hoàn thành. Thông thường anh im lặng giống như mọi người đàn ông rụt rè; nhưng sự rụt rè của anh hoàn toàn không có xuất xứ từ một khiếm khuyết về lòng can đảm, mà đó là một dạng thẹn thùng, nó cấm chỉ anh tất tật sự trưng bày phù phiếm. Sự gan dạ của anh trên các trận đánh không hề là hão; ở đó anh nhìn thấy mọi thứ, có thể bình thản đưa một lời khuyên đầy khôn khoan cho các bạn đồng ngũ, và hăng hái tiến thẳng lên dưới làn đạn pháo nhưng cũng cúi người xuống nếu cần để tránh chúng. Anh tốt, nhưng sự kiệm lời khiến anh bị coi là cao ngạo và nghiêm khắc. Vốn dĩ sở hữu sự nghiêm ngặt nhiều tính cách toán học trong mọi điều, anh không chấp nhận bất kỳ sự thỏa hiệp đạo đức giả nào, cả với các nghĩa vụ của một địa vị, lẫn với những hệ quả của một sự kiện. Anh không sẵn sàng làm điều gì đáng xấu hổ, chẳng bao giờ đòi gì cho mình; nói tóm lại, đó là một trong những con người vĩ đại không được ai biết đến, đủ mức triết gia để khinh thường vinh quang, và sống mà không gắn vào với cuộc sống, bởi họ không thấy làm sao có thể phát triển ở đó sức mạnh hay các tình cảm của mình trong toàn bộ độ rộng. Anh bị e ngại, được đề cao, không mấy được yêu quý. Con người dễ dàng cho phép chúng ta vươn lên cao hơn họ, nhưng không bao giờ tha thứ cho chúng ta vì đã không hạ xuống thấp bằng họ. Vậy nên tình cảm mà họ dành cho những tính cách lớn không bao giờ không đi kèm một chút căm hận và sợ hãi. Đối với họ quá nhiều danh dự là một sự chỉ trích ngấm ngầm mà họ không tha thứ cả cho kẻ sống lẫn người chết. Sau khi từ biệt Fontainebleau, Montriveau, dẫu là quý tộc và có tước hiệu, bị giảm lương mất một nửa. Lòng trung thực cổ xưa nơi anh gây khiếp hãi cho bộ Chiến Tranh, nơi ai cũng biết sự gắn bó của anh với những lời thệ từng tuyên với đại bàng đế chế. Trong quãng Bách Nhật anh được phong làm đại tá Vệ Binh và nằm lại trên chiến địa Waterloo. Vì những vết thương buộc anh phải ở lại Bỉ, anh không thuộc đội quân vùng sông Loire; nhưng chính quyền hoàng gia không muốn công nhận các cấp bậc được phong hồi Bách Nhật, thế cho nên Armand de Montriveau rời khỏi Pháp. Bị lôi kéo bởi thiên tài giỏi công việc, bởi sự cao vời của suy nghĩ mà, cho tới khi ấy, những trắc trở của chiến tranh từng thỏa mãn, và nổi lòng say mê, do sự vươn cao theo bản năng nơi anh, với các dự đồ có tính hữu dụng lớn, tướng Montriveau lên tàu thủy với mục đích khám phá vùng Thượng Ai Cập cùng những vùng còn chưa được biết đến của châu Phi, nhất là các vùng ở Trung Phi, ngày nay chúng khơi gợi rất nhiều mối quan tâm từ phía các nhà bác học. Chuyến thám hiểm khoa học của anh dài và bất hạnh. Anh đã có những ghi chép quý giá dành để giải quyết nhiều vấn đề địa dư hoặc công nghiệp từng được tìm kiếm hăng say vô cùng, và anh đã tới được, chẳng phải trước đó không phải vượt qua rất nhiều trở ngại, trung tâm châu Phi, đúng lúc ấy vì bị phản bội, anh rơi vào tay một bộ lạc hoang dã. Anh bị lột hết mọi thứ, bị bắt làm nô lệ và bị dẫn đi trong vòng hai năm trời qua các sa mạc, lúc nào cũng bị đe dọa tính mạng và bị đối xử tàn tệ hơn so với một con vật mà lũ trẻ con vô lương tâm dùng để đùa nghịch. Sức mạnh cơ thể của anh và sự nhẫn nại tâm hồn nơi anh khiến anh chịu đựng được tất tật những kinh hoàng của kỳ bắt giữ; nhưng anh tiêu tốn gần như mọi năng lượng riêng trong cuộc đào thoát, nó diễn ra như một phép mầu. Anh đến được vùng thuộc địa Pháp tại Sénégal, dở sống dở chết, ăn vận rách rưới, chỉ còn trong đầu các kỷ niệm vô định hình. Những hy sinh to lớn của chuyến đi, việc nghiên cứu các thổ ngữ của châu Phi, những khám phá và quan sát của anh, tất tật đều đã mất. Chỉ một chuyện duy nhất cũng sẽ giúp hiểu những nỗi đau của anh. Trong vòng vài ngày lũ con của cheikh bộ lạc nơi anh phải làm nô lệ lấy đầu anh làm đích ngắm cho trò chơi của chúng, trò đứng từ xa ném các mẩu xương ngựa sao cho chúng rơi được lên trên đầu anh. Montriveau quay về Paris vào quãng giữa năm 1818, ở đó anh rơi vào cảnh lụn bại, không người bảo trợ, nhưng không hề oán trách. Hẳn anh đã chết hai mươi lần trước khi chịu đi xin bất kỳ cái gì, dẫu là sự công nhận những quyền hiển nhiên của anh. Sự đối nghịch, các nỗi đau đã phát triển nghị lực nơi anh cho tới những điều nhỏ nhất, và thói quen giữ vững phẩm giá con người đối diện với cái hữu thể tinh thần kia mà chúng ta hay gọi là ý thức, mang lại cho anh thế giá từ các hành động có vẻ ngoài ít đáng để ý nhất. Tuy nhiên mối quan hệ giữa anh và các nhà bác học chính yếu tại Paris cùng vài quân nhân có học vấn cao khiến phẩm cách và những cuộc phiêu lưu của anh được biết đến rộng rãi. Các chi tiết ly kỳ trong cuộc đào thoát của anh và kỳ bị bắt giữ của anh, những chi tiết ly kỳ trong chuyến đi của anh chứng nhận nhiều sự lạnh lùng, trí tuệ và lòng can đảm đến nỗi anh chiếm được, mà chẳng hay biết, sự lừng danh thoáng qua ấy, mà các khách thính Paris vốn dĩ chẳng bao giờ tiếc, nhưng đòi hỏi những nỗ lực khủng khiếp từ phía các nghệ sĩ nếu họ muốn kéo dài nó. Quãng cuối năm ấy, vị thế của anh đột nhiên thay đổi. Từ chỗ nghèo khổ, anh trở nên giàu, hay ít nhất nhìn từ bên ngoài anh sở hữu mọi ưu thế của sự giàu có. Chính quyền hoàng gia, vốn dĩ tìm cách thu hút những người có phẩm chất lớn ngõ hầu khiến quân đội trở nên mạnh hơn, khi đó có một số nhượng bộ đối với những sĩ quan cũ mà sự trung thành và tính cách nổi tiếng bày ra các đảm bảo về lòng trung. Ông de Montriveau được phục hồi, lấy lại cấp bậc, được nhận lương bổng lưu cữu từ trước và được nhận vào Vệ Binh hoàng gia. Những ưu ái đó liên tiếp đến với hầu tước de Montriveau mà anh chẳng hề có lời đề nghị nào. Các bạn của anh đã tránh cho anh khỏi phải tự thực hiện làm các thủ tục mà chắc hẳn anh sẽ từ chối không chịu làm[48]. Rồi, trái ngược với các thói quen của anh, chúng đột nhiên biến đổi, anh đi lại trong giới thượng lưu, tại đó anh được đón tiếp nồng nhiệt, và tại đó anh gặp ở khắp nơi các bằng chứng cho một sự coi trọng lớn. Dường như anh đã tìm ra một mở nút nào đó cho cuộc đời mình; nhưng ở nơi anh mọi điều đều diễn ra bên trong con người, chẳng gì nằm ngoài hết. Giữa chốn đông người anh giữ một khuôn mặt nghiêm trang và sâu lắng, im lìm và lạnh lùng. Anh thu được rất nhiều thành công, chính bởi anh khác biệt rất nhiều so với đám đông của các vẻ mặt hợp chuẩn đầy rẫy tại những phòng khách Paris, nơi quả thật anh là nhân vật hoàn toàn mới. Lời lẽ của anh sở hữu sự súc tích của ngôn ngữ vẫn hay thấy ở những người cô độc hoặc hoang dã. Sự rụt rè của anh được coi là lòng cao ngạo và gây rất nhiều thích thú. Anh là một điều gì đó lạ lùng và lớn lao, và phụ nữ thông thường lại càng hay đem lòng đắm đuối cái tính cách độc đáo này hơn, vì anh thoát được khỏi những phỉnh nịnh khéo léo của họ, khỏi cái xảo thuật ấy, nhờ nó họ nhốt những người đàn ông hùng mạnh nhất lại, và làm xói món những tinh thần cứng cỏi hơn cả. Ông de Montriveau chẳng hiểu gì trước tất tật các trò tườu paridiêng nho nhỏ ấy, và tâm hồn anh chỉ có thể hồi ứng những rung động lừng vang của các tình cảm đẹp. Chắc hẳn anh đã mau chóng bị bỏ xó ở đó, nếu không có thứ thơ ca vốn dĩ là kết quả từ những cuộc phiêu lưu của anh và từ cuộc đời anh, nếu không có những người đi khắp nơi ca tụng anh mà anh không hề hay biết, nếu không có thắng lợi của lòng tự ái đợi sẵn người phụ nữ mà anh sẽ quan tâm. Vậy nên lòng hiếu kỳ của nàng công tước de Langeais vừa mạnh mẽ lại vừa tự nhiên. Do một sự tình cờ, người đàn ông đó đã khiến nàng để ý từ hôm trước, vì hôm trước nàng đã nghe kể một trong những cảnh thuộc vào chuyến đi của ông de Montriveau gây ấn tượng mạnh nhất lên những trí tưởng tượng cơ động của phụ nữ. Trong một du khảo thượng nguồn sông Nil, ông de Montriveau đã có với một người dẫn đường cuộc tranh luận ngoạn mục nhất từng được biết tới trong biên niên sử các cuộc du hành. Anh có một sa mạc phải băng qua, và chỉ có thể đi bộ tới nơi anh muốn tìm hiểu. Chỉ độc một người dẫn đường đủ khả năng dẫn anh đến đó. Cho tới khi ấy chưa từng có lữ khách nào xâm nhập được vào vùng ấy, nơi chàng sĩ quan gan dạ cho rằng mình sẽ tìm được lời giải cho nhiều vấn đề khoa học. Mặc cho những miêu tả mà các ông già trong vùng cùng người dẫn đường nói với anh, anh vẫn quyết định thực hiện chuyến đi khủng khiếp đó. Được trang bị toàn bộ lòng can đảm đã được mài sắc bởi lời thông báo về những khó nhọc ghê rợn cần vượt qua, anh khởi hành từ sáng. Sau khi đi bộ suốt một ngày, tối đến anh nằm ngủ trên cát, cảm thấy một nỗi mệt mỏi chưa từng biết, xuất phát từ sự dịch chuyển của mặt đất, như thể ở mỗi bước đi nó đều chạy trốn dưới chân anh. Tuy nhiên anh biết rằng hôm sau anh sẽ phải, ngay từ lúc bình minh, lên đường tiếp; nhưng người dẫn đường của anh đã hứa là sẽ đưa anh, vào quãng giữa ngày, tới được cái đích của hành trình. Lời hứa này mang lại can đảm cho anh, giúp anh tìm lại sức lực và, mặc cho các đau đớn, anh đi tiếp, vừa đi vừa nguyền rủa khoa học chút ít; nhưng thấy xấu hổ vì cất tiếng phàn nàn trước mặt người dẫn đường, anh không nhắc tới những đau đớn mà mình đang phải chịu. Đi được một phần ba ngày thì, cảm thấy sức lực cạn kiệt và hai bàn chân bật máu khi bước đi, anh hỏi đã sắp đến nơi chưa. “Một tiếng nữa”, người dẫn đường đáp. Armand tìm được trong tâm hồn đủ sức lực cho một tiếng đồng hồ và đi tiếp. Một tiếng trôi qua mà anh chẳng hề nhìn thấy, ngay cả về phía chân trời, chân trời cát cũng rộng như chân trời ngoài biển khơi, những cây cọ và dãy núi với các đỉnh thông báo đích đến chuyến đi của anh. Anh dừng lại, đe dọa người dẫn đường, từ chối đi xa hơn, trách ông ta vì đã trở thành kẻ sát hại mình, vì đã lừa anh; rồi những giọt nước mắt của điên giận và mệt mỏi chảy tràn trên hai gò má nóng bỏng của anh; anh còng người xuống vì nỗi đau lại sinh ra trong khi bước đi, và cổ họng anh như thể bị dính chặt lại bởi cơn khát trên san mạc. Người dẫn đường, bất động, lắng nghe những lời phàn nàn của anh với một dáng vẻ châm biếm, mà vẫn dò xét, với sự thờ ơ bên ngoài ở những người Phương Đông, các trồi sụt khó lòng nhận biết của thứ cát gần như có màu đen nhạt giống thứ vàng nâu kia. “Tôi đã nhầm, ông ta lạnh lùng đáp. Tôi đã đi con đường này từ quá lâu rồi nên không còn tìm lại được các dấu vết nữa, đúng là chúng ta đã tới nơi rồi, nhưng còn phải đi thêm hai tiếng nữa.” “Ông ta nói đúng”, ông de Montriveau nghĩ. Rồi anh lại đi tiếp, khó nhọc theo bước chân người châu Phi dữ dằn, như thể được nối với ông ta bằng một sợi chỉ, giống người bị kết tội dính vào với đao phủ thủ của anh ta. Nhưng hai tiếng đồng hồ trôi qua, người Pháp đã tiêu đến những giọt năng lượng cuối cùng, mà chân trời thì vẫn trong vắt, chẳng hề nhìn thấy cọ hay núi. Anh chẳng còn có thể la hét hay rên rỉ nữa, anh nằm xuống cát để chết; nhưng ánh mắt anh hẳn có thể gây khiếp sợ cho con người can đảm nhất, như thể thông báo rằng anh không muốn chết một mình. Người dẫn đường của anh, giống một con quỷ đúng nghĩa, trả lời anh bằng một cái liếc mắt bình thản, thấm đẫm sức mạnh, và để mặc anh nằm đó, cẩn thận lo sao để ở cách anh một khoảng cho phép ông ta thoát được khỏi nỗi tuyệt vọng của nạn nhân. Rốt cuộc ông de Montriveau tìm ra vài sức mạnh cho một tràng nguyền rủa cuối cùng. Người dẫn đường tiến lại gần, chăm chăm nhìn anh, bảo anh im lặng và nói: “Chẳng phải là anh đã muốn, mặc cho chúng tôi, đi đến nơi mà tôi đang dẫn anh đến? Anh trách tôi lừa dối anh; nếu không làm như thế, anh đã không tới đây. Nếu anh muốn biết sự thật, thì nó như thế này. Chúng ta còn phải đi thêm năm tiếng nữa, và cũng không thể đi trở lùi. Hãy dò xét trái tim anh, nếu anh không có đủ can đảm, thì dao găm của tôi đây.” Kinh ngạc trước sự thấu hiểu đáng kinh hãi về đau đớn và sức mạnh con người ấy, ông de Montriveau không muốn ở bên dưới một kẻ man dã; và vét lấy trong lòng kiêu ngạo người châu Âu của mình một liều lượng can đảm mới, anh lại đứng dậy đi theo người dẫn đường. Năm tiếng đồng hồ đã cạn. Ông de Montriveau vẫn chưa nhìn thấy gì, anh quay sang nhìn người dẫn đường bằng con mắt của người sắp chết; nhưng khi người Nubien vác anh ngồi lên vai, nâng cao anh lên vài bộ, và khiến anh nhìn thấy ở cách đó chừng một trăm bước cái hồ có cây xanh bao quanh cùng một khu rừng đáng ngưỡng mộ, mà những tia lửa cuối cùng của mặt trời đang lặn chiếu sáng rực rỡ. Họ đã đến cái nơi rất gần một dạng khối đá granit khổng lồ, bên dưới đó là cái phong cảnh trác tuyệt kia, như thể bị chôn vùi. Armand nghĩ là mình được tái sinh, và người dẫn đường, cái con người khổng lồ của trí năng và lòng can đảm ấy, hoàn thành tác phẩm của lòng tận tâm bằng cách vác anh đi qua những lối đi nóng bỏng và nhẵn lì gần như không để lại dấu vết trên đá granit. Anh nhìn thấy một bên là địa ngục của cát, còn bên kia, thiên đường nơi hạ giới, ốc đảo đẹp nhất nơi các sa mạc đó.

