Jan 6, 2019

Khái Hưng Hà Nội

Cách đây hai năm (gần như đúng từng ngày), bài "Đoạn cuối của Khái Hưng" của tôi (để tôi khiêm tốn chút), gây ra một số chấn động nhất định; để tóm tắt một cách ngắn gọn: từ - cùng một lúc - nhiều phía, trong đó có giới sưu tầm sách ở Việt Nam.

Chuyện đã qua không nói lại nữa (hoặc cũng có thể, sẽ nói lại một ngày khác), tất nhiên kể từ đó tôi cũng đã tìm - thậm chí thử - vài cách để tiếp tục (sau mỗi một cú mà người ta có thể gọi là đột phá, hệ quả luôn luôn là, đi qua một cánh cửa chỉ để thấy rằng nhiều, thậm chí rất nhiều, cánh cửa khác đang đợi sẵn).

Tôi không muốn thực hiện cuộc trở lại của Khái Hưng bằng chính cái hệ thống đã trở thành đao phủ của Khái Hưng (Phan Cự Đệ, etc.). Đó hẳn sẽ là một irony quá lớn (với một "cruelty" ở mức độ phi lý) - tôi thấy không gì gớm ghiếc cho bằng Phan Cự Đệ của cuối thập niên 80 thế kỷ trước, loay hoay chiêu tuyết cho nạn nhân một thời của mình.

Vả lại, tôi nhất định không để cho mình dính vào cái trò đao phủ-nạn nhân (và đi kèm với nó là trò "dê tế thần" - tôi sẽ còn quay trở lại, đây là một trong những chủ đề ưa thích của tôi). Thêm nữa, như đã nói ởkia, đã từ rất nhiều năm tôi từ chối tham gia các hoạt động trọng yếu nhất của hệ thống đó. Hệ thống ấy đã sụp đổ - biết đâu, nó sụp đổ chính bởi quá thích chơi trò nạn nhân-đao phủ (và cúng tế etc.), tức là, chính vì đã không nhìn nhận được Khái Hưng. Nhưng, nếu không có Khái Hưng, thì không có văn chương Việt Nam.

(tôi nghĩ cũng không hy vọng được gì từ các cơ sở xuất bản hiện đang tồn tại, đúng như chúng đang bày tỏ các tính chất; nói cho đúng, tôi chẳng hy vọng gì)

Ởkia tôi đã nói đến chuyện, điều rất hài hước là văn học sử Việt Nam không có lịch sử. Nhưng vậy còn chưa đủ: một lịch sử văn chương trừ đi lịch sử lại chính là một lịch sử văn chương không có văn chương nốt. Bởi vì, lịch sử và văn chương đi cùng với nhau. Đây là sự sụp đổ của nghiên cứu, nói đúng hơn, đây là sự sụp đổ của thiết chế.

Tôi tin rất nhiều nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp còn không định vị được chính xác Khái Hưng. Người ta nghĩ Khái Hưng gần gũi với Nhất Linh, đại khái thuộc một lứa, nhưng không, Khái Hưng thuộc về thế hệ Phạm Quỳnh còn nhiều hơn thế hệ của Nhất Linh (nếu muốn nói đúng hơn nữa: Khái Hưng ở giữa); hoàn toàn tương tự, rất nhiều người nghĩ Phạm Quỳnh là thế hệ trước Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng tất nhiên điều đó sai.

Chúng ta sẽ trở lại với Khái Hưng đoạn cuối. Chính xác hơn, các bài ký tên "Chàng Lẩn Thẩn" thuộc chuyên mục "Chuyện lẩn thẩn". Đây cũng là lúc tôi nhập chủ đề Khái Hưng vào với chủ đề Hà Nội.


(trong "bài 2", cụm từ "cái tròng tự do của chúng ta" nghe không khác gì Khái Hưng đang miêu tả thời chúng ta; một cụm từ đáng quan tâm nữa: "bộ óc dầy"; đây chắc hẳn có xuất xứ từ "épais")






Bài 1


Nước Pháp tự cho mình là có một cái nền văn minh nhất hoàn cầu. Nước Pháp lại tự cảm thấy mình không ích kỷ, chẳng lẽ có một nền văn minh cao như thế mà lại cứ bo bo giữ lấy hưởng một mình thì nó khỉ khỉ thế nào ấy, nên các nhà cầm quyền Pháp ngứa ngáy thấy cần phải đem nền văn minh đó reo rắc [sic] cho những kẻ man ri [sic] biết. Và vì thế họ đã kéo đại đội văn minh đến giải [sic] đất Đông-dương mình.

Và cái văn minh đầu tiên, chúng ta được biết là hỏa lực của các pháo đạn, rồi chúng ta được biết cả những cái rất vô lý như những sự hà hiếp giết tróc [sic].

