Sep 18, 2015

Đinh Hùng và Nguyễn Du

Không chỉ Phạm Văn Diêu, như lần trước tôi đã nói, từng đặt trọng tâm vào Kim Trọng. Một giả thuyết tồn tại xưa nay là chữ Thanh+Tâm (Thanh Tâm Tài Nhân hay Thanh Tâm Tài Tử) thành chữ "tình", chữ Kim+Trọng thành "chung", cộng lại thành "chung tình", rồi thì Kim Trọng là hóa thân của Thanh Tâm Tài Nhân Từ Văn Trường, Từ Vị mạc khách Hồ Tôn Hiến từng là người tình của Vương Thúy Kiều khi Kiều còn là áp trại phu nhân của Từ Hải tức Từ Minh Sơn, vân vân và vân vân.

Trong quyển sách này:


(đây là ấn bản 1971)

Vũ Khắc Khoan, chẳng hạn, lại cố đẩy vai trò của Kim Trọng vào trung tâm. Nhưng xét cho cùng, "vai" các nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện không phải "vai" các nhân vật trong Kiều. Thanh Tâm Tài Nhân có một câu chuyện khác, Nguyễn Du có một câu chuyện khác. Hai con đường đi ấy trông thì tưởng có nhiều điểm chung nhưng thật ra hoàn toàn cách biệt, số phận hậu thế của hai con đường cũng tuyệt đối khác nhau.

Lần trước tôi đã làm một việc là lược lại những thời khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử đọc Kiều của các nhà phê bình văn học. Hôm nay tôi nói đến những thời khắc đáng nhớ của một lịch sử hơi khác.

Nhưng tôi vẫn muốn trước hết nói đến hai nhà nho. Kiều hiện ra từ sâu thẳm trong cái thế giới ấy, thế giới của những con người chữ nghĩa cổ kính trong đó rất nhiều người tài năng, hiểu biết và nhất là trình độ thẩm văn chương ở mức siêu quần; thật không dễ mà trở thành thần tượng văn chương của một thế giới kiêu kỳ như vậy, nhất là khi câu chuyện của Kiều lại đe dọa tấn công thẳng vào những thành trì kiên cố nhất của Nho giáo.

Nhà nho thứ nhất thuộc thế hệ Phan Bội Châu.

Mới gần đây, trên trang web "Hồ sơ văn học", nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân công bố một tài liệu: bài báo "Văn pháp Truyện Kiều trong con mắt cụ Thai Sơn Đặng Nguyên Cẩn" trong đó tác giả Tùng Nghê kể lại câu chuyện Đặng Nguyên Cẩn bình phẩm Kiều, đăng trên số Tết Đinh Sửu 1937 của tờ Tiếng dân, ra ngày 9/2/1937, tức là số 1021 (lúc này Đặng Nguyên Cẩn, thân phụ Đặng Thai Mai, qua đời đã lâu; Lê Xuân Lít đã không kiểm kê được bài báo này trong thư mục Kiều của mình).

Đặng Nguyên Cẩn giảng về "văn pháp" của Nguyễn Du, ta biết được làm thơ thì không được "nhất bút trực hạ" và Nguyễn Du đã xuất chúng đến thế nào vì đã làm được "bách lý nhất tiểu khúc, thiên lý nhất đại khúc", "tật phong quyển thác", "giáp tự giáp nghĩ". Và nhất là câu nói này của Đặng Nguyên Cẩn, theo tôi đã tóm tắt toàn bộ thái độ của nhà nho Việt Nam đối với Kiều và Nguyễn Du: "Thật con đĩ Tàu tu phúc mấy đời mới được ngọn bút lão học của ông Nguyễn Du tô vẽ, mới được truyền tụng đó, chớ bản thân con Kiều ở nước Tàu, đầu trong làng đĩ cũng không đáng nửa đồng kẽm, việc gì mà tán trinh tán hiếu? tán nhảm cả".

Một nhà nho nữa thuộc thế hệ muộn hẳn, là Bửu Cầm.

