Mar 19, 2013

Chuyện ở nông trại: Giới thiệu George Orwell


Trước một tác giả như George Orwell, chúng ta cần gì? Theo tôi, ngoài chuyện tìm hiểu Orwell một cách thực tâm và phóng khoáng, chuyện đương nhiên, còn cần so sự sáng suốt của bản thân mình với sự sáng suốt của ông ấy. Bởi Orwell là một trong những hiện thân lớn của sáng suốt.

Sự sáng suốt ấy, như bài giới thiệu cặn kẽ và bình tĩnh của dịch giả An Lý dưới đây, không phải một tài sản sẵn có, mà là một “chiến quả” từ những vật lộn trong cuộc sống, trong tinh thần, trong cả những niềm tin. Nó ở trong những tác phẩm văn chương của ông, tác phẩm báo chí của ông, trong cả những ý kiến “lẻ” như thế này: “Bất lợi lớn nhất trong số mọi bất lợi đổ lên phong trào cánh tả: làm tân binh giữa chính trường, phải xây đắp phong trào từ số không, nó buộc phải tạo ra công chúng bằng cách nói dối. Với một chính đảng cánh tả nắm quyền, đối thủ nặng ký nhất luôn là những tuyên truyền quá khứ của chính mình.” (17/4/1949)



George Orwell: Một bài giới thiệu rất dài và nhiều trích dẫn

An Lý



Giữa cái thế chiến quốc các trường phái tư tưởng, thẩm mỹ và các phe phái chính trị ở phương Tây hồi đầu thế kỷ 20, George Orwell thuộc về số có lẽ ít nhà văn mà, ba phần tư thế kỷ sau nhìn lại, người ta không phải hạ câu “dù sao thì ông/bà cũng chỉ là nhà văn, không phải nhà chính trị” dù với ý thể tất hay chê bai. Viết lách của Orwell là viết lách chính trị, có ý thức, không giả bộ và không cần biện hộ, từ bài viết đăng báo đầu tiên “La Censure en Angleterre” 1928 cho đến bài điểm sách cuốn hồi ký Churchill tám tháng trước khi mất. Nhưng đó là thứ chính trị , thì các quan điểm lại rất khác nhau: ông đã từng được/bị gọi là cấp tiến, cộng sản, chống cộng, xã hội chủ nghĩa, chống toàn trị, thiên tả, cực tả, dân tộc chủ nghĩa, phát xít, phản động, cơ hội, vô chính phủ… Hơn tám mươi năm quá trình đọc Orwell từ khi là một nhà văn/nhà báo chật vật khẳng định tên tuổi cho tới khi là bậc thần tượng trong các nhà trường Âu-Mỹ, và sau này, muộn hơn, qua các bản dịch đi vào đời sống văn học tư tưởng và lòng hâm mộ phi Âu-Mỹ, tiếp nhận về Orwell chưa bao giờ kết tinh thành một vài dòng bách khoa toàn thư yên ổn: thực tế là, mỗi người đọc (nghiêm túc) lại nhìn ra một Orwell riêng, và phần lớn đều do một mục đích chính trị/tư tưởng cụ thể, nhiều khi tạm thời nào đó: người ta bá vai Orwell chèo kéo vào đội ngũ của mình, mượn cái hơi tiếng có sẵn của ông, hoặc ngược lại, người ta dựng Orwell làm bù nhìn mà tấn công tất cả những gì người ta ghét, bất chấp đấy có phải Orwell thực sự hay không. Đến nỗi trong Orwelliana có hẳn một dòng về di sản và tiếp nhận1, và những công trình ra đời gần đây, khi những nơ ron chính trị đã bớt căng và nhu cầu tranh thủ danh tiếng những đại nhân quá khứ đã bớt nóng, hầu hết chỉ nhận xét khái quát ông là “phức tạp”, và tặng thêm danh hiệu “nhà văn bị hiểu lầm nhất thế kỷ” (cùng với “tác phẩm bị hiểu lầm nhất” - 1984).

Nguyên do, chủ yếu, có lẽ chính ở chỗ đó: Orwell trước hết là một nhà văn, và đọc một nhà văn không đảng phái có lẽ là việc không quen làm với hầu hết những người quen đọc sách chính trị: có quá nhiều băn khoăn, nhiều tự hỏi lòng, nhiều xem xét đa chiều, nhiều mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, giữa lý tưởng và thực tế trong viết lách của ông, nên một phần lớn những người hiềm thù hoặc ca tụng chẳng qua chỉ đang đẽo Orwell cho vừa cái nhãn mình muốn. Hai nữa, Orwell thực sự chú tâm theo dõi và cố gắng lý giải những biến cố chính trị, xã hội đang diễn tiến, nên tư duy và phản ứng của ông thay đổi tùy với thực trạng thời cuộc - một điều khiến ông thi thoảng nhận được gáo nước “hoạt đầu” hay “thoát ly” cả đương thời lẫn sau này. (Cũng vì thế, mỗi trích dẫn “Orwell nói”, “Orwell nghĩ” nhất thiết phải xem xét trong thời điểm và bối cảnh của phát ngôn đó.) Ba là, tác phẩm Orwell sẽ được hiểu rõ hơn (dù không nhất thiết) khi xem xét trong tổng thể: những giao thoa giữa các tiểu thuyết - bút ký - tiểu luận - bài báo, và sự phát triển theo thời gian xét trong phạm vi hẹp là sáu tiểu thuyết của ông, là đủ giải thích rất nhiều về quan niệm chính trị (cũng như văn học, và quan niệm sống nói chung) của Orwell.

Tuy vậy, ra ngoài nước Anh, Orwell được biết đến chủ yếu chỉ qua Animal Farm1984, hơn nữa chỉ biết đến gián tiếp: đối với hầu hết người đọc đại chúng, tên tuổi Orwell đi trước tác phẩm, và ngay cả khi có điều kiện tiếp xúc với tác phẩm, người đọc đã mang theo ấn tượng quy định sẵn bởi “không khí tiếp nhận” Orwell trong thời đại và xã hội mình, với tất cả những thiên vị và mục đích riêng hàm chứa trong đó. Hiểu Orwell trở thành không quan trọng bằng sử dụng Orwell; đấy cũng là một điều đáng buồn, và là một cử chỉ thiếu tôn trọng với con người cả đời chỉ cố gắng có một điều: viết thành thật.

Bài viết này giới thiệu sơ lược về Orwell cho những người muốn đi xa hơn ấn tượng ban đầu, tất nhiên có mang theo thiên kiến và hạn chế của người viết; nhưng có lẽ cũng là một điểm xuất phát tạm đủ.

