Feb 11, 2018

Một người lãng mạn

Trước tiên, xem ở kia.

Không gì hấp dẫn hơn là xem sự ngu của con người: đó là điều mà Flaubert đã làm. Nhưng vẫn có thể đẩy lên hơn: không gì hấp dẫn hơn là xem sự ngu của những con người hiểu biết. Thời của chúng ta là thời như thế nào? là thời của những biểu nghĩa lộn ngược. Bọn không viết đúng được tên "Nietzsche" thì sẽ suốt ngày trầm ngâm nhắc đến Nít, các nhà đạo mạo đến cả trong những trò hủi sẽ liên mồm "công chính" và "chơi đẹp", các sư đoàn Nhạc Bất Quần thì ra rả "danh môn chính phái", đám bựa thì bựa cho nó giống người trí tuệ nhưng lại chính qua đó thể hiện chẳng giống mấy: đâu phải ai cũng trở thành Diogène được, và còn thêm một đám ếch ộp thượng lưu, cái gì cũng thượng niu thượng niu: thượng niu kêu miu miu.

Tôi nghĩ Heinrich Heine sẽ đồng ý với tôi.

Như từng nói, chắc phải hơn một lần, "lý thuyết văn học" đối với tôi hoàn toàn không phải ngồi liệt kê người này và người kia, ai thuộc trường phái nào, người nào nói gì, Lotman thì I la mã 2 Ả rập A hoa b nhỏ. Không, lý thuyết không phải là như vậy. Lý thuyết là một bình diện, là một nơi từ đó ta có một phối cảnh đặc thù để nhìn vào một khối vừa đồng nhất vừa không đồng chất - cái khối ấy là văn chương. Tôi nhớ đến Henri Bergson, khi bình luận một cuốn sách của Paul Janet, Bergson nói đến ảo tưởng của triết gia tưởng rằng triết học thì đồng nghĩa với có phần này, phần kia, rồi lại phần nọ và thêm phần khác nữa, và cứ đi hết những cái đó thì tức là triết lý: không, đó không phải là triết học, đó là rác.

Làm thế nào để lý thuyết hóa lịch sử, tức là đưa lịch sử đi vào pha lý thuyết? (tôi không nghĩ lịch sử và lý thuyết xa nhau như người ta vẫn hay tưởng) Heinrich Heine mang tới một gợi ý tuyệt vời về riêng khía cạnh này.

Dưới đây sẽ là một số trích đoạn từ Thú nhận của Heine, viết khi đã sang Pháp sống từ lâu (một thời gian ngắn sau đó, Heine sẽ qua đời). Những "lời chứng" của Heine sẽ cho thấy một điều tưởng chừng hết sức bình thường, một nhà lãng mạn thì nghĩa là như thế nào. Nhưng nếu đọc Heine bằng một con mắt hơi khác đi, sẽ thấy những gì Heine nó những tầng ý nghĩa rất khác; đấy chính là bởi vì, dẫu chỉ một phần, và tất nhiên hoàn toàn không chủ ý, Heine đã dễ dàng đi vào pha của lý thuyết, nhập vào nhịp của nó.


