Mar 4, 2013

Những mối quan hệ nguy hiểm - Choderlos de Laclos (IX-X)

(I-II) (III-IV) (V-VI) (VII-VIII) (IX-X) (XI-XII) (XIII-XIV) (XV-XVI) (XVII-XVIII) (XIX-XX) (XXI-XXII) (XXIII-XXIV)

Cuốn sách phong tình này lúc mới ra đời là một quả bom, quả bom ấy sau hơn hai trăm năm không hẳn là còn quá nguy hiểm nữa.

Nhưng nó vẫn là quả bom, và có lẽ vẫn nguy hiểm với một số người. Một số người nên chọn bỏ qua nó mà không đọc:

- Những người mặc định rằng văn chương phong tình là xấu xa, những người bẩm sinh đã tin như vậy hoặc được dạy như vậy và không có ý định thay đổi.

- Những người nghĩ văn chương là một thứ gì khác hẳn.

- Những người quá nghiêm túc hoặc tin quá nhiều thứ, hoặc không tin quá nhiều thứ.

- Những người không biết đọc.





Thư IX

BÀ DE VOLANGES GỬI BÀ CHÁNH TÒA DE TOURVEL

Tôi chưa bao giờ nghi ngờ, cô bạn trẻ xinh đẹp của tôi ạ, cả tình bạn của cô đối với tôi lẫn mối quan tâm chân thành mà cô dành cho mọi thứ gì quan hệ với tôi. Cho nên không phải là để làm sáng tỏ điểm này, cái điều tôi hy vọng chúng ta đã nhất trí mãi mãi, mà tôi phúc đáp Thư Phúc Đáp của cô: nhưng tôi nghĩ mình không thể không nói chuyện với cô về Tử Tước de Valmont.

Tôi đã không trông đợi, xin thú nhận như vậy, là có lúc nào nhìn thấy cái tên này trong những Bức Thư của cô. Thật thế, có thể có điều gì chung giữa cô và hắn? Cô không biết gã đàn ông này; từ đâu mà cô nảy sinh ý nghĩ rằng một kẻ phong tình lại có tâm hồn? Cô nói với tôi về lòng ngay thẳng hiếm có của hắn: ồ! phải; lòng ngay thẳng của Valmont hẳn phải là hiếm hoi lắm, thật thế đấy. Giả dối và nguy hiểm còn hơn mức độ khả ái và quyến rũ, chưa bao giờ, kể từ khi còn rất trẻ, hắn từng làm một việc gì hay nói một lời nào mà không có chủ ý, và chưa từng bao giờ có chủ ý nào của hắn không bất lương hay tội lỗi. Bạn ơi, cô biết rõ tôi mà; cô hay rằng tôi cố trau dồi các đức hạnh nhưng sự dung thứ không phải đức hạnh mà tôi chăm bẵm nhất. Thế nên, nếu Valmont bị lôi kéo bởi những đam mê dữ dội; nếu, cũng như cả nghìn kẻ khác, hắn bị quyến rũ bởi những lầm lạc thường thấy ở độ tuổi đó, thì khi phê phán hạnh kiểm của hắn tôi sẽ chỉ trích con người hắn, và trong im lặng tôi sẽ đợi đến cái lúc một sự hồi chuyển đáng mừng khiến hắn được những con người trung hậu coi trọng. Nhưng Valmont không phải như thế: hạnh kiểm của hắn chính là kết quả của những nguyên tắc của hắn. Hắn biết tính toán tất cả những điều khủng khiếp mà một người đàn ông có thể tự cho phép mình, mà không để lụy đến bản thân; và để có thể tàn nhẫn với độc ác mà không gặp nguy hiểm, hắn đã chọn phụ nữ làm nạn nhân. Tôi vẫn chưa đếm hết được những người phụ nữ đã bị hắn quyến rũ: nhưng trong số đó bao nhiêu người hắn vẫn còn chưa buông tha?