*
*       *

George Orwell, khi ấy còn là Eric Arthur Blair, sinh năm 1903 ở Ấn Độ, nơi cha ông đã sống 28 năm làm quan chức quèn cho Sở nha phiến của Anh. Chủ nghĩa đế quốc Anh vẫn còn trong thời đại hoàng kim - Ấn Độ thuộc Anh đã ổn định, đường buôn bán thuốc phiện sang Trung Hoa đã hanh thông, phần chia ở châu Phi đã cắm xong dùi - nhưng cũng đã cảm thấy hơi thở của những đế quốc mới đang chen vai trên mặt đại dương: Đức, Mỹ, Nhật. Tuy thế Richard Blair cũng không thăng tiến được: ông bị thuyên chuyển luôn luôn, và người vợ, Ida, đưa các con trở về Anh sống khi Eric lên một. Mãi về sau này dấu ấn Anglo-Indian2 vẫn còn ở lại trong vô thức ông; cậu bé Eric hẳn đã cảm thấy mình ngoài lề xã hội từ thuở nhỏ.

Là con trai duy nhất giữa hai chị em gái, Eric được mẹ chăm sóc cả về sức khỏe thể chất (ông ốm yếu từ nhỏ) lẫn tinh thần: ông nhớ lại bài thơ đầu tiên viết hồi lên bốn hay năm tuổi, được mẹ chép hộ, “có lẽ là cọp từ ‘Tyger, tyger’ của Blake” (“Why I Write”, 1946). Lên tám, đến trường nội trú nhờ học bổng, Eric được dạy hai điều: rằng gia đình mình không có tiền, và rằng bộ óc là thứ duy nhất có thể cứu mình khỏi tương lai “chân bàn giấy 40£ một năm” (“Such, Such Were the Joys”, 1947). Ông giành học bổng vào trường tư Eton danh giá, nhưng sau đó Eric chán ghét cách giáo dục trong nhà trường và lơ là việc học: ông tốt nghiệp Eton với kết quả xoàng, và gia đình không đủ tiền cho ông vào đại học.

Đây là thời điểm ngã ba đường của rất nhiều nhân vật ở hoàn cảnh tương tự trong lịch sử đế quốc Anh: hoặc dấn thân vào phiêu lưu và làm nên từ hai bàn tay trắng nhờ trí tuệ/lòng quả cảm, hoặc tàn lụi dưới gánh nặng của lao lực đến cuối đời. Eric có vẻ đã đưa chân vào ngả đầu và trên đường trở thành một Frederick Wentworth, khi quyết định gia nhập Lực lượng cảnh sát thuộc địa Anh ở Miến Điện (khi ấy là một phần của Ấn Độ thuộc Anh) năm 19 tuổi. Trái lại, 5 năm ở Miến đã dập tắt những mơ mộng của ông về “phương Đông” đến cuối đời: “Với một công việc như thế này người ta chứng kiến được những bẩn thỉu của Đế quốc ở tầm gần.” (“Shooting an Elephant”, 1936)

Eric Blair trở về Anh quyết tâm sống bằng nghề văn. Những bài thơ ban đầu vụng về và cũ; người khuyên ông hãy chuyển sang văn xuôi, và hãy viết về những gì mình biết, là nhà thơ Ruth Pitter. Và ông quyết định làm như Jack London đã làm khi viết cuốn The People of the Abyss mà ông hâm mộ: hóa trang thâm nhập vào khu ổ chuột London. Xen kẽ với dạy học ở Southwold, Suffolk, nơi gia đình ông sống, là những đợt hạ phóng dài ngày: ông sống lẫn với dân vô gia cư ở London, ngủ ở công viên, ăn bánh mì phát không của chính phủ, ông tới Paris của Barbusse và Aragon, hòa cùng lớp người dưới đáy, rửa bát khổ sai trong các khách sạn nhà hàng, ông nhập cùng làn sóng nhặt hoa bia mùa hè ở Kent mười đến mười hai tiếng một ngày. Kết quả của giai đoạn này là rất nhiều trang nhật ký và cuốn sách đầu tiên được xuất bản Down and Out in Paris and London (1933). Muốn giấu tên tuổi gia đình khỏi quãng đời “dạt vòm” tả trong ký sự, Eric Blair chọn bút danh dựa theo tên con sông chảy qua Suffolk: George Orwell ra đời.

*
*       *

Cuốn sách nhỏ này đánh dấu quá trình tìm đường của Orwell giữa hai bờ.

Một mặt, ông làm được điều mà ít trí thức “dấn thân” làm được vào thời điểm đó: thực sự đi vào giữa lớp người cùng đinh xã hội, quan sát họ “ở tầm gần”. Sau Down and Out in Paris and London, cuốn phóng sự The Road to Wigan Pier (1937) lần nữa chứng tỏ sức mạnh của những trải nghiệm trực tiếp so với cấp tiến sa lông: hai tháng sống giữa những công nhân mỏ ở vùng công nghiệp Trung & Bắc nước Anh, theo họ bò vào hầm mỏ ngột ngạt, thống kê tình trạng thiếu nhà ở, mất vệ sinh (“bô tiểu chưa đổ để quên giữa buồng ở chính” - chương 4), suy dinh dưỡng, thất nghiệp… để cho ông giáp mặt với công việc vô hình, tuyệt đối cần thiết, nhưng bị coi nhẹ của người lao động chân tay, “chính vì những người thợ lấy mồ hôi tưới mỏ mà những kẻ trí thức siêu việt chúng ta mới còn được siêu việt” (chương 2)3. Bản thân đời sống của Orwell cũng không phải ngồi mát ăn bát vàng. Làm giáo khổ trường tư ở Southwold, hay giúp việc bán thời gian trong hiệu sách ở Hampstead, rồi làm phóng viên tự do cho nhiều báo chí khác nhau trong lúc chào mời sách khắp các nhà xuất bản, ông chưa bao giờ thoát khỏi cảm giác thúc bách về tiền bạc và tâm lý của kẻ nghèo. Đấy cũng là tâm lý chủ đạo của các nhân vật chính trong các tiểu thuyết trước chiến tranh, và các chương đời được ông mạnh tay khai thác trong các chương tiểu thuyết.

Nhưng mặt khác, Orwell vẫn cắm chắc ở vị trí một trí thức. Cấu trúc ba cuốn Down and Out, Wigan Pier, Catalonia đều phản ánh rõ điều này: xen kẽ với các chương tự sự, trong đó Orwell là một phần trong “chúng tôi”, là các chương đánh giá và phân tích tình hình, đề xuất cách giải quyết - những chương viết từ góc độ của nhà bình luận xã hội, dành cho những người đọc cùng tầng lớp trí thức, thậm chí cho tầng lớp điều hành. Nửa sau Wigan Pier là sáu chương phê phán đường lối tuyên truyền Chủ nghĩa xã hội ở Anh quá nhấn mạnh vào khía cạnh vật chất, kinh tế làm gia tăng khoảng cách với giới trí thức và những cảm tình viên tiềm tàng: “Họ chưa bao giờ nói đủ to rõ, rằng những mục tiêu căn cốt của Chủ nghĩa xã hội là công lý và tự do.” (chương 12). Hâm mộ Jack London, và The Ragged-Trousered Philanthropists4, nhưng ông tỏ ra dè dặt về khái niệm văn học vô sản đang thời thượng bấy giờ: theo ông “tầng lớp vô sản chưa thể kiến tạo một nền văn học độc lập khi còn chưa phải là giai cấp thống trị”, nhưng mặt khác những sáng tác được gọi là văn học vô sản kể từ đầu thế kỷ trở đi - “chủ yếu là văn học nổi loạn… chống lại chủ nghĩa tư bản” - là một trong những dấu hiệu cho thấy “chúng ta đang chuyển sang một thời kỳ không giai cấp” (“The Proletarian Writer”, đối thoại với Desmond Hawkins trên sóng BBC, 1940).