Nữ công tước, vốn dĩ đã bị choáng váng trước dáng vẻ của cái nhân vật đầy thi vị kia, lại càng choáng váng hơn lúc biết rằng nàng nhìn thấy ở anh hầu tước de Montriveau, người mà nàng từng mơ thấy vào ban đêm. Từng ở nơi cát bỏng của sa mạc với anh, từng có anh là người đồng hành trong ác mộng, ở một phụ nữ có bản tính như vậy chẳng phải đó là một điềm tuyệt diệu cho sự vui thú, đấy ư? Chưa từng bao giờ có người đàn ông nào mang vẻ ngoài đúng như tính cách giống Armand, và chưa bao giờ có ai gây rối loạn cho ánh mắt đến như vậy. Đầu anh, to và vuông[49], có đặc điểm nổi bật hơn cả là một mái tóc đen lớn và rất dày, nó phủ lên mặt anh theo đúng cách thức khiến gợi nhớ theo đường lối hoàn hảo tới tướng Kléber[50] mà anh rất giống nhờ vẻ mạnh mẽ của vầng trán, bởi cái hình của khuôn mặt, bởi sự táo bạo bình thản trong mắt, và bởi dạng hăng hái mà các nét gồ lên ở anh diễn đạt. Anh nhỏ bé, thân người lực lưỡng, nhiều cơ bắp như sư tử. Những lúc anh bước đi, dáng dấp anh, phong thái anh, từng cử chỉ dẫu nhỏ nhất đều để lộ cả một sự an toàn sức mạnh gây chế ngự nào không rõ, lẫn một cái gì thật bạo chúa. Dường như anh biết chẳng gì có thể đối đầu với ý chí của anh, có lẽ bởi vì anh không muốn gì khác ngoài cái đúng. Tuy nhiên, cũng giống những con người thực sự mạnh, anh dịu dàng trong nói năng, giản dị trong cung cách, và tốt một cách tự nhiên. Chỉ có điều tất tật các phẩm tính đẹp đẽ kia như thể phải biến mất vào những hoàn cảnh nghiêm trọng nơi người đàn ông trở nên nhẫn tâm trong các tình cảm, cả quyết hết mức trong những quyết định, khủng khiếp trong những hành động. Một người giàu óc quan sát hẳn thấy nơi khóe miệng anh một cái nhếch mép thường trực thông báo các khuynh hướng thiên về phía mỉa mai.

