Aug 6, 2017

Lý thuyết văn học và triết học

Jean Genet (tôi chợt nhận ra là gần như chưa bao giờ tôi thực sự nhắc đến Genet; đây rất có thể là sai lầm lớn của tôi, mà thời gian tới đây tôi sẽ sửa chữa: hay là liên tục trong ba tháng liền chỉ không ngừng bình luận Genet nhỉ? :p nhưng điều này - tức là việc tránh né Jean Genet - không chỉ cần thiết mà còn hơn thế nhiều, bởi vì các nhân vật kiểu ma cà bông rất nguy hiểm, ta rất dễ bị thu hút trước những trò chơi của họ mà nhìn nhận họ sai lầm, rất nhiều "ma cà bông" chẳng có giá trị mấy: Henry Miller, Charles Bukowski hay Roberto Bolaño chính là tam vị bảo trợ cho một tập đoàn cực đông đảo lũ vờ vịt, ngoài đó ra còn có cả một dây dài nữa; George Steiner từng nói đến một trường hợp trong số đó: Dylan Thomas hiểu mình sẽ trở nên hấp dẫn nếu chơi mấy cái trò uốn éo; một trong các công việc của phê bình là, rất nhàm chán, phân biệt những gì "authentique" và không, chẳng khác gì (hiện nay) cuộc chiến đấu tuyệt vọng chống lại sự hiện diện khủng khiếp của McDonald's hay Starbucks: toàn cầu hóa giống như dịch hạch, nhưng lại không được coi là bệnh; trong toàn cảnh của toàn cầu hóa, đương nhiên có sự toàn cầu hóa của "khoa học", của những gì được coi là "trí tuệ") từng nói đại ý, cứ làm cho đến hết mức bất kỳ cái gì, như thế là đẹp; không làm cho đến tận cùng một cái gì (bất kỳ cái gì) nghĩa là không đẹp; nếu biết Genet là kẻ trộm chuyên nghiệp, đi tù cũng chuyên nghiệp, không xa lạ với bất cứ thứ gì bị coi là tồi tệ nhất của cuộc sống con người, ta sẽ thấy tầm vóc vấn đề lớn đến mức nào.

Thực sự tôi cũng không hoàn toàn biết là tôi định nói gì.

Nhưng có lẽ cũng đã đến lúc xem lại một thứ đã diễn ra cách đây bảy năm (tôi vẫn giữ nguyên "hiện trường": xem ở kia). Tôi nghĩ câu chuyện ấy (xem chủ yếu các comment) diễn tả không ít một số điều không hẳn là không then chốt đối với cuộc sống tinh thần ở đây.

Mười năm vừa qua, một trong những điều mà tôi nhận ra (không buồn, không vui, tôi không thấy tại sao lại phải vui, càng chẳng thấy tại sao lại đi buồn - tốt nhất là không hề biết cả buồn lẫn vui) là: càng ngày càng không có ai.

Từng có những lúc, mọi thứ nhộn nhịp ở mức độ tưởng chừng như mọi thứ đều chỉ ngày một ngày hai là xong hết. Nhìn đâu cũng thấy đồng chí, ai ai cũng ngời lên một màu hừng hực. Xét cho cùng, đó cũng chỉ là một biểu hiện của các hoạt động đoàn thể mà con người ở đây không chỉ đã quá quen mà còn, ở một tầng rất sâu, coi hiển nhiên là môi trường sống.

Nhưng, khi mà ai cũng hừng hực, chuyện xảy ra sau đó gần như lúc nào cũng nhuốm một sự mỉa mai to lớn, một sự nực cười ở tầm vóc Rabelais, của những người khổng lồ, Garguantua, Pentagruel etc. nhưng tất nhiên, cũng rất đậm màu Panurge.

Tôi tự hỏi, trong số rất đông đảo những con người comment ở đường link trên đây, bao nhiêu người, ở thời điểm này, còn tiếp xúc với triết học ở mức độ tối thiểu (ta cứ cho rằng một tháng đọc được một trang sách triết học nào đó)? Tôi nghĩ chẳng có ai đâu.

Tôi cũng nghĩ, ngay trong lúc hăng hái comment như những con người ngời sáng trí tuệ, họ chẳng hề coi triết học là cái đinh gỉ gì hết. Đó là một thuộc tính lớn trong tinh thần những gì mà tôi gọi là hoạt động của trí tuệ ở đây, trong vòng trên dưới mười năm vừa rồi.

Và, cái cuốn sách viết về "lý thuyết văn học" mà nội dung là phần introduction của các sách introduction đã nói đến ở kia, nó không hề chệch ra khỏi bầu khí hậu chung. Tác giả cuốn sách đó đồng thời cũng là người khi đọc Phan Khôi thấy Phan Khôi chẳng đáng nói mấy, vì Phan Khôi không in sách. Cũng chính nhân vật đó chủ trì một cuộc hội thảo (ở nước ngoài) về Tự Lực văn đoàn. Một cuộc hội thảo có chất lượng tồi tệ nhất mà tôi từng biết, căn cứ vào các tham luận. Đúng, các hội thảo trong nước chẳng mấy khi có chất lượng, nhưng hội thảo, rồi hoạt động (tạm gọi là) nghiên cứu ở "hải ngoại" thì như thế nào? Đối với tôi, lố bịch hạng nhất chính là các "nhà biên khảo hải ngoại Việt Nam".

Quay trở lại với đường link trên đây, once for all, tôi chỉ muốn nói duy nhất một điều, và là một điều hết sức đơn giản (tôi không nghĩ đám người lải nhải không ngừng nghỉ "triết học, triết học" ròng rã mười năm vừa rồi có thể hiểu bất kỳ điều gì không thực sự đơn giản), thuộc vào logic cực kỳ tầm thường: khi mà có một con chó cắn người ta, thì trách nhiệm là của ai? của con chó, đương nhiên, nhưng cũng đương nhiên, trách nhiệm lớn nhất nằm ở người chủ con chó.