Mặt khác, sáng tác của Orwell thời kỳ này vẫn còn vương vấn với thẩm mỹ của chủ nghĩa hiện đại. Thời kỳ thơ ca ngắn ngủi của ông vẫn còn những câu như:

Lũ chúng ta, số đã mang, hãy biết
Đứng cho yên và chi chút thời gian
Hiểu thế giới trong khi còn kịp,
Vụng bàn tay vẫn nhào nặn tâm hồn.

(…)

Để giữa náo động đời ta vớt lại
Chút lòng tin, suy niệm, chút nghĩa sâu,
Mà lên tiếng, một lần, rồi cất bước
Lặng yên về trong yên lặng mồ thâu.

(“Sometimes in the middle autumn days” ký Eric Arthur Blair đăng trên The Adelphi 1933). Những tiểu thuyết trước chiến tranh của Orwell đều mở đầu bằng một mô típ đặc thù của chủ nghĩa hiện đại: trong một thế giới phi lý, hỗn loạn, duy nhất một cá nhân đơn độc nhận ra bản chất dối lừa của thế giới, và vật lộn tìm cách giữ lấy thân giữa những kẻ bàng quan tìm cách bắt anh/cô ta phải phục tùng. Flory (Burmese Days) là người duy nhất đau khổ vì bản chất bóc lột của nền cai trị Anh ở Ấn Độ, trong lúc các đồng hương xa lánh, chế giễu và rủa anh là “đồ Bônsêvích”; Dorothy (A Clergyman’s Daughter) tỉnh ngộ khỏi cuộc đời sùng đạo và làm gia nô cho ông bố mục sư; Gordon Comstock (Keep the Aspidistra Flying), nhà thơ, thề không quy phục “thần tiền” và sức ép phải “thăng tiến trong đời”; George Bowling (Coming Up for Air) giữ gìn ký ức về hồ câu cá tuổi thơ ở làng quê trong khi đi giữa một London ngầm sôi không khí đêm trước bom rơi. Ngay cả Winston Smith trong 1984 cũng có thể coi là tiếp nối của loại hình này: anh ta giấu kín cuốn nhật ký và cuộc luyến ái với Julia khỏi một tồn tại dưới con mắt Big Brother ngày đêm theo dõi.

Nhưng nếu chủ nghĩa hiện đại ca ngợi con người tìm thấy bản thân trong cuộc vật lộn với thế giới và thoát ra trong thắng lợi, Orwell đã bỏ lại tâm tưởng lạc quan ấy từ lâu. Tới cao trào mỗi câu chuyện, một đường cứu rỗi hình như đã lấp ló, nhưng đến phút cuối những quy luật có sẵn lại níu lấy nhân vật, dìm họ xuống vũng bùn quy thuận và cam chịu. Flory tự tử, Dorothy chấp nhận sống giả dối dù đã mất đức tin, Gordon quay lại với cây diệp lan và cuộc đua tiến thân, Bowling bước vào một tương lai bom nổ, Winston và Julia đánh mất chính mình mà “yêu Big Brother” - đấy là một sự phủ nhận hoàn toàn, có hệ thống. Bằng một loạt nhân vật thất bại, Orwell phản ứng lại “tầng lớp nhà giàu mới trong thế kỷ 19 cùng với sự vô trách nhiệm triệt để; họ đánh giá mọi thứ bằng thước đo thành công cá nhân, hầu như chẳng hề ý thức còn có cộng đồng tồn tại” (“Charles Dickens”, 1939). Thêm nữa, nhân vật của Orwell không phải là mẫu người hành động, cũng không định nghĩa “thành công” bằng “thành đạt”; họ là mẫu người suy nghĩ và cảm xúc, và sẽ còn đau khổ chừng nào những kết luận riêng của họ còn đi ngược lại với sự giả dối của tinh thần thời đại. Hoặc, chừng nào họ còn cố gắng đấu tranh hay nổi loạn một cách đơn độc, cá nhân: Winston Smith nghĩ “Nếu trên đời còn hy vọng, hy vọng đó nằm ở đám vô sản” (chương 7 phần I), nhưng cũng không thực sự nỗ lực kết nối với hy vọng ấy.

*
*       *

So với không khí u ám trong tiểu thuyết, tác phẩm báo chí của Orwell mạnh mẽ và trực diện hơn nhiều. Những thập kỷ 1920-1930, với sự nở rộ của các đảng phái và đường lối khác nhau, không hiếm đất dụng võ cho một cây bút phái tả: khởi nghiệp ở Paris trên tờ Monde của Henri Barbusse, Orwell dần dà trở thành cộng tác viên quen thuộc của các tờ ­New Adelphi, Tribune (xã hội dân chủ), Horizon, Time and Tide (khuynh tả, nữ quyền), The Observer (The Guardian)… và viết một series “Thư London” cho Partisan Review, tạp chí của câu lạc bộ John Reed tại Mỹ. Down and Out sau khi bị vài nhà xuất bản truyền thống (Jonathan Cape, Faber & Faber) từ chối thì được Victor Gollancz nhận in; cũng chính Victor Gollancz đã đặt hàng Orwell khảo sát và viết cuốn The Road to Wigan Pier, đưa vào câu lạc bộ Left Book Club. Tới khi Gollancz từ chối Homage to Catalonia vì chỉ trích Liên Xô, Orwell chuyển sang in ở Secker & Warburg (một nhà xuất bản cấp tiến về sau sẽ in cả Simone de Beauvoir, J. M. Coetzee, Alberto Moravia, Günter Grass…). Animal Farm1984 sau này cũng in tại đây.