Nàng công tước de Langeais, vốn dĩ biết rõ sự chinh phục người đàn ông này sẽ tốn một cái giá như thế nào, quyết định, trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà nữ công tước de Maufrigneuse đi tới chỗ anh để giới thiệu anh cho nàng, sẽ biến anh thành một trong những người tình của nàng, tạo ưu tiên cho anh trước tất cả những kẻ khác, buộc anh vào với con người nàng, và trưng bày với anh tất tật những đỏng đảnh nơi nàng. Đó là một phăng te zi, thói thất thường thuần túy kiểu nữ công tước mà Lope de Vega hay Calderón từng sử dụng để viết Le Chien du jardinier[51]. Nàng ta muốn người đàn ông đó không thuộc về phụ nữ nào hết, đồng thời không hình dung mình thuộc về anh. Nàng công tước de Langeais đã nhận từ tự nhiên những phẩm tính cần thiết để đóng các vai phụ nữ đỏng đảnh, và sự giáo dục của nàng lại càng khiến chúng trở nên hoàn hảo hơn. Phụ nữ thật đúng khi ghen tị với nàng, và đàn ông, khi yêu nàng. Ở nàng chẳng thiếu điều nào trong số những gì gây nên tình yêu, những gì biện minh cho nó và những gì kéo dài nó lâu bền. Kiểu sắc đẹp của nàng, các cung cách nơi nàng, cách nói năng của nàng, phong thái của nàng hòa nhập với nhau để phú cho nàng một sự đỏng đảnh tự nhiên, nó, ở một phụ nữ, như thể là ý thức về quyền năng của nàng ta. Nàng có vóc dáng cân đối, và có lẽ tách bạch các chuyển động theo lối hơi quá vui tươi[52], sự giả đò duy nhất mà người ta có thể trách cứ nơi nàng. Mọi thứ ở nàng đều ăn nhịp với nhau, tính từ động tác nhỏ nhặt nhất cho tới cách thức đặc biệt của những câu nàng nói, cho đến cả cái lối đạo đức giả trong cách nàng đưa mắt nhìn. Tính cách nổi trội trong vẻ ngoài của nàng là một sự cao quý thanh lịch, mà sự cơ động rất Pháp nơi con người nàng không tàn phá đi mất. Cái tư thế cứ không ngừng biến đổi ấy có một nét hấp dẫn to lớn đối với đàn ông. Nàng có vẻ hẳn sẽ trở thành người tình tuyệt vời nhất nếu tháo áo ngực và bỏ đi các thứ đồ lặt vặt trang trí trên người. Quả thật, tất tật những niềm vui của tình yêu tồn tại ở dạng mầm mống trong tự do nơi các ánh mắt đầy biểu cảm của nàng, trong những mơn man giọng nói của nàng, trong vẻ duyên dáng các lời lẽ của nàng. Nàng cho thấy rằng ở nàng có một kỹ nữ cao sang, mà những tôn giáo của nàng nữ công tước vô vọng không sao chối bỏ nổi. Ai ngồi gần nàng trong vòng một buổi tối sẽ thấy nàng lần lượt vui tươi, rồi sầu muộn, mà nàng chẳng hề có vẻ đang đóng kịch cả nỗi sầu lẫn vẻ vui. Nàng biết tùy ý mà thân ái, khinh bỉ, hoặc hỗn xược, hoặc đầy tin cậy. Nàng có vẻ tốt bụng và đúng là nàng tốt. Ở hoàn cảnh của nàng, chẳng gì buộc nàng phải đi xuống tới mức của sự độc ác. Đôi khi, nàng lần lượt tỏ ra không chút nghi ngại và mưu mẹo, dịu dàng đến gây cảm động, rồi cứng rắn và cộc lốc đến làm tan nát trái tim. Nhưng để có thể họa hình nàng thật rõ nét, chẳng phải sẽ cần tích tụ tất tật những phản đề thuộc về phụ nữ đấy ư; nói ngắn gọn, nàng là cái mà nàng muốn là hoặc muốn tỏ ra. Khuôn mặt hơi quá dài của nàng có nét duyên dáng, một cái gì đó tinh quái, nhỏ bé gợi nhớ các khuôn mặt của Trung Cổ. Nước da nàng nhạt màu, hơi có sắc hồng. Có thể nói rằng mọi thứ ở nàng đều mắc phải một sự thanh nhã quá mức.

Ông de Montriveau vui sướng khi được giới thiệu với nàng công tước de Langeais, người, theo thói quen vẫn hay thấy ở những ai có gu thẩm mỹ tuyệt hảo khiến tránh được các điều tầm thường, tiếp đón anh mà không đổ ụp xuống anh cả những câu hỏi lẫn các lời khen ngợi, nhưng với một dáng duyên dáng đầy kính trọng chắc hẳn phỉnh nịnh được một người đàn ông vượt trội, bởi vì sự vượt trội đặt giả định ở một người đàn ông một chút cái sự tinh tế ấy, nó làm anh ta đoán định được nơi các phụ nữ mọi thứ gì là tình cảm. Nếu nàng biểu lộ chút hiếu kỳ nào, thì đó là qua những ánh mắt; nếu nàng ngợi khen, thì đó là qua các cung cách; và nàng trưng bày sự ve vuốt ấy của lời lẽ, cái lòng muốn đầy tính chất tinh quái gây vừa lòng cho người khác ấy, mà nàng biết tỏ ra giỏi hơn bất kỳ ai khác. Nhưng tất tật những câu nói của nàng theo cách nào đó chỉ là phần chính của bức thư, chắc hẳn phải còn một tái bút nơi ý nghĩ chính yếu sẽ được nói ra. Khi, sau nửa tiếng chuyện gẫu bâng quơ, trong đó chỉ âm sắc giọng nói, các nụ cười mang lại giá trị cho các từ, ông de Montriveau tỏ vẻ muốn kín đáo rút lui, nàng công tước bèn giữ anh lại bằng một cử chỉ đầy biểu cảm.

“Thưa ông, nàng nói với anh, tôi không biết chút ít thời gian mà tôi được vinh dự trò chuyện với ông đã khiến ông thấy có mảy may hấp dẫn nào để mà tôi được phép mời ông đến nhà tôi chơi chưa; tôi e rằng sẽ là quá mức ích kỷ nếu muốn được sở hữu ông tại đó. Nếu tôi đủ hân hạnh để mà ông thấy thích, ông sẽ luôn luôn tìm thấy tôi ở đó vào buổi tối cho tới mười giờ.”

Những câu ấy được nói bằng một tông giọng điệu đà đến nỗi ông de Montriveau không sao tự ngăn cấm mình nhận lời mời. Lúc anh hòa mình trở lại vào các nhóm đàn ông tụ tập ở cách đám phụ nữ một quãng, nhiều người bạn của anh chúc mừng anh, nửa phần nghiêm túc, nửa phần đùa cợt, về sự đón tiếp ngoạn mục mà nữ công tước de Langeais vừa dành cho anh. Cuộc chinh phục khó khăn, cuộc chinh phục xuất chúng đó hẳn nhiên đã xong xuôi, và thế là vinh quang đã thuộc về đội pháo của Vệ Binh. Thật quá dễ hình dung những câu nói đùa, cả hay ho lẫn dở tệ, mà chủ đề này, một khi đã được chấp nhận, gợi ra tại một khách thính paridiêng nơi người ta rất thích được vui thú, và cũng là nơi những cợt nhả ít khi kéo dài đến mức ai cũng mau mắn trong việc rút tỉa từ đó toàn bộ hương hoa.

Dẫu chẳng hay biết, những lời ba láp ấy khiến tướng quân vui sướng. Từ nơi anh đang đứng, các ánh mắt của anh bị thu hút bởi cả nghìn suy tư bất xác định về phía nàng công tước; và anh không thể tự ngăn mình tự thú nhận rằng, trong số mọi phụ nữ mà mắt anh từng bị quyến rũ, chưa từng có ai tặng cho anh một biểu hiện tuyệt diệu hơn của các đức hạnh, của những khiếm khuyết, của những hòa âm mà trí tưởng tượng tươi trẻ nhất có thể muốn, tại Pháp, ở một nữ tình nhân. Người đàn ông nào, dẫu được số phận đặt ở vị trí nào đi nữa, mà chưa từng cảm thấy trong tâm hồn một nỗi hân hoan không thể định nghĩa khi gặp được, nơi một phụ nữ mà anh ta chọn, dẫu chỉ theo đường lối mơ màng, cho riêng mình, sự hoàn hảo nhân ba về tinh thần, thể chất và xã hội, những thứ cho phép anh ta luôn luôn thấy ở nàng tất tật những mong muốn được tựu thành? Nếu đó không phải một nguyên do cho tình yêu, thì sự hội tụ gây vui sướng ấy chắc chắn cũng thuộc vào hàng các động cơ lớn nhất của tình cảm. Nếu không có sự phù phiếm, một luân lý gia sâu sắc của thế kỷ trước từng nói, tình yêu chỉ là một kẻ đang hồi phục sau cơn bệnh[53]. Chắc chắn là, đối với người đàn ông cũng như đối với người phụ nữ, có cả một kho báu các khoái thú nằm trong sự vượt trội của người được yêu. Chẳng phải đó là rất nhiều, nếu không muốn nói tất cả, nếu biết rằng lòng tự ái của chúng ta sẽ không bao giờ phải đau khổ ở nơi người ấy; rằng người ấy đủ mức cao quý để chẳng bao giờ ta phải đón nhận những tổn thương do một ánh mắt khinh miệt gây ra, đủ giàu có để được vây quanh bởi một sự rực rỡ ngang mức với sự rực rỡ bao lấy ngay cả các ông vua phù du của ngạch tài chính, đủ trí tuệ để không bao giờ thấy bị nhục bởi một câu nói đùa tinh quái, và đủ đẹp để có thể trở thành đối thủ của toàn bộ giống loài mà người ấy thuộc về? Những suy tư đó, một người đàn ông thực hiện trong vòng một cái nháy mắt. Nhưng nếu người phụ nữ truyền cảm hứng cho anh ta để có chúng cùng lúc cũng lại bày ra, trong tương lai niềm đam mê sớm sủa của anh, các khoái lạc nhiều thay đổi của duyên dáng, sự chất phác của một tâm hồn trinh nguyên, cả nghìn nếp xếp của trang phục phụ nữ điệu đà, các hiểm nguy của tình yêu, thì chẳng phải sẽ khuấy động được cả trái tim người đàn ông lạnh lùng nhất, đó ư? Ấy là hoàn cảnh nơi ông de Montriveau đang ở vào lúc này, trong tương quan với phụ nữ, và quá khứ cuộc đời anh theo cách nào đó đảm bảo cho sự kỳ quặc của sự kiện. Từ rất trẻ đã bị ném vào cuồng phong các cuộc chiến tranh của Pháp, từng luôn luôn sống trên các chiến trận, anh chỉ biết về phụ nữ những gì mà một lữ khách vội vàng, đi từ quán trọ này tới quán trọ khác, có thể biết được, về một đất nước. Có lẽ chắc hẳn anh có thể nói về cuộc đời anh giống điều Voltaire từng nói khi đến tuổi tám mươi trong cuộc đời ông, và chẳng phải anh có ba mươi bảy sự xuẩn ngốc để tự trách móc, đấy ư[54]? Ở tuổi của anh, trong tình yêu anh cũng mới như một chàng trai trẻ vừa giấu giếm đọc Faublas[55]. Về phụ nữ, anh biết mọi điều; nhưng về tình yêu, thì anh chẳng biết gì hết; và sự trinh trắng trong tình cảm nơi anh tạo ra cho anh những ham muốn hoàn toàn mới mẻ. Một số đàn ông, vốn dĩ bị cuốn đi bởi các công việc mà họ bị kết án phải làm bởi tay sự khốn cùng hoặc tham vọng, nghệ thuật hay khoa học, giống ông de Montriveau từng bị cuốn đi bởi dòng chảy của chiến tranh và các sự kiện trong cuộc đời anh, biết đến cái hoàn cảnh lạ thường này, và hiếm khi nào thú nhận nó. Ở Paris, tất cả đàn ông chắc đều từng yêu. Chẳng phụ nữ nào ở đó muốn cái mà không ai từng muốn. Từ nỗi sợ bị coi là một kẻ ngu, xuất hiện những lời nói dối thuộc vào sự phô trương nói chung ở Pháp, nơi bị coi là một kẻ ngu đồng nghĩa với không thuộc về đất nước[56]. Vào lúc này, ông de Montriveau vừa bị chiếm lĩnh bởi một ham muốn dữ dội, một ham muốn lớn vọt lên trong cái nóng các sa mạc, lại vừa bởi một chuyển động của trái tim mà anh còn chưa biết đến vòng ôm siết bỏng cháy. Cũng mạnh mẽ ngang mức với dữ dội, con người này biết cách chế ngự các cảm xúc của mình; nhưng, vừa nói dăm câu ba điều, anh vừa tự rút lui vào bên trong bản thân, và tự thề là sẽ phải có người phụ nữ ấy, cái ý nghĩ duy nhất nhờ đó anh có thể bước chân vào tình yêu. Ham muốn của anh trở thành một lời thệ được tuyên theo đúng cách thức của những người Ả rập anh từng sống cùng, và với họ một lời thệ là một bản giao ước ký kết giữa họ và toàn bộ số phần họ, mà họ đặt phụ thuộc vào sự thành công của công trình được thiêng hóa nhờ lời thệ, và trong đó thậm chí họ chỉ còn tính đến mạng sống của mình với tư cách thêm một phương tiện để nhắm tới thắng lợi. Một chàng thanh niên hẳn sẽ tự nhủ: “Mình rất muốn có nàng công tước de Langeais làm người tình!” một người khác: “Kẻ nào được yêu bởi nàng công tước de Langeais sẽ là một tên khốn hạnh phúc!” Nhưng tướng quân thì tự nhủ: “Mình sẽ có bà de Langeais làm tình nhân.” Khi một người đàn ông trinh trắng về trái tim, và với anh ta tình yêu trở thành một tôn giáo, hình thành một ý nghĩ tương tự, anh ta không hề biết mình vừa đặt chân vào thứ địa ngục nào.