nhân tiện: đã tiếp tục Cô gái mắt vàng: đoạn mở đầu ấy là một kiệt tác đích thực




Thú nhận
Viết trong mùa đông 1854


Tựa


Tôi đã viết những trang sau đây để đưa vào một ấn bản mới của cuốn sách Về nước Đức [tức De l’Allemagne, một cuốn sách rất lớn của Heine; chúng ta sẽ sớm đến với nó] của tôi. Vì cho rằng nội dung của chúng hẳn sẽ khiến đồng bào tôi quan tâm, tôi cũng cho in các Thú nhận này bằng tiếng Đức, trước cả khi ấn bản tiếng Pháp được in. Sự cẩn trọng đó tôi buộc phải làm vì sợ những người có ngón tay khéo léo gọi là các dịch giả, những kẻ, ngay khi tôi vừa thông báo trên báo chí Đức về việc xuất bản một tác phẩm mới [cụ thể hơn: Heine cho đăng Dieux en exil trên tờ Revue des Deux Mondes ngày 1 tháng Tư năm 1853; Heine cũng cho đăng thông báo trên Deutsche allgemeine Zeitung là tờ Blätter für literarische Unterhaltung sẽ đăng bản tiếng Đức của tác phẩm đó, do chính Heine dịch], đã cả gan túm lấy phần đầu cuốn sách của tôi đăng bằng tiếng Pháp trên một tờ tạp chí Paris, rồi biến nó, riêng lẻ, thành một cuốn sách mỏng bằng tiếng Đức [cuốn sách được in tại Berlin, nhà xuất bản Gustav Hempel, dưới nhan đề Die verbannten Götter von Heinrich Heine. Aus dem Französischen. Nebst Mitteilungen über den kranken Dichter; đó là trước khi Heine kịp cho in bản của mình, Die Götter im Elend], như thế không chỉ gây tổn hại cho danh tiếng văn chương của tác giả mà còn làm sụt giảm tài sản của anh ta. Bọn vô lại này còn đáng khinh hơn cả tên cướp đường, hắn thì còn can đảm phơi bày cho những mạo hiểm giá treo cổ, còn lũ người kia, với sự yên ổn của bọn hèn nhát mặc sức khai thác những lỗ hổng trong luật định về báo chí của chúng ta, lại có thể lột mất từ tác giả khốn khổ một món nhỏ nhoi đến thế và khó kiếm đến thế, chẳng hề bị trừng trị. Tôi sẽ không dài dòng về trường hợp đặc biệt nêu lên ở đây; sự bất lương, tôi xin thú nhận, đã chẳng làm tôi ngạc nhiên cho lắm: từng nhiều lần tôi có kinh nghiệm đáng buồn với nó rồi, và lòng tin, hay tín ngưỡng cũ kỹ mà có hồi tôi đặt vào sự trung thực Đức đã dính không ít đạn chì vào cánh. Tôi sẽ không che giấu rằng tôi vẫn hay trở thành, trong kỳ lưu trú tại Pháp, nạn nhân của cái tín ngưỡng mê tín ấy. Thật là lạ, trong số bọn lừa đảo mà tôi từng gặp, hỡi ôi, để mà chịu thiệt, mới chỉ có độc một người Pháp, thêm nữa tên lừa đảo đó lại có gốc gác từ một trong những lãnh thổ Đức trước đây bị cướp mất khỏi Đế Chế Đức và ngày nay những người ái quốc của chúng tôi đang đòi lại. Nếu tôi phải, như một Leporello [nhân vật nhạc kịch của Mozart] nhà dân tộc chí, lập ra một danh sách có kèm tranh minh họa đám bất lương đã lần lượt nẫng túi của tôi, thì chắc chắn mọi đất nước văn minh đều sẽ có nhiều đại diện, nhưng vòng nguyệt quế hẳn sẽ được trao cho tổ quốc của tôi, trong địa hạt này nó nổi bật theo một cách thức khó tin nổi, và hẳn tôi có thể biến điều này thành một bài hát mà điệp khúc sẽ như sau:

Mais en Allemagne mille et trois! [tiếp tục dẫn chiếu đến Don Giovanni của Mozart: chế từ câu “Ma in Ispagna son gia mille e tre]