Sự nghiệp báo chí và cả nhận thức chính trị của Orwell có thể chia thành hai bước phát triển rõ rệt: trước và sau Catalonia. Trở về Anh trong nỗi gớm ghét sự áp bức của đế quốc với thuộc địa, Orwell “nhận ra không cần phải đến tận Miến Điện mới gặp cảnh độc tài bóc lột. Ngay trên đất Anh đây, ngay dưới chân mình, có giai cấp công nhân chìm dưới đáy, chịu đựng cảnh cực khổ tuy khác nhưng cũng tồi tệ không kém người phương Đông nào” (Wigan Pier, chương 9), và suốt những năm 1927-1937 viết lách của ông (báo chí, nhưng cũng cả văn chương) chủ yếu tập trung vào đó, mà nổi bật nhất là hai cuốn Down and OutWigan Pier. Nhưng giai đoạn này Orwell mới chú ý đến sự kiện là chính, và coi phóng sự ghi chép là hình thức hiệu quả để giáo dục công luận. Phần lý thuyết chính trị đã có, ông không có nhiều nhu cầu kiểm nghiệm và chất vấn lý thuyết - thực tế, trong lời giới thiệu có tính phê phán cuốn Wigan Pier, Victor Gollancz có lưu ý Orwell còn mơ hồ về bản thân khái niệm “chủ nghĩa xã hội”. Và khi muốn tới Tây Ban Nha chiến đấu trong Nội chiến 1936-1939, Orwell đã định xin gia nhập Đảng Cộng sản Anh để có những giấy tờ cần thiết, nếu thành công sẽ đưa ông vào một trong các Lữ đoàn Quốc tế (Brigadas Internacionales); bị từ chối, ông thông qua những đầu mối trong Đảng Lao động Độc lập, được phái đến Doanh trại Lenin của POUM (Đảng Công nhân Thống nhất Mác-xít) vào tháng 6/1937.

“Nếu anh hỏi vì sao tôi gia nhập đội dân quân [militia], hẳn tôi sẽ trả lời: ‘Để đánh lại phát xít,’ còn nếu anh hỏi tôi chiến đấu cái gì, chắc tôi đã nói, ‘Vì lẽ phải [common decency].” (Catalonia, chương 5). Orwell đến Tây Ban Nha với một quan điểm trắng/đen khá ngây thơ: một bên là phe phát xít của tướng Franco, đại diện cho thế lực phản động, một bên là chính phủ Cộng hòa, tức thế giới dân chủ, văn minh; ông còn mang theo chút tưởng tượng lãng mạn, như sau này ông nhận xét trong “My Country Right or Left” 1940: “một phần sức hấp dẫn của Nội chiến Tây Ban Nha đối với lớp người lứa tuổi tôi lúc ấy, là vì nó quá giống cuộc Đại chiến [1914-1919]”. Tuy thế hiện thực không giống như tưởng tượng: những ngày dài buồn chán trong hào quân sự ở mặt trận Aragon, cuộc chiến trong thành Barcelona tháng Năm 1937, viên đạn trúng cổ giữa một buổi thay gác bình thường khiến ông mất khả năng chiến đấu, mất tiếng nói và chuyển về bệnh viện tuyến sau, cho đến khi phải cùng Eileen O’Shaughnessy vợ ông chạy trốn về Anh vì tình hình bất ổn. Nhưng giữa thất bại của phe tiến bộ trong Nội chiến, Orwell nhận được hai bài học cá nhân quý báu, không thay đổi hoàn toàn nhưng làm sáng rõ hơn rất nhiều tầm nhìn chính trị của ông từ đó về sau.

Thứ nhất là ông được tận mắt chứng kiến sự biến hình của xã hội trong cách mạng, trước hết ở Barcelona: “Đấy là lần đầu tiên tôi đi giữa một thành phố có giai cấp công nhân nắm quyền hành. Hầu như mỗi tòa nhà to nhỏ lớn bé đều đã do công nhân tiếp quản, bên ngoài phủ cờ đỏ, hay cờ đỏ đen của phái Vô chính phủ; mỗi bức tường đều vẽ búa liềm bên cạnh chữ tắt tên các đảng khởi nghĩa… Bồi bàn hay người bán hàng đều nhìn thẳng mặt anh và cư xử ngang hàng với anh. Những lối nói quỵ lụy, hay cả khách sáo, đều tạm thời biến mất… tất cả mọi người đều gọi nhau là ‘Đồng chí’ hay dùng nhân xưng thân mật. … Có nhiều phần trong đó tôi không hiểu, một số mặt tôi còn không thích, nhưng tôi nhận ra ngay đấy là một hiện thực đáng đấu tranh vì nó.” (Catalonia, chương 1). Những ấn tượng ban đầu này càng được củng cố trong thời kỳ rèn luyện và ra mặt trận. “Điểm thiết yếu của hệ thống tổ chức này là sự bình đẳng về mặt xã hội giữa sĩ quan và lính. … Về lý thuyết, mỗi đơn vị dân quân là một xã hội dân chủ chứ không phải tôn ty.” (chương 3). Mãi về sau này, Orwell còn nhớ về giai đoạn ấy trong thư từ và bài viết: “Những người dân thường biết từ đáy lòng … rằng mình ở thế đúng, vì họ đang chiến đấu cho một điều thế giới này nợ họ, và có thể trao cho họ.” (“Looking Back on the Spanish War”, 1942)

Thứ hai, sau cuộc chiến năm ngày ở Barcelona mà thực chất là cuộc loạn đả nội bộ các phe phái Cộng hòa - PUSC, chi nhánh của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, CNT-FAI, liên hiệp các phái vô chính phủ và công đoàn, POUM, một đảng cộng sản chịu ảnh hưởng lý thuyết Cách mạng không ngừng của Trotsky, v.v - Orwell nhận ra phe “tiến bộ” cũng không thuần nhất như câu hỏi ngây thơ khi ông mới đặt chân đến Tây Ban Nha: “Không phải chúng ta đều là người Xã hội chủ nghĩa ư?” (chương 1). Trên hết, ông nhận ra phái tả cũng không thoát khỏi nạn tranh giành quyền lực, mà đi kèm với nó là bóp méo thông tin, ngụy tạo sự kiện: POUM biến thành con tốt thí, bị báo chí PUSC đổ tội là tay sai mật của phát xít; bạn bè, đồng chí ông bị cảnh sát mật bắt bớ hoặc chết trong tù; hai vợ chồng Orwell vừa kịp thoát khỏi Tây Ban Nha trước khi bị xử vắng mặt vì đã chiến đấu trong hàng ngũ POUM. Theo Orwell phân tích: báo chí (tư sản) quốc tế lờ đi khía cạnh cách mạng xã hội mà chỉ miêu tả cuộc nội chiến như “chiến tranh vì dân chủ”, đường lối Cộng sản chính thống cũng giới hạn mục tiêu ở nền dân chủ tư sản vì nghĩ điều kiện chưa chín muồi để làm cách mạng (chương 5), và việc POUM bị bôi nhọ trên báo chí là hình ảnh thu nhỏ của sự vùi dập chính trị đối với các phong trào bị dán nhãn Trostkyist trên toàn thế giới (chương 11). Đối với Orwell, chính vì PUSC đi theo đường lối của Liên Xô mà cách mạng Tây Ban Nha chết yểu, không tranh thủ được ủng hộ của vô sản quốc tế (chương 5), dẫn đến thất bại của nội chiến và chế độ Franco kéo dài 36 năm.

