Apr 15, 2017

Một vụ việc ám muội (tiếp)

Đã đến được mức "tròn chục" (nhát thứ 10 Vở kịch con người: ở kia), cũng tới lúc nên quay lại rà soát và phát triển những gì đã có :p

Thêm nữa, làm như vậy giống như mô phỏng chính phương thức tự sự của Balzac (về điều này, xem trong đường link đã dẫn, chú thích số 71).

Một vụ việc ám muội (Une ténébreuse affaire) thuộc các "xen" "chính trị". Ở phần đầu (xem ở kia), ta đã biết là tại tỉnh Aube, không xa thành phố Troyes, ở thời điểm cuối của chế độ Tổng tài, Napoléon không lâu nữa sẽ lên ngôi Hoàng đế, nhân vật Michu bí hiểm gây ra nhiều lo lắng. Michu là gia nhân của gia đình quý tộc Simeuse, nhưng trong thời Cách mạng hoạt động rất tích cực bên phe cộng hòa, giờ vẫn trông coi Gondreville, vùng đất cũ của gia đình Simeuse nhưng đã sang tay chủ mới, Malin chính trị gia khủng khiếp. Dường như đang có các biến động ngầm, liên quan đến các nhà quý tộc lưu vong (nhất là hai anh em sinh đôi de Simeuse), mà người ta ngờ là vẫn giữ quan hệ mật thiết với cô em họ Laurence de Cinq-Cygne, đến nỗi cặp đôi Peyrade-Corentin, trong đó Corentin là một thiên tài của ngành cảnh sát Đế chế, được cử đến đây. Thời điểm này, Malin cũng có mặt ở Gondreville.

Thật ra, cảnh sát Đế chế dưới sự điều hành của ông lớn Fouché đang ngờ đến một âm mưu ám sát Napoléon từ phía các nhà quý tộc Pháp lưu vong. Rất có thể điều đó là đúng.


NB. mới thêm rất nhiều Ursule Mirouët

-----------


“Ra là anh có nhiều công chuyện bên Bellache quá nhỉ, lại thấy anh đây rồi! Michu nói.

- Kìa! lại thêm một lời trách móc nữa, thưa ông Michu. Chắc ông không định vụt gió lũ chim sẻ với một cái kèn clarinet như thế kia! Tôi không hề biết là ông có cây súng cạc bin này đấy…

- Nó mọc lên trên một cánh đồng trồng cạc bin của tôi đấy, Michu đáp. Này, tôi gieo chúng như thế này này.

Viên tá điền nâng khẩu súng lên ngắm một túm cỏ sặc sỡ cách đó ba mươi bước, phát đạn phạt đứt nó.

“Có phải là để canh gác cho ông chủ của ông mà ông vác khẩu súng của đám ăn cướp thế kia không? có lẽ vì thế ông ấy sẽ tặng quà cho ông đấy.

- Ông ấy đã đi từ Paris đến đây chỉ để mang nó cho tôi, Michu đáp.

- Trong vùng người ta bàn tán xôn xao về chuyện ông ấy tới; một số người bảo là vì bị thất sủng, ông ấy rút lui khỏi các chức vụ, những người khác lại nói ông ấy muốn đến đây xem xét mọi thứ cho rõ; thật ra, tại sao ông ấy lại âm thầm đến đây thế nhỉ, cứ giống hệt Đệ nhất Tổng tài ấy? ông có biết trước là ông ấy sẽ đến không?

- Tôi không thân cận với ông ta tới mức được báo tin đâu.

- Tức là ông còn chưa gặp ông ấy?

- Tôi chỉ biết ông ấy đến sau khi đi tuần một vòng trong rừng, Michu đáp, nạp lại đạn vào khẩu súng.

- Ông ấy đã cho người đi gọi ông Grévin ở Arcis, họ sẽ phát biểu cái gì đó à?”

Malin từng là người phát biểu[33].

“Nếu anh đi về phía Cinq-Cygne, viên tá điền nói với Violette, thì chở tôi theo với, tôi cũng đến đó.”

Violette quá nhút nhát, không dám đèo bòng đằng sau một người có sức lực như Michu, nên vội thúc ngựa đi khỏi. Judas vác súng lên vai và bước đi trên con đường lớn.

“Michu giận dữ với ai thế nhỉ? Marthe hỏi mẹ.

- Kể từ lúc biết ông Malin đến, nó trở nên rất lầm lì, bà đáp. Nhưng trời lạnh rồi, vào nhà thôi.”

Khi hai người đàn bà đã ngồi bên lò sưởi, họ nghe thấy tiếng con Couraut.

“Chồng con đấy!” Marthe kêu lên.

Quả thật, Michu đang leo lên gác; lòng lo lắng, vợ ông đi theo ông vào phòng ngủ.

“Xem có ai không đi, ông nói với Marthe, giọng xúc động.

- Không có ai đâu, cô đáp, Marianne đang chăn bò ngoài đồng, còn Gaucher…

- Gaucher đâu rồi? ông hỏi.

- Em không biết.

- Anh nghi cái thằng nhóc ngớ ngẩn đó; lên tầng áp mái đi, lục tìm ở đó, tìm nó trong mọi ngóc ngách cái nhà này đi.”

Marthe đi ra; khi quay trở lại, cô bắt gặp Michu đang quỳ gối dưới đất, cầu nguyện.

“Có chuyện gì thế?” cô hỏi, vẻ hãi hùng.

Viên tá điền ôm lấy vợ, kéo vào lòng, hôn lên trán cô và trả lời, giọng xúc động: “Nếu chúng ta không còn gặp lại nhau nữa, thì em hãy biết, vợ tội nghiệp của anh, rằng anh đã rất yêu em. Em hãy làm theo thật đúng các chỉ dẫn được viết trong một bức thư chôn dưới gốc cây tùng chỗ cái gò kia, ông nói sau một quãng ngừng, đưa tay chỉ cho cô một cái cây, nó được cất trong một ống sắt tây. Chỉ được đào nó lên sau khi anh đã chết. Mà, dẫu có chuyện gì xảy đến với anh, thì cũng hãy nghĩ, mặc cho sự bất công của con người, rằng cánh tay anh đã phụng sự cho công lý của Chúa.”

Marthe, mặt tái đi dần dần, trở nên trắng bệch giống thứ vải cô đang mặc, cô nhìn chồng chăm chăm, mắt trố ra vì sợ, cô muốn nói, nhưng cổ họng khô khốc. Michu lướt đi khỏi giống như một cái bóng, ông đã buộc con Couraut vào chân giường, nó hú lên đúng như cách lũ chó vẫn hú khi tuyệt vọng.

Cơn giận dữ của Michu dành cho ông Marion bắt nguồn từ những nguyên do nghiêm túc, nhưng nó đã được chuyển sang một người khác trong mắt ông còn là tội phạm lớn hơn, Malin, mà các bí mật đã lộ ra trước mắt viên tá điền, vốn dĩ ở vị trí thuận lợi hơn bất kỳ ai khác để có thể đánh giá cách hành xử của vị cố vấn Nhà nước. Bố vợ của Michu từng, xét về mặt chính trị, được Malin tin tưởng, khi ấy Malin được phong làm Đại Diện tỉnh Aube vào kỳ Quốc Ước với sự trợ sức của Grévin.

Có lẽ sẽ không là vô ích nếu kể lại các tình tiết khiến nhà de Simeuse và nhà de Cinq-Cygne dính dáng tới Malin, và chúng đè nặng xuống cuộc đời hai anh em sinh đôi cũng như cô de Cinq-Cygne, nhưng còn nhiều hơn nữa, xuống cuộc đời của Marthe và Michu. Ở Troyes, dinh thự Cinq-Cygne nằm đối diện với dinh thự Simeuse. Khi đám quần chúng, trở nên hung hãn bởi những bàn tay vừa khôn ngoan vừa thận trọng, đã cướp phá dinh thự Simeuse, phát hiện hầu tước và nữ hầu tước bị buộc tội câu kết với kẻ thù, và đã áp giải họ trao cho vệ binh quốc gia đưa họ vào tù, đám đông náo nhiệt hét lên: “Sang bên Cinq-Cygne!” Nó không thấy được rằng nhà de Cinq-Cygne vô tội đối với tội ác của nhà de Simeuse. Hầu tước de Simeuse cao quý và can đảm, nhằm cứu mạng hai con trai, khi ấy mười tám tuổi, mà lòng gan dạ có thể khiến họ gặp nguy, đã giao phó họ, chốc lát trước khi giông bão tràn tới, cho dì của họ, nữ bá tước de Cinq-Cygne. Hai gia nhân trung thành với nhà de Simeuse nhốt kín hai thanh niên lại. Ông già, không muốn dòng họ của mình lụi tàn, đã ra lệnh giấu hai con mọi chuyện, trong trường hợp xảy ra những nỗi bất hạnh cực điểm. Laurence, khi ấy mười hai tuổi, được hai anh em yêu đồng đều như nhau, và cũng yêu họ đồng đều như nhau[34]. Cũng như nhiều cặp anh em sinh đôi, hai de Simeuse rất giống nhau, đến nỗi suốt một thời gian dài mẹ họ phải cho họ mặc quần áo khác màu nhau để không bị nhầm. Người ra đời trước, người anh, tên là Paul-Marie, người kia là Marie-Paul. Laurence de Cinq-Cygne, đã được cho biết về bí mật của hoàn cảnh, đóng rất tròn vai phụ nữ của cô; cô cầu xin hai người anh họ, chiều chuộng họ, giữ họ cho tới thời điểm đám quần chúng bao vây dinh thự Cinq-Cygne. Lúc đó hai anh em hiểu ra mối nguy vào cùng một thời điểm, và nói với nhau điều đó bởi cùng một ánh mắt. Họ quyết định ngay lập tức, họ vũ trang cho hai gia nhân của mình, các gia nhân của nữ bá tước de Cinq-Cygne, lôi đồ đạc ra chặn cửa, trấn giữ các cửa sổ, sau khi đã đóng hết các chớp lại, cùng năm gia nhân và vị trưởng tu de Hauteserre, một người bà con của nhà de Cinq-Cygne. Tám nhân vật can đảm bắn dữ dội vào đám đông kia. Mỗi viên đạn giết chết hoặc làm bị thương một kẻ tấn công. Laurence, thay vì than thân trách phận, nạp đạn cho các khẩu súng với một sự bình tĩnh ngoạn mục, chuyển đạn và thuốc súng cho những ai cần đến. Nữ bá tước de Cinq-Cygne quỳ phịch xuống. “Mẹ làm gì thế, hả mẹ? Laurence hỏi bà. - Mẹ cầu nguyện, bà đáp, cả cho họ cả cho các con!” Câu nói trác tuyệt, cũng được nói bởi bà mẹ của hoàng thân de la Paix bên Tây Ban Nha, trong một hoàn cảnh tương tự[35]. Chỉ trong chốc lát mười một người bị giết chết và bị ném xuống đất, lẫn vào với những người bị thương. Những loại sự kiện như thế này làm nguội hoặc làm bùng nổ đám dân chúng, bọn họ tức tối đẩy mạnh việc mình đang làm hoặc ngừng nó lại. Những người tiến lên xa nhất, hoảng sợ, lùi lại; nhưng cả đám đông, những kẻ muốn giết, cướp, sát hại, khi nhìn thấy những người chết, bắt đầu hét lên: “Giết người! bắt lấy kẻ sát nhân!” Những người thận trọng chạy đi tìm vị Đại Diện dân chúng. Hai anh em, khi ấy đã được thông tin về các sự kiện thảm khốc trong ngày, ngờ nhân vật Quốc Ước muốn làm gia đình họ sụp đổ, và mối ngờ này nhanh chóng trở thành một niềm tin. Lòng sôi sục ham muốn trả thù, họ núp vào bên dưới cái cổng vòm và nạp đạn những khẩu súng để giết Malin vào thời điểm ông xuất hiện. Nữ bá tước đã mất trí, bà nhìn thấy nhà mình cháy ra tro và con gái bị giết, bà trách móc những người họ hàng vì cuộc tự vệ anh hùng làm xôn xao nước Pháp suốt tám ngày. Laurence mở hé cánh cửa khi nghe tiếng Malin ra lệnh; nhìn thấy cô, vị Đại Diện tin tưởng vào tính cách đáng sợ của mình, cũng như vào sự yếu đuối của đứa trẻ ấy, và bước vào. “Thế nào cơ, thưa ông, cô đáp lại câu đầu tiên mà ông dùng để hỏi lý do của sự kháng cự này, ông muốn mang lại tự do cho nước Pháp, thế mà ông không bảo vệ người ta ở nhà họ! Người ta muốn phá hủy nhà chúng tôi, sát hại chúng tôi, thế mà chúng tôi lại không có quyền dùng sức mạnh để đẩy lùi sức mạnh!” Malin đứng chôn chân ở đó. “Ông, cháu nội của một thợ nề được Hầu Tước Vĩ Đại dùng để xây dựng lâu đài của ngài, Marie-Paul nói với ông, thế mà ông vừa để cho người lôi bố chúng tôi vào tù, mà chỉ dựa trên một lời vu khống! - Ông ấy sẽ được thả thôi, Malin nói, nghĩ là mình tiêu đời rồi khi thấy cả hai thanh niên nóng nảy huơ súng. - Ông giữ được mạng nhờ lời hứa này đấy, Marie-Paul trang trọng nói. Nhưng nếu tối nay nó không được thực thi, chúng tôi sẽ tìm ra ông! - Còn về phần đám dân chúng đang hú hét kia, Laurence nói, nếu ông không giải tán được bọn họ, thì viên đạn đầu tiên sẽ được dành cho ông đấy. Bây giờ thì, thưa ông Malin, ông đi ra đi!” Nhân vật đại biểu Quốc Ước bước ra ngoài và diễn thuyết trước đám đông, nhắc tới các quyền thiêng liêng của tổ ấm, tới habeas corpus[36] và nhà ở bên Anh. Ông nói rằng Luật Pháp và Dân Chúng là tối cao, rằng Luật Pháp chính là Dân Chúng, rằng dân chúng chỉ được phép hành động theo Luật Pháp, và rằng sức mạnh thuộc về Luật Pháp[37]. Quy luật của tất yếu biến ông trở nên hùng biện, ông giải tán được đám đông kia. Nhưng ông không bao giờ quên, cả biểu hiện khinh bỉ của hai anh em, lẫn câu: Đi ra đi! của cô de Cinq-Cygne. Vậy nên, khi đặt ra vấn đề bán công khai các tài sản của bá tước de Cinq-Cygne, anh trai của Laurence, sự phân chia được thực hiện rất chặt chẽ. Các nhân viên của Quận chỉ để lại cho Laurence tòa lâu đài, khu vườn, các khu trồng cây và trang trại tên là Cinq-Cygne. Theo các chỉ thị của Malin, Laurence chỉ được quyền hưởng những gì theo luật định về thừa kế, còn Quốc Gia nắm giữ mọi thứ của người lưu vong, nhất là khi người đó cầm vũ khí chống lại nền Cộng Hòa. Buổi tối cái hôm xảy ra cơn giông tố hãi hùng kia, Laurence ra sức cầu xin hai người anh họ ra đi, vì e sợ họ sẽ trở thành nạn nhân cho một sự trả thù và giăng bẫy của viên Đại Diện, đến nỗi họ lên ngựa và thẳng đường tới chỗ các trạm tiền tiêu của quân đội Phổ. Vào thời điểm hai anh em tới được khu rừng Gondreville, dinh thự Cinq-Cygne bị bao vây; viên Đại Diện đến, đích thân cùng lực lượng lớn, để bắt giữ những người thừa kế của gia đình de Simeuse. Ông không dám bắt nữ bá tước de Cinq-Cygne khi ấy đang nằm liệt giường và lên một cơn sốt mê sảng dữ dội, cũng như Laurence, một đứa bé mới mười hai tuổi. Đám gia nhân, sợ hãi sự khắc nghiệt của nền Cộng Hòa, đã cao chạy xa bay. Sáng hôm sau, tin về cuộc kháng cự của hai anh em và vụ chạy trốn sang Phổ của họ, người ta kể, lan ra trong vùng; một đám đông ba nghìn người tập hợp trước dinh thự Cinq-Cygne, nó bị phá tan tành với một sự mau chóng khó mà giải thích nổi. Bà de Cinq-Cygne, được chuyển sang dinh thự Simeuse, chết ở đó trong một cơn sốt quá cao. Michu đã chỉ xuất hiện trên chính trường sau các sự kiện đó, bởi vì hầu tước và vợ còn ngồi tù thêm năm tháng nữa. Trong quãng thời gian ấy, viên Đại Diện tỉnh Aube có một nhiệm vụ. Nhưng khi ông Marion bán Gondreville cho Malin, khi toàn vùng đã quên những hiệu ứng sôi sục của dân chúng, thì Michu hiểu được hoàn toàn Malin, ít nhất Michu nghĩ là mình đã hiểu; bởi vì Malin, cũng như Fouché[38], thuộc vào số các nhân vật sở hữu rất nhiều bộ mặt và một chiều sâu đáng kể bên dưới mỗi bộ mặt, thành thử không thể dò thấu vào lúc họ đóng kịch và chỉ có thể được giải thích mãi về sau này, khi vở kịch hạ màn từ lâu.