Những tên bất lương Đức được đặc trưng hóa bằng một tính cách đậm đặc tình cảm, thứ vốn dĩ đã dính chặt lên da thịt bọn chúng. Đó hoàn toàn không phải lũ khốn với cái đầu lạnh, mà là đám cặn bã rất nhạy cảm. Bọn chúng có trái tim, bọn chúng cảm thông ở mức độ mạnh mẽ nhất với số phận những người bị chúng lột túi, bọn chúng bám chặt lấy vạt áo chúng ta. Các hiệp sĩ xuất chúng trong công nghiệp của chúng tôi chẳng hề là đám người ích kỷ thuần túy đi ăn cắp cho chính bọn họ, bọn họ chỉ khát khao vươn tới Mammon xấu xa nhằm làm điều thiện; vào những giờ khắc thư nhàn, khi công việc làm ăn của bọn họ, chẳng hạn như điều hành Công ty chiếu sáng bằng khí đốt các khu rừng Bohême, vẫn còn để lại cho bọn họ chút rảnh rang, thì bọn họ bảo trợ các nghệ sĩ piano và nhà báo, và bên dưới áo gi-lê thêu đủ mọi màu cầu vồng óng ánh của bọn họ, một số có trái tim, và trái tim ấy bị mọi nỗi khổ đau cõi đời cắn rứt. Nhà công nghiệp từng in thành sách tác phẩm được nhắc tới ở trên trong một thứ gọi là bản dịch, đã cho đính kèm theo đó một ghi chú về tôi, trong đó ông ta đau đớn than thở cho tình trạng sức khỏe đáng buồn của tôi và, thông qua góp nhặt đủ mọi loại bài báo, cung cấp những tin tức gây nhiều cảm động nhất về khía cạnh thảm hại hiện thời của tôi, thành thử ở trong đó tôi bị miêu tả từ chân lên đến đầu và một người bạn của tôi, vốn dĩ rất trí tuệ, sau khi đọc cái thứ đó đã cảm thán: Đúng thật, chúng ta đang sống trong một thế giới lộn ngược, bây giờ thì chính kẻ cắp lại đi đăng thông báo tìm con người trung thực mà hắn đã lột đồ.

Viết tại Paris, tháng Ba năm 1854


Một người Pháp nhiều trí tuệ - mới cách đây vài năm thôi, nói như vậy hẳn sẽ gây ra trùng ngữ - từng có hôm định nghĩa tôi là một romantique défroqué [một thầy tu nếu hoàn tục thì gọi là “défroqué”, bỏ áo chùng, rời đạo về với đời; ở đây, từng có nhà phê bình dùng cụm từ này để nói Heinrich Heine tương tự, trong địa hạt “lãng mạn”]. Tôi thì vốn dĩ rất yêu quý mọi hình thức của trí tuệ, và dẫu câu nói có thể chứa đựng ác tâm tới mức nào, nó vẫn khiến tôi cảm thấy hết sức thư thái. Nó đúng. Mặc cho các cuộc thập tự chinh tàn hại mà tôi từng thực hiện chống lại chủ nghĩa lãng mạn, tôi vẫn cứ là một nhà lãng mạn, và tôi là lãng mạn ở một mức độ còn cao hơn bản thân tôi có thể hình dung. Sau khi đâm những nhát chết người vào sở thích thơ ca lãng mạn ở Đức, tôi đã cảm thấy len lỏi vào trong tôi một niềm hoài nhớ vô tận đối với bông hoa xanh [a, đây là ám chỉ Novalis; xem thêm ở kia] mọc lên ở miền đất của giấc mơ lãng mạn, và tôi đã nâng cây đàn lia cổ xưa nhiệm mầu lên, cất một khúc ca trong đó tôi gieo mình vào các yêu kiều quá đà nhất, vào những ánh trăng ngất ngây nhất, vào những con sơn ca phấn hứng cao độ nhất và điên nhất, vào cái phong cách mà trước kia người ta từng yêu quý vô cùng. Tôi biết đó là “khúc ca rừng thẳm tự do cuối cùng của chủ nghĩa lãng mạn” [Heine đang tự trích dẫn mình] và tôi là nhà thơ cuối cùng của nó: cùng tôi biến mất đi trường phái cũ của Đức về thơ trữ tình và cùng lúc tôi đã khánh thành trường phái mới, thơ trữ tình Đức hiện đại. Người Đức rồi sẽ gắn cho tôi biểu nghĩa nhân đôi này trong lịch sử văn chương. Tôi thấy thật không thoải mái nếu nói quá nhiều về điều này, nhưng tôi hoàn toàn có thể nói rằng tôi xứng đáng được nêu tên rất nhiều trong lịch sử chủ nghĩa lãng mạn Đức. Ở tư cách ấy, trong cuốn sách Về nước Đức của tôi, nơi tôi đã gắng sức viết một lịch sử thật đầy đủ về trường phái lãng mạn đó, lẽ ra tôi đã phải viết riêng một nghiên cứu về chính tôi. Vì đã không làm việc này, tôi đã để lại trong cuốn sách một lỗ hổng mà tôi chẳng biết làm cách nào để sửa chữa. Viết một chuyên khảo về bản thân mình chắc hẳn phải là một công trình đầy rẫy cạm bẫy, một công việc bất khả. Hẳn tôi sẽ trở thành một kẻ phô trương và một kẻ hỗn hào nếu có ý định nêu bật lên những gì tôi thấy là tốt đẹp ở tôi, và một thằng điên đích thị nếu bày ra trước mắt tất cả mọi người những khiếm khuyết mà tôi có thể ý thức được - và rồi, với lòng tin tốt đẹp nhất, thành thực nhất trên đời, không ai có thể nói sự thật về bản thân hết. Cho đến giờ phút này chẳng ai làm được, cả thánh Augustin, giám mục ngoan đạo Hippone, lẫn đến cả con người Genève Jean-Jacques Rousseau, ông ta thì còn kém hơn hẳn so với những người khác, ông ta cứ hay tự nói mình là người của sự thật và tự nhiên thế nhưng, xét cho cùng, lại còn đạo đức giả và hay vờ vịt hơn cả những người đương thời.