Trong cái cuộc sống êm ả và khuất nẻo mà cô đang sống, cô không nghe được về những cuộc phiêu lưu đầy bê bối đó. Tôi hoàn toàn có thể kể cho cô những vụ sẽ làm cô phát run rẩy; nhưng ánh mắt của cô, cũng trong sáng như tâm hồn cô, sẽ bị lấm bẩn vì những bức tranh như thế: vì chắc chắn rằng Valmont sẽ không bao giờ nguy hiểm với cô, cô không cần đến những thứ vũ khí ấy để tự vệ đâu. Điều duy nhất tôi muốn nói với cô là, trong số tất tật những người đàn bà mà hắn đã chăm lo, dù thành công hay không, chưa từng ai có điều gì phải phàn nàn về hắn. Chỉ Bà Hầu Tước de Merteuil là ngoại lệ của quy tắc chung này; chỉ mình bà ấy từng biết cách kháng cự lại hắn và trói buộc sự độc ác của hắn lại. Tôi xin thú nhận rằng cái đặc điểm đó trong đời bà ấy là thứ trong mắt tôi khiến bà ấy đáng được trọng nhất: vậy nên như thế đã là quá đủ để biện minh cho bà ấy trong mắt mọi người về một số sự việc không hay mà người ta có thể trách cứ bà ấy khi bắt đầu sống quãng đời góa bụa.

Dù có thế nào thì, cô bạn xinh đẹp của tôi ơi, những gì mà tuổi tác, kinh nghiệm và nhất là tình bạn cho phép tôi nói với cô, là ở đây người ta đã bắt đầu nhận ra sự vắng mặt của Valmont rồi; và nếu họ biết hắn đang sống một thời gian với vai trò người bên cạnh bà trẻ hắn và cô, thì danh tiếng của cô sẽ rơi vào tay hắn đấy; đó là điều bất hạnh lớn nhất có thể xảy đến với một người phụ nữ. Vậy nên tôi khuyên cô thúc giục bà hắn đừng giữ hắn lại lâu hơn nữa; và nếu hắn cứ bướng bỉnh đòi ở lại, tôi nghĩ rằng cô không nên do dự mà nhường luôn chỗ cho hắn. Nhưng tại sao hắn lại ở đó? hắn đang làm gì ở dưới vùng nông thôn ấy? Nếu trước đây cô từng theo dõi hành trạng của hắn, tôi chắc rằng cô sẽ phát hiện ra rằng tất cả những gì hắn sẽ làm phải là tìm một chỗ ở tiện nghi hơn trong vùng để mà nghiền ngẫm một kế hoạch đồi bại nào đó. Nhưng, vì chẳng thể làm gì cứu chữa cho sự xấu xa, ta đành phòng xa nó thôi.

Tạm biệt, cô bạn xinh đẹp của tôi; cuộc hôn nhân của con gái tôi bị muộn lại một chút rồi. Bá Tước de Gercourt, người mà chúng tôi chờ đợi hết ngày này đến ngày khác, gửi thư báo cho tôi rằng Trung Đoàn của ông ấy đang sang bên đảo Corse; và vì chiến tranh vẫn tiếp diễn, ông ấy sẽ không thể về phép trước mùa đông. Điều này khiến tôi bực bội; nhưng điều này cũng khiến tôi hy vọng chúng ta sẽ có được niềm vui gặp nhau vào lễ cưới, và tôi sẽ rất không vừa lòng nếu cô không có mặt ở đó. Tạm biệt; tôi hoàn toàn là của cô, nói vậy chẳng phải để khen ngợi hay giữ kẽ gì đâu.

T.B. - Hãy nhắc cho Bà de Rosemonde nhớ đến tôi, tôi vẫn hằng yêu quý bà ấy đúng như bà ấy xứng đáng.

