Apr 26, 2018

Hà Nội từ 1947 đến 1954 (4) Hà Nội 1950

Như thế nào cơ, sử gia Philippe Papin? Chúng ta không thể biết - như ông ngậm ngùi - người Hà Nội thời 47-54 như thế nào thật á?

Nhưng chúng ta vẫn biết người thời ấy (à, người ta hay gọi "thời ấy" là "Hà Nội tạm chiếm" hay "trong thành", tôi đề nghị gọi tên là "thời Chiếm đóng", dùng đúng cái từ Occupation, thời mà một nhà văn của các ông, Patrick Modiano, đã dò tìm vào sâu sắc ở mức độ đáng ngưỡng mộ: Occupation ở Hà Nội của 1947-1954 tên là "Occupation française", tương ứng với "Occupation allemande" tại Paris đầu thập niên 40 của thế kỷ 20: đến là phải nghĩ rằng để che khuất nỗi nhục của Occupation này mà người Pháp đã tạo ra Occupation kia; đó chính là một mặc cảm; nhưng chủ nghĩa thực dân là gì? trước hết, đó chính là một mặc cảm - lộn ngược hoàn toàn so với cách nhìn thông thường) làm rất nhiều điều cơ mà.

Ta biết là họ đi xem hát, như ở kia đã nói. Và không chỉ vậy đâu: không chỉ đi xem vở kịch của Nhượng Tống, người Hà Nội vẫn lại đi xem hát, nhưng là xem các vở khác, chẳng hạn: cuối năm 1950 đầu năm 1951, hai vở kịch liền: Tâm sự kẻ sang Tần của Vũ Hoàng Chương, cùng một vở kịch khác của Hoàng Như Mai.

Tôi đặc biệt nhấn mạnh vào chuyện đi xem hát, đấy là bởi Opéra của Hà Nội ít nhiều mang tính chất biểu tượng cho mối giao hảo bằng khí giới (và nhiều thứ khác nữa) giữa người Pháp và người Việt Nam. Vả lại, người ta sẽ hay đi xem hát khi mà cuộc sống bình thường. Cuộc sống ở Hà Nội giai đoạn Chiếm đóng rất bình thường (thì Jean-Paul Sartre vẫn tổ chức diễn kịch được dưới thời Occupation allemande đấy thôi: chỉ có điều, các sử gia về giai đoạn bi thương ấy của nước Pháp không để lọt mất thực tại đó, trong khi một sử gia EFEO như ông Philippe Papin hoàn toàn không hề biết gì về đối tượng mà ông khảo sát), người ta ngủ, ăn, đi xem hát và đọc sách, nhất là đọc báo. Bởi vì có những người viết báo. Muốn đọc báo, người thời ấy ra ngoài đường mua báo.

Papin đặc biệt giống các nhà nghiên cứu người Việt Nam - mức độ đồng hóa sâu sắc - ở điểm, nghiên cứu nhưng lại không bao giờ đi tìm. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng vậy đấy, Philippe Papin hiểu người Việt Nam đến mức giống hệt các nhà nghiên cứu Việt Nam. Và đấy là tha hóa (triết gia phương Tây đặc biệt nhấn mạnh vào điều này, vào sự tha hóa, chắc hẳn vì họ biết con người phương Tây rất dễ tha hóa; các triết gia ấy dường như không hề sai).

Các nhà nghiên cứu nước ngoài, các nhân vật thuộc "Vietnamology", như họ thể hiện, trên một diện rất rộng, từ quãng ba mươi, bốn mươi năm nay, khiến một người như tôi vốn dĩ rất ngại cười cũng phải muốn phì cười.

Có nhà nghiên cứu lậm sâu đến mức trở thành một người rất Việt Nam, lao mình trên facebook đuổi bắt bình luận mọi thứ - bị hớp hồn vì "thời sự". Chẳng hạn Lê Minh Khai (tức là Liam Kelley). Trong sự nhi nhô nhăng nhít của trí thức Việt Nam, trong đàn kền kền ăn xác thối, có một hiện tượng đặc biệt hấp dẫn (có lẽ đây là một hệ quả của toàn cầu hóa): kền kền bản địa đón nhận những kền kền không bản địa lắm. Có một lần nhân vật này thuyết trình về giáng bút cầu cơ trong một số tôn giáo Việt Nam, tôi bỗng muốn hỏi một câu, thế là tôi hỏi, và tôi hiểu một điều: Liam Kelley chẳng hiểu quái gì về giáng bút cả.  giờ (từ lâu rồi thì phải) nhân vật Honolulu trở thành một trong những lê la facebook.