Triết học ở Việt Nam trong vòng hơn mười năm vừa rồi, nổi bật hơn cả là cái phân nhánh tự nhận mình, lúc hiển ngôn khi ám chỉ, là "danh môn chính phái". Và rất chú trọng đào tạo.

Trong cuốn sách Tocqueville in tại Việt Nam, tôi chú ý đến một "danh mục tham khảo" về Tocqueville. Quá dễ dàng để thấy người phụ trách giới thiệu cuốn sách đã chép danh mục này từ một cuốn sách tiếng Đức nào đó. Và chắc chắn người đó chưa đọc bất kỳ một cuốn sách nào trong danh mục ấy. Người đó chỉ muốn làm ra vẻ hiểu biết. It's cheating, man.

Và "đào tạo" như thế nào? Gần đây, có bản dịch tiếng Việt cuốn sách ngu nhất của Jean-Paul Sartre (ô, không phải tôi nói vậy đâu, chính Sartre nhận cuốn đó rất ngu): tôi không hề quan tâm đến mấy thứ Sartre, nhưng tôi rất tò mò xem một câu trong đó được dịch như thế nào, cái câu "l'homme est une passion inutile". Quả nhiên, tôi thấy ngay "passion" bị dịch thành "niềm đam mê" cái gì đó. Có quá nhiều sự nhảm nhí triết học ở Việt Nam, chỉ cần dùng mấy thứ vặt vãnh như cái từ "passion" này là thấy được cả dây.

Nhưng, quan trọng hơn nhiều, điều đó cho thấy rằng, nhân vật dịch cuốn sách của Sartre chưa bao giờ đọc Descartes. Nhưng có thể dịch Sartre mà không đọc Descartes không? It's cheating, again.

Dạy dỗ có thể là như thế nào? xem thêm ở kia. Để tôi "coin" vài thứ cho dễ nhớ: teaching cheating ấy mà, đó chính là cheating teaching.

Và, điều mà Genet nói, nó hiện ra rõ khủng khiếp. Có ai chịu làm cái gì không? Không, gần như không ai chịu làm một cái gì. Gần như tất cả đều chạy theo mốt. Giới, thì tức thì các nhà nghiên cứu suốt ngày giới, đồng tính, thế thì lại đồng tính. May vá thêu thùa cũng trở thành mốt, nếu một nhân vật thuộc "giới mốt" cũng bập vào đó. Tôi cũng thấy rất phổ biến cái hiện tượng các nhà nghiên cứu đến một ngày bỗng trở nên bao dung ngùn ngụt, họ thấy rằng "văn hóa đại chúng" cũng đáng nghiên cứu, họ thấy rằng sách best-seller ba xu rẻ tiền cũng xứng đáng được nhà hàn lâm quan tâm. Và họ thực hiện nghiên cứu. Chỉ có điều, chỉ có điều: cũng như mọi khi, họ chẳng hề tin vào những gì mà họ làm, thế cho nên mọi nghiên cứu của họ đều là sự loay hoay để thuyết phục bản thân rằng cái mà họ đang làm cũng có giá trị. Công việc nghiên cứu, ngay lúc đó, biến thành công cuộc tự thuyết phục bản thân. Rất nhiều người cả cuộc đời không làm gì khác ngoài tự thuyết phục bản thân. Và gần như không một ai dừng chân được ở đâu đó thực sự lâu, có khi dẫu chỉ là sáu tháng, một năm. Xung động  mạnh nhất thúc đẩy họ là xung động chạy theo mốt, đủ mọi loại mốt. Mọi thứ mốt đều là tốt, miễn là chúng làm họ quên đi rằng họ đang tha hóa. Nhưng đích xác họ tha hóa. Tha hóa là gì? Tôi sẽ nói rất đơn giản, đỡ cho các vị phải đọc cả núi sách mà triết học dành cho chủ đề tha hóa: tha hóa nghĩa là văng ra.

Trong giới nghiên cứu văn học, có hai con đường rất rõ. Các nhà nghiên cứu văn học rất hay trở thành các nhà nghiên cứu văn hóa và triết học. Họ coi đó là "mở rộng", nhưng tôi biết đích xác, đó chẳng qua là chạy trốn. Tinh thần câu nói của Jean Genet giải thích được rất nhiều cho điều này. Không ít nhà nghiên cứu văn học bỗng nhiên rất triết học, đấy là bởi, tôi biết hết sức đích xác, họ không đủ khả năng nghiên cứu văn học.

"Nhánh" văn hóa cũng đặc sắc không kém.

-----------

Tôi nghĩ, sự cheating trên diện rộng là một trong những hệ quả (chẳng phải là không bất ngờ) từ sự tiếp xúc (nói đúng hơn, sự va chạm, chạm vào nhau) giữa hai "khối", trong nước và ngoài nước, xuất phát từ hiện tượng diaspora vốn dĩ chiếm vị trí không nhỏ trong đời sống tinh thần tại Việt Nam ("tại Việt Nam" ở đây đương nhiên có các yếu tố vượt ra khỏi các đường ranh giới thông thường). Cộng thêm với đó là những gì mang tới và tác động thêm vào, từ hoạt động của "ngành Việt Nam học", tức là một hoạt động có sự tham gia của người nước ngoài, người Việt Nam và Việt kiều.

Trong hoạt động nghiên cứu những năm vừa qua, ở một bối cảnh như vậy, những gì có thể coi là "tốt đẹp" dường như không bù đắp nổi cho những điều khác.

Một nhà nghiên cứu Việt kiều, trong ngành văn học, có lần về Việt Nam để thuyết trình. Hôm đó đông người. Đến cuối buổi (chắc chắn nhiều người còn nhớ) mồ ma ông Hoàng Ngọc Hiến đứng dậy, nói cho nhà nghiên cứu thuyết trình hôm ấy biết, không phải "tự sự" nghĩa là kể chuyện về bản thân mình, như nhà nghiên cứu ấy tưởng, và nói trong suốt buổi, mà tự sự chính là "narratif". Tức là, một nhà nghiên cứu Việt kiều mang một ý định to lớn là về nước dạy dỗ cho đám người hủ lậu trong nước về những gì tân tiến, thật ra còn không nắm được vài điều sơ đẳng nhất mà ai cũng biết.