Trên tờ tạp chí rất giá trị là Việt Nam khảo cổ tập san số 4 năm 1966 (thư mục Trần Đình Sử có ghi nhận bài viết quan trọng này nhưng ghi sai 1966 thành 1967):


Bửu Cầm bàn một cách hết sức sáng sủa về vấn đề "lam bản" Kiều:


(trong bài này, Bửu Cầm cũng cho rằng không thể đọc "phong tình cổ lục" mà phải đọc "phong tình có lúc", hoặc cũng có thể như Nguyễn Văn Tố từng nêu, "phong tình có lục")

Một cách tóm tắt, Bửu Cầm nêu lên ba giả thuyết từng có trước đó liên quan đến chuyện Nguyễn Du đã dựa trên tác phẩm nào của Trung Quốc để viết Kiều. Thuyết thứ nhất do Phạm Quỳnh đề xướng: năm 1919, trên Nam phong, Phạm Quỳnh cho rằng Nguyễn Du đã đọc truyện về Thúy Kiều của Dư Hoài trong sách Ngu Sơ tân chí (là một tuyển tập nhiều tác giả). Thuyết thứ hai của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, cho rằng Nguyễn Du đã lấy từ sách mang tên Phong tình cổ lục. Dương Quảng Hàm mới là người nói đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (tại Việt Nam thời điểm đó ở Viễn Đông Bác cổ có bản chép tay tác phẩm này). Sau đó Bửu Cầm trình bày tiểu sử Thanh Tâm Tài Nhân tức Từ Vị, và câu chuyện Kim Thánh Thán bình luận Kim Vân Kiều truyện.

Trong thập niên 60, cả miền Nam và miền Bắc đều có rất nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Du và Kiều, số lượng bài báo ở lĩnh vực này tăng vọt. Trong địa hạt dịch Kim Vân Kiều truyện, miền Bắc đã đi trước, năm 1962 Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân cho ấn hành bản dịch tiếng Việt của mình, đến năm 1971 ở miền Nam in bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm (bản dịch này hiện nay hay được biết đến ở phiên bản trong Truyện Kiều đối chiếu có niên đại là thập niên 90). Đây là hai bản dịch quan trọng nhất, nhưng rất lâu trước đó Nguyễn Duy Ngung đã dịch (một cách sơ lược) và in ở Hà Nội năm 1925, ấn bản được biết đến nhiều hơn là của Tân Dân 1928. Gần đây ở Mỹ mới có thêm một bản dịch mới của Đàm Quang Hưng (2013).

"Mặt trận Kiều" ở miền Bắc đã bắt đầu bùng nổ từ giữa thập niên 50. Và cũng như mọi khi, Trương Tửu lại là trung tâm, lần này ở tư thế một nạn nhân. Đây là tập san Văn Sử Địa năm 1956:


Trước 1945, Trương Tửu ký tên Nguyễn Bách Khoa để viết Nguyễn Du và Truyện Kiều, ở thời điểm này cuốn sách Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du của Trương Tửu mới in; Văn Tân sẽ còn rất lâu nữa không chịu buông tha Trương Tửu, xem thêm ở đây.

Nói nốt vài câu chuyện về Kiều trong giới phê bình, giờ tôi chuyển sang một chuyện khác, mà theo tôi là hấp dẫn hơn nhiều.

Trong tập tiểu luận xen lẫn hồi ký Đốt lò hương cũ (xem thêm ở đây), ở bài "Một mùa tưởng niệm. Nhớ tới ba nhà thơ đã khuất bóng Nguyễn Đình Chiểu - Phan Thanh Giản - Nguyễn Du" (tr.119-134), Đinh Hùng khởi sự "mùa tưởng niệm": "Ở bên này vỹ tuyến, dưới vùng trời tự do nhiều ánh sáng của chúng ta, với "hai mùa nắng mưa" cố hữu, tuy thời tiết không phân định rõ bốn mùa "xuân, hạ, thu, đông", nhưng trong tâm tưởng, tôi vẫn thấy hiển hiện đủ bốn mùa, theo một chu kỳ mầu nhiệm của những tháng, năm - tiềm thức. Mỗi vang bóng, mỗi kỹ niệm [sic] còn ghi trong ký ức tôi hình như vẫn mang nặng cái khí hậu u linh của những thời gian quá khứ".

