Apr 13, 2011

Đi vào tâm hồn sự vật

“Điều tôi trách cứ cuốn sách của ông, là cái thiện quá thiếu vắng”, Sainte-Beuve nói trong bài phê bình Bà Bovary. Tại sao, ông tự hỏi, trong cuốn tiểu thuyết này không có “dù chỉ một nhân vật có bản tính ngõ hầu an ủi, làm người đọc ngơi nghỉ nhờ một cảnh tượng tốt đẹp?”. Rồi, ông chỉ ra cho tác giả trẻ tuổi con đường cần theo: “Tôi biết ở hẻo lánh một tỉnh miền Trung nước Pháp, có một người phụ nữ còn trẻ, thông minh vượt bậc, trái tim nồng nhiệt, đang buồn chán; lấy chồng mà không được làm mẹ, không có đứa con nào để nuôi nấng, để yêu, cô ấy làm gì để nguôi bớt trí tuệ và tâm hồn quá đầy tràn của mình? […] Cô ấy trở thành một người làm ơn tích cực […]. Cô ấy dạy đọc và dạy luân thường đạo lý cho lũ con nhà dân làng, thường là sống rải rác cách xa nhau. […] Có những tâm hồn như thế trong cuộc sống tỉnh lẻ và nông thôn: tại sao không cho người ta thấy cả họ nữa? Cái đó đỡ đần, cái đó an ủi, và cái nhìn của nhân loại chỉ có thể là hoàn chỉnh thêm mà thôi” (tôi nhấn mạnh những chỗ quan trọng).

Tôi thấy mình bị cám dỗ phải châm biếm bài học đạo đức này, cái nhắc tôi theo lối thật khó cưỡng nhớ tới những hô hào rao giảng của “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” ngày nào. Nhưng, bỏ ra ngoài các kỷ niệm, xét cho cùng việc nhà phê bình Pháp nhiều uy tín nhất thời ấy hô hào một tác giả trẻ “đỡ đần”, “an ủi” bằng một “cảnh tượng tốt đẹp” độc giả của ông, những người, cũng như tất cả chúng ta, xứng đáng được hưởng một ít thông cảm và khích lệ, có thật lệch lạc đến thế hay chăng? Mặt khác George Sand, gần hai mươi năm sau đó, trong một bức thư, nói với Flaubert gần như là cùng điều ấy: tại sao ông lại che giấu “tình cảm” mà ông cảm thấy đối với những nhân vật của mình? tại sao trong cuốn tiểu thuyết của mình ông không trình bày “học thuyết cá nhân” của ông? tại sao ông lại mang đến cho độc giả “nỗi ngao ngán”, trong khi bà, Sand, thích “an ủi” họ hơn? Đầy thân ái, bà khuyến dụ ông: “nghệ thuật không chỉ là phê phán và đả kích”.

Flaubert trả lời bà rằng ông chưa bao giờ muốn làm cái việc phê phán hay đả kích. Ông không viết những cuốn tiểu thuyết của mình để truyền đạt các đánh giá của ông tới độc giả. Ông tha thiết với một điều khác hẳn: “Tôi vẫn luôn luôn cố gắng đi vào tâm hồn sự vật…” Lời đáp của ông cho thấy thật rõ ràng: chủ đề thực thụ của mối bất hòa này không phải tính cách của Flaubert (ông tốt bụng hay độc ác, lạnh lùng hay dễ cảm thông?) mà là vấn đề tiểu thuyết là gì.