Cũng nhà nghiên cứu này hết sức to mồm trong cuộc "trí thức-phản trí thức" mà tôi đã nhắc đến ở kia. Cuộc tranh cãi này, đúng, hết sức quan trọng để nhìn nhận một số thuộc tính của cuộc sống tinh thần chung.

Cũng nhà nghiên cứu ấy suốt nhiều năm ròng chê bai một nhà văn Việt Nam, đích xác là "nhà quê", cho đến cái ngày, cái ngày thật rùng rợn, sau một quãng thời gian không ngắn một số nhà phê bình khác kiên nhẫn (và không tự nhận mình là "trí thức") khẳng định nhà văn kia không hề tệ, thì Việt kiều nọ bỗng chuyển qua nịnh bợ nhà văn kia một cách thớ lợ. Nhất là khi nhà văn kia bỗng trở thành người có chức quyền, thì nhà Việt kiều thoắt trở thành nhân vật số một trong công cuộc tán dương, tán dương cho chính con người mà người đó gọi là "nhà quê" ròng rã nhiều năm.

Ai biết rõ hơn sẽ thấy chuyện này hài hước đến mức nào.

Quay trở lại với buổi thuyết trình năm ấy: lúc ông Hoàng Ngọc Hiến đứng dậy nói về "tự sự", tôi đã thấy phát hoảng trong lòng, nếu mà có thể thì tôi đã lao tới cầu xin ông Hoàng Ngọc Hiến đừng nói gì: nguy hiểm lắm. Nhân vật Việt kiều kia, với cặp mắt không ngơi long xòng xọc, không bao giờ từ thủ đoạn nào đâu.

Những người to mồm nhất trong cuộc tranh cãi "trí thức-phản trí thức" năm nào, nhất là những người trông như là thắng thế, sau đó rồi lại không ngừng dạy bảo về "liêm chính học thuật", về đủ mọi thứ điều cao đẹp, về "trách nhiệm của người trí thức", lại chính là những người sẵn sàng làm những trò hủi lậu nhất. Miệng họ nói những điều công chính, có lẽ chính là để tự thuyết phục mình (lại thêm một lần nữa: sự tự thuyết phục bản thân) là những gì hủi lậu mà họ làm thật ra chính là sự công chính.

Và đồng thời, họ viết sách bằng cách lấy từ phần introduction của các cuốn sách introduction. Họ chứng minh "trách nhiệm người trí thức" của họ bằng cách không từ một thủ đoạn nào. Trong đó có trò anonymous.

Một ví dụ mới về sự anonymous này: ở kia, có cái comment dưới đây:


Sao thế, sao phải "anonymous" thế? chúng ta biết nhau mà, lúc nào cần thì vẫn liên tục nhờ vả tôi cơ mà. Sao lại phải thế?

Tên là M. chứ gì, giấu làm gì, mà giấu làm sao được.

-----------

Những người thích mang danh hiệu "trí thức" lại chính là nhóm đại diện mạnh mẽ nhất cho những gì hủi lậu hơn cả trong đời sống tinh thần của Việt Nam những năm vừa qua, tính chung cả "Việt Nam tại Việt Nam" lẫn khối diaspora đi kèm. Một vấn đề nho nhỏ: các trí thức Việt kiều, đặc biệt "nhóm cánh tả", dường như có một niềm tin không thể lung lay, rằng Việt Nam là vấn đề của họ. Nhưng như vậy là ngược với thực tại, rất ngược với nó, bởi vì sự thật dường như nằm ở chỗ (ít nhất là nằm ở đó nhiều hơn), chính Việt kiều mới là vấn đề của Việt Nam. Ta rơi vào hoàn cảnh của các vấn đề muốn (phát sinh ý chí) giải quyết vấn đề.

Những người "trí thức" nói một đằng làm một nẻo, giống y xì những gì tưởng chừng họ chống đối mạnh nhất. Trong một câu chuyện được "phản ánh" ở kia, một nhân vật lên báo, dạy dỗ người khác là phải "chơi đẹp", trong một cú posing cho ra cái vẻ trí thức hết sức đặc trưng, nhưng chính nhân vật ấy chơi trò hủi. Trò hủi của giới trí thức Việt Nam (với sự kết hợp vô cùng nhịp nhàng của trong nước và Việt kiều) thường xuyên nằm ở trò giấu tên, trò anonymous. Ngay tức khắc, các trí thức Việt Nam tạo ra một thực tại hai mặt, một mặt (có thể nói là "sáng" - nói ngắn gọn là trước người khác, trước đông người) họ liên tục posing trí thức để dạy dỗ tư cách người khác, nhưng ở mặt bên kia (mặt "tối", khi chỉ có họ với họ, với thêm vài đồng lõa - nhưng, cũng như ngành tội phạm đã cho thấy, các đồng lõa luôn luôn tố cáo nhau, thậm chí cả trước khi "xong việc"), họ ký tên giả để tấn công người khác. Với sự tiếp tay đầy hân hoan của những trang web văn chương (những trang web văn chương này luôn luôn có khẩu hiệu về chính trực, liêm chính trí thức etc.). Có một cái gì đó rất hài hước trong các "màn" phản kháng (tỏ ra phản kháng) của trí thức Việt Nam: ta không lạ khi các trí thức rất mãnh liệt chống lại cái mà họ gọi là "nhóm lợi ích" ở phía bên kia nhưng đồng thời các hoạt động của họ không hề đi ra khỏi bên ngoài cùng cái logic ấy của "nhóm lợi ích". Tôi đặc biệt nghĩ đến những gì xảy ra cách đây một thời gian, liên quan đến nhân vật Bob Kerrey.