Mùa tưởng niệm này là tiết thu, vì cả ba nhà thơ đều qua đời trong dịp này: Nguyễn Đình Chiểu mất ngày 3 tháng Bảy năm 1888, Phan Thanh Giản tử tiết ngày 1 tháng Tám 1867, còn Nguyễn Du mất ngày 10 tháng Tám âm lịch năm Minh Mệnh thứ nhất (1820). Với Đinh Hùng, "ba nhà thơ tiền bối của chúng ta bước vào thiên cổ chính là để sống vĩnh cửu trong không-thời gian và sống tự do phơi phới ngoài vật lý, không phải như những vong hồn đọa lạc "lang thang trong trường dạ..." Không cần chúng ta cầu nguyện, hương hồn các Người cũng đã lâng lâng bay lên những vùng trời siêu thoát".

Ngay hiện tại cũng đang là dịp ngày giỗ của Nguyễn Du. Mưa gió rất kinh, trời đất phong trần.

Ở bài này, Đinh Hùng không dành nhiều trang cho Nguyễn Du, nhưng có một ý rất hay về Kiều: "Cổ nhân thương khóc Thúy Kiều của Nguyễn Du như thương khóc một nhân vật có thực mà mình đã quen, đã biết, đã vương duyên nợ đằm thắm từ giờ [chắc phải là "từ bao giờ"]; như thương khóc một nhân vật do chính mình sáng tác. Đến lượt, cô Kiều của Tố Như lại bị người khác "hoán thai đoạt cốt", để biến thành "người tình nhân của tất cả". Chính đó là dấu hiệu niềm cảm thông hoàn vẹn nhất, hòa điệu với tâm hồn tác giả Đoạn Trường Tân Thanh".

Tôi muốn nhìn sâu vào ý này: một số người, mặc dù không hề liên quan, coi Thúy Kiều chính là tình nhân của mình. Và đó chính là cách để các văn nhân cảm thông, tương giao, thương cảm với Nguyễn Du.

Vế thứ nhất rất đúng với các nhân vật nữ xuất sắc trong văn chương kim cổ: đọc Tolstoy đến mức nhập sâu vào đó, độc giả đàn ông sẽ có cảm tưởng như thể mình, chứ không phải Vronsky, mới là tình nhân của nàng Anna Karenina.

Còn lại một vế: "một số người" là những ai? Hôm trước tôi đã nhắc đến Thanh Tâm Tuyền và bài "Cửa vào Đoạn trường tân thanh" có trong cuốn Chân dung Nguyễn Du trên đây. Thiên tài thì nhìn ra thiên tài, thiên tài thì hiểu được thiên tài. Song song với câu chuyện các nhà phê bình đọc Kiều, còn có câu chuyện của các thiên tài văn chương Việt Nam, nhà văn hoặc nhà thơ, đọc và hiểu Nguyễn Du.

Tôi muốn nói đến bốn thiên tài văn chương của thế kỷ XX: Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Nhất Linh và Đinh Hùng. Không phải ai cũng nói một cách tập trung về Nguyễn Du, nhưng họ đều từng trình bày suy nghĩ của mình, từng cho thấy Nguyễn Du đã tác động đến họ như thế nào, họ tìm thấy gì, hiểu những gì ở các tác phẩm của Nguyễn Du. Từ Nguyễn Du nhìn tới họ, tôi có cảm tưởng mình thấy lờ mờ, mỗi lúc một thêm rõ hơn, một con đường văn chương Việt Nam.

Ta đọc được trong hai tiểu luận (có ở bộ sách này), "Về tiếng ta" và đặc biệt "Tản mạn xung quanh một áng Kiều", Nguyễn Tuân đã thẩm thấu Kiều như thế nào. Con người nghệ sĩ tài tình ấy chỉ ra rằng, người ta thường bảo trong Kiều có bốn đoạn chơi đàn, nhưng tính kỹ thì phải là bảy lần, và Nguyễn Tuân còn rất chú ý đến trăng ở trong Kiều.