Từ… 11 tháng Tám 17**




Thư X

NỮ HẦU TƯỚC DE MERTEUIL GỬI TỬ TƯỚC DE VALMONT

Anh dỗi tôi đấy à, hả Tử Tước? hay anh chết rồi? hoặc là, dám thế lắm, anh chỉ còn sống cho Bà Chánh Tòa của anh? Cái ả đàn bà ấy, kẻ đã trả lại cho anh những ảo tưởng của tuổi trẻ, cũng sẽ sớm trả cho anh cả những định kiến lố lăng nữa cho mà xem. Chưa gì anh đã rụt rè và nô lệ rồi; yêu với cả đương là ra thế đó. Anh khước từ những hành động bạo gan may mắn của anh. Tức là anh đang hành xử chẳng có nguyên tắc gì, phó mặc mọi thứ cho sự ngẫu nhiên, hay đúng hơn là cho thói thất thường. Anh không còn nhớ nữa à, rằng tình yêu, cũng như nghề y, chỉ là nghệ thuật giúp trợ cho Tự Nhiên? Anh cũng thấy rằng tôi đang chơi anh bằng chính vũ khí của anh: nhưng tôi chẳng lấy gì làm kiêu hãnh vì điều đó; bởi đánh một gã đàn ông đã ngã xuống đất thì đâu có hay hớm nỗi gì. Nàng phải tự hiến mình cho tôi, anh bảo vậy: này! hẳn rồi, phải thế; ả cũng sẽ tự hiến dâng như mọi ả thôi, khác mỗi một chỗ là làm thế ả sẽ mang lại điềm gở. Nhưng, để rốt cuộc ả phải tự hiến dâng, phương cách đích thực là phải túm chặt lấy ả đi chứ. Sự phân biệt gàn dở này thực là dấu hiệu điên rồ của tình yêu! Tôi nói tình yêu đấy; bởi vì anh yêu mất rồi. Nói khác với anh sẽ là phản bội anh; nói khác sẽ là che giấu anh sai lầm của chính anh. Nói tôi nghe nào, hỡi người tình thảm hại, những ả đàn bà mà anh từng chiếm được, anh có nghĩ mình đã cưỡng đoạt họ không? Nhưng, dù cho ham muốn được hiến dâng có lớn đến mấy, dù cho sốt sắng làm việc đó đến thế nào, thì cũng cần phải có một cái cớ; với chúng tôi còn cái cớ nào thuận tiện hơn là làm ra vẻ phải khuất phục trước sức mạnh? Về phần mình, tôi xin thú nhận, một trong những thứ khiến tôi thích thú nhất là một sự tấn công mạnh mẽ và chu đáo, ở đó mọi thứ tiến triển tiếp nối theo thứ tự, dẫu rằng rất mau chóng; nó không bao giờ đặt chúng tôi vào sự lúng túng nặng nề vì phải tự sửa chữa một hành động vụng về mà lẽ ra ngược lại chúng tôi đã phải tận dụng được; nó biết cách giữ cái bề ngoài của cưỡng ép cả trong những điều mà chúng tôi thuận tình, và khéo léo phỉnh nịnh hai niềm đam mê mà chúng tôi ưa hơn cả, vinh quang của sự tự vệ và khoái cảm của thất bại. Tôi nhận rằng thứ tài năng này, hiếm hơn là người ta tưởng, tôi vẫn luôn luôn ưa chuộng, ngay cả những lúc nó không quyến rũ được tôi, và thỉnh thoảng tôi còn chủ động chịu thua, chỉ với mục đích trao phần thưởng. Cũng như ở các Cuộc Đua xưa kia của chúng ta, Cái Đẹp trao phần thưởng cho giá trị và sự khéo léo.