[bỏ một đoạn trong đó Heine mạt sát không thương tiếc “Jean-Jacques”]

[Ô]ng vua của tộc người Ashantee, về họ gần đây tôi đã đọc được nhiều điều rất giải trí trong một du ký sang châu Phi, [rất thành thực], và ở đây tôi sẽ chép lại câu nói đầy ngây thơ của ông hoàng da đen, cái câu tóm tắt theo đường lối hết sức buồn cười [sự yếu đuối của con người]. Khi thiếu tá Bowdich, được viên thủ hiến Anh ở mũi Hảo Vọng phái, với tư cách tổng trú sứ, tới triều đình của vị quân vương hùng mạnh của miền Nam Phi ấy, với mục đích thu phục nhân tâm trong số triều thần, và nhất là các quý bà của triều đình, mà một số, mặc dù nước da đen, đẹp tuyệt vời, ông ta bắt đầu vẽ chân dung họ. Nhà vua, ngưỡng mộ những bức tranh vì trông rất giống, cũng muốn được vẽ; được vài buổi ông ngồi làm mẫu thì họa sĩ bắt đầu để ý thấy trên mặt nhà vua, nhiều lần rời chỗ ngồi đi ra xem tiến triển của bức tranh, một sự náo động nhất định cùng các vẻ lúng túng của một người đang hết sức muốn trình bày một ham muốn nhưng không biết phải nói thế nào. - Họa sĩ cầu khẩn Bệ Hạ để ngài hạ cố nói với ông ta là ngài muốn gì mà bồn chồn đến thế, cuối cùng ông vua da đen khốn khổ ngượng ngùng rụt rè hỏi có thể vẽ mình da trắng hay không.

Đấy, vậy đấy. Ông vua da đen muốn được vẽ thành người da trắng. Nhưng ta đừng cười cợt con người Phi châu tội nghiệp - tất tật chúng ta đều là các ông vua da đen, và ai trong số chúng ta hẳn cũng muốn hiện ra trước công chúng trong một màu khác chứ không phải thứ màu mà định mệnh đã bôi lên mặt chúng ta. Nhờ Chúa, tôi hiểu được những điều ấy và tôi sẽ hết sức tránh, trong cuốn sách này, bày ra chân dung chính tôi. Ngược lại, tôi sẽ tìm cách, nơi những trang tiếp theo đây, bù trừ cái khiếm khuyết phát sinh từ bức chân dung bị thiếu kia và tôi sẽ có nhiều cơ hội bày ra con người tôi dưới những khía cạnh hết sức gây tranh cãi. Quả thật tôi tự đề xuất miêu tả ở đây, lúc đã xong xuôi rồi, sự sinh ra của tác phẩm và những biến tấu triết học cũng như tôn giáo, chúng, kể từ khi được viết, đã hình thành trong tâm trí tác giả, nhằm tới một sự khuyến thiện hữu ích đối với độc giả ấn bản mới này của cuốn sách Về nước Đức.