Cái văn minh thứ hai là chúng ta có một nước mẹ để mà cung phụng nếu không thì cái của cải của ta chắc chả biết dùng để làm gì. Những nguyên liệu đe chết đó nó làm cho con mắt văn minh tức tối nên nó đã được các quan tây mang về mẫu quốc và rồi chúng ta lại phải mua các đồ dùng bằng các thứ nguyên liệu đó. Nghĩa là chúng ta có rất nhiều quyền để mua rất nhiều các thứ hàng của mẫu quốc nhất là các xa xỉ phẩm. Trước kia thời dã man chúng ta bao giờ được biết dùng những thứ đồ cao quý đó.

Nhưng mà, cái ánh sáng văn minh của nước Pháp sao mà nó chói mắt, gắt gao quá, dân Việt-Nam, cứ cố chịu mãi cố chịu mãi mà nó vẫn nóng rát. Vì sợ sức nóng tăng lên quá mạnh nên dân Việt-Nam đã phải nhịn cả ăn lẫn mặc để các quan đầy những văn minh đó ăn mặc hộ.

Các quan Tây ơi! Nước chúng tôi đã tràn ngập cái văn minh của các quan rồi, lúc này các quan lại còn mang nó đến một lần nữa và lại mang thêm cả cái công-lý của các quan lại thì dân chúng đến chết ngốt người lên mất. Các quan còn lớn tiếng tự xưng mình là hùng cường, không bao giờ trả thù. Sao các quan cứ nghĩ lẩn thẩn thế. Chúng tôi với các ông ai là người phải trả thù. Chúng tôi chẳng thù ông thì thôi chứ, các ông cũng có thù với chúng tôi kia à? Thế thì thật phiền quá!


(Việt Nam số 95, 12/3/1946)






Bài 2


Người ta còn nhớ mấy tháng trước đây, cái bọn người tự nhận mình là người mẫu quốc lúc nào cũng khủng khỉnh coi dân bản xứ như mẻ, bọn đó ra phố với một vẻ mặt nhục nhằn nơm nớp lo sợ, mắt không dám nhìn thẳng mà chỉ dám lấm lét nhìn trộm những người Việt Nam của nước Việt-Nam độc lập thẳng thắn vui tươi đi trên đất nước của người ta. Bọn mắt xanh đó có tức giận, cái tức giận bất chính, cũng chỉ dám trao đổi với nhau một nụ cười chế nhạo hay một câu diễu [sic] vụng trộm. Vì nếu để cho dân Việt-Nam biết cái thái độ vô lễ của họ là dừ đòn ngay. Và rồi dần dần họ cũng thưa ra phố, hay chỉ ra để lếch thếch xách cái bị đi chợ mua thức ăn. Dân Hà-nội thấy vắng bóng họ nhiều lắm. Ai ai cũng tưởng họ xấu hổ, những cái thân đã vong quốc tưởng họ rất lấy làm xấu hổ. Và cái dân tộc, tự xưng là có một cái nền văn minh cao nhất thế giới ấy phải có nhiều liêm sỉ nên họ tự đóng cửa để hối hận, để khóc thời oanh liệt của họ.

Kể cái thời xưa của họ oanh liệt thật. Từ anh lính quèn cho đến anh vô nghệ nghiệp thẩy đều đẫy đà mà chỉ có độ sáu bẩy tháng sau là sự thiếu thốn đến ngay với họ khiến họ trở nên gầy xọp. Một hôm đứng nói chuyện trên gác nhà bạn, bạn tôi bỗng chỉ ba người Âu đi ở dưới đường nói: này anh xem, bọn kia dạo trước tôi thấy nó giầu lắm, thằng nào cũng sang và ra ngoài là khoác tay hàng năm bẩy cô, thế mà bây giờ anh xem thằng nào cũng ngẳng ngheo đi thất thểu như ốm đói cả.