Quay trở lại với "chủ đề" Lý thuyết văn học và triết học: rất nhiều nhân vật thuộc vào đây đặc biệt thích chơi mấy cái trò hủi lậu, gãi háng ngồi nói xấu người khác, ký tên nặc danh chơi xấu người khác, và đồng thời liên tục, không bỏ qua một cơ hội nào, thể hiện mình là người công chính, công chính cấp tiến. Rất can đảm trong việc che giấu sự hèn nhát của bản thân. Những biểu tượng của tiến bộ ấy không hề ý thức được rằng họ đã và đang lặp lại, thậm chí cổ xúy, chính những gì mà họ có vẻ chiến đấu chống lại: cái thói phân chia thực tại thành cặp tiến bộ-phản động, cùng sự áp bức của đám đông (vô danh là thuộc tính của đám đông, chẳng hạn như trong các vụ đấu tố thời Cải cách ruộng đất ấy; Nhân văn-Giai phẩm là gì? ở một chừng mực rất lớn, đó chính là một cuộc kích động của sự ký tên giả để tấn công người khác, trong một khoái thú bệnh hoạn; Nhân văn-Giai phẩm có thể lặp lại không? rất có thể chứ, khi mà sự can đảm chỉ chủ yếu nằm ở quá trình che giấu nỗi hèn nhát). Bi kịch rất có thể chuyển hóa thành hài kịch: gần như chuyện luôn luôn xảy ra theo mô hình ấy.

Lý thuyết văn họctriết học: tôi đặt hai điều này cạnh nhau là bởi vì, ít nhất trong một chừng mực không nhỏ, chúng rất gần nhau, như thể nằm dưới sự điều hành của một "démon de l'analogie". Tôi thấy rất rõ rằng, ít nhất trong vòng khoảng mười năm vừa qua tại Việt Nam, đây là hai "cánh" của, xét cho cùng, cùng một thứ. Dường như có một cơ chế vận hành rất chung.

Trước hết đi sâu xuống hơn: ở mức độ của định ngôn, lý thuyết văn học và triết học như chúng thể hiện ở Việt Nam, một cách toàn diện, là một cuộc đuổi bắt các thứ mốt. Và cùng lúc đó, là những chức ngôn (thứ quy định, thiết lập quy tắc cho thế giới của định ngôn) và tuyên xưng rất đặc trưng, có thể quy về chức ngôn "danh ngôn chính phái" và chức ngôn "hệ thống" (cùng phái sinh quan trọng của nó, "tiến bộ").

Những người ngả về phía triết học rất thích khẳng định "danh môn chính phái". Và cùng lúc, định ngôn của họ luôn luôn đi theo con đường: Hegel, và từ đó là H1, rồi H2 etc. (đây chỉ là một ví dụ), đồng thời trọng tâm của định ngôn ngày luôn luôn nằm ở chỗ A, B hay C thuộc vào đâu, Hegel (hoặc Platon) hay cách Hegel ở mức độ H1, H2, rồi thì P1, P2. Nỗi lo âu lớn nhất của họ nằm ở mức độ Who's Who (mày có biết tao là ai không). Tức là, họ coi triết học là một lăng mộ. Họ tham quan, có những lúc lén lút trộm lấy cái gì đó mang về nhà biến thành của riêng, và như vậy, họ hoàn toàn không dính dáng một chút nào đến triết lý. Tôi có thể khẳng định không một ai thuộc vào "mô hình danh môn chính phái" tại Việt Nam trong vòng hơn mười năm vừa rồi có khả năng triết lý, dẫu chỉ một câu. Nhưng họ cực kỳ giỏi trong chuyện nói X là học trò của ai, và từ X sẽ có X1, X2 etc. như thế nào. Họ không bao giờ nói được "tinh thần" có thể là gì và vận hành ra sao, nhưng họ sẽ kể tên (rất chính xác) được ba trung đoàn nhân vật tán thành hay phản đối khái niệm tinh thần của Hegel. Hoàn toàn tương đồng với hai ví dụ sau: những người thuộc lòng tất cả các loại vũ khí trong lịch sử loài người nhưng sẽ bỏ chạy đầu tiên mỗi khi có bất kỳ điều gì liên quan đến xung đột xảy ra; hoặc giả: những người thuộc tên mọi đội hình bóng đá qua các thời kỳ lịch sử của mọi quốc gia, thậm chí mọi câu lạc bộ, nhưng chưa bao giờ ra sân đá bóng.

Thêm một lần nữa, Kim Dung lại đúng: "danh môn chính phái" ngụ ý điều gì? Nó ngụ ý chính xác một điều: có rất nhiều Nhạc Bất Quần.

Ở phía bên kia, định ngôn của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam có dính dáng, cách này hay cách khác, đến lý thuyết văn học, về cơ bản là: "Saussure, sở năng và sở biểu, rất quan trọng đối với sự hình thành cấu trúc luận, cấu trúc luận nhận được nguồn cảm hứng lớn lao từ quan điểm của Saussure". Và tịt.

Và sẽ luôn luôn là "trường phái Genève" đặt trọng tâm vào abc, chi nhánh xyz là sự phát triển từ fgh, đó là một tiến bộ, và hệ thống trở nên hoàn chỉnh với yếu tố opq. Tôi có cảm giác, chắc chắn nó không sai, tuyệt đại đa số nhà nghiên cứu tại Việt Nam nói đến lý thuyết là để che đi (với chính họ, thoạt tiên) sự thật rằng họ không biết đọc. Họ không đọc được văn chương. Cho nên họ nói đến lý thuyết. Lý thuyết trở thành tấm bình phong (một dạng "lăng mộ" khác). Đây là một sự lặp lại: trước kia, chuyện đã hoàn toàn giống thế, xung quanh cái vẫn gọi là "lý luận".

Và, câu hỏi tất yếu: lý luận là gì? lý thuyết là gì?

