Jun 28, 2017

Ursule Mirouët (tiếp)

Nhân tiện: cuốn tiểu thuyết Béatrix đã được tiếp tục; những miêu tả thành phố Guérande (thuộc vùng Bretagne) ở đoạn đầu Béatrix của Balzac vô cùng nổi tiếng, nhờ đó ta thấy rằng không chỉ khi miêu tả vùng Touraine quê hương (như trong Người phụ nữ tuổi ba mươi) Balzac mới tìm được nhiều cảm hứng; Một vụ việc ám muội cũng đã được thêm một ít: đây là "kỳ áp chót", ngay trước khi chúng ta đi hết chương thứ nhất.

Giờ, ta tiếp tục Ursule Mirouët, cuốn tiểu thuyết có tầm cỡ rất tương đương Một vụ việc ám muội, cấu trúc cũng rất tương tự (xem phần thứ nhất ở kia).

Như ta còn nhớ, Ursule Mirouët là cuốn tiểu thuyết mà Balzac dùng để mở ra phần thứ hai của Vở kịch con người, "Scènes de la vie de province", phần về cuộc sống ở tỉnh (tôi đề nghị bỏ hết mấy thứ "tỉnh lẻ" đi: đây là tỉnh, không phải tỉnh lẻ). Sau 27 tác phẩm của "Scènes de la vie privée" tức là phần đầu tiên, với cuốn tiểu thuyết này ta bắt đầu một phần mới. Phần về "cuộc sống tỉnh" gồm tổng cộng mười tác phẩm. Tác phẩm thứ hai là Eugénie Grandet, mà tôi nghĩ chính là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất ở Việt Nam (với sự đóng góp rất lớn, điều này khá chắc chắn, của một bộ phim chuyển thể từ đó, vì người Việt Nam vốn dĩ hâm mộ diễn viên Louis de Funès). (Còn tác phẩm cuối cùng, thứ mười của phần này, tức là số 37, chính là cuốn tiểu thuyết đồ sộ Hết ảo tưởng, ngay sau đó là chuyển sang phần về cuộc sống Paris, mở đầu là Ferragus).

Tuy nhiên, Ursule Mirouët lớn hơn nhiều so với Eugénie Grandet.

Và, tác phẩm cùng phần "tỉnh" nào gần với Eugénie Grandet? Không phải Ursule Mirouët, mà lại là Gái già (La Vieille Fille), mà tôi cũng đã bắt đầu dịch, xem ở kia.

Ở phần trước, ta đã bắt đầu làm quen với thành phố Nemours bối cảnh của câu chuyện. Sau ông chủ trạm xe, nhân vật thực sự quan trọng đã xuất hiện: bác sĩ Minoret, một nhân vật từng thân cận hồi trước đó với Diderot và nhóm các nhà bách khoa thư, nhưng cũng không xa lạ với Robespierre, "con người Bất Khả Lũng Đoạn" nhưng cũng sớm lên đoạn đầu đài nốt (à, có ai biết tại sao Robespierre lại bị chém đầu không? đó là vì một câu chuyện liên quan đến đồng cốt bói toán đấy, khục khục). Ông già Minoret bị đám cháu vây quanh - vây chặt thì đúng hơn. Đó là một xã hội Nemours cấu kết chặt chẽ với nhau, gồm lục sự, thu thuế etc., tất tật đều có họ hàng với nhau, theo cách này hay cách khác, nhưng cái xã hội ấy cũng tiếp nhận từ bên ngoài một nhân vật rất xảo trá, Goupil, một trong những sáng tạo đặc sắc nhất của Balzac.

Nhưng cũng tại Nemours còn có một xã hội khác nữa: xã hội này tập hợp tại nhà ông bác sĩ Minoret tối tối, để chơi bài. Ta đã gặp ông cha xứ tức trưởng tu Chaperon tốt bụng và hay giúp người khác đến nỗi tháo cả vòng đeo trên quần đi bán, rồi thêm một quân nhân bí ẩn, Jordy, một người dường như mang một nỗi sầu muộn bí ẩn trong lòng. Ngay dưới đây, ta sẽ gặp nốt nhân vật cuối cùng làm nên cái xã hội đó: thẩm phán Bongrand. Bốn ông già (thật ra là năm, vì còn có thêm một ông bác sĩ, nhưng ít xuất hiện hơn so với bốn người kia) rất khác nhau - và cũng rất hay cãi nhau - nhưng có chung một lẽ sống, một lý tưởng cuộc đời muộn mùa: đó là cô bé Ursule, ở thời điểm bắt đầu câu chuyện đang ở tuổi thiếu niên; từ lúc còn bú sữa, Ursule sống trong sự đùm bọc của mấy ông già trên đây.

Chưa bao giờ có tuổi thơ nào hạnh phúc như trong Ursule Mirouët. Ursule là một cô bé mồ côi, được bác sĩ Minoret nhận làm con nuôi, nhưng đây lại chính là trường hợp tuổi thơ hạnh phúc duy nhất, gần như duy nhất, trong Vở kịch con người. Trong Vở kịch con người, đâu đâu cũng có những tuổi thơ bất hạnh. Louis Lambert là tuổi thơ bất hạnh (đó cũng là nơi có rất nhiều chi tiết tuổi thơ của chính Balzac); Félix de Vandenesse của Bông huệ trong thung là một đứa trẻ bất hạnh. "Hai Marie" của Một người con gái của Eva cũng lại tuổi thơ bất hạnh nốt.

Nhưng Ursule lớn lên giữa các ông già tóc bạc phơ thì lại không bất hạnh. Một điều rất không hay gặp trong văn chương thế kỷ mười chín. Văn chương của suốt một thời gian rất dài không có chỗ cho tuổi thơ hạnh phúc. Thế giới của Charles Dickens có những đứa trẻ đau khổ, những đứa trẻ mồ côi, ở khắp mọi nơi.

