Apr 1, 2024

Henry James, Junior

(tiếp tục "Mai", "RB", "thú dữ", "parapluie""haimươinăm")


Vừa trở thành tác giả của bình luận mới nhất về văn chương Henry James, Công Hiện đã dịch một trong những bình luận sớm nhất, niên đại 1882.


Và tác giả của lời bình luận ấy không phải là một nhân vật ất ơ: William Dean Howells là một trong ba nhà văn Mỹ lớn nhất, theo William Stanley Braithwaite, nhà phê bình nổi tiếng, người viết một bình luận dài ngay sau khi Henry James qua đời, vào lúc ở Mỹ người ta còn chưa thực sự coi trọng James: ba nhà văn ấy là Howells, Hawthorne và - tất nhiên - James.

W. D. Howells là một trong những nhân vật văn chương quan trọng nhất của giai đoạn từ Nội chiến đến Thế chiến thứ nhất, ở Mỹ. Tầm ảnh hưởng của Howells là rất lớn, nhất là khi đấy lại còn là yếu nhân của một tờ tạp chí, Atlantic Monthly (mà kể cả những ai không thực sự quá rành văn chương Mỹ cũng có cơ biết, vì nó có vai trò rất lớn đối với nhiều người, chẳng hạn Mark Twain). Ở vị trí editor, Howells đã rất tán thưởng James và trở thành một trong những nhân vật giúp James rất nhiều trong việc xác lập vị thế, ở quãng thời gian đầu.

Một nhân vật khác có vai trò rất tương tự, và tương tự cho tới tận cái tên: James Russell Lowell. Đây thì lại là yếu nhân của một tờ tạp chí khác, North American Review. Ta cần phải nhớ, các tờ tạp chí rất quan trọng với James, nhất là vào đoạn đầu. Lowell còn có ở bên cạnh mình, tại tờ báo, một nhân vật mang cái tên lừng danh hơn: Charles Eliot Norton.

Niên đại essay của Howells: 1882 (đăng The Century Illustrated Monthly Magazine); trước đó gần chục năm, Howells cũng đã bình luận văn chương Henry James khi tập The Passionate Pilgrim and Other Tales vừa in. Sở dĩ Henry James được gọi là "Henry James, Jr." là vì bố của James (cùng tên "Henry James") cũng là một tác giả, chẳng phải là không được biết tới vào thời của mình. Nhờ ông bố mà James quen với, chẳng hạn, Emerson - từng có lần Emerson sang Paris trong lúc James đang ở đó, James trở thành người dẫn Emerson đi các viện bảo tàng tại đây và ngấm ngầm cười cách đánh giá nghệ thuật của Emerson; dẫu vậy, James hết sức kính trọng Emerson.



Henry James, Jr.

William Dean Howells


Các sự kiện trong đời của Mr. James theo như cách chúng ta vẫn hiểu về các sự kiện có thể được kể bằng rất ít từ. Ông mang dòng máu Ireland về phía cha và Scotland về phía mẹ, người nào thích khái quát hóa có thể, nếu muốn, căn cứ vào huyết thống hòa trộn ấy mà giải thích hợp nhất của cách biểu đạt sắc sảo và lối phân tích thản nhiên đã là nét đặc trưng cho tác phẩm của ông, ngay từ đầu. Chẳng cuộc đấu tranh từ sớm với nghèo đói nào, thứ khiến cho cuộc đời của biết bao nhiêu người Mỹ xuất chúng trở nên thật nhàm chán, được ghi nhận ở trường hợp của ông: ngọn lửa nơi căn nhà gỗ không soi tỏ cho ông trong cuộc truy đuổi văn chương hồi trẻ; ngay từ đầu ông đã mang tất tật các lợi thế, chúng, khi được đẩy đi quá xa, trở thành những giới hạn.

 

Ông được sinh ra tại thành phố New York năm 1843, và những bài học đầu tiên của ông trong cuộc đời và trong văn chương là những gì tốt nhất mà đại đô thị ấy quá nhỏ trong phối cảnh ngày càng thu hẹp ở thời điểm đó có thể cung cấp được. Năm ông mười hai tuổigia đình ông ra nước ngoài, và sau khi dừng ở Anh ít lâu, lưu trú một thời gian dài ở Pháp và Thụy Sĩ. Họ trở lại Mỹ năm 1860, cư ngụ tại Newport, và trong một hoặc hai năm Mr. James đã theo học tại trường Luật Harvard, tuy vậy, có lẽ ông không nghiên cứu nhiều về luật. Cha của ông chuyển từ Newport đến Cambridge năm 1866, và Mr. James ở lại đây cho đến khi ông ra nước ngoài, ba năm sau đó, để cư trú ở Anh và Ý, nơi ông ở lại kể từ đó và hiếm khi trở về thăm quê nhà.