Vào những hoàn cảnh trọng yếu của cuộc đời mình, Malin không bao giờ quên tham khảo ý kiến từ người bạn trung thành Grévin, chưởng khế ở Arcis, mà sự đánh giá các việc và những con người, từ xa, thật nét, rõ và chính xác. Thói quen này là sự khôn ngoan, và nó làm nên sức mạnh cho những con người hạng hai. Thế nhưng, vào tháng Mười một năm 1803, tình hình nghiêm trọng đối với viên cố vấn Nhà Nước đến nỗi chỉ một bức thư thôi cũng có thể gây hại cho đôi bạn. Malin, sắp được phong nghị viên, sợ gặp chuyện lôi thôi ở Paris, thế là ông rời dinh thự của mình đến Gondreville, trình lên Đệ nhất Tổng tài một lý do duy nhất khiến ngài đồng ý ngay, và nó khiến ông có vẻ đang hết sức năng nổ trong mắt Bonaparte, trong khi thay vì hành động cho Nhà Nước, vấn đề chỉ liên quan tới một mình ông. Thế nhưng, trong lúc Michu rình rập và theo đuôi ở trong khu vườn, theo cách thức của người Mọi Rợ[39], một thời điểm thuận lợi cho màn trả thù của mình, chính trị gia Malin, vốn quen thúc ép các sự kiện vì bản thân, dẫn ông bạn đi về phía một đồng cỏ nhỏ trong khu vườn Anh, nơi vắng vẻ và thích hợp cho một cuộc nói chuyện bí hiểm. Tại đó, đứng ở chính giữa và hạ thấp giọng, đôi bạn ở quá xa không ai nghe lỏm được, nếu có ai trốn để nghe, và có thể đổi chủ đề cuộc nói chuyện nếu lỡ có người tới.

“Tại sao không chọn lấy một phòng ở lâu đài để nói chuyện, Grévin hỏi.

- Anh chưa thấy hai người mà cảnh sát trưởng[40] gửi đến cho tôi à?”

Dẫu cho Fouché từng là, trong vụ âm mưu Pichegru, Georges, Moreau và Polignac[41], linh hồn của văn phòng tổng tài, ông không điều hành bộ Cảnh Sát và khi ấy chỉ còn là cố vấn Nhà Nước giống Malin[42].

“Hai tay ấy là thủ túc của Fouché. Một, tay thanh niên muscadin có bộ mặt giống một chai nước chanh ấy, miệng lưỡi thì đầy giấm và mắt thì đẫm nước nho xanh, là người đã xử lý cuộc nổi dậy miền Tây vào năm Bảy[43], chỉ trong vòng hai tuần. Tay còn lại là một đứa con của Lenoir[44], người duy nhất còn sở hữu các truyền thống lớn của ngành cảnh sát. Tôi đã đề nghị một nhân viên ất ơ, được một nhân vật quan trọng chống lưng, thế mà họ gửi cho tôi hai mặt giặc đó. A! Grévin, chắc hẳn Fouché muốn tìm hiểu xem tôi đang định làm gì. Vậy nên tôi phải để hai quý ông kia lại ăn tối trong lâu đài; họ cứ việc kiểm tra mọi thứ, sẽ chẳng tìm thấy Louis XVIII cũng như bất kỳ dấu vết cỏn con nào đâu.

- A! ra thế, nhưng, Grévin nói, anh đang định làm gì?

- Này! bạn ơi, một trò chơi kép thì nguy hiểm lắm; nhưng so với Fouché, nó là nhân ba cơ, và có lẽ ông ta đã đánh hơi thấy tôi nắm các bí mật của nhà Bourbon.

- Anh!

- Tôi, Malin đáp.

- Thế ra anh không nhớ gì đến Favras[45]?”

Câu này gây tác động mạnh lên ông cố vấn.

“Thế từ bao giờ? Grévin hỏi sau một quãng ngừng.

- Kể từ khi bắt đầu chế độ Tổng Tài trọn đời[46].

- Nhưng, không có bằng chứng đấy chứ?

- Không có đâu!” Malin đáp, (…)[47].

Chỉ bằng vài lời, Malin vẽ ra rõ nét tình hình nguy kịch mà Bonaparte đặt nước Anh vào, nó đang phải gánh chịu mối đe dọa chết người từ doanh trại Boulogne[48], giải thích cho Grévin về tầm quan trọng không được biết đến đối với Pháp và châu Âu, nhưng Pitt[49] thì nghi ngờ, của dự định chinh phạt kia; rồi tình hình nguy kịch mà nước Anh sẽ đặt Bonaparte vào. Một liên quân hùng hậu, Phổ, Áo và Nga, tiền chi trả là vàng của nước Anh, sẽ trang bị vũ khí cho bảy trăm nghìn người. Cùng lúc, một âm mưu táo tợn đang mở rộng trong nước, tập hợp cánh Montagnard, cánh Chouan và cánh Bảo Hoàng cùng các ông hoàng của họ.

“Khi Louis XVIII thấy có ba tổng tài[50], ông ta tưởng tình trạng vô chính phủ vẫn tiếp diễn và chỉ cần một phong trào nào đó là ông ta có thể trả thù cho 13 vendémiaire và 18 fructidor[51], Malin nói; nhưng chế độ Tổng Tài trọn đời đã hé lộ rõ các dự đồ của Bonaparte, ông ta sẽ sớm thành Hoàng Đế. Cái tay cựu thiếu úy đó muốn tạo ra một triều đại cơ đấy! thế nhưng, lần này, người ta muốn nhắm vào mạng sống ông ta, và cú này được dàn dựng còn khéo léo hơn so với cú phố Saint-Nicaise[52]. Pichegru, Georges, Moreau, công tước d’Enghien, Polignac và Rivière, hai người bạn của bá tước d’Artois[53], cũng tham gia.

- Lằng nhằng quá! Grévin kêu lên.

- Nước Pháp đang ngầm bị xâm chiếm, người ta muốn thực hiện một cuộc a la xô tổng lực, dùng đến mọi phương tiện! Một trăm người thiện chiến, do Georges chỉ huy, sẽ tấn công vệ binh tổng tài và giáp lá cà luôn với tổng tài.

- Thế thì tố cáo bọn họ đi.

- Hai tháng nay, Tổng Tài, bộ trưởng Cảnh Sát, cảnh sát trưởng và Fouché đã biết được một phần của kế hoạch khổng lồ này; nhưng họ còn chưa biết được hết tầm vóc của nó, và vào thời điểm hiện tại, họ vẫn để cho gần như tất cả những ai tham gia được tự do nhằm dò biết mọi chuyện.

- Xét về quyền, viên chưởng khế nói, nhà Bourbon có nhiều quyền để lập kế hoạch, tiến hành, thực hiện một vụ chống lại Bonaparte, nhiều hơn nhiều so với quyền của Bonaparte khi âm mưu chống nền Cộng Hòa ngày 18 brumaire, mà ông ta lại là đứa con của nền cộng hòa ấy; ông ta đã sát hại mẹ mình, còn những người kia thì muốn trở về nhà. Tôi cho rằng khi nhìn thấy danh sách lưu vong khép lại, các vinh dự tăng lên nhiều lần, Công giáo được tái thiết lập[54], rồi thì việc ban hành nhiều nghị định phản cách mạng, các ông hoàng đã hiểu rằng họ rất khó quay về, nếu không muốn nói là không thể. Bonaparte trở thành chướng ngại vật duy nhất, và họ muốn hất bỏ chướng ngại vật, chẳng gì giản dị hơn được nữa. Những kẻ âm mưu mà thất bại thì trở thành giặc cướp; còn như thắng lợi, họ sẽ trở nên các anh hùng, và tôi thấy nỗi bối rối của anh khá là tự nhiên.

- Vấn đề là, Malin nói, ném cho người nhà Bourbon, bởi tay Bonaparte, đầu của công tước d’Enghien, giống như Quốc Ước từng ném cho các ông vua cái đầu của Louis XVI, cũng là nhằm để nhấn ông ta, trước cả chúng ta, sâu hơn vào tiến trình của Cách Mạng; hoặc nhằm lật nhào thần tượng hiện thời của người dân Pháp và Hoàng Đế tương lai của nó, để có thể đặt ngai vàng đích thực lên trên đống điêu tàn. Số phận của tôi tùy thuộc vào một sự kiện, một phát súng trúng đích, một vụ nổ trên phố Saint-Nicaise thành công. Người ta đã không nói cho tôi mọi điều. Người ta đã đề nghị tôi dẫn dắt Hội Đồng Nhà Nước ủng hộ vào thời điểm nguy cấp, điều hành khía cạnh luật pháp cho sự trung hưng của nhà Bourbon.

- Đợi đi, viên chưởng khế đáp.

- Không thể nào! Tôi chỉ còn đúng thời điểm hiện tại để quyết định mà thôi.

- Tại sao?

- Hai Simeuse tham gia âm mưu, bọn họ đang ở trong vùng; tôi phải, hoặc cho theo dõi họ, để mặc họ gây chuyện rồi trừ khử, hoặc ngầm ủng hộ họ. Tôi đã yêu cầu trợ thủ, và người ta gửi đến cho tôi hai con linh miêu hảo hạng, bọn họ đã ghé Troyes với mục đích thâu tóm đám cảnh binh.

- Gondreville là cái Của anh còn Âm Mưu thì là Cái anh sẽ có, Grévin nói. Cả Fouché lẫn Talleyrand, hai đối tác lớn của anh, đều không được như vậy: hãy chơi thẳng thắn với họ. Thế nào cơ! tất cả những kẻ đã cắt đầu Louis XVI đều có mặt trong chính phủ, nước Pháp đầy rẫy đám người đi mua tài sản quốc gia, thế mà anh lại muốn đưa trở về đây những kẻ sẽ đòi lại Gondreville từ anh? Nếu nhà Bourbon không phải lũ ngu, bọn họ hẳn sẽ xát xà phòng lên tất tật những gì chúng ta đã làm. Báo cho Bonaparte đi.

- Một người ở thứ hạng của tôi thì không đi tố cáo, Malin hăng hái.

- Thứ hạng của anh? Grévin kêu lên và mỉm cười.

- Người ta đề nghị với tôi chức Quan Chưởng Ấn.

- Tôi hiểu nỗi ngây ngất của anh, và tôi mới là người cố sức nhìn cho thật rõ vào những tối tăm chính trị, đánh hơi ở đó cánh cửa để thoát ra. Thế nhưng, chẳng thể nào dự đoán các sự kiện có thể đưa nhà Bourbon về, khi mà một ông tướng Bonaparte sở hữu tám mươi chiến thuyền cùng bốn trăm nghìn quân. Điều khó nhất trong bộ môn chính trị đoán trước, là biết được chừng nào một quyền lực đang nghiêng sẽ đổ; nhưng, bạn ơi, quyền lực của Bonaparte thì lại đang ở giai đoạn tăng tiến. Nhỡ đâu chẳng phải là Fouché đã cho người dò xét anh nhằm biết rõ tâm can anh rồi trừ khử anh?

- Không, tôi chắc chắn về nhân vật đại sứ. Vả lại, Fouché hẳn sẽ không gửi đến cho tôi hai con khỉ như thế kia, mà tôi biết quá rõ để mà không nảy sinh nghi ngờ.