Không cần phải lo, tôi sẽ không tự vẽ tôi quá trắng, cũng sẽ không bôi đen quá nhiều đồng loại của tôi. Tôi sẽ luôn luôn chỉ rõ một cách trung thành màu của tôi, để người ta biết toàn bộ sự tin cậy mà họ có thể trao cho đánh giá của tôi những lúc tôi nói tới những người mang màu khác.

Tôi đã đặt cho cuốn sách của tôi cùng nhan đề với cuốn sách của Madame de Staël, tác phẩm lừng danh xử lý cùng một chủ đề, và làm như vậy là với mục đích tranh luận.

[bỏ một đoạn: cuốn sách De l’Allemagne (tên cuốn sách của Heine giống y hệt, như trên vừa nói) vô cùng nổi tiếng của Madame de Staël là đối tượng cho những công kích và chế nhạo rất lâu dài của Heine]

A, phụ nữ! Chúng ta cần phải tha thứ cho họ rất nhiều, bởi họ yêu rất nhiều, rất nhiều cả về số lượng nữa [hề hề]. Lòng căm hận của họ thật ra chỉ là một tình yêu đã quay lưng đi [chỗ này, Heine đang phát biểu một chân lý: ở phụ nữ, sự căm hận chính là tình yêu; Kim Dung đại nhân và “hận Kiều Phong” etc.]. Cũng đôi khi, họ tìm cách gây hại cho chúng ta vì họ nghĩ làm như vậy đồng nghĩa với việc mang tới một bằng chứng về tình yêu cho một người đàn ông khác [hề hề]. Những khi họ viết, một mắt họ nhìn xuống giấy còn mắt kia thì nhìn một người đàn ông, và điều này là đúng với tất tật tác giả nữ, chỉ trừ độc có nữ bá tước Hahn-Hahn là người chỉ có một mắt [hê hê hê; nhân vật được nhắc đến ở đây là Ida von Hahn-Hahn]. Còn chúng ta, những đàn ông viết, chúng ta cũng có đầy định kiến trong các cảm tình riêng, và chúng ta viết để ủng hộ hoặc chống lại một lý tưởng, ủng hộ hay chống lại một tư tưởng, ủng hộ hay chống lại một đảng; phụ nữ thì lúc nào cũng viết để ủng hộ hoặc chống lại một người đàn ông duy nhất [khục khục: đừng bao giờ ngủ với nữ văn sĩ, thế nào rồi cũng sẽ trở thành phản diện trong một câu chuyện nào đó của họ, họ sẽ bảo ta là kẻ bạo dâm hoặc ngược lại, bị bất lực]. Hết sức đặc trưng ở họ là một sự “quàng quạc” nhất định, rồi chia bè kết phái, mà họ đưa vào tận trong văn chương, thứ mà tôi còn ghét hơn so với sự vu khống thô thiển và đầy cuồng nộ của đám đàn ông. Đàn ông chúng ta thảng hoặc nói dối. Còn phụ nữ, cũng như mọi bản tính thụ động, hiếm khi nào đủ khả năng tạo ra cái gì [cf. Schopenhauer]; ngược lại, họ biết rất rõ làm thế nào để bóp méo các sự kiện, thành thử thông qua phương tiện ấy họ có thể gây hại cho chúng ta một cách chắc chắn hơn nhiều so với dối trá thuần túy và đơn giản [trời ơi, sao lại có thể nói đúng được đến thế]. Trên thực tế tôi tin rằng bạn Balzac của tôi đã đúng khi một ngày nọ ông vừa thở dài vừa nói với tôi: “Phụ nữ là một cái thứ nguy hiểm.

