Jan 26, 2018

XIX. Quán trọ Đỏ

Và, phái nồn ly, đã có cuốn sách của năm 2017. Như vậy là vẫn chưa quá rằm nhé, và còn lâu mới đến Tết :p

Sao cho trong ấm là số XVII, tại sao giờ đã đến số XIX rồi? Tôi nhầm lẫn, bởi vì mấy cái thứ số La Mã quá phức tạp chăng? Cũng có thể; nhưng nói cho đúng, số XVIII tôi quyết định để lại sau: XVIII đích xác là cột mốc báo hiệu tôi đã đến đúng một nửa chặng đường Balzac của riêng tôi.

Đi đến một nửa, đồng thời tác phẩm số XVIII vừa là kết thúc "vòng thứ hai" vừa mở ra "vòng thứ ba". Đối với riêng tôi, nó có ý nghĩa đặc biệt, nên tôi để yên nó ở đó đã. Cũng không nên khuấy động vội.

Và như vậy, với số XIX (tức là gần tròn hai chục), ta đã bước hẳn sang vòng thứ ba các tác phẩm của Balzac. Đây sẽ là một tác phẩm thuộc phần "triết học".

L'Auberge Rouge cũng sẽ được đầy đủ luôn, như vậy đây là tác phẩm thứ tư của Balzac tôi hoàn thành (một phát xong luôn), sau Nàng tình nhân hờ, Vĩnh biệt và Sao cho trong ấm. Nhìn rộng hơn ra, đến đây, tôi đã đến với tác phẩm thứ tư thuộc phần "triết học" của Vở kịch con người: đó là sau Séraphîta, Louis LambertVĩnh biệt. Tôi từng nói (chẳng biết ai còn nhớ không), phần "triết học" của Vở kịch con người có tổng cộng hai mươi tác phẩm, nhưng mới chỉ có năm bản dịch tiếng Việt. Thêm bốn tác phẩm, rồi chỉ cần một nữa là chúng ta sẽ đến được mức giữa, mức một nửa. Tôi cũng sẽ sớm dịch nhát thứ năm của phần triết học này.

Ở phần "tỉnh", với Ursule Mirouët và Gái già, tôi cũng đã bổ sung để từ mức sáu trên mười tác phẩm đã có bản dịch tiếng Việt, giờ đã là tám trên mười. Với Viên bác sĩ nông thôn, có thể coi là đã hoàn toàn khép lại được phần về "nông thôn". Một vụ việc ám muội cũng có tính chất then chốt đối với một phần khác của Vở kịch con người. Còn lại phần đồ sộ và phức tạp nhất, phần đầu tiên, "cuộc sống riêng" (cũng như phần về Paris), tôi sẽ sớm nói kỹ hơn.

Cảnh báo: Quán trọ Đỏ là một câu chuyện rùng rợn.

Một điều nho nhỏ nhưng tôi thấy rất ý nghĩa: đối với triết gia Alain, Quán trọ Đỏ tuy là một tác phẩm tương đối ngắn nhưng có ý nghĩa rất đặc biệt, trong tổng số tác phẩm của Balzac.

Và tất nhiên, đã đầy đủ Sao cho trong ấm (cuối cùng thì nữ bá tước de Soulanges gì sẽ làm gì tại cuộc vũ hội nơi dinh thự bá tước de Gondreville?)




Quán trọ Đỏ


Tặng ông hầu tước de Custine.


Vào một năm không rõ là năm nào, một chủ ngân hàng ở Paris, vốn dĩ có các mối quan hệ thương mại rất rộng bên Đức, mở tiệc ăn mừng một trong những người bạn, họ, thường chưa bao giờ gặp suốt một thời gian dài, là kiểu bạn mà các thương gia hay có thông qua thư tín. Người bạn này, chủ của một hãng cũng không rõ là hãng nào khá lớn tại Nuremberg, là một người Đức to béo tốt tính, có gu và uyên bác, nhất là hay hút tẩu, có một khuôn mặt Nuremberg đẹp, lớn, trán vuông, rộng, điểm một ít tóc vàng lơ thơ. Ông trưng bày típ những đứa con của cái xứ Germanie thuần khiết và cao quý ấy, vô cùng phong nhiêu về khoản tính cách đáng trọng, mà các phong hóa êm đềm chẳng bao giờ bị chối bỏ, ngay cả sau bảy cuộc xâm chiếm. Người khách lạ cười lớn vẻ thuần hậu, lắng nghe đầy chăm chú, và có tửu lượng rất cao cường, tỏ ra thích rượu Champagne, có lẽ ở ngang mức với các loại vang thơm của Johannisberg. Ông tên là Hermann, giống gần như tất tật người Đức vẫn hay được các tác giả lấy làm nhân vật. Ở tư cách con người không biết làm điều gì một cách nhẹ nhàng, ông ngồi chễm chệ nơi bàn của chủ ngân hàng, với sự phàm ăn thô lỗ lừng danh khắp châu Âu, và nói một lời vĩnh biệt đầy ý thức với cuisine của CARÊME vĩ đại. Nhằm vinh danh người khách, chủ nhà đã mời vài người bạn thân thiết, nhà tư bản hoặc lái buôn, nhiều phụ nữ khả ái, xinh đẹp, mà những lời trò chuyện duyên dáng cùng các cung cách thẳng thắn rất ăn nhịp với sự lịch thiệp kiểu Germain. Thực sự, nếu từng chứng kiến, như tôi rất mong muốn, cuộc họp mặt vui tươi của những người đã cất các móng vuốt thương mại của mình đi để suy tưởng về những khoái lạc cuộc đời, chắc hẳn bạn sẽ khó lòng căm ghét những khoản chiết khấu nặng lãi hay nguyền rủa các vụ phá sản. Con người đâu có thể lúc nào cũng làm điều xấu. Vậy nên, kể cả ở xã hội của đám cướp biển, vẫn phải có vài tiếng đồng hồ êm ả trong đó bạn cứ tưởng mình, ngay trên con tàu hắc ám của bọn họ, như là đang ở trên một cái xích đu.

“Trước khi chia tay chúng ta, ông Hermann sẽ còn kể chuyện cho chúng ta, tôi hy vọng điều đó, một câu chuyện Đức khiến chúng ta phải khiếp sợ.”

Những lời ấy được phát biểu vào lúc dùng món tráng miệng bởi một phụ nữ trẻ có nước da nhạt màu và mái tóc vàng, chắc hẳn cô từng đọc các câu chuyện của Hoffmann cùng những tiểu thuyết của Walter Scott. Đó là con gái độc nhất của ông chủ ngân hàng, tạo vật tươi tắn mà sự giáo dục đạt đến tận mức Gymnase, và vô cùng thích các vở kịch mà người ta diễn ở đó. Lúc này, khách khứa đang ở vào cái tâm trạng sung sướng của lười nhác và im lặng nơi một bữa ăn tuyệt ngon đặt chúng ta vào, khi chúng ta đã đánh giá hơi quá cao sức mạnh tiêu hóa của bản thân. Tựa lưng vào thành ghế, cổ tay đặt khẽ lên gờ bàn, mỗi người khách lười biếng nghịch cái lưỡi mạ vàng con dao của mình. Khi một bữa tối đã đến khoảnh khắc suy tàn này, một số người vần vò lõi một quả lê; những người khác thì lấy ngón tay cái và ngón tay trỏ vê một mẩu bánh bì nhỏ; những người đang yêu dùng đống vỏ hoa quả xếp thành những chữ dị hình; những kẻ hà tiện đếm đống hồ đào và xếp chúng lên đĩa như một kịch tác gia bố trí các diễn viên phụ của ông ta ở tận sâu một nhà hát. Đó là những lạc thú nho nhỏ của chuyện ăn uống đã không được liệt kê trong cuốn sách của Brillat-Savarin, mà vốn dĩ đó là một tác giả rất đầy đủ. Đám người hầu đã biến mất. Giờ ăn tráng miệng giống như một hạm đội sau trận chiến, tơi tả, tồi tàn, tan nát. Những cái đĩa lang thang vô định trên mặt bàn, mặc cho sự bướng bỉnh mà bà chủ nhà bày tỏ trong việc đặt chúng về đúng chỗ. Vài người nhìn các bức tranh phong cảnh Thụy Sĩ treo rất cân xứng trên mấy bức tường màu ghi của phòng ăn. Chẳng người khách nào thấy buồn chán. Chúng ta không hề biết đến người nào còn có thể buồn bã trong khoảng thời gian tiêu hóa một bữa ăn ngon. Khi ấy chúng ta thích nán lại trong một sự yên bình nào không rõ, dạng trung điểm giữa mơ mộng của nhà tư tưởng và sự thỏa mãn của các con thú thuộc dòng nhai lại, mà ta phải gọi là nỗi sầu muộn mang tính cách vật chất của bộ môn ăn uống. Thế cho nên khách khứa liền quay hết về phía ông người Đức tốt tính, tất cả đều ngây ngất vì có một bản ba lát để nghe, dẫu cho nó chẳng mấy hấp dẫn. Trong quãng nghỉ lành hiền đó, giọng của một người kể chuyện luôn luôn như thể thật tuyệt diệu đối với ngũ quan đã trở nên đờ đẫn của chúng ta, nó giúp nhiều cho hạnh phúc âm tính. Vốn dĩ là người đi tìm kiếm các bức tranh, tôi hay ngưỡng mộ những khuôn mặt trở nên vui sướng bởi một nụ cười, được chiếu sáng bởi các ngọn nến, mà sự ăn ngon đã làm cho đỏ tía lên; nhiều biểu hiện đa dạng của họ tạo ra những hiệu ứng nhiều hương vị xuyên qua dãy chân nến, đám bình lọ bằng sứ, những thứ quả và đồ pha lê.