- Họ làm tôi thấy sợ, Grévin nói. Nếu Fouché không nghi ngờ anh, không muốn thử thách anh, thì tại sao ông ta lại gửi họ đến cho anh? Fouché không chơi một đòn tương tự nếu không có lý do nào đó…

- Điều đó khiến tôi phải quyết định, Malin kêu lên, hẳn tôi sẽ chẳng bao giờ được yên thân với hai tay Simeuse kia; có lẽ Fouché, vốn biết hoàn cảnh của tôi, không muốn hụt mất bọn họ, và nhờ bọn họ mà với tới được các Condé.

- Này! ông bạn, chẳng phải dưới thời Bonaparte mà người ta có thể gây lo lắng cho người chủ của Gondreville đâu.”

Ngẩng đầu lên, Malin trông thấy trong tán lá một cây đoạn lớn nòng một khẩu súng.

“Tôi đã không nhầm mà, tôi nghe thấy tiếng lên đạn một khẩu súng trường, ông nói với Grévin sau khi lẩn ra sau một gốc cây to, viên chưởng khế lo lắng trước cử động đột ngột của bạn cũng chạy vào theo.

- Michu đấy, Grévin nói, tôi nhìn thấy bộ râu hung của hắn.

- Đừng tỏ vẻ sợ hãi, Malin lại nói, chậm rãi đi khỏi đó, nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Cái tay đó muốn gì ở những người mua mảnh đất này thế nhỉ? Chắc chắn là hắn không nhằm bắn anh rồi. Nếu hắn nghe được chúng ta nói, thì tôi sẽ phải xử lý! Lẽ ra chúng ta phải ra ngoài cánh đồng chứ. Kẻ nào mà có thể sinh lòng nghi ngờ không khí được!

- Thì phải học thôi! viên chưởng khế nói; nhưng hắn ở rất xa, mà chúng ta lại thì thầm với nhau.

- Tôi sẽ nói với Corentin vài câu về chuyện này”, Malin đáp.

Một lúc sau, Michu trở về nhà, mặt tái nhợt và nhăn nhúm.

“Anh sao thế? vợ ông hoảng sợ, hỏi.

- Không có gì”, ông đáp, nhìn thấy Violette, việc con người này có mặt ở đây đối với ông giống như một cú sét.

Michu nhấc một cái ghế, bình thản ngồi trước lò sưởi, và ném vào đó một bức thư, sau khi rút nó ra từ một cái tuýp sắt tây, loại mà người ta hay đưa cho đám lính để cất giấy tờ. Hành động này, nó cho phép Marthe thở phào như một người vừa thoát được khỏi một sức nặng ghê gớm, khiến Violette thấy hết sức tò mò. Viên tá điền đặt khẩu cạc bin lên bệ lò sưởi với một vẻ lạnh lùng đáng ngưỡng mộ. Marianne và bà mẹ của Marthe đang xe chỉ trong luồng ánh sáng một ngọn đèn.

“Nào, François, ông bố nói, ta đi ngủ thôi. Con muốn ngủ chưa?

Ông mạnh tay cắp ngang người đứa con trai và vác nó đi. “Xuống dưới hầm, ông rỉ tai nó khi đang ở trên cầu thang, rót vào hai chai rượu vang Mâcon, sau khi đã đổ đi chai thứ ba, rượu mạnh Cognac trên giá; rồi, trộn vào trong một chai vang trắng một nửa rượu mạnh. Làm thật khéo vào, rồi để ba cái chai lên thùng tô nô rỗng ở chỗ lối vào hầm. Khi nào bố mở cửa sổ thì ra khỏi hầm, thắng yên cương con ngựa của bố, cưỡi nó đi ra chỗ Poteau-des-Gueux và đợi bố ở đó.”

“Thằng nhóc bậy bạ toàn không chịu đi ngủ, viên tá điền quay trở lại, nói, nó cứ thích bắt chước người lớn cơ, nhìn thấy mọi thứ, nghe thấy mọi thứ, biết mọi thứ. Anh nuông chiều làm hư hỏng người nhà tôi đấy, bố Violette ạ.

- Chúa ơi! Chúa ơi! Violette kêu lên, người nào làm cho ông đột nhiên thích nói thế? chưa bao giờ ông nói nhiều như vậy đâu.

- Anh nghĩ tôi để cho người khác rình mò mà không nhận thấy à? Anh không ở bên phe tốt đẹp đâu, bố Violette ạ. Nếu, thay vì phục vụ những người giận dỗi với tôi, anh đứng về phía tôi, thì hẳn tôi làm được nhiều điều cho anh, chứ không phải chỉ là gia hạn thuê trang trại đâu…

- Gì nữa thế? tay nông dân tham lam tròn mắt lên.

- Tôi sẽ bán rẻ đất của tôi cho anh.

- Chẳng bao giờ có chuyện rẻ khi phải trả tiền, Violette trở nên văn hoa.

- Tôi muốn đi khỏi đây, và tôi sẽ giao cho anh trang trại Mousseau của tôi, nhà cửa, hoa lợi, súc vật, với giá năm mười nghìn franc.

- Thật!

- Anh thấy có được không?

- Mẹ ơi, để xem đã.

- Ta bàn vụ này nhé… Nhưng tôi muốn có tiền đặt cọc.

- Tôi chẳng có gì.

- Một lời nói.

- Thế nữa!

- Nói cho tôi biết ai đã sai anh đến đây đi.

- Tôi từ nơi tôi lại sắp đến tới đây, tôi chỉ muốn chào ông một câu thôi.

- Vậy mà lại không có con ngựa ư? Anh nghĩ tôi ngu lắm phải không? Anh nói dối, anh sẽ không có trang trại của tôi.

- Ơ kìa, thì là ông Grévin, đấy! Ông ấy bảo tôi: Violette, chúng tôi cần Michu, ghé qua đó gọi đi. Nếu anh ta không có nhà, thì hãy đợi… Tôi hiểu là phải ở lại, tối nay, ở đây…

- Hai thằng cha Paridiêng cao kều còn ở lâu đài không?

- A! tôi không biết rõ lắm đâu; nhưng trong phòng khách có nhiều người.

- Anh sẽ có trang trại của tôi, ta thỏa thuận các chi tiết luôn! Em yêu, lấy rượu vang uống mừng hợp đồng lên đây. Lấy thứ rượu Roussillon ngon nhất ấy, rượu vang của cựu hầu tước… Chúng ta đâu phải trẻ con. Em sẽ thấy hai chai trên cái thùng tô nô rỗng ở lối vào, cùng một chai trắng.

- Được rồi! Violette nói, ông chẳng bao giờ uống rượu say. Ta uống nhé!

- Anh giấu năm mươi nghìn franc dưới các ô gạch trong phòng ngủ của anh, dưới cái giường, anh sẽ đưa nó cho tôi hai tuần sau khi bản hợp đồng được chuyển đến cho Grévin…” Violette trân trối nhìn Michu, mặt tái nhợt đi. “A? anh đến đây rình rập một người Jacobin toàn tòng từng có vinh dự chủ trì câu lạc bộ ở Arcis, thế mà anh nghĩ người đó sẽ không cho anh một cú? Tôi có mắt để nhìn, tôi đã thấy các ô gạch mới được trát lại, và tôi kết luận rằng anh đã không lật chúng lên để gieo lúa mì. Uống đi.”

Violette, đang ngẩn tò te, uống cạn một cốc rượu vang lớn mà chẳng hề để ý tới chất lượng của nó, nỗi hãi hùng như thể gí tấm sắt nung vào bụng ông, rượu mạnh bị đốt cháy ở đó bởi sự hà tiện; hẳn ông sẵn sàng cho đi nhiều thứ để được về nhà, với mục đích chuyển kho báu của mình đi chỗ khác. Ba người phụ nữ mỉm cười.

“Anh thấy như thế có được không? Michu hỏi Violette, rót thêm cho ông một cốc nữa.

- Vâng, được.

- Anh sẽ về nhà thôi, đồ đểu ạ!”

Sau nửa tiếng tranh luận sôi nổi về vấn đề hưởng thụ, về cả nghìn chi tiết nhỏ nhặt mà người nông dân vẫn hay lao vào khi thỏa thuận giá cả với nhau, giữa những khẳng định, những cốc rượu nốc cạn, những lời ngập tràn hứa hẹn, những phủ nhận, những: - không phải à? - chí phải! - một lời thôi đấy! - tôi đã bảo mà! - chặt đầu tôi đi nếu… - cốc rượu này sẽ có thuốc độc nếu tôi không nói thậc… Violette xỉu, đầu gục lên bàn, không phải chếnh choáng hơi men, mà là say bí tỉ; và, ngay khi nhìn thấy mắt ông trở nên lờ đờ, Michu đã vội mở cửa ra.

“Cái thằng ranh Gaucher đâu rồi nhỉ? ông hỏi vợ.

- Đi ngủ rồi.

- Cô, Marianne, viên tá điền nói với cô hầu trung thành, ngồi chặn lấy cửa nhé. Mẹ, mẹ ơi, ông nói, mẹ ở dưới nhà, trông họ con tên gián điệp này, phải thật tỉnh táo vào nhé, và chỉ được mở cửa khi nghe thấy giọng của François. Đây là chuyện sống chết đấy! ông nói thêm, giọng sâu thẳm. Đối với tất cả những người đang ở dưới mái nhà này, đêm nay tôi đã chẳng hề đi đâu và, dẫu đầu có bị đặt lên giá chém, mọi người cũng sẽ phải khăng khăng như vậy. - Nào, ông nói với vợ, em yêu, đi giày và đội khăn lên đầu, ta đi thôi! Không hỏi han gì hết, anh đi cùng em.”

Đã từ bốn mươi lăm phút, người đàn ông này thể hiện trong cử chỉ và ánh mắt một uy quyền bạo chúa, khôn cưỡng, được múc lấy từ nguồn chung và không được biết đến nơi múc lấy những quyền lực ngoạn mục, cả các danh tướng trên trận tiền, tại đó họ khiến đội quân bừng lửa cháy, cũng như những nhà hùng biện vĩ đại lôi kéo các tập hợp người và, ta cũng nên nói luôn, lũ tội phạm lớn trong những cú táo bạo của chúng nữa! Khi ấy, hồ như cả khuôn mặt ông toát ra uy quyền và lời nói mang một sức ảnh hưởng vô địch, động tác thì truyền ý muốn từ ông sang người khác[55]. Ba phụ nữ tự biết họ đang ở giữa một cơn khủng hoảng ghê gớm; dẫu chẳng hề được báo trước, họ đã dự cảm được dựa trên sự mau chóng các hành động của người đàn ông đó, với khuôn mặt ngời sáng, vầng trán như nói nên lời, cặp mắt thì bừng lên như hai ngôi sao; họ nhìn thấy mồ hôi rịn ra từ chân tóc ông, hơn một lần lời nói của ông rung lên sốt ruột và giận dữ. Vậy nên Marthe tuân lời một cách thụ động. Trang bị vũ khí đến tận chân răng, khẩu súng vác trên vai, Michu nhảy vọt vào con đường, theo sau là vợ ông; và họ chóng vánh tới ngã tư nơi François trốn trong bụi rậm.

“Thằng bé hiểu chuyện đấy”, Michu nói khi nhìn thấy nó.

Đó là câu đầu tiên của ông. Vợ ông và ông đã chạy một mạch, trên đường không thốt ra lời nào.

“Quay về chòi đi, trèo lên cây nào rậm nhất, trốn ở đó, quan sát vùng ruộng, khu vườn, ông nói với con trai. Tất cả chúng ta đều đã đi ngủ, chúng ta sẽ không mở cửa cho bất kỳ ai. Bà con đang canh rồi, và sẽ chỉ nhúc nhích nếu nghe thấy giọng của con! Làm đúng theo lời bố nói nhé. Chuyện liên quan đến cuộc sống của bố con cũng như mẹ con đấy. Cầu cho chính quyền không bao giờ biết chúng ta đã không ngủ.” Sau những câu thầm thì vào tai đứa con trai ấy, nó chạy biến đi, như một con lươn trườn dưới đáy nước, qua khu rừng, Michu nói với vợ: “Lên ngựa thôi! và hãy cầu Chúa thương xót chúng ta. Ngồi chắc vào nhé! Con ngựa có thể sẽ gục đấy”.

Những lời này vừa được nói ra, con ngựa, bị Michu thúc cho hai gót chân vào bụng, rồi ép chặt hai đầu gối mạnh mẽ vào, lao đi khẩn trương như một con ngựa đua, dường như con vật hiểu chủ nó, chỉ trong vòng mười lăm phút họ đã băng qua khu rừng. Michu, đã chọn con đường ngắn nhất, đến được một khoảng rìa rừng từ đó có thể nhìn thấy các chóp lâu đài Cinq-Cygne hiện ra dưới ánh trăng[56]. Ông buộc ngựa vào một thân cây rồi vội vã leo lên một gò đất nhìn bao quát được thung lũng Cinq-Cygne.