Tôi nghĩ là tôi đã bắt đầu nhìn rõ tại sao lại thế: ngoài sùng bái Phan Huy Lê, còn có một điều mà tôi sẽ gọi là "câu chuyện me Tây". Nhưng đó vẫn mới chỉ là những nguyên nhân nho nhỏ, còn có thể đi sâu xuống hơn nữa.

Tôi sẽ còn trở lại.


Mãi tôi mới lại tiếp tục số 4 sau kỳ số 3 rất lâu. Đấy là bởi vì mất rất nhiều nhìn nhận (ra xa, lại gần, lệch trái, xệch phải, etc. etc. - kể hết thì quá mỏi tay) cuối cùng tôi đã xác định được: Hà Nội 1947-1954 có một bước ngoặt rất lớn, một thay đổi thực tại, đó là thời điểm 1950.

Nhân vật đặc biệt quan trọng, cột trụ của đoạn 47-50 không phải ai khác, chính là Ngọc Giao. Không thể nhìn nhận được đoạn này nếu thiếu Ngọc Giao. Tôi sẽ rất mau chóng quay trở lại với Ngọc Giao (một lần nữa, và chắc sẽ nhiều lần nữa), từ một khía cạnh rất khác.

Còn giờ đây, chúng ta chuyện qua một nhân vật khác hẳn: Triều Đẩu. Một bài viết tên đúng là "Hà Nội 1950" luôn, của Triều Đẩu thời ấy.

Chúng ta sẽ biết người Hà Nội như thế nào, không chỉ là đi xem kịch nữa: Thực tại sẽ hiện lên rất rõ, khi có một cái nhìn của văn chương rọi vào. Triều Đẩu là người mang lại điều đó. Bài viết mà mang tên "Hà Nội 1950" thì tất nhiên sẽ đăng báo (đúng hơn, tạp chí) vào năm 1951, chính xác hơn, đầu năm 1951.

Trước khi nói các chuyện khác, ta đọc một lời chứng tại chỗ, tại đúng thời điểm đã:









NB. mới thêm một phụ chú ở kia




Lại Chùa Đàn
Hà Nội từ 1947 đến 1954: Thế còn năm 1949?
Năm 1948 Nhượng Tống ở đâu?
Hà Nội từ 1947 đến 1954: Đầu tiên và cuối cùng
Hà Nội từ 1947 đến 1954: Dân Việt Nam
Hà Nội từ 1947 đến 1954: Ông Thủ hiến nói
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (3) Sách trong thành phố
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (2) Thế hệ
Hà Nội từ 1947 đến 1954 (1)
Đoạn cuối của Khái Hưng
Ngày 19 tháng Chạp năm 1946


4 comments:

  1. một bài đáng giá. hơn nửa thế kỷ cái hà-nội khốn-nạn thân -phận. thế nào lại quay ra giống cái lán của anh gì ở phố Đ: mở rộng mở rộng mở rộng

    ReplyDelete
  2. Thưa ông,

    Tôi không chơi facebook hoặc blog nên không biết liên lạc với ông phải làm thế nào. Nếu thư này không đúng thể lệ xin ông tha thứ cho kẻ ngu dốt.

    Không biết ông là ai, thân ai, ghét ai. Có điều là bài ông viết về Nhượng Tống cách đây đã ba năm làm tôi rất cảm động. Thân phụ tôi nguyên là Tổng Trấn Nghiêm Xuân Thiện, người đồng chí mật thiết của Nhượng Tống trong cuộc tranh đấu chống thực dân những năm 1948-1949.