Đột nhiên trí tưởng tượng của tôi sửng sốt trước dáng vẻ của người khách đang ngồi ngay trước mặt tôi. Đó là một người đàn ông tầm thước, khá béo, hay cười, có lối nói năng, các cung cách của một nhân viên hối đoái, và dường như chỉ được phú cho một tinh thần hết sức thông thường, tôi còn chưa hề để ý đến ông ta; đúng lúc đó, khuôn mặt ông, chắc hẳn bị sạm đi bởi thứ ánh sáng trong phòng, khiến tôi thấy như thể thay đổi tính cách; nó trở nên xỉn; các sắc tím vạch thành rãnh trên đó. Hẳn bạn có thể nói đó là cái mặt nhợt sắc của một người đang hấp hối. Bất động giống như các nhân vật được vẽ trong một Diorama, cặp mắt thất thần của ông nhìn chăm chăm vào các mặt nhỏ xíu sáng bừng của một cái nút pha lê; nhưng chắc chắn ông không đếm chúng, và như thể chui tọt sâu xuống một chiêm ngưỡng kỳ ảo nào vào tương lai hoặc quá khứ. Khi đã săm soi một lúc lâu khuôn mặt khó diễn tả ấy, nó làm tôi nghĩ: “Ông ta đang đau khổ? tôi tự nhủ. Hay ông ta đã uống quá nhiều? Ông ta bị khánh kiệt vì tiền mất giá? Ông ta đang nghĩ đến chuyện chơi cho các chủ nợ một vố?”

“Nhìn xem! tôi nói với người phụ nữ ngồi bên cạnh, chỉ cho nàng khuôn mặt người lạ, đó chẳng phải là một vụ phá sản đang nở hoa đấy ư?

- Ồ! nàng đáp, hẳn ông ấy sẽ vui lên thôi.” Rồi, duyên dáng khẽ lắc đầu, nàng nói tiếp: “Nếu cái ông này có bao giờ bị lụn bại, thì tôi sẵn sàng đi đầu xuống đất! Ông ấy sở hữu một triệu về khoản điền địa đấy! Trước kia ông ấy là một nhà cung ứng cho các đội quân đế chế, một người tốt khá là độc đáo. Ông ấy đã tục huyền để đầu cơ, và thế nhưng lại làm vợ ông ấy trở nên hạnh phúc cực điểm. Ông ấy có một cô con gái xinh đẹp mà, suốt một thời gian dài, ông ấy không muốn nhận; nhưng cái chết của con trai ông ấy, thật không may bỏ mạng trong một cuộc đấu súng, đã buộc ông ấy phải đưa cô gái về sống cùng, vì ông ấy không thể có con được nữa. Cô gái khốn khổ vậy là đột nhiên trở thành một trong những nữ nhân thừa kế giàu nhất Paris. Việc mất đi đứa con trai duy nhất đã nhấn cái ông thân mến đó vào một nỗi buồn khổ đôi khi xuất hiện trở lại.”

Đúng lúc ấy, nhà cung ứng ngẩng đầu lên nhìn tôi; ánh mắt ông khiến tôi phát run, vì nó u tối và tư lự biết chừng nào! Chắc chắn, cái nhìn ấy tóm tắt cả một cuộc đời. Nhưng bỗng dưng vẻ mặt ông trở nên vui tươi; ông nhặt lấy cái nút chai pha lê, đặt nó, bằng một động tác máy móc, lên một bình đựng đầy nước nằm trước cái đĩa của ông, và quay đầu về phía ông Hermann, mỉm cười. Người đàn ông đó, hứng khởi bởi những hân hưởng của sự ăn uống, chắc hẳn đầu óc chẳng vướng bận lôi thôi, và chẳng nghĩ đến bất kỳ điều gì. Vậy nên tôi, theo cách nào đó, thấy ngượng vì đã áp dụng bộ môn khoa học chuyên về đoán định của tôi in anima vili của một nhà tài chính xuẩn ngốc. Trong lúc tôi thực hiện, mà xôi hỏng bỏng không, những quan sát thuộc vào môn tướng sọ học, ông người Đức tốt bụng đã nhét vào mũi một ít bột thuốc lá, và khởi sự câu chuyện của mình. Chắc hẳn đối với tôi sẽ là khó khăn để tái tạo nó bằng đúng các từ ngữ, với những chỗ ngắt ngang giữa chừng liên tục và các trữ tình ngoại đề lắm lời nhiều lẽ. Thế cho nên tôi đã viết lại nó, bỏ các nhầm lẫn lại cho con người Nuremberg kia, chỉ chiếm đoạt lấy những gì ở nó có thể nhiều tính cách thơ ca và hấp dẫn, với sự ngây thơ của những nhà văn quên không viết bên dưới nhan đề những cuốn sách của họ: dịch từ tiếng Đức.




TƯ TƯỞNG VÀ SỰ KIỆN


“Quãng cuối vendémiaire, năm VII, cái giai đoạn cộng hòa, mà theo phong cách hiện hành, tương ứng với ngày 20 tháng Mười năm 1799, hai thanh niên, khởi hành từ Bonn lúc sáng tinh mơ, kịp hoàng hôn thì tới vùng phụ cận Andernach, thành phố nhỏ nằm trên tả ngạn sông Rhin, cách Coblentz vài dặm. Vào lúc ấy, quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy của tướng Augereau đang thực hiện ma nớp trước quân Áo, họ chiếm bên hữu ngạn của dòng sông. Đại bản doanh của sư đoàn cộng hòa đặt tại Coblentz, và một trong các tiểu đoàn thuộc quân số của Augereau đóng ở Andernach. Hai lữ khách là người Pháp. Nhìn bộ quân phục màu xanh lẫn sắc trắng của họ, rồi thì những trang trí bằng nhung đỏ, kiếm của họ, nhất là cái mũ phủ tấm vải thô chống nước màu lục, và điểm thêm một chùm lông tam tài, bản thân các nông dân Đức hẳn cũng nhận ra họ là bác sĩ quân y, những con người của khoa học và có phẩm cách, phần lớn được yêu mến, không chỉ trong quân đội, mà cả ở các đất nước bị những đội quân của chúng ta xâm chiếm. Thời đó, nhiều con cái nhà danh giá bị bứng đi khỏi kỳ thực tập y khoa bởi đạo luật mới ban về tòng quân do tay tướng Jourdan, hết sức tự nhiên, đã thích tiếp tục học tập trên chiến địa hơn so với bị sung vào phục vụ trong hàng lính chiến, chẳng mấy ăn nhập với sự giáo dục đầu tiên của họ cũng như số phần êm ả của họ. Vốn dĩ là những con người của khoa học, ưa hòa bình và nhiều ích lợi, các thanh niên đó làm được một số việc tốt ở giữa ngần ấy nỗi bất hạnh, và hòa hợp được với các nhà thông thái của nhiều vùng đất khác nhau mà nền văn minh tàn nhẫn của Cộng Hòa quét qua. Cầm theo, cả hai người, một tờ quân lệnh và được giao làm phó y sĩ, ký tên Coste và Bernadotte, hai chàng thanh niên đi tới chỗ tiểu đoàn nơi họ được cử đến. Cả hai đều thuộc những gia đình tư sản Beauvais giàu có vừa vừa, nhưng ở đó phong hóa êm dịu và lòng trung thực của các tỉnh được truyền thừa giống như một phần di sản. Bị lôi vào sân khấu cuộc chiến tranh từ trước giai đoạn vốn dĩ được tính sẵn để họ bắt đầu công vụ, bởi một sự hiếu kỳ rất tự nhiên nơi các chàng trai trẻ, họ đã đi xe ngựa đến Strasbourg. Dẫu sự cẩn trọng của mẹ họ chắc hẳn đã chỉ để cho họ mang theo một món tiền nhỏ, họ tưởng mình rất giàu vì sở hữu vài đồng louis, một kho báu đúng nghĩa vào cái lúc tiền assignat đã đạt đến mức độ suy thoái lớn nhất, cũng là lúc vàng đáng giá hơn bạc rất nhiều. Hai chàng phó y sĩ, cùng lắm thì cũng mới hai mươi tuổi, tuân theo thứ thơ ca hoàn cảnh của họ với toàn bộ lòng hào hứng của tuổi trẻ. Từ Strasbourg đến Bonn, họ đã thăm Đất Tuyển Hầu và hai bên bờ sông Rhin với tư cách nghệ sĩ, triết gia, người quan sát. Khi có một số phần mang tính cách khoa học, ở cái tuổi ấy chúng ta là những con người thực sự được nhân lên nhiều lần. Ngay cả trong địa hạt tình ái, hoặc trong lúc du hành, một phó y sĩ cũng phải tích trữ các cơ sở ban đầu cho tài sản hoặc vinh quang sắp tới của anh ta. Vậy nên hai chàng thanh niên đã buông mình vào sự ngưỡng mộ sâu sắc ấy, nó xâm chiếm những người có học trước dáng vẻ bờ sông Rhin và các phong cảnh vùng Souabe, giữa Mayence và Cologne; tự nhiên mạnh mẽ, phong phú, gập ghềnh dữ dội, chất đầy những kỷ niệm phong kiến, xanh um, nhưng vẫn giữ ở mọi nơi các dấu ấn của máu lửa đụng độ. Louis XIV và Turenne đã đốt cháy cái vùng đất tươi tắn này. Đây đó, những đống đổ nát chứng nhận cho lòng kiêu ngạo, hoặc giả có lẽ là sự nhìn xa trông rộng của ông vua ở Versailles, người đã cho triệt hạ những lâu đài đáng ngưỡng mộ xưa kia từng điểm trang cho vùng nước Đức đó. Nhìn thấy mảnh đất tuyệt mỹ này, phủ đầy những khu rừng, và là nơi cái đẹp của Trung Cổ tràn ngập, nhưng là dưới dạng các đổ nát, ta hình dung được thiên tài Đức, những mơ mộng của nó và thuyết thần bí của nó. Tuy nhiên kỳ lưu trú của hai người bạn tại Bonn có một mục đích khoa học và cả khoái lạc nữa. Bệnh viện lớn của đội quân Pháp-Batavia cũng như của sư đoàn tướng Augereau được dựng tại chính cung điện của Tuyển Hầu. Thế cho nên hai chàng phó y sĩ mới tinh tươm đã đến đó gặp các đồng đội, trình giấy tờ cho các sĩ quan chỉ huy, và làm quen ở đó với những ấn tượng đầu tiên của nghề nghiệp. Nhưng nữa, ở đó, cũng như các nơi khác, họ lột bỏ đi một số trong những định kiến khăng khăng mà chúng ta trung thành lâu tới vậy, nghiêng về các công trình và vẻ đẹp của quê hương chúng ta. Sửng sốt trước dáng vẻ những cây cột đá hoa cương tô điểm cho cung điện tuyển hầu, họ tới ngắm sự kỳ vĩ các công trình xây dựng Đức, và ở mỗi bước đi lại tìm ra thêm các kho báu cổ xưa hay hiện đại. Thỉnh thoảng, những con đường nơi hai người bạn lang thang trong lúc tiến về phía Andernach đưa họ tới chỏm cao của một ngọn núi đá granit cao hơn các ngọn núi khác. Ở đó, do một vệt cắt của khu rừng, do một sự phạt xuống của các tảng đá, họ nhìn thấy một quang cảnh nào đó của sông Rhin lộng khung trong cát hoặc thêu viền những cây cối xanh tươi. Các thung lũng, những lối đi, đám cây tỏa ra cái hương vị mùa thu ấy, nó xui khiến mơ mộng; các ngọn cây trong rừng bắt đầu điểm vàng, mang những tông màu nóng và nâu, các dấu hiệu của tuổi già; nhiều lá rụng, nhưng bầu trời thì vẫn một màu thanh thiên thật đẹp, và những con đường, khô ráo, vẽ ra giống như những đường thẳng màu vàng lẫn vào trong phong cảnh, lúc đó được rọi sáng bởi các tia nắng xiên của mặt trời lặn. Còn cách Andernach nửa dặm, hai người bạn bước đi giữa một im lặng thẳm sâu, như thể chiến tranh không hề tàn phá cái vùng đất đẹp đẽ này, và theo một con đường cho lũ dê xuyên qua những bức tường đá granit màu xanh nhạt cao vút giữa chúng sông Rhin sôi sục. Họ sớm đi xuống theo một triền của cái hẻm mà ở dưới đáy có thành phố nhỏ, đỏng đảnh ngồi tựa vào bờ sông, nơi nó bày ra một bến cảng xinh xắn cho cánh thủy thủ. “Nước Đức đúng là quá đẹp”, một trong hai chàng trai kêu lên, anh tên là Prosper Magnan, đúng vào lúc thoáng nhìn thấy những ngôi nhà sơn màu của Andernach, ép sát vào nhau giống như đống trứng trong một cái giỏ, ngăn cách với nhau bởi cây cối, các khu vườn và hoa. Rồi anh ngắm nhìn một lúc các mái nhà nhọn hoắt có rầm nhô ra, những cầu thang bằng gỗ, các hành lang gồm cả nghìn ngôi nhà yên bình, và những con thuyền đung đưa trên sóng ở bến cảng…”