Vũ Hoàng Chương đẩy mức độ xót thương liên thông giữa văn nhân với văn nhân lên đến một đỉnh cao:

Ôi Thúy Kiều xưa khóc Đạm Tiên
Hoàng lang giờ lại khóc Tiên Điền
Dây thông cảm buộc từ ba kiếp
Sổ đoạn trường ghi chẳng một tên
Xác mới đây còn thân cũ nhớ
Trời xanh đâu chỉ má hồng ghen
Bốn trăm năm lẻ tình khôn dứt
Lệ trước mồ chưa ráo trước đèn

Tấm tình này là tình giữa những người biết mình có tên trong sổ đoạn trường, thương cảm này là mối thương của những kẻ chịu số kiếp bị trời xanh ghen ghét, ba kiếp buộc dây này là nỗi hoang lạnh của lang thang cô liêu bỗng được chút hơi ấm của sự tìm được nhau: "Ba kiếp lang thang ngồi chụm lại/Chúng ta mất hết chỉ còn nhau".

Cảm nhận của Vũ Hoàng Chương rất đặc biệt, hướng về sự nhập tách của muôn kiếp hồn phách:

Ý đã cao mà bút đã tinh
Nòi si vạn thuở một dây tình
Cảm thông đến cả trời Nam quốc
Luân lạc riêng gì gái Bắc kinh
Hạt bụi nhớ quên lòng đại khối
Hoa đèn thức ngủ bướm Trang sinh
Ấy ai soi tấm gương tài lụy
Có thấy hồn ai nhập bóng mình

Nhưng về Kiều (ta nên để ý, miền Nam hay gọi là Đoạn trường tân thanh, miền Bắc gọi là Kiều, miền Nam gọi là "Thanh Tâm Tài Tử", miền Bắc gọi là "Thanh Tâm Tài Nhân"), Vũ Hoàng Chương không chỉ làm thơ. Tập Chân dung Nguyễn Du mở ra bằng bài viết của Vũ Hoàng Chương, trong đó nhà thơ phản đối ý kiến của Đoàn Phú Tứ ở một bài viết. Đoàn Phú Tứ bàn về vấn đề "chủ từ" trong Kiều, có nhiều chỗ rất khó hiểu chủ thể thật ra là ai. Theo Đoàn Phú Tứ, ở đoạn Thúy Kiều gặp Kim Trọng, hai câu:

Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn

Ta phải hiểu đang nói đến Kim Trọng. Nhưng Vũ Hoàng Chương nói không thể hiểu thế được, mà ở đây phải nghĩ chủ thể là cả Kiều lẫn Kim.

Cũng lạ, cứ hễ khi nào có ai đó muốn dành vị trí trang trọng cho Kim Trọng, dẫu chỉ ở các phương diện vô cùng nhỏ, thì ngay lập tức sẽ có phản đối, và sự phản đối thường hữu lý hơn.

Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, ở quãng đời tuổi trẻ, cái quãng mà giờ đây ta rất ít biết, trước cả khi sang Pháp học, tất nhiên là rất lâu trước Phong hóa và Tự Lực văn đoàn, đã xuất hiện chính thức trên văn đàn bằng Kiều.

Ấy là bài báo "Mấy lời bình luận về văn chương Truyện Kiều" đăng trên Nam phong đầu năm 1924, số 79 tháng Giêng 1924. Lúc này Nhất Linh chưa tròn hai mươi tuổi, đây cũng là lúc Phạm Quỳnh đang hô hào xiển dương Kiều và nhanh chóng xuất hiện bài viết công kích mãnh liệt của Tập Xuyên Ngô Đức Kế. (Như đã nói ở trên, hóa ra yếu nhân của cuộc vinh danh Kiều này còn không nắm được "lam bản" Kim Vân Kiều truyện.) Năm này, Nhất Linh đứng về phía Phạm Quỳnh, nhưng chỉ chục năm sau, Phạm Thượng Chi đã trở thành "xừ Uỳnh" trên Phong hóa.

Đây cũng là thời điểm của Nho phong:


Cuốn tiểu thuyết đầu tiên này dường như còn chưa bao giờ xuất hiện trở lại; tác phẩm thứ hai, Người quay tơ, in sau đó vài năm, thì có vài lần được tái bản ở Sài Gòn.