Tưởng đến thế là thời thực dân mạt kiếp mà những kẻ mang óc thực dân sẽ tủi và xấu hổ, phen này nếu yên ổn và thuận tiện họ sẽ kéo nhau về nước hết để làm ăn lương thiện, để tu bổ lại cái quốc gia bị tàn phá của họ. Nào ngờ, ít lâu nay nào nghe tin quân của họ thắng ở miền Nam, nào nghe tin quân của họ kéo vào miền Bắc lại hăm dọa đổ bộ lên Hải-phòng, những cái bộ mặt tiu nghỉu trước lại lên mặt dữ: nào họ biểu tình, nào họ vênh vang đi trong phố và nhất là sau ngày ký bản sơ bộ hiệp định Việt Pháp, họ lại dắt nhau bầu đoàn thê tử kéo ra phố rất nhiều. Họ sung sướng lắm, nom mặt kẻ nào cũng dương dương tự đắc, nhất là khi nghe tin D’Argenlieu tuyên bố sẽ có Chủ tịch liên hiệp quốc gia Việt-Nam Varenne (!) thì cái mặt thực dân của họ nở hẳn ra, dầy thêm lên một từng. Họ đều chắc chắn bảo nhau phen này thì dân Việt-Nam một lũ chúng mày lại thi nhau cho cổ vào cái tròng tự do của chúng ta. Và chắc có kẻ khi quan sát người Việt-Nam vẫn bình tĩnh ở Hà-nội, họ không khỏi bảo nhau: “Sao chúng nó ngu và khờ dại, dễ bị phỉnh phờ như thế được?”

Thôi đi, dơ dáng lắm rồi, các ông Tây ạ, dân chúng tôi không phải là đàn cừu đâu. Lòng công phẫn và tất cả sức mạnh đều kín đáo vì dân chúng tôi vốn sẵn mang cái chí quân tử của Á Đông chứ nếu mà có cái nóng nảy của Tây Phương thì các ông dễ sống yên được đâu. Ông đừng tưởng rằng dụ được một kẻ vong quốc nô, vô liêm sỉ ngày ngày nheo nhéo nói trên đài vô tuyến điện Sài-gòn và tưởng rằng cái thái độ bình tĩnh của dân Việt-Nam là tỏ rằng tất cả người Việt-Nam đều dễ bảo như thế cả. Các ông đừng tưởng rằng cái chí ăn cướp của các ông, chúng tôi không ai biết đến cả. Kể như các ông đáng lẽ phải biết thế nào là cái nhục vong quốc, vì các ông đã trải qua thời kỳ đó; thế mà các ông còn cứ lăm le muốn đô hộ nước người. Những kẻ như thế mà cứ đòi nói là mang lại hòa bình và công lý cho nhân loại thì thật không biết ngượng mồm chút nào.

Các ông ơi! nghe nói châm ngôn của các ông là: Liberté, Égalité, Fraternité vậy theo cách hành động của các ông tôi xin dịch ra sau đây: Ăn cướp, Bóc lột, Lừa bịp.

Nói thế thật tôi đã lẩn thẩn mà giải thích với các ông quá nhiều. Nhưng với những kẻ có bộ óc dầy như các ông chưa chắc nó đã thấm thía.


(Việt Nam số 96, 13/3/1946)






Bài 3



Bình tĩnh! Dân chúng hãy bình tĩnh! Chính phủ khuyên quốc dân như thế. Nhưng sự thực chính phủ chả cần phải khuyên: Dân chúng Việt-Nam đã bình tĩnh quá sức tưởng tượng mà người ta có thể nói được đó là một dân tộc bình tĩnh nữa. Dân chúng Việt-Nam bình tĩnh và lúc nào cũng muốn được yên thân tất cả nguyện vọng của dân tộc ta là được sống yên ổn, an nhàn. Chả có thế mà một nhà văn Pháp và nhiều người ngoại quốc đã nhận thấy sự bình tĩnh đó ở tên các tỉnh mà ta đặt ra.

Dân chúng Việt-Nam bình tĩnh lắm, bình tĩnh và nhún nhường rồi đến nhu nhược và hoảng sợ nữa. Đối với tình thế gay go, Tổ quốc lâm nguy như thế mà trong dân chúng chẳng thấy một tiếng vang nào. Trong khi đó các người dân của Nam-Dương, của Ai-Cập, của Ấn-Độ phẫn uất hùng hổ đứng dậy đòi cho được có võ trang, bắt cho được chính phủ phải cương quyết và lôi kéo được quân đội đi theo với mình và tự gây lực lượng cho mình. Còn dân chúng Việt-Nam, dân chúng Việt-Nam lặng lẽ hoặc túm năm tụm ba họp hội đồng chuột. Có kẻ hô đánh: nhưng chỉ hô thôi còn việc làm của họ vẫn bình tĩnh lắm. Có kẻ chép miệng tuy không dám nói ra nhưng trong thâm tâm họ tự nghĩ: chỉ vẽ chuyện gây ra những sự rối ren, làm cho họ mất cả làm ăn.

Và tất cả hai hạng người trên đều có một ý nghĩ: đi lánh nạn, đưa gia quyến họ về một nơi nào chắc chắn nhất để khỏi chết để sau này bình yên hẳn họ lại được sống dù là cái sống nhục nhã, cái sống làm nô lệ.