Ông de Montriveau đột nhiên rời khỏi phòng khách, và quay về nhà, bị thiêu đốt bởi những đợt đầu tiên của cơn sốt tình đầu tiên. Nếu, vào quãng giữa cuộc đời[57], một người đàn ông vẫn còn giữ được các tín ngưỡng, ảo tượng, những sự thẳng thắn, sức mãnh liệt của tuổi thơ, có thể nói rằng hành động đầu tiên của anh ta sẽ là đưa tay ra để tóm lấy cái mà anh ta muốn; rồi, khi đã thăm dò các khoảng cách gần như không thể vượt qua ngăn cách ở giữa, anh ta bị xâm chiếm, giống lũ trẻ con, bởi một dạng sửng sốt hoặc sốt ruột truyền giá trị cho đối tượng được mong muốn, anh ta run lên hoặc bật khóc. Vậy nên ngày hôm sau, tiếp nối những suy nghĩ giông bão nhất từng làm xáo động tâm hồn anh, Armand de Montriveau ở dưới ách thống trị của ngũ quan, mà sức ép của một tình yêu đúng nghĩa tập trung cả lại. Người phụ nữ mới hôm trước còn bị đối xử theo đường lối hời hợt đến thế hôm sau đã trở thành quyền năng thánh thần nhất, đáng ngại nhất. Ngay khi ấy nàng trở nên với anh thế giới và cuộc đời. Chỉ riêng kỷ niệm về các cảm xúc nhỏ nhất mà nàng khiến anh cảm thấy đã làm nhợt nhạt những niềm vui lớn nhất của anh, những đau đớn mãnh liệt nhất trước kia anh từng cảm thấy. Những cuộc cách mạng mau chóng hơn cả chỉ khuấy động các lợi ích của người đàn ông, trong khi một dục vọng làm lật nhào các tình cảm của anh ta. Thế nhưng, đối với những ai sống bằng tình cảm nhiều hơn so với lợi ích, với những ai có nhiều tâm hồn và máu hơn tinh thần và bạch huyết, một tình yêu có thực sản sinh một thay đổi hoàn toàn cho cuộc tồn tại. Thế là chỉ một nhát, chỉ bằng một suy nghĩ, Armand de Montriveau xóa bỏ đi toàn bộ cuộc đời đã qua của anh. Sau khi đã hai mươi lần tự hỏi, giống như một đứa trẻ: “Mình có đi không? Hay mình sẽ không đi?” anh mặc quần áo, tới dinh thự nhà de Langeais vào quãng tám giờ tối, và được đón tiếp ở chỗ người phụ nữ, không phải người phụ nữ, mà là thần tượng mà anh đã gặp hôm trước, dưới ánh sáng rực rỡ, giống như một thiếu nữ tươi mới và thuần khiết vận trên người toàn những thứ đồ mỏng tang, đăng ten và che mạng. Anh oai vệ tới để tỏ tình yêu với nàng, cứ như đó là phát đại bác đầu tiên nơi một trận đánh. Thằng bé học trò mới khốn khổ làm sao! Anh thấy nàng sylphide[58] sương khói của anh bọc mình trong một cái pe nhoa ca-sơ-mia màu nâu cài khuy rất khéo, trễ nải nằm trên đi văng của một phòng boudoir tối. Bà de Langeais thậm chí còn không ngồi dậy, nàng chỉ thò đầu ra ngoài, với mái tóc xõa xượi, dẫu được trùm một tấm voan. Rồi bằng một bàn tay, trong sự tranh tối tranh sáng tạo ra bởi luồng sáng run rẩy của độc một ngọn nến duy nhất đặt cách xa nàng, trong mắt de Montriveau trắng như một bàn tay đá hoa cương, nàng ra hiệu bảo anh ngồi xuống, và nói với anh, giọng cũng êm như luồng sáng: “Nếu không phải là ông, thưa ông hầu tước, nếu đó là một người bạn mà tôi có thể hành xử chẳng ngại ngần, hoặc giả một ai đó ất ơ khiến tôi có chút quan tâm, thì chắc hẳn tôi đã không tiếp rồi. Ông cũng thấy là tôi đang ốm yếu khủng khiếp.”

Armand tự nhủ trong lòng: “Mình sẽ đi vậy.”

“Nhưng, nàng lại nói, tung vào anh một ánh mắt mà chàng quân nhân ngây thơ tưởng đâu ánh lửa phát xuất từ cơn sốt, tôi cũng không biết có phải chính là nhờ dự cảm về việc ông đến, mà chẳng ai khác có thể nhạy cảm hơn tôi về sự mau chóng, đã từ một lúc tôi cảm thấy đầu tôi đỡ quay cuồng rồi.

- Như vậy tôi có thể ở lại, Montriveau nói.

- A! chắc tôi sẽ rất bực bội nếu thấy ông đi mất. Sáng nay tôi đã tự nhủ chắc mình đã chẳng gây được lên ông chút ấn tượng nào; rằng chắc hẳn ông đã coi lời mời của tôi chỉ là một trong những câu nói tầm thường phát ra một cách ngẫu nhĩ từ đám phụ nữ Paridiêng, và tôi đã tha thứ từ trước cho sự bội bạc của ông. Một người đàn ông từ vùng sa mạc trở về không nhất thiết phải biết khu faubourg của chúng tôi kính cổng cao tường đến thế nào trong những tình bạn của nó.”

Những lời khả ái đó, như thể được thì thầm, lần lượt rơi xuống, và như thể chứa đầy thứ tình cảm vui tươi dường như truyền chúng tới. Nàng công tước muốn có tất tật ân hưởng của chứng đau nửa đầu, và mưu sâu đã thành công tuyệt đối. Chàng quân nhân khốn khổ thực sự thấy đau đớn vì cơn đau giả vờ của người phụ nữ ấy. Cũng giống Crillon nghe kể câu chuyện về khổ hình của Jesus Christ, anh sẵn sàng rút gươm đấu với những ngây ngất đầu óc[59]. Hỡi ôi! lúc đó làm sao còn có thể nói với nữ nhân đang bệnh tật kia về tình yêu mà nàng gây ra? Armand đã kịp hiểu rằng thật lố bịch nếu lôi tuột tình yêu của anh ra trước mặt một phụ nữ vượt trội đến thế kia. Anh nghe thấy thông qua một ý nghĩ duy nhất tất tật những tinh tế của tình cảm và các đòi hỏi của tâm hồn. Yêu, chẳng phải đó chính là biết đòi hỏi, xin xỏ, chờ đợi thật giỏi, đấy ư? Cái tình yêu được cảm thấy ấy, chẳng phải cần chứng tỏ ư? Anh thấy lưỡi mình cứng đơ, đông cứng bởi các phép tắc của khu faubourg quý tộc, bởi sự uy nghi của chứng bệnh đau nửa đầu, và bởi những rụt rè của tình yêu đích thực. Nhưng chẳng quyền năng trên đời nào có thể che đi những tia nhìn vọt ra từ mắt anh trong đó chói lọi sự nồng nhiệt, sự vô tận của sa mạc, cặp mắt bình thản giống như mắt lũ báo, và phía trên đó hai mí chỉ hiếm khi hạ xuống. Nàng rất yêu cái ánh mắt đăm đăm kia, nó tắm đẫm nàng trong ánh sáng và tình yêu.