Ta đọc được ở bài báo ấy nhiều thứ, trong đó có cả một sự bồng bột tuổi trẻ, thứ bồng bột gây cảm động của ý muốn tự chứng tỏ bản thân, nương nhờ vào những tên tuổi lớn: mở đầu, Nhất Linh đã trích dẫn Goethe và sau đó còn nhắc đến Shakespeare cùng Hérédia: “Một nhà viết văn giỏi người nước Anh tên là William Shakespeare thường hay dùng lối văn như thế lắm” và: “Câu văn gọt giũa sắc sảo, tô điểm như một vật quý báu, một đồ trang sức, thật không khác gì những câu thơ của một nhà danh sĩ cận thời bên Pháp tên là José Maria de Hérédia.”

Và cả một cái gì hao hao như ý muốn học hỏi, tìm kiếm một con đường văn chương cho riêng mình: “Ta phải nên nhận rằng cụ Nguyễn tuy dùng nhiều chữ như vậy, nhưng chưa hề bịa đặt ra bao giờ. Thường thường những người viết văn giỏi không mấy khi mắc phải cái tật ấy, vì cứ tiếng thường cũng đủ dùng rồi”. Nhất Linh tự rút ra bài học: “Làm văn cốt phải vắn tắt, nghĩa là dùng ít chữ để nói nhiều ý”, và: “Ta làm văn nên vắn tắt như vậy, đừng có rườm rà thành rắc rối khó hiểu; văn rắc rối đủ chứng rằng ý nghĩ cũng rời rạc, không minh bạch”.

Rất khó ngờ rằng con người đại diện cho cả một cuộc cách mạng văn chương (và lại là văn xuôi) lại tìm được sự nâng đỡ từ Nguyễn Du và Kiều ở bước khởi đầu như vậy. Ta sẽ thấy Nhất Linh cả đời trung thành với những bài học về bút pháp đã hình thành từ rất sớm. Thật ra, ở các thiên tài, mọi thứ đều đã có sẵn một cách toàn vẹn ngay từ đầu. Văn chương Nhất Linh sẽ không bao giờ "rườm rà thành rắc rối khó hiểu". Tài và tình của Nguyễn Du, đi vào Nhất Linh, đã chịu một chuyển hóa, để tạo ra một vẻ đẹp có dạng khác hẳn. Cái đẹp của văn chương Nhất Linh là cái đẹp của sự khắc kỷ. Cái tinh thần khắc khổ đó thể hiện cả trong văn lẫn trong tranh của Nguyễn Tường Tam.

Bài báo của Nhất Linh có một sự vinh danh tột cùng ngay từ đầu: “nói đến cái hay của văn Kiều thì chưa biết thế nào mà kể được. Ta chỉ nên nhận rằng văn chương Kiều có thể làm cái mẫu rất tốt cho văn chương quốc ngữ, và người nào làm văn cũng nên theo cách làm văn trong Truyện Kiều, vì những câu thơ trong truyện đó đã tới được cực điểm. Tôi xin nói quyết một lời rằng: Mong được một quyển truyện nào hay hơn Truyện Kiều là mộng tưởng. Cái trình độ thơ quốc ngữ đến như thế là tuyệt đích rồi” và đến cuối bài thì: “Truyện Kiều thật là một tấm gương luân lý thiên cổ, một cái thú giải buồn cho người thích ngâm thơ, một cái thú gợi buồn cho người buồn, một bức tranh vẽ cuộc đời cho người biết nhân tình thế thái, một quyển bói cho người hay tin, một tập văn mẫu rất bổ ích cho người làm văn”.

Sau này, trong cuốn tiểu thuyết Băn khoăn (in năm 1943), Khái Hưng để cho nhân vật của mình phát biểu một điều mà tôi thấy là vô cùng ý nghĩa, một điều rất sâu sắc về tâm trạng của thời đại: đại ý nhân vật của Khái Hưng nói rằng cách đây không lâu vừa có một thế hệ Nguyễn Du, thì giờ đây đã đến một thế hệ Anatole France. "Thế hệ Nguyễn Du" hẳn nhiên là những con người như Nhất Linh, ở đoạn khởi đầu văn nghiệp. Và không chỉ Nhất Linh mà thôi.