-----------

Tôi hy vọng, trong thời gian vừa qua, ít nhất thì một số người cũng hiểu một điều nho nhỏ: không có cách nào để thông qua "lược thuật", "tổng luận", introduction này nọ mà hiểu được bất kỳ điều gì. Cũng giống như tu tập thì không có chuyện đi đường tắt, tình yêu thì không thể đại khái qua loa, một văn bản lý thuyết tồn tại ở đó để được đọc. Chẳng hạn như xem ở kia, ở kiaở kia: có ý nghĩa gì đây khi nói rằng, Albert Béguin cho chủ nghĩa lãng mạn Đức rất gần với siêu thực Breton, hoặc Octavio Paz khẳng định siêu thực là một lực của tự nhiên? Tất nhiên, không có ý nghĩa gì hết. Sách introduction tạo ra những điều như vậy: trong lúc tạo cảm giác nó thâu tóm ý tưởng, thì nó chỉ đang làm biến dạng nhiều thứ, còn lớn hơn "ý tưởng", nói tóm lại, sách introduction nói dối. Phần lớn sách introduction (tôi nghĩ tỉ lệ ở vào khoảng 10.000 quyển sách introduction thì mới có một quyển bỗng vượt xa thể loại của nó: chuyện này là bình thường, những người đọc thực sự không bao giờ câu nệ những cái nhãn dán, vì họ biết rằng trong số văn chương thường bị coi là "thấp" thế nào cũng có lọt vào những thứ vĩ đại được vờ như thể nó "thấp", tức là chiều ngược lại của những thứ vớ vẩn được trang kim hóa trang mỹ lệ vờ là điều vĩ đại, một ví dụ: xem ở kia - lại thêm một sự "đối xứng").

Một cuốn tiểu thuyết sẽ là tiểu thuyết đích thực khi không thể tóm tắt được. Nó ở đấy chỉ để được đọc, thậm chí đọc (rất) nhiều lần. Nó là một thế giới, mà một thế giới thì không cách nào rút gọn đi được. Bất kỳ một cuốn sách đích thực nào cũng vậy, nó tồn tại ở trong toàn thể của nó, và toàn thể của nó không để cho mấy trò tóm tắt ảnh hưởng đến. Mọi tóm tắt đều sai.

Một "nữ sĩ dần cao quý lên" (xem ở kia) từng có hồi quảng cáo cho một bộ sách (rất nhiều đầu sách) introduction ở nhiều lĩnh vực, nói như thể đó là những gì tinh túy của nhân loại. Tôi cũng từng nhìn thấy nó ở hiệu sách, trong số ấy cũng có những quyển viết về một số điều mà tôi muốn tìm hiểu, tôi thử giở ra xem và phải vứt đi ngay, vì đó là cả một đống rác, bởi vì đó là những quyển sách introduction thực sự là introduction. Một introduction luôn luôn, thay vì gợi cảm hứng cho người ta tìm hiểu thêm, giúp người ta nhận ra cái mà nó nói đến thực sự không đáng quan tâm. Và sẽ không buồn tìm hiểu nữa. Bởi vì sách introduction nói dối.

Nhà nghiên cứu văn học chỉ đọc dạng sách introduction: hiển nhiên đây chính là một đối xứng hoàn hảo của "độc giả thông thường" chỉ đọc sách dở. Nhà nghiên cứu và độc giả rất giống nhau, họ là hình ảnh soi gương của nhau. Thế nhưng, trong xã hội của chúng ta hiện nay, nhà nghiên cứu nghiêm khắc lên án độc giả đọc sách nhảm nhí, còn độc giả thông thường thì khinh bỉ nhà nghiên cứu. Đôi bên cùng giàu cảm xúc. Thêm một sự đối xứng hoàn hảo nữa, cộng thêm vào đó ta có, chẳng hạn, nhà nghiên cứu văn học trong nước và nhà biên khảo hải ngoại, cũng tuyệt đối giống nhau nốt; rất nhiều "đối xứng", ở khắp mọi nơi. Vì chẳng hề thực sự đọc, vì luôn luôn thuần túy hâm mộ sách introduction.

Đọc sách introduction, hậu quả đương nhiên là người ta sẽ hâm mộ và coi là lớn những tác giả nào giúp người ta gạch đầu dòng rất nhanh vài điểm (đóng góp cho "bài nghiên cứu" hoặc "bài giảng" của họ) - đây thuần túy là cách đọc sách introduction. Chính vì vậy, vài cái tên đặc biệt nổi tiếng ở Việt Nam:

1) Jean-Yves Tadié
2) Philippe Lejeune
3) Terry Eagleton
4) Pierre Bourdieu

Đây là mấy nhân vật rất dở. Đọc Pierre Bourdieu dùng "lý thuyết trường văn học" phân tích L'Éducation sentimentale của Flaubert (cf. Les Règles de l'art) chỉ có thể nhếch mép cười vì tính chất đơn sơ và "prétentieux" của thứ phê bình (lý thuyết) ấy.

Nếu đọc thật, đọc lý thuyết, đọc thực sự bằng tinh thần, ta cũng dễ dàng phân biệt được một số cái tên nổi tiếng thật ra chẳng có gì, thuần túy là sự thổi phồng thời điểm. Một ví dụ lớn: René Girard ("tam giác ham muốn" của Girard giống như một con búp bê hỏng), nhưng còn lớn hơn nữa, một nhân vật ngày nay đang vô cùng "mốt": Jacques Rancière.


Một câu hỏi mà tôi nghĩ nhất thiết cần đặt ra: kiểu học vấn như vậy (học vấn kè kè với "introduction") có mẫu hay không? Một cảm giác nảy ra khiến gần đây tôi lôi Nguyễn Hiến Lê ra đọc. Xưa kia, hồi còn nhỏ, tôi chỉ đọc Nguyễn Hiến Lê chủ yếu một cuốn nói về "phương pháp" của Descartes. Và giờ đây, tôi nhận ra, Nguyễn Hiến Lê là một hình mẫu lớn cho kiểu học vấn, kiểu trí thức ngày nay đã trở nên phổ biến tuyệt đối (với sự trợ giúp của facebook - riêng điểm này, mối quan hệ giữa trí thức Việt Nam và facebook, tôi sẽ còn quay trở lại, nó chính là một hiện tượng lớn của thời đại chúng ta). Nguyễn Hiến Lê không hiểu gì những gì mà mình nói. Điều này sẽ thấy rất rõ chẳng hạn như khi Nguyễn Hiến Lê bàn về Trang Tử. Mà đọc introduction chính là nói những gì mà mình hoàn toàn không hiểu. Nhờ có Nguyễn Hiến Lê mà ta có, chẳng hạn, một nhân vật như Nguyễn Q. Thắng, và rất đông đảo người khác. Nhưng Nguyễn Hiến Lê còn chưa phải một cái mốc thực sự xa. Phải đẩy thêm nữa: một mốc lớn chính là Phạm Quỳnh (về Phạm Quỳnh xem thêm ở kia). Như vậy vẫn chưa thực sự đủ xa: còn phải đẩy thêm nữa, cho đến Trương Vĩnh Ký (về Trương Vĩnh Ký, xem thêm ở kia). Tôi nghĩ vẫn còn có thể đẩy xa thêm, ngược thời gian thêm được nữa, nhưng ở thời điểm này tôi tạm dừng ở đây. Tôi sẽ còn quay trở lại với câu chuyện này, với vai trò của Phan Khôi trong riêng trường hợp Phạm Quỳnh.