Tôi nghĩ đến một mối quan hệ: Dickens và Balzac. Họ có phải là độc giả của nhau không? Dickens sinh sau Balzac mười ba năm, thuộc thế hệ liền sát ngay sau Balzac. Tôi đã chắc chắn được rằng Dickens là độc giả của Balzac, còn Balzac có phải độc giả của Dickens không? Tôi vẫn chưa tìm được manh mối cho điều này.

Và, Balzac và Dickens từng bao giờ gặp nhau chưa? Dường như chưa bao giờ. Điều này tôi đặt ra là rất hữu lý, vì Dickens gặp rất nhiều nhà văn Pháp, như Hugo hay cả Chateaubriand và cả một loạt khác. Dickens rất hâm mộ các nhà văn Pháp (ít nhất Dickens tỏ ra như vậy) và gặp các nhà văn Pháp ở Pháp (dường như Dickens thích nước Pháp, nhưng cũng không chắc lắm - rất khó chắc điều gì với Dickens). Nhưng dường như, rất kỳ lạ, Dickens chưa bao giờ gặp Balzac. Sao lại như vậy được nhỉ? Tôi gần như chắc chắn Dickens chưa bao giờ gặp Balzac.

Những người đến London để gặp Dickens thì đông vô kể. Chẳng hạn Andersen. Nhưng nhân vật này mới thực sự đặc biệt: Dostoevsky. Đúng, Dostoevsky từng gặp Dickens tại London. Và sau đó viết thư cho bạn kể chuyện này. Một câu chuyện vô cùng đặc biệt, tôi sẽ còn quay trở lại với nó kỹ càng hơn.


-----------


Rất sớm sủa, bộ ba này trở nên một bộ tứ. Một người đàn ông khác, vốn dĩ rất hiểu đời, và là người nhờ vào thực thi các áp phe mà có được sự rộng lượng ấy, hiểu biết ấy, tổng khối lượng những sở kiến hành ấy, sự tinh tế ấy, khiếu ăn nói ấy, mà quân nhân, bác sĩ và cha xứ có được nhờ thực hành tâm hồn, các bệnh tình và sự dạy dỗ[145], vị thẩm phán đoán biết được các khoái thú nơi những buổi tối đó và tìm cách được ở chỗ của bác sĩ. Trước khi trở thành thẩm phán tại Nemours, ông Bongrand[146] từng làm trạng sư ở Melun trong vòng mười năm, tại đó đích thân ông đứng ra biện hộ theo đúng tập quán các thành phố không có trạng sư đoàn. Góa vợ ở tuổi bốn mươi lăm, ông cảm thấy mình vẫn còn quá hoạt bát, chẳng thể không làm gì; ông bèn xin nhận chức Thẩm Phán tại Nemours, vị trí bị trống vào thời điểm vài tháng trước khi bác sĩ về đây định cư. Quan chưởng ấn lúc nào cũng cảm thấy sung sướng khi tìm được những người thạo việc, và nhất là những người sống sung túc, để lĩnh nhiệm địa vị quan trọng nơi tòa án này. Ông Bongrand sống khiêm nhường ở Nemours với một nghìn năm trăm tiền lương cho chức vụ của ông, và nhờ vậy có thể chuyển các khoản thu nhập lợi tức cho con trai, lúc đó đang học luật trên Paris, đồng thời nghiên cứu tố tụng ở chỗ trạng sư Derville[147] lừng danh. Ông Bongrand trông khá giống một sĩ quan già về hưu: ông có cái khuôn mặt tái thì đúng hơn là nhợt ấy[148], trên đó các áp phe, các lầm lạc, sự chán ngán đã để lại những dấu ấn của chúng, nhăn nheo vì suy tư và cũng bởi các nhăn nhúm quen thuộc thường hằng nơi những con người bị buộc không được nói ra mọi điều; nhưng nó hay được rọi sáng bừng lên bởi các nụ cười đặc trưng ở những ai cứ lần lượt tin mọi điều rồi lại chẳng tin gì, vốn dĩ quá quen nhìn thấy mọi chuyện và nghe thấy mọi thứ mà không kinh ngạc, đi thấu vào các vực thẳm mà lợi ích mở ra tận đáy sâu những trái tim. Bên dưới mái tóc ít bạc trắng hơn là phai màu, chải thành các lượn sóng trên đầu, ông trưng bày một vầng trán minh mẫn mà màu vàng ăn nhịp với các sợi trên mái tóc thưa. Khuôn mặt thót lại của ông lại càng giống mặt cáo hơn bởi vì mũi của ông ngắn và nhọn. Ông làm bắn ra từ cái miệng, được xẻ ra giống miệng những người nói giỏi, những tia màu trắng khiến cuộc trò chuyện của ông mang nhiều tính chất cơn mưa[149] đến nỗi Goupil hay nói, đầy ác ý: “Muốn nghe ông ấy nói thì phải cầm theo cái ô.” Hoặc: “Tại Tòa, ông ấy tuôn những lời phán xử như mưa.” Mắt ông trông có vẻ tinh ranh đằng sau cặp kính; nhưng chỉ cần ông tháo kính ra, ánh mắt cùn nhụt của ông tức thì trở nên ngốc nghếch. Dẫu tính ông tươi, thậm chí gần như vui nhộn, ông tự tạo cho mình hơi quá nhiều, thông qua dáng dấp, vẻ điệu của một người quan trọng. Gần như lúc nào ông cũng nhét hai tay vào túi quần, chỉ rút chúng ra để chỉnh cặp kính, với một cử chỉ gần như nhạo báng, nó thông báo với ta một câu nhận xét tinh tế hoặc một lập luận áp đảo nào đó. Các động tác của ông, sự đon đả mồm miệng của ông, các lời lẽ ngây thơ của ông để lộ thân phận vị trạng sư cấp tỉnh xưa kia; nhưng mấy khiếm khuyết nhỏ nhặt này chỉ tồn tại trên bình diện bên ngoài; ông chuộc lại chúng bằng một sự tốt tính sâu sắc mà một luân lý gia ưa chuẩn xác hẳn sẽ gọi là một lòng bao dung tự nhiên xuất hiện kèm với sự vượt trội. Tuy ông hơi có dáng vẻ của một con cáo nhưng ông cũng được coi là một người mưu mẹo một cách thâm sâu, dẫu không hề thiếu trung tín. Cơ mưu của ông là trò chơi của sự sáng suốt. Nhưng chẳng phải người ta hay gọi là mưu mẹo những người nhìn thấy trước một kết quả và tránh được những cái bẫy mà người khác giăng sẵn cho họ, đấy ư? Ông thẩm phán ưa trò whist, trò chơi mà đại úy và bác sĩ có biết, và cha xứ thì học được thành thạo trong một quãng thời gian ngắn.