Lâu đài, mà Marthe và Michu cùng nhau ngắm nhìn một hồi lâu, tạo ra một ấn tượng quyến rũ giữa phong cảnh. Dẫu không sở hữu một sự rộng lớn đáng kể cũng như nét đặc biệt nào về kiến trúc, nó chẳng hề thiếu một nét hấp dẫn nhất định ở phương diện khảo cổ. Tòa nhà cổ của thế kỷ mười lăm này, nằm trên một khoảnh đất cao, bao quanh là các hào sâu, rộng và vẫn còn đầy nước, được xây bằng đá trộn vữa, nhưng các bức tường rộng đến bảy bộ. Vẻ giản dị của nó gợi nhớ theo đường lối đáng ngưỡng mộ cuộc sống khắc nghiệt nhiều tính cách chiến trận của thời phong kiến. Tòa lâu đài này, thực sự ngây thơ, gồm có hai tòa tháp lớn màu đỏ nhạt, ngăn cách với nhau bởi một dãy nhà dài trổ những cửa sổ đích thực bằng đá, với các thập tự đẽo thô giống những dây nho leo. Cầu thang nằm lộ thiên, chính giữa, và được đặt vào trong một tháp ngũ giác có cánh cửa nhỏ hình vòm cung nhọn đầu. Tầng trệt, bên trong được hiện đại hóa dưới thời Louis XIV, cũng như tầng hai được phủ mái ngói rộng, trổ các cửa sổ có ô văng đẽo gọt. Trước lâu đài là một bãi cỏ mênh mông nơi đám cây mới bị chặt đi. Nằm hai bên cây cầu dẫn vào cổng có hai căn nhà nhỏ dành cho những người làm vườn, và ngăn cách nhau bởi một hàng lưới mảnh, không tính cách, nhìn là biết rất mới. Bên phải và bên trái bãi cỏ, chia thành hai phần bằng một lối đi lát đá, là tàu ngựa, chuồng thú, kho chứa cỏ, chứa củi, lò bánh mì, chuồng gia cầm, nhà cho người hầu, hẳn được cải tạo từ hai cánh cũ của tòa lâu đài. Xưa kia, tòa nhà này hẳn có hình vuông, bốn góc có công sự, được trấn giữ bởi một tòa tháp lớn cổng uốn vòng cung, bên dưới là, chỗ của lưới sắt, cây cầu kéo. Hai tòa tháp lớn lợp mái chóp nhọn đã không bị san phẳng, gác chuông nhỏ của tháp nằm giữa tạo phong thế cho ngôi làng. Nhà thờ, cũng cũ kỹ, trưng bày cách đó không xa tháp chuông nhọn hoắt của nó, ăn nhập hài hòa với các khối còn lại của lâu đài. Ánh trăng làm bừng lên mọi ngọn cây và chóp đỉnh quanh chúng ánh sáng nhảy nhót lấp lánh. Michu ngắm nhìn tòa nhà lãnh chúa này theo cách thức khiến vợ ông phải ngẩn ngơ, vì khuôn mặt ông đã trở nên bình tĩnh hơn diễn tả niềm hy vọng và cả một chút cao ngạo. Ánh mắt ông bao quát chân trời, hơi tỏ ra nghi ngại; ông lắng nghe vùng nông thôn, lúc đó chắc đã chín giờ, mặt trăng vãi ánh sáng xuống rìa khu rừng, và đặc biệt gò đất được chiếu rất sáng. Vị trí này dường như khiến người canh gác thấy là nguy hiểm, ông xuống khỏi đó, tỏ ra sợ bị trông thấy. Tuy nhiên không một âm thanh khả nghi nào khuấy động sự bình yên của cái thung nhỏ, về phía này được bao bọc bởi khu rừng Nodesme. Marthe, kiệt sức, run rẩy, đợi một tình tiết sáng sủa nào đó sau khi đã chạy hùng hục như vậy. Cô sẽ làm được gì đây? phục vụ một hành động tốt đẹp hay một tội ác? Đúng lúc đó, Michu kề sát vào tai vợ.

“Em sẽ đến chỗ nữ bá tước de Cinq-Cygne, đòi gặp cô ấy; khi gặp, em xin cô ấy được nói chuyện riêng. Nếu thấy không ai nghe lỏm được, em nói với cô ấy như thế này: “Thưa cô, mạng sống hai người anh họ của cô đang gặp nguy hiểm, và người sẽ giải thích cho cô tại sao, như thế nào, đang đợi cô.” Nếu cô ấy sợ, nếu cô ấy nghi ngờ, thì em nói thêm: “Họ tham gia âm mưu chống lại Đệ nhất Tổng tài, và âm mưu đã bị phát hiện.” Đừng tự xưng tên, người ta nghi ngờ chúng ta quá mức.”

Marthe Michu ngẩng đầu lên nhìn chồng, và nói: “Tức là anh phục vụ họ?”

- Thế rồi sao? ông hỏi, nhíu mày lại, vì tưởng mình vừa nghe thấy một lời trách móc.

- Anh không hiểu em rồi, Marthe kêu lên, cầm lấy bàn tay to tướng của Michu và quỳ gục xuống trước gối ông, hôn lên bàn tay ấy, đột nhiên nó đẫm nước mắt.

- Chạy đi, để sau rồi hãy khóc”, ông nói, ôm choàng lấy cô với một sức mạnh bất ngờ.

Khi không còn nghe thấy tiếng bước chân vợ nữa, mắt người đàn ông sắt thép ấy nhỏ lệ. Ông đã ngờ vực Marthe do các tư tưởng của bố cô, ông đã che giấu cô các bí mật của cuộc đời mình; nhưng vẻ đẹp tính cách giản dị của người vợ đã đột nhiên hiện ra với ông, giống như sự lớn lao tính cách nơi ông vừa bùng nổ trước cô. Marthe chuyển từ nỗi nhục sâu sắc bắt nguồn từ sự tụt giá của một người đàn ông mà cô mang cùng họ sang niềm hân hoan mà vinh quang của người ấy mang lại; cô chuyển như thế mà không qua đoạn trung gian nào, như thế chẳng phải kiểu gì cũng phải thấy rụng rời ư? Cảm thấy những nỗi lo lắng mãnh liệt nhất, cô đã, như về sau cô kể cho ông, bước đi trong máu từ căn chòi cho tới Cinq-Cygne, và chỉ trong phút chốc bỗng cảm thấy mình được nâng lên trời giữa các thiên thần. Ông, vốn dĩ cảm thấy chẳng hề được coi trọng, coi thái độ sầu muộn và ủ dột của vợ như là biểu hiện của thiếu tình trìu mến, để mặc cô một mình để sống ở bên ngoài, dồn hết lòng dịu dàng của ông vào đứa con trai, trong giây lát hiểu ra mọi điều gì mà những giọt nước mắt của người phụ nữ ấy muốn nói; cô nguyền rủa khôn nguôi cái vai mà sắc đẹp của cô, mà ý chí của ông bố cô đã buộc cô phải đóng. Hạnh phúc đã rực sáng lên trong ngọn lửa đẹp nhất của nó đối với họ, ở tâm điểm giông tố, như một tia chớp. Và nó phải là một tia chớp! Cả hai cùng nghĩ đến mười năm trời thiếu thông hiểu lẫn nhau và tự trách móc bản thân mình. Michu đứng đó, bất động, khuỷu tay chống lên khẩu cạc bin và cằm dựa trên khuỷu tay, đắm chìm vào một cơn mơ mộng sâu thẳm. Một khoảnh khắc như vậy khiến người ta có thể chấp nhận mọi nỗi đau đớn của quá khứ đau thương nhất.

Bị chấn động bởi cả nghìn suy nghĩ giống các suy nghĩ xuất hiện trong óc người chồng, Marthe thắt tim gan lại vì lo cho mối nguy mà hai anh em de Simeuse đang gặp phải, vì cô đã hiểu mọi chuyện, cả bộ mặt hai tay Paridiêng kia, nhưng cô không sao tự giải thích về khẩu súng cạc bin. Cô lao đi thoăn thoắt như một con nai và đã đến lối đi dẫn vào lâu đài, cô kinh ngạc nghe thấy sau lưng tiếng bước chân của một người đàn ông, cô bật hét lên, bàn tay to lớn của Michu đã bịt lấy miệng cô.

“Từ trên mỏm đất, anh đã trông thấy lấp lánh từ xa miếng bạc gắn trên những cái mũ tròn! Em lẻn vào trong qua một cái ngách hào nằm giữa tháp Cô và tàu ngựa nhé; lũ chó sẽ không sủa em đâu. Vào trong vườn, gọi nữ bá tước trẻ qua cửa sổ, bảo cô ấy cho thắng ngựa, nói với cô ấy là dắt nó đi ra qua đoạn hào, anh sẽ ở đó, sau khi đã xem xét kế hoạch của đám Paridiêng và tìm cách thoát khỏi chúng.”

Mối nguy này, ập xuống như tuyết lở, cần được báo đi ngay, và thế là chân Marthe như thể mọc thêm cánh.

Cái họ Franc, chung cho cả gia đình de Cinq-Cygne và gia đình Chargeboeuf, là Duineff[57]. Cinq-Cygne trở thành họ cho nhánh thứ của gia đình Chargeboeuf sau cuộc phòng vệ một tòa lâu đài, được thực hiện bởi năm cô con gái trong nhà trong lúc bố của họ đi vắng, năm cô gái ấy đều có nước da đặc biệt trắng[58], và chẳng một ai có thể nghĩ họ sẽ hành động như vậy. Một trong các bá tước đầu tiên của Champagne muốn, bằng cái họ kia, lưu truyền kỷ niệm ấy chừng nào gia đình họ còn tồn tại. Kể từ quân công ngoại hạng đó, các cô gái của gia đình này đều rất kiêu hãnh, nhưng rất có thể không phải lúc nào họ cũng có nước da trắng[59]. Người cuối cùng, Laurence, trái với luật salique[60], nhận thừa kế cả cái họ, gia huy và đất phong. Vua Pháp đã chuẩn y quyết định của bá tước de Champagne theo đó, trong gia đình này, cái bụng là thứ quyết định dòng dõi và được truyền thừa[61]. Bởi thế Laurence là nữ bá tước de Cinq-Cygne, chồng nàng sẽ phải lấy họ của nàng, đổi sang gia huy nhà nàng, trên đó câu khẩu hiệu chính là lời đáp trác tuyệt của cô chị cả trong số năm chị em khi nhận lệnh phải giao nộp tòa lâu đài: Chết trong tiếng hát! Xứng danh với các nữ kiệt xinh đẹp ấy, Laurence sở hữu một làn da trắng như thể một lời hứa của sự ngẫu nhĩ. Từng đường nhỏ li ti các mạch máu xanh[62] nơi nàng hiện rõ mồn một bên dưới lớp da thật mịn màng. Mái tóc nàng, màu vàng ở độ đẹp nhất, tiệp duyệt một cách tuyệt diệu với cặp mắt xanh không thể sẫm hơn được. Mọi thứ ở nàng đều thuộc hàng xinh xẻo. Bên trong cơ thể lả lướt của nàng, dẫu cho dáng vẻ thắt đáy lưng ong, mặc cho làn da trông như sữa, là một tâm hồn oanh liệt giống như tâm hồn một ngươi đàn ông có tính cách đẹp nhất; nhưng đó là điều mà không một ai, kể cả một người quan sát tài ba, đoán ra được khi nhìn dáng vẻ của một vẻ ngoài dịu dàng và ngắm một khuôn mặt rất nét mà khi nhìn nghiêng ta thấy hao hao giống một khuôn mặt cừu. Vẻ dịu dàng quá mức ấy, dẫu cao quý, như thể đạt tới mức độ xuẩn ngốc của loài cừu. “Tôi có dáng vẻ của một con chiên đang mơ mộng!” thỉnh thoảng nàng mỉm cười nói thế. Laurence, vốn ít nói, hồ như chẳng phải hay mơ mộng, mà là bị đờ đẫn. Thế nhưng chỉ cần một hoàn cảnh nghiêm trọng xảy đến, tức thì Judith[63] bị che giấu sẽ tỉnh ngay dậy và trở nên trác tuyệt, và thật không may cho nàng, các hoàn cảnh như vậy không hề thiếu. Mười ba tuổi[64], Laurence, sau các sự kiện ta đã biết, trở nên mồ côi, trước cái quảng trường xưa kia từng mọc lên tại Troyes một trong những tòa nhà lạ thường nhất theo kiến trúc thế kỷ mười sáu, dinh thự Cinq-Cygne. Ông d’Hauteserre, một người họ hàng trở thành giám hộ của nàng, ngay lập tức đưa nữ thừa kế về sống ở nông thôn. Nhà quyền quý hàng tỉnh trung hậu này, hoảng sợ trước cái chết của trưởng tu d’Hauteserre, anh trai ông, dính một viên đạn trên quảng trường, vào thời điểm mặc giả nông dân chạy trốn, thấy mình không đủ sức bảo vệ các quyền lợi của cô bé: ông có hai đứa con trai theo đội quân của các ông hoàng[65], và ngày ngày, hễ nghe thấy một tiếng động nhỏ, ông lại tưởng đâu các chức sắc bên Arcis tới để bắt ông. Kiêu hãnh vì đã hỗ trợ một cuộc chiến đấu trong vòng vây cũng như vì sở hữu làn da trắng lịch sử của tổ tiên, Laurence khinh bỉ cái sự hèn nhát khôn ngoan này ở ông già còng lưng xuống trước cơn gió bão, nàng chỉ chăm chăm nghĩ sao để trở nên xuất chúng. Vậy nên nàng cả gan treo trong phòng khách nghèo nàn của mình tại Cinq-Cygne bức chân dung Charlotte Corday[66], trên đầu có vành cành sồi kết. Nàng duy trì thư từ thông qua trung gian với hai anh em sinh đôi, coi thường luật lệ hẳn sẽ kết cho nàng án tử. Người đưa tin, cũng liều mạng sống của mình, mang về các bức thư trả lời. Laurence, kể từ các thảm họa Troyes, chỉ còn sống vì thắng lợi của phe hoàng gia. Sau khi đã phán xét một cách tỉnh táo ông bà d’Hauteserre, và nhận ra ở họ một bản tính trung hậu, nhưng không chút nghị lực, nàng đẩy họ ra bên ngoài các luật lệ tầng cầu của riêng nàng; Laurence có quá nhiều trí tuệ cũng như sự độ lượng đích thực, nên chẳng bao giờ trách cứ về tính cách của họ; tốt bụng, dễ mến, thân thiết với họ, nàng chẳng hề tiết lộ với họ đến một bí mật của riêng mình. Chẳng gì có nhiều sức hình thành tâm hồn hơn so với một sự che giấu thường hằng ngay trong lòng gia đình. Đến tuổi trưởng thành, Laurence vẫn để ông già d’Hauteserre quản lý công chuyện riêng, giống như trong quá khứ. Chỉ cần con ngựa của nàng được chải lông cẩn thận, chỉ cần cô hầu Catherine của nàng ăn vận đúng ý nàng và thằng bé gia nhân Gothard của nàng có trang phục nghiêm ngắn, thế là nàng chẳng mấy lo lắng gì đến các chuyện khác nữa. Nàng điều khiển suy nghĩ của mình hướng tới một cái đích quá cao nên không thể đi xuống những mối bận tâm hẳn đã khiến nàng thích thú, nếu là vào một quãng thời gian khác. Việc trang điểm không khiến nàng quan tâm mấy, vả lại mấy người anh họ của nàng đâu có ở đây. Laurence có một bộ trang phục cưỡi ngựa màu xanh thủy tinh để đi ngựa, một cái váy vải thô chẽn ngực điểm trang hàng khuy lớn để mặc lúc đi bộ, và khi ở nhà thì có một chiếc rốp lụa. Gothard, thằng hầu ngựa của nàng, một thằng bé khéo léo và can đảm mười lăm tuổi, hộ tống nàng, vì gần như lúc nào nàng cũng ở bên ngoài, và nàng đi săn trên mọi khoảnh đất của Gondreville, mà các chủ trang trại hay Michu không hề phản đối. Nàng cưỡi ngựa giỏi đáng ngưỡng mộ, và sự thiện xảo của nàng trong săn bắn ở mức độ phép mầu. Trong vùng, lúc nào người ta cũng chỉ gọi nàng là Cô, ngay cả hồi Cách Mạng.