Trở về từ Tây Ban Nha, tâm niệm của Orwell đã thay đổi: “Những viết lách nghiêm túc của tôi kể từ 1936 trở đi, từng dòng một, dù trực tiếp hay không trực tiếp, đều là để chống lại chủ nghĩa toàn trị, và để phục vụ Chủ nghĩa xã hội dân chủ theo cách tôi hiểu.” (“Why I Write”, 1946)

*
*       *

Trở về từ Tây Ban Nha cũng là trở về với một nước Anh nhấp nhổm trước cửa ngõ chiến tranh, nơi mọi thứ lý thuyết và khuynh hướng đang mải mê chiến đấu, bày ra những mặt cực đoan và xấu xí nhất của mình. “Tuy nhiên điều quan trọng không phải là chiến tranh, mà là cái đến sau nó. Cái thế giới chúng ta đang tiến thẳng vào, thế giới thù hằn, thế giới khẩu hiệu. Các sắc áo sơ mi, các dây thép gai, các dùi cui cao su. Các xà lim ngầm đèn điện cháy đỏ cả đêm lẫn ngày, các thám tử theo dõi anh lúc ngủ. Các đợt diễu hành, các áp phích những bộ mặt khổng lồ, các đám đông nghìn người như một hoan hô Lãnh tụ đến khi điếc tai do tiếng hò la của chính mình mà nghĩ mình thực tình tôn thờ hắn, trong khi suốt từ đầu, sâu bên trong, họ ghét hắn đến lộn mửa. Rồi tất cả những cái đó sẽ đến. Hay là không?” nhân vật chính trong Coming Up for Air (chương 1 phần III) ngẫm nghĩ khi nghe bài diễn thuyết của một “nhà hoạt động chống phát xít chuyên nghiệp”. Còn bản thân Orwell tìm cách ngăn ngừa cái tương lai 1984 đó bằng vũ khí mạnh nhất của mình: ngòi bút. Bằng những bài báo và tờ rơi mà đỉnh cao là tập tiểu luận “The Lion and the Unicorn: Socialism and the English Genius” (1941), bằng công việc phát thanh ở Ban phương Đông BBC đối lại tuyên truyền phát xít ở Ấn Độ, bằng bộ sách Searchlight Books cùng tổ chức xuất bản với Frederic Warburg và T. R. Fyvel, Orwell gắng sức đánh động và chấn chỉnh lại những thói quen tư duy và lập luận mà theo ông là tai hại trong giới cầm quyền cũng như trí thức Anh (và Mỹ) bấy giờ.

Ông cảnh cáo những tay Bảo thủ ngây thơ, cổ vũ phát xít vì coi đó là thành trì cuối cùng của thế giới cũ chống lại “làn sóng Đỏ”, mà không nhận ra bản chất cấp tiến và toàn trị của nó sẽ gây sụp đổ toàn bộ thế giới tư sản tự do cạnh tranh.

Mặt khác, ông cũng rốt ráo phân biệt việc đánh lộn sòng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội. “Chủ nghĩa phát xít, ít ra với mẫu hình kiểu Đức, là chủ nghĩa tư bản trong một hình thức đã mượn từ Chủ nghĩa xã hội những đặc tính chọn lọc đủ để khiến nó hoạt động hiệu quả hơn khi cần phục vụ cho chiến tranh. … Chủ nghĩa xã hội nhằm tới mục đích tối hậu là một nhà nước toàn cầu gồm những con người tự do và bình đẳng. Nó coi sự bình đẳng về quyền con người là đương nhiên. Chủ nghĩa Nazi thì ngược hẳn. … dù một thứ chủ nghĩa xã hội thời chiến có tồn tại trong nội bộ nhà nước Đức, thì thái độ của nó đối với những dân tộc bị chinh phục vẫn là thái độ của kẻ bóc lột.” (“Lion and Unicorn”).

Ông quở trách thái độ phản chiến của những kẻ nhân danh thuyết hòa bình chủ nghĩa, sự “nông cạn về tình cảm” của những kẻ tự khoe mình là trí thức phái tả nên quay lưng lại với lòng yêu nước: “Chính những ai chưa bao giờ thấy tim đập rộn khi nhìn lá cờ Anh tung bay sẽ là những kẻ chùn lại khi giờ khắc cách mạng điểm.” (“My Country Right or Left”, 1940) Cùng lúc ấy, ông chỉ trích thành phần “Cộng sản” trung lưu, “chẳng qua là chủ nghĩa dân tộc cùng thói sùng bái lãnh đạo thuộc dạng thô thiển nhất, đã chuyển sang đối tượng là Liên Xô. … Ở Anh, những người Cộng sản còn đáng kính trọng đều là công nhân nhà máy, … nhưng họ không thể luôn luôn riết róng tuân theo ‘đường lối’ ”, những lời này khẳng định lại những ý nghĩ đã phác thảo từ Wigan Pier (“London Letter to the Partisan Review”, 11/1941).

Ông bức xúc khi thấy giới trí thức Anh nhập nhèm giữa mục tiêu quân sự và chân lý tư tưởng khi Liên Xô tham chiến bên phe Đồng minh. Chưa trực tiếp đến Liên Xô như André Gide, Orwell không có điều kiện mắt thấy tai nghe, nhưng qua báo chí, qua truyền miệng và qua các tiểu thuyết như của Arthur Koestler (sau này trở thành bạn thân của ông), ông được làm quen với một quá khứ mà ông kết tội dư luận tiến bộ Anh đã cố tình quên. Animal Farm, cấu tứ từ năm 1937, viết xong 1943, nhưng mãi đến 1946 mới được in, là để nhắc lại những bài học từ quá khứ đó. “Theo tôi, tin rằng nước Nga là nước xã hội chủ nghĩa và mọi hành vi của những người cầm quyền ở đó đều nên được tha thứ, nếu không nói là phải theo, là sự phản bội đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa5. Vì vậy, trong mười năm gần đây tôi đã đi đến kết luận rằng phá tan huyền thoại Xô viết là việc làm vô cùng cần thiết, nếu ta muốn tái sinh phong trào xã hội chủ nghĩa.” (Tựa cho bản in tiếng Ukraina, 19476).

Ông cũng là một trong số ít trí thức cánh tả Anh có nhận thức rõ về vấn đề thuộc địa, trong khi phần lớn Đảng Cộng sản ở thuộc địa, theo quan điểm của Liên Xô, còn đang án binh bất động chờ cách mạng vô sản thành công ở chính quốc. Phong trào công nhân Anh sẽ còn “đạo đức giả” mà nói mình đấu tranh giải phóng, ông lập luận, chừng nào họ còn hưởng lợi từ sự bóc lột dân tộc thuộc địa (sổ tay, 21/3/1949). “Các dân tộc châu Âu phải ngưng ngay vai trò kẻ bóc lột ở ngoại quốc, nếu họ còn muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội đích thực ở quê hương mình” (“Towards European Unity”, 1947), và ông cổ vũ Anh tự nguyện rút khỏi Ấn Độ, một việc cuối cùng cũng đã diễn ra trong thời của ông.