Và, thêm lần nữa, vẫn phải đi đến câu hỏi: lý luận là gì và lý thuyết là gì?

-----------

Những người dính dáng nhiều đến văn chương ở Việt Nam, cách này hay cách khác, đặc biệt thích nhấn mạnh vào việc mình rất giỏi toán, không ít người khi trả lời phỏng vấn trên báo tự nhận hồi bé mình học chuyên toán (điều này tôi đã nói ở kia); nỗi ám ảnh toán học này tìm được đối xứng chuẩn xác (thêm một đối xứng đẹp tuyệt vời, như hình học - sao có nhiều thứ cứ như là soi gương lẫn nhau thế nhỉ) ở hiện tượng vô số nhà toán học, nhà vật lý etc. ở Việt Nam vô cùng hiểu biết văn chương. Nói ngắn gọn, ở Việt Nam ta có cực kỳ nhiều người giỏi cả văn lẫn toán: đây lại chính là một đối xứng nữa, mà đối trọng là huyền thoại "văn võ song toàn" ngày xưa (ôi, Nguyễn Công Trứ).

Nghe những ông như ông Hà Huy Khoái hay ông Vũ Hà Văn mà văn với vẻ đúng là tím tái mặt mày vì phải cố hết sức bình sinh nín cười, để khỏi tỏ ra bất lịch sự.

Đỉnh cao của hiện tượng này là một nhà toán học. Anh ấy từng viết lời tựa cho bản dịch một tiểu thuyết lớn của Đức. Anh ấy viết trong đó như sau: tôi có một người bạn Đức, người bạn tôi nói rằng đây là một tiểu thuyết rất lớn. Mở bài rất hay (chắc chắn hồi nhỏ anh ấy không bị điểm kém môn văn), và rồi sau đó thì sao nữa? Sau đó chẳng có gì nữa, bài tựa ấy nói rằng tôi có một người bạn Đức, người bạn ấy nói rằng đây là một tiểu thuyết lớn. Chấm hết. Và cuốn tiểu thuyết ấy (thuộc sự chăm lo của nhà toán học để làm ra), một Bildungsroman, được gọi trong tiếng Việt là "tiểu thuyết triết lý" hay "triết học" gì đó. Nhưng Bildungsroman (ví dụ, Wilhelm Meister của Goethe - à, mà tôi chắc chắn một điều, trong tổng số những người biết tiếng Đức ở Việt Nam (rất chi là đông, và rất chi trí thức - đây là nhóm có thể gọi là "thượng lưu trí thức"), tính luôn cả những người chuyên về văn chương, thậm chí hay được coi là chuyên về Goethe luôn, không có đến một người từng đọc hết Wilhelm Meister đâu) chưa bao giờ là "tiểu thuyết triết lý" hay triết học. Tại sao lại gọi nó như vậy? Điều này chắc hẳn bắt nguồn từ một mặc cảm.

Mặc cảm của hiểu biết và của văn minh: bởi vì trí thức Việt Nam là những con nhang đệ tử đích thực của hai chữ "văn minh". Đặc biệt là những người từng có thời gian sống ở nước ngoài, trong số đó không ít dạy học ở trường đại học nào đó, ở Pháp, ở Đức, ở Mỹ, vân vân và vân vân. Và văn minh như thế nào? Một nhà toán học dạy ở một đất nước tiên tiến từ nhiều năm, bỗng về Việt Nam và mở một công ty xuất bản sách: trong một hội chợ sách cách đây một thời gian, gian hàng của công ty ấy ra rả mở hết công suất loa cả ngày đọc tiểu sử của toán học gia siêu phàm. Những người có chân giáo sư ở nước ngoài đến một thời điểm nào đó (thường là vào cái quãng người ta hay gọi là khủng hoảng tuổi lên hai, à nhầm, khủng hoảng mid-life gì đó) rất hay đột nhiên nảy ra khát khao cống hiến cho tổ quốc, trở thành những Việt kiều vô cùng tốt đẹp. Thật ra, tôi đoán sau khi đã trả góp xong xuôi một căn hộ, họ nhận ra tại nơi đang ở chẳng còn gì để làm nữa.

Cộng thêm vào đó là một sự mê tín mới: sau cơn mê tín liên ngành (tôi không phải người gọi "nghiên cứu liên ngành" là sự mê tín vì trong lĩnh vực này tôi bị chậm chân: Roland Barthes mới là người nói thế) ta đã đến với một sự mê tín mới, món quà đi kèm của toàn cầu hóa: mê tín đối với các "nghiên cứu quốc tế". Phong trào đăng tạp chí quốc tế đang lên rất cao, các nhà nghiên cứu Việt Nam đi dự hội thảo rắc name-card như vãi tiền lẻ xe tang và vợt các cơ hội gửi paper đi tứ tung mọi nơi giống như đi bắt đom đóm ngoài đồng. Trong những gì mà tôi có thể đánh giá được, những nghiên cứu đăng "tạp chí nghiên cứu quốc tế" gần đây của một số nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc hàng kém cỏi khủng khiếp. Nghiên cứu khoa học đi thêm một bước mới trong quá trình tôn giáo hóa (nói đúng hơn, mê tín hóa) với pha này. Nó còn đạt đến mức độ hình thành một cái gì đó về bản chất không khác so với cuộc sống của giáo hoàng ngày xưa, một cái gì đó rất biệt lệ, rất nhiều ưu tiên, thậm chí có chef riêng.