“Thưa bà công tước, anh đáp, tôi e ngại không diễn tả đúng được cho bà hay sự biết ơn mà lòng tốt của bà gây cho tôi. Vào lúc này tôi chỉ mong muốn một điều duy nhất, quyền năng xóa bỏ đi những đau đớn của bà.

- Cho phép tôi bỏ cái này đi, giờ thì tôi thấy nóng quá, nàng nói, và bằng một động tác duyên dáng nhất mực hẩy đi cái gối dựa đang phủ lên chân nàng, mà nàng phô ra trong toàn bộ sự sáng sủa.

- Thưa bà, bên châu Á, hai bàn chân bà chắc phải đáng giá gần mười nghìn đồng tiền vàng đấy.

- Một lời khen của người du hành”, nàng mỉm cười nói.

Người phụ nữ đầy trí tuệ ấy thích thú trong việc ném anh chàng Montriveau thô ráp vào trong một cuộc trò chuyện chất chứa những điều ngu xuẩn, những sáo mòn và những đần độn, trong đó anh thực hiện các ma nớp, nói theo ngôn ngữ nhà binh, giống như chắc hẳn prince Charles đã làm khi đương đầu với Napoléon[60]. Nàng ma mãnh vui thú trong việc nhận biết độ rộng của niềm đam mê mới chớm kia, căn cứ trên số lượng những điều xuẩn ngốc giật ra được từ miệng con người mới đặt chân vào nghề, mà nàng dẫn dắt bằng những bước thật nhỏ đi vào một mê cung rối mù nơi nàng muốn vứt anh lại, ngượng ngùng với chính bản thân. Thế nên nàng bắt đầu bằng việc chế nhạo người đàn ông này, tuy nhiên nàng thích thú khiến anh lãng quên thời gian. Độ dài của một chuyến viếng thăm thứ nhất thường là một sự phỉnh nịnh, nhưng Armand không phải đồng lõa với điều đó. Nhà du hành lừng danh đã ở trong căn phòng boudoir ấy từ một tiếng đồng hồ, nói đủ thứ chuyện nhưng vẫn chưa nói gì, cảm thấy mình chỉ là một thứ công cụ mà người phụ nữ kia đang đùa nghịch, thì nàng loay hoay, ngồi lên, quàng lên cổ tấm voan để sẵn trên đầu, chống khuỷu tay, cực lực vinh danh cho anh bằng một sự khỏi bệnh hoàn toàn, và nhấn chuông gọi người vào thắp các ngọn nến trong phòng boudoir. Sau sự bất động tuyệt đối của nàng trước đó là tiếp đến những chuyển động duyên dáng nhất. Nàng quay sang ông de Montriveau, và nói với anh, để đáp lại một lời tâm sự mà nàng vừa giật được từ anh, dường như nó khiến nàng hết sức quan tâm: “Ông muốn chế giễu tôi bằng cách khiến tôi nghĩ rằng ông chưa bao giờ yêu. Đó là sự tự phụ to lớn của những người đàn ông ở bên cạnh chúng tôi. Chúng tôi tin lời họ. Thuần túy vì lịch sự! Chúng tôi không biết trong điều đó tự biết phải bám vào đâu ư? Ở đâu mà lại có người đàn ông suốt cuộc đời chưa hề bắt gặp một cơ hội nào để yêu? Nhưng các ông thích lừa chúng tôi, và chúng tôi để mặc cho các ông làm vậy, phụ nữ ngốc nghếch khốn khổ chúng tôi, bởi vì những lừa dối của các ông vẫn cứ là các vinh danh đối với sự vượt trội của tình cảm nơi chúng tôi, tất tật chúng đều thuần khiết.”

Câu vừa xong được thốt ra với một âm sắc chất chứa sự cao ngạo và kiêu hãnh, nó biến chàng tình nhân học việc kia trở thành một viên bi bị vứt xuống đáy vực sâu, và nàng công tước thì thành một thiên thần bay về phía bầu trời riêng của nàng.

“Chết nỗi! Armand de Montriveau thầm kêu khổ trong lòng, làm thế nào để nói với cái tạo vật hoang dã kia là mình yêu nàng đây?”

Anh đã nói điều đó cả hai mươi lần rồi, hay nói đúng hơn, nàng công tước đã hai mươi lần đọc được nó trong những ánh mắt anh, trong niềm đam mê của người đàn ông thực sự vĩ đại này, một sự vui thú đối với nàng, một mối quan tâm để đặt vào cuộc đời vốn dĩ chẳng có mối quan tâm nào của nàng. Tức là nàng đã chuẩn bị sẵn, hết sức khéo léo, việc dựng lên quanh mình một số lượng cứ điểm nhất định để buộc anh phải công phá trước khi cho phép anh bước vào trái tim nàng. Trở thành món đồ chơi cho những trò thất thường của nàng, Montriveau sẽ phải ở yên một chỗ, nhưng vừa làm vậy vừa nhảy từ những khó khăn này sang những khó khăn khác như một con côn trùng bị hành hạ bởi một đứa trẻ nhảy từ ngón tay này sang ngón tay khác, tưởng đâu là đang tiến lên, trong khi tên đao phủ tinh quái của nó vẫn giữ nó ở đó. Tuy vậy, nàng công tước nhận ra với một niềm hạnh phúc không thể diễn tả rằng người đàn ông đầy tính cách này không nói dối. Quả thật, Armand chưa bao giờ yêu. Anh sắp rút lui, không vừa lòng với bản thân, càng không vừa lòng với nàng hơn; nhưng nàng vui sướng nhìn thấy một vẻ hờn dỗi mà nàng biết có thể xóa tan đi bằng một lời, một ánh mắt, một cử chỉ.

“Tối mai ông sẽ đến chứ? nàng hỏi. Tôi sẽ đi vũ hội, tôi sẽ đợi ông cho tới mười giờ.”

Hôm sau Montriveau dành phần lớn thời gian trong ngày ngồi trước cửa sổ cabinet của anh, hút hết điếu xì gà này tới điếu xì gà khác. Bằng cách ấy anh đợi được đến giờ mặc quần áo và đi tới dinh thự của de Langeais. Chắc ai đó thuộc số những người biết rõ giá trị tuyệt diệu của người đàn ông này sẽ hết sức thương hại khi chứng kiến anh nhỏ bé đến thế, run rẩy đến thế, khi biết cái suy nghĩ kia, mà các tia sáng có thể trùm lên nhiều thế giới, thu nhỏ lại theo các tỉ lệ căn phòng boudoir của một petite-maîtresse. Nhưng bản thân anh cũng cảm thấy mình đã sa đọa trong hạnh phúc của anh, đến nỗi, nhằm tự cứu mình, chắc hẳn anh sẽ không kể câu chuyện tình của mình cho bất kỳ ai trong số các bạn thân. Trong nỗi thẹn thùng bủa vây một người đàn ông khi anh ta yêu, chẳng phải lúc nào cũng có chút xấu hổ, và chẳng phải sự nhỏ nhoi của anh ta tạo nên lòng kiêu ngạo cho người phụ nữ? Nói tóm lại chẳng phải cả một đống động lực cùng dạng, nhưng là những gì mà phụ nữ không tìm cách giải thích, làm cho gần như tất cả họ trở thành những người đầu tiên phản bội điều bí ẩn tình yêu của họ, thứ bí ẩn có lẽ khiến họ thấy mệt mỏi?

“Thưa ông, người hầu phòng nói, bà công tước không thể gặp, bà đang mặc quần áo, và nhắn ông đợi bà ở đây.”

Armand đi lại trong phòng khách, săm soi sở thích trải rộng nơi từng chi tiết nhỏ nhất. Anh thành kính chiêm ngưỡng bà de Langeais, trong lúc chiêm ngưỡng những thứ từ nàng và để lộ các thói quen nơi nàng, trước khi anh có thể nắm bắt được con người cũng như các suy nghĩ. Sau chừng một tiếng, nàng công tước từ phòng ngủ bước ra, không một tiếng động. Montriveau quay lại, nhìn nàng bước đi nhẹ bẫng như một cái bóng, và run lên. Nàng bước tới anh, không nói với anh theo kiểu tư sản: “Anh thấy tôi thế nào?” Nàng chắc chắn vào nàng, và cái nhìn đăm đăm của nàng muốn nói: “Tôi đã ăn vận điểm trang như thế này để anh thích đấy.” Một bà tiên già, mẹ đỡ đầu của một nàng công chúa ít được biết đến nào đó, thì mới có thể làm xoay quanh cổ người phụ nữ điệu đà này đám mây của một làn mạng mỏng mà các nếp xếp mang các tông màu chói lại càng đậm thêm lên bởi vẻ rực rỡ của một làn da mịn xa tanh. Nàng công tước đẹp choáng người. Màu xanh nhạt cái váy của nàng, mà những trang trí lặp lại nơi các bông hoa cài trên mái tóc, như thể mang tới, bởi sự phong phú về màu, một cơ thể với những khuôn hình mảnh dẻ trở nên như thể lơ lửng không trung; vì, trong lúc lướt thật nhanh về phía Armand, nàng làm tung bay hai đầu cái khăn, nó rủ xuống hai bên mình nàng, và chàng quân nhân gan dạ không thể tự ngăn mình so sánh nàng với những con côn trùng xinh đẹp màu xanh bay vơ vẩn trên mặt nước, giữa đám hoa, như thể hòa lẫn vào đó.

“Tôi đã bắt ông phải đợi, nàng nói bằng cái giọng mà phu nữ biết sử dụng với người đàn ông mà họ muốn làm vui lòng.

- Tôi sẽ sẵn sàng kiên nhẫn đợi cả một vĩnh cửu, nếu biết sẽ được thấy Nữ Thần đẹp như bà lúc này; nhưng khen bà đẹp thì đâu phải một lời ngợi ca, bà chẳng thể nào còn nhạy cảm chút nào với sự ngưỡng mộ nữa. Vậy nên hãy để tôi chỉ hôn lên khăn của bà thôi.

- A, phì! nàng nói, phác một cử chỉ đầy kiêu ngạo, tôi coi trọng ông đủ mức để chìa tay cho ông.”

