Jan 25, 2016

Văn chương miền Nam: giữa chừng

Văn chương miền Nam đứng khựng lại giữa chừng, giữa đà bay của một con chim tuyệt đẹp, một "cú bay thảng thốt tuyệt mỹ". Lần duy nhất, ta có cả một nền văn chương giống như hóa thạch trong hổ phách. Trước một hóa thạch hổ phách, người ta nên làm gì?

Nên hiểu về hóa thạch, và về hổ phách, tất nhiên. Nhất là sẽ chẳng tích sự gì khi bàn về chuyện nó "bất hạnh" hay không bất hạnh. Những chuyện như thế, tại sao lại phải bàn đến? Cực kỳ vô ích và mất thời gian.

Hổ phách là một vật chất vô định hình, thế cho nên nó đẹp nhưng cũng rất dễ bị nhào nặn, đến mức độ méo mó. Võ Phiến chính là người làm cho khuôn mặt văn chương miền Nam lệch hẳn đi, chứ không phải là ai khác nữa. Võ Phiến là một thử thách ghê người cho cuộc phê bình văn chương. Vị thế người trong cuộc tạo ra một lòng tin nhất định ở người khác, về những nhận định của Võ Phiến. Nhưng Võ Phiến đã không làm công việc ấy, ít nhất là không làm công việc ấy một cách đến nơi đến chốn. Muốn hiểu văn chương miền Nam, yêu cầu đầu tiên chính là gạt Võ Phiến sang một bên.

Tôi đã nhìn thấy một số sự nghiệp phê bình sụp đổ chính ở chỗ đã hiểu nhầm, rất nhầm về Võ Phiến.

Đừng nghĩ ở đây có gì liên quan đến sự hả hê. Không có sự hả hê nào cả, mà là câu chuyện của "Un fait est un fait" (Chateaubriand). Tôi thường nói, trong văn chương không có lòng thương xót, thì ngược lại, và cũng chính vì thế, trong văn chương không có sự hả hê. Nếu chứng kiến một việc gì đó, những trận đòn hội chợ, mà trong lòng bạn chợt thấy hả hê, thì đích thị bạn là một con dòi rồi đấy. Không có phép thử nào chính xác và đáng tin cậy hơn được nữa đâu. Những lúc có mấy câu chuyện như vậy xảy ra, tôi bèn thực hành một trong những môn thể thao ưa thích của tôi: đếm. Tức là một, hai, ba, bốn, chính xác là như thế, đúng hơn là: một con dòi, hai con dòi, ba con dòi, et cetera. Lần nào cũng như lần nào, đông đến nhức cả đầu. Một con dòi để ria thích khoe âm nhạc nhưng chơi nhạc cực dở, một con dòi đầu trọc, một con dòi mặt thư sinh giờ đã bủng hết cả ra, một con dòi đắt tiền, et cetera.

Võ Phiến, và cả Vũ Trọng Phụng nữa, đó chính là những thử thách ghê người. Cũng tương tự ở trường hợp Võ Phiến, không ít sự nghiệp phê bình sẽ sụp đổ vì trường hợp Vũ Trọng Phụng. Ở đây thì còn nhiều hơn nhiều, hơn rất nhiều.

Lại còn Nhã Ca: tại sao lại có thể nghĩ Nhã Ca là một nhà văn lớn được? Ở Việt Nam mới chỉ có duy nhất một nữ thánh văn chương mà thôi: Đoàn Thị Điểm.