Giữa cái thời mà hơi một cử chỉ gì trái với chính phủ đều là cử chỉ Việt gian cả nên dân chúng sợ tai tiếng lắm. Ừ thì những kẻ già cả, trẻ con không kể, còn một phần đông thanh niên chẳng lẽ họ cũng chạy như vịt sao. Có phải là cái hồi Nhật mới sang hay cái hồi mà Nhật gần thua đâu mà dân chúng được tự do tản cư để có thể từng đàn từng lũ chất đồ lên xe bò xe ô tô mà tự do đi về các ngả? Bây giờ họ phải kín tiếng rút lui dần dần. Chính phủ hãy nhìn xem chẳng có ai dọn đi cả thế mà thành phố Hà-nội cứ vắng dần.

Chúng ta có thể tiêu thổ kháng chiến được, nhưng đối với đất Việt-Nam quá nhỏ hẹp này, chỉ có Hà-nội là nơi làm cho tiếng gọi của Việt-Nam thành một tiếng vang trên thế giới. Dù sống chết chúng ta cũng phải bảo vệ lấy thủ đô. Và Chính phủ cũng cần phải để cho dân chúng có tự do tổ chức các đoàn thể kháng chiến của dân chúng.

Chính phủ khuyên dân bình tĩnh và lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng nhưng không cho dân được quyền chuẩn bị thì chỉ là khuyên dân yên lặng không nên làm việc gì cả, yên lặng để mà chờ số mệnh. Dân chúng Việt-Nam thì bình tĩnh mà dân chúng Pháp mà nhất là quân đội Pháp thì hết sức là khiêu khích. Như thế chỉ trừ những kẻ vong quốc nô tuy là người Việt-Nam nhưng không còn huyết mạch của dân tộc Việt, những kẻ bán nước ngày ngày nheo nhéo nói ở đài vô tuyến điện Sài-gòn thì mới chịu nổi cái thái độ ấy. Và anh em tự vệ thành, anh em ngày ngày nhận huấn lệnh của Chính phủ để đi khuyên dân nên bình tĩnh, tôi chắc các anh mỗi khi đi bảo từng nhà như thế, các anh em cũng thấy ngượng ngùng trong sự khuyên giải.

Anh em tự vệ thành có bổn phận phải bảo vệ thành phố đến cùng, nên nhớ rằng ngày xưa cụ Hoàng Diệu tự sát khi Hà-nội thất thủ.


(Việt Nam số 100, 17/3/1946; đây là một ngày Chủ nhật và đang ở thời điểm ngay sau bản Hiệp ước Sơ bộ)






Bài 4


Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn mãi về cái mới và cái cũ của nước Pháp. Tôi không hiểu những cái hình thức mới của nước Pháp nó ra sao? Có cái gì biến chuyển trong vũ trụ nó đã diệt hết nước “Pháp cũ” để đẻ ra một nước “Pháp mới”. Nhưng tôi, tôi không thấy cái gì biến đổi cả. Người “Pháp cũ” chưa diệt hết mà hiện nay còn đọng lại ở đất Việt Nam rất nhiều. Trước khi chưa có tiếng “người Pháp mới” ở đất Việt Nam, tôi vẫn thấy họ lang thang ở ngoài đường và nhất là ở phố cửa Đông. Và ngày nay thường thường tôi được gặp các người “Pháp mới” tôi so sánh chưa thấy họ khác người Pháp cũ ở chỗ nào. Nếu tính tình người “Pháp cũ” là bắt nạt là bóc lột thì thường thường tôi cũng thấy những tính tình ấy trong người “Pháp mới”. Một hôm đi xe tay, tôi đã được một anh xe khoe với tôi:

- Hôm qua chúng cháu vừa mới đánh Tây ở cửa Nam.

Tôi hỏi: - Sao thế?

Anh ta đáp:

- Đi xe không trả tiền chúng cháu mới dã [sic] cho, sau đội xếp [sic] đến can thiệp phải trả tiền một gấp hai.

 Tôi nói:

- Sướng nhé! mấy khi đã có dịp như thế.

 Anh ta trả lời tôi:

- Sướng gì, cậu tính có khi kéo mướt mồ hôi khắp các phố về đến phủ Toàn quyền nó trả được ba hào chỉ phải ngậm đắng nuốt cay cầm lấy.

Ấy thế mà người ta cứ nhắc đến tiếng người “Pháp mới” với một lòng hoan hỉ. Tôi đang bực mình thì một ông bạn đẩy cửa vào. Anh ta rất vui tính. Thấy tôi có vẻ trầm ngâm anh ta hỏi:

- Làm gì mà cau có thế kia?