Nhân vật chính của bài viết này của tôi là Đinh Hùng. Trong số các thiên tài văn chương mà tôi coi là mang nhiều sắc thái đặc biệt trong mối quan hệ với Nguyễn Du, Đinh Hùng là đột xuất hơn cả, hơn nhiều so với Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương hay Nhất Linh. Đó cũng là lúc một nhà thơ lớn nhất nói về một nhà thơ lớn nhất.

(Tôi càng thấy lấn cấn hơn khi nhớ tới những gì Tô Hoài từng nói về thơ Đinh Hùng (và Hoàng Cầm), rằng đó là thơ "trang kim vàng mã"; nếu vì lòng ghét mà không chịu công nhận tài năng của người khác, thì tư cách Tô Hoài thật là nhỏ nhen, hèn mọn, còn nếu Tô Hoài quả thật không nhìn ra tài năng của những Đinh Hùng, Hoàng Cầm, thì Tô Hoài đâu có chút khả năng thẩm văn nào; cách nào thì cũng tệ hết.)

Đinh Hùng viết về Nguyễn Du không chỉ có tiểu luận trong Đốt lò hương cũ tôi vừa nhắc ở trên, mà còn có một bài vô cùng quan trọng. Cuốn sách Chân dung Nguyễn Du mở ra bằng bài của Vũ Hoàng Chương, đoạn giữa có bài của Thanh Tâm Tuyền, và đặt ở cuối là bài của Đinh Hùng.

Thanh Tâm Tuyền thì coi Kiều chính là Thập loại chúng sinh phóng to lên, còn Đinh Hùng chỉ bàn về Thập loại chúng sinh. Ai rành thế giới thơ của Đinh Hùng đều hiểu, Đinh Hùng chính là người ở gần Nguyễn Du nhất trong địa hạt này, thế giới ấy và thế giới Nguyễn Du trùng khớp, chồng lên nhau ở rất nhiều điểm, Đinh Hùng có nhiều tư cách nhất để bàn về các âm hồn của Nguyễn Du.

Đinh Hùng cũng là một người chiêu niệm hồn ma:

Thương tuyệt trần thương, nhớ lạ lùng
Mới kề khuôn ngực, hẫng vòng lưng
Khi ăn niệm bóng sang ngồi cạnh
Lúc ngủ chiêu hồn tới ngủ chung
(Trái tim hồng ngọc)

Còn Nguyễn Du dẫn chúng ta thẳng tới cõi ấy, dẫn chúng ta đi xuống, qua chập chờn ranh giới thực và hư, ấm và lạnh, sống và không sống:

Đường bạch dương bóng chiều man mác
Dặm đường lê lác đác sương sa

Ngay ở đầu bài “Người thơ thuần túy Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh” (tr.205-237) trong Chân dung Nguyễn Du (Đinh Hùng đặc biệt quan trọng hai chữ “thuần túy” ấy, tên một bài viết khác trong Đốt lò hương cũ là “Phan Bội Châu nhà thơ cách mạng thuần túy”), Đinh Hùng viết: “Tôi muốn nói: “Tiếng Vọng Tố Như” không phải chỉ có Đoạn Trường Tân Thanh mới đáng kể là tiêu biểu mà còn có “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh”, tức Thơ Chiêu Hồn. Tuy ảnh hưởng thực tế không lan rộng như Truyện Kiều, nhưng tầm quan trọng của áng thơ nhất khí này không phải vì thế mà kém Truyện Kiều”. Không những thế: “Cả Truyện Kiều cùng Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh đều giúp cho ta tìm hiểu con người toàn vẹn của Nguyễn Du. Và phải có cả hai, Nguyễn Du mới thực là Nguyễn Du”.