Và nàng chìa bàn tay còn ẩm ướt cho anh hôn. Một bàn tay phụ nữ, vào thời điểm vừa ra khỏi cuộc tắm thơm lừng, lưu giữ một sự tươi mát mềm mại khó nói rõ, một sự ẻo lả mịn nhung mà ấn tượng gây nhiều kích thích đi từ cặp môi tới tâm hồn. Vậy nên, ở một người đàn ông đang yêu đắm đuối trong ngũ quan có ngang mức lạc thú so với tình yêu nơi trái tim, nụ hôn này, thánh thiện ở vẻ bên ngoài, có thể khuấy lên những giông tố đáng ngại.

“Bà sẽ chìa nó cho tôi luôn luôn vậy chứ? tướng quân khiêm nhường hỏi, kính cẩn hôn lên bàn tay nguy hiểm kia.

- Vâng; nhưng chúng ta sẽ ngừng ở đây”, nàng mỉm cười nói.

Nàng ngồi xuống và tỏ ra hết sức vụng về trong lúc đi đôi găng tay, tìm cách luồn lớp da thoạt tiên quá chật vào các ngón, vừa làm thế vừa nhìn ông de Montriveau, anh hết nhìn nàng công tước lại ngắm vẻ duyên dáng trong những động tác không ngừng lặp lại của nàng.

“A! tốt rồi, nàng nói, ông đã rất đúng giờ, tôi thích sự đúng giờ. Bệ Hạ nói rằng đó là phép lịch thiệp của các ông vua; nhưng, theo tôi, chỉ nói riêng giữa chúng ta thôi nhé, tôi nghĩ đó là sự phỉnh nịnh giàu lòng tôn trọng nhất. Này! có phải không? Nói tôi nghe đi.”

Rồi nàng lại khẽ liếc nhìn anh để biểu hiện với anh một thứ tình bạn lừa mị, thấy anh câm lặng vì hạnh phúc, và rất mực sung sướng trước những thứ vặt vãnh kia. A! nàng công tước hiểu vô chừng cái nghề làm phụ nữ của nàng, nàng biết cách, theo đường lối đáng ngưỡng mộ, nâng một người đàn ông lên chừng nào anh ta tự thu nhỏ lại, và thưởng cho anh ta bằng những phỉnh nịnh trống rỗng ở mỗi bước chân của anh ta bước xuống những trò ngớ ngẩn của sự đa cảm.

“Ông không bao giờ được quên tới đây vào lúc chín giờ đấy nhé.

- Vâng, nhưng tức là tối nào bà cũng đi vũ hội à?

- Tôi biết điều đó được chăng? nàng đáp, nhún vai đầy vẻ trẻ con, như để thú nhận rằng toàn bộ con người nàng là sự thất thường và rằng một người tình phải chấp nhận nàng như vậy. - Vả lại, nàng nói tiếp, có quan trọng gì với ông đâu? ông sẽ đưa tôi đến đó.

- Tối nay, anh đáp, thì khó rồi, tôi ăn mặc không thích hợp.

- Dường như, nàng vừa ngạo nghễ nhìn anh vừa nói, nếu ai đó phải chịu đau khổ vì trang phục của ông, thì đó chính là tôi. Nhưng hãy biết, thưa nhà du hành, rằng người đàn ông mà tôi chấp nhận cho khoác tay luôn luôn ở bên trên mốt, chẳng một ai cả gan chỉ trích người đó đâu. Tôi thấy rằng ông không rành rẽ giới thượng lưu, tôi lại càng yêu quý ông hơn vì thế.”

Và nàng đã kịp ném anh vào những điều nhỏ mọn của giới thương lưu, tìm cách khai trí cho anh vào các phù phiếm của một người phụ nữ đang mốt.

“Nếu nàng muốn làm một điều xuẩn ngốc vì mình, Armand tự nhủ, thì mình sẽ thật ngẫn nếu ngăn cản nàng. Chắc là nàng yêu mình và, chắc chắn, nàng không khinh bỉ giới thượng lưu nhiều hơn so với chính mình khinh bỉ nó; vậy thì đến chỗ vũ hội thôi!”

Chắc nàng công tước nghĩ rằng khi nhìn thấy tướng quân đi theo sau nàng bước vào cuộc vũ hội với đôi bốt và chiếc cà vạt đen, sẽ chẳng ai ngần ngại nghĩ anh đang yêu nàng say đắm. Sung sướng vì thấy bà hoàng của giới thanh lịch muốn nhận điều tiếng xấu vì anh, tướng quân phát sinh tâm trí sáng chói vì đang được nuôi hy vọng. Chắc chắn mình khiến nàng thích anh, anh phát biểu những ý nghĩ và tình cảm riêng, chẳng hề cảm thấy nỗi lấn cấn, thứ, mới hôm trước, đã gây phiền nhiễu cho trái tim anh. Cuộc trò chuyện dồi dào, đầy sức sống, tràn ngập những lời tâm sự đầu tiên êm đềm để nói cũng ngang với để nghe ấy quyến rũ bà de Langeais, hoặc giả nàng đã tưởng tượng ra sự điệu đà quyến rũ đó; nhưng nàng tinh quái nhìn đồng hồ treo tường khi chuông điểm nửa đêm.

“A! ông làm tôi hụt buổi vũ hội rồi!” nàng nói, tỏ ra kinh ngạc và hụt hẫng vì đã quên bẵng đi mất. Rồi, nàng tự biện hộ cho sự thay đổi trong những niềm sung sướng riêng bằng một nụ cười khiến trái tim Armand nhảy vọt lên.

“Tôi đã hứa với bà de Beauséant[61], nàng nói thêm. Tất cả đều đang đợi tôi.

- Vậy thì, đi đi.

- Không, cứ tiếp tục đi, nàng đáp. Tôi ở lại. Những cuộc phiêu lưu của ông tại phương Đông thu hút tôi. Kể cho tôi toàn bộ cuộc đời của ông đi. Tôi thích dự phần vào những nỗi đau đớn cảm nhận bởi một người đàn ông can đảm, bởi vì tôi cảm thấy chúng, thật đấy!” Nàng nghịch cái khăn, xoắn nó lại, xé nó bằng những cử chỉ sốt ruột dường như tố cáo một sự không vừa lòng trong nội tâm và các suy tư sâu thẳm. “Chúng tôi thì chẳng đáng gì, chúng tôi ấy, nàng lại nói. A! chúng tôi là những con người không xứng đáng, ích kỷ, phù phiếm. Chúng tôi chỉ biết buồn chán vì quá nhiều vui thú. Chẳng ai trong số chúng tôi hiểu được vai trò cuộc đời người đó. Xưa kia, tại Pháp, phụ nữ là những ánh sáng tốt lành, họ sống với mục đích làm dịu lòng những người khóc, khích lệ các đức hạnh lớn lao, tưởng thưởng cho những nghệ sĩ và làm cuộc đời họ trở nên sống động với các suy nghĩ cao đẹp. Nếu thế giới đã trở nên bé mọn, thì lỗi thuộc về chúng tôi. Ông làm tôi thấy căm ghét thế giới ấy cùng vũ hội. Không, tôi đã không vì ông mà phải hy sinh điều gì to tát.” Nàng đã tàn phá xong cái khăn, như một đứa trẻ, nghịch một bông hoa, rốt cuộc vặt hết sạch cánh của nó; nàng cuộn nó lại, ném ra xa, và bằng cách ấy có thể bày ra cái cổ thiên nga. Nàng nhấn chuông. “Tôi sẽ không ra ngoài”, nàng nói với người hầu phòng. Rồi nàng rụt rè chĩa cặp mắt dài màu xanh vào Armand, theo cách thức khiến anh chấp nhận, bởi nỗi sợ mà chúng diễn đạt, cái mệnh lệnh ấy như một lời thú nhận, một ưu ái đầu tiên, một ưu ái thật lớn. “Ông từng trải qua nhiều khó nhọc, nàng nói sau một hồi lâu im lặng chất chứa nghĩ suy và với vẻ mủi lòng vẫn thường hay xuất hiện trong giọng nói phụ nữ mà không ở trong trái tim.

- Không, Armand đáp. Cho tới lúc này, tôi còn chưa biết hạnh phúc nghĩa là gì.

- Vậy thì ông biết nó rồi, nàng nói, nhìn ngược lên anh, với dáng vẻ đạo đức giả và đầy mưu mô.

- Nhưng, đối với tôi kể từ nay, hạnh phúc chẳng phải có nghĩa là được gặp bà, được nghe bà nói… Cho tới lúc này tôi mới chỉ toàn đau khổ, và giờ đây tôi hiểu mình có thể phải bất hạnh…

- Đủ rồi, đủ rồi, nàng đáp, ông đi đi, đã nửa đêm, chúng tay hãy tôn trọng các thói tục. Tôi đã không đến vũ hội, còn ông thì đã ở đây. Ta đừng khiến người ta bàn tán. Tạm biệt. Tôi không biết là tôi sẽ nói gì, nhưng chứng đau nửa đầu rất là tốt, nó chẳng bao giờ khiến chúng tôi bị phản thùng[62].

- Mai có vũ hội không? anh hỏi.

- Thế nào ông cũng quen với cái đó, tôi nghĩ thế. Hỡi ôi, có, ngày mai chúng ta sẽ lại đi vũ hội.”

Armand ra về, trở thành người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời, và tối nào cũng đến nhà bà de Langeais vào cái giờ dành riêng cho anh, theo một thỏa thuận bất thành văn. Hẳn sẽ rất nhàm chán và hẳn đối với đông đảo thanh niên sở hữu những kỷ niệm đẹp đẽ kia sẽ là rất thừa nếu nhích câu chuyện này đi theo từng bước một, giống như bài thơ của những cuộc trò chuyện bí mật đó, mà tiến trình đi tới trước hoặc chậm lại tùy thuộc một người phụ nữ thông qua một cuộc tranh cãi lời lẽ vào lúc tình cảm chạy quá nhanh, thông qua một lời than về các tình cảm khi từ ngữ không hồi ứng nổi với suy nghĩ của nàng nữa. Vậy nên, để đánh dấu tiến triển của cái tác phẩm thuộc kiểu Pénélope này, có lẽ sẽ cần bám chặt vào các biểu hiện có tính cách vật chất của tình cảm. Thế là, vài hôm sau cuộc gặp đầu tiên giữa nàng công tước và Armand de Montriveau, vị tướng quân chuyên cần đã đoạt được, đó là tất tật tài sản, quyền hôn hai bàn tay không biết đến thỏa mãn của người tình anh. Khắp nơi nào bà de Langeais tới, không thể khác, sẽ có ông de Montriveau, mà một số người gọi đùa là loong toong của nữ công tước. Vị thế của Armand đã kịp tạo cho anh những kẻ ghen tị, đám ghen tuông, những kẻ thù. Bà de Langeais đã đạt được mục đích. Hầu tước hòa tan vào giữa đám đông đảo những kẻ ngưỡng mộ nàng, và giúp nàng làm nhục những ai tự tán dương mình là được hưởng ân huệ của nàng, bằng cách ở chỗ đông người cho anh được ưu tiên hơn bất kỳ ai khác.