Tôi nói thật với anh điều tôi đang suy nghĩ. Anh ta cười ngất và bảo:

- Thế thì anh lẩn thẩn thật, muốn biết rõ cái gì thì phải được mặt thấy tai nghe kỹ càng. Anh muốn biết người “Pháp mới” thế nào thì đi với tôi lên trường Bưởi mà quan sát rồi tôi sẽ dẫn anh xuống cửa Đông quan sát người “Pháp cũ” rồi tôi sẽ chỉ cho anh biết chỗ họ khác nhau.

Nói xong anh dục [sic] tôi đi ngay. Lên tới trường Bưởi, tôi đã thấy rất nhiều những Tây con xen lẫn với các hàng quá rong vây kín cả hàng rào và tò mò nhìn vào trong. Tôi cũng dừng chân ở bên kia đường và nhìn sang. Bên những chiếc ô-tô Mỹ và Đức tôi đã thấy các người “Pháp mới” trong bộ quân phục Mỹ và hút thuốc lá Mỹ đi lại trong sân ngực ưỡn, đầu cao có vẻ anh hùng tệ. Và ở cổng trường hai người “Pháp mới” đứng canh với các khí giới Mỹ cũng tối tấn [sic]. Tôi hỏi bạn:

- Đâu, anh bảo họ khác nhau ở chỗ nào! họ cũng vẫn mặt mũi ấy tóc ấy và tiếng nói ấy.

Anh ta gắt đùa:

- Sao anh nóng ruột thế, anh cứ chịu khó nhận xét kỹ càng những y phục, dụng cụ và khí giới rồi chốc nữa anh đi lên cửa Đông xem người Pháp cũ rồi tôi sẽ xo xánh [sic] cho mà xem.

Một lát chúng tôi cùng nhau lên cửa Đông. Ở các gầm cầu xưa kia chỉ có các kẻ hành khất vào chú ngụ [sic] hoặc chỉ để những khách qua đường túng bí thì vào đấy phóng uế trộm, giờ đã thành những căn phòng bày biện đủ các đồ giải khát và quà bánh và trong phòng những mầu sắc lòe loẹt của các me xen lẫn những tiếng tình tự mà chỉ các người “Pháp cũ” đó mới hiểu nổi, mới chịu được. Ở đấy chưa đủ, bạn tôi kéo tôi đến một cái bãi ở gần cầu. Một lớp nhà lá, và sự huy hoàng làm cho người ta vừa cảm thấy cái đầm ấm và cả cái mát mẻ. Các người “Pháp cũ” sóng đôi với những tấm thân liễu yếu đào tơ. Tôi cảm thấy các người “Pháp cũ” có vẻ thân thiện và đoàn kết chặt chẽ với người Việt Nam hơn. Bạn tôi nói:

- Đấy anh xem cái không khí ở đây thần tiên có cổ xưa hơn ở trên trường Bưởi không? Đây này anh xem các người “Pháp cũ” cái gì của họ cũng cũ cả, quần áo là quần áo của nước “Pháp cũ” xửa [sic] lại còn các người “Pháp mới” kia họ đều có một cái vỏ Mỹ bao bọc ở ngoài, cái khác nhau là ở chỗ đó. Tôi chợt tỉnh ngộ và thâm cảm. Nhưng tôi nghĩ:

- Những người “Pháp cũ” có lẽ họ cảm thấy mình già rồi, không phải là thời của mình nữa nên họ cũng đâm ra lẩn thẩn và ưa cái thú nhà tranh vách nứa mộc mạc này. Họ thành ra những nhà ẩn sĩ cả và nhường lại cho những kẻ hậu sinh những người “Pháp mới” hành động.

Tuy vậy nhưng tôi rất lo - Bệnh "Pháp cũ" biết đâu chả là một bệnh truyền nhiễm. Mùa hạ sắp tới chưa thấy cái người "Pháp mới" làm cái gì hợp lý cả, ngộ nay mai gió Đông Nam thổi về Tây Bắc mang theo cái hạt bệnh "Pháp cũ" từ cửa Đông về trường Bưởi thì sao? Ngộ người "Pháp cũ" cứ sống mãi mà có một con muỗi phiêu lưu đã từng hút máu người "Pháp cũ" bay từ cửa Đông đến trường Bưởi tiêm hạt bệnh cho người "Pháp mới" thì sao? Thật là nhiều sự ngại.


(Việt Nam số 108, 27/3/1946)






Bài 5



Chàng lẩn thẩn đang thong dong dạo phố chơi, chợt bị một cán ô ngoằng vào cổ kéo trở lại. Thì ra có một ông già gọi chàng ta. Chàng ta lại lơ đãng, không nghe thấy, nên ông này phải chạy theo mà dùng cái cách khiếm nhã ấy. Chàng ta quay lại thì ông ta đã đứng nghiêm thở hổn hển và giơ nắm tay lên chào:

- Thưa đồng chí, yêu cầu đồng chí giải thích và phê bình cho tôi cái vấn đề này.