Nhưng anh ấy mà, anh đâu còn là anh nữa, anh cư xử như là anh sợ thành công vậy. Này! từ bao giờ anh đi vào những đường ngang ngõ tắt mà tránh đường cái quan đấy hả? Bạn ơi, nếu mà muốn tới nơi, thì cứ ngựa trạm và đường lớn mà thẳng tiến thôi! Nhưng thôi ta bỏ chủ đề này đi, nó làm tôi càng thấy bực bõ hơn bởi nó tước mất đi của tôi niềm thích thú được gặp anh. Ít nhất thì cũng phải viết thư cho tôi thường hơn chứ, và cho tôi biết về những tiến bộ của anh. Anh có biết là đã mười lăm ngày nay anh đã bị hút vào cuộc phiêu lưu nực cười kia và đã lơ là tất cả mọi người không?

Nhân đang nói chuyện lơ là, anh thật giống những kẻ đều đặn gửi thư hỏi thăm tin tức bạn bè bị ốm, nhưng lại chẳng buồn đoái hoài đến lời phúc đáp. Bức Thư trước của anh kết thúc ở câu hỏi Hiệp Sĩ đã chết hay chưa. Tôi không trả lời, thế là anh chẳng để tâm thêm nữa. Anh không còn biết rằng tình nhân của tôi sinh ra là để làm bằng hữu của anh nữa đấy à? Nhưng anh hãy yên tâm, anh ta còn chưa chết đâu; hoặc giả nếu anh ta đã chết rồi, thì là vì vui quá đấy mà thôi. Chàng Hiệp Sĩ tội nghiệp này sao mà dịu dàng đến thế! như là được tạo ra cho tình yêu ấy! sao mà chàng giỏi cảm nhận nồng nhiệt đến vậy! đầu óc tôi quay cuồng vì chàng. Rất nghiêm túc nhé, chính niềm hạnh phúc toàn hảo mà chàng cảm thấy khi được tôi yêu đã thực sự buộc chặt tôi vào với chàng đấy.

Cũng cái hôm tôi viết cho anh bảo là tôi sẽ sớm làm cho hai chúng tôi đoạn tuyệt, tôi đã khiến chàng vô cùng hạnh phúc! Tôi còn đang mải nghiền ngẫm những phương cách làm chàng tuyệt vọng thì nghe tiếng người ta báo là chàng đến. Chẳng biết vì thói thất thường hay vì lý trí nữa, nhưng chưa từng bao giờ tôi thấy chàng tuyệt đến thế. Tuy nhiên tôi đã tiếp đón chàng đầy bực bội. Chàng hy vọng được ở bên tôi hai tiếng, trước khi đến giờ tôi mở cửa nhà tiếp đón mọi người. Tôi bảo chàng rằng mình sắp ra ngoài: chàng hỏi tôi đi đâu; tôi từ chối nói cho chàng biết. Chàng cứ khăng khăng hỏi; nơi nào không có anh, tôi đáp, rất chát chúa. Thật may cho anh ta, anh ta bị tê liệt bởi câu trả lời ấy; bởi vì, chỉ cần anh ta nói một lời thôi thì nhất định tiếp sau đó sẽ là một màn kịch dẫn tới cuộc đoạn tuyệt mà tôi đã định sẵn. Ngạc nhiên trước sự im lặng của anh ta, tôi quay qua nhìn anh ta mà không có chủ định gì, tôi thề với anh đấy, ngoài việc thử xem vẻ mặt anh ta ra sao. Trên khuôn mặt điển trai ấy tôi đã tìm thấy lại nỗi buồn bã vừa sâu sắc vừa dịu dàng, trước nó thì ngay bản thân anh cũng phải nhất trí là thật khó mà cưỡng lại cho nổi. Cùng nguyên nhân sẽ dẫn tới cùng hậu quả; tôi đã thua cuộc lần thứ hai. Ngay từ giây phút đó, tôi chỉ còn chú tâm đến những cách thức tránh sao đừng để anh ta tức giận với tôi. “Em ra ngoài lo việc, giọng tôi nói với anh ta trở nên mềm mỏng hơn, và thậm chí việc này còn quan hệ đến anh đấy; nhưng đừng hỏi em nhé. Em sẽ ăn tối ở nhà; lúc đó anh hãy quay lại, em sẽ nói cho anh biết.” Khi ấy anh ta mới lại nói được; nhưng tôi không cho phép anh ta lên tiếng. “Em đang rất vội, tôi nói tiếp. Để em lại một mình đi; hẹn gặp anh tối nay nhé.” Anh ta hôn tay tôi rồi đi ra.