Chính trong quãng ba năm ông ở Cambridge tôi đã biết đến tác phẩm của ông. Ông đã cho in một truyện “The Story of a Year” trên tờ Atlantic Monthly, khi tôi được đề nghị làm trợ lý cho Mr. Fields trong ban biên tập, và tôi thật may mắn khi được đọc bản thảo thứ hai Mr. James đóng góp cho tờ báo. “Có chọn nó không?” sếp tôi hỏi. “Có, và tất tật các truyện mà anh có thể nhận được từ tác giả.” Người ta chắc chắn về quyết định của mình ở tuổi hai mươi chín hơn là bốn mươi lăm; nhưng nếu đây là một sai lầm thì tôi chưa đủ già để thấy tiếc. Câu chuyện có tên “Poor Richard”và nó đề cập đến ý thức của một anh chàng yêu say đắm một phụ nữ, nàng lại yêu tình địch của anh ta. Anh ta nói dối gã tình địch, khiến hắn đi đến chỗ bỏ mạng trên chiến trường vào thời đó hầu như mọi nhân vật hư cấu đều mắc míu tới chiến tranh nhưng lời nói dối của Richard tội nghiệp không khiến anh ta có được tình yêu. Đến giờ tôi vẫn thấy, dường tình thế ấy đã được cảm nhận rất mạnh và tinh tế. Sự thương hại của độc giả lẽ ra nên ngả về kẻ nói dối; nhưng toàn bộ câu chuyện để lại một sự thống thiết còn nán lại trong tâm trí tôi cũng lâu như cảm giác về những phẩm chất văn chương mới khiến tôi rất thích nó. Tôi ngưỡng mộ, như chúng ta hẳn phải ngưỡng mộ tất tật những gì Mr. James đã viết, mà tài khéo điêu luyện không làm mất đi sức mãnh liệt; cách sử dụng từ ngữ sáng sủa và khác thường, phong cách trong trẻo và tuyệt đẹp xuyên suốt, với phong cách ấy tôi phải thừa nhận rằng mình ít nhiều có cảm tình hơn so với lối đặc Pháp thỉnh thoảng còn sót lại do thói quen bám rễ từ lâu của văn chương Pháp. Những ai biết các tác phẩm của Mr. Henry James Cha sẽ nhận ra những diễn đạt hết sức thỏa đáng được thừa hưởng trong cách chọn từ, điều rất nổi bật trong các tác phẩm của Mr. Henry James Con. Cách dùng từ của người con không quá sắc sảo như của người cha; nó kém táo bạo hơn, nhưng cũng dồi dào và sinh động như thế; và tôi không thể khen ngợi nhiều hơn điều này, rằng tuy thế nó lại mang, khi ông muốn, một vẻ lộng lẫy và tráng lệ hoàn toàn là của riêng nó.


Giờ đây Mr. James được công nhận quá rộng rãi thành thử có vẻ như tôi đang đưa ra một xác nhận không chính đáng khi bày tỏ một điều tin chắc rằng những câu chuyện vô cùng nổi tiếng ông viết đã từng hầu hết chỉ được biết đến bởi trợ lý của Mr. Fields. Chúng mang những đặc điểm có thể cấm bất kỳ người biên tập nào khước từ chúng; và chẳng có những giai thoại thuộc dạng bản thảo từng bị từ chối tới ba lần trước khi được in để kể về ông; tác phẩm của ông ngay lập tức thành công trên mọi tạp chí. Nhưng với độc giả của tờ The AtlanticHarper’sLippincott’sThe GalaxyThe Century, thì lại là chuyện khác. Hương vị quá lạ lùng, đến mức, hiếm có trường hợp ngoại lệ, họ phải “học cách thích” nó. Có lẽ không mấy nhà văn nào thúc ép sự yêu mến từ độc giả nhiều đến vậy. Ông được chấp nhận đầy miễn cưỡng, phần là do hiểu sai về thái độ của ông bởi sự lẫn lộn giữa điểm quan sát của ông và ý kiến cá nhân của ông nơi tâm trí độc giả. Sự nhầm lẫn này gây ra những giọt nước mắt giận dữ thấm ướt lục địa của chúng ta nhân danh “cô gái Mỹ bình thường” được cho là bị châm biếm qua Daisy Miller, và ngăn cản việc nhìn thấy sự thật rằng, cho đến nay cô gái Mỹ bình thường vẫn hoàn toàn được nghiên cứu từ Daisy Miller, sự ngây thơ bất diệt của nàng, tính trần tục mới mẻ không thể bác bỏ của nàng, chưa bao giờ được hiểu rõ đến mức tinh vi như vậy. Rõ ràng Mr. James không thích những tình cảnh tầm thường của nàng, đến nỗi chính những người được ông hé lộ tinh chất ngọt ngào và tươi sáng của nàng đều tức giận vì lẽ ông dường chẳng hiểu rõ những gì tồn tại bởi tay ông. Nói cách khác, họ hẳn sẽ thích ông hơn nếu ông là một nghệ sĩ tồi hơn nếu ông kín đáo hơn một chút.