Thế chiến 2 kết thúc với nhiều dư vị cay đắng cho Orwell, không chỉ cái chết bất ngờ của Eileen và tình hình sức khỏe suy sụp của bản thân. Ông thấy mình bước từ chiến tranh, không phải vào hòa bình, mà là vào một viễn cảnh mạt thế đến chậm: nỗi ám ảnh về bom nguyên tử có thể “khiến tất cả chúng ta nổ tan từng mảnh trong vòng 5 năm” (“You and the Atom Bomb”, 10/1945), về các thế lực sở hữu bom nguyên tử sẽ “chia trái đất thành hai hoặc ba siêu quốc… với một tầng lớp á thánh trên đỉnh và cảnh nô lệ trắng trợn dưới đáy” (“Towards European Unity”) không bao giờ dứt khỏi ý nghĩ của ông trong năm năm cuối đời. Điều đó không làm thay đổi chính trị quan của ông; nhưng nếu Orwell ở thời điểm nổ ra chiến tranh còn rất lạc quan: “Chiến tranh đến với chúng ta đã biến Chủ nghĩa xã hội từ một từ ngữ sách vở trở thành một chính sách khả thi” (“Lion and Unicorn”) thì Orwell hậu chiến đã vội vã, giục giã: “Tôi tin chỉ có châu Âu, nếu còn có nơi nào, là có thể biến Chủ nghĩa xã hội dân chủ thành hiện thực đủ sớm để chặn lại những trái bom nguyên tử đầu tiên. … Một Liên bang Xã hội chủ nghĩa châu Âu [Socialist United States of Europe] đối với tôi có vẻ là mục tiêu chính trị đáng giá duy nhất ngày nay.” (“Towards European Unity”)

*
*       *

Nhưng nếu từ những trích dẫn trên mà kết luận rằng Orwell từ sau 35 tuổi chỉ toàn phẫn uất, tranh cãi, tố cáo, khổ sở… thì không phải vậy. Đọc Orwell vẫn còn rất nhiều thứ để người ta thưởng thức: ông có cái hài hước trầm tĩnh, cũng có cái lưỡi nhọn khi cần châm chích, có con mắt để ý chi tiết, và có niềm ham sống, niềm vui sống đến từ cả thiên nhiên lẫn xã hội xung quanh. Trong lá “Thư London” gửi Partisan Review 4/1941, giữa những bàn luận về công luận báo chí, quân đội Anh, kinh tế thời chiến và trận bom đêm qua, “sáng nay vẫn là một ngày xuân đẹp trời, những cây hạnh ra hoa, người đưa thư và giao sữa vẫn qua lại như thường, và ở góc phố vẫn không thiếu một đôi bà béo thì thụt đưa chuyện sau thùng thư”.

Người ta thường quên mất động cơ làm chính trị của Orwell không phải là lý tưởng trừu tượng, mà là tình yêu cụ thể với tổ quốc ông: “The Lion and the Unicorn” có những đoạn dài mô tả nước Anh, dân tộc Anh cũng ủy mị và thiên ái chẳng kém gì Ilya Ehrenburg hay Rasul Gamzatov. Những chuyến đi dạo đến vùng rừng Burnham Beeches gần London trở thành chuyến đi của Gordon trong Keep the Aspidistra Flying; thị trấn Henley-on-Thames nơi ông sống cùng mẹ từ năm lên 1 trở lại trong cả Coming Up for Air lẫn 1984, “Đất nước Vàng” trong giấc mơ của Winston. Những năm cuối đời sống ở đảo Jura (Scotland), ông trồng khoai, nuôi lợn và dạy dỗ cậu con nuôi Richard: “Tôi có cảm tưởng nó sẽ không thuộc loại chuộng sách vở mà lại ưa máy móc hơn. Tôi không định gò ép nó làm gì, nhưng nếu nó lớn lên mang tham vọng làm nhà nông tôi sẽ rất hài lòng.” (Thư gửi Julian Symons 29/10/1948)

Animal Farm cũng là ca đặc biệt trong số tiểu thuyết Orwell, ngoài hình thức truyện loài vật: đây là cuốn duy nhất lấy các nhân vật chính là chủ thể lao động chân tay, và lại là lao động nông thôn; gần như dịp để Orwell khoa trương kiến thức nông nghiệp của mình. Nếu đọc với con mắt không thành kiến, sẽ thấy sự ca ngợi lao động trong đó là ca ngợi thực, cũng như Orwell nhà báo đã từng ca ngợi trong Wigan Pier. Cho nên nỗi thất vọng cay đắng sau đó mới thực là thất vọng7. (Mặc dù, về mặt tình cảm, thất vọng ấy bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân ở Tây Ban Nha thì đúng hơn là từ suy tư trừu tượng về mọi cuộc cách mạng.)

Cũng vậy, vì 1984 được Orwell hoàn thành chỉ nửa năm trước khi mất, trong thời kỳ điều trị ở nhà thương Gloucestershire, cái nhìn tăm tối trong đó bị nhiều nhà phê bình quy về hậu quả của bệnh tật, bất kể những tiên báo về xã hội giả tưởng kiểu đó đã xuất hiện trong nhiều bài viết từ 1945 trở đi (“You and the Atom Bomb”). Nhưng thực tế Orwell không hề có ý định để cuốn sách này trở thành một thứ di ngôn cho thế giới: ông vẫn còn rất nhiều ý tưởng muốn phát triển, cả về mặt văn chương (khi mất, ông vẫn còn đang phác thảo dở dang một truyện dài chừng 30-40.000 chữ, ngang với Animal Farm, cùng hai tiểu luận về Joseph Conrad và Evelyn Waugh) lẫn mặt chính trị. “Bất công & lệch lạc quá đáng trong phần lớn phê phán cả Mỹ & Liên Xô, vì quên tính đến kích cỡ hai nước đó. Rành rành ngớ ngẩn nếu đi so sánh một dân cư nhỏ thuần nhất, vd Anh, quần tụ trong một diện tích nhỏ, với một nhà nước đa chủng tộc rải khắp một lục địa.” (sổ tay, 21/3/1949). Hay: “Bất lợi lớn nhất trong số mọi bất lợi đổ lên phong trào cánh tả: làm tân binh giữa chính trường, phải xây đắp phong trào từ số không, nó buộc phải tạo ra công chúng bằng cách nói dối. Với một chính đảng cánh tả nắm quyền, đối thủ nặng ký nhất luôn là những tuyên truyền quá khứ của chính mình.” (17/4/1949) Thật đáng tò mò xem Orwell sẽ tiếp tục triển khai những ý nghĩ này ra sao, nếu ông còn được sống tiếp, chứng kiến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Mao thành lập, cách mạng Cuba năm 1959, và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Phi thập niên 1960 - phần lớn bắt đầu bằng cách mạng màu sắc xã hội chủ nghĩa, rồi sau đó nhanh chóng rơi trở lại vào tay chủ nghĩa tư bản và/hoặc thực dân kiểu mới.