Đinh Hùng thấu hiểu chân tơ kẽ tóc Thập loại chúng sinh: “trí tưởng tượng của Nguyễn Du phong phú quá, nguồn cảm xúc của Nguyễn Du mãnh liệt quá, thi tứ của người rào rạt lôi cuốn, cái tiềm lực sáng tạo thần linh hay cái ma lực huyền bí nào đã nhập vào người thơ, khiến ngòi bút của người trở nên xuất thần, quán thế, giữa không hư cũng tạo nên hình thể, viết trên giấy mà như truyền hồn sống cho cả những vật vô tri, kết tụ lại cả những điểm tinh anh thoi thóp. Thơ Chiêu Hồn của thi sĩ nói với người chết mà như sấm ngữ tiên đoán cả vận mạng những người sống”.

Một điều chính yếu nằm ở đây: Nguyễn Du viết về cõi chết, nhưng là để nói cho cõi sống. Còn Kiều thì sao? Chính là một đảo chiều vi diệu; điều này chúng ta sẽ trở lại sau.

Đinh Hùng bắt đầu sử dụng những ngôn từ đặc trưng của ông để miêu tả thế giới “thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du: “Chúng ta đi vào thế giới của “Chiêu Hồn” như đi vào chiêm bao, một chiêm bao dằng dặc thâu góp tất cả những giấc mơ linh ứng nhất của kiếp người. Lý trí chúng ta dần dần hôn mê như kẻ nhập “đồng thiếp”.” Và nói rõ hơn “thuần túy” nghĩa là như thế nào: “chỉ còn là ảo ảnh, là hồi thanh, dư hưởng, là biểu tượng, là âm ba… Và đó mới là tính chất của Thi Ca Thuần Túy”.

Với tôi, tiểu luận của Đinh Hùng đặc biệt quan trọng ở điểm này: đây là lần đặc biệt hiếm hoi có một người phân biệt rất ảo diệu giữa Phật và Phật giáo. Đây là điểm cốt tủy: nếu dễ dàng áp các quan niệm của Phật giáo vào, ta sẽ hiểu lệch toàn bộ thơ của Nguyễn Du, nhất là KiềuThập loại chúng sinh (ở thơ chữ Hán thì có thể khác). Đinh Hùng hoàn toàn hiểu, Phật giáo chẳng có vai trò gì ở đây, và viết: “tình thương của người thơ ở Chiêu Hồn thực là một tình thương mênh mang vô bờ bến. Một Nguồn Thương thanh tịnh bao la trùm lên trên tất cả mọi nghiệp chướng của kiếp phù sinh, một nguồn thương rộng lớn như tâm hồn uyên nhiên cao khiết của bậc chân tu, như tấm lòng từ bi xả kỷ của Đức Phật”, và: “trong một tột độ cảm hứng, Nguyễn Du đã phát Bồ Đề Tâm, như một vị Phật Sống. Hay đúng hơn: phải nhận rằng: Trong lòng Nguyễn Du, đó có sẵn cái Tâm Ý của Thích Ca. Lời nói của nhà thơ tự nhiên cũng chứa đựng sẵn cái tinh túy của bản thuyết pháp”.

Có cái gì đó giống như Phật, nhưng không phải Phật giáo, nhiều điều gợi cho ta nghĩ đến mầu nhiệm giải thoát mà Phật giáo mang tới (điều ấy quá rõ, trong Thập loại chúng sinh các hồn ma được khuyên nhủ nghe kinh để được siêu thoát), nhưng Phật giáo không phải con đường để hiểu thơ Nguyễn Du. Mà trước hết và tối hậu vẫn là thơ.

(Con đường Phật giáo không làm giàu thêm hiểu biết về thơ của Nguyễn Du, mà còn làm nghèo nàn đi rất nhiều; đã có rất nhiều người đi theo con đường ấy, từ Trần Trọng Kim rồi Cao Huy Đỉnh rồi Thích Thiên Ân (thư mục Trần Đình Sử có ghi nhận được Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiều của Thích Thiên Ân nhưng viết sai tên thành Thích Thiện Ấn), rồi Phạm Công Thiện, Thích Nhất Hạnh và vô vàn người khác nữa, gần đây cũng rất nhiều.)