    Năm 1947 bố tôi đã thành lập tờ nhật báo Thời Sự, làm chủ nhiệm với Đào Hữu Dương rồi với Trần Trung Dung làm chủ bút. Sau đó, khi ra làm Tổng Trấn, giao tờ báo cho Trần Trung Dung, là người tiếp tục cộng tác hàng ngày, cùng với Nhượng Tống luôn làm việc trong phủ Tổng Trấn. Và cho đến khi chạy vào Nam, vẫn là "báo của nhà". Tờ Thời Sự hồi đó là cơ quan ngôn luận của nhóm đồng chí hợp quần chung quanh Tổng Trấn, nói lên tư tưởng và mục đích của nhóm. Đọc Thời Sự năm 1948 cũng thấy là nhóm không có gì là "làm cho Tây". Trái lại, ai đọc Thời Sự sẽ hiểu là chính quyền thực dân rất phẫn nộ, và đã đi đến chỗ cho ám sát Nhượng Tống.

    Tôi còn có một thông tin, vẫn giữ cho anh em trong gia đình, vì nói ra chắc không ai tin nổi. Ấy là năm 1954, khi mọi người sửa soạn chạy vào Nam, Nhà Nước Dân Chủ Cộng Hòa phái người đến dụ bố tôi ở lại, nói rằng "Người yêu nước như anh mà bỏ đi, chúng tôi rất tiếc". Sau mấy lần từ chối, người đó còn đề nghị cho bố tôi gặp Phan Anh, chả hồi chính phủ Trần Trọng Kim bố tôi có làm dưới quyền Phan Anh. Như thế là phái viên đã đến từ cấp có khả năng huy động Phan Anh, chứ không phải cấp phường xã. Nhà Nước Cộng Sản đánh giá Tổng Trấn là yêu nước thì không thể cho người ám sát Nhượng Tống là người đồng chí cùng làm một việc. Vì sự việc này, tôi chắc chắn là ám sát Nhượng Tống không thể là cộng sản, mà chỉ có thể là chính quyền thực dân. Nói thế thôi, chứ không ai tin cũng không sao, điều quan trọng là đọc Thời Sự, có lưu trong Bibliothèque Nationale ở Paris. Việc giản dị thế thôi mà những người bàn ra tán vào về Nhượng Tống không ai làm.

    Để hiểu thêm tình hình hồi bấy giờ còn có báo chí của Pháp ở Hà Nội (lưu ở Bibliothèque Nationale) năm 1948 và đầu 1949 (Nghiêm Xuân Thiện mất chức Tổng Trấn vào hè 1949).

    Vài lời xin chia sẻ với ông một điều quan trọng về sự nghiệp chính trị của Nhượng Tống.

    Nay kính,
    Nghiêm Phong Tuấn

    ReplyDelete
  3. Hết sức cám ơn ông, đây đúng là những thông tin tôi rất cần: tôi đã đọc cả hồi ký của Nguyễn Thạch Kiên, cũng như tờ Thời Sự (chưa phải là tất cả), nhưng có vài điểm còn mù mờ mà mấy lời của ông đã giải tỏa hộ. Trong đó, đặc biệt là chi tiết tờ Thời Sự ngừng ra vào thời điểm nào (giờ, chi tiết "đầu 1949" đặc biệt quan trọng: điều đó lý giải tại sao ở Hà Nội lúc đó liên tiếp ra mấy tờ nhật báo khác).

    Tôi nghĩ ông Nghiêm Xuân Thiện không còn làm tổng trấn nữa là vì "giải pháp Bảo Đại", không biết có chuẩn xác không? Nguyễn Hữu Trí sẽ làm thủ hiến tiếp theo, đó là quãng thời gian "thi hành hiệp ước 8/3", nhưng khi Bảo Đại đưa Trần Văn Hữu lên làm thủ tướng - Hoàng triều cương thổ đã thực sự hình thành - thì tiếp tục có thay đổi: Nguyễn Văn Tâm sẽ sớm ra làm thủ hiến (đó là thời điểm 1951).

    Tôi sắp bổ sung danh mục tác phẩm của Nhượng Tống, đó vẫn chưa phải giai đoạn Thời Sự, mà trước một chút, nhưng mọi thứ có liên quan đến nhau.

    Một lần nữa, rất cảm ơn các thông tin.

    ReplyDelete
  4. Triều Đẩu: Nguyễn Tuân

    ReplyDelete