Ngay lập tức, để đền bù cho anh ta, có thể cũng là để tự đền bù cho mình nữa, tôi quyết định hé cho anh ta biết về ngôi nhà nhỏ của tôi mà anh ta chưa hề mảy may biết đến sự tồn tại. Tôi gọi Victoire trung thành của tôi. Tôi bị thiên đầu thống; với mọi người thì tôi phải đi nằm nghỉ; và, rốt cuộc cũng được ở lại một mình với người tâm phúc, cô ấy đóng giả thành Gã Hầu còn tôi thì vận đồ Cô Hầu Phòng lên người. Sau đó cô ấy gọi một cỗ xe ngựa tới cổng vườn, và chúng tôi lên đường. Tới ngôi đền tình yêu ấy, tôi chọn trang phục lơi lả nhất. Nó thật là tuyệt diệu; là sáng chế của chính tôi đó: nó không để hở gì hết, thế nhưng nó lại cho phép người ta đoán định được mọi thứ. Tôi hứa sẽ làm tặng anh một bộ để anh tặng Bà Chánh Tòa của anh, chừng nào anh đã khiến ả ta trở nên xứng đáng để được mặc nó.

Sau khi đã chuẩn bị xong xuôi, lúc Victoire chăm chút những chi tiết khác, tôi đọc một chương trong Sopha, một Bức Thư của Héloïse và hai Truyện của La Fontaine, để ghi nhớ những giọng điệu khác nhau mà tôi muốn sử dụng. Trong khi ấy Chàng Hiệp Sĩ của tôi tới cửa, với dáng vẻ vội vã cố hữu của chàng. Anh Gác Cửa từ chối không cho chàng vào, báo cho chàng biết là tôi đang ốm: sự cố đầu tiên. Cùng lúc đó anh gác cửa trao cho chàng một bức thư từ tôi, nhưng không viết bằng nét chữ của tôi, theo đúng quy tắc thận trọng lâu nay tôi vẫn áp dụng. Chàng mở nó ra và đọc được những dòng do Victoire viết: “Hẹn đúng chín giờ, trên Đại Lộ, trước dãy Quán Cà Phê.” Chàng đến đó; và tại đó, một Gã Hầu nhỏ thó mà chàng chưa gặp bao giờ, ít nhất thì chàng cứ tưởng mình chưa gặp bởi đó vẫn là Victoire, tới thông báo với chàng là phải bảo xe chàng về rồi đi theo anh ta. Toàn bộ chuyến đi lãng mạn này khiến tinh thần chàng rộn lên, và tinh thần rộn ràng thì chẳng có gì là tai hại cả. Cuối cùng chàng cũng tới nơi, rồi thì niềm kinh ngạc và tình yêu đã thực sự mê hoặc chàng. Để chàng có thời gian hồi tâm, tôi rủ chàng đi dạo một vòng trong khoảnh rừng nhỏ; rồi tôi dẫn chàng về nhà. Trước hết chàng nhìn thấy trên bàn hai bộ đồ ăn sắp sẵn; tiếp đến là một cái giường đã trải. Chúng tôi vào phòng riêng trang trí mỹ lệ. Ở đấy, nửa vì suy tính, nửa vì tình cảm, tôi choàng tay ôm lấy người chàng và buông mình quỳ xuống chân chàng. “Ôi bạn ơi! tôi bảo chàng, vì muốn mang lại cho anh niềm kinh ngạc của giây phút này, em tự trách mình đã làm anh phải khổ vì tỏ ra bực bội với anh; vì trong một phút giây đã có thể phong kín trái tim mình lại trước cái nhìn của anh. Anh hãy tha thứ cho những lầm lạc của em: em muốn được chuộc lại chúng bằng sức mạnh của tình yêu.” Anh cứ tự đi mà đánh giá hiệu quả của lời thổ lộ tình cảm này nhé. Chàng Hiệp Sĩ sung sướng đỡ tôi đứng dậy, và sự tha thứ của tôi đã được đóng dấu chứng nhận trên cái giường ấy, chính cái giường anh và tôi cũng từng vui vẻ đóng dấu, rồi cũng vui vẻ mà đóng dấu luôn sự đoạn tuyệt vĩnh viễn của chúng ta.