“Nhất định, bà de Sérizy[63] nói, ông de Montriveau là người đàn ông mà bà công tước coi trọng nhất.”

Ai mà chẳng biết ở Paris được một phụ nữ coi trọng nghĩa là gì? Như vậy, mọi sự đều theo đúng quy tắc. Những gì người ta thích thú kể về tướng quân khiến anh trở nên đáng ngại tới mức lũ thanh niên thiện xảo ngầm từ bỏ tham vọng của bọn họ đối với nàng công tước, và chỉ nán lại trong tầng cầu của nàng nhằm khai thác tầm quan trọng mà bọn họ thu hoạch được ở đó, nhằm sử dụng tên tuổi nàng, con người nàng, với mục đích đớp lấy dễ dàng hơn một số quyền lực hạng hai, ngây ngất khi cướp được một người tình từ tay bà de Langeais. Nàng công tước có con mắt đủ mức sáng suốt để nhận ra những sự đào thoát kia và các thỏa ước kia, mà lòng kiêu ngạo không cho phép nàng bị đánh lừa. Thế là nàng biết cách, ông hoàng thân de Talleyrand vốn dĩ yêu quý nàng[64], nói, thỏa sức trả thù nhờ một câu như dao hai lưỡi mà nàng dùng để gây choáng váng cho những đám cưới morganatique đó[65]. Sự giễu cợt đầy hạ cố của nàng đóng góp không nhỏ vào chuyện khiến nàng bị e dè và được coi là một người trí tuệ vô chừng. Nhờ đó nàng củng cố danh tiếng về đức hạnh của mình, mà vẫn vui thú với các bí mật của người khác, nhưng không để những bí mật của nàng bị xâm nhập. Tuy nhiên, sau hai tháng chuyên cần, nàng cảm thấy, tận sâu trong tâm hồn, một dạng sợ hãi mơ hồ khi thấy rằng ông de Montriveau chẳng hiểu gì về những điểm tế nhị nằm trong sự điệu đà của faubourg Saint-Germain, và coi là nghiêm túc các oằn oại paridiêng. “Anh chàng đó, cô công tước yêu quý của tôi ạ, ông giám quản de Pamiers[66] từng nói với nàng, là anh em họ với lũ đại bàng, cô sẽ không thuần hóa được anh ta, và anh ta sẽ cắp cô bay lên tổ, nếu mà cô không đề phòng.” Ngày tiếp sau cái buổi tối khi ông già đầy mưu mẹo nói với nàng câu kia, trong đó bà de Langeais sợ tìm thấy một sự tiên tri, nàng tìm cách khiến cho mình bị căm hận, và tỏ ra khó chịu, nhiều đòi hỏi, căng thẳng, đáng ghét đối với Armand, anh khiến nàng buông vũ khí bằng một sự dịu dàng như thiên thần. Người phụ nữ ấy biết quá ít về lòng tốt đầy rộng lượng của những tính cách lớn, đến mức nàng sửng sốt trước những câu nói đùa duyên dáng mà thoạt tiên các phàn nàn của nàng nhận về. Nàng tìm cớ cãi cọ nhưng lại tìm thấy các bằng chứng cho tình trìu mến. Thế là nàng càng cố thêm.

“Làm sao, Armand nói với nàng, một người thờ phụng bà mà lại có thể làm cho bà khó chịu được?

- Ông không làm tôi khó chịu, nàng đáp, đột nhiên trở nên dịu dàng và thuần phục; nhưng tại sao ông lại muốn làm hại tôi? Ông chỉ được là một người bạn đối với tôi. Ông không biết điều đó à? Tôi nhưng muốn thấy nơi ông bản năng, những tinh tế của tình bạn đích thực, nhằm không làm mất đi sự coi trọng của ông cũng như các khoái thú mà tôi cảm thấy khi ở bên ông.

- Chỉ là bạn của bà? ông de Montriveau kêu lên, khuôn mặt anh bị cái từ khủng khiếp kia gây ra những rúng động của dòng điện. Cứ tin vào những giờ khắc êm đềm mà bà dành cho tôi, tôi ngủ thiếp đi và thức dậy trong trái tim bà; và ngày hôm nay, chẳng vì lý do gì, bà bỗng nhiên thích thú giết chết những niềm hy vọng bí mật, chính chúng làm cho tôi sống được. Có phải bà muốn, sau khi đã bắt tôi hứa ngần ấy sự vững vàng, và đã bày ra ngần ấy kinh khiếp ở các phụ nữ chỉ có toàn những thất thường, buộc tôi phải hiểu rằng, cũng giống mọi phụ nữ Paris khác, bà có các dục vọng, chứ hoàn toàn không có tình yêu[67]? Vậy tại sao bà lại đòi ở tôi cuộc đời tôi, và tại sao bà lại chấp nhận nó?

- Tôi đã sai, bạn ơi. Đúng, một phụ nữ thật sai khi buông mình vào những cơn ngất ngây như vậy khi cô ta không thể cũng như không được tưởng thưởng cho chúng.

- Tôi hiểu rồi, bà đã chỉ hơi ngúng nguẩy, và…

- Ngúng nguẩy?… tôi căm ghét trò ngúng nguẩy. Ngúng nguẩy, Armand, nhưng đó là đem mình hứa với nhiều người đàn ông nhưng không trao đi. Trao đi cho tất tật là phóng đãng. Đó là những gì tôi đã nghĩ tôi hiểu ở phong hóa của chúng ta. Nhưng làm ra vẻ sầu muộn với những người bi ai, vui tươi với những ai vô tư lự, nhiều tính cách chính trị với những kẻ tham vọng, lắng nghe với vẻ ngưỡng mộ bề ngoài đám lắm điều, quan tâm đến chiến tranh với các quân nhân, say mê với điều tốt của đất nước với những người từ tâm, dành cho mỗi người một liều lượng phỉnh nịnh nhỏ bé, đối với tôi như thế cũng cần thiết ngang với cài hoa lên tóc, như mang kim cương, găng tay và trang phục. Lời lẽ là phần tinh thần của sự điểm trang. Ông gọi cái đó là sự ngúng nguẩy ư? Nhưng tôi chưa từng bao giờ đối xử với ông giống như tôi vẫn đối xử với tất cả mọi người. Với ông, bạn ơi, tôi rất thật. Tôi đã không phải lúc nào cũng chia sẻ các ý nghĩ với ông, và những lúc ông thuyết phục được tôi, sau một cuộc tranh luận, chẳng phải ông thấy là tôi sung sướng hết sức vì điều đó đấy ư? Nói tóm lại, tôi yêu ông, nhưng chỉ như là điều đó được phép đối với một người phụ nữ tôn giáo và thuần khiết. Tôi đã suy nghĩ nhiều. Tôi có chồng, Armand. Nếu cách thức tôi sống với ông de Langeais vẫn để lại cho tôi quyền điều khiển trái tim tôi, thì các luật lệ, tập tục đã tước đi từ tôi quyền điều hành thân xác tôi. Dẫu ở vào thứ hạng nào đi nữa, một người phụ nữ đánh mất danh dự cũng bị đuổi đi khỏi thế giới, và tôi còn chưa biết bất kỳ ví dụ nào về một người đàn ông biết được những hy sinh của chúng tôi là để làm gì. Còn hơn thế nhiều, cuộc đoạn tuyệt mà bất cứ ai cũng dự đoán được giữa bà de Beauséant và ông d’Ajuda[68], kẻ, người ta nói, sắp lấy cô de Rochefide, đã chứng tỏ cho tôi thấy rằng cũng chính những hy sinh ấy lại gần như luôn luôn là nguyên nhân cho việc ông sẽ bỏ tôi. Nếu ông yêu tôi chân thành, thì hãy ngừng gặp tôi một thời gian! Còn tôi, vì ông tôi sẽ gỡ bỏ đi mọi sự phù phiếm; đó chẳng phải là một cái gì đó ư? Còn điều gì mà người ta không nói đây về một người phụ nữ không được người đàn ông nào gắn liền? A! cô ta không có trái tim, không trí tuệ, không tâm hồn, nhất là không duyên dáng. Ôi! đám phụ nữ ngúng nguẩy sẽ chẳng thương xót tôi chút nào đâu, bọn họ sẽ cướp đi từ tôi các phẩm tính mà bọn họ bị tổn thương vì thấy ở tôi. Nếu danh tiếng của tôi vẫn ở lại với tôi, thì với tôi có quan trọng gì đâu việc chứng kiến các nữ đối thủ tranh đoạt các lợi thế của tôi? bọn họ sẽ không thừa kế được chúng đâu, chắc rồi. Nào, bạn ơi, hãy tặng cái gì đó cho người hy sinh ngần ấy thứ vì ông đi! Hãy bớt thường đến đây hơn, tôi sẽ chẳng vì thế mà bớt yêu ông đâu.

- A! Armand đáp với sự mỉa mai sâu sắc của một trái tim bị tổn thương, tình yêu, theo đám văn sĩ quèn, chỉ tọng cho đầy các ảo tưởng mà thôi! Chẳng gì còn là thật nữa, tôi thấy rồi, tôi phải tưởng tượng mình được yêu. Nhưng, này, có những ý nghĩ, cũng giống các vết thương, từ đó người ta không thể hồi phục: bà từng là một trong những tín ngưỡng cuối cùng của tôi, và lúc này tôi nhận ra nơi hạ giới mọi sự đều giả dối.”

Nàng mỉm cười.