Đúng, phụ nữ thì nguy hiểm; nhưng tôi phải nói thêm một điều nữa, rằng phụ nữ đẹp thì không nguy hiểm bằng các phụ nữ nơi những lợi thế ngả về phía trí năng nhiều hơn là hình thể [lại càng chuẩn xác hơn nữa]. Bởi phụ nữ đẹp thì quen với việc đàn ông tán tỉnh họ trong khi những người kia thì toàn sấn tới trước lòng tự ái của đàn ông và, dùng lời phỉnh nịnh để câu họ, giành được từ họ nhiều mối gắn bó hơn so với các phụ nữ đẹp. Còn xa tôi mới có ý định lén lút nói rằng Madame de Staël xấu; nhưng một người đẹp là chuyện hoàn toàn khác. [bỏ một ít] Xấu ư, bà không hề xấu - mà làm gì có phụ nữ xấu - tuy vậy cũng vẫn cần nói, để cho đúng đắn: nếu giai nhân Hélène của Sparte giống bà, cuộc chiến tranh Troie hẳn đã không xảy ra, cung điện của Priam hẳn đã không bốc cháy, và Homère chắc đã chẳng bao giờ hát lời ngợi ca cơn giận của Achille.

[bỏ một đoạn]

Tôi sinh ra, vào năm cuối của thế kỷ trước [Heine và Balzac bằng tuổi nhau: một điểm rất quan trọng], tại Düsseldorf, thủ đô của công quốc Berg, hồi ấy nó thuộc về các ông hoàng tuyển hầu Palatinat [đại khái là quanh sông Rhin]. Khi Palatinat rơi vào tay nhà de Bavière và hoàng thân de Bavière, Maximilien Joseph, được Hoàng Đế phong làm vua Bavière rồi thì vương quốc của ông tăng thêm nhờ một phần Tyrol và các lãnh thổ lân cận khác, vua Bavière bèn từ bỏ công quốc Berg, trao nó cho em rể của Hoàng Đế, Joachim Murat [thống chế Murat lấy Caroline Bonaparte, em gái của Napoléon]; và Murat, cộng thêm vài tỉnh xung quanh được gộp vào cho công quốc, nhận tước vị đại công tước de Berg. Nhưng hồi ấy, người ta tiến thân rất nhanh, và trước cả khi nhiều thời gian kịp trôi qua, Hoàng Đế trao cho em rể Murat của ông tước vua Naples, thành ra Murat bỏ lại ngai ở đại công quốc Berg cho hoàng thân Napoléon Louis, một người cháu của Hoàng Đế [cháu gọi Napoléon là bác] và là con trai cả của vua Ludwig de Hollande và của hoàng hậu Hortense xinh đẹp. Vì ông ta chưa bao giờ thoái vị, và vì vương thổ của ông ta, sau đó bị quân Phổ chiếm đóng, khi ông ta chết phải, de jure, quay về tay con trai của vua Hollande, hoàng thân Louis Napoléon Bonaparte, người em, giờ đây cũng là hoàng đế của người Pháp, như vậy cũng là vị quân vương hợp thức của tôi [Napoléon Đệ tam là em trai của hoàng thân Napoléon Louis đã nói ở trên].