 

Nhưng sự bất thiên ái của nghệ thuậtthứ khiến phần lớn người ta bối rối trước Daisy Millerlại là một trong các phẩm chất có giá trị nhất trong mắt những ai quan tâm đến cách mọi thứ được thực hiện, và tôi không chắc đó có phải là phẩm chất đặc trưng nhất của Mr. James hay không. Vì “sương giá bày ra hiệu ứng của lửa”, sự bất thiên ái này rốt cuộc cũng đưa đến kết quả tương tự như lòng trắc ẩn. Chúng ta có thể khá chắc rằng Mr. James không thích cái giai đoạn kỳ dị của nền văn minh chúng ta sống được điển hình hóa với Henrietta Stackpole; nhưng ông đối xử với nhân vật này một cách tuyệt đối công bằng đến nỗi khiến chúng ta thích cô ấy. Đó là một trường hợp cá biệt, nhưng tôi tự tin đưa ra bằng chứng cho nó.

 

Sự bất thiên ái của ông là một phần của sự dè dặt có mặt trong hầu hết mọi việc ông làm, và điều này thoạt nhìn qua khiến chúng ta dễ cho rằng ông thiếu sự hài hước. Nhưng tôi cảm thấy khá chắc rằng Mr. James không thể nào tự tước bỏ quyền thừa kế của mình tới mức ấy. Người Mỹ chúng ta thường nghiêm túc ghê gớm về việc lập dựng cho bản thân, cá nhân cũng như tập thể; nhưng tôi ngờ rằng cái cảm hứng đang thịnh hành đó của chúng ta khi đối mặt với mọi vấn đề chính là một niềm tin quá chắc chắn đến mức có thể trở nên buồn cười. Chính ông đã chỉ ra rằng chúng ta, như một quốc gia, như một dân tộc, có lời nói đùa của riêng mình, và mỗi người chúng ta ít nhiều đều có phần trong lời nói đùa ấy. Một số người trong chúng ta có thể cực kỳ không thích nó, hoàn toàn phản đối nó, và thậm chí căm ghét nó, nhưng chúng ta đều ở trong trò đùa và không kẻ nào trong chúng ta được tha khỏi việc trở thành kẻ khôi hài Mỹ vĩ đại vào bất cứ lúc nào. Mối nguy không thấy rõ được ở trường hợp của Mr. James, và tôi thừa nhận rằng tôi đã đọc ông với một cảm giác nhẹ nhõm trong sự miễn nhiễm tương đối của ông trước cái khôi hài quốc dân. Nhiều nhân vật của ông được tưởng tượng ra đầy hài hước, hay đúng hơn là được NHÌN THẤY một cách hài hước, như bà mẹ của Daisy Miller, nhưng những người này không định màu chủ đạo; đỉnh điểm của câu chuyện thường là nghiêm trọng, và những nhân vật hài ấy chỉ đóng vai phụ. Tuy vậy, họ rất đông, và nhiều người trong số đó là các phát hiện mới toanh, như Mr. Tristram trong Một người Mỹ, ông bố trả hóa đơn trong “Pension Beaurepas, bà mẹ Âu hóa với đầy lo âu trong cùng câu chuyện, Madame de Belgarde nhỏ bé vui tính, Henrietta Stackpole, và ngay cả chính Newman [nhân vật chính của Một người Mỹ]. Nhưng dù Mr. James miêu tả cái hài của nhân vật, ông lại dứt khoát không chọc cười độc giả; đúng hơn là ông phớt lờ chứ không công nhận rằng sự thật là cả hai đều ở trong trò đùa.