Võ Phiến thì giống như Tô Hoài. Tôi còn muốn nói hơn thế nữa, Võ Phiến thì chính là Tô Hoài. Ở đây là một sự thông nhau. Sự thông nhau ấy không dễ nhìn, nhưng có thể lấy thêm một ví dụ: Võ Phiến và Tô Hoài đâu có cách xa Gabriel García Márquez. Thông nhau hết, thứ nhất là cái đặc điểm mỗi người trong số họ đều tự tạo ra một thế giới riêng, làng Macondo, mảnh đất đại đồng của đám côn trùng, thế giới tính dục đồng quê miền Trung Việt Nam. Và hơn thế nữa, họ chung nhau cái đặc điểm, công trình văn chương của họ cực kỳ to lớn và vững chãi chừng nào họ còn tồn tại, được tiếp sức bởi tính cách mạnh mẽ và tầm vóc như thể rất to lớn của họ. Rồi tan biến (tất nhiên cũng không phải là tan biến hết). Như thế cũng đã là cực nhiều, nhưng như thế cũng là quá ít.

Võ Phiến làm cho người ta tưởng tạp chí Bách khoa là quan trọng. Không phải thế. Nhất là, Võ Phiến làm lu mờ đúng nhân vật quan trọng nhất của văn chương miền Nam, thủ lĩnh (mà lại không hề trong bóng tối) của văn chương miền Nam: Thanh Tâm Tuyền.

Chỉ có thể thực sự hiểu văn chương miền Nam nếu không quá tin lời Võ Phiến.

Văn chương miền Nam, thật ra người ta có biết về nó hay không? Tôi ngờ là không hề. Cách đây một thời gian, tại Sài Gòn, tôi gặp mấy nhân vật của Sài Gòn, những người lúc nào cũng thể hiện tinh thần cương quyết ngút trời về bảo vệ di sản văn chương miền Nam. Thực tâm tôi rất muốn tìm hiểu thêm về một số vấn đề. Nhưng điều duy nhất tôi nhận ra là bản thân họ đâu có biết gì về văn chương miền Nam. Thật là nực cười, thế mà luôn miệng chửi rủa sự vùi dập, sự lãng quên, sự quá đáng. Trước hổ phách, không phải ai cũng biết phải làm gì.

Văn chương miền Nam, đó là Bùi Giáng, là Bình Nguyên Lộc, là những đàn anh lớp trước, Nhất Linh là điểm hội tụ lớn nhất, nhưng đặc biệt quan trọng là Hồ Hữu Tường. Đâu có thể hiểu văn chương miền Nam nếu không lần lại từ Hồ Hữu Tường, từ thời "Văn chương tranh đấu miền Nam" nhưng không liên quan đến những thơ ca rất dở của những Ngô Kha và Võ Quê, "Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa" et cetera, mà là giai đoạn của những Nguyễn Bảo Hóa tức Tô Nguyệt Đình, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà. Văn chương miền Nam, nhất là, đã được hưởng cả một bầu tinh túy từ miền Bắc.

Thanh Tâm Tuyền, nhưng không chỉ như vậy. Hai nhân vật văn chương cột trụ của miền Nam một thuở là Viên Linh và Dương Nghiễm Mậu. Cả ba người đều chung một xuất thân, một kiểu di chuyển, ở giai đoạn đầu tiên; thậm chí Viên Linh và Dương Nghiễm Mậu còn gần sát nhau nữa, cho dù về sau này có tách hẳn ra (sẽ rất cần một nghiên cứu đặc biệt tỉ mỉ về trường Chu Văn An).

Tôi đã đi qua, trong vài năm vừa rồi, một văn chương miền Nam, với một sự tôn trọng hết mức, với một lòng ngưỡng mộ chân thành vẻ đẹp của hóa thạch hổ phách. Kể từ ngày tôi tình cờ phát hiện cùng một lúc ba cuốn sách, 41 năm làm báo của Hồ Hữu Tường, Gia tài người mẹ của Dương Nghiễm Mậu và Đò dọc của Bình Nguyên Lộc, cách đây đã nhiều năm, tôi biết mình cần phải cố sức hiểu. Văn chương ấy xứng đáng như thế. Giờ đây đã ở đoạn giữa chừng.