Đinh Hùng đặt ra câu hỏi: “bản thể Nguyễn Du đã mấy lần tự hủy để rồi lại tái sinh qua bao nhiêu hình tướng, bao nhiêu duyên nghiệp?” và: “thần phách Nguyễn Du đã có lần nào lẩn vào xác bướm, hồn hoa? hoặc có lần nào con người siêu phàm trong Nguyễn Du biến hình thành Tiên, thành Phật, thành Quỷ, thành Ma?” Những câu hỏi này thật ra cũng rất quan trọng để ta có thể hiểu được về chính Đinh Hùng. Nhưng rốt cuộc, cao nhất vẫn là như thế này: “Tình thương xả kỷ của Nguyễn Du, nguồn tin tưởng độ thế của Nguyễn Du, hơn đâu hết, ở Chiêu Hồn, đã dâng cao thành một niềm Tín Ngưỡng thiêng liêng, và hơn đâu hết, cái Khát Vọng Vô Cùng và Tuyệt Đối của người thơ ở đây đã được biểu lộ trọn vẹn nhất, thiết tha nhất, với tất cả nồng nhiệt tôn sùng của một tâm hồn không lúc nào ngừng khám phá thêm những vũ trụ huyền bí […] tự nhiên từ trong ý niệm sáng tạo của nhà thơ, đã có sẵn cái mầm kết tụ nhụy hương tinh túy của đóa hoa Chân Lý toàn năng, toàn mỹ”.

Bản chất thơ ca, tinh túy của nó, như thể hiện ở Nguyễn Du, là đi tới một “bản Kinh thần tụng”. Ở bản thân Đinh Hùng và thơ Đinh Hùng, câu chuyện cũng không khác nhiều lắm.

Đến cuối bài, Đinh Hùng sẽ chỉ ra rằng mặc dù là chết chóc, sầu thảm, nhưng Thập loại chúng sinh lại mang đến cho chúng ta một cảm giác gì giống như là sảng khoái, một sự chợt hiểu đầy kỳ diệu. Vị trí của Nguyễn Du là như thế, gánh lấy chết chóc của người khác để mở ra con đường sống cho họ và cho cả muôn kiếp sau này.


NB. Trong bài ngay tiếp theo đây (sẽ tên là “Con đường Nguyễn Du”) tôi sẽ trình bày những suy nghĩ của riêng tôi về Kiều, Thập loại chúng sinh và Nguyễn Du. Cho đến lúc này, tôi còn gần như chưa hề nói gì, mà mới chỉ đi ngược trở lại những gì người khác từng nói, những gì mà tôi cho là có ý nghĩa hơn cả của mấy trăm năm vừa rồi, xung quanh Nguyễn Du. Không hề định trước, bài này được viết đúng vào đầu tháng Tám âm, đúng dịp ngày giỗ của Nguyễn Du.



Kiều Trương Vĩnh Ký
Hồ Xuân Hương
Một mình Kiều
Vẫn là Kiều
Không chỉ Kiều
Kiều
Thơ Đinh Hùng: hai thế giới
Cung oán
Chinh phụ
Mai đình mộng ký
Nguyễn Công Trứ

8 comments:

  1. Replies
    1. Xong phần lịch sử đọc Kiều rồi, giờ chuyển sang Nhị Linh đọc Kiều đê :p

      Delete
  2. Chờ mãi không thấy "tiểu luận thứ hai về tự lực văn đoàn".

    ReplyDelete
  3. khi ăn niệm bóng sang ngồi cạnh/lúc ngủ chiêu hồn tới ngủ chung

    ReplyDelete
  4. giác quan biển động mưa đồng thiếp/trên thịt da đau núi quặn mình

    ReplyDelete
  5. kể từ bấy, hình như đã có thêm không ít người đọc Đinh Hùng

    ReplyDelete
  6. Khả năng đọc xếp của khủng long gây kinh ngạc ở ngay chuyện tìm ra dây nối Søren Kierkegaard & H.C Andersen, Đinh Hùng & Nguyễn Du,... khi theo một lối nhìn thông thường họ có rất ít điểm trùng để nối, điểm tương đồng để đặt cạnh nhau.

    ReplyDelete