Jan 10, 2018

Dostoievski: tiếp tục

Ngập ngừng, tôi định viết tiếp bài ở kia, rồi tôi lại thôi, chờ đợi tiếp. Chờ đợi cái gì thì tôi không rõ. Cuốn tiểu thuyết Thằng ngốc là một trong những gì gây choáng ngợp nhất mà Dostoievski từng viết, sự choáng ngợp bắt đầu từ dòng đầu tiên, khi đoàn tàu hỏa từ hướng Vacsava bắt đầu chạy vào địa phận Saint-Petersburg. Một cuốn tiểu thuyết Nga khác cũng mở đầu bằng đoàn tàu: Anna Karenina, nhưng tất nhiên cuốn sách ấy rất khác so với Thằng ngốc. Dostoievski đã đọc, dường như rất kỹ, Anna Karenina, và có ghi lại vài điều; chưa bao giờ Dostoievski và Tolstoy gặp nhau: họ từ chối gặp nhau.

Tôi cũng ngập ngừng, sau ba tập sách dày (xem ở kia), tức là đến 1864, mãi không quyết định được là có tiếp tục không.

Nếu tiếp tục, thì tức là sau (ngay sau) Balzac, tôi sẽ đọc (trong đó một số là đọc lại, nhưng cũng có những thứ lần đầu tiên đọc: điều này rất quan trọng, tôi sẽ còn trở lại sau) hết sạch Dostoievski. Nếu "theo" các bản dịch của André Markowitz, cụ thể là theo ấn bản trong tủ "Thesaurus" của nhà xuất bản Actes Sud, thì tổng cộng có năm tập to; sau khi xơi tái xong ba tập đầu, tôi đã đi đến quá nửa.

Tôi ngập ngừng rất lâu (lâu hơn "mức bình thường" của tôi nhiều). Vả lại, vì trước đó tôi đã đọc "lẻ" Karamazov (trong ấn bản cũng của Actes Sud nhưng không thuộc hệ thống năm tập "Thesaurus") nên thành thử tôi đã đi xong đoạn đầu và cuốn tiểu thuyết lớn nhất của đoạn cuối: ta nhớ Karamazov in năm 1880, đó chính là tác phẩm lớn cuối cùng của Dostoievski, sau đó chỉ còn một "đít cua", một bài phát biểu về Pushkin nữa, rồi Dostoievski chết.

Cuối cùng, tôi cũng quyết định. Tôi quyết định nhảy xuống nước. Tôi đọc (lần này, vẫn là đọc lại) cuốn tiểu thuyết lớn ngay trước Karamazov:


Trong tiếng Việt, tác phẩm này hay được gọi là Đầu xanh tuổi trẻ. Đây là cả một sự kinh dị lớn lao. L'Adolescent (Đứa thiếu niên) là một niềm kinh dị.

Đọc lại nó, tôi bắt đầu hiểu tại sao tôi (từng) ngập ngừng đến thế. Tôi đã dự cảm được, ở lần đọc lại cuốn tiểu thuyết này, tôi sẽ thấy.

Thấy gì? Đứa thiếu niên là một sự hội tụ của một điều rất quan trọng. Điều này liên quan đến cả Dostoievski lẫn độc giả siêu hạng nhất của Dostoievski: Bakhtine. Đứa thiếu niên (1874-1875) cho thấy một điều đối với tôi đã tường minh hơn bao giờ hết: thời điểm viết cuốn tiểu thuyết này, Dostoievski đã nhìn thấy. Đã nhìn thấy điều then chốt nhất, chính là điều làm cho Dostoievski trở nên quan trọng như vậy (tôi muốn nói: gây phiền nhiễu lớn đến vậy; bởi vì không nhà văn nào gây nhiều trắc trở cho đọc như Dostoievski; đọc Dostoievski chính xác là độ không của đọc: tôi nghĩ là tôi nhìn thấy một điều rất quan trọng, có biểu nghĩa rất lớn, ở việc trong suốt cuộc đời Roland Barthes hết sức tránh nhắc đến Dostoievski; bởi vì phải tránh thôi). Tôi hình dung Bakhtine cũng nhìn thấy như vậy; nói đúng hơn, Bakhtine đã theo chuyển động của Dostoievski (chuyển động thuộc loại khó hình dung nhất - chính vì vậy văn chương Dostoievski gây phiền nhiễu khủng khiếp đến vậy) và đến chỗ chuyển động trở nên tường minh, nói ngắn gọn, đến chỗ chuyển động chạm đến cấu trúc. Những điều tôi vừa nói chắc chắn trông có vẻ trừu tượng (nhưng cả ở đây, tôi cũng thấy chúng hết sức cụ thể), tôi sẽ còn quay lại, một cách kỹ càng: cụ thể hơn nữa, tôi sẽ dựng lại câu chuyện Bakhtine đọc Dostoievski. Bakhtine đã nhìn thấy gì?