Cái xã hội nhỏ bé ấy tạo lập thành một ốc đảo trong phòng khách của Minoret. Viên bác sĩ của Nemours, vốn dĩ không thiếu học vấn cũng như sự lõi đời, và ngưỡng mộ Minoret như một trong những minh họa cho y học, cũng hay lui tới; nhưng những bận rộn của ông, rồi các đợt mệt mỏi, chúng buộc ông đi ngủ sớm để có thể dậy sớm, ngăn ông đến đều đặn như ba người bạn của ông bác sĩ. Sự tụ họp của năm con người vượt trội đó, tại Nemours chỉ họ mới sở hữu các hiểu biết đủ mức phổ quát để có thể hiểu nhau, giải thích cho nỗi khó chịu của ông già Minoret dành cho đám cháu chắt thừa kế: dẫu sẽ phải để lại tài sản cho bọn họ, ông cũng chẳng thể nào tiếp nhận bọn họ tới gần mình một cách nhiều nhặn. Hoặc ông chủ trạm xe, viên lục sự và tay thu thuế hiểu được thâm ý này, hoặc bọn họ yên tâm vì lòng trung thực, các hành động thiện tâm của ông chú, thế cho nên bọn họ, trước niềm sung sướng to lớn của ông, ngừng tới gặp ông. Vậy là bốn tay chơi già nua của trò whist và trò trictrac, bảy hay tám tháng sau khi bác sĩ về hẳn Nemours, tạo thành một xã hội khép kín, chặt chẽ, đối với mỗi người trong số họ nó giống như một hội huynh đệ muộn mùa, không hề được trông đợi, thế nên những êm dịu lại càng được nếm trải khoái trá hơn. Cái gia đình tinh thần được chọn lọc đó tìm được nơi cô bé Ursule một đứa con nuôi, thay đổi tính chất tùy thuộc sở thích của mỗi người: cha xứ nghĩ đến tâm hồn, thẩm phán tự biến mình trở thành người trợ quản, quân nhân tự hứa sẽ trở thành gia sư; và, về phần Minoret, ông vừa là bố, mẹ vừa là bác sĩ.

Sau khi đã quen với phong thổ địa phương, ông già bắt đầu có các thói quen và điều chỉnh cuộc sống của mình giống như nó được điều chỉnh nơi hẻo lánh của mọi tỉnh. Vì Ursule nên ông không tiếp ai vào ban ngày, ông không bao giờ mời khách ăn tối; các bạn ông có thể tới nhà ông vào quãng sáu giờ chiều và ở lại đó cho đến nửa đêm. Những người đến đầu tiên tìm thấy các tờ báo để trên bàn phòng khách và đọc chúng trong lúc đợi những người khác, hoặc thỉnh thoảng họ ra ngoài gặp bác sĩ nếu ông đi dạo. Các thói quen yên bình ấy không chỉ là một nhu cầu thiết yếu của tuổi già, ở con người xã hội chúng còn là một tính toán khôn ngoan và sâu sắc hòng không để cho niềm hạnh phúc của ông bị quấy rối bởi nỗi hiếu kỳ đầy lo âu của những người thừa kế cũng như bởi thói ngồi lê đôi mách của các thành phố nhỏ. Ông chẳng hề muốn nhân nhượng chút nào trước nữ thần hay thay đổi ấy, tức là ý kiến của đám đông, mà chế độ bạo chúa, một trong những nỗi bất hạnh của nước Pháp, sẽ được tạo lập và biến đất nước của chúng ta thành một tỉnh duy nhất. Vậy nên, ngay khi đứa bé được cai sữa và biết đi, ông đuổi việc bà bếp mà cô cháu của ông, bà Minoret-Levrault, giao phó cho ông, khi phát hiện bà ta tuồn thông tin cho bà chủ trạm xe về mọi chuyện xảy ra ở nhà ông.