Bất kỳ ai từng đọc cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp Rob-Roy hẳn đều còn nhớ đến một trong các nhân vật phụ nữ hiếm hoi mà để xây dựng Walter Scott đã vượt ra các thói quen về sự lạnh lùng của ông, đó là Diana Vernon[67]. Kỷ niệm này có thể dùng để khiến người ta hiểu Laurence, nếu ta thêm vào các phẩm chất của nàng thợ săn Scotland cái hứng khởi được kiềm chế của Charlotte Corday, nhưng cùng lúc phải loại trừ đi vẻ sống động dễ mến làm cho Diana hấp dẫn tới vậy. Nữ bá tước trẻ tuổi đã chứng kiến mẹ chết, trưởng tu d’Hauteserre ngã xuống, vợ chồng hầu tước de Simeuse bỏ mạng trên đoạn đầu đài; người anh trai duy nhất của nàng thì chết vì các vết thương, hai người anh họ đang phục vụ cho quân đội của Condé có thể bị giết chết bất kỳ lúc nào, rốt cuộc tài sản nhà Simeuse và nhà Cinq-Cygne vừa bị Cộng Hòa nuốt mất, mà không có lợi nhuận nào cho Cộng Hòa. Vẻ nghiêm trang nơi nàng, bị thoái hóa thành sự ngây độn vẻ ngoài, hẳn là điều có thể hình dung.

Vả lại ông d’Hauteserre tỏ ra mình là người giám hộ trung thực nhất và biết điều nhất. Dưới sự cai quản của ông, Cinq-Cygne mang dáng vẻ của một trang trại. Ông già tốt tính, trông ít giống một người hùng hơn là một chủ đất thuần hậu, đã tìm cách kiếm lợi ích từ khu vườn lớn và các mảnh vườn nhỏ, với tổng diện tích chừng hai trăm arpent[68], và tại đó ông tìm được thực phẩm cho ngựa, thực phẩm cho người cùng củi đốt. Nhờ sự tiết kiệm ngặt nghèo của ông, đến tuổi trưởng thành nữ bá tước đã thu hồi được, sau khi đầu tư các món thu nhập vào Nhà nước, một tài sản tương đối đủ dùng. Năm 1798, nữ nhân thừa kế sở hữu hai mươi nghìn franc lợi tức từ Nhà nước với, nói cho đúng, các khoản chi trả bị nợ lại, cùng mười hai nghìn franc ở Cinq-Cygne với các kỳ cho thuê đã được đáo hạn, tăng thêm đáng kể. Ông bà d’Hauteserre rút về sống nơi đồng ruộng cùng ba nghìn livre niên kim trọn đời nhờ góp tiền cho tontine Lafarge[69], những gì còn lại từ tài sản không cho phép họ sống ở đâu khác ngoài Cinq-Cygne; vậy nên hành động đầu tiên của Laurence là cho phép họ sống cả đời tại căn chòi nơi họ đang ở. Vợ chồng d’Hauteserre, trở nên hà tiện cho cô gái trẻ đặt dưới sự giám hộ của họ cũng như cho chính họ, và năm này qua năm kia thu hoạch những nghìn écu trong nỗi nhớ nhung hai người con trai, cho phục vụ nữ nhân thừa kế những đồ ăn khốn khổ. Tổng mức tiêu pha của Cinq-Cygne không vượt quá năm nghìn franc mỗi năm. Nhưng Laurence, vốn dĩ chẳng mấy để ý đến các chi tiết vụn vặt, thấy mọi thứ đều ổn thỏa. Ông giám hộ và vợ, dần dà bị chế ngự dưới sức ảnh hưởng ngấm ngầm của cái tính cách tỏa bóng lên những thứ nhỏ nhất này, rốt cuộc ngưỡng mộ cô gái mà họ từng biết khi còn là trẻ con, một tình cảm khá là hiếm thấy. Nhưng Laurence sở hữu trong các cung cách, trong giọng nói thiên về cổ họng, trong ánh mắt uy nghi, một cái gì đó không rõ thật nhiều quyền năng không thể giải thích lúc nào cũng áp đặt, dẫu rằng đó chỉ là vẻ ngoài, bởi vì ở những kẻ xuẩn ngốc sự trống rỗng trông rất giống chiều sâu. Đối với kẻ thô tục, chiều sâu là không sao hiểu nổi. Có lẽ xuất phát từ đó mà có sự ngưỡng mộ của dân chúng dành cho mọi thứ gì mà nó không hiểu. Ông bà d’Hauteserre, bị chấn động trước sự im lìm thường trực và ấn tượng mạnh trước vẻ rụt rè của nữ bá tước trẻ tuổi, lúc nào cũng ở trong sự chờ đợi một điều gì đó kỳ vĩ. Bằng cách làm việc tốt một cách rạch ròi và không để cho mình bị lừa, Laurence được đám nông dân hết sức kính trọng, mặc dù nàng là một quý tộc. Giới tính của nàng, tên tuổi của nàng, những nỗi bất hạnh của nàng, sự độc đáo trong cuộc đời nàng, mọi thứ đều hội tụ để mang lại cho nàng uy quyền đối với cư dân thung lũng Cing-Cygne. Thỉnh thoảng nàng đi đâu mất dăm ngày, có Gothard đi theo; và chẳng bao giờ khi nàng về, cả ông lẫn bà d’Hauteserre hỏi nàng về lý do vắng mặt. Laurence, hãy nhận thấy điều này, không có biểu hiện gì kỳ quặc. Con người nam tính ẩn nấp lút sâu dưới hình dạng nhiều tính nữ nhất và yếu ớt nhất bên ngoài. Trái tim nàng nhạy cảm vô song, nhưng nàng mang trong óc một sự quyết liệt rất đàn ông và một tính chất cương cường khắc kỷ. Cặp mắt sáng của nàng không biết khóc. Nhìn cổ tay thật trắng và mềm mại hằn những đường gân xanh của nàng, chẳng ai hình dung nổi nó có thể thách thức cổ tay kỵ sĩ rắn nhất. Bàn tay nàng, mềm đến thế, thuôn đến thế, sử một khẩu súng ngắn, một khẩu súng trường, với vẻ dũng mãnh của một thợ săn dày dạn. Bên ngoài, chẳng bao giờ nàng đội lên đầu cái gì khác ngoài những thứ giống hệt mọi phụ nữ khi cưỡi ngựa, một cái mũ nhỏ điệu đà da hải ly cùng khăn voan màu lục rủ xuống. Thế nên khuôn mặt thanh tú đến vậy của nàng, cần cổ trắng muốt đeo cà vạt đen, thảy đều không phải phơi ra ngoài trong những cuốc phi ngựa. Dưới thời Đốc Chính, và khi khởi đầu kỳ Tổng Tài, Laurence đã có thể hành xử như vậy, mà không ai quan tâm; nhưng kể từ lúc chính quyền được chấn chỉnh, các chức sắc mới, viên quận trưởng Aube, đám bạn của Malin, rồi cả Malin nữa, tìm cách hạ thấp nàng. Laurence chỉ chăm chăm nghĩ đến chuyện lật đổ Bonaparte, tham vọng và thắng lợi của ông gây ở nàng nỗi phấn khích lớn giống như một cơn điên giận, nhưng là một cơn điên giận lạnh lùng và đầy tính toán. Là kẻ thù mờ tối và không được biết đến của con người phủ đầy mình vinh quang kia, nàng nhắm vào ông, từ tận sâu thung lũng và những cánh rừng của nàng, với một sự chăm chăm khủng khiếp, đôi khi nàng muốn lên đường đi giết ông ở vùng ven Saint-Cloud hoặc Malmaison. Việc thực thi dự đồ đó hẳn cũng đã đủ để giải thích cho những tập luyện và thói quen của cuộc đời nàng; nhưng, kể từ khi hiệp ước hòa bình Amiens bị vứt bỏ[70], được biết âm mưu của những người toan tính tiến hành một vụ 18 brumaire chống lại Đệ nhất Tổng tài, ngay lập tức nàng đưa hết sức mạnh và lòng thù hận của mình phụng sự cho kế hoạch rất rộng lớn và được điều khiển khéo léo hẳn sẽ xơi tái được Bonaparte ở bên ngoài với liên minh rộng lớn gồm Nga, Áo và Phổ, mà Hoàng Đế đã chiến thắng tại Austerlitz, và ở bên trong với liên minh gồm những con người trái ngược với nhau hết nỗi, nhưng tập hợp lại bởi một mối hận chung, và trong đó nhiều người, giống Laurence, suy tư về cái chết của con người kia, mà chẳng sợ hãi cái từ sát nhân. Cô thiếu nữ ấy, trông thì thật mảnh khảnh, thật mạnh mẽ đối với những ai biết rõ, vào thời điểm này đang là người dẫn lối trung thành và chắc chắn của các nhà quyền quý từ Đức sang để tham gia cuộc tấn công nghiêm trọng kia. Fouché tính đến chuyện dựa vào sự kết hợp của đám người lưu vong từ bên kia sông Rhin nhằm bao vây công tước d’Enghien trong âm mưu. Sự hiện diện của ông hoàng này tại lãnh thổ Bade, cách Strasbourg không xa, về sau sẽ thêm trọng lượng cho các ước đoán đó. Vấn đề lớn là biết xem hoàng thân có thực sự biết về việc này không, ông có về Pháp sau thành công hay không, là một trong các bí mật, cũng như một số bí mật khác, được các hoàng thân của gia đình Bourbon che giấu kỹ nhất. Lịch sử giai đoạn ấy càng già đi thêm, các sử gia không thiên vị ít nhất sẽ tìm ra được sự thiếu cẩn trọng ở hoàng thân trong việc tiến lại gần biên giới vào đúng thời điểm sắp nổ ra một âm mưu vô cùng lớn, mà hẳn cả hoàng gia đều có biết bí mật. Sự thận trọng mà Malin vừa thể hiện trong lúc nói chuyện với Grévin ngoài trời, cô thiếu nữ này cũng áp dụng cho mọi mối quan hệ của nàng, dẫu là nhỏ nhặt đến đâu. Nàng tiếp các đặc phái viên, bàn bạc cùng họ, hoặc tại các đoạn rìa khác nhau của khu rừng Nodesme, hoặc đi quá thung lũng Cing-Cygne, giữa Sézanne và Brienne. Nàng thường đi một mạch mười lăm dặm cùng Gothard, rồi quay trở về Cinq-Cygne mà chẳng ai có thể nhận thấy trên khuôn mặt tươi trẻ của nàng bất kỳ dấu vết nào của mệt mỏi hay rối loạn tâm trí. Thoạt tiên nàng bắt chợt trong ánh mắt thằng bé chăn bò này, khi ấy mới chín tuổi, lòng ngưỡng mộ ngây thơ mà trẻ con dành cho những gì ngoạn mục; nàng cho nó làm người giữ ngựa và dạy nó chải lông lũ ngựa với sự tỉ mỉ và chú tâm giống như người Anh. Nàng nhận ra ở nó ham muốn làm tốt công việc, trí thông minh và sự vắng mặt của mọi tính toán; nàng thử thách lòng tận tâm nơi nó, và thấy ở nó không chỉ trí tuệ, mà cả sự cao quý, nó không hề nghĩ gì đến phần thưởng; nàng chăm bẵm cho cái tâm hồn vẫn còn non trẻ đến thế, nàng rất tốt với nó, tốt đi kèm với sự lớn lao, nàng buộc chặt nó lại vào mình bằng cách buộc mình vào với nó, bằng cách tự tay mài chuốt cái tính cách nửa mọi rợ ấy, mà không gỡ bỏ đi từ nó cả sự cuồng nhiệt lẫn đức tính giản dị. Khi nàng đã thử thách xong xuôi lòng trung thành gần như của loài chó mà nàng đã nuôi dưỡng, Gothard trở thành đồng lõa khéo léo và trong trắng của nàng. Thằng bé con nông dân, mà chẳng ai có thể ngờ vực, đi từ Cinq-Cygne tới tận Nancy, và đôi khi quay trở về mà chẳng ai biết nó đã rời khỏi vùng. Mọi mưu mẹo mà đám gián điệp dùng đến, nó đều xài hết. Sự đa nghi to lớn mà cô chủ nó đã truyền cho nó chẳng hề gây hại cho vẻ tự nhiên nơi nó. Gothard, sở hữu cả mưu mẹo của đám phụ nữ lẫn sự ngây thơ trẻ con, lại thêm sự chú tâm thường trực của một kẻ âm mưu, che giấu những phẩm chất đáng ngưỡng mộ này bên dưới vẻ vô tri sâu thẳm và sự ngây độn của con người nông thôn. Người đàn ông bé nhỏ này như thể xuẩn, yếu và vụng; nhưng chừng nào vào việc, tức thì nó nhanh nhẹn như một con cá, nó luồn lách không khác gì lươn, giống hệt chó, nó hiểu mọi điều chỉ thông qua một ánh mắt; nó đánh hơi suy nghĩ. Khuôn mặt to tướng bầu bĩnh của nó, tròn xoe và đỏ lựng, cặp mắt màu nâu ngái ngủ của nó, mái tóc cắt theo lối nông dân của nó, trang phục của nó, sự chậm lớn của nó, tất tật đều khiến nó vẫn mang dáng vẻ của một thằng bé mới mười tuổi. Dưới sự bảo trợ của người em họ, cô gái chăm lo cho họ từ Strasbourg tới Bar-sur-Aube, các ông d’Hauteserre cùng hai anh em de Simeuse, đi cùng nhiều người lưu vong khác, đến qua ngả Alsace, Lorraine và Champagne, trong khi những người âm mưu khác nữa, không kém phần can đảm, tiếp cận nước Pháp thông qua các vách đá vùng Normandie[71]. Cải trang thành công nhân, anh em d’Hauteserre và anh em de Simeuse đã tiến lên, từ khu rừng này đến khu rừng khác, được dẫn lối theo từng chặng bởi những người mà Laurence đã lựa chọn từ ba tháng nay tại mỗi tỉnh, trong số những người tận tâm nhất với nhà Bourbon và cũng là những người ít bị nghi ngờ hơn cả. Những người lưu vong ngủ vào ban ngày, tối đến mới lên đường. Mỗi người dẫn theo hai người lính tận tụy, trong đó một dùng để đi trước thám thính, người kia thì đoạn hậu nhằm bảo vệ cho cuộc rút lui nếu có điều bất hạnh xảy ra. Nhờ những sự cẩn trọng nhà binh ấy, đơn vị quý giá này đã đến được khu rừng Nodesme, được dùng làm điểm hẹn, mà không gặp phải bất hạnh nào. Hai mươi bảy nhà quyền quý khác cũng xâm nhập theo ngả Thụy Sĩ và băng ngang vùng Bourgogne, được dẫn về Paris với cùng những cẩn trọng tương tự. Ông de Rivière dự trù năm trăm người, trong đó một trăm thanh niên quý tộc, các sĩ quan của tiểu đoàn linh thiêng này. Các ông de Polignac và de Rivière, với sự hành xử ở tư cách thủ lĩnh hết sức đáng kể, giữ bí mật tuyệt đối với tất tật những người đồng lõa còn chưa bị lộ. Vậy nên ngày nay có thể, đối chiếu với các tiết lộ dưới thời Trung Hưng, nói rằng Bonaparte cũng không hề biết tầm vóc những mối nguy từng đe dọa ông, hệt như nước Anh không biết đến hiểm họa mà doanh trại Boulogne hứa hẹn với nó; và, tuy nhiên, chẳng thời kỳ nào cảnh sát được dẫn dắt một cách trí tuệ và thiện xảo đến thế. Vào thời điểm khởi đầu câu chuyện này, một kẻ hèn nhát, như vẫn luôn luôn thấy trong các âm mưu không được thu gọn vào một nhóm thật nhỏ chỉ gồm toàn những con người mạnh mẽ ngang nhau, một kẻ âm mưu khi bị đe dọa đến tính mạng đã phun thông tin ra, rất may là chúng không đầy đủ nếu xét về tầm vóc, nhưng cũng khá chuẩn xác ở phương diện mục đích của công trình. Vậy nên cảnh sát đã để mặc, đúng như Malin đã nói với Grévin, những kẻ âm mưu bị theo dõi thoải mái hành động, nhằm quây hết đầu dây mối nhợ của vụ việc. Tuy vậy, chính phủ phần nào rơi vào thế bị động bởi Georges Cadoudal, con người của hành động, người chẳng chịu nghe theo lời khuyên của bất kỳ ai ngoài chính mình, ông đã trốn lại Paris cùng hăm nhăm người Chouan để tấn công Đệ nhất Tổng tài. Laurence tập hợp trong suy nghĩ nỗi hận và tình yêu. Tiêu diệt Bonaparte và đưa nhà Bourbon về, chẳng phải như thế cũng có nghĩa là đoạt lại Gondreville và thiết lập tài sản cho hai người anh họ của nàng đấy ư? Hai tình cảm này, chúng đối trọng với nhau, là đủ, nhất là ở tuổi hăm ba, để phơi bày tất tật năng lực của tâm hồn và mọi sức mạnh của cuộc đời. Thế nên, từ hai tháng nay, đối với các cư dân Cinq-Cygne, Laurence trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Má nàng hồng, niềm hy vọng khiến đôi lúc lòng kiêu hãnh hiện ra trên vầng trán; nhưng khi mọi người đọc tờ La Gazette vào buổi tối, thấy các hành động bảo thủ của Đệ nhất Tổng tài được thuật lại, nàng cúi đầu xuống để không để lộ cho ai thấy sự chắc chắn đầy tính cách đe dọa của sự sụp đổ sắp tới của kẻ thù của nhà Bourbon này. Do đó tại lâu đài không một ai ngờ rằng nữ bá tước trẻ tuổi đã gặp lại hai người anh họ vào đêm hôm trước. Hai người con trai của ông bà d’Hauteserre đã qua đêm trong chính phòng ngủ của nữ bá tước, dưới cùng mái nhà với bố mẹ họ; bởi vì Laurence, để không gây bất cứ mối nghi nào, sau khi đưa hai anh em d’Hauteserre đi ngủ, giữa một và hai giờ sáng, đã tới chỗ hẹn với hai người anh họ và đưa họ vào sâu trong khu rừng, tại đó nàng giấu họ trong ngôi nhà gỗ bỏ không của một nhân viên trông coi gỗ. Vì chắc chắn được gặp lại họ, nàng không bày tỏ chút nào vẻ vui mừng, ở nàng chẳng hề lộ ra chút xúc cảm nào của đợi chờ; nói tóm lại nàng đã biết cách xóa đi các dấu vết của lạc thú được gặp lại họ, nàng bình thản như không. Catherine xinh đẹp, con gái vú nuôi của nàng, và Gothard, cả hai đều được biết bí mật, bắt chước cách hành xử của cô chủ. Catherine mười chín tuổi. Ở cái tuổi đó, cũng như ở tuổi của Gothard, một thiếu nữ thì cuồng tín và sẵn sàng để bị cắt cổ mà không hở ra lấy một lời. Về phần Gothard, được ngửi mùi nước hoa mà nữ bá tước xức lên tóc và quần áo đã là đủ để nó chịu đựng mọi thứ mà không hé răng.