Mặc cảm của hiểu biết có thể biểu hiện hết sức rực rỡ như sau: chắc nhiều người còn nhớ, cách đây một số năm, có nhân vật tuyên bố nếu Việt Nam thực hiện được kế hoạch dịch 500 quyển sách (do nhân vật ấy đưa ra) thì sẽ rất chi là khá. Thế nhưng, cái danh sách ấy, chính cái danh sách ấy nó lại phản phúc, bởi vì trong danh sách ấy, có vô vàn sách dở. Và tất nhiên cái nhân vật kia chưa bao giờ đọc gì trong chính cái danh sách 500 mà mình đưa ra.

Mọi chuyện đã bắt đầu rõ ràng hơn nhiều, chính bởi vì mọi chuyện rất phức tạp và rối rắm, ít nhất nếu nhìn từ một khía cạnh nào đó. Đấy là do cái này thì nhoằng vào với cái kia: toán và văn, trong nước và hải ngoại, đọc và không đọc etc. Và tất nhiên, liên quan rất nhiều đến một điều: giáo dục. Ta sẽ xem xét một vài điều rất cụ thể. Dưới đây là mấy đề thi văn, trong năm 2017, mà tôi đã thu thập được (và chắc hẳn ai cũng biết, tôi nhớ hình như chúng đã gây rất nhiều xáo động). Nhìn vào mấy đề thi này, chúng ta có thể thấy những gì? Đối với tôi, ba cái đề dưới đây nói lên vô vàn thứ:


(1)



(2)



(3)


Tất nhiên, chuyện liên quan nhiều đến dạy dỗ và mối quan hệ thầy-trò, mà tôi từng đề cập qua ở kia.

Nhưng tạm ngắt lại, bởi vì tôi vẫn còn chưa trả lời câu hỏi mà tôi đặt ra ngay từ đầu, câu hỏi xương sống cho nhìn nhận của tôi về nghiên cứu văn học tại Việt Nam: rốt cuộc lý luận là gì và lý thuyết là gì, chúng là một, chúng giống nhau, chúng có liên quan với nhau, hay chúng hoàn toàn chẳng có gì chung?




(còn nữa)



NB. ta sẽ sớm nói chuyện tiếp, nhân tiện: đã xong hoàn toàn bài "Thư viện huyền hoặc", tức là tiểu luận của Foucault về văn chương Flaubert

31 comments:

  1. Đọc lại những comment ở "hiện trường" thấy lại những cái tên giờ đây đã quá xa vời của một thời ngựa xe tấp nập:D:D:D
    Nhân tiện cho em hỏi là sao trong 7 năm qua em cũng siêng đi dạo nhà sách các loại mà chưa bao giờ thấy "Đêm tiền sử" của Đỗ Phấn ở miền Nam và miền Trung, huhu

    ReplyDelete
  2. thấy có chuyên gia thống kê cho biết vụ í tổng cộng tốn khoảng 50 trang A4, font chữ 12, không giãn dòng, không thụt lùi đầu đoạn

    ReplyDelete
  3. blog này từ sau scandal của Nhị Linh dường như vắng khách hẳn, rồi kể từ khi những bài như đọc balzac hà nội xuất hiện thì còn lại chỉ là khách vãng lai (như tôi)

    ReplyDelete
  4. You should be a part of a contest for one of the best
    sites on the internet. I most certainly will highly recommend this blog!

    ReplyDelete
  5. nói đúng ra là chỉ còn có ba độc giả tính cả vãng lai thôi

    đang nghĩ ra bài gì để đuổi nốt cái thứ vãng lai (khôn "như tôi") mới được

    ReplyDelete
    Replies
    1. vũ trụ này là của chúng ta
      đuổi nốt vãng lai đi anh ơi :))

      Delete
    2. Quan tâm làm gì hả chú ơi. Kệ họ chứ :D

      Delete
    3. cũng là ano như biết bao đứa vãng lai, lấy tên thật đi rồi hãy khuyên người ta đuổi nốt :))

      Delete
    4. Đã Ano, đã vãng lai có nghĩa là chẳng ai biết nó là ai, kể cả admin or owner cái blog này. Nên lịch sự thì hoặc im lặng, hoặc khen, hoặc cmt trao đổi trong chủ đề entries. Túm lại là phải dễ thương thì hãy làm Ano, ngược lại thì nên đề tên cho đỡ nhục như cá nục, hiểu hơm^^

      Delete
  6. triết học coi như là sa mạc đi. còn "ở đây" chỉ là những Bãi Giữa "trồng ngô ngô tốt trồng cà cà sai." cho qua chuyện đó đi nhỉ. chờ nghe tiếp chuyện Genet. trong khi đó, nhân đó, ngẫu nhiên thôi, lăn tăn là nếu Chế Lan Viên sau đợt Điêu tàn v v.v. nếu ko gặp chuyến "Sang bờ tư tưởng ta lìa ta" thì liệu có là một người "làm đến cùng một việc gì" ko nhỉ?