Nhưng Orwell đã qua đời năm 1950. Bốn năm sau, hoạt hình Animal Farm ra mắt - bộ phim hoạt hình đầu tiên sản xuất ở Anh, có sự hợp tác của Frederic Warburg (cùng năm đó đã tái bản cuốn sách kèm hình minh họa lấy từ phim). Bộ phim được CIA bỏ tiền tài trợ, một chi tiết đến năm 2000 mới được khảo sát và công bố trong cuốn Who Paid the Piper? CIA and the Cultural Cold War của Frances Stonor Saunders. Cái kết đã bị đổi, các con vật nhất tề nổi dậy lần hai để lật đổ đám lợn cầm quyền. Phim 1984 năm 1956, và cũng do CIA tài trợ, chịu chung số phận: Winston và Julia chết dưới đạn súng cảnh sát sau khi Winston hét lớn giữa đám đông “Đả đảo Big Brother!” Còn ở nước Mỹ của McCarthy, trong một cử chỉ mà John Rodden gọi là “trích dẫn có chọn lọc” hay “chính trị của dấu ba chấm”, câu viết trong “Why I Write” đã bị rút gọn thành “Những viết lách nghiêm túc của tôi kể từ 1936 trở đi, từng dòng một, dù trực tiếp hay không trực tiếp, đều là để chống lại chủ nghĩa toàn trị…” Đoạn “và để phục vụ Chủ nghĩa xã hội dân chủ” đã biến mất trong lời nói đầu mọi bản Animal Farm dùng trong nhà trường (“Orwell’s Century”, Think Tank with Ben Wattenberg trên PBS 12/2/2004).

Không phải Orwell chưa hề chứng kiến việc lợi dụng sáng tác của mình ngay từ khi còn sống. Thư gửi Vernon Richards ngày 22/6/1949 có viết: “Tôi sợ là vài tờ báo Cộng hòa ở Mỹ đã cố dùng 1984 để tuyên truyền chống lại Đảng Lao động [Anh], nhưng tôi đã gửi đi một lời cải chính và hy vọng sẽ được in.” Cùng tháng đó, ông viết thư trả lời câu hỏi của Francis Henson thuộc Đảng Xã hội Mỹ, in lại trên LifeThe New York Times Book Review, nhắc lại ý đó và nói thêm: “Bối cảnh cuốn sách đặt ở Anh, để nhấn mạnh rằng các chủng tộc nói tiếng Anh cũng không phải bẩm sinh tốt đẹp hơn các nòi giống khác, và rằng chủ nghĩa toàn trị, nếu ta không chống lại nó, có thể thành công ở bất kỳ đâu.” Những lời khẩn thiết này, tất nhiên, không được in lại trong mấy thập kỷ Mỹ góp phần xuất khẩu Orwell ra khắp thế giới trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và sau đó.

Cũng không phải Orwell chưa hề nghĩ đến việc sáng tác của mình sẽ bị lợi dụng, trước khi bắt tay viết: những tranh luận về vai trò nhà văn, trí thức kể từ sau Catalonia cũng đã đôi lúc đề cập đến vấn đề này. Nhưng thái độ của ông, về cơ bản, là thái độ của André Gide trong Retouches à mon Retour de l'U.R.S.S. (IX):

“Việc các phe phái có thể lợi dụng những trang viết của tôi không phải là điều tôi ngăn cản được, mà nếu được, cũng không phải điều tôi muốn. Nhưng viết bất kể điều gì mà dự tính xem một chính đảng có thể sử dụng nó ra sao - không! việc ấy tôi xin chừa cho người khác.”

*
*       *

Hơn sáu mươi năm sau và ở một thế giới khác, có những “bài học” nào cho người viết từ Orwell?

Rằng hãy trung thực tuyệt đối khi dùng ngòi bút, kể cả nếu những gì mình nghĩ đi ngược lại không khí áp đảo xung quanh, kể cả nếu những gì mình nghĩ đi ngược lại những gì mình muốn nghĩ, kể cả nếu mình vẫn còn rất nhiều băn khoăn, nhiều điều không chắc, nhiều phần chưa biết phải nghĩ gì?

Rằng ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ chính trị, cần phải trong sáng, rõ ràng, cụ thể hết sức có thể, bởi vì một lối viết “bắt chước, không sức sống”, trừu tượng và sáo mòn là đồng minh lớn nhất của miệng lưỡi giả dối, của đồng thuận chính trị, và là kẻ thù của tư duy phê phán (“Politics and the English Language”, 1946)?

Nhưng sự trung thực cũng không cứu Orwell thoát khỏi chính trị của dấu ba chấm. Và Animal Farm, tiểu thuyết đầu tiên được viết có ý thức “bớt mỹ miều đi và chuẩn xác hơn” (“Why I Write”), cũng không tránh khỏi bị thứ chính trị phe phái làm nhòe cho mục đích riêng, không chỉ qua văn bản trong những giờ giảng nhà trường, mà còn qua phim ảnh, qua bộ truyện tranh in báo (thực hiện từ 1950) mà chính phủ Anh phân phát cho các tạp chí khắp Thái Lan, Miến Điện, châu Phi, Trung và Nam Mỹ trong cuộc chiến tranh văn hóa những năm sau đó.

Xét những gì các thập kỷ sau đối đãi với ông, có nhiều bài học cho người đọc nhiều hơn cho người viết; và hầu hết lại là những bài học mang tính tiêu cực (dù bản thân Orwell vốn ghét cay những kẻ chuyên phê bình tiêu cực mà không đưa ra phương hướng xây dựng).

Như là: Hãy dè chừng trước những nhãn hiệu, bất kể nhãn hiệu gì. Vì người nói và người nghe rất có thể không nói tới cùng một thứ khi dùng nhãn hiệu ấy; một điều nguy hiểm cả khi tranh thủ đồng minh, cả khi gây chiến tranh tư tưởng, kết tội, cô lập, bôi nhọ.

Hãy dè chừng diễn giải Orwell theo những nhãn hiệu người khác gắn sẵn cho ông, dù thiện ý hay ác ý (kể cả bài viết này), nếu chưa qua tự mình tìm hiểu.

Và, hãy dè chừng ngay cả “nhà báo thiên tài và nhà văn lừng lẫy George Orwell”, dè chừng để khỏi hớt váng những lý giải sẵn có của ông, làm ra cho một thời điểm, một thực tế cụ thể, mà đem diễn giải một thế giới khác, một thời gian khác.