 Chàng lẩn thẩn vội vàng thưa:

- Vâng, đồng chí có vấn đề gì xin cứ hỏi.

Ông già gãi tai rồi nói:

- Khó nghĩ quá, chúng tôi vì lâu nay vẫn là dân ngu may nhờ Bình dân học vụ khai sáng cho, nên mới được biết đọc báo “Cứu Quốc”.

Ông ta rút tờ báo ở trong bọc ra đưa cho chàng Lẩn Thẩn và nói tiếp:

- Thưa đồng chí, chúng tôi thích đi xem cái trò này này (ông ta chỉ cái tranh của báo Cứu Quốc), nhưng không biết cái nước Nam kỳ ở về phương nào và đi đến nơi có phải có thông hành chứng minh không? Nhân tiện chúng tôi muốn xem người nước Nam kỳ ra làm sao? Chắc họ giống người Pháp, đồng chí nhỉ?

Chàng Lẩn thẩn xem cái tranh và thấy rằng bạn đồng nghiệp đã vô tình reo [sic] mầm chia rẽ mờ mịt cho dân chúng. Tại làm sao bạn đồng nghiệp lại gọi Nam bộ là “nước Nam kỳ” nhỉ?

Xưa kia bao nhiêu năm giời, chúng ta đã để cho người Pháp lợi dụng cái thành kiến lầm lẫn của chúng ta khiến chúng ta người cùng một nước một nòi giống mà thành ra thù ghét nhau. Tôi còn đau đớn khi vào trong Nam nghe thấy người ta nói: “Ở cái nước Bắc kỳ, họ lắm người khó chịu quá!” Rồi ở ngoài Bắc người ta coi Nam kỳ là một tân thế giới, đó là sự thực thường xảy ra trong ý nghĩ đám dân nghèo đã phải bán rẻ cái nhân công của mình cho các sở cao su.

Ngày nay người ta không nghĩ đến cái đau đớn ấy. Hằng ngày chúng ta vẫn được nghe đài phát thanh Sài-gòn thóa mạ người Bắc, tuy kẻ nói ra những câu ấy là người Bắc trăm phần trăm. Họ bảo “người Bắc đã vào Nam với chiếc va ly rách với cái mũ tàng rồi ra về với những dương [sic] đầy tiền bạc”.

Làng Lẩn thẩn rất lấy làm buồn phải nói mãi đến những kẻ vong bản này. Thử hỏi xem người Nam kỳ là giống nòi gì người Bắc kỳ là giống nòi gì, đất Bắc kỳ là đất của dân tộc nào gây dựng, đất Nam kỳ là đất của dân tộc nào gây dựng. Chẳng lẽ chàng Lẩn thẩn lại phải dạy các kẻ bán nước kia các điều sơ lược của sử ký địa dư hay sao. Cùng là người Việt cùng là đất nước Việt thì người sống ở đâu cũng thế, gây dựng cơ nghiệp của mình ở đâu mà không là làm giầu cho đất nước. Những kẻ xách những va ly tiền bạc kia ra Bắc, thì tiền bạc đó có làm hao hụt gì cho nước Việt Nam không hay chỉ là một cuộc vận dụng từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Còn những kẻ thực dân Pháp sang đây với cái tư cách bóc lột của chúng rồi ra về với mấy chục va li vàng bạc thì chắc là ân nhân của chúng [sic] đấy chăng?

Ngày nay muốn tránh khỏi những hành vi vô nghĩa lý có thể làm tổn thương đến tình đồng chủng, chúng ta chả bao giờ nên nói đến những cái gì đã làm tai hại cho sự toàn dân nhất trí. Những kẻ Việt gian không còn tư cách của nòi giống nữa, chúng nói như thế đã đành! Nhưng chàng Lẩn thẩn lấy làm buồn khi thấy chính bạn đồng nghiệp “Cứu Quốc” cũng không thoát khỏi được sự nhầm lẫn kia: Người Việt ở Nam có thể nghĩ được rằng bạn đồng nghiệp của chúng ta chỉ trích họ và cả đến ty kiểm duyệt kia, các người làm sao không lau lại kính để đọc cho rõ sự sai nhầm ấy?