Người vú nuôi của cô bé Ursule, vợ góa của một công nhân nghèo không có cái tên nào khác ngoài một cái tên báp-têm và là người Bougival, đã mất đi đứa con út sáu tháng tuổi, vào thời điểm ông bác sĩ, vốn biết cô là một người trung thực và tốt bụng, thuê cô làm vú nuôi, cảm động trước nỗi đau khổ của cô. Không tài sản, từ Bresse đến, tại đó gia đình cô sống trong cảnh khốn cùng, Antoinette Patris, vợ góa của Pierre, hay được gọi là Pierre vùng Bougival, rất tự nhiên gắn bó với Ursule giống như các bà mẹ bú mớm gắn bó với những đứa trẻ sơ sinh mà họ nuôi nấng. Tình trìu mến mẫu tử mù quáng này còn được cộng thêm lòng tận tụy của gia nhân. Được biết về các ý đồ của ông bác sĩ, người phụ nữ Bougival[150] ngầm học làm bếp, trở nên sạch sẽ, khéo léo và chiều chuộng các thói quen của ông già. Cô chăm chút như lau như li các thứ đồ đạc và phòng ốc, nói ngắn gọn cô là một người không biết đến mệt mỏi. Ông bác sĩ không chỉ muốn cuộc sống riêng của mình được rào giậu kín mít lại, mà ông còn có các lý do để giấu biến không cho những người thừa kế biết các công chuyện của ông. Ngay từ năm thứ hai kể từ khi về đây sống, ở nhà ông chỉ còn lại độc Bougival, mà ông có thể tuyệt đối trông cậy vào sự kín đáo, và ông ngụy trang các mục đích thật lòng của mình bên dưới lý lẽ toàn năng của sự tiết kiệm. Trước nỗi sung sướng to lớn của những người thừa kế, ông làm ra vẻ mình hà tiện. Không hề giỏi ăn nói và chỉ thông qua độc ảnh hưởng từ sự biết ơn và lòng tận tâm của mình, Bougival, đã bốn mươi ba tuổi vào thời điểm tấn kịch này khởi sự, là quản gia của bác sĩ và là người được ông bảo trợ, thanh trục chính mà mọi chuyện trong nhà xoay vần quanh, nói tóm lại là một người tâm phúc. Người ta gọi bà là Bougival bởi không thể nào dùng với con người bà cái tên Antoinette, bởi vì tên tuổi và con người thì phải tuân theo các quy luật của hòa hợp.

Sự hà tiện của bác sĩ không phải là không có, nhưng nó có một mục đích. Từ năm 1817, ông ngừng đặt hai tờ báo và thôi nhận về các tuyển tập định kỳ. Mức chi tiêu hằng năm của ông, mà toàn Nemours có thể ước tính, không vượt quá một nghìn tám trăm franc thường niên. Cũng như mọi ông già, các nhu cầu của ông về vải vóc, giày dép hay quần áo gần như bằng không. Cứ sáu tháng một lần ông lại đi Paris, hẳn là để đích thân nhận rồi gửi các món thu nhập. Trong vòng mười lăm năm, ông không thốt ra lấy một lời liên quan đến các áp phe của mình. Lòng tin của ông đặt vào Bougival mãi về sau mới xuất hiện; phải sau cuộc cách mạng năm 1830 ông mới nói cho bà về các dự định riêng. Trong cuộc đời ông bác sĩ đó là những điều duy nhất khi ấy được giới tư sản và những người thừa kế biết đến. Về phần quan điểm chính trị, vì nhà ông chỉ phải trả một trăm franc tiền thuế, ông không nhúng vào bất kỳ thứ gì, đẩy ra xa cả các quyên góp bảo hoàng lẫn những quyên góp của phái tự do. Nỗi hãi hùng lừng danh đối với tụi linh mục và món thần luận của ông quá ít yêu quý các biểu hiện, thành thử ông đuổi thẳng cánh một tay chào hàng do đứa cháu gọi là ông trẻ Désiré Minoret-Levrault phái đến nhằm đề xuất với ông một cuốn Cha xứ Meslier và các diễn văn của tướng Foy[151]. Sự độ lượng lớn đến mức độ ấy đối với cánh tự do của Nemours là không sao giải thích nổi.

Ba người thừa kế không trực hệ của bác sĩ, Minoret-Levrault và vợ, ông bà Massin-Levrault junior, ông và bà Crémière-Crémière, mà chúng ta sẽ gọi là Crémière, Massin và Minoret cho đơn giản, bởi vì những phân biệt về tên họ ấy chỉ là nhất thiết tại vùng Gâtinais mà thôi; ba gia đình đó, rất bận bịu với việc tạo ra một trung tâm, gặp nhau giống như người ta hay gặp nhau tại các thành phố nhỏ. Ông chủ trạm xe tổ chức một bữa tối thịnh soạn vào ngày sinh nhật con trai ông, một vũ hội dịp carnaval, một bữa tiệc khác nhằm ngày kỷ niệm đám cưới của ông, lúc đó ông mời toàn bộ giới tư sản Nemours. Nhân vật thu thuế cũng tụ họp hai lần mỗi năm họ hàng cùng bạn bè của mình. Viên lục sự của Tòa Án, quá nghèo, ấy là ông nhận thế, nên không dám lao theo, sống tằn tiện tại một ngôi nhà nằm giữa phố Grand-Rue, trong đó một phần, dưới tầng trệt, cho em gái thuê, đó là nữ giám đốc bưu điện, thêm một sự giúp đỡ của ông bác sĩ. Tuy nhiên, trong năm, ba người thừa kế này hoặc vợ của họ gặp nhau bên ngoài, khi đi dạo, hoặc ngoài chợ vào buổi sáng, trên ngưỡng cửa nhà họ hoặc Chủ nhật sau lễ mixa, trên quảng trường, như vào thời điểm này; thành ra ngày nào họ cũng gặp nhau. Thế nhưng, đặc biệt là từ ba năm nay, tuổi tác của ông bác sĩ, sự hà tiện của ông và tài sản của ông cho phép những ám chỉ hoặc các lời lẽ trực tiếp liên quan đến sự thừa kế mỗi lúc một nhiều thêm và khiến ông bác sĩ cùng những người thừa kế trở nên nổi tiếng ngang nhau. Từ sáu tháng nay, chẳng tuần nào trôi qua mà bạn bè hoặc hàng xóm của những người thừa kế Minoret không nói với họ, kèm một sự ghen tị ngấm ngầm về cái ngày, khi ông già nhắm mắt xuôi tay, thì rương hòm của ông mở nắp ra.

“Đốc tờ Minoret có từng là bác sĩ và giao hảo với cái chết thì cũng chỉ có Chúa là vĩnh cửu mà thôi, một người nói.

- Chà! ông ấy sẽ chôn cất tất cả chúng tôi; ông ấy còn khỏe hơn cả chúng tôi, người thừa kế đáp, giọng giả dối.