 

Nếu chúng ta muốn hiểu ông hoàn toàn thì chúng ta phải hiểu ông trong địa hạt của ông, vì rõ ràng ông sẽ chẳng chiều theo chúng ta. Chúng ta phải nhượng bộ ông, không chỉ trong khía cạnh này, mà còn ở nhiều thứ khác, trong đó phần chủ yếu là động lực của việc đọc tiểu thuyết hư cấu. Chẳng hạn, ít ra, ông bảo rằng chính việc theo đuổi chứ không phải kết cục mới đem lại niềm vui cho chúng ta; bởi ông thường thích để chúng ta tự phỏng đoán về số phận các nhân vật mà ông đã khiến chúng ta quan tâm. Chẳng phải là vấn đề, đương nhiên, nhưng ông hoàn toàn có thể kể kết cục của Isabel trong Vẽ một phụ nữ, và ông không kể. Chúng ta phải bằng lòng, bởi vậy, với việc nắm lấy những gì có vẻ là một mảnh thay vì toàn bộ, và tìm, khi chúng ta có thể, một cái tên cho thể loại tiểu thuyết mới này. Hiển nhiên chính tính cách, chứ không phải số phận, của những nhân vật ấy mới là thứ khiến ông bận rộn; khi đã phát triển đầy đủ tính cách của họ ông bỏ họ lại cho số phận nào mà độc giả thích.

 

Khuynh hướng phân tích dường như tăng lên theo đà công việc của ông. Một số truyện thời đầu rất kịch tính: “A Passionate Pilgrim”mà tôi xếp trên mọi truyện ngắn khác của ông, chắc chắn mang vô vàn những phẩm chất thơ ca, hơn tất tật những gì khác ông từng viết, là một truyện cực kỳ kịch tính. Nhưng tôi không tìm thấy cái mà tôi gọi là kịch tính trong Vẽ một phụ nữ, trong khi lại tìm thấy ở đó một lượng phân tích mà hẳn tôi đã cho là quá mức thừa thãi nếu như tất tật chúng không mang phẩm chất văn chương tuyệt diệu như thế. Công việc chính của tiểu thuyết gia là làm cho độc giả của anh ta có một quan niệm đúng về các nhân vật của anh ta và những tình thế nơi họ được đặt vào. Nếu tiểu thuyết gia làm nhiều hoặc ít hơn mức này thì anh ta đều thất bại như nhau. Đôi khi tôi nghĩ rằng nguy cơ ở Mr. James là làm nhiều hơn, nhưng khi tôi chuẩn bị tuyên bố sự quá đà này là một lỗi trong cách làm của ông thì tôi lại do dự. Có điều gì thừa thãi lại gây cho tôi nhiều niềm vui đến thế khi đọc? Hẳn là chỉ từ một quan điểm, lại còn khá hẹp và mang tính chuyên môn. Đối với tôi, có vẻ như một nhà phê bình sáng suốt sẽ nhận ra trong tiểu thuyết của Mr. James một thiên tài có tính cách siêu hình học làm việc hướng đến những kết quả mang tính thẩm mỹ, và sẽ không sẵn sàng chối bỏ bất kỳ phương pháp nào đã chọn để sử dụng. Không nhiều tiểu thuyết gia, trừ George Eliot, dấn sâu vào việc phân tích động cơ, giải thích và bình luận đầy đủ như vậy về nguồn cơn của hành động nơi các nhân vật của vở kịch, cả trước và sau khi nó diễn ra. Hai tiểu thuyết gia này giống nhau hơn bất kỳ ai khác trong quá trình làm việc của họ, nhưng ở George Eliot một mục đích luân lý là chủ đạo, còn ở Mr. James lại là mục đích nghệ thuật. Tôi không biết nên nói như thế nào về hai mẫu tính cách cao quý và hào phóng tương ứng với Dorothea và Isabel Archer, nhưng tôi cho rằng chúng ta có cảm tình với người thứ nhất bởi những dự đồ lớn chủ yếu quan tâm đến tha nhân, và với người thứ hai bởi những mơ mộng tuyệt đẹp chủ yếu liên quan đến chính bản thân nàng. Cả hai đều là những phụ nữ không ích kỷ và tận tụy, hết mực chân thành với một lý tưởng sai trong cuộc hôn nhân của họ; nhưng, dù cùng hướng đến việc tử vì đạo như nhau, sự khác biệt nguyên thủy giữa hai người vẫn còn đó. Isabel có những điểm yếu lớn, giống như Dorothea, nhưng đối với tôi, về tổng thể họ là những phụ nữ được tưởng tượng ra theo lối cao quý nhất và mang những ý định cao quý nhất trong tiểu thuyết hiện đại; và tôi nghĩ Isabel là nhân vật được thánh hóa tế nhị hơn trong hai người. Nếu như chỉ nói về mô tả tính cách, chúng ta không thể không thừa nhận sự hoàn hảo của Gilbert Osmond. Thật là một đòn thâm thúy khi để cho anh ta mang quốc tịch Mỹ. Không người châu Âu nào có thể hiện thực hóa được đầy đủ, trong cuộc đời mìnhlý tưởng về một tài tử châu Âu theo đúng nghĩa của cái từ rẻ tiền ấy; vì không người châu Âu nào có thể cảm thấy được một cách vô cùng sâu sắc và tế nhị sự ngọt ngào và vẻ đáng yêu của nước Anh trong quá khứ giống như một người Mỹ ốm yếu, Searle, trong “The Passionate Pilgrim”.