Khi ông Hermann nói đến cái tên Prosper Magnan, nhà cung ứng túm lấy bình nước, đổ vào cốc của mình, rồi một hơi cạn hết sạch. Hành động này khiến tôi để ý, tôi nghĩ mình nhận ra một thoáng run rẩy ở hai bàn tay ông và ánh mồ hôi ẩm ướt trên trán của nhà tư bản.

“Nhà cựu cung ứng tên là gì? tôi hỏi người phụ nữ vui tươi ngồi bên cạnh.

- Taillefer, nàng đáp.

- Ông thấy khó ở à? tôi kêu lên khi nhìn thấy cái nhân vật kỳ khôi kia tái mặt đi.

- Không hề, ông ta vừa đáp vừa phác một cử chỉ lịch thiệp. Tôi đang nghe chuyện thôi, ông nói thêm, gật đầu về phía những người khác, tất cả đều đang đồng loạt nhìn ông.

- Tôi đã quên, ông Hermann nói, tên của chàng thanh niên còn lại. Chỉ có điều, những lời kể của Prosper Magnan cho tôi biết người bạn đồng hành của anh ta tóc nâu, khá gầy và tính khí vui vẻ. Nếu các vị cho phép, tôi sẽ gọi anh ta là Wilhem [Balzac viết “Wilhem” chứ không phải “Wilhelm”], nhằm khiến cho câu chuyện trở nên sáng sủa hơn.”

Ông người Đức trung hậu kể tiếp sau khi, chẳng hề tỏ lòng tôn trọng chủ nghĩa lãng mạn và màu sắc lô can, ông đặt tên cho viên phó y sĩ người Pháp một cái tên germanique.

“Hai chàng thanh niên đến Andernach lúc đã nửa đêm. Cho rằng sẽ mất nhiều thời gian để đi tìm các chỉ huy, rồi thì ra mắt trình diện, kiếm lấy một chỗ ngủ nhà binh tại một thành phố đã đông đặc lính tráng, họ quyết định qua cái đêm tự do cuối cùng ấy tại một quán trọ nằm cách Andernach chừng trăm bước chân, và từ đó họ đã ngắm nhìn thích thú, từ trên các tảng đá, những màu phong phú được làm đẹp thêm lên bởi các tia lửa của mặt trời lặn. Được sơn đỏ hoàn toàn, quán trọ này tạo ra một hiệu ứng đậm đà trong khung cảnh, hoặc theo lối tách rời ra trên cái khối chung của thành phố, hoặc bằng cách đối lập tấm ri đô lớn màu tía của nó với sắc lục của những tán lá khác nhau, và sắc chói của nó với các tông ghi nhạt của dòng nước. Ngôi nhà này mang cái tên đó do sự trang trí bên ngoài chắc hẳn đã được áp đặt từ xửa từ xưa bởi thói thất thường của người xây nó. Một sự mê tín lái buôn khá tự nhiên ở những người sở hữu ngôi nhà này, vốn dĩ được gọi bằng tên khác giữa đám thủy thủ sông Rhin, đã khiến người ta cẩn thận giữ trang phục của nó. Nghe thấy tiếng chân ngựa, ông chủ Quán trọ Đỏ đi ra ngưỡng cửa. “Chúa ơi, ông ta kêu lên, thưa các ông, chỉ muộn một chút thôi chắc các ông đã phải ngủ dưới sao trời rồi đấy, giống như phần lớn đồng bào của các ông đang lập trại bên kia Andernach. Ở nhà tôi hết chỗ rồi! Nếu các ông nhất định muốn được ngủ trên một cái giường tốt, thì tôi chỉ còn phòng ngủ của chính tôi để các ông dùng thôi. Về phần ngựa của các ông, tôi sẽ cho đặt một chỗ tạm trong góc sân. Hôm nay, tàu ngựa của tôi đầy nhóc. - Các ông đây từ Pháp sang? ông ta hỏi tiếp sau một quãng ngừng ngắn. - Từ Bonn, Prosper kêu lên. Và chúng tôi còn chưa được ăn gì từ sáng đấy. - Ồ! chuyện ăn uống thì! ông chủ quán trọ vừa nói vừa gật đầu. Khắp mười dặm quanh đây người ta tới Quán trọ Đỏ để tổ chức đám cưới đấy. Các ông sẽ có một bữa tiệc của ông hoàng, cá sông Rhin! nói vậy là đủ rồi.” Sau khi giao mấy con ngựa mỏi mệt của mình cho ông chủ coi sóc, ông gọi đám người hầu, có phần chẳng để làm gì, hai phó y sĩ bước vào căn phòng chung của quán. Những đám mây dày màu trắng nhờ nhợ bốc lên từ một đám đông người hút thuốc không cho phép họ nhìn rõ ngay từ đầu những người mà họ sắp ở cùng; nhưng vào lúc ngồi xuống bên một cái bàn, với sự kiên nhẫn thực hành của các lữ khách triết gia đã nhận ra nỗi vô tích sự của tiếng ồn, họ nhận rõ, xuyên qua làn hơi thuốc lá, những thứ đồ phụ dụng bắt buộc phải có nơi một quán trọ Đức: lò sưởi, đồng hồ treo tường, mấy cái bàn, những hũ bia, đống tẩu dài; đây đó các khuôn mặt với những đường nét hỗn tạp, Do Thái, Đức; rồi những bộ mặt thô ráp của vài thủy thủ. Ngù vai của nhiều sĩ quan người Pháp lấp lánh trong màn sương mù ấy, và tiếng lanh canh đinh thúc ngựa cùng các thanh kiếm không ngớt vang lên trên mặt sàn. Một số người chơi bài, những người khác cãi cọ lẫn nhau, im lặng, ăn, uống hoặc đi đi lại lại. Một người đàn bà thấp béo, đội mũ bonnê nhung đen, cái yếm che trước váy màu xanh và bạc, nùi giẻ, chùm chìa khóa, khuy móc bạc, tóc thắt bím, những dấu hiệu nổi bật của mọi bà chủ quán trọ Đức, mà vả lại trang phục sặc sỡ nhiều màu với cả đống chi tiết hình ảnh đến mức sẽ là quá thô nếu miêu tả kỹ, tức là vợ của ông chủ quán, khiến hai người bạn kiên nhẫn và cả sốt ruột với một sự khéo léo rất đáng kể. Dần dà tiếng ồn giảm đi, các lữ khách rút lui, và đám mây khói thuốc tan. Khi đồ ăn của hai phó y sĩ được dọn, món cá chép sông Rhin kinh điển xuất hiện trên bàn, đồng hồ điểm chuông mười một giờ, và căn phòng vắng tanh. Sự im lặng của đêm khiến người ta mơ hồ nghe thấy cả tiếng động do lũ ngựa gây ra trong lúc ăn đồ trộn hoặc giậm chân lẫn tiếng thì thào của nước sông Rhin, rồi lại cả các loại âm thanh rì rầm khó xác định làm sống động một nhà trọ đầy người khi tất cả đều đã đi nằm. Các cửa và cửa sổ mở ra đóng lại, những giọng nói thì thầm các lời lãng đãng, và vài tiếng gọi nhau vang lên trong các phòng. Vào cái thời điểm của im lặng và ồn ã ấy, hai người Pháp, và ông chủ thì bận tán tụng cho họ nghe về Andernach, bữa ăn, rượu vang vùng Rhin của ông, quân đội cộng hòa và vợ ông, lắng nghe với đôi chút chú ý những tiếng hét khàn khàn của vài thủy thủ và tiếng sột soạt của một con tàu đang cập bến. Ông chủ quán, chắc hẳn vốn dĩ đã quá quen với những câu hỏi gắt gỏng của đám người chèo thuyền kia, vội vã đi ra, rồi quay trở lại ngay. Ông dẫn theo một người đàn ông thấp béo và tiếp nữa là hai thủy thủ vác một cái va li nặng cùng vài túi với bọc. Đồ đạc đã được đặt vào trong phòng, người đàn ông thấp lùn tự tay cầm lấy cái va li và giữ nó bên người, không màu mè gì ngồi ngay xuống bàn trước hai viên phó y sĩ. “Xuống tàu của các anh ngủ đi, ông ta nói với hai thủy thủ, vì quán trọ hết chỗ rồi. Tình hình đã như thế này thì như vậy sẽ là tốt hơn cả. - Thưa ông, chủ quán nói với người mới đến, đây là tất tật đồ ăn mà tôi còn.” Và ông ta đưa tay chỉ bữa xu pe dọn cho hai người Pháp. “Tôi không còn lấy một mẩu bánh mì, không có đến một cái xương. - Choucroute [món rất kinh điển của vùng giáp ranh Đức-Pháp] thì sao? - Còn chẳng đủ để nhét vào cái đê khâu của vợ tôi! Như tôi đã có hân hạnh được nói với ông, ông không thể có cái giường nào khác ngoài chiếc ghế mà ông đang ngồi, và phòng ngủ nào khác ngoài căn phòng này.” Nghe những lời ấy, người đàn ông thấp lùn ném lên ông chủ, lên căn phòng và hai người Pháp một ánh mắt nơi sự thận trọng và nỗi hãi hùng cùng hiện ra.