Đúng vào lúc Marthe, đã được thông báo về hiểm họa cận kề, vội vã lướt đi như một cái bóng về phía khe hở đã được Michu chỉ cho, phòng khách của lâu đài Cinq-Cygne đang trưng bày cảnh tượng êm đềm nhất. Các cư dân của nó ít ngờ đến cơn giông sắp ụp xuống đầu họ tới mức thái độ của họ hẳn sẽ khơi gợi lòng cảm thông của bất kỳ người nào biết đến hoàn cảnh mà họ rơi vào. Trong lò sưởi, trang trí bằng bức tranh, treo phía trên tấm gương, trong đó các nữ mục đồng xách giỏ nhảy múa, bừng cháy một đống lửa chỉ có thể thấy tại các lâu đài nằm bên rìa rừng. Ở góc lò sưởi ấy, trên một cái ghế rộng hình vuông bằng gỗ nẹp vàng, phủ vải lụa màu lục tuyệt đẹp, nữ bá tước trẻ tuổi như thể nằm ngả người trong dáng điệu một người đang chất chứa mệt mỏi. Mới trở về lúc sáu giờ từ vùng ven Brie, sau khi phóng ngựa như bay phía trước đoàn người nhằm đưa đến nơi an toàn bốn nhà quyền quý, tại cái nơi họ sẽ dừng lần cuối trước khi tiến về Paris, nàng bắt chợt ông bà d’Hauteserre vào lúc họ sắp dùng xong bữa tối. Đói lả, nàng ngồi ngay vào bàn mà không kịp cởi bộ trang phục kỵ sĩ lấm bùn đất cũng như đôi giày. Thay vì đi thay quần áo sau bữa ăn, nàng cảm thấy đuối sức bởi những cơn mệt mỏi, và nàng thả mặc cái đầu để trần, phủ cả nghìn lọn tóc quăn màu vàng, lên lưng tựa cái ghế rộng, hai chân đặt lên một cái ghế nhỏ. Ngọn lửa hong khô những vệt bùn lấm trên bộ quần áo và đôi giày của nàng. Đôi găng tay da hoẵng, cái mũ nhỏ bằng da hải ly, tấm voan màu lục và roi ngựa nằm cả trên cái bàn console, nơi nàng vứt chúng lên. Nàng hết nhìn cái đồng hồ treo tường cũ hiệu Boulle nằm trên khung lò sưởi giữa hai giá nến hình hoa, để nghĩ xem, căn cứ vào giờ giấc, bốn kẻ âm mưu đã ngủ hay chưa; rồi nàng lại nhìn cái bàn chơi bài boston đặt trước lò sưởi nơi ông d’Hauteserre cùng vợ đang ngồi, thêm ông cha xứ Cinq-Cygne và em gái ông.

Dẫu cho mấy nhân vật kia sẽ không in dấu ấn sâu đậm lên tấn kịch này, khuôn mặt họ hẳn cũng xứng đáng đại diện cho một trong các nét mặt của giới quý tộc sau thảm bại của họ năm 1793. Dưới khía cạnh này, bức tranh phòng khách Cing-Cygne mang hương vị của lịch sử nhìn trong trang phục phòng ngủ.

Nhà quyền quý, khi ấy năm mươi hai tuổi, cao, ngẳng, khí huyết mạnh, sức khỏe sung mãn, hẳn sẽ có vẻ đủ khả năng để mạnh mẽ nếu không có cặp mắt lớn màu xanh lơ như sứ với ánh mắt báo hiệu một sự giản dị hết mực. Trên khuôn mặt kết thúc bằng một cái cằm vểnh của ông, giữa mũi và miệng, có một khoảng rộng bất thường nếu so với các luật hình họa, khiến ông có dáng vẻ quy thuận, nó tuyệt đối ăn nhịp với tính cách ông, với đó hòa hợp mọi chi tiết nhỏ nhất trong vẻ bên ngoài nơi ông. Nghĩa là mái tóc ngả bạc của ông, đội cái mũ mà ông đặt lên đó suốt cả ngày, tạo thành giống như hình một cái mũ chỏm trên đầu, khuôn theo công tua một quả lê. Trán ông, rất nhăn nheo vì cuộc sống nơi thôn dã và bởi những mối lo âu liên tục, phẳng và không chút biểu cảm. Cái mũi khoằm của ông nâng khuôn mặt ông lên cao một chút; dấu chỉ sức mạnh duy nhất nằm nơi hàng lông mày rậm rì vẫn còn lưu giữ được màu đen của chúng, và nơi màu sắc sống động làn da ông; nhưng dấu chỉ này không hề nói dối, nhà quyền quý mặc dù giản dị và hiền hậu có lòng tin quân chủ và Thiên chúa giáo, không một nhìn nhận nào có thể làm ông thay đổi. Con người trung hậu này hẳn sẽ để cho mình bị bắt giữ chứ không chịu bắn vào vệ binh thành phố, và sẵn sàng êm ái đi lên đoạn đầu đài. Ba nghìn livre tiền niên kim trọn đời, nguồn thu nhập duy nhất của ông, đã ngăn cản ông đi lưu vong. Vậy nên ông tuân lời chính phủ bằng hành động, nhưng không ngừng yêu quý hoàng gia và mong mỏi họ trung hưng; nhưng hẳn ông sẽ từ chối tự gây nguy hiểm cho mình bằng cách tham gia một âm mưu nhằm ủng hộ nhà Bourbon. Ông thuộc về cái nhóm người bảo hoàng ấy, họ vĩnh viễn nhớ là mình đã bị đánh đập và bị ăn cướp; những người đó, kể từ bấy, trở nên im lìm, hà tiện, thù hận, không nghị lực, nhưng không đủ khả năng thực hiện bất kỳ sự từ bỏ nào, cũng như bất kỳ hành động hy sinh nào; hoàn toàn sẵn lòng hoan nghênh quyền lực quân chủ chiến thắng, là bạn hữu của tôn giáo và các linh mục, nhưng nhất quyết chịu đựng mọi sỉ nhục của bất hạnh. Không còn là chuyện có một ý kiến nữa, mà chỉ là bướng bỉnh. Hành động là cốt tử của các đảng. Không trí tuệ, nhưng trung thành, hà tiện như một nông dân, và thế nhưng là quý tộc trong cung cách, gan dạ trong các mong muốn nhưng kín đáo trong lời lẽ và các hành động, ủng hộ mọi bên, và sẵn sàng nhận chức thị trưởng Cinq-Cygne, ông d’Hauteserre đại diện theo đường lối đáng ngưỡng mộ cho những nhà quyền quý quang vinh đã được Chúa viết lên trên trán chữ mites[72], những người để mặc cho nổ ra bên trên dinh thự nông thôn cũng như trên đầu họ các cơn giống tố của Cách Mạng, họ đứng lên trở lại vào kỳ Trung Hưng, sở hữu những món tiền tiết kiệm giấu kỹ, kiêu hãnh vì sự gắn kết ngấm ngầm và trở về vùng đồng quê của họ sau năm 1830. Trang phục của ông, vỏ bọc nhiều biểu cảm của tính cách này, họa hình con người cùng thời đại. Ông d’Hauteserre mặc một cái áo choàng màu hạt dẻ nhạt, cổ thít, mà công tước d’Orléans cuối cùng đã biến thành mốt khi từ bên Anh trở về và, hồi Cách Mạng, giống như một sự chuyển tiếp giữa những quần áo tởm lợm của đám bình dân và những chiếc rơ đanh gốt trang nhã của giới quý tộc. Cái gi lê nhung của ông, với những đường nét hoa lá cành, gợi nhớ áo của Robespierre và của Saint-Just, để hé cho thấy phần trên một cái khăn xếp nhiều li nhỏ đính liền vào áo sơ mi. Ông vẫn giữ quần cộc, nhưng quần của ông bằng vải thô màu xanh lơ, có các vòng khuyên bằng thép màu nâu. Đôi bít tất tơ sồi đen khuôn lấy cặp chân như chân hoẵng, đi đôi giày to tướng quấn ghệt vải đen. Ông vẫn giữ cái cổ áo vải mút-xơ-lin đến nghìn li, siết lại bằng một cái vòng vàng trên cổ. Con người trung hậu ấy không hề định chơi trò chiết chung chính trị bằng cách ăn vận kiểu như vậy, vừa nông dân, vừa cách mạng lại pha quý tộc, ông đã chỉ hết sức ngây thơ tuân theo hoàn cảnh mà thôi.