- Rốt cuộc, nếu không phải các vị, thì con cái các vị cũng sẽ được thừa kế thôi, trừ phi đó là con bé Ursule…

- Ông ấy sẽ không để lại cho nó mọi thứ.”

Ursule, theo các dự đoán của bà Massin, là trở ngại của những người thừa kế, thanh gươm Damoclès của họ, và câu nói này: “Chà! Ai mà sống thì sẽ thấy thôi!”, lời kết luận ưa thích nhất của bà Crémière, nói lên khá rõ rằng họ mong cho cô bé điều xấu thì nhiều hơn là điều tốt.

Ông thu thuế và viên lục sự, nghèo nếu so với ông chủ trạm xe, vẫn hay ước tính, thông qua trò chuyện, số tiền mà bác sĩ sẽ để lại. Đi bộ dọc dòng kênh hoặc trên đường, nếu nhìn thấy ông chú, họ sẽ nhìn nhau, vẻ thảm hại.

“Chắc ông ấy đã giữ riêng một món thuốc trường sinh, một người nói.

- Ông ấy đã ký một bản hợp đồng với quỷ, người kia đáp.

- Ông ấy nên ưu tiên chúng ta, bởi vì Minoret béo có cần gì đâu.

- A! Minoret có một thằng con trai sẽ xơi mất khá nhiều tiền!

- Anh ước đoán tài sản của ông bác sĩ là bao nhiêu? viên lục sự hỏi tay thu thuế.

- Sau mười hai năm, một nghìn hai trăm franc tiết kiệm được mỗi năm cộng lại là một trăm bốn mươi tư nghìn franc, tiền lãi gộp ít nhất một trăm nghìn franc; nhưng, bởi vì chắc ông ấy, được chưởng khế ở Paris khuyên, còn đầu tư vài món hời, rồi thì vào năm 1822 chắc ông ấy đã gửi tiền vào Nhà Nước với mức lãi tám và bảy rưỡi, ông già hiện nay phải rủng rẻng tầm bốn trăm nghìn franc, đấy là chưa tính mười bốn nghìn livre tiền lợi tức ở mức năm phần trăm, tức là 116 vào lúc này[152]. Nếu ngày mai ông ấy chết mà không để lại gì cho Ursule, thì ông ấy sẽ để lại cho chúng ta bảy hoặc tám trăm nghìn franc, ngoài ngôi nhà và đồ đạc.

- Vậy thì, một trăm nghìn cho Minoret, một trăm nghìn cho con bé, mỗi chúng ta thì ba trăm nghìn: như vậy thì sẽ công bằng.

- A! nếu được vậy thì quá tốt.

- Nếu ông ấy làm thế, Massin kêu lên, tôi sẽ bán văn phòng lục sự đi, tôi sẽ mua một khu đất đẹp, tôi sẽ tìm cách trở thành thẩm phán ở Fontainebleau, và sẽ thành dân biểu.

- Còn tôi, tôi sẽ mua lấy một văn phòng hối đoái, nhân viên thu thuế nói.

- Thật không may là cái con bé mà ông ấy nuôi và lão cha xứ vây kín quá nên chúng ta chẳng thể nào tác động được gì lên ông ấy.

- Xét cho cùng, lúc nào chúng ta cũng có thể chắc chắn được rằng ông ấy sẽ không để lại gì cho Nhà Thờ.”

Giờ đây ai cũng đã có thể hình dung những người thừa kế rơi vào tình trạng hoảng loạn như thế nào khi nhìn thấy ông chú của họ bước vào nhà thờ nghe lễ mixa. Người ta luôn luôn có đủ tâm trí để hình dung một tổn hại về lợi ích. Lợi ích tạo nên tinh thần của người nông dân cũng như tinh thần của nhà ngoại giao, và trên địa hạt này thằng đần nhất ở vẻ bên ngoài có lẽ cũng có thể trở thành kẻ mạnh nhất. Vậy nên có lập luận khủng khiếp sau đây: “Nếu con bé Ursule có đủ quyền năng ném người bảo trợ cho nó vào lòng Nhà Thờ, thì hẳn nó cũng có quyền lực làm cho ông ấy để hết thừa kế lại cho nó”, nó bùng nổ bằng các nét chữ lửa trong trí tuệ kẻ ngu xuẩn nhất trong số những người thừa kế. Ông chủ trạm xe đã quên biến điều bí ẩn chứa đựng trong bức thư của thằng con trai để chạy bổ tới quảng trường; bởi vì, nếu bác sĩ đang ở trong nhà thờ mà tụng kinh trong lễ mixa, thì điều đó cũng đồng nghĩa với hai trăm năm mươi nghìn franc mất đi. Ta hãy thú nhận điều này! nỗi sợ của những người thừa kế thuộc về các tình cảm xã hội mãnh liệt nhất và hợp thức nhất, lợi ích của gia đình.

“Ừ thì, thưa ông Minoret, ông thị trưởng (trước đây là chủ cối xay bột rồi trở thành người bảo hoàng, một người Levrault-Crémière), khi quỷ già đi, nó sẽ biến thành cao tăng ẩn sĩ. Ông chú của ông, người ta nói vậy, là người của chúng tôi rồi.

- Muộn còn hơn chẳng bao giờ, em họ của tôi ạ, ông chủ trạm xe đáp, cố sức che giấu nỗi bực bõ.

- Tay ấy sẽ cười cợt nếu chúng ta bị chơi xỏ! có khả năng hắn sẽ cưới cho con trai hắn cái con bé đáng nguyền rủa kia, cái con bé hay chơi nghịch với cái đuôi quỷ! Crémière kêu lên, siết chặt hai nắm đấm và chỉ về hướng ông thị trưởng đang đứng dưới cổng.

- Lão Crémière làm sao thế nhỉ? ông hàng thịt Nemours hỏi, đó là một Levrault-Levrault, con trai cả. Ông ấy không sung sướng khi chứng kiến chú của mình đi theo ngả lên thiên đường à?