“Tới đây tôi phải xin nói, ông Hermann ngưng lại giữa chừng, rằng chúng tôi đã không bao giờ biết cả tên đúng cũng như câu chuyện của người lạ mặt kia; chỉ là, giấy tờ của ông ta cho biết ông ta từ Aix-la-Chapelle tới; ông ta mang họ Walhenfer, và sở hữu ở vùng ven Neuwied một nhà máy sản xuất ghim khá lớn. Cũng như mọi nhà công nghiệp của vùng này, ông ta mặc một cái áo rơ đanh gốt bằng dạ thường, một cái quần cộc và một cái áo gi lê bằng nhung màu lục sẫm, đi bốt và thắt một cái dây lưng da to bản. Khuôn mặt ông ta tròn xoe, các cung cách thì thẳng thắn và lịch thiệp; nhưng buổi tối hôm đó đối với ông ta thật quá khó để che giấu hoàn toàn những sợ hãi ngấm ngầm hoặc giả cũng có thể là các lo âu khủng khiếp. Ông chủ quán trọ luôn luôn giữ ý kiến rằng ông lái buôn người Đức ấy đang chạy trốn khỏi đất nước. Về sau, tôi được biết nhà máy của ông ta đã bị thiêu cháy bởi một trong những sự tình cờ thật không may quá thường hay xảy ra trong chiến tranh. Mặc cho biểu hiện nhìn chung là lo lắng, vẻ mặt ông ta thông báo một sự tốt tính lớn. Ông ta có các đường nét đẹp, và nhất là một cái cổ lớn mà màu trắng càng trở nên nổi bật hơn nhờ một cái cà vạt đen, mà Wilhem chỉ cho Prosper, đầy vẻ chế nhạo…”

Lúc này, ông Taillefer uống một cốc nước.

“Prosper lịch thiệp mời ông lái buôn dùng chung bữa xu pe với họ, và Walhenfer nhận lời ngay không khách khí, giống như một người cảm thấy mình đủ sức nhận ra sự lịch thiệp này; ông ta đặt cái va li xuống đất, giẫm hai chân lên, bỏ mũ, ngồi vào bàn, tháo đôi găng tay cùng hai khẩu súng ngắn giắt ở thắt lưng. Vì ông chủ đã mau mắn bày cho ông ta một bộ đồ ăn, ba người khách bắt đầu thỏa mãn cơn đói, một cách khá lặng lẽ. Bầu không khí trong căn phòng nóng và muỗi thì nhiều, đến nỗi Prosper nhờ ông chủ mở cửa sổ nhìn ra ngoài, cho thoáng khí. Cửa sổ này được chặn lại bởi một thanh sắt, hai đầu gắn vào hai cái lỗ đục vào hai góc bên khuôn cửa. Để tăng phần an ninh, hai đai ốc, gắn vào cả hai bên chớp, được vít lại. Do tình cờ, Prosper săm soi cách thức ông chủ sử dụng để mở cửa sổ.