Vì chúng tôi có tới sáu tiếng bên nhau, và bởi tôi đã quyết toàn bộ thời gian ấy với chàng đều phải thật ngọt ngào, tôi đã kiềm chế sự hớn hở của chàng, dùng đỏng đảnh khả ái thay thế cho sự dịu dàng. Tôi không nghĩ đã từng bao giờ mình chăm chút đến thế để làm người khác ưa thích, cũng như đã từng bao giờ mình hài lòng với bản thân đến vậy chưa. Sau bữa đêm, hết trẻ con rồi lại đầy suy tính, hết điên rồ lại nhạy cảm, thậm chí đôi khi còn phóng đãng, tôi thích thú coi chàng như một vị Sultan trong Cung Điện của mình, ở đó tôi lần lượt là những Ái Phi khác nhau. Quả thật, những động thái xưng tụng liên tiếp của chàng, mặc dù lúc nào cũng rơi vào chỉ một người đàn bà, mỗi lần lại được đón nhận bởi một Tình Nương mới.

Rốt cuộc khi bình minh lên, chúng tôi phải chia tay nhau; và, mặc cho chàng nói gì, thậm chí mặc cho chàng làm gì để chứng tỏ điều ngược lại, chàng đã cần sự chia tay lắm rồi, ham muốn thì tụt xuống chỉ còn tí xíu thôi. Lúc chúng tôi đi ra và để từ biệt lần cuối, tôi cầm lấy chìa khóa động hoan lạc đặt vào tay chàng: “Em chỉ có nó là để cho anh, tôi bảo chàng; chỉ anh là chủ của nó mà thôi: Người Dâng Hiến mới được giữ Ngôi Đền.” Chính nhờ cái mẹo ấy mà tôi chặn trước được những suy nghĩ có thể nảy sinh ở chàng về việc sở hữu một ngôi nhà nhỏ, một sự sở hữu thật là khả nghi. Tôi biết rõ chàng, đủ để chắc chắn rằng chàng chỉ dùng nó khi có tôi; và nếu ở tôi xuất hiện cái ý muốn bất chợt là đến đó mà không có chàng, thì tôi vẫn còn chìa khóa dự phòng. Chàng cứ nhất định đòi hẹn ngày để quay lại nơi đó; nhưng tôi còn rất yêu chàng, đến nỗi không muốn vắt kiệt chàng mau đến vậy. Chỉ được tự cho phép mình quá đà với những người mà ta muốn mau chóng từ bỏ. Chàng thì không biết điều đó; nhưng, vì hạnh phúc của chàng, mình tôi biết là đủ cho cả hai chúng tôi.

Tôi nhận ra là đã ba giờ sáng mất rồi, và tôi đã viết cả một xấp thư dày, thế mà ban đầu tôi định chỉ viết vài dòng thôi đấy. Đây chính là chỗ khả ái của tình bạn tâm giao: chính nó khiến cho lúc nào anh cũng là người tôi yêu quý nhất, nhưng, trên thực tế, tôi thích Hiệp Sĩ hơn nhiều.


Từ… 12 tháng Tám 17**


Xung quanh tác phẩm:

No comments:

Post a Comment