- Ai mà tin nổi điều đó nào? viên lục sự nói.

- A! không bao giờ được nói: “Hỡi dòng suối, ta sẽ chẳng uống nước của mi”, ông chưởng khế đáp, nhìn nhóm người kia từ xa, ông tách ra khỏi vợ mình, để mặc bà một mình vào nhà thờ.

- Kìa, thưa ông Dionis, Crémière nói, túm lấy cánh tay ông chưởng khế, ông khuyên chúng tôi nên làm gì đây trong hoàn cảnh này?

- Tôi khuyên các vị, chưởng khế đáp, hướng về những người thừa kế, đi ngủ và dậy đúng giờ, ăn xúp cho nóng, đi giày giữ ấm chân, đội mũ cẩn thận, nói tóm lại là cứ tiếp tục cuộc sống của các vị, tuyệt đối như thể chẳng có chuyện gì hết.

- Ông nhẫn tâm ghê”, Massin nói, liếc về phía ông một ánh mắt đồng lõa.

Mặc cho dáng vóc nhỏ thó và cái bụng phệ, mặc cho khuôn mặt dày hự và thót lại, Crémière-Dionis trơn tuột như con lươn. Để gây dựng tài sản, ông đã ngầm liên danh với Massin, chắc hẳn ông chỉ cho người họ hàng các nông dân gặp chuyện phiền phức và những mảnh đất có thể nuốt. Hai người này lựa chọn các áp phe như vậy, không hề bỏ lỡ những phi vụ béo bở, và chia nhau lợi nhuận từ trò cho vay nặng lãi có thế chấp, nó làm chậm bước nhưng không ngăn cản hành động của các nông dân trên đất đai. Vậy nên, vì Minoret ông chủ trạm xe và Crémière viên thu thuế thì ít hơn nhiều so với ông bạn lục sự, mà Dionis vô cùng quan tâm đến chuyện thừa kế của ông bác sĩ. Phần của Massin sẽ, không sớm thì muộn, làm tăng món tiền gốc mà hai liên danh dùng để tiến hành công việc trong tổng.

“Chúng ta sẽ tìm hiểu thông qua ông Bongrand xem cú này bắt nguồn từ đâu, ông chưởng khế hạ giọng nói, cảnh báo Massin là phải im lặng.

- Nhưng anh làm gì ở đó thế hả, Minoret? đột nhiên có tiếng hét của một người đàn bà nhỏ bé, bà ta lao vào nhóm người mà giữa đó ông chủ trạm xe đứng sừng sững như một tòa tháp. Anh không biết Désiré đang ở đâu, thế mà anh lởn vởn ở đây để mà chuyện gẫu, trong khi tôi thì cứ tưởng anh cưỡi ngựa đi rồi! Xin chào, các bà các ông.”

Người đàn bà nhỏ bé gầy guộc, mặt tái và tóc vàng này, vận một cái váy diêm dúa nền trắng in nhiều bông hoa lớn màu sô cô la, đầu đội một cái mũ bonnê thêu và đính thêm đăng ten, và quàng một cái khăn san nhỏ màu lục trên cặp vai phẳng dẹt, là bà chủ trạm xe, người làm run rẩy các phu trạm dữ tính nhất, gia nhân cũng như đánh xe ba gác; người giữ két tiền, sổ sách, và căng mắt bắt tai trông coi nhà cửa, theo cách nói bình dân của các hàng xóm. Cũng giống các nội tướng đích thực, bà chẳng hề mang món đồ trang sức nào trên người. Bà chẳng hề, theo cách nói riêng của bà, lao theo những thứ đỏm dáng và màu mè; bà gắn bó với sự vững chắc, và vẫn đeo, mặc dù hôm nay có tiệc, cái tạp dề đen trong túi kêu leng keng chùm chìa khóa. Giọng nói the thé của bà xé rách các màng nhĩ. Dẫu cho màu xanh lơ dịu dàng trong đôi mắt bà, ánh mắt cứng rắn của bà trưng bày một sự hòa hợp rành rành với cặp môi mỏng của một cái miệng mím, với một vầng trán cao, dô, rất oai vệ. Liếc mắt thì như chảo chớp, cử chỉ và lời nói lại còn chảo chớp hơn nhiều. Zélie, buộc lòng phải sở hữu ý chí đủ dùng cho hai con người, luôn luôn có tận cho ba người, Goupil hay nói, hắn nêu nhận xét về các triều trị vì lần lượt của ba phu trạm trẻ tuổi ăn vận chỉn chu mà Zélie dựng lên, mỗi người sau bảy năm phục vụ. Vậy nên, tay ký lục ma mãnh đặt tên cho họ: Phu Trạm Đệ nhất, Phu Trạm Đệ nhị và Phu Trạm Đệ tam. Nhưng chút ít ảnh hưởng của mấy thanh niên ấy trong nhà và sự tuân lời hoàn toàn của họ cho thấy rằng Zélie đã đặt quan tâm thuần túy và giản dị vào các phần tử tốt.

“Ừ thì, Zélie thích mê li[153]”, tay ký lục đáp lại những ai nêu các nhận xét trên đây với hắn.