Bà d’Hauteserre, bốn mươi tuổi, khô héo vì những mối xúc cảm, có một khuôn mặt như thể lúc nào cũng đang làm mẫu vẽ tranh chân dung; và cái mũ bonnê đăng ten của bà, điểm trang những nơ xa tanh trắng, góp phần một cách hết sức đặc biệt khiến bà có cái dáng vẻ trang trọng kia. Bà vẫn rắc phấn mặc cho cái khăn trắng, chiếc rốp lụa nâu sẫm ống tay suông, chân váy thật rộng, trang phục buồn thảm và cũng là cuối cùng của hoàng hậu Marie-Antoinette. Mũi bà gãy, cằm thì nhọn, mặt gần như có hình tam giác, cặp mắt từng khóc nhiều; nhưng bà thoa son phơn phớt khiến cặp mắt màu ghi của bà trở nên sống động. Bà dùng thuốc lá, và mỗi lần hít bà lại có các cung cách cẩn trọng đẹp đẽ mà xưa kia các petite-maîtresse vẫn hay lạm dụng; tất tất mọi chi tiết trong sự hít thuốc của bà tạo nên một nghi lễ có thể giải thích bằng từ này: bà có hai bàn tay đẹp.

Từ hai năm nay, cựu gia sư của anh em de Simeuse, bạn của trưởng tu d’Hauteserre, tên là Goujet[73], trưởng tu Minimes, đã lui về phụ trách việc đạo ở Cing-Cygne vì tình bạn với gia đình d’Hauteserre và với nữ bá tước trẻ tuổi. Em gái ông, cô Goujet, có bảy trăm franc tiền lợi tức, góp vào với món tiền thu nhập còm cõi của ông anh, và chăm lo nhà cửa cho ông. Cả nhà thờ lẫn khu nhà cha xứ đều chưa bị bán đi, vì chúng có giá trị quá nhỏ. Thế nên trưởng tu Goujet sống ngay sát lâu đài, bởi vì tường khu vườn khu đạo và tường vườn lớn lâu đài chung nhau ở vài chỗ[74]. Thành thử, hai lần mỗi tuần, trưởng tu Goujet và em gái ăn tối tại Cing-Cygne, nơi mọi buổi tối họ ở cùng vợ chồng d’Hauteserre. Laurence không hề biết chơi bài. Trưởng tu Goujet, ông già tóc trắng và khuôn mặt cũng trắng giống mặt một bà già, sở hữu một nụ cười đon đả, một giọng nói êm dịu và khôn khéo, khiến cho bớt đi sự nhạt nhẽo của khuôn mặt bầu nhờ một vầng trán tỏa rạng trí tuệ và cặp mắt đặc biệt sắc sảo. Vóc dáng tầm thước và cân đối, ông vẫn mặc áo đen kiểu Pháp, mang các vòng vàng ở cái quần cộc và trên đôi giày, đi bít tất lụa đen, một cái gi lê phủ phần bẻ xuống của cổ áo to, trông ông có vẻ đỏm nhưng không hề đánh mất chút gì trong phẩm cách. Ông trưởng tu ấy, trở thành giám mục Troyes thời Trung Hưng, vốn dĩ đã quen, vì cuộc đời cũ, phán xét các thanh niên, đoán định được tính cách lớn lao nơi Laurence, ông trân trọng nàng với đầy đủ giá trị, và ngay từ đầu ông đã bày tỏ một sự kính ngưỡng đối với cô thiếu nữ này, điều đó càng khiến nàng trở nên độc lập hơn tại Cinq-Cygne và làm cho cúi rạp xuống trước nàng quý bà già nua khổ hạnh và ông già trung hậu, mà lẽ ra theo tập tục là những người nàng phải nghe lời. Từ sáu tháng nay, trưởng tu Goujet quan sát Laurence với thiên tài đặc thù của các linh mục, những con người sáng suốt nhất trên đời; và, dẫu không biết cô gái hăm ba tuổi này đang suy tính chuyện lật đổ Bonaparte vào thời điểm nàng dùng đôi bàn tay lả lướt vuốt cho phẳng một dải diềm trên bộ trang phục kỵ sĩ, ông ngờ nàng đang nung nấu một dự đồ lớn.

Cô Goujet thuộc vào số các phụ nữ mà bức chân dung có thể xong xuôi bằng vài từ, chỉ vậy thôi cũng đã đủ để những người kém óc tưởng tượng nhất cũng hình dung ra: cô thuộc về hạng ngựa to lớn mà phụ nữ hay cưỡi. Cô tự biết mình xấu, cô là người đầu tiên cười sự xấu xí của mình, chìa ra những chiếc răng dài vàng khè cũng giống nước da cô và đôi bàn tay xương xẩu. Cô tuyệt đối là người tốt tính và vui tươi. Cô vận loại áo cánh lừng danh của thời xa xưa, một cái chân váy thật rộng với các túi lúc nào cũng đựng đầy chìa khóa, đội cái mũ bonnê buộc ruy băng và tóc búi cao. Cô bốn mươi tuổi từ rất sớm sủa; nhưng cô giảm bớt được thiệt hại, chính cô nói vậy, nhờ bốn mươi tuổi sẵn kể từ hai mươi năm nay. Cô trọng vọng quý tộc, và biết giữ phẩm cách riêng, bằng cách dành cho những con người cao quý tất tật lòng tôn trọng và vinh dự mà họ xứng đáng được hưởng.

Hai người ấy tới Cinq-Cygne thật hợp ý bà d’Hauteserre, vốn dĩ bà không có các công việc ruộng đồng giống chồng, bà lại cũng không, giống Laurence, có dưỡng chất tốt lành của một lòng hận thù ngõ hầu gánh đỡ sức nặng một cuộc đời cô độc. Vậy nên mọi thứ, theo cách nào đó, đã được cải thiện kể từ sáu năm nay. Việc Thiên chúa giáo được khôi phục cho phép người ta thực hiện các nghĩa vụ tôn giáo, thứ có nhiều vang động trong cuộc sống ở nông thôn hơn so với mọi nơi nào khác. Ông bà d’Hauteserre, yên lòng trước các hành động bảo thủ của Đệ nhất Tổng tài, đã có thể thư từ với các con, nhận tin tức của họ, không còn run lên sợ hãi khi nghĩ đến họ nữa, cầu xin họ đệ thỉnh nhằm được gạch tên khỏi danh sách người lưu vong, và quay trở về Pháp. Ngân Khố đã thanh toán các khoản chi trả lợi tức, và đều đặn trả tiền đúng kỳ hạn. Khi ấy vợ chồng d’Hauteserre sở hữu, ngoài niên kim trọn đời, tám nghìn franc tiền lợi tức. Ông già tự tán thưởng bản thân vì sự khôn khéo nhìn xa trông rộng, ông đã nộp hết số tiền tiết kiệm được, hai mươi nghìn franc, cùng thời điểm với cô gái mà ông giám hộ, trước ngày 18 brumaire, điều đó khiến cho, như người ta đều biết, số tiền gốc tăng từ mười hai lên mười tám franc[75].

Suốt một thời gian dài Cinq-Cygne trống trải, hoang vắng và đổ nát. Đầy tính toán, người giám hộ thận trọng đã không muốn, trong thời gian cách mạng sôi sục, thay đổi gì; nhưng, khi hiệp ước hòa bình Amiens được ký kết, ông đã đi một chuyến tới Troyes, để mang từ đó về một số phế tích của hai dinh thự bị cướp phá, mua lại ở chỗ những người buôn đồ cũ. Rồi ông trang bị đồ đạc cho phòng khách. Các tấm rèm lụa trắng họa tiết hoa lục rất đẹp xuất xứ từ dinh thự Simeuse điểm trang cho sáu cửa sổ của căn phòng nơi các nhân vật kia đang ngồi. Căn phòng rộng mênh mông ấy đã được lát lại hoàn toàn bằng gỗ chia thành các ô, nẹp bằng các thanh dài đính đá quý, trang trí hình mặt nạ ở các góc, và sơn hai tông màu ghi. Phần trên của bốn cánh cửa vẽ tranh kính nâu sẫm các chủ đề từng là mốt thời Louis XV. Ông già trung hậu đã tìm được tại Troyes những cái bàn console mạ vàng, một tủ phủ lụa màu lục, một đèn chùm pha lê, một cái bàn chơi bài gỗ dát, và tất tật những gì có thể giúp ích cho việc khôi phục Cinq-Cygne. Năm 1792, toàn bộ đồ đạc của lâu đài đã bị lấy đi, bởi vì cuộc cướp phá các dinh thự cũng tạo ra sự hưởng ứng nơi thung lũng này. Mỗi lần ông già đi Troyes, ông lại trở về cùng vài thứ tàn tích của sự huy hoàng xưa kia, lúc là một tấm thảm đẹp giống như tấm đang được trải sàn phòng khách, khi lại là một phần bát đĩa hoặc đồ sứ cổ Saxe hay Sèvres. Từ sáu tháng nay, ông đã cả gan đào các món đồ bạc của Cinq-Cygne lên, chúng từng được người đầu bếp chôn giấu trong một ngôi nhà thuộc về ông ta, nằm cuối một trong các faubourg chạy dài của Troyes.

Người gia nhân trung thành này, tên Durieu, cùng vợ, đã luôn luôn dõi theo vận hạn cô chủ trẻ tuổi của họ. Durieu là người chạy việc của lâu đài, cũng như vợ ông chuyên lo việc vặt. Dưới bếp, Durieu được đỡ đần thêm bởi em gái của Catherine, người được ông truyền nghề cho, và đang trên con đường trở thành một đầu bếp tuyệt hảo. Một người làm vườn đã già, vợ ông, con trai ông được trả công theo ngày, và con gái họ phụ trách chăn bò, vậy là đã đủ mặt người làm trong lâu đài. Từ sáu tháng nay, vợ Durieu đã lén lút may đồng phục theo màu của Cing-Cygne cho con trai người làm vườn và Gothard. Dẫu bị nhà quyền quý mắng mỏ nên thân vì việc làm thiếu thận trọng ấy, bà tự thấy vô cùng vui sướng khi chứng kiến bữa tối được bày biện, vào hôm Saint-Laurent[76], để ăn mừng ngày lễ thánh của Laurence, gần giống với trước kia. Sự khôi phục nặng nề và chậm chạp của mọi sự này tạo nên niềm vui cho ông bà d’Hauteserre cũng như vợ chồng Durieu. Laurence mỉm cười trước những gì mà nàng gọi là các trò trẻ con. Nhưng ông già trung hậu d’Hauteserre cũng nghĩ đến chuyện lâu dài, ông sửa nhà sửa cửa, xây lại các bức tường, trồng trọt ở mọi nơi nào có thể chuyển tới một cái cây, và không để cho một tấc đất nào nằm đó không mang lại lợi ích. Vậy nên thung lũng Cinq-Cygne coi ông như một đại sư về nông nghiệp. Ông đã đoạt về được một trăm arpent đất tranh chấp, không bị bán, nhưng bị Xã nhập vào các địa phận của nó; ông đã cải tạo chúng trở thành các đồng cỏ nhân tạo cung cấp thức ăn cho lũ súc vật của lâu đài, trồng dương bao quanh, từ sáu năm nay đám cây đã lớn nhanh, trở nên lực lưỡng. Ông nuôi ý định mua lại vài mảnh đất, và sử dụng mọi khu nhà trong lâu đài, lập tại đó trang trại thứ hai rồi tự mình điều hành.

Do vậy, từ hai năm nay, cuộc sống ở lâu đài đã trở nên gần như sung sướng. Ông d’Hauteserre rời nhà từ lúc mặt trời mọc, ông đi coi sóc cánh công nhân, bởi vì lúc nào ông cũng thuê người làm; ông quay về ăn trưa, sau đó leo lên lưng một con nghẽo nông dân, và đi một vòng như người lính gác; rồi, lại về để ăn tối, ông kết thúc ngày của mình bằng trò boston. Tất cả cư dân của lâu đài đều có việc để làm, ở đó cuộc sống cũng quy củ giống như tại một tu viện kín. Chỉ Laurence gây xáo trộn bởi những chuyến đi đột ngột của nàng, bởi những kỳ vắng vặt, bởi cái mà bà d’Hauteserre gọi là những cuộc dạt vòm. Tuy nhiên tại Cing-Cygne có hai chính sách, và những nguyên do gây chia rẽ. Trước hết, Durieu và vợ ghen tị với Gothard và Catherine được sống trong cảnh thân cận với cô chủ trẻ tuổi, thần tượng của cả nhà, hơn so với họ. Rồi vợ chồng d’Hauteserre, có sự ủng hộ của cô Goujet và cha xứ, muốn hai con trai của họ, cũng như anh em sinh đôi de Simeuse, trở về và dự phần vào niềm hạnh phúc của cuộc sống êm đềm này, thay vì sống trong cảnh nhọc nhằn xa xứ. Laurence dè bỉu sự thoái lui tồi tệ này, và đại diện cho chủ nghĩa bảo hoàng thuần khiết, đầy tính chiến đấu và không khoan nhượng. Bốn người già, không còn muốn phải chứng kiến cảnh một sự tồn tại sung sướng bị hủy hoại, cũng như cảnh cái chốn giành giật được từ dòng lũ hung dữ của cách mạng này bị xâm phạm, cố công cải Laurence đi theo các học thuyết thực sự khôn ngoan của họ, đoán định rằng nàng đóng vai trò quan trọng trong việc các con họ cùng hai anh em de Simeuse cự tuyệt trở về Pháp. Sự cao ngạo tót vời của cô gái mà họ giám hộ gây khủng hoảng cho những con người khốn khổ ấy, họ không hề nhầm khi bực dọc trước cái mà họ gọi là một cơn bốc đồng. Mối chia rẽ ấy đã bùng nổ vào thời điểm bùng cháy cỗ máy khủng khiếp trên phố Saint-Nicaise[77], toan tính đầu tiên của cánh bảo hoàng nhằm vào người chiến thắng trận Marengo[78], sau khi ngài từ chối gượng nhẹ với nhà Bourbon. Vợ chồng d’Hauteserre nghĩ thật may mắn khi Bonaparte thoát khỏi mối nguy này, vì tin rằng đám Cộng Hòa là thủ phạm của vụ mưu sát. Laurence khóc vì điên giận khi thấy Đệ nhất Tổng tài an toàn tính mạng. Nỗi tuyệt vọng của nàng mạnh hơn sự che giấu quen thuộc, nàng buộc tội Chúa đã phản bội các con trai của thánh Louis[79]! “Nếu là tôi, nàng kêu lên, thì hẳn tôi đã làm được việc. Chẳng phải, nàng nói với trưởng tu Goujet khi nhận ra nỗi hãi hùng sâu sắc mà câu nói của mình gây ra trên mọi khuôn mặt, người ta có quyền tấn công sự soán đoạt bằng bất kỳ phương cách nào đấy ư? - Con gái ơi, trưởng tu Goujet đáp, Nhà Thờ từng bị tấn công và thóa mạ khủng khiếp bởi các triết gia vì xưa kia đã ủng hộ việc người ta có thể sử dụng chống những kẻ soán đoạt các thứ vũ khí mà bọn soán đoạt từng sử dụng nhằm chiến thắng; nhưng ngày nay Nhà Thờ được hưởng lợi ích quá lớn từ ngài Đệ nhất Tổng tài nên chẳng thể nào không bảo vệ ngài và lo sao để ngài không bị hại bởi câu châm ngôn, vả lại câu ấy là do lũ dòng Tên nói ra. - Tức là Nhà Thờ bỏ rơi chúng ta!” nàng đáp, dáng vẻ u tối.