“Nhưng, vì đang nhắc tới chỗ đó, ông Hermann nói với chúng tôi, tôi phải miêu tả bố trí bên trong của quán trọ; bởi vì, cái hay của câu chuyện này phụ thuộc vào việc biết thật chính xác địa điểm. Căn phòng nơi ba nhân vật mà tôi đang nói đây có hai cửa ra vào. Một dẫn ra con đường đi Andernach chạy dọc sông Rhin. Ở đó, ngay trước quán trọ, dĩ nhiên có một cái bến nhỏ nơi con tàu, mà ông thương gia thuê cho chuyến đi của ông ta, được buộc lại. Cửa kia mở ra sân của quán trọ. Cái sân này được bao quanh bởi những bức tường rất cao, và lúc này đầy các con thú và ngựa, trong các chuồng đông đặc hết cả. Cửa lớn vừa được cài lại theo cách thức cẩn thận đến nỗi, để cho nhanh, ông chủ đã cho ông thương gia và hai thủy thủ đi vào qua cửa căn phòng nhìn ra đường. Sau khi mở cửa sổ, thể theo nguyện vọng của Prosper Magnan, ông bắt đầu đóng cái cửa ấy lại, đặt các thanh chắn vào mấy cái lỗ của chúng, rồi vặn mấy đai ốc lại. Phòng ngủ của ông chủ, nơi hai viên phó y sĩ sẽ qua đêm, giáp với căn phòng chung, và tách biệt với bếp bằng một bức tường khá mỏng, nơi có khả năng bà chủ cùng chồng sẽ ngủ đêm. Cô hầu vừa đi ra, kiếm chỗ đặt lưng tại một căn phòng nào đó, trong góc một vựa cỏ, hoặc bất kỳ đâu khác. Thật dễ hiểu rằng căn phòng chung, phòng ngủ của ông chủ và bếp theo cách nào đó biệt lập với phần còn lại của quán trọ. Trong sân có hai con chó to, mà những tiếng sủa trầm trọng thông báo chúng là những lính gác đầy cảnh giác và rất dễ nổi điên. “Im lặng quá nhỉ, đêm nay trời đẹp quá!” Wilhem nhìn trời và nói, trong lúc ông chủ đóng cửa xong xuôi. Lúc ấy chỉ còn lại độc tiếng sóng vỗ ì oạp. “Thưa các ông, thương gia nói với hai người Pháp, cho phép tôi mời các ông vài chai rượu vang để chiêu với món cá chép của các ông. Chúng ta gạt bỏ đi sự mệt mỏi của ngày qua bằng cách uống. Căn cứ vào dáng vẻ và tình trạng trang phục của các ông, tôi thấy rằng, cũng giống tôi, các ông đã đi kha khá đường đất trong hôm nay.” Hai người bạn nhận lời, và ông chủ đi ra ngoài qua cánh cửa bếp để xuống hầm, chắc hẳn nằm bên dưới phần này của tòa nhà. Khi năm cái chai đáng kính, được ông chủ quán mang lên, đã đặt trên bàn, vợ ông cũng vừa dọn xong bữa ăn. Bà dành cho căn phòng và các món ăn cái liếc mắt bà chủ nhà của bà; rồi, chắc chắn là đã đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của các lữ khách, bà quay trở vào bếp. Bốn người, bởi ông chủ cũng được mời, không nghe thấy bà đi nằm; nhưng, về sau, trong những khoảng im lặng ngăn cách các đợt chuyện trò của mấy người uống rượu, vài tiếng ngáy rất lớn, lại càng vang lừng hơn nữa do mấy tấm ván rỗng của khoảng dưới cầu thang nơi bà chui vào, khiến mấy người bạn mỉm cười, đặc biệt là ông chủ. Quãng nửa đêm, lúc trên bàn chỉ còn lại bánh quy, pho mát, hoa quả khô và rượu vang ngon, họ, chủ yếu là hai thanh niên người Pháp, trở nên hoạt ngôn. Họ nhắc đến đất nước họ, việc học hành của họ, về chiến tranh. Rồi, họ chuyện trò rôm rả. Prosper Magnan khiến ông thương gia đang chạy trốn nhỏ mấy giọt lệ khi, với sự thẳng thắn kiểu Picardie cùng vẻ ngây thơ của một bản tính tốt đẹp và dịu dàng, anh đoán xem mẹ anh đang làm gì đúng cái khi anh đang ở trên bờ sông Rhin lúc này. “Tôi nhìn thấy mẹ tôi, anh nói, đang đọc kinh tối trước khi đi ngủ! Chắc chắn mẹ tôi không quên tôi, và chắc đang tự hỏi: “Nó ở đâu rồi nhỉ, Prosper khốn khổ của mình?” Nhưng nếu bà ấy mà thắng được vài xu vì chơi bạc với một bà hàng xóm - mẹ của cậu, có lẽ, anh nói thêm, huých cùi chỏ sang Wilhem, thì bà ấy sẽ cho chúng vào một cái hũ đất to màu đỏ nơi bà ấy đang gom số tiền cần thiết để mua ba mươi arpent nằm lọt thỏm trong mảnh đất nhỏ Lescheville của bà ấy. Ba mươi arpent này trị giá khoảng sáu mươi nghìn franc. Những đồng cỏ rất tươi tốt. A! nếu một ngày nào đó sở hữu được nó, tôi sẽ sống cả đời tại Lescheville, không nuôi tham vọng nào! Đã bao nhiêu lần bố tôi mong muốn ba mươi arpent ấy cùng dòng suối đẹp chảy ngoằn ngoèo trên đồng cỏ! Rốt cuộc, ông ấy đã chết mà không mua được nó. Tôi vẫn thường hay chơi ở đó! - Thưa ông Walhenfer, chẳng phải ông cũng có hoc erat in votis [ý nói ông thương gia cũng từng học y]? Wilhem hỏi. - Vâng, thưa anh, vâng! nhưng… và, giờ đây…” Ông ta im bặt, không nói hết câu. “Còn tôi, ông chủ, với khuôn mặt đã hơi đỏ lên, hồi năm ngoái tôi đã mua một miếng đất mà tôi muốn có từ suốt mười năm.” Họ trò chuyện như vậy, những người mà lưỡi đã trở nên trơn tru nhờ rượu, và đối xử với nhau bằng thứ tình bạn thoáng qua, mà các lữ khách vốn dĩ chẳng mấy khi hà tiện những lúc đi xa, thành thử vào lúc đi ngủ, Wilhem mời thương gia ngủ trên giường của mình. “Ông nên nhận lời đi thôi, anh nói với ông ta, vì tôi có thể sang nằm cùng Prosper. Chắc chắn đây sẽ không phải lần đầu cũng chẳng phải lần cuối. Ông là tiền bối của chúng tôi, chúng tôi phải vinh danh tuổi già! - Chà! ông chủ nói, giường của vợ tôi có nhiều nệm, các ông có thể đặt một cái xuống đất.” Rồi ông đi đóng cửa sổ, tạo ra tiếng ồn mà cái công việc đầy thận trọng ấy có thể gây nên. “Tôi xin nhận lời, ông thương gia nói. Tôi xin thú nhận, ông ta nói thêm, hạ giọng xuống và nhìn hai người bạn, rằng tôi muốn thế lắm. Tôi thấy đám chèo thuyền của tôi khả nghi. Đêm nay, tôi sẽ không phàn nàn vì được ở cùng hai chàng thanh niên trung hậu và tốt bụng, hai quân nhân Pháp! Tôi có một trăm nghìn franc bằng vàng và kim cương trong va li đấy!” Vẻ dè dặt thân tình mà hai chàng thanh niên thể hiện khi đón nhận lời tâm sự thiếu thận trọng kia khiến người đàn ông Đức trung hậu thấy yên tâm. Ông chủ giúp các lữ khách gỡ nệm một cái giường. Rồi, khi mọi thứ đã được sắp xếp đâu vào đấy, ông chúc họ ngủ ngon và đi ngủ. Thương gia và hai phó y sĩ đùa cợt về những thứ nhồi trong mấy cái gối của họ. Prosper đặt cái hộp đựng dụng cụ phẫu thuật của anh cùng hộp của Wilhem xuống dưới đệm của mình, để kê cao nó lên và thay thế cho cái gối ôm bị thiếu, đúng lúc đó, bởi một sự cẩn trọng quá mức, Walhenfer đặt cái va li xuống bên dưới đầu giường. “Hai chúng ta đều sẽ ngủ trên tài sản của chúng ta: ông thì trên vàng của ông; còn tôi thì trên hộp dụng cụ của tôi! Chỉ còn lại một vấn đề là chẳng rõ các thứ dụng cụ của tôi có giúp tôi kiếm được số vàng giống như ông đã giành được hay không. - Anh có thể hy vọng điều đó, ông thương gia đáp. Công việc và lòng trung thực giúp ta làm được mọi sự, nhưng phải biết kiên nhẫn.” Walhenfer và Wilhem sớm ngủ thiếp đi. Hoặc vì giường của anh quá cứng, hoặc vì sự mệt mỏi cực độ trở thành nguyên nhân cho chứng mất ngủ, hoặc bởi một tâm trạng định mệnh, Prosper Magnan vẫn thức. Các ý nghĩ của anh dần dà đi theo một triền dốc xấu xa. Anh nghĩ rất lung đến một trăm nghìn franc để bên dưới ông thương gia. Đối với anh, một trăm nghìn franc là một tài sản rất lớn. Anh khởi sự dùng đến cả nghìn cách khác nhau để mộng tưởng vẽ vời, giống như tất cả chúng ta đều làm với xiết bao sung sướng trong cái thời khắc ngay trước giấc ngủ, vào cái giờ khi các hình ảnh sinh ra đầy hỗn độn trong niệm năng của chúng ta, và cũng là khi rất thường, bởi sự im lặng của đêm, suy tư đoạt được một quyền năng ma thuật. Anh hoàn thành các ý nguyện của mẹ anh, anh mua ba mươi arpent đồng cỏ, anh cưới một cô nương Beauvais mà sự chênh lệch về tài sản lúc này đang ngăn cấm anh khao khát. Với số tiền ấy anh thu xếp cả một cuộc đời đầy lạc thú, và tự thấy mình hạnh phúc, trở thành ông bố trong gia đình, giàu có, được trọng vọng trong tỉnh, và có lẽ thị trưởng Beauvais. Đầu óc Picardie của anh bùng cháy, anh tìm các phương cách để biến các hư cấu của mình thành thực tại. Anh đặt cả một sự nồng nhiệt lớn lao vào việc tính toán một tội ác trong lý thuyết. Vừa mơ đến cái chết của thương gia, anh vừa nhìn thấy thật rõ vàng và kim cương. Chúng làm lóa mắt anh. Tim anh đập dồn. Chỉ suy tính thôi chắc hẳn đã là một tội ác. Bị mê hoặc trước đống vàng đó, trong tinh thần anh say sưa với những lập luận sát nhân. Anh tự hỏi chẳng biết cái ông người Đức khốn khổ kia có cần sống hay không, và đặt giả định là ông ta chưa bao giờ từng tồn tại. Nói ngắn gọn, anh hình dung ra tội ác theo cách thức sao cho mình sẽ không bị trừng phạt. Bờ bên kia của sông Rhin do quân Áo án ngữ; phía bên dưới các cửa sổ có một cái thuyền và đám người chèo; anh có thể cắt cổ người đàn ông đó, ném ông ta xuống sông Rhin, thoát thân qua cửa sổ cùng cái va li của ông ta, dùng vàng để trả cho đám thủy thủ, và lánh sang bên Áo. Anh còn tính toán đến cả mức độ khéo léo mà anh đã có được trong việc sử dụng các thứ dụng cụ giải phẫu của mình, nhằm cắt đầu nạn nhân sao cho kẻ đó sẽ không phát ra lấy một tiếng hét…”

Tới đây ông Taillefer chùi trán và uống thêm một ít nước nữa.

“Chậm rãi, Prosper nhỏm dậy, không hề gây tiếng động. Chắc chắn là mình đã không đánh thức ai dậy, anh mặc quần áo, đi sang căn phòng chung; rồi, với cái trí năng đầy định mệnh mà con người đột nhiên tìm thấy trong mình, với sức mạnh của sự tinh tế và ý chí ấy, thứ chẳng bao giờ thiếu vắng cả với các tù nhân lẫn những tên tội phạm trong khi thành tựu các dự đồ của bọn họ, anh mở mấy cái đinh vít giữ các thanh sắt, gỡ chúng ra khỏi mấy cái lỗ mà không gây chút ồn ào nào, đặt chúng xuống đất gần tường, và mở các chớp, khiến chúng tì mạnh xuống bản lề nhằm làm giảm tiếng cọt kẹt. Ánh trăng chiếu luồng sáng nhạt của nó xuống cảnh này, cho phép anh nhìn thấy lờ mờ những thứ đồ vật trong căn phòng nơi Wilhem và Walhenfer đang ngủ. Tới đây, anh ta kể với tôi là đã dừng lại một chốc lát. Tim anh ta đập liên hồi, mạnh, sâu và to đến nỗi anh ta thấy hoảng hốt. Rồi anh sợ không thể hành động một cách lạnh lùng; hai bàn tay anh run lên, gan bàn chân như thể đang giẫm lên than hồng. Nhưng việc thực hiện kế hoạch đã hết sức may mắn, đến mức anh thấy một dạng tiền định trong sự ưu ái này của số phận. Anh mở cửa sổ, quay trở lại trong phòng ngủ, rút hộp dụng cụ ra, tìm trong đó món đồ thích hợp nhất để tiến hành tội ác. “Khi lại gần cái giường, anh ta nói với tôi, một cách máy móc tôi thầm tự giao nộp mình cho Chúa.” Đúng lúc giơ tay lên, dồn hết sức lực, anh nghe thấy trong mình như thể một giọng nói, và nghĩ là đã nhìn thấy một tia sáng. Anh ném món đồ xuống giường, chạy sang phòng bên kia, và tới đứng trước cửa sổ. Ở đó, anh hình dung nỗi kinh hoảng sâu thẳm nhất đối với bản thân anh; và thế nhưng cảm thấy đức hạnh của mình quá yếu ớt, vẫn còn sợ sẽ gục ngã trước sự quyến rũ đang giằng xé anh, anh vội vã nhảy ra ngoài con đường và đi dọc sông Rhin, cứ như thể anh muốn canh gác trước quán trọ. Thường thì anh đi đến tận Andernach trong cuốc đi dạo hối hả ấy; cũng rất thường các bước chân của anh dẫn tới triền dốc mà anh đã đi xuống để đến chỗ quán trọ; nhưng sự im lìm của đêm thì sâu thẳm, anh lại hết sức tin tưởng vào lũ chó, đến nỗi, đôi khi, anh không nhìn thấy cái cửa sổ mà anh vẫn để mở. Mục đích của anh là tự làm cho mình mệt để có thể ngủ. Tuy nhiên, trong lúc bước đi như thế dưới một bầu trời không mây, ngắm nhìn các vì sao, có lẽ cũng ngây ngất trước làn không khí thuần dịu của đêm và bởi tiếng sóng vỗ sầu muộn, anh rơi vào một cơn mơ mộng dẫn dắt anh theo các mức độ đến với những ý nghĩ lành mạnh của đạo đức. Rốt cuộc lý trí đã phá tan hoàn toàn cơn cuồng nhiệt thoáng chốc nơi anh. Những dạy dỗ mà anh từng được hưởng trong sự giáo dục, các giới luật tôn giáo, và nhất là, anh ta kể với tôi, các hình ảnh cuộc sống khiêm nhường mà anh từng có cho tới lúc ấy dưới mái nhà của bố mẹ, giành thắng lợi trước những suy nghĩ xấu xa. Khi anh quay trở lại, sau một hồi trầm tư thật lâu, trên bờ sông Rhin anh buông mình vào sự quyến rũ của nghĩ suy, chống khuỷu tay lên một tảng đá lớn, chắc hẳn anh có thể, anh ta nói với tôi, không phải ngủ, mà thức ngay bên cạnh một tỉ đồng tiền vàng. Vào lúc lòng trung thực của anh dựng lại đầy kiêu hãnh và mạnh mẽ từ cuộc chiến đấu ấy, anh quỳ gối xuống trong một cảm giác ngây ngất của hạnh phúc, cảm ơn Chúa, thấy mình sung sướng, nhẹ, thỏa mãn, giống ngày làm lễ ban thánh thể đầu tiên, khi anh đã nghĩ mình xứng đáng với các thiên thần, bởi vì đã qua cả ngày mà không phạm lỗi cả trong lời lẽ, hành động lẫn suy nghĩ. Anh quay trở lại quán trọ, đóng cửa sổ lại mà không ngại gây tiếng ồn, và nằm ngay lên giường. Sự mệt mỏi tinh thần và thể chất đẩy anh không thể chống cự vào cơn ngủ. Không lâu sau khi đặt đầu lên tấm nệm, anh rơi vào giấc thiu thiu đầu tiên đầy huyễn tưởng luôn luôn đi trước một giấc ngủ sâu. Khi ấy ngũ quan anh trở nên đờ đẫn, và cuộc sống dần dần xóa bỏ đi; các suy nghĩ thì không đầy đủ, và những nhảy dựng lên cuối cùng các ngũ quan chúng ta đóng giả một dạng mơ mộng. “Sao không khí nặng nề thế nhỉ, Prosper tự nhủ. Mình thấy như là đang hít vào một thứ khói ẩm.” Anh mơ hồ tự giải thích đặc điểm đó của bầu không khí bằng khác biệt chắc phải có giữa nhiệt độ trong phòng và không khí trong lành ngoài vùng nông thôn. Nhưng anh sớm nghe thấy một tiếng động đều đặn khá giống với tiếng những giọt nước nhỏ từ một cái rô bi nê. Tuân theo một nỗi hãi hùng hoảng sợ, anh những muốn dậy và gọi ông chủ, đánh thức viên thương gia hoặc Wilhem; nhưng, thật bất hạnh cho anh, anh chợt nhớ đến cái đồng hồ bằng gỗ; và cứ tưởng mình đang nhận ra chuyển động của con lắc, anh thiếp đi vào trong cái tri giác lờ mờ và hỗn độn ấy.”