Đứa thiếu niên, trước hết, là khi Dostoievski nghịch với một điều: sự trùng tên. Ai từng đọc cuốn sách này còn nhớ thằng bé nhân vật chính khi đi học rất khốn khổ vì trên giấy tờ nó mang họ "Dolgorouki" tức là giống họ một gia đình "ông hoàng" cực kỳ danh giá; không một ai không hỏi nó có phải là "prince" hay không, nhưng về danh nghĩa nó lại là con của một cựu nông nô (mặc dù sự thật thì nó là con một người danh giá hơn nhiều, Versilov). Chưa hết, Dostoievski còn tạo ra hai gia đình cùng là "prince" nhưng hoàn toàn không liên quan gì đến nhau, và đều có họ Sokolski. A, nhưng tại sao lại có lắm "prince" như thế? Ta nhớ, nhân vật chính của Thằng ngốc cũng chính là một "prince", và các "prince" xuất hiện ở khắp mọi nơi trong (gần như) mọi tác phẩm của Dostoievski. Đó là vì xã hội Nga hồi đó rất nhiều "prince". Tôi đã phải đọc hàng đống thứ để cố tìm hiểu tại sao lại có lắm "prince" Nga như vậy; ở một khía cạnh khác, một nhân vật trong Karamazov (chuyện "một nhân vật" là hết sức quan trọng, tôi sẽ còn quay trở lại) cũng phát biểu đầy khinh miệt rằng người Ba Lan quái nào cũng là "bá tước" hết: điều này rất đúng: trong một câu chuyện của Balzac nhân vật chính là một quý tộc Ba Lan, Laginski, và đó cũng là một bá tước (xem ở kia). Tôi nhắc ngay đến Balzac là vì Đứa thiếu niên, trong mắt tôi, là cuốn tiểu thuyết rất Pháp (cuốn tiểu thuyết "rất Anh" của Dostoievski, chắc nhiều người biết, là Những kẻ tủi nhục); thậm chí tôi còn nghĩ là tôi thấy âm hưởng Balzac trong Đứa thiếu niên: một nhân vật phụ, bạn học của thằng bé nhân vật chính tên là Lambert, một học sinh, và tên là Lambert, đương nhiên ta nghĩ đến Louis Lambert của Balzac, không những thế, trường mà bọn trẻ con theo học trong Đứa thiếu niên tuy ở Nga nhưng lại là trường của một người Pháp, Touchard; nếu điều tôi vừa nói là "quá yếu" thì vẫn còn một điều nữa tuyệt đối không thể chối cãi: Đứa thiếu niên có (một trong những) chủ đề chính là chủ đề không thể balzacien hơn: tiền. Nói thêm về sự trùng tên: suýt thì ta còn có thêm một sự trùng tên quái đản nữa, nếu nhân vật (phụ) Akhmakova được Dostoievski viết thành (Anna) Akhmatova.

Nhảy xuống nước rồi, tôi thấy không có lý do gì để không tiếp tục. Dưới đây là một tác phẩm ngắn, nó nằm xen vào giữa Đứa thiếu niênKaramazov:


Về cuốn sách vô cùng xuất chúng này, xem ở kia.

Và tất nhiên, đã như vậy rồi, không còn lý do gì để không xơi nốt những gì còn lại, tức là tập thứ tư bộ sách của tủ "Thesaurus" đã nói ở trên (Đứa thiếu niên, La DouceKaramazov làm nên tuyệt đại đa số nội dung tập thứ năm tức là tập cuối cùng), và tập bốn ấy (1869-1874) đây:



Lúc trước, tôi rất không muốn động vào tập này vì nó có (đây chính là một nguyên do không nhỏ gây ra sự ngập ngừng ở tôi, trong riêng địa hạt Dostoievski) Les Démons. Trên đây, tôi đã nhắc đến Những kẻ tủi nhục. Tôi từng đọc, cách đây đã nhiều năm, Dostoievski, bắt đầu chính bằng Những kẻ tủi nhục và cuốn tiểu thuyết hay được gọi là Lũ người quỷ ám. Đó cũng là hai tác phẩm của Dostoievski để lại ấn tượng rất lớn cho tôi, rất rất lớn. Như vậy, hồi ấy, tôi đã đọc Dostoievski bằng một bản dịch miền Bắc (Những kẻ tủi nhục) và một bản dịch miền Nam (Lũ người quỷ ám). Nhưng tôi đã đọc lại được Humiliés et Offensés, thì không lẽ gì tôi lại không đọc lại Les Démons.