Trong nhiều thế kỷ, hội họa và âm nhạc đã phục vụ cho Nhà thờ, điều này không hề tước đi vẻ đẹp của chúng. Nhưng đặt một cuốn tiểu thuyết vào sự phục vụ một quyền lực, dù cho có là cao quý đến mấy, cũng là bất khả đối với một tiểu thuyết gia chân chính. Vớ vẩn làm sao khi muốn dùng một cuốn tiểu thuyết để ca tụng một Nhà nước, thậm chí là một quân đội! Và thế nhưng Vladimir Holan, cảm khái trước những người vào năm 1945 đã giải phóng đất nước ông, viết Những người lính Hồng quân, những bài thơ đẹp, không thể quên nổi. Tôi có thể hình dung được một bức tranh tuyệt diệu của Frans Hals vẽ một “người làm ơn tích cực” vùng nông thôn ở giữa vòng quây quần của những đứa trẻ mà bà dạy cho “luân thường đạo lý”, nhưng chỉ một tiểu thuyết gia rất lố bịch mới có thể biến người phụ nữ tốt bụng này thành một nhân vật chính để “đỡ đần”, nhờ hình mẫu ấy, tinh thần độc giả của mình. Bởi không bao giờ được phép quên: các nghệ thuật không giống nhau hết; mỗi cái trong số chúng đi qua một cánh cửa để bước vào thế giới. Trong số đó, một cánh cửa được dành riêng cho tiểu thuyết.

Tôi đã nói: dành riêng, bởi với tôi tiểu thuyết không phải một “thể loại văn học”, một nhánh giữa các nhánh khác của cùng một cái cây. Người ta sẽ không hiểu gì về tiểu thuyết nếu phản đối Nữ thần của nó, nếu không thấy ở nó một nghệ thuật sui genesis, một nghệ thuật tự trị. Nó có sự tạo sinh (được đặt vào một thời điểm chỉ thuộc về nó); nó có lịch sử riêng của mình định nhịp bằng những đoạn chỉ thuộc về nó (sự chuyển rất quan trọng từ thơ sang văn xuôi trong tiến hóa của kịch nghệ không có gì tương đương trong tiến hóa của tiểu thuyết; lịch sử của hai nghệ thuật này không đồng bộ với nhau); nó có đạo đức riêng của mình (Hermann Broch đã nói điều này: đạo đức duy nhất của tiểu thuyết là hiểu biết; cuốn tiểu thuyết không khám phá được chút ít những gì cho tới khi ấy còn chưa được biết về tồn tại đều là vô đạo; vậy nên: “đi vào tâm hồn sự vật” và cung cấp một mẫu hình tốt là hai ý hướng khác nhau và không thể hòa giải với nhau); nó có mối liên hệ đặc thù với “cái tôi” của tác giả (để có thể nghe thấy giọng nói bí mật, gần như không nghe thấy, của “tâm hồn sự vật”, tiểu thuyết gia, ngược lại với nhà thơ và nhạc sĩ, phải biết làm im miệng những tiếng hét tâm hồn của chính mình); nó có khoảng sáng tạo của mình (sự viết một cuốn tiểu thuyết chiếm toàn bộ một giai đoạn trong đời tác giả, và cho đến khi làm xong việc, anh ta không còn giống như lúc khởi đầu nữa); anh ta tự mở ra với thế giới bên ngoài ngôn ngữ quốc gia của mình (kể từ khi trong thơ châu Âu thêm vần vào cho nhịp, người ta không còn có thể chuyển di vẻ đẹp một câu thơ sang một thứ tiếng khác nữa; ngược lại, việc dịch trung thành một tác phẩm văn xuôi là khó nhưng có thể làm được; trong thế giới của những cuốn tiểu thuyết không có các đường biên giới quốc gia; hầu hết tiểu thuyết gia lớn tự nhận mình kế thừa Rabelais đọc ông qua bản dịch).

(MK)

[Holan người Rumani là tác giả một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, Thượng đế sinh ra ở nơi lưu đày, viết về nhà thơ Ovide của La Mã; các bác trong cảnh sống lưu vong nên đọc cuốn đó ;p]

5 comments:

  1. xế là màn sắp buông zồi:)

    ReplyDelete
  2. Mành chứ. Anh nhầm với cái mùng rồi :D

    ReplyDelete
  3. màn là rèm ấy

    nhầm là thế nào, còn soạn cả từ điển Bắc Nam đấy nhé

    ReplyDelete