Tôi kể ở chỗ khác, trong Hồi ký của tôi, và dài hơn so với tôi có thể nói tại đây, bằng cách nào mà, sau cuộc cách mạng tháng Bảy [1830], tôi sang Paris, nơi kể từ đó tôi sống yên bình và hài lòng. Những gì tôi đã làm và đã trải qua dưới thời Trung hưng cũng sẽ được kể khi tới lúc, ở đó ý đồ vô lợi ích của một sự thuật chuyện như vậy sẽ không hề bị ai nghi ngờ hay ngại ngần. - Tôi đã làm nhiều điều và chịu nhiều đau khổ, và vào lúc phía trên nước Pháp mặt trời của cuộc cách mạng tháng Bảy mọc lên, tôi vẫn còn cảm thấy những cơn mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi một chút. Cần phải nói rằng không khí của tổ quốc tôi mỗi ngày lại thêm độc hại thêm đối với tôi và tôi đã phải nghiêm túc nghĩ đến chuyện đổi khí hậu. Tôi đã có các thị kiến; những đám mây làm tôi khiếp sợ bởi đủ mọi loại nhăn nhó xấu xa mà chúng bày ra với tôi. Thậm chí đôi khi tôi còn nghĩ là tôi nhìn thấy trong mặt trời một cây cờ hiệu của Phổ; ban đêm, tôi hay mơ thấy một con kền kền gớm ghiếc màu đen, nó ăn gan tôi và tôi rơi vào cơn sầu muộn. Ngoài đó ra, tôi đã làm quen với một ông già người Berlin [Heine đặc biệt căm ghét Berlin, nhất là ngôn ngữ của nó], cố vấn tòa án, từng ở nhiều năm đằng đẵng tại pháo đài Spandau, ông kể cho tôi mang cùm thì khó chịu đến thế nào vào mùa đông. Quả thật tôi thấy thật kém tính cách Ki-tô khi từ chối không sưởi ấm chút đỉnh cùm đeo cho người ta. Nếu người ta sưởi ấm chút đỉnh xiềng xích của chúng tôi, chắc chẳng ai còn giữ cảm giác khó chịu tới mức ấy, và hẳn chúng sẽ được dung thứ bởi các bản tính sợ rét nhất; hẳn người ta cũng nên cẩn thận mà tẩm hương cho xiềng xích bằng tinh dầu hoa hồng và nguyệt quế như ở đây vẫn hay làm. Tôi bèn hỏi ông cố vấn tòa án của tôi xem ở Spandau hay có hàu không. Ông đáp là không, Spandau quá xa biển. Thịt nữa, ông nói, cũng hiếm nốt, tại đó chẳng nhìn thấy loài gia cầm nào khác ngoài ruồi, chúng rơi vào bát xúp của ta. Cùng quãng thời gian ấy, tôi còn làm quen với một commis voyageur [dạng người chào hàng lưu động, rất phổ biến thời ấy; Balzac viết hẳn hai tác phẩm về nhân vật Gaudissart làm nghề này] người Pháp đang du hành để phục vụ cho một hãng rượu vang và chưa bao giờ có lời lẽ đủ mức ca ngợi để miêu tả cuộc sống vui tươi mà người ta có bên Paris, nơi bầu trời vang vang tiếng đàn violon, nơi người ta hát La Marseillaise từ sáng chí tối và En avant, marchons rồi thì Lafayette aux cheveux blancs, và nơi Tự Do, Bình Đẳng và Bác Ái được viết ở mọi góc phố; ông ta cũng đồng thời tán dương rượu sâm banh của hãng ông nữa, mà ông ta đưa tôi cả đống quảng cáo, và hứa sẽ viết đưa tôi các bức thư giới thiệu cho những tiệm ăn Paridiêng ngon nhất, phòng khi tôi muốn ghé thăm thủ đô để giải trí. Vì quả thật tôi thực sự cần giải trí, mà Spandau thì quá xa biển nên không ăn được hàu, rồi thì mấy món thịt gia cầm theo mốt của Spandau không hấp dẫn tôi cho lắm, thêm nữa xiềng xích Phổ rất lạnh vào mùa đông và có thể gây hại cho sức khỏe của tôi, tôi bèn quyết định đi Paris và, nơi tổ quốc của rượu sâm banh cùng bài hát La Marseillaise, uống thứ đầu tiên và nghe hát thứ sau đó, cũng như En avant, marchonsLafayette aux cheveux blancs.

Ngày 1 tháng Năm năm 1831, tôi đi qua sông Rhin. Tôi chẳng buồn nhìn dòng sông thần thánh cổ xưa, cha già Rhin, mà chỉ ném xuống dòng nước của nó danh thiếp của tôi. Nó đã chui tận xuống rất sâu, đấy là người ta nói với tôi như vậy, và bắt tay học lại văn phạm tiếng Pháp theo phương pháp Meidinger; mà đúng, nó đã không tiến bộ nhiều lắm về khoản tiếng Pháp dưới kỳ thống trị của Phổ và giờ đây muốn lại học tập, cho các mục đích hữu dụng. Tôi tưởng tôi nghe thấy nó, phía bên dưới, đang học chia động từ: j’aime, tu aimes, il aime, nous aimons - Nhưng nó yêu gì [động từ “aimer” nghĩa là “yêu”]? Dẫu có thế nào, thì cũng không phải tụi Phổ. Tôi chỉ nhìn thấy xa xa vương cung thánh đường Strasbourg [nhà thờ Strasbourg cao nhất châu Âu thời ấy]; tòa công trình gật đầu giống như Eckart trung thành, hiệp sĩ cổ xưa, khi thấy một công tử trẻ trai đang trên đường đi đến núi Vénus.