Việc đọc Dostoievski gây ra một số điều: ai thực sự đọc Dostoievski cũng sẽ dễ dàng công nhận: đọc Dostoievski (đặc biệt là một số tiểu thuyết) ta cảm thấy bừng sốt, ta cảm thấy ngây ngất (đây là trạng thái hao hao "extase", mà ta nên hiểu theo nghĩa của từ nguyên: ngây ngất nghĩa là ra ngoài mình). Rất dễ, từ đó, đi tới các kết luận và khẳng định liên quan đến động kinh, hysteria, nói tóm lại là những gì thuộc vào địa hạt của sự điên. Nhưng như thế là sai, ít nhất là rất khả nghi: chưa bao giờ văn chương xa lạ với sự điên; lẽ sống của văn chương gắn liền (theo rất nhiều cách rất khác nhau) với điên; James Joyce nói văn chương của mình cách sự điên bằng một tờ giấy mỏng tang và trong suốt. Nói văn chương Dostoievski điên rồ (và "lên cơn") đồng nghĩa với chẳng hiểu gì hết; Don Kihote chắc chắn có tiếp xúc lớn với điều này hơn nhiều; một người đặc biệt sáng suốt (một sự sáng suốt thuần chất nhất từng tồn tại) như Baudelaire thì chính là sự sáng suốt trước điên, sự sáng suốt đối diện với điên. Ở một mặt khác, rất đông đảo nhà bình luận văn chương Dostoievski (đặc biệt ở đoạn đầu thế kỷ 20) nhìn nhận văn chương Dostoievski theo ý luận, theo tinh thần slavophile, theo sự bài trừ châu Âu, theo yếu tố thần bí, theo quan niệm về tồn tại của Chúa. Bakhtine sẽ là người đặt văn chương của Dostoievski về đúng chỗ, một cú đảo chiều ngoạn mục chưa từng có; tôi sẽ còn quay trở lại đặc biệt với câu chuyện ấy nên ở đây chỉ dừng ở đó, tuy nhiên có thể nói rằng, thêm một lần nữa, Bakhtine đã theo chuyển động của văn chương Dostoievski (của văn chương Dostoievski chứ không phải Dostoievski, cũng như không phải của các nhân vật của Dostoievski: các nhân vật của Dostoievski không phải là Dostoievski, càng không phải văn chương của Dostoievski, hay nói đúng hơn, sự viết của Dostoievski). Bởi vì cái viết của Dostoievski chuyển động, hay nói đúng hơn, nó có chuyển động riêng, và vô cùng khó nắm bắt (trước hết, nó là rất khó hình dung: ta cứ tưởng tượng, Pessoa, Kafka, chẳng hạn - Felice Bauer từng tặng cho Kafka, lúc họ còn có quan hệ với nhau, Karamazov). Rất nhiều người đã đi bắt bướm, nhưng người duy nhất bắt được là Bakhtine.

Tôi vượt luôn qua bộ sách năm tập với công lao của Markowitz. Giống Balzac, giống rất nhiều khác, Dostoievski còn là con người của những bức thư (về các bức thư, xem ở kia):