“Ông muốn uống nước à, ông Taillefer?” ông chủ nhà hỏi, khi nhìn thấy ông chủ ngân hàng máy móc đưa tay với bình nước.

Nó đã cạn sạch.

Ông Hermann tiếp tục câu chuyện, sau quãng dừng ngắn gây ra bởi câu nói của ông chủ ngân hàng.

“Sáng hôm sau, ông nói, Prosper Magnan bị đánh thức bởi một tiếng động lớn. Anh thấy như thể mình đã nghe thấy những tiếng hét chói tai, và lại cảm thấy sự run rẩy dữ dội của các dây thần kinh mà chúng ta phải gánh chịu những khi chúng ta thành tựu, vào lúc tỉnh dậy, một cảm giác nặng nề đã khởi sự từ trong giấc ngủ. Nỗi sợ hãi này, có lẽ bắt nguồn từ một sự tụ hội quá đột ngột hai bản tính của chúng ta, vốn dĩ gần như luôn luôn được tách ra trong giấc ngủ, thường rất ngắn ngủi; nhưng nó kéo dài ở viên phó y sĩ khốn khổ, thậm chí đột nhiên tăng vọt, và gây cho anh sự hoảng hốt ghê rợn nhất, khi anh nhìn thấy một vũng máu giữa tấm nệm của anh và giường của Walhenfer. Cái đầu của ông người Đức khốn khổ rơi xuống đất, thân người thì vẫn ở trên giường. Tất cả chỗ máu đều trào ra từ cổ. Nhìn thấy cặp mắt vẫn mở và ngó đăm đăm, nhìn thấy chỗ máu vấy bẩn lên ga giường của anh và cả hai tay anh, nhận ra thứ dụng cụ phẫu thuật của mình trên giường, Prosper Magnan ngất đi, ngã xuống vũng máu của Walhenfer. “Đó đã là, anh ta nói với tôi, một sự trừng phạt cho cho những ý nghĩ của tôi.” Khi tỉnh lại, anh thấy mình đang ở trong căn phòng chung. Anh ngồi trên một cái ghế, vây quanh là những người lính Pháp, trước một đám đông chăm chú và tò mò. Anh ngây độn nhìn một sĩ quan cộng hòa đang lo việc lấy lời khai của vài nhân chứng, và chắc hẳn cả việc viết biên bản. Anh nhận ra ông chủ, vợ ông, hai thủy thủ và cô hầu của quán trọ. Thứ dụng cụ phẫu thuật mà kẻ sát nhân đã sử dụng…”

Đến đây ông Taillefer bật ho, rút khăn mùi soa từ trong túi áo ra để hỉ mũi, và lau trán. Những động tác khá tự nhiên ấy chỉ mình tôi để ý; mọi người khách đều dán chặt mắt vào ông Hermann, và lắng nghe như thể thèm khát. Nhà cung ứng chống khuỷu tay lên bàn, tựa đầu vào bàn tay bên phải, và nhìn Hermann đăm đăm. Từ lúc ấy, ông ta không còn để lộ một dấu hiệu nào nữa của xúc cảm hay quan tâm; nhưng vẻ mặt ông vẫn tư lự và tối xỉn, giống cái lúc ông ta nghịch cái nút chai.

“Dụng cụ phẫu thuật mà kẻ sát nhân đã sử dụng nằm trên bàn cùng cái hộp, ví tiền và giấy tờ của Prosper. Các ánh mắt của đám đông chuyển từ những vật chứng đó sang chàng thanh niên, trông anh như thể sắp chết, với cặp mắt tắt ngấm dường như không nhìn thấy gì. Tiếng rì rầm hỗn độn cất lên từ bên ngoài tố cáo sự hiện diện của đám đông bị thu hút đến trước quán trọ bởi tin về tội ác, và có lẽ cũng bởi cả ham muốn nhận biết kẻ sát nhân. Tiếng bước chân của lính gác bên dưới những cửa sổ của căn phòng, tiếng động gây ra bởi những khẩu súng trường của họ chế ngự tiếng thì thào nói chuyện của dân chúng; nhưng quán trọ đã bị đóng kín, ngoài sân vắng hoe và im lìm. Không thể chịu nổi ánh mắt của viên sĩ quan đang viết biên bản, Prosper Magnan cảm thấy bàn tay mình được siết chặt bởi một người đàn ông, và ngẩng đầu lên để nhìn xem ai là người bảo vệ cho mình giữa đám đông thù địch kia. Anh nhận ra, căn cứ vào bộ quân phục, viên bác sĩ quân y của tiểu đoàn đóng quân ở Andernach. Ánh mắt của người đàn ông này thật thấu suốt, thật nghiêm khắc, đến nỗi chàng thanh niên khốn khổ rùng mình, và buông đầu xuống lưng tựa của cái ghế. Một người lính cho anh hít giấm, và ngay lập tức anh tỉnh lại. Tuy nhiên, cặp mắt thất thần của anh trông rõ là không có sức sống và trí năng, thành thử bác sĩ nói với viên sĩ quan, sau khi bắt mạch cho Prosper: “Đại úy, không thể thẩm vấn anh ta vào lúc này đâu. - Vậy thì! đưa anh ta đi, viên đại úy đáp, ngắt lời bác sĩ, bảo một viên đội đứng sau lưng phó y sĩ. - Đồ hèn nhát bẩn thỉu, người lính hạ giọng nói với anh, ít nhất thì cũng cố mà đi cho vững trước đám người Đức kia, để cứu vãn danh dự cho Cộng Hòa.” Mệnh lệnh này đánh thức Prosper Magnan, anh đứng dậy, đi vài bước; nhưng khi cửa mở ra, khi anh cảm thấy không khí bên ngoài ập vào mình, và nhìn thấy đám đông ào tới, sức lực liền rời khỏi anh, đầu gối anh lỏng ra, anh lảo đảo. “Tay sinh viên y khoa khốn kiếp này xứng đáng chết hai lần! Đi đi nào! hai người lính lấy tay xốc nách anh để đỡ anh đi. - Ôi! thằng hèn! thằng hèn! Hắn đấy, hắn đấy! hắn đây rồi! hắn đây rồi!” Những từ ấy như thể được nói bằng một giọng duy nhất, cái giọng hỗn loạn của đám đông vừa đi theo vừa chửi rủa anh, mỗi bước lại lớn thêm lên. Trong chuyến đi từ quán trọ tới nhà tù, sự ồn ào mà dân chúng và đám lính gây ra, tiếng thì thầm của nhiều cuộc trò chuyện khác nhau, quang cảnh bầu trời và sự mát mẻ của không khí, dáng vẻ Andernach và sự run rẩy của làn nước sông Rhin, những ấn tượng ấy đến với tâm hồn của viên phó y sĩ, mơ hồ, hỗn độn, u tối giống như mọi cảm giác mà anh đã cảm thấy kể từ lúc ngủ dậy. Đôi khi anh nghĩ, anh ta nói với tôi, mình không còn tồn tại nữa.