Lời đơm đặt này khó mà tin nổi. Kể từ khi sinh đứa con trai được bà nuôi dưỡng mà người ta chẳng thể nào thấy được là bằng chỗ nào[154], bà chủ trạm xe chỉ nghĩ đến chuyện làm tăng tài sản, và không ngưng nghỉ lao mình vào công việc quản lý cơ sở kinh doanh to lớn của mình. Thó một bó rơm hay vài đấu lúa mạch, bắt chợt Zélie sai lầm trong các tính toán phức tạp là chuyện bất khả, dẫu bà viết chữ như gà bới[155] và chỉ biết cộng với trừ. Bà chỉ đi dạo nhằm mục đích săm soi rơm khô, cỏ đang mọc và lúa mạch của bà; rồi bà sai chồng đi thu hoạch và sai các phu trạm bó với cuộn cỏ lại, nói với họ, sai lệch trong quãng một trăm livre, số lượng mà mảnh ruộng này hay mảnh kia sẽ mang lại. Dẫu cho bà là linh hồn của cái thân hình to béo tên là Minoret-Levrault đó, dẫu cho bà dắt cái mũi vểnh lên ngu ngốc kia, thì bà vẫn cảm thấy những cơn hứng khởi, chúng, không nhiều thì ít, luôn luôn khuấy đảo những người chuyên nghề thuần hóa thú dữ. Vậy nên thường trực bà lên cơn giận giữ trước ông, và các phu trạm biết, trước những mắng mỏ mà Minoret trút lên họ, lúc nào thì trước đó ông đã bị vợ mắng, bởi vì cơn giận bị khúc xạ chuyển hướng rơi xuống đầu họ. Vả lại Minoret Cái cũng khéo léo ngang với tham lam. Trong thành phố cái câu này: “Minoret ra sao đây nếu không có vợ?” vang lên tại hơn một gia đình.

“Khi biết chuyện đang xảy ra với chúng ta, ông chủ Nemours nói, thì bản thân em cũng sẽ mất kiểm soát cho mà xem.

- Thế, sao nào?

- Ursule đã dẫn bác sĩ Minoret đến dự lễ mixa.”

Cặp đồng tử của Zélie Levrault giãn rộng, mặt bà vàng bủng ra vì tức tối mất một lúc, và nói: “Tôi muốn nhìn tận mắt thì mới tin!” và lao vào trong nhà thờ. Buổi lễ mixa đang đến đoạn dựng thánh giá. Được tạo thuận lợi bởi sự tĩnh tâm bao trùm, Minoret Cái có thể nhòm vào từng hàng ghế, đi dọc theo các nhà nguyện cho đến chỗ Ursule, bên cạnh cô bé bà trông thấy ông già, đầu để trần.

Nếu nhớ đến mặt của Barbé-Marbois, của Boissy-d’Anglas[156], của Morellet, của Helvétius, của Frédéric Đại Đế, hẳn ta sẽ ngay lập tức có được một hình ảnh chân xác vẻ mặt bác sĩ Minoret, mà sự già nua đậm màu giống với sự già nua của các nhân vật lừng danh kia. Những mặt ấy, như thể được dập từ cùng một khuôn, bởi vì chúng rất dễ xuất hiện trên mề đay, trưng bày một profil nghiêm khắc và gần như có tính chất thanh giáo, một sắc điệu lạnh lẽo, một lý trí theo dạng toán học, một sự co hẹp nào đó trong khuôn mặt gần như bị ép lại, cặp mắt tinh tường, miệng thì nghiêm túc, một cái gì đó đậm tính quý tộc, trong tình cảm thì ít hơn là trong thói quen, trong các tư tưởng thì nhiều hơn là trong tính cách. Tất tật đều có vầng trán cao, nhưng phía trên đỉnh hớt về đằng sau, điều này hé lộ một khuynh hướng duy vật chủ nghĩa. Ta sẽ tìm thấy lại các nét căn bản và các vẻ mặt này nơi những bức chân dung mọi nhà bách khoa thư, các nhà hùng biện Gironde, và những con người của thời ấy, mà các lòng tin tôn giáo gần như bằng không, những người tự nhận mình là nhà thần luận nhưng thật ra thì vô thần. Nhà thần luận là một người vô thần nếu căn cứ vào biên bản kiểm kê[157]. Tức là ông già Minoret bày ra một vầng trán thuộc dạng này, nhưng hằn sâu các nếp nhăn, và lại có một kiểu ngây thơ nhất định nhờ vào cách thức mái tóc như làm bằng bạc của ông, chải hất về phía sau giống tóc một phụ nữ đang trang điểm, uốn cong thành những lọn nhẹ trên cái áo màu đen, bởi vì ông đã nhất quyết, cũng như hồi còn trẻ, đi bít tất lụa màu đen, giày đính nhiều vòng vàng, quần ngắn lụa thô, mặc gi lê trắng vắt ngang sợi dây đen, áo thì màu đen đính phù hiệu đỏ. Cái khuôn mặt đặc trưng đến thế ấy, mà màu trắng lạnh lẽo được làm dịu đi bởi các tông vàng nảy sinh bởi tuổi già, hứng lấy toàn bộ ánh sáng từ một cửa sổ. Đúng vào lúc bà chủ trạm xe đến, bác sĩ đang hướng cặp mắt xanh lơ với hai mí hơi hồng hồng, công tua mềm dịu, về phía ban thờ: một niềm tin mới mẻ mang lại cho chúng một biểu hiện mới mẻ. Cặp kính của ông kẹp vào quyển sách lễ đánh dấu chỗ vừa giở ra để đọc những lời cầu nguyện. Hai tay khoanh trước ngực, ông già cao lớn gầy ngẳng ấy, đứng đó trong một tư thế thông báo sức mạnh toàn năng các năng lực của ông và một điều gì đó không thể bị bẻ gãy trong lòng tin nơi ông, không ngừng ngắm nhìn ban thờ bằng một ánh mắt khiêm cung, và được niềm hy vọng làm cho trẻ lại, không muốn nhìn vợ của đứa cháu trai, đứng như trời trồng ở đó đối diện ông như để trách cứ ông vì cuộc quay trở lại với Chúa này.

Trông thấy mọi khuôn mặt đều ngoảnh về phía mình, Zélie vội vã đi ra, và quay trở lại quảng trường, kém mau mắn hơn so với lúc bà lao tới nhà thờ; bà trông đợi món thừa kế này, thế nhưng món thừa kế đã bắt đầu gây vấn đề. Bà thấy viên lục sự, tay thu thuế cùng vợ họ còn lủng bủng hơn so với lúc trước: Goupil đã thả sức dằn vặt họ.