Dostoievski, như trên đã nói, gây ra rất nhiều điều (với chuyển động quá đặc biệt). Không ở đâu tôi thấy rõ hơn so với trong địa hạt Dostoievski một thứ: mặc cảm. Nói đúng hơn, liên quan tới Dostoievski, điều mà Ezra Pound từng hết sức nhấn mạnh, "vague terms", cám dỗ lớn đối với con người, sự mập mờ, sự mù mờ, sự không rõ ràng, trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Và đó chính là mặc cảm (trong tương quan với Dostoievski, mặc cảm vô cùng quan trọng, tôi sẽ còn quay trở lại). Ai (tôi muốn nói: không loại trừ một ai) cũng nói đến Dostoievski; trong đường link ở kia tôi đã nói đến cái câu dùng để nhận ra những người đọc Dostoievski giả vờ (liên quan đến "cái đẹp" rồi "cứu rỗi" rồi "thế giới"): đây là một trong những "vague terms" rất đặc trưng trong địa hạt Dostoievski. Người ta luôn luôn không thực sự biết mình nói gì khi nhắc đến Dostoievski. Và, chưa hết (vẫn là một thử nghiệm rất nhỏ và đơn giản: về cơ bản, tôi nghĩ không bao giờ cần phải hướng đến bất kỳ cái gì to tát), tôi chỉ cần hỏi trong bộ sách tiếng Việt đã in cho đến nay chừng trên dưới mười tập, trong mấy năm vừa qua, có Nétotchka Nezvanova không, thì không ai trả lời được. Thế mà, tôi biết chắc, vô số người chụp ảnh bộ sách này khoe trên facebook. Có đủ bộ sách mà không trả lời nổi trong đó có một tác phẩm cụ thể không, ấy chính là "vague terms". Tinh thần của con người, và ý thức của con người (thêm hai điều đặc biệt quan trọng trong địa hạt Dostoievski) thường xuyên hết sức hài hước. Và ngay lập tức, vẫn trong đường link ấy, có người hỏi là tôi thấy bản dịch Chàng ngốc mới như thế nào. Đây là dạng câu hỏi minh họa tuyệt vời cho "vague terms", dạng câu hỏi rất khó trả lời, ấy chết, tôi vừa nói nhầm, dạng câu hỏi quá dễ trả lời, vì khi bị hỏi như vậy, tôi luôn luôn có thể trả lời: tôi chẳng thấy thế nào cả. Có vô vàn người giả vờ đọc, nhiều không thể tưởng tượng nổi.

Thêm nữa, bộ sách trên dưới mười tập trong tiếng Việt: khi tôi thấy dường như ông Hoàng Thúy Toàn có tham gia, thậm chí còn với tư cách yếu nhân, tôi thấy như thể mắt tôi bỗng trở nên to bằng mắt con chó trong câu chuyện về cái bật lửa của Andersen (chính xác hơn, bằng con chó thứ ba) và tóc gáy dựng ngược hết cả lên. Ông Hoàng Thúy Toàn và Dostoievski: không có sự kết hợp nào khủng khiếp hơn, hài hước hơn - nói đúng hơn, vì ở đây liên quan đến Dostoievski, hài hước trong cơn hysteria.

Và, nếu tôi không nhầm, bộ sách ấy ghi "toàn tập". Toàn tập Dostoievski như thế nào? Ta hãy xem danh mục của bản dịch tiếng Pháp (André Markowitz):


Có tổng cộng 40 đề mục trước tác của Dostoievski, chưa tính thư (tập sách in thư từ trên đây mới chỉ là một trong nhiều tập) và các loại ghi chép.

Rất nhiều khả năng ta lại có thêm một cái gì đó rất tương tự bộ sách tiếng Việt dịch Balzac.

Vả lại, những người dịch Dostoievski ra tiếng Việt, ngoài rất nhiều điều khác nữa, rất nhầm ở chỗ: rất nhiều tác phẩm của Dostoievski không quá mức nổi tiếng (ít nhất là tại Việt Nam) lại vô cùng quan trọng. Vô cùng quan trọng để nắm bắt chuyển động ấy, ở Dostoievski. Nhưng chắc chắn, đối với họ, cái chuyển động đó, họ give a damn.


Suýt quên, nếu hiểu biết của tôi về một số thứ ở đây là đúng (chắc sẽ không sai), tác phẩm trong ảnh (về cái sự "dưới hầm") sắp gây một số sóng gió:







Đẹp và bị chà đạp (Thằng ngốc)
Dostoievski
Dịu dàng tức Người thục nữ

22 comments:

  1. Cảm ơn bác, ít ra bác cho tôi thấy bác có đọc Dostoyevski, qua cái chương trình đọc sách xì tai gì đó thấy có vài nhân (từ phê bình tới nhà văn) nói mình rất tôn sùng ông này mà tôi chưa thấy có dấu hiệu gì để chỉ ra là đã đọc và cũng chả thấy nói được điều gì đáng kể. Thấy bác nói toàn sách tiếng Pháp, giờ tôi đang nghĩ xem có nên mua cuốn Tội ác và Hình Phạt bản Việt không này, thấy mắc vô lý quá nên tôi cũng phải nghĩ.

    Trần Bình

    ReplyDelete
  2. theo bác, quyển đó "tội ác và hình phạt" hay "tội ác và trừng phạt"? tức là tên tiếng Việt nên là thế nào? tôi thấy điều này rất đáng quan tâm, và tất nhiên qua đó tôi cũng muốn nói Cao Xuân Hạo chưa chắc đã nên được coi là đúng, ở trường hợp này

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi thấy cụm Tội ác và Hình Phạt (danh từ vaf danh từ) như ông Hạo diễn giải là hợp lý, tôi chưa đọc quyển ấy nên chỉ biết có vậy, bác có lý giải nào khác chăng, tôi rất muốn nghe.