 

Thứ được gọi là tiểu thuyết quốc tế bắt đầu trở nên phổ biến từ khi “Daisy Miller” được xuất bản, dù Roderick Hudson và Một người Mỹ đã xuất hiện từ trước; nhưng nó thực sự bắt đầu từ câu chuyện tuyệt đẹp mà tôi vừa nhắc. Mr. James, người phát minh ra thể loại tiểu thuyết này, lần đầu tiên đã làm nổi lên sự tương phản trong “Passionate Pilgrim” giữa những tâm trạng, lý tưởng, thành kiến của Thế giới Mới và Thế giới Cũvà ông đã làm việc ấy với một sự dồi dào của chất thơ kể từ đó không bao giờ còn lặp lại. Tôi thú thật rằng mình tiếc nuối việc mất đi chất thơ ấy, nhưng bạn không thể đòi một người cứ làm thơ mãi cho bạn; thật khó cho ông để lựa chọn; tuy vậy tôi cũng tự bất mãn với chính mình khi so sánh những nhân vật đầy say mê như Searle hay họa sĩ trong “The Madonna of the Future” với “Daisy Miller”người mà nơi tính cách nghèo nàn, hời hợt của nàng tôi cảm thấy một nét quyến rũ khó tả, và ở bi kịch của sự ngây thơ ấy tôi nhận ra những cảm xúc hết sức tinh tế. Nhìn lại những truyện đầu tiên, khi Mr. James đứng trước hai lối rẽ của cái mới và cái lãng mạn, đôi lúc tôi thấy tiếc rằng ông đã chọn ngay cái mới chẳng chút đắn đo [từ được dùng ở đây nhiều hàm ý: novelvà romance]. Đối với tôi, những nỗ lực tốt nhất của ông là về phía lãng mạn; những mẫu điển hình nhất của ông có một sự phát triển lý tưởng, như Isabel, Claire Belgarde [Một người Mỹ], Bessy Alden [An International Episode], Daisy tội nghiệp, và cả Newman. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, ông đã lựa chọn đầy khôn ngoan; có lẽ lãng mạn là một hình thức đã lỗi thời và sẽ không thích hợp với cái lý tưởng của cuộc sống hiện đại. Chính tôi phần nào cũng thấy dao động trong sở thích của mình giả như đó là một sở thích khi tôi nghĩ về những người như Lord Warburton và những người nhà Touchett, mà tôi cho là hoàn toàn thuộc về thế giới này. Lord Warburton đặc biệt khiến tôi quan tâm như một kiểu quý tộc Anh điển hình, họ chấp nhận đầy hòa nhã tình thế hiện tại với tất cả mọi khả năng thay đổi chính trị và xã hội của nó, chẳng hề khăng khăng bám chặt vào chế độ phong kiến còn sót lại, mà nhất quyết là một quý ông nam tính và đơn giản trong mọi hoàn cảnh. Một người Mỹ không thể tuyên bố chắc chắn về mẫu người có thật ấy; tôi chỉ biết rằng điều đó là có khả năng và như thế thì thật quyến rũ. Người ta mong rằng theo cách của mình Mr. James sẽ vẽ lên trong câu chuyện nào đó trình hiện về giai đoạn của biến chuyển hiện thời ở nước Anh. Một nhân vật có tước hiệu vẫn luôn luôn là một tồn tại không thể tưởng tược được với chúng ta [người Mỹ]; anh ta giống như một con yêu tinh hay một nàng tiên cổ tích. Anh ta xử sự thế nào khi đối mặt với tất tật những biến đổi hay sự mất nghĩa đã xảy ra hoặc vẫn đang lơ lửng? Chúng ta khó mà tưởng tượng được một lord xem sự quý phái của mình là nghiêm túc; đó là một số gợi ý về cái khuôn ước định trong tâm trí của Lord Warburton nhờ đó anh ta trở nên có thể tưởng tượng và thú vị đối với chúng ta.