    ReplyDelete
  7. Cho hỏi một ý nhỏ thôi: quyển về Tocqueville được đề cập có phải quyển "Nền dân trị Mỹ" không? Hiện trong tay tôi chỉ có bản in năm 2006 nên sẽ đặt câu hỏi dựa trên bản này. "danh mục tham khảo" được nói đến có phải là phần "Thư mục chọn lọc" không? Theo tôi thấy thư mục chọn lọc này không phải là danh mục tài liệu tham khảo được trích dẫn hay phục vụ cho bài viết "Alexis de Tocqueville và sự trầm tư về nền dân trị" của người giới thiệu. Bài viết này có trích dẫn một số tài liệu mà người giới thiệu đọc để phục vụ cho bài viết và có dẫn nguồn. Người giới thiệu có thể soạn thêm một danh mục tài liệu cho các nguồn trích dẫn này ở cuối bài viết nếu muốn, nhưng không nhất thiết. Phần "Thư mục chọn lọc" là để trợ giúp cho người đọc nào muốn đọc và nghiên cứu thêm, nhưng người soạn phần này không nhất thiết phải đọc các tài liệu được liệt kê ở đây, vì đây không phải là tài liệu trích dẫn. Việc soạn phần này có thể chỉ đơn thuần là thao tác tra cứu tổng hợp và liệt kê lại thôi. Và bản thân điều này cũng không vi phạm nguyên tắc khoa học nào. Vấn đề là người soạn có thực sự tự soạn phần thư mục chọn lọc này không hay chỉ là sao chép lại hoàn toàn thư mục chọn lọc được soạn bởi các sách tham khảo khác. Trường hợp sau thì đúng là có vấn đề. Nhưng trên thực tế là thư mục chọn lọc của các sách tham khảo mới nhất ở các nước tiến tiến thường cũng quá đầy đủ và muốn bổ sung thêm cũng khó.

    ReplyDelete
  8. một trong những lý do làm em quý và tin, dù đôi khi không đồng ý, những điều anh diễn giải, truyền đạt đến người đọc ở đây là anh luôn một mình, luôn là nhilinh, luôn hiên ngang, bất khuất;)

    sự tha hóa của các trí thức hạng a, b, c...Việt (các loại Việt) càng nổi bần bật nhờ stt và hình ảnh, rất nhiều trên fb của anh Mark làm nền, làm em nhiều bận ngán ngẩm, hẫng lên hẫng xuống với số like lên tới hàng trăm hàng k, ôi đám đông, ôi mốt...*emoticon nước mắt rơi cho tình ra đời hahaha*
    -L.P.





    ReplyDelete
  9. quan trọng là các câu hỏi đang còn treo đó.
    truyền thống thầy đồ ngôn luận mục tử cư xử mục đồng chẳng bao giờ mất đi được ở trên mảnh đất bị nguyền rủa.
    và trong cái vầng diaspora của chúng.

    ReplyDelete
  10. Từ đầu cho tới đoạn trưng bày ra ba cái đề văn Chicken Soup kia, liệt kê ra từng ấy nhân vật dính với sách vở và những gì liên quan tới introduction, thiết nghĩ bác không cần trả lời câu hỏi Lý thuyết văn học và triết học LÀ gì nữa, vì trong bài đã chỉ rõ Lý thuyết văn học và triết học KHÔNG LÀ gì.

    Trần Bình

    ReplyDelete
  11. đúng, chính xác, mặc dù không định từ trước, có lẽ trong quá trình viết (khá dài) tôi đi đúng vào phần "âm bản của vấn đề"

    nhưng cũng chính vậy nên tôi đã thấy phần "positive" rõ nét hẳn lên

    ReplyDelete
  12. đúng là đến một cái chốt hiển nhiên. "lý luận" ở VN sinh ra và hiện hữu trong các khoảng cách giữa thầy và trò và chỉ lửng lơ trong í mà thôi.

    ReplyDelete
  13. nó không "sinh ra" đâu; anw, đã thấy rồi: lý luận, như "nó" được trình hiện ở đây trong vòng hơn nửa thế kỷ, nếu muốn nắm lấy thì cần một "nguyên tố": nước

    ReplyDelete
  14. haha nước lã mà vã nên hồ í hở?

    ReplyDelete
  15. Bà Thụy Khuê vừa mới cho ra quyển phê bình mới, liệu quyển ấy có đủ tiêu chuẩn để được tuyển vào danh sách ví dụ trong bài này không bác? Tôi chỉ hỏi về mặt tiêu chuẩn, không bảo bác đưa vào bài nhé.

    Trần Bình

    ReplyDelete
  16. câu hỏi rất chuẩn xác

    cuốn sách ấy xứng đáng một bài riêng, chẳng hạn có thể đặt tên là "Có khó để viết những điều người ta không hề hiểu không?"

    ReplyDelete
  17. Bác ơi, nếu đẩy trường hợp Trương Vĩnh Ký đi xa hơn thì là Lê Quý Đôn?

    ReplyDelete
  18. Tôi đang chờ ngày Genet xuất hiện ở VN

    ReplyDelete
  19. có vẻ NL k ưa cụ Rancière. hôm nào viết 1 bài về cụ ấy đi

    ReplyDelete
  20. viết như thế mà còn nói là "có vẻ"? nhất là quả "La Chair des mots" với cả "La Parole muette", thêm những thứ viết về Mallarmé nữa (hơi tương tự Alain Badiou viết về Beckett)

    à, đọc JR thì có đọc luôn Jean-Christophe Bailly không?

    ReplyDelete
  21. dạo gần đây Ranciere bắt đầu xuất hiện ở VN nhờ ơn đám "nghiên cứu" bên Hanoi Doclab. trong mớ nouveau riche hiện nay thì có lẽ bọn này là tệ hại nhất

    ReplyDelete
  22. Ranciere dạo gần đây bắt đầu xuất hiện ở VN nhờ ơn bọn "nghiên cứu" bên Hanoi Doclab. trong đám nouveau riche hiện nay thì có lẽ bọn này là tệ hại nhất

    ReplyDelete
  23. tôi không biết

    anw, tôi cho hiện comment này lên chỉ để nói rằng, muốn chỉ trích công kích thì đừng chơi trò anonymous, ok?

    ReplyDelete
  24. chú NL ơi, cho cháu hỏi là nếu như không nên đọc những quyển như Introduction về lý thuyết văn học thì mình nên đọc bắt đầu bằng những quyển nào ạ. Cháu cảm ơn chú.

    ReplyDelete
  25. nếu mà hỏi thế thì còn chưa sẵn sàng để bắt đầu đâu, tốt nhất là đừng bắt đầu, lúc nào thực sự cần thì sẽ tự biết thôi

    ReplyDelete