      Trần Bình

      Delete
  3. Dolgoruki ngoài việc là tên người sáng lập ra Matx thì còn là tên một nhãn rượu vodka rất ngon. Đọc những cái này chỉ thấy tủi thân là chẳng bao giờ đọc được cái gì nguyên tác, cứ phải đợi bản dịch Tiếng Việt :( Nói tới Dots lại nhớ tới Chuyện ngõ nghèo.

    ReplyDelete
  4. Cháu hỏi chút, truyện Cô gái nhu mì trong bản in mới đây của NN (PMH dịch) có phải chính là cuốn Người thục nữ mà chú nhắc đến không?

    VVD

    ReplyDelete
  5. mới gì, tái bản í mà

    sắp tới đây sẽ là Karamazov

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có lâu không bác, mà bản dịch mới hay cũ, cũ thì chán quá.

      Delete
  6. Chú vẫn chưa trả lời câu hỏi của cháu mà.

    VVD

    ReplyDelete
  7. Thôi chả cần chú tl nữa. Chắc kèo 99% r :D. Cháu sẽ thử xem phim.
    NN mà tái được quả Karamazov thì quá đẹp. Cháu sẽ mua ủng hộ (dù cháu cũng sắp có 1 quyển r, Dos xứng đáng được ưu tiên).
    Chàng ngốc thì chắc sẽ là cuốn sau cùng của Dos mà cháu đọc. Thà toét mắt với WWClassic chứ nhất quyết không đọc cái quyển sách to như cái mả bố thằng ăn mày.

    VVD

    ReplyDelete
  8. hoan hô

    đấy, nhiều cái (gần như mọi cái) đều có thể tự tìm hiểu một cách thành công

    phần lớn câu hỏi không hề có lẽ sống

    ReplyDelete
  9. Chú câu cmt chứ gì ;)
    Cháu biết thừa nhưng đang cơn lắm lời nên phải phun ra cho bằng thích. Vụ sách của năm (nay) cháu cũng có tí dự đoán rồi. Nhưng xem xét tình hình cháu lại thấy chẳng thà làm pha Gia Cát-Chu Du cho vui :D

    ReplyDelete
  10. Phải là Don't give a damn chứ nhỉ?

    VVD

    ReplyDelete
  11. ơ, đang không hề có í định câu comment

    ReplyDelete
  12. đấy, quả nhiên, động tới Dostoievski là liên tục xuất hiện đủ thứ minh hoạ cho "vague terms"

    thế nào là lâu, thế nào là không lâu? thế nào là mới, thế nào là cũ"? và "chán" nghĩa là thế nào? cả một mê cung chỉ bằng vài từ, Dostoievski vĩ đại chính ở chỗ tạo ra những núi mây rối tung rối mù như thế này

    ReplyDelete
  13. Cái cmt sách của năm là của cháu. Quên kí tên.

    Vụ give a damn: Đại để nó là "quan tâm". Trong trường hợp của chú thì là "để tâm", "chú ý" vv. Vậy nên cháu nghĩ nó phải là don't give a damn :))

    VVD

    ReplyDelete
  14. Hay chính xác hơn thì là didn't give a damn :))

    VVD

    ReplyDelete
  15. Tan mạn, dông dài, không tập trung vào vấn đề chính. Thấy ông khoe ông đọc nhiều, ông "sành đọc" là chính! Nhưng nếu ông thực sự sành đọc thì ông đã cha lan man đến thế! Đọc ông một hồi người ta thấy mệt vì ông cứ rẽ ngang rẽ dọc mà cái điều người ta thực sự muốn biết thì ông lại cha hề nói đến!!!

    ReplyDelete
  16. Ha ha ha @Loan Chu chắc giống mình, mình muốn biết ngoài cái chính “sành đọc” và rành về phụ nữ thì ông này rẽ ngang rẽ dọc xoay trở tới lui thế nào mà ổng chả hề nói đến!!! Mà thật, đọc ông này thấy mệt ha ha ha

    ReplyDelete
  17. Đọc lần thứ hai còn cần thời gian dài hơn đọc lần đầu.

    ReplyDelete
  18. cấu trúc = thần bí

    cái đã luôn ở đó; đọc: một cách xếp khác; viết: transparent and invisible

    ReplyDelete