“Khi ấy tôi đang ở trong tù, ông Hermann ngừng câu chuyện. Vốn dĩ hào hùng giống như mọi chúng ta ở tuổi hai mươi, tôi từng muốn bảo vệ đất nước tôi, và chỉ huy một đại đội du kích mà tôi đã tổ chức ở vùng lân cận Andernach. Vài hôm trước, trong đêm tôi đã chạm trán với một đơn vị lính Pháp gồm tám trăm quân. Cùng lắm chúng tôi cũng chỉ có tổng cộng hai trăm người. Đám gián điệp của tôi đã bán đứng tôi. Tôi bị ném vào nhà tù ở Andernach. Khi ấy người ta định xử bắn tôi, với mục đích nêu tấm gương khiến cả vùng phải sợ hãi. Người Pháp cũng nói đến các cuộc trả đũa, nhưng vụ giết chóc mà cánh cộng hòa muốn trả thù lên tôi đã không được thực thi tại Đất Tuyển Hầu. Cha tôi đã tìm cách khiến người ta tạm hoãn hành hình ba ngày, nhằm có thể chạy đi xin ân xá từ tướng Augereau, và ông ta đã chuẩn y. Vậy nên tôi gặp Prosper Magnan đúng vào lúc anh ta vào nhà tù Andernach, và anh ta khiến tôi thấy thương xót sâu sắc. Dẫu anh ta nhợt nhạt, rũ rượi, trên người dính đầy máu, vẻ ngoài của anh ta có một tính cách thơ ngây và vô tội khiến tôi vô cùng sửng sốt. Đối với tối, nước Đức thở phập phồng trong mái tóc dài màu vàng của anh ta, trong cặp mắt xanh của anh ta. Hình ảnh đích thực của đất nước đang sụp đổ của tôi, anh ta hiện ra như một nạn nhân chứ không phải một kẻ giết người. Đúng cái lúc đi ngang qua dưới cửa sổ phòng giam của tôi, anh ta nở, tôi cũng chẳng biết là hướng về đâu, một nụ cười chua xót và sầu muộn của một kẻ điên vừa tìm lại được một tia sáng thoáng qua của lý trí. Nụ cười ấy chắc chắn không phải của một tên sát nhân. Khi gặp viên cai ngục, tôi hỏi hắn về tù nhân mới. “Anh ta đã không nói kể từ khi bị nhốt vào xà lim. Anh ta ngồi, hai tay ôm lấy đầu, và ngủ hoặc suy nghĩ đến vụ việc của anh ta. Cứ nghe đám người Pháp nói chuyện với nhau thì sáng mai anh ta sẽ bị xử, sẽ bị bắn trong vòng hai mươi tư tiếng.” Buổi tối tôi đứng bên dưới cửa sổ phòng của người tù, trong quãng thời gian ngắn ngủi mà tôi được phép đi dạo trong sân nhà tù. Chúng tôi nói chuyện với nhau, và anh ta, đầy thơ ngây, kể cho tôi cuộc phiêu lưu của mình, đáp lại các câu hỏi của tôi một cách tương đối chuẩn xác. Sau cuộc trò chuyện thứ nhất ấy, tôi chẳng còn nghi ngờ gì về sự vô tội của anh ta nữa. Tôi xin phép và được ở vài tiếng bên cạnh anh ta. Thế nên tôi gặp anh ta nhiều lần, và đứa trẻ khốn khổ không hề vòng vo bộc bạch với tôi hết mọi suy nghĩ. Anh ta cho mình vừa vô tội vừa có tội. Nhớ tới cái toan tính kinh khiếp mà anh ta đã đủ sức kháng cự, anh ta e rằng mình đã hoàn thành, trong lúc đang ngủ và trong một cơn mộng du, tội ác mà anh ta mơ thấy lúc còn tỉnh. “Thế còn người bạn của anh đâu? tôi hỏi anh ta. - Ồ! anh ta nồng nhiệt kêu lên, Wilhem không thể nào…” Thậm chí anh ta còn không nói hết câu. Nghe cái lời nóng bỏng, tràn ngập tuổi trẻ và đức hạnh đó, tôi siết chặt lấy bàn tay anh ta. “Khi tỉnh dậy, anh ta nói tiếp, chắc hẳn cậu ấy đã quá khiếp sợ, mất trí, và bỏ chạy. - Mà không đánh thức anh dậy à, tôi nói. Nhưng vậy thì việc biện hộ của anh sẽ dễ dàng, vì cái va li của Walhenfer chắc đã không bị lấy đi.” Đột nhiên anh ta òa lên khóc. “Ồ! vâng, tôi vô tội, anh ta kêu lên. Tôi đã không giết người. Tôi còn nhớ những giấc mơ của tôi. Tôi chơi đánh nhau với các bạn ở trường. Chắc là tôi đã không cắt đầu ông thương gia đó, trong lúc nằm mơ thấy là tôi đang chạy.” Rồi, mặc cho các tia hy vọng đôi lúc trả lại cho anh ta chút bình yên, anh ta vẫn cảm thấy mình bị đè nát bởi nỗi hối hận. Chắc chắn anh ta đã giơ tay lên để cắt cái đầu của viên thương gia. Anh ta tự xét xử mình, và không thấy là mình trong sạch, sau khi đã phạm tội ác ở trong ý nghĩ. “Và thế nhưng! tôi là người tốt! anh ta kêu lên. Ôi mẹ khốn khổ của tôi! Có lẽ vào lúc này mẹ tôi đang vui vẻ chơi bài impériale cùng các bà hàng xóm trong phòng khách nhỏ chăng thảm. Nếu mẹ tôi biết tôi đã dẫu chỉ giơ tay lên để giết một con người… ồ! mẹ tôi chắc sẽ chết! Và tôi thì đang ở trong tù, bị cáo buộc đã phạm một tội ác. Nếu đã không giết người đàn ông đó, thì chắc chắn tôi cũng sẽ giết chết mẹ tôi!” Nói xong anh ta không khóc; nhưng, bị khuấy động bởi cơn thịnh nộ ngắn và mạnh mẽ vốn dĩ khá thường gặp ở những người Picardie, anh ta lao mình vào tường và, nếu tôi không giữ anh ta lại, chắc hẳn anh ta đã tự đập vỡ đầu. “Cứ đợi đến lúc xét xử đi, tôi bảo anh ta. Anh sẽ được xử trắng án, anh vô tội. Và mẹ anh… - Mẹ tôi, anh ta kêu lên đầy thịnh nộ, mẹ tôi sẽ biết lời buộc tội trước hết. Tại các thành phố nhỏ, bao giờ chẳng như vậy, bà già tội nghiệp sẽ chết vì buồn khổ. Vả lại, tôi không vô tội. Ông có muốn biết toàn bộ sự thật không? Tôi cảm thấy là tôi đã đánh mất sự trinh nguyên của ý thức nơi tôi.” Sau cái câu khủng khiếp ấy, anh ta ngồi xuống, khoanh hai tay lại trước ngực, cúi đầu, và nhìn xuống đất với dáng vẻ u ám. Đúng lúc đó, viên lính gác mở cửa đi vào để dẫn tôi về phòng; nhưng, tức tối vì phải bỏ lại người bạn vào một khoảnh khắc khi sự nản chí của anh ta trông thật sâu thẳm, tôi thân ái ôm lấy anh ta vào lòng. “Kiên nhẫn đi, tôi nói với anh ta, mọi chuyện sẽ ổn, có lẽ. Nếu giọng nói của một con người trung thực có thể khiến im lặng những nỗi nghi ngờ của anh, hãy biết rằng tôi coi trọng anh và yêu quý anh. Hãy nhận lấy tình bạn của tôi, và hãy ngủ đi, trên trái tim tôi, nếu anh không hòa bình được với trái tim anh.” Hôm sau, một viên đội và bốn tay súng tới tìm phó y sĩ vào quãng chín giờ. Nghe thấy tiếng ồn mà đám lính tạo ra, tôi chạy ra chỗ cửa sổ. Lúc chàng thanh niên đi qua sân, anh ta nhìn tôi. Sẽ chẳng bao giờ tôi quên nổi cái ánh mắt chất chứa nghĩ suy, tiên cảm, nhẫn nhục đó, và thêm cả một vẻ duyên dáng buồn thảm và sầu muộn mà tôi không thể miêu tả rõ. Đó là một dạng di chúc lặng câm và khả tri qua đó một người bạn giao phó cuộc đời đã mất của mình cho người bạn cuối cùng của anh ta. Chắc hẳn đêm vừa qua đã rất khó khăn, vô cùng cô độc đối với anh ta; nhưng cũng có thể vẻ nhợt nhạt in hằn trên khuôn mặt anh ta tố cáo một sự khắc kỷ bắt nguồn từ một sự coi trọng bản thân mới mẻ. Có lẽ anh ta đã được thanh tẩy bởi một sự sám hối, và nghĩ rằng mình rửa sạch đi được tội lỗi trong đau khổ và nỗi nhục. Anh ta bước đi vững vàng; và, ngay từ sáng, anh ta đã làm biến mất các vết máu mà anh ta đã vô ý mà vấy lên người. “Hai bàn tay tôi đã nhúng vào đó một cách định mệnh trong lúc tôi đang ngủ, vì khi ngủ không yên bao giờ”, hôm trước anh ta đã nói với tôi, với một âm sắc tuyệt vọng ghê rợn. Tôi được biết anh ta sẽ phải ra trình diện trước một tòa án binh. Sư đoàn sẽ, hai hôm sau đó, tiến về phía trước, và viên tư lệnh của tiểu đoàn không muốn rời khỏi Andernach mà chưa xét xử tội ác tại đúng nơi mà nó đã xảy ra… Tôi rơi vào một nỗi sợ chết người trong suốt khoảng thời gian diễn ra phiên tòa. Rốt cuộc, quãng giữa trưa, Prosper Magnan được đưa quay lại nhà tù. Lúc đó tôi đang có cuộc đi dạo quen thuộc; anh ta nhìn thấy tôi, và lao ngay vào vòng tay tôi. “Hỏng rồi, anh ta nói. Tôi đã hỏng, không chút hy vọng nào! Như vậy ở đây, đối với tất cả mọi người, tôi sẽ là một tên sát nhân.” Anh ta ngẩng đầu lên đầy kiêu hãnh. “Nỗi bất công này đã trả tôi nguyên vẹn về cho sự vô tội của tôi. Cuộc đời tôi chắc hẳn sẽ luôn luôn bị quấy rối, cái chết sẽ chẳng có gì để trách cứ. Nhưng, có một tương lai hay không?” Toàn bộ thế kỷ mười tám nằm cả trong cái câu hỏi đột ngột ấy. Anh ta tư lự. “Mà, tôi nói với anh ta, anh đã trả lời như thế nào? họ đã hỏi anh những gì? anh đã không ngây thơ mà kể sự việc đúng như anh đã kể cho tôi nghe đấy chứ?” Anh ta nhìn tôi chằm chằm một hồi lâu; rồi, sau quãng ngừng đáng kinh hãi đó, anh ta đáp với một sự nồng nhiệt như lên cơn sốt từ ngữ: “Thoạt tiên họ đã hỏi tôi: ‘Trong đêm anh có ra khỏi quán trọ không?’ Tôi đáp: ‘Có. - Bằng đường nào?’ Tôi đỏ mặt, và đáp: ‘Qua cửa sổ. - Như vậy anh đã mở nó ra? - Đúng! tôi đáp. - Anh đã hết sức cẩn thận khi làm việc đó. Chủ quán trọ đã không nghe thấy gì!’ Tôi sửng sốt. Đám thủy thủ tuyên bố đã nhìn thấy tôi bước đi, lúc thì về phía Andernach, khi theo hướng khu rừng. - Tôi đã, bọn họ nói, đi nhiều lần. Tôi đã chôn vàng và kim cương. Rốt cuộc, người ta đã không tìm được cái va li! Rồi thì tôi vẫn phải chiến đấu dữ dội với những niềm hối hận. Khi tôi muốn nói: ‘Mi đã muốn phạm tội!’ một giọng nói không chút xót thương hét lên. Mọi sự đều chống lại tôi, ngay cả bản thân tôi!… Họ đã hỏi tôi về người bạn của tôi, và tôi đã tuyệt đối bảo vệ cậu ấy. Thế là họ nói với tôi: ‘Chúng tôi phải tìm ra một thủ phạm giữa anh, bạn của anh, ông chủ quán trọ và vợ ông ta! Sáng ra, tất tật cửa sổ và cửa ra vào đều đóng chặt!” - Trước câu nói ấy, anh ta kể tiếp, tôi đã câm lặng, không chút sức lực, thẫn thờ cả người. Vốn dĩ chắc chắn vào người bạn của tôi còn hơn vào chính tôi, tôi không thể buộc tội cậu ấy. Tôi đã hiểu rằng chúng tôi bị coi là đồng lõa giống như nhau trong vụ giết người, và tôi bị coi là kẻ kém khéo léo hơn! Tôi đã muốn giải thích tội ác bằng sự mộng du, và biện hộ cho người bạn tôi; thế là tôi đã dông dài. Tôi tiêu rồi. Tôi đã đọc thấy lời kết án trong mắt các viên thẩm phán. Họ nở những nụ cười đầy nghi hoặc. Mọi điều đã được nói. Chẳng còn gì không chắc chắn nữa. Ngày mai tôi sẽ bị xử bắn. - Tôi chẳng còn nghĩ đến tôi, anh ta nói tiếp, mà chỉ nghĩ đến mẹ tôi!” Anh ta ngừng lại, nhìn lên trời, và không hề khóc. Cặp mắt anh ta khô khốc và nhăn rúm dữ dội. “Frédéric!” A! người kia tên là Frédéric, Frédéric! Đúng, đúng cái tên đó!” ông Hermann kêu lên, vẻ đắc thắng.