Ở Saint-Denis [tức là cửa ngõ thành phố Paris], thức dậy vào buổi sáng từ một giấc ngủ dịu êm, tôi nghe thấy, lần đầu tiên, tiếng kêu của những người đánh xe coucou [loại xe hoạt động phổ biến ở vùng ven Paris; Balzac viết một cuốn tiểu thuyết đáng ngưỡng mộ về xe coucou: Một đoạn đầu đời]: Paris! Paris! cũng như tiếng lục lạc của những người bán coco [tức là dừa, nhưng vì ở trên có “coucou” nên ở đây giữ nguyên “coco”; có ai còn nhớ truyện ngắn tuyệt đỉnh của Maupassant về một người bán dừa ngoài phố không?]. Tại nơi này ta đã ngửi thấy không khí của thủ đô, mà ta thấy ở xa kia về phía chân trời.


(còn nữa)



Heinrich Heine:

Về nước Pháp



đọc lý thuyết:

Gaston Bachelard: Nước và các giấc mơ
Hugo Friedrich: Cấu trúc thơ hiện đại
Gaston Bachelard: Không khí và mộng
Roger Caillois về Montesquieu
Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal

Thơ Mới: cấu trúc
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nghiên cứu văn học: con đường lý thuyết

Nhìn lại lý thuyết

10 comments:

  1. Vì đường link đầu tiên là "Một ngày 19 tháng giêng" nên nhóm luôn link "Một cô gái" vào(http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/06/tro-ve-co-ien-mot-co-gai.html).
    Vậy là chúng ta sẽ có những entry bắt đầu bằng "Một" cho nó vui , hehe.

    ReplyDelete
  2. Bác cũng ngu lắm í. Thế quái nào mà bio thì vừa ngon lành cành đào, vừa mang hương thơm của kinh đô ánh sáng sang trọng thượng nưu, mặt mũi dáng vẻ thì ăn đứt các kiểu bủi, bánh đa, vai u thịt bắp, tằng phát,... lại không kiếm nổi một “muse” sing gờ, ác chít (hoặc tệ cũng hót gơ xì tin dâu gái phố cổ) đầy giẫy Hà thành để lên báo Đẹp mục Lifestyle, hay Đàn ông TTVH features các kiểu múa may cách yêu và được yêu ;p
    (Giao thừa, cúng vái, nhâm nhi xong xuôi, chả còn gì để làm, vào chọc giận bác cho dễ ngủ hớ hớ)

    ReplyDelete
  3. có vẻ Heinrich Heine khích động những người "rất nhiều trí tuệ" thử cố mà trở thành lãng mạn.

    ReplyDelete
  4. đấy là vì tự tin do không ai khác có thể vừa là lãng mạn cũ vừa là lãng mạn mới :p

    tiếp tục: Heine bắt đầu đoạn bình luận kinh điển về phụ nữ (nhất là phụ nữ xấu); đồng thời nhắc đến một người bạn Pháp đầy ý nghĩa, chính là Balzac

    ReplyDelete
  5. Ba cái văn tào lao

    ReplyDelete
  6. hà hà trong "Lửa và Hủi" có một câu cũng hiểm bảo Đàn bà chỉ là thằng người có cái lỗ giữa hai chân; thật là khục khục thô tục cái anh tác giả í. nhưng bất luận thế nào, thật kiêu hãnh đàn bà! khiến cho đến cả những đàn ông chói lọi nhất cũng phải dè chừng “Phụ nữ là một cái thứ nguy hiểm.”

    ReplyDelete
  7. ước một hôm nào thức dậy ở Saint-Denis, tạm xa mùi dầu cao sao vàng của cái cùm, mk

    ReplyDelete
  8. Thanks for finally talking about >"Một người lang mạn" <Loved it!

    ReplyDelete