(Việt Nam số 144, 10/5/1946)






Bài 6 


Chưa lần nào chàng Lẩn thẩn tuyên bố gì cả, mặc dầu chàng ta rất am hiểu thời cục vì tuyên bố cũng ngại nếu đúng thì là chuyện thường mà nếu không đúng thì là nói láo, vì thế mà chàng ta rất tiết tỉnh lời nói. Nhưng lần này chàng ta cũng xin tuyên bố một câu cho nó có tiếng tăm chứ. Chàng ta tuyên bố như sau này:

“Hỡi quốc dân đồng bào! Chính phủ của nước Nam kỳ vừa thành lập. Thưa quốc dân đồng bào đó là một trang lịch sử nhơ nhuốc cho nước Việt Nam nhưng may đấy chỉ là công việc của những tên côn đồ mà tiểu sử như sau này:

Nguyễn văn Thinh [dường như báo in sai thành “Thịnh”], nguyên đồ tể dưới thời Bao-công đã bôi tiết lợn vào mắt sư tử.

Nguyễn văn Xuân “ma cô” đã từng làm cái nghề… nghề khó nói, nếu [sic] được các bà quan thầy yêu cử lên chức trung tá. Hắn có mệnh danh là “Xuân tóc đỏ”.

Trần văn Tánh anh chị chợ Bến thành.

Nguyễn thành Lạp: trùm mõi cái gì cũng thu nạp hết.

Lưu văn Lang chó sói tu lâu đời thành hình người.

Bảo Toàn: chỉ chuyên môn bảo toàn cho các yêu tạ, yêu xích cù.

Nguyễn thành Vinh: Vinh vì nghề liếm gót giầy và cái gì của thực dân cũng khen thơm.

Nguyễn văn Tâm: quan ban đêm vào nhỏ ra to, vào với quan thày thì nhỏ và ra với dân thì to.

Phùng hữu Long: chùm [sic] bị gậy.

Đỗ văn Trà: chánh bồi phòng trà.

Nguyễn tấn Hùng: đầu bếp phụ trách việc đi chợ… Lớn.

Đấy quốc dân đồng bào cái chính phủ ghê gớm của nước Nam-kỳ. Có biết bao nhiêu là vĩ-nhân. Và vì có tính cách đặc biệt là làm vui cho các quan thực dân nên từ bài quốc ca đã là một bài hát có tính cách du dương rồi. Quốc dân đồng bào, nhưng vấn đề Nam-bộ hiện nay không phải là vấn đề quan trọng, trên báo Việt Nam số trước đã nói đến cái nước cờ sắp sửa thí quân của Pháp. Bọn người trên kia chỉ là một bọn sắp sửa đem ra để thí đấy.

Vấn đề cần hiện nay là cái nền độc lập của nước Việt-Nam, vấn đề luẩn quẩn của hai cái lồng liên bang Đông-dương và liên hiệp Pháp quốc. Nước Việt-Nam có một chính-phủ hoàn toàn độc lập thoát ra ngoài hai cái lồng ấy thì Nam bộ sẽ còn, nếu còn chựu [sic] ở trong hai cái lồng ấy thì có thêm Nam-bộ nữa cũng vẫn là mất tất cả. Về phần chúng ta thì thế còn về phần bọn Xuân, Thinh thì chúng đã vinh hiển rồi chúng đã mãn ý. Còn gì bằng từ chỗ là những thằng ma cà bông trí thức bỗng nhẩy lên tới địa vị các bộ trưởng cả vì thế mà chàng Lẩn thẩn cũng có một bài thơ mừng chúng chứ. Thơ rằng:

Rủ nhau một lũ làm quan,
Thằng thì có mắt, có gan, không đầu,
Thằng thì cũng tiếng mày râu,
Nhưng phường mặt ngựa, đầu trâu, tai lừa.
Thằng thì có bộ rằng bừa
Để nhai bí tết gân bò tây quăng.

Vân vân và còn nữa nhưng mà thôi, kéo dài ra nữa cũng vô ích. Chính-phủ của mình còn chưa có dịp nào để làm thơ mừng nữa là hơi đâu mà đi mừng chúng nhiều thế.


(Việt Nam số 165, 4/6/1946)






Bài 7


Cụ Hồ chủ tịch là một ông già má hóp có râu, đứng đắn, tinh thần kháng kiện, cụ rất ưa hôn hít các cháu nhỏ. Cụ nói rất ngọt ngào êm ái đôi lúc chúng ta có cảm tưởng như tiếng chim bạch yến hót và có lúc cần phải hùng thì cũng hùng dũng lắm, hùng như tiếng chim phượng hoàng vậy. Cụ là người rất tốt, rất sáng suốt, và quốc dân đồng bào hãy bình tĩnh dưới sự lãnh đạo của cụ chắc rằng câu sấm: “Bất chiến tự nhiên thành” lúc này phải ứng nghiệm.