 

Mục đích của tôi không phải là bình luận bất kỳ cuốn sách nào của Mr. James; tôi thích nói về các nhân vật của ông hơn là phẩm chất các tiểu thuyết của ông, và tôi muốn nhận ra nét tinh tế mà ông đã gán thêm vào cho vẻ xinh xắn đoan trang của con gái Osmond và lòng tận tụy dịu dàng của Mr. Rosier. Bàn tay bậc thầy thường được biểu lộ trong việc xử lý những nhân vật phụ theo cùng một nguyên tắc như đối với các nhân vật chính, và Mr. James đã làm được việc đó một cách chính xác. Điều này cảm thấy rõ hơn cả ở tính cách của Valentin Belgarde [Một người Mỹ], một tính cách làm mê hoặc dẫu những khiếm khuyết của nó có lẽ chính do chúng và giống như một Lord Warburton của Pháp, nhưng hóm hỉnh hơn, và không quá hoàn hảo. “Đó là những ý tưởng của tôi,” chị dâu của anh nói, sau một tràng những thứ vớ vẩn. “À, chị gọi chúng là ý tưởng!” anh đáp lại, điều này thật thú và khiến bạn yêu anh ta. Cả anh ta cũng có những lúc nghi ngờ, có vẻ như là về sự quý phái của mình, và việc anh ta chấp nhận Newman dựa trên cơ sở thứ gì đó như là “tán thành nhân cách” thì thật hấp dẫn. Đương nhiên rất khó để một người bình dân ở xa đến có thể xác minh được chân tướng những người phò chính thống thuộc giới giao tế trong Một người Mỹ, nhưng ở đó có gợi ý về các tình thế và các nguyên tắc, và sự thiếu vắng các nguyên tắc, mà chúng ta thoáng lướt qua trong những chuyến đi nước ngoài; dù sao đi nữa, chúng tiết lộ một thế giới khác và không phải là bất khả, và thật tuyệt khi Newman khám phá ra rằng những ý kiến hay những lời chỉ trích của thế giới chúng ta là hoàn toàn vô giá trị trong tầng cầu ấy thành thử sự biết của anh về cái tội ác đầy ô nhục của bà mẹ và anh trai vị hôn thê chẳng hề tác động mảy may lên họ trong vòng tròn của chính họ giả như anh có làm nổ tung nó ở đó. Điều này thực sự giống với tầng lớp quý tộc! và người ta ngưỡng mộ, thậm chí kính trọng, sự tồn tại của nó trong thời đại chúng ta. Nhưng tôi luôn luôn tiếc rằng khám phá của Newman dường như là điềm báo trước cho quyết tâm cao cả của anh, không trả thù; nó làm yếu đi ảnh hưởng của việc này, mà thực ra nó chẳng hề liên can. Tuy vậy, về tổng thể, Newman là một đại diện đầy đủ và thỏa đáng cho phong cách Mỹ, với khát vọng lớn về hôn nhân của anh, bản chất quảng đại của anh, cảm quan thông suốt tuyệt vời và cảm giác đúng của anh. Hẳn phải rất khó làm hài lòng nếu như chúng ta không hài lòng với anh. Anh không phải là “người Mỹ có học thức”, kẻ thỉnh thoảng cứu chuộc chúng ta trong mắt người châu Âu; nhưng không nghi ngờ gì nữa anh mang tính dân tộc nhiều hơn, và có thể thấy rằng những đàn ông và phụ nữ đồng hương thật thà của anh luôn luôn đi rất xa dưới tay Mr. James; đó là kiểu Âu hóa giống như cô bé người Boston hay chỉ trích trong “Bundle of Letters”các quý bà bị choáng trước Daisy Miller, bà mẹ trong “Pension Beaurepas”người ở bất cứ đâu cũng cố trở thành dân bản địa, Madame Merle và Gilbert Osmond, Miss Light và mẹ của cô [Roderick Hudson], người có lý do để phàn nàn nếu như ai đó khơi ra nó trước. Rõ ràng Mr. James không có ý châm biếm những người Mỹ ấy, nhưng thật thú vị khi nhận thấy cách họ đã gây ấn tượng với một người quan sát nhạy bén. Chúng ta [người Mỹ] chắc chắn không được phép thích họ, và bằng cách nào đó mà chúng ta dành một chỗ trong tình cảm của mình đối với những người châu Âu tốt đẹp của ông. Nhân tiện, có một điều lạ lùng nho nhỏ, rằng trong tất cả những bài báo nói về Mr. James và vẫn chưa dừng lại quyền năng của ông trong việc làm xiêu lòng độc giả trước những nhân vật của ông rất hiếm khi được bình luận. Có lẽ đó là vì ông không đưa ra lời kháng cáo nào rõ ràng cho họ; nhưng người ta thích những đàn ông như Lord Warburton, Newman, Valentin, người em trai nghệ sĩ trong Những người châu Âu, và Ralph Touchett, và những phụ nữ như Isabel, Claire Belgarde, Mrs. Tristram, và vài người khác nữa, mà lòng tận tâm là một trong những bằng chứng cho sức sống của họ. Điều này xuất hiện thông qua những phẩm chất của riêng họ, và không bị ảnh hưởng bởi những lời bóng gió hay bởi những âu yếm thẳng thừng, giống như chúng ta luôn luôn thấy ở Dickens và quá thường xuyên ở Thackeray.