Ngay từ ngày ấy, mọi lần nào bốn người già nói đến chuyện phải nhẫn nhịn tuân phục Thiên Hựu, nữ bá tước trẻ tuổi đều rời ngay khỏi phòng khách. Từ ít lâu nay, cha xứ, vốn dĩ khéo léo hơn ông giám hộ, thay vì tranh luận về các nguyên tắc, nêu bật lên các lợi thế vật chất của chính quyền tổng tài, nhằm làm thay đổi tư tưởng nữ bá tước thì ít hơn so với để bắt chợt trong ánh mắt nàng các biểu hiện hòng soi sáng cho các dự định của nàng. Những đợt đi vắng của Gothard, vô số những cuốc phi ngựa của Laurence và mối bận tâm của nàng, mấy ngày vừa qua hiện ra trên nét mặt, rồi thì cả một đoàn lũ những điều vụn vặt không thể nào thoát khỏi, trong sự im lìm và tĩnh lặng của cuộc sống tại Cing-Cygne, nhất là trong ánh mắt lo âu của vợ chồng d’Hauteserre, trưởng tu Goujet và vợ chồng Durieu, mọi thứ đều đánh động những nỗi sợ nơi các nhà bảo hoàng thuần phục này. Nhưng vì chưa thấy có sự kiện gì xảy ra, và cũng vì sự yên tĩnh tuyệt đối nhất vẫn ngự trị trên chính trường kể từ vài hôm nay, cuộc sống nơi cái lâu đài nhỏ bé này đã quay trở lại êm đềm. Ai cũng coi việc nữ bá tước hay cưỡi ngựa là xuất phát từ niềm ham mê săn bắn của nàng.

Ta có thể tưởng tượng sự im lặng sâu thẳm ngự trị trong khu vườn, tại các sân, bên ngoài, lúc chín giờ, ở lâu đài Cing-Cygne, nơi vào thời điểm này mọi vật và mọi con người đang được tô điểm một cách hài hòa đến vậy, nơi ngự trị sự yên bình sâu thẳm nhất, nơi sự phồn thịnh đang quay trở lại, nơi nhà quyền quý tốt tính và khôn ngoan hy vọng đưa được cô gái mà ông giám hộ vào cái hệ thống tuân lời của ông bằng chuỗi tiếp nối của các kết quả sung sướng. Những con người thuộc phái quân chủ ấy tiếp tục chơi cái trò boston, nó lan tỏa trên khắp nước Pháp các tư tưởng độc lập dưới một hình thức nhỏ mọn, nó được nghĩ ra nhằm vinh danh những người nổi loạn bên Mỹ, và mang các thuật ngữ tất tật đều gợi nhắc cuộc tranh đấu được Louis XVI khích lệ[80].

-----------

[33] Thời kỳ Cách mạng Pháp ở cao trào, Malin từng là “tribun”, người diễn thuyết trước dân chúng. Violette tự tạo một động từ mới, “tribuner”, từ “tribun”.
[34] Sự “đồng đều” này hết sức quan trọng cho các tình tiết về sau của câu chuyện.
[35] Dường như đúng là bà mẹ của hoàng thân de la Paix nói câu tương tự như thế này, nhưng là trong một hoàn cảnh không tương tự như thế này.
[36] Tiếng Latin, nghĩa đen là “ngươi có thể có thân thể”, đây là một thuật ngữ ý nói khả năng kháng cáo của một ai đó bị chính quyền bắt giữ.
[37] Tức là thực chất Malin đang mị dân.
[38] Cf. chú thích số 22.
[39] Đây là một dấu vết ảnh hưởng của Fenimore Cooper lên Balzac; cf. chú thích số 45 của Ferragus.
[40] Thật ra ở chỗ này Balzac nhầm; sẽ nói kỹ hơn sau; tất nhiên Malin đang muốn nói đến Peyrade và Corentin.
[41] Vụ việc xảy ra vào cuối năm 1803, đầu năm 1804: đây là một âm mưu bắt cóc Napoléon, đang là Đệ nhất Tổng tài; nhân vật đáng quan tâm ở đây là Pichegru, từng là thầy dạy học của Bonaparte khi Bonaparte còn bé, đi đánh nhau bên Mỹ, chiến đấu thời Cách mạng Pháp; một nhân vật nổi bật nữa của vụ việc là Cadoudal.
[42] Đúng ra phải là, khi Fouché thất sủng, Napoléon “đền bù” bằng cách phong Fouché làm nghị viên; vả lại, dường như Fouché, dẫu có lúc bị thất sủng, luôn luôn có quan hệ tốt với Napoléon và cố vấn sát sao cho Napoléon.
[43] Tức là phong trào “Chouanerie” ở miền Tây nước Pháp, chủ đề của Les Chouans (Những người Chouan), tác phẩm lớn của Balzac thuộc các “xen” “nhà binh”; “năm Bảy” là tính theo lịch Cách mạng.
[44] Jean-Charles-Pierre Lenoir, năm 1776 được giao việc quản lý Cảnh sát; Lenoir đã thực hiện công việc một cách xuất sắc và rời vị trí ấy chuyển sang điều hành tài chính năm 1785.
[45] Đây là một hầu tước, bị treo cổ năm 1790 vì bị nghi ngờ tiến hành một âm mưu phản cách mạng, việc mà dường như de Favras không hề làm.
[46] Tức là từ tháng Sáu năm 1802.
[47] Có ai hiểu khi Balzac viết “dit Malin en faisant claquer l’ongle de son pouce sous une de ses palettes” nghĩa là Malin đang làm gì không? móng của ngón tay cái bật vào cái gì để phát ra âm thanh nhỉ?
[48] Ngày 16 tháng Năm 1803, quân Anh bắt giữ chừng một trăm thuyền Pháp; Napoléon lập ra doanh trại (camp) Boulogne, ở ngoại vi Boulogne-sur-Mer, tập hợp Đội Quân Vĩ Đại ở đây nhằm chuẩn bị tiến sang đánh Anh; Boulogne-sur-Mer là vùng đất tranh chấp lâu dài giữa Anh và Pháp, ta nhớ là mãi đến François Đệ nhất nước Pháp, Boulogne về cơ bản vẫn là đất của Anh.
[49] Chính trị gia quyền lực nước Anh hồi ấy.
[50] Chế độ Tổng tài nước Pháp là chế độ “tam đầu chế”, gồm ba người, trong đó “Đệ nhất Tổng tài” là Napoléon; hai nhân vật còn lại: google.
[51] Đây là hai sự kiện: vụ thứ nhất xảy ra ngày 5/10/1795, vụ thứ hai ngày 4/9/1797, khi Bonaparte trợ giúp Barras đẩy lui phe bảo hoàng.
[52] Đêm Noel 1800, vụ nổ lớn trên phố Saint-Nicaise ngay trước xe ngựa của Bonaparte (cũng trong khuôn khổ loạt âm mưu Cadoudal; vụ nổ này gây ra chừng năm mươi nạn nhân, nằm vương vãi trên phố, nhưng Đệ nhất Tổng tài không hề hấn chút nào.
[53] Tức là Charles X tương lai; trong số những cái tên được liệt kê, nhân vật công tước d’Enghien rất đáng quan tâm.
[54] Đây là một nét nổi bật dưới sự cầm quyền của Napoléon: Cách mạng hủy bỏ các đặc quyền tôn giáo và tăng lữ nhưng Napoléon cho tái thiết lập Công giáo (liên quan đến “Concordat”).
[55] Dường như Balzac luôn luôn tin rằng dục vọng, nhất là ý chí, thể hiện một cách tương ứng ở các cử chỉ, động tác của cơ thể.
[56] Có chuyên gia về Balzac kỹ tính đến mức đã đi tra lịch rất cẩn thận, và khẳng định cái đêm xảy ra câu chuyện này không thể có trăng.
[57] Có một lý thuyết cho rằng mọi cái họ quý tộc Pháp đều có, ở bên dưới nó, một họ khác, “nguyên thủy” hơn; ở đây Balzac đang tạo ra cái họ nguyên thủy ấy cho gia đình de Cinq-Cygne và gia đình de Chargeboeuf, chiểu theo quy tắc (hai gia đình này có họ gần gũi với nhau, chi tiết rất quan trọng cho đoạn sau của câu chuyện).
[58] Cinq-Cygne có nghĩa là “năm con thiên nga”; còn trong cái họ “Chargeboeuf” dĩ nhiên có “boeuf” nghĩa là con bò.
[59] Đây là một ví dụ cho “hài hước kiểu Balzac” (phải nói là rất nhiều hương vị Molière).
[60] Một thứ rất lằng nhằng, có thể hiểu đại khái là liên quan đến “người Franc” cổ xưa.
[61] Ẩn dụ “cái bụng” ở đây muốn nói sự sinh đẻ, và do đó, ám chỉ việc riêng gia đình này (vì có các cụ bà hiển hách) được đặc cách chú trọng trao sự vinh hiển cho phụ nữ.
[62] Tức là quý tộc.
[63] Google, google; ta cũng nhận ra cách Balzac miêu tả Laurence de Cinq-Cygne rất giống cách miêu tả Rosalie de Watteville trong Albert Savarus.
[64] Ở đoạn trước, rất không may, Balzac lại nói “mười hai tuổi” chứ không phải mười ba như ở đây.
[65] Ý nói các nhà quý tộc chiến đấu chống Cách mạng 1789, đi lưu vong (cũng như anh em sinh đôi de Simeuse).
[66] Cho ai còn chưa biết: đây là cô gái ám sát Marat trong bồn tắm.
[67] Thêm một lần nữa, Balzac nhắc đến Walter Scott; Diana Vernon của cuốn tiểu thuyết Rob-Roy cũng xuất hiện trong Mặt bên kia của lịch sử hiện thời.
[68] Cf. chú thích số 7.
[69] “Tontine” là một hình thức tương đối giống “chơi họ” ở Việt Nam; sở dĩ được gọi là “tontine” là vì người nghĩ ra hệ thống này tên là Laurent Tonti, một người Napoli; thực chất đây là một dạng xổ số kiêm bảo hiểm; gia đình Balzac rất không xa lạ với “les tontines Lafarge”.
[70] Ngày 25 tháng Ba năm 1802, hiệp ước Amiens được ký kết giữa Pháp và một số nước châu Âu; nó sụp đổ vào ngày 18 tháng Năm 1803; quãng thời gian này (nhỉnh hơn một năm) là giai đoạn hòa bình duy nhất tại châu Âu trong vòng 21 năm (từ 1793 đến 1814, tức là năm Napoléon thoái vị).
[71] Đúng ra, sự thật lịch sử là tất cả những người tham gia âm mưu này đều vào Pháp từ Normandie.
[72] Tiếng Latin, có thể hiểu là “dịu dàng”.
[73] Thêm một nhân vật trưởng tu nữa trong Vở kịch con người.
[74] Hơi khó hình dung.
[75] Nhìn chung, đây là một vấn đề hết sức phức tạp.
[76] Nếu không có nhầm lẫn gì, thì là ngày 30 tháng Chạp.
[77] Cf. chú thích số 52.
[78] Trận đánh rất nổi tiếng của Bonaparte, diễn ra ngày 14 tháng Sáu năm 1800; tướng Bonaparte đánh bại đội quân Đế chế Thần thánh dưới quyền chỉ huy của nam tước von Melas, tại Ý.
[79] Ám chỉ vua Louis IX nước Pháp, làm vua vào thế kỷ 13, được coi là thánh ngay từ khi còn sống, “Saint-Louis”.
[80] Một đề tài ưa thích của Balzac trong Vở kịch con người: các “trò chơi xã hội”. Cf. đoạn đầu Albert Savarus.



(còn nữa)



X. Ursule Mirouët
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

3 comments:

  1. đoạn trò chuyện Malin với Grévin trong rừng đem dựng thành một vở "kịch lịch sử" về Đế chế đi. nhưng ở đây ko kiếm đc diễn viên. thấy "trại Boulogne" lại thấy hồi hộp cứ như vụ đó chưa hề bị canceled. nhưng đoạn 'đốn ngộ" về nhau của vợ chồng Michu hình như mới là đoạn kiệt tác. cảnh ông bạn chống cạc-bin dưới trăng thật ngưỡng mộ quá! đêm ấy buộc phải sáng trăng thôi. lẩn thẩn nhớ đến cảnh hai bạn gì ôm nhau trên mũi tàu Titanic í, có lẽ cũng etude cái đêm trăng này :P

    ReplyDelete
  2. kể từ đây, Balzac viết đúng như một tác giả truyện trinh thám đích thực, tính toán thời gian và sắp xếp sự kiện giống như một tiểu thuyết của Agatha Christie :p

    (chi tiết cần đặc biệt nhớ là nhân vật Violette vẫn đang ở nhà Michu, say bí tỉ - dường như có liên quan đến vấn đề "tạo alibi" hehe)

    ReplyDelete