Ông Nguyễn tường Tam là một trang thanh niên anh tuấn xuân xanh chạc [sic] ngoại tam tuần, râu ria hùng vĩ áo quần lôi thôi, ông ta lôi thôi vì lo quốc sự quá nhiều nên thường thường hay ốm tuy vậy ông ta rất tốt, sau cụ Hồ ông là người tốt thứ hai. Ông ta tốt mà lại hiền lành, hiền vì ông ta ốm yếu luôn, ông ta cũng chả ác được với ai. Đồng bào quốc dân hãy tin vào ông ta.

Ông Võ nguyên Giáp người tốt thứ ba và có thể kể là một thiếu niên tiền phong vì ông ta có vẻ trẻ và hăng hái hơn thiếu niên tiền phong nhiều. Nghe đâu cái sức khỏe của Võ Tòng và Lý Nguyên Bá đều chung đúc ở người ông Võ nguyên Giáp nên ông mới có cái tên ấy. Đồng bào quốc dân đừng lo và không ai phải làm gì cả cứ tin vào ông ta vì một mình ông đã địch nổi muôn muôn người.

Ông Trần huy Liệu người tốt thứ tư sức mạnh của cái lưỡi ông còn có thể gấp hai ông Giáp đó là cái lưỡi của Tô Tần Trương Nghi chung đúc nên. Đồng bào quốc dân hãy tin vào tài của ông, một lời nói có thể mạnh hơn bốn ngựa. Phương ngôn đã có câu: Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy (xin đồng bào hiểu nghĩa đen cho). Câu phương ngôn ấy là câu sấm về ông Liệu.

Các người “Pháp mới” đến đất Việt Nam cũng tốt và đã mang lại cho chúng ta bao nhiêu cái mới lạ: Nước Nam-kỳ, ty Liên kiểm, thật là hay tuyệt, tốt tuyệt.

Úi chà! nước Việt nhà ta phe này đình huỳnh lắm, đủ mọi thứ tự do bình đẳng và một trăm thứ tốt, ty Công an tốt, ty Liêm phóng tốt, Ủy ban hành chính tốt, Ủy ban tư pháp tốt, tốt hết cả, cái gì cũng tốt, tốt hơn cả các xe ô tô tốt nhất đời bây giờ.

Cả chàng Lẩn Thẩn lúc viết bài này cũng tốt lắm. Viết như thế này mới đúng sự thực và không làm phật lòng ai, và nhất là không bị kiểm duyệt bỏ.


(Việt Nam số 181, 23/6/1946)








NB. Cá tan (André Breton) vẫn tiếp tục



Biến mất, trở lại và ý nghĩa (1)
Trở lại với Khái Hưng
Khái Hưng Nguyễn Tuân
Đoạn cuối của Khái Hưng
Khái Hưng vs Phạm Quỳnh
Khái Hưng viết về Hồ Hữu Tường
Văn chương miền Nam: Hồ Hữu Tường (2) Hà Nội
Khái Hưng dịch thơ Victor Hugo
Ngày 19 tháng Chạp năm 1946
Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính
những trở lại
Khái Hưng ngoài Phong hóaNgày nay
Vòng tròn Dương Nghiễm Mậu
Lan Hữu trở lại
Tiểu luận thứ ba về Tự Lực văn đoàn
Tự Lực: một sự nghiệp tuyệt đẹp
Tiểu luận thứ hai về Tự Lực văn đoàn

Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn
Đã
Lên, lên nữa, lên mãi
Vàng và máu: một vị trí
Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Khái Hưng vs Nguyễn Tuân
Khái Hưng
Những câu chuyện rất là khác


4 comments:

  1. tiếp tục (và bắt đầu thực sự đi vào chủ đề "Hà Nội")

    ReplyDelete
  2. tuyệt! "Hỡi quốc dân đồng bào ..." ngày tự do ngắn chẳng tày gang. cũng phải ngả mũ cái đám đã giỏi đầu cơ ngọn sóng "bầu máu nóng" ấy mà surfing đến tận

    ReplyDelete
  3. I'm pretty pleased to uncover this great site. I need to to
    thank you for ones time just for this fantastic read!!
    I definitely loved every little bit of it
    and I have you saved as a favorite to check out new information on your
    web site.

    ReplyDelete
  4. Cũng thử "đi xa đến tận mức của tàn nhẫn": Nếu Khái Hưng chẳng có giây phút nào tin vào giá trị những gì mà người Việt Nam viết tiếng của ngoại bang tạo ra ở thời được coi là Pháp thuộc kia thì ta có nên tin vào những giá trị mà người Việt Nam viết tiếng của dân tộc tạo ra ở thời được coi là độc lập này? Tiếng nói, chữ viết luôn tạo ra sự phân hóa "văn minh"?

    ReplyDelete