“Phải, Montriveau lại nói, giọng khàn đi, lòng tin Công giáo mà bà muốn cải tôi sang là một lời nói dối mà con người tự tạo ra cho mình, niềm hy vọng là một lời nói dối dựa trên tương lai, lòng kiêu ngạo là một lời nói dối từ chúng ta sang chúng ta, tình thương, sự thông thái, nỗi kinh hoàng là các tính toán dối trá. Như vậy hạnh phúc của tôi cũng sẽ là một lời nói dối nào đó, tôi sẽ phải tự mắc bẫy và nhất trí với việc luôn luôn đưa một louis để nhận về một écu. Nếu bà có thể thôi gặp tôi dễ dàng tới vậy, nếu bà không thú nhận với tôi là bạn cũng như là tình nhân, thì bà không yêu tôi! Còn tôi, thằng điên khốn khổ, tôi tự nhủ với mình điều đó, tôi biết rõ, và tôi yêu.

-----------

[20] Hơi lạ tai chút nhưng thật ra rất dễ hiểu.
[21] Một, hai, ba: google.
[22] Tiếng Latin: Bọn họ hãy là người đúng như bọn họ là, nếu không thì thôi hết cả đi; thật ra đây không phải lời giáo hoàng mà là câu nói của một yếu nhân dòng Tên.
[23] Dường như thực sự khó hình dung một Balzac nhà văn đứng về phía người cùng khổ.
[24] Gia đình chủ ngân hàng ở Augsburg, từng là chủ nợ của hoàng đế Charles Quint.
[25] Cuộc “cách mạng” tựu trung là chuyện vượt sông Seine, đi từ hữu ngạn sang tả ngạn.
[26] Tức là thời điểm “ông vua tư sản” Louis-Philippe lên ngôi.
[27] Tức là công tước de Montmorency-Laval, đại sứ tại Rome.
[28] Cách viết phổ biến hơn: Lamennais.
[29] Thời Đốc chính, hoàng thân Talleyrand có quan hệ với một phụ nữ người Anh, Grandt; ông sẽ lấy người đó làm vợ năm 1802 do Bonaparte bắt buộc, nhưng thời Trung hưng thì bỏ, sống với một người khác.
[30] Ở đây, cũng như ở không ít chỗ khác, Balzac đang trình bày lý tưởng riêng về sự tồn tại của giới quý tộc Pháp sau các biến cố, nhất là những gì lẽ ra nó nên làm.
[31] Balzac đang ám chỉ đến một viên trạng sư tên là Dupin.
[32] Giai đoạn khi Louis XV còn nhỏ.
[33] Tức là hồng y de Retz (de Gondi).
[34] Ở đây không phải Médée trong thần thoại Hy Lạp mà Balzac đang muốn nhắc đến nhân vật Médée (cũng nhân vật ấy) trong kịch của Corneille, trong đó có lời thoại “Moi!”.
[35] Hình ảnh (ẩn dụ) cây rìu rất quan trọng cho câu chuyện.
[36] Cái họ này, nếu ai còn nhớ, cũng xuất hiện trong Sao cho trong ấm.
[37] Ý nói đến những người được chính phủ cấp tiền.
[38] Một quân nhân thời trước đó, có viết sách.
[39] Công tước de Berry (con trai thứ của Hoàng đệ), lấy Marie-Caroline de Bourbon, con gái vua Ferdinand ở Napoli, năm 1816.
[40] Le petit château: từ dùng để gọi phủ đệ (cung điện) của đức ông Monsieur Hoàng đệ.
[41] Đã chú thích ở đâu đó rồi.
[42] Đối với Balzac, sai lầm lớn trong cách cai trị của thời Trung Hưng nằm ở chỗ đám già không cho đám trẻ tham gia bất kỳ việc quan trọng nào; điều này được thể hiện ở rất nhiều chỗ trong Vở kịch con người.
[43] Trung hưng, theo Balzac, không hề chắc chắn là đồng nghĩa với quân chủ, kể cả khi nó có vua và triều đình “như thật”: dường như đã có cái gì đó bị mất đi, dường như là cái mà người ta hay gọi là linh hồn.
[44] Émilie de Fontaine, nhân vật chính của Le Bal de Sceaux (tác phẩm ở vị trí thứ hai của Vở kịch con người) và xuất hiện thoáng qua trong vài tác phẩm khác, chẳng hạn César Birotteau.
[45] Nhân vật chính của Les Secrets de la princesse de Cadignan; ngoài nhiều điều khác, Nữ công tước de Langeais miêu tả sự bỉ ổi trong mối quan hệ giữa các phụ nữ với nhau (hoàn toàn giống Les Secrets… và nhiều tác phẩm khác); con người không bao giờ dò thấu được sự độc ác của phụ nữ với phụ nữ, tuyệt đối không bao giờ hết.
[46] Còn bản thân nhân vật Joubert thì bị giết ngày 15 tháng Tám năm 1799 ở Novi, trong chiến dịch Piémont.
[47] Napoléon nổi tiếng ghét pháo binh; điều này cũng được các nhân vật của Sao cho trong ấm nhắc đến.
[48] Chi tiết hết sức quan trọng cho câu chuyện.
[49] Ta đã biết là Balzac luôn luôn quan tâm đến những cái đầu, các loại, các “típ” đầu khác nhau; đầu như miêu tả ở đây là típ đầu chứa rất nhiều năng lượng.
[50] Một địa danh huyết mạch tại Paris hiện nay mang tên ông tướng này.
[51] Tác phẩm của Lope de Vega, tên có nghĩa “Con chó của người làm vườn”, đại ý nói đến con chó kiểu “không ăn được thì đạp đổ”.
[52] Hơi khó hiểu; đây là một chi tiết nằm trong một lý thuyết lớn hơn, tổng quát, về phong thái con người, mà nếu trình bày đầy đủ ở đây thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
[53] Câu này của Chamfort.
[54] Ý nói de Montriveau ba mươi bảy tuổi.
[55] Có thể nghĩ là tương tự như các thiếu niên ở Việt Nam lén lút đọc Cô giáo Thảo; tất nhiên cũng không hoàn toàn như vậy: cụ thể hơn, Balzac đang muốn nói đến Les Amours du chevalier de Faublas (Những mối tình của hiệp sĩ de Faublas) của Louvet de Couvrai, mà dường như Balzac rất thích.
[56] Quyền quốc tịch đồng nghĩa với không ngu (trong tình yêu).
[57] Rất cần nhớ Truyện Mười Ba Quái Kiệt có rất nhiều nét tương đồng (nhưng ở cấu trúc sâu), những sự hồi ứng thì đúng hơn, với Divina Commedia của Dante.
[58] Một nàng thiên tinh.
[59] Balzac đang so sánh de Montriveau với một nhân vật đồng đội trong chiến đấu của Henri IV; lui về sống ở Avignon, một hôm tại nhà thờ, nghe người ta đọc về khổ hình mà Jesus Christ phải trải qua, ông rút kiếm hét lên: “Mi đã ở đâu, Crillon?”
[60] Đại công tước Charles bị Napoléon đánh bại ở Essling và Wagram; Charles từng viết binh pháp nhưng đánh trận thật thì thua thảm thiết.
[61] Rõ ràng trong Nữ công tước de Langeais (vì đây chính là cuốn tiểu thuyết đi sâu nhất vào phong hóa khu faubourg quý tộc Saint-Germain của Paris) Balzac huy động gần như đầy đủ đội quân các quý bà kiều diễm sang trọng vốn dĩ cũng có những vai trò không nhỏ ở nhiều nơi khác trong Vở kịch con người; ở đây là nữ tử tước de Beauséant, một “bà hoàng của Paris”, mà vũ hội từng khiến Delphine Goriot, về sau trở thành Delphine de Nucingen, thèm thuồng đến thất điên bát đảo (cf. Goriot); câu chuyện chính về nàng de Beauséant được kể trong Người phụ nữ bị bỏ rơi.
[62] Các loại bệnh tật được Balzac dành cho một mối quan tâm rất lớn; chứng đau nửa đầu của phụ nữ được Balzac khai thác ở vô số nơi (cũng giống phụ nữ khai thác và lợi dụng nó), đây là một.
[63] Cf. chú thích số 61; đến đây, ta có một nhân vật nữ xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của Vở kịch con người, nhưng luôn luôn đóng vai phụ, nhiều khi rất phụ (chỉ tương đối chính trong Một đoạn đầu đời); cũng nhân vật ấy đã xuất hiện trong Ferragus, góp phần gây điêu đứng cho de Maulincour.
[64] Đây không phải lần duy nhất Balzac làm như thể Talleyrand là một nhân vật của mình; đặc biệt Balzac hay đưa ông hoàng thân vào tiểu thuyết những lúc cần khuyên nhủ phụ nữ.
[65] “Morganatique” là tử dùng để chỉ loại hôn nhân chênh lệch đẳng cấp, quý tộc lấy không phải quý tộc; dường như câu nói của Talleyrand quá mức thâm thúy.
[66] Chắc không phải không ai còn nhớ nhân vật này ở Ferragus.
[67] Balzac (cũng như Stendhal) luôn luôn hết sức cố gắng phân biệt giữa tình yêu (amour) và dục vọng (passion).
[68] Cf. chú thích số 61.




(còn nữa)



XVII. Sao cho trong ấm
Honorer Honoré
Mặc Đỗ: một César (về César Birotteau)
Adolphe

XVI. Nữ công tước de Langeais (phần 1)
XV. Béatrix
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)
(phần 2)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

9 comments:

  1. rực rỡ và thê thảm. đẹp như Ngày Phán Quyết trên tường Nhà nguyện Sistine í nhỉ.

    ReplyDelete
  2. phù, đã qua được đoạn "tổng quan" về faubourg Saint-Germain

    nàng công tước de Langeais bắt đầu hiện hình rồi đấy

    ReplyDelete
  3. "Nó không toàn khối trong hệ thống của mình, cũng chẳng hợp lý trong các hành động, lại cũng không đạo đức một cách hoàn toàn, không trụy lạc theo đường lối thẳng thắn, không băng hoại, chẳng gây băng hoại; " - cái này giúp hiểu ngài de Sade.
    toàn bộ đoạn này chắc phải đưa vào trích giảng rồi học thuộc lòng.

    ReplyDelete
  4. tiếp tục

    đoạn mới có chút liên quan đến "Cô giáo Thảo"

    ReplyDelete
  5. ❤️
    khốn khổ cái chú thích [62]

    ReplyDelete
  6. số 45 chuẩn xác hơn rất nhiều, chưa bao giờ có phụ nữ nào chịu được một phụ nữ khác

    ReplyDelete