 

Nghệ thuật tiểu thuyết, thực vậy, trở thành một loại hình nghệ thuật tinh tế hơn ở thời đại chúng ta so với thời Dickens và Thackeray. Giờ đây chúng ta không còn có thể chịu được thái độ mập mờ của người sau, cũng như thói kiểu cách của người trước, cũng như chúng ta không thể chịu đựng được nữa sự dông dài của Richardson hay cái thô thiển của Fielding. Những con người vĩ đại ấy đã thuộc về quá khứ họ và phương pháp cũng như những mối quan tâm của họ; ngay cả Trollope và Reade cũng không thuộc về hiện tại. Trường phái mới bắt nguồn từ Hawthorne và George Eliot hơn là từ bất kỳ ai khác; nhưng nó nghiên cứu bản chất con người nhiều hơn trong các khía cạnh quen thuộc của nó, và tìm thấy những ví dụ về đạo đức hay sự kịch tính của nó trong sự vận hành những động cơ nhẹ hơn nhưng không thực sự kém thiết yếu hơn. Sự tai biến làm mủi lòng chắc chắn không phải là việc của nó; và nó muốn tránh mọi thảm họa khốc liệt. Nó chịu ảnh hưởng lớn bởi tiểu thuyết Pháp về hình thức; nhưng chính là thực tại luận của Daudet chứ không phải thực tại luận của Zola mới chiếm ưu thế ở đó, và nó có linh hồn riêng của mình, thứ vượt lên trên công việc ghi lại hành động theo đuổi hung bạo một phụ nữ bởi một người đàn ông, đó dường như là mục đích chính của tiểu thuyết gia người Pháp. Trường phái này, phần lớn hướng về tương lai cũng như hiện tại, tìm thấy hình mẫu lớn của nó nơi Mr. James; chính ông là người đang định hình và chỉ lối cho tiểu thuyết Mỹ, ít nhất là vậy. Tham vọng của những nhà văn trẻ là viết được giống như ông; ông có những người noi theo dễ nhận biết hơn cả so với bất kỳ tiểu thuyết gia Anh ngữ nào khác. Cho đến giờ ông có còn kiểm soát được những người chịu ảnh hưởng này để quyết định bản tính của tiểu thuyết hay khôngchúng ta còn phải chờ xem. Liệu độc giả có bằng lòng chấp nhận một cuốn tiểu thuyết mang tính nghiên cứu phân tích hơn là một câu chuyện, thứ có khả năng đặt ông trước tòa án của số phận dành cho những sáng tạo của tác giả? Liệu ông vẫn tìm thấy giọng riêng của ông với mối quan tâm không suy giảm trước sự phát triển của chúng? Sự nổi tiếng ngày càng tăng thêm của Mr. James dường như cho thấy việc này có thể xảy ra; nhưng những người bắt chước Mr. James sẽ có rất nhiều chuyện để làm với kết quả cuối cùng.