Người phụ nữ ngồi bên cạnh tôi đá vào chân tôi, và hất đầu ý bảo tôi nhìn về phía ông Taillefer. Nhà cựu cung ứng đã vì lơ là mà để rơi bàn tay xuống hai mắt; nhưng, giữa các kẽ hở của các ngón tay, chúng tôi nghĩ có nhìn thấy một ngọn lửa u ám trong ánh mắt ông.

“Hả? nàng nói thầm vào tai tôi. Ông ta có tên là Frédéric không nhỉ.”

Tôi đáp, nháy mắt với nàng như để nói: “Trật tự nào!”

Hermann kể tiếp: ““Frédéric, viên phó y sĩ kêu lên, Frédéric đã bỏ mặc tôi một cách hèn hạ. Chắc là cậu ấy sợ. Có lẽ cậu ấy trốn trong quán trọ, bởi vì sáng ra hai con ngựa của chúng tôi vẫn ở trong sân. - Một sự bí ẩn mới khó hiểu làm sao, anh ta nói thêm sau một hồi im lặng. Mộng du, mộng du! Trong đời tôi mới chỉ một lần bị như thế, lại còn mãi là hồi tôi mới lên sáu nữa chứ. - Tức là tôi sẽ đi khỏi nơi này, anh ta nói tiếp, giậm mạnh chân xuống đất, mang theo tất cả những gì thuộc về tình bạn ở trên cõi đời? Như vậy tôi sẽ chết hai lần nếu nghi ngờ một tình huynh đệ đã bắt đầu từ năm tuổi, rồi tiếp theo ở trường học, các loại trường! Frédéric ở đâu rồi?” Anh ta khóc. Như vậy chúng tôi nương tựa vào một tình cảm khác chứ không phải cuộc sống. “Ta vào đi, anh ta nói với tôi, tôi thích ở trong xà lim của tôi hơn. Tôi không muốn người ta nhìn thấy tôi khóc. Tôi sẽ can đảm đi đến với cái chết, nhưng tôi không biết tỏ thái độ anh hùng khi không phải lúc, và tôi xin thú nhận là tôi thấy hối tiếc cuộc đời trẻ trung và đẹp đẽ của tôi. Đêm hôm đó tôi đã không ngủ; tôi đã nhớ lại những cảnh trong tuổi thơ tôi, và thấy mình chạy trên những cánh đồng mà kỷ niệm có lẽ đã khiến tôi tiêu đời. - Tôi từng có tương lai, anh ta nói với tôi. Mười hai người; một viên thiếu úy sẽ hét lên: ‘Giương súng, ngắm bắn, bắn!’ một hồi trống; và sự nhơ nhớp! giờ đây đó là tương lai của tôi. Ồ! phải có một vị Chúa, nếu không toàn bộ câu chuyện này nghe thật tầm phào quá mức.” Rồi anh ta ôm lấy tôi, siết thật chặt trong vòng tay. “A! anh là người cuối cùng mà tôi có thể trải lòng. Anh sẽ được tự do! anh sẽ được gặp mẹ anh! Tôi không biết anh giàu hay nghèo, nhưng quan trọng gì đâu! đối với tôi anh là toàn bộ thế giới. Những người kia, bọn họ sẽ không đánh nhau mãi đâu. Thế thì, chừng nào họ đã hòa bình với nhau, anh hãy đến Beauvais. Nếu mẹ tôi còn sống sau khi nghe cái tin định mệnh về cái chết của tôi, anh sẽ gặp mẹ tôi ở đó. Hãy nói với bà ấy những lời an ủi sau đây: ‘Cậu ấy vô tội!’ - Bà ấy sẽ tin lời anh, anh ta nói tiếp. Tôi sẽ viết thư cho bà ấy; nhưng anh sẽ mang về cho bà ấy ánh mắt cuối cùng của tôi, anh sẽ nói với bà ấy rằng anh là người cuối cùng mà tôi đã ôm hôn. A! bà ấy sẽ yêu anh lắm đấy, bà mẹ khốn khổ! anh, người bạn cuối cùng của tôi. - Ở đây, anh ta nói sau một lát im lặng, trong đó như thể anh ta bị nghiền nát dưới trọng lượng các kỷ niệm riêng, sĩ quan và lính tráng đối với tôi đều xa lạ, và tôi khiến tất tật bọn họ ghê tởm. Nếu không có anh, sự vô tội của tôi chắc hẳn sẽ là một điều bí mật giữa trời và tôi.”



(còn nữa)




Heinrich Heine: Tháng Giêng năm 1832
XVII. Sao cho trong ấm (đầy đủ)
Honorer Honoré
Mặc Đỗ: một César (về César Birotteau)

Heidegger
Adolphe
XVI. Nữ công tước de Langeais (phần 1)
(phần 2)
XV. Béatrix (phần 1)

(phần 2)
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)
(phần 2)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)

(phần 4)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

11 comments:

  1. Ôi phải chi vừa được đọc vừa được chạm, lật giở, ngửi mùi giấy ở lần đọc lại tất cả những tác phẩm này của Balzac

    ReplyDelete
  2. tức là, nói tóm lại, thích sờ

    tiếp tục

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng vậy, như Modiano í, mí lại ở đây lao xa lao xao, chia trí bỏ mẹ.

      Delete
  3. Túc tiệp :D

    P/S: Cái mở đầu câu chuyện thật vĩ đại :D

    VVD

    ReplyDelete
  4. Chú nằm nhiều nhỉ.

    VVD

    ReplyDelete
  5. Đặt cạnh đây, đoạn kết của "Crime and Punishment" tỏ ra thật thiếu sức sống. Nhưng thực ra cái kết có quan trọng đến vậy đâu nhỉ?
    Một trường hợp khác: Rashomon.

    ReplyDelete
  6. thế á

    à mà cũng sắp tới "kỳ" Dostoievski đúng chính xác về "tội ác và etc." rồi đây

    ReplyDelete
  7. Dịch lủng củng. Thiếu tự nhiên.

    ReplyDelete
    Replies
    1. No matter why you come here, you leave with something

      Delete
  8. thì đi đọc trường phái tự nhiên à la Lê Đình Chi đi vậy

    ReplyDelete