Viết xong ngày 15/3/2013



Tài liệu trích dẫn:

- Các tiểu thuyết: The Complete Novels of George Orwell, Penguin Classics 2000

- Tiểu luận, thư từ, báo chí: bộ The Collected Essays, Journalism and Letters of George Orwell, Sonia Orwell và Ian Angus biên soạn, Penguin 1971

- Bút ký:
+ Down and Out in Paris and London, Penguin Classics 2001
+ The Road to Wigan Pier, Penguin Classics 2001
+ Homage to Catalonia trong Orwell in Spain, Peter Davison biên soạn, Penguin 2001

- Retouches à mon Retour de l'U.R.S.S. của André Gide: bản dịch tiếng Anh của Dorothy Bussy, Afterthoughts on the U.S.S.R, The Dial Press: New York, 1938


-----------

1 Xem John Rodden, The Politics of Literary Reputation: The Making and Claiming of “St. George” Orwell, 1989. Giới thiệu gần nhất về tình hình nghiên cứu Orwell có thể xem “George Orwell: a bibliographic essay” của Erika Gottlieb trong The Cambridge Companion to George Orwell, John Rodden cb, 2007.

2 Anglo-Indian có thể hiểu theo nghĩa người Ấn lai Anh, người Ấn sống ở Anh, hoặc một người gốc Anh (thực dân) sống ở Ấn Độ (kể cả khi đã quay lại Anh). Ở đây dùng theo nghĩa thứ ba. Coming Up For Air: “Anh có biết những gia đình Anh-Ấn kiểu đó không? … Bước chân qua cửa nhà họ là anh bước vào Ấn Độ thập niên [18]80. … Đấy là một tiểu thế giới riêng họ tự tạo ra, như một bọc u nang.” (chương 10 phần II) (Các đoạn trích, trừ khi có chú thích riêng, đều do người viết dịch.)

3 Chính trong quá trình đi thực tế viết cuốn này mà George Orwell đã lọt mắt xanh lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Anh. Hồ sơ mang bí số MEPO 38/69 từ 1936 đến 1977 được giải mật năm 2005, hiện đang lưu giữ tại Cục Tàng thư Anh, miêu tả ông “Eric Arthur Blair bút danh George Orwell, nhà văn, nhà báo. Cộng sản.” Hồ sơ KV 2/2699 của MI5 (Cơ quan An ninh, tức phản gián nội địa), giải mật 2007, thì miêu tả Orwell “có những quan điểm Cộng sản cấp tiến” nhưng đến năm 1941 thì “không chung quan điểm với Đảng Cộng sản (Anh)”.

4 Tiểu thuyết của Robert Tressell 1914, miêu tả công nhân là “những nhà hảo tâm quần rách” đem lại lợi nhuận cho giới chủ.

5 Orwell nhận định dựa trên các mặt chính trị và văn hóa hơn là kinh tế xã hội; tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh “sở hữu chung về tư liệu sản xuất không đủ để định nghĩa Chủ nghĩa xã hội” (“Lion and Unicorn”). Chỉ trích từ các phái Menshevik, vô chính phủ, Mác xít chính thống… cũng thường gọi chế độ Nga là “chủ nghĩa tư bản nhà nước”; thuật ngữ này trở thành một khái niệm chính trong lý thuyết của Tony Cliff, người sáng lập Đảng Công nhân Xã hội Anh.

6 Trích từ bản dịch của Phạm Nguyên Trường, http://phamnguyentruong.blogspot.com/2013/02/george-orwell-trai-suc-vat.html.

7 Animal Farm về chủ đề tương đương với The Gladiators của Arthur Koestler, nói về những nô lệ bỏ trốn dưới sự lãnh đạo của Spartacus dựng lên một cộng đồng riêng. Viết về The GladiatorsDarkness at Noon, Arrival and Departure, Orwell nhận xét: “Mọi cuộc cách mạng đều thất bại - chủ đề chính là thế. Nhưng chính câu hỏi tại sao thất bại khiến [Koestler] vấp váp. … Koestler có vẻ muốn nói: bản thân cách mạng là quá trình làm tha hóa.” (“Arthur Koestler”, 1946) Trong khi đối với Orwell, chính việc tham quyền cố vị của một số cá nhân đứng đầu mới là thứ đẩy cuộc cách mạng xuống dốc.


Bài liên quan:

- Về vị thế của dịch giả, nhiều khi oái oăm, có thể đọc bài phỏng vấn một dịch giả Nhật Bản chuyên dịch văn chương Trung Quốc ở đây

10 comments:

  1. N. Chomsky trong "Understanding Power" có nói rằng cuốn "Animal Farm" của G. Orwell thường bị in thiếu Preface vì trong phần đó G. Orwell đã chỉ ra xã hội Anh cũng không khác cái xã hội được mô tả trong chuyện.

    ReplyDelete
  2. Không phải là bị in thiếu, mà là bị "biên tập"

    ReplyDelete
  3. Dịch giả cũng như người viết, trước hết cứ tìm cách sướng mình đã, chuyện vị thế đã có mấy blogger lo ;)) Cái ông dịch giả Nhật Bổn trả lời phỏng vấn kìa, "phải hướng tới đời sống tinh thần":))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ja ja, xác lập một vị thế mới trong hoàn cảnh Internet lan tràn :p

      Delete
  4. Bạn An Lý viết hay thế, lại phải đi mua sách đọc rồi
    (đọc cái này xong lại bị rơi vào cảm giác uất ức với internet :d)

    ReplyDelete
    Replies
    1. chả thấy cái gì liên quan với cái gì cả :p

      Delete
    2. À ừ, nói tắt quá, là vì tìm trên internet toàn thấy "hớt váng những lý giải sẵn có của ông, làm ra cho một thời điểm, một thực tế cụ thể, mà đem diễn giải một thế giới khác, một thời gian khác"

      Delete
  5. Trại Súc Vật lẫn 1984 cũng thường thường bậc trung bình yếu. Ví von đơn giản chửi cộng sản dễ vào chắc thế thành hàng hot :)

    ReplyDelete
  6. Bạn phát biểu rất dễ dãi. Trước và sau Thế chiến II, thời thượng trong giới trí thức phương tây không phải là chống cộng, mà ngược lại, là thiên cộng hay ít nhất là thiên tả. Đa số họ bị lóa mắt bới hào quang cách mạng Xô viết, bởi tuyên truyền xã hội bình đẳng đáp ứng đúng mơ ước của họ. Rất ít người sáng suốt nhận ra được thực tế thoái hóa của cách mạng Xô viết, như Gide hay Orwell.

    ReplyDelete
  7. Yeah, cứ nhìn lại địa vị của Ilya Ehrenburg trong đời sống trí thức phương Tây giai đoạn ấy thì cũng có thể thấy nhiều điều rồi.

    ReplyDelete