 

Trong khi đó chẳng có gì là ngạc nhiên khi ông có những người bắt chước mình. Dù tìm thấy bất cứ ngoại lệ nào về phương pháp hay kết quả của ông, chúng ta không thể phủ nhận ông là một thiên tài văn chương vĩ đại. Đối với tôi có một niềm vui thường hằng trong cách ông nói về mọi thứ, và tôi không thấy ngạc nhiên khi những người trẻ tuổi cố gắng nắm bắt xảo thuật ấy. Điều sẽ làm họ thất vọng là đó không phải một xảo thuật, mà là một đức hạnh cố hữu. Phong cách của ông, về tổng thể, tuyệt hơn bất kỳ tiểu thuyết gia nào khác mà tôi biết; lúc nào nó cũng rất dễ dàng, mà không trở nên tầm thường, và nó thường nghiêm trang, nhưng không cứng đờ; nó mang lại một nét quyến rũ cho mọi thứ ông viết; và ông đã viết rất nhiều theo vô vàn hướng khác nhau, thành ra chúng ta hẳn sẽ đánh giá ông rất không thỏa đáng nếu chỉ xem ông như một tiểu thuyết gia. Quyển sách phác họa những người châu Âu của ông phải xếp ông vào hàng những du khách sáng suốt và dễ chịu nhất; và nó có thể được bổ sung thích đáng từ những bài báo chưa được sưu tầm của ông với một tập phác thảo về những người Mỹ. Trong những bài tiểu luận về các nhà văn hiện đại Pháp ông chỉ ra phạm vi phê bình và khả năng nắm bắt của mình; nhưng ông không đi xa hơn, dù những phê bình của ông trên The Atlantic và The Nation và những nơi khác có thể cho thấy rất nhiều.

 

Quả thật có nhiều người nhất định cho rằng phê bình là thiên chức đích thực của ông, và không thể kiên nhẫn với sự tận tụy của ông dành cho tiểu thuyết; nhưng tôi ngờ rằng những người ngưỡng mộ này đã nhầm. Ông không phải một tiểu thuyết gia theo lối cũ, hay theo bất kỳ lối nào khác ngoài chính ông; tuy vậy từ khi ông rốt cuộc đã trở nên phổ biến với cách kể chuyện của riêng ông hoặc gọi đó là vẽ nhân vật nếu bạn thích phải thừa nhận rằng ông đã chọn điều tốt nhất cho bản thân ông và cho độc giả của ông khi chọn hình thức của tiểu thuyết cho những gì ông phải nói. Trên tất cả, chính cái điều mà một nhà văn phải nói hơn là phải kể mới là thứ chúng ta quan tâm ngày nay. Bằng cách này hay cách khác mọi câu chuyện đều đã được kể từ lâu; và giờ chúng ta chỉ muốn biết tiểu thuyết gia nghĩ gì về các nhân vật hay tình thế. Mr. James thỏa mãn niềm khao khát triết học này. Nếu đôi khi ông không chịu nói cho chúng ta biết ông nghĩ gì về kết cục các nhân vật của ông, thì đó có lẽ là bởi chuyện ấy không khiến ông quan tâm, và một nhà phê bình rộng lượng có thể sẽ khăng khăng rằng thật trẻ con khi cứ đòi ông phải quan tâm đến chuyện ấy.

 

Tôi không chắc rằng bất kỳ nhà phê bình nào cũng đủ rộng lượng như vậy. Tôi thú nhận rằng tôi thích một câu chuyện hoàn chỉnh; nhưng tôi cũng thích những truyện mà dường như Mr. James chưa hoàn thành. Đây có lẽ là quan điểm của hầu hết độc giả của ông, những ai không thể giải thích một cách logic cho cả hai sự ưa thích ấy. Chúng ta chỉ có thể chắc chắn rằng ở đây chúng ta có một người chép sử, hay một nhà phân tích, tùy chúng ta chọn, người đã mê hoặc chúng ta từ trang đầu cho đến trang cuối, lời kể hay bình luận của ông có thể đi vào bất kỳ chi tiết nhỏ nhất nào mà không làm chúng ta mệt mỏi, và chỉ có thể thực sự khiến chúng ta buồn khi nó dừng lại.


(Công Hiện dịch)





RB (Henry James về Robert Browning)




5 comments:

  1. con quái vật, có lẽ, đã không bắt được em.

    ReplyDelete
  2. Thằng đàn bà mặc quần

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cô hồn hiện hơi sớm mới cuối tháng hai âm lịch

      Delete
    2. Cô hồn giờ lởn vởn quanh năm, có dịp là trồi lên ngay

      Delete
  3. ơ thế nào đấy thế nào đấy

    ReplyDelete