“Không phải ở ngay trên quảng trường, trước mặt cả thành phố mà chúng ta có thể bàn bạc công chuyện riêng đâu, bà chủ trạm xe nói, về nhà tôi đi. Ông sẽ không phải là người thừa, thưa ông Dionis”, bà nói với ông chưởng khế.

Thế là, khả năng bị tước thừa kế của vợ chồng Massin, của vợ chồng Crémière và của ông chủ trạm xe sắp trở thành tin nóng hổi của cả vùng.

Đúng vào lúc những người thừa kế và ông chưởng khế sắp băng ngang quảng trường để đi tới trạm xe, tiếng ồn cỗ xe ngựa lao rầm rập tới trụ sở nằm cách nhà thờ vài bước chân ngược lên phía phố Grand-Rue tạo ra một sự inh ỏi đáng kể.

“Kìa! tôi cũng giống ông, Minoret, tôi đã quên biến mất Désiré, Zélie nói. Ra chỗ nó đi; nó đã sắp thành trạng sư rồi, và đây cũng một phần là công chuyện của nó.”

Một cỗ xe đến nơi bao giờ cũng là một sự giải trí; nhưng khi nó bị muộn giờ, thì người ta còn trông chờ các sự kiện: vậy nên đám đông ào tới trước cỗ Ducler.

“Désiré đây rồi!” mọi người đồng thanh hét lên.

Vừa là bạo chúa vừa là nguồn vui của Nemours, Désiré luôn luôn khiến cả thành phố xáo động bởi những cú xuất hiện của anh. Được yêu quý bởi giới trẻ mà anh tỏ ra rộng rãi, anh khích lệ nó bằng sự hiện diện của mình; nhưng các trò vui của anh bị người ta e ngại đến mức hơn một gia đình cảm thấy vô cùng sung sướng khi anh đi học rồi theo đuổi ngành luật trên Paris. Désiré Minoret, chàng thanh niên mảnh mai, thanh tú và tóc vàng giống mẹ, anh cũng thừa hưởng từ bà cặp mắt xanh lơ và nước da nhợt nhạt, mỉm cười với đám người qua cửa xe, và nhanh nhẹn bước xuống để ôm hôn mẹ. Một bức phác họa cậu con trai này sẽ chứng tỏ Zélie cảm thấy hợm hĩnh tới mức nào khi nhìn thấy anh.

Chàng sinh viên đi đôi bốt mềm, mặc một cái quần dài màu trắng[158] vải Anh có đeo dải buộc chân[159] bằng da bóng, đeo một chiếc cà vạt thắt rất điệu, vận một gi-lê phăng te zi[160] xinh đẹp và, trong túi áo gi-lê ấy, là một chiếc đồng hồ phẳng dẹt với sợi dây treo lủng lẳng vào, cuối cùng, một chiếc rơ đanh gốt ngắn bằng dạ xanh lơ, thêm một cái mũ màu ghi; nhưng con người gặp vận lộ ra ở các khuy áo bằng vàng của chiếc gi-lê và nơi cái nhẫn mang phía trên cặp găng tay da dê màu tím nhạt. Tay anh ta cầm một cây can có tay nắm vàng khía cạnh[161].

“Khéo mất đồng hồ đấy con, mẹ anh nói với anh trong lúc họ ôm hôn nhau.

- Cố tình đấy mẹ ạ, anh đáp, quay sang ôm hôn ông bố.

- Thế nào, anh bạn, sắp thành trạng sư chưa hả? Massin chào.

- Kỳ nhập học tới tôi sẽ tuyên thệ, anh nói, đáp lại những lời chào thân ái từ đám đông.

- Thế thì chúng ta sẽ tha hồ mà cười, Goupil nói, cầm lấy tay anh.

- A! cậu đây rồi, khỉ già, Désiré đáp.

- Cậu tưởng bằng cử nhân là luận án sau khi nhầm luận án là bằng cử nhân, viên ký lục nói, cảm thấy bị sỉ nhục trong cách đối xử quá mức thân mật ngay trước mặt biết bao nhiêu người.

- Thế nào cơ! anh ta bảo nó im đi à? bà Crémière hỏi chồng.

- Ông biết tất cả những gì mà tôi mang theo rồi, Cabirolle! anh hết lên với ông già đánh xe có khuôn mặt tím tái và đầy mụn cóc. Ông cho người mang hết đến nhà chúng tôi nhé.

- Đầu tóc ông bết hết cả mồ hôi kìa, Zélie độc địa nói với Cabirolle, ông mất trí à mà bắt chúng phi như thế? ông còn ngu hơn bọn họ!

- Nhưng, ông Désiré cứ muốn lao hết tốc lực để ông bà đỡ lo lắng…

- Nhưng vì đã không có tai nạn xảy ra, tại sao lại mạo hiểm tính mạng ngựa của ông”, bà đáp.

Những thân ái bạn bè, các chào hỏi, những hứng khởi của tuổi trẻ vây quanh Désiré, tất tật các sự cố của pha xuất hiện này và những câu chuyện về tai nạn khiến chuyến xe bị muộn giờ, chiếm mất khá nhiều thời gian, thành thử đám người thừa kế cộng thêm bạn bè họ tới chỗ quảng trường khi lễ mixa vừa tan. Bởi một sự ngẫu nhiên, thứ cho phép mọi điều, Désiré trông thấy Ursule dưới cổng vòm nhà thờ đúng vào lúc anh đi qua, và sững sờ trước vẻ đẹp của nàng. Cử động của viên trạng sư trẻ tuổi nhất thiết chặn khựng đà tiến của bố mẹ anh.

Vừa khoác tay ông bố nuôi vừa buộc lòng phải cầm trên tay phải quyển sách lễ và bên tay trái cái ô nhỏ, Ursule trưng bày sự duyên dáng bẩm sinh mà các phụ