Nhưng tôi sẽ không làm thêm quá nhiều, mặc dù những gì tôi tìm hiểu được hoàn toàn đủ cho nhiều thứ. Tôi sẽ chỉ còn nói đến một số điều theo tôi là quan trọng, không thể bỏ qua. Cách đây vài năm, tôi tự nguyện rút khỏi một nghiên cứu tập thể vào đúng lúc sau rất nhiều chờ đợi nó đã có thể khởi động.

Có một điều gì đó ngăn cản tôi. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều, bình thường tôi chẳng mấy khi suy nghĩ, nhưng về việc làm như thế nào với văn chương miền Nam thì tôi đã thực sự phải nghĩ.

Rốt cuộc, tôi đã hiểu ra, vấn đề ở đây chính là đạo đức. Ta không thể lờ đạo đức đi được, ở một bình diện tột cùng, nếu muốn bước sang một cái khác. Đạo đức ở đây có nghĩa là, tôi có thể tìm hiểu văn chương miền Nam, có thể biết đích xác nhiều thứ căn cốt ở nó, nhưng chỉ dừng ở đó mà thôi. Tôi đã có thể, mà không gặp vấn đề gì về mặt đạo đức, thực sự làm nhiều điều về văn chương tiền chiến, nhưng ở đây thì không. Rồi đây sau tôi, sớm thôi, sẽ có một người trẻ tuổi biết phải làm gì với văn chương miền Nam. Một thế hệ nữa là đã có thể. Tôi nghĩ đó cũng sẽ là một người miền Bắc. Trước cái đẹp, đầu tiên phải là sự kinh ngạc đã.

Tôi sẽ chỉ dừng ở mức tối thiểu. Mức tối thiểu cần thiết cho tôi trong công việc dựng ra bức tranh của cái mà tôi gọi là Con đường văn chương Việt Nam. Nó sẽ là tên một cuốn sách đấy. Mãi mà tôi không in sách, thì tất nhiên là tôi chờ đợi. Giờ tôi đã bằng cỡ tuổi Khái Hưng khi ông ấy bắt đầu in sách, kém Mặc Đỗ một chút.

Còn lại một việc nữa: văn chương miền Nam đâu có dừng lại ở năm 1975. Đây mới là điều huyền bí nhất. Tất nhiên là không thể như vậy được. Giờ, ta cần xác định, đâu là những cột trụ quan trọng nhất để nói đến một sự bảo toàn cho di sản văn chương miền Nam. Với tôi, hiển nhiên không thể là Võ Phiến, nhưng hiển nhiên phải là các nhân vật từng hết sức quan trọng ở giai đoạn văn chương miền Nam trước 1975. Họ từng rất quan trọng, nhưng sứ mệnh chính yếu của họ lại nằm ở đoạn sau 1975, thế cho nên mới khó hiểu và khó nhìn.

Có ba người quan trọng nhất.

Người thứ nhất là Viên Linh, người ra đi ngay từ đầu, ngay từ trước thảm họa.

Người thứ hai là Dương Nghiễm Mậu, người đã, ngược hẳn lại với Viên Linh, không đi đâu hết cả.

Và người thứ ba là người ở giữa, ra đi vào khoảng giữa. Đó chính là Nguyễn Quốc Trụ.

Thế là cuối cùng tôi cũng đợi đến cái ngày, ngoài việc được viết về một số người khác, được nói đến đối thủ lâu năm của tôi, Mr Tin Văn Nguyễn Quốc Trụ.


Văn học miền Nam: Phan Khoang và Phan Du
Phan Nhật Nam
Võ Phiến
Văn học miền Nam: Thơ
Thơ (tiếp)
Bùi Giáng
Mặc Đỗ
Thanh Tâm Tuyền
Văn học miền Nam: Một số "tác giả lẻ"
Nguyễn Mộng Giác
Bình Nguyên Lộc
Y Uyên và Thảo Trường
Nguyễn Đình Toàn
Huỳnh Phan Anh
Văn học miền Nam: Thi sĩ Quách Thoại
Nguyên Sa
Hoàng Hải Thủy
Văn học miền Nam: Nhà văn Dương Nghiễm Mậu

(các bài trên đây sẽ sớm được bổ sung và chỉnh sửa)

15 comments:

  1. 1. Khi nói Văn Chương Miền Nam, không nhất thiết để chỉ những người sáng tác sinh trưởng tại Miền Nam, Thanh Tâm Tuyền là một ví dụ. Tôi yêu Thanh Tâm Tuyền như yêu Bùi Giáng như yêu Trịnh Công Sơn. RIP các ông, những người vẫn đọng hoài trong tôi một tình thương mà già rồi tôi cũng chưa hiểu hết nó đau xót như thế nào ấy.

    2."Trong văn chương không có lòng thương xót"? Có lẽ nên hiểu là "Trong phê bình văn học không có lòng thương xót" thì đúng hơn. Nhà phê bình có thể đối xử với các tác phẩm, tác giả như thế nào theo thẩm mỹ riêng hoặc một trào lưu nào đó mà anh ta cổ súy. Một khi nhà phê bình muốn khoác vào mình tấm áo ngự sử văn đàn hay thanh đao cuả học thuật, thì văn chương đã biến thành một nhà tù. Xin đừng quên, một cung điện lống lẫy đẹp đến từng centimet thì cũng không khác gì mấy với một nhà tù mini. Văn chương cũng chẳng khác gì một sân chơi, nhà phê bình là những tay chơi mà thôi, thế mới nghệ sĩ bằng không trở thành ông bầu, hay chủ sân mất rồi?

    3. Tôi có thể hiểu hoặc tự cho mình là có thể hiểu tại sao NhịLinh lại rút lui khỏi một công trình tập thể. Vưà mới viết "Trong văn chương không có lòng thương xót" thì Nhị Linh lại chuyển sang... "đạo đức" trong văn chương. Nhà phê bình, anh là ai? Tại sao bỗng dưng anh trở nên... "nhân hậu và cảm động?

    4. Tôi cũng ngưỡng mộ bác Tin Văn, mặc dù ổng hay "chưởi tứ phía". Còn Võ Phiến? Đọc ông thấy vui vui, nhưng không mê văn cuả ông. Nhưng ông ta có độc giả cuả ông ta, dù cho ai có muốn bảo "đừng, đừng, ông ấy không hay lắm đâu" thì cũng chẳng ngăn cản được. Vì văn là đất, là người, là thổ nhữơng, là thiên nhiên cuả một miền đất nơi những con người ở đó trót gắn bó. "Cái rét đầu đông khăn em bay đìu hiu gió luà" làm sao kham nổi "Mưa rừng ơi mưa rừng..." cho được?

    5. Nói dài dòng như vậy để tóm lại, là một người tài hoa, thì cứ chí khú thực hiện những hoài bão để đời cuả mình đi. Những dị biệt không ngăn cản được "nội tâm thâm hậu" bung chưởng, thì giang hồ mới ngưỡng mộ. Lè nhè như bọn "Em chã...", ai chơi?

    ReplyDelete
  2. chả có gì là như thế cả

    ReplyDelete
  3. Ở thư viện tại California, tôi đã đọc Tổng quan Văn Học Miền Nam cuả Võ Phiến. Thú thật tôi không thấy hấp dẫn, nó khô cứng làm sao. Nếu người viết là Nhị Linh và ông địch thủ lâu đời cuả Nhị Linh - bác Tin Văn - mà viết thì nó sẽ hay hơn, tinh tế hơn.
    Tôi cũng đọc sách thơ song ngữ Việt-Mỹ có "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây" gì đó dở ẹc mà không thấy Tô Thùy Yên hay Thanh Tâm Tuyền. Tôi phát nản, hoà giải giả tạo quá.
    Về Nhã Ca, tại sao đưa vấn đề "nhà văn lớn" ra để làm gì? "Giải khăn sô cho Huế" viết như kể lại chuyện có thật không phải một sáng tác văn chương công phu như "Nỗi buồn Chiến tranh", song giá trị cuả nó là không nhỏ. Nhưng tôi thích nó, đọc lần thứ hai lưng chừng, tôi không muốn đọc tiếp, vì thấy buồn quá. "Hoà bình cuả những nấm mồ".

    ReplyDelete
  4. tôi không nghĩ về GKSCH như thế

    "nhà văn lớn" là vì: bất kỳ ai viết đúng được về Mậu Thân đương nhiên tạo ra được văn chương lớn, đích thực

    từng có một tác phẩm như thế, nhưng không phải của Nhã Ca

    những gì đang diễn ra khiến tôi nghĩ người ta đã bỏ qua cái đích thực mà chạy theo một cái không đích thực

    ReplyDelete

  5. "Nếu có 1 nhà văn lớn của Việt Nam, thì chắc sẽ là Linda Lê, lập lại nhận định của NL. " - GNV.

    "Nếu có 1 nhà văn lớn của Việt Nam, thì chắc sẽ là Linda Lê, lập lại nhận định của NL. " - GNV.

    The writer we all are looking for is Tran Vu.
    - GC

    ReplyDelete
  6. Trần Vũ viết bóng bẩy, hung bạo, cố gắng rắc rối nhưng thiếu nội lực. Nên chỉ hấp dẫn dân Việt Nam dốt. Sách Trần Vũ đã được dịch sang Pháp Văn, nếu khá thì bà con thế giới đã nhận ra. (BBP)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thưa Bác Bụng Phệ, ngoài "bóng bẩy, hung bạo, cố gắng rắc rối" ra, Trần Vũ còn có nhiều hương vị khác, thú vị lắm. Linda Lê "gãi" đúng cái ngứa cuả châu Âu, dĩ nhiên phải được "nhận ra" chứ.

      Đọc Trần Vũ, là biết ngay anh viết cho độc giả Việt, tâm hồn cuả anh tác phẩm cuả anh như thể dành trọn cho người Việt, cho Đất Mẹ Việt Nam. Và rất nhiều người trong độc giả cuả anh không "dốt", được chưa?

      Delete
    2. Sợ mấy quả "đất mẹ" này lắm. Haizz.

      Delete
    3. ơ, chỉ thế thôi, không tiếp tục à?

      mới được hai chiêu mà

      liên quan đến Trần Vũ, tôi từng gặp rồi, cãi nhau (offline, có người chứng kiến) mấy trận ác phết nhưng nhìn chung không có vấn đề gì

      Delete
    4. Linda nổi tiếng mấy không cần biết, chỉ không muốn so sánh hai người.
      Phải viết được bằng Tiếng Việt, thì mình mới ưng.
      Ví dụ Nhị Linh du học Pháp, rất giỏi, nhưng lại không viết phê bình được bằng tiếng Việt, thì đâu còn là Nhị Linh nữa, đúng không? :-)

      Delete
    5. bác nhầm rồi, nhầm rất lớn, trong việc đánh giá văn chương Trần Vũ

      Delete
    6. Tôi không đánh giá gì cả, tôi chỉ muốn nói rằng tôi thích các sáng tác cuả Trần Vũ. Người đọc chúng tôi hồn nhiên và đơn sơ lắm. Chúng tôi thường hóng xem các nhà phê bình viết gì, nhưng theo tự nhiên, chúng tôi có trực cảm riêng cuả chúng tôi, không thích ai dẫn dắt. Cũng như "Tiếng Việt" mà tôi nói đây đơn thuần là Vietnamese language. Tôi không nói nó là Bắc, Trung, Nam; hay Quốc, Cộng gì cả.

      Delete
    7. đơn sơ cũng vẫn là đánh giá

      Delete
  7. Replies
    1. em ưng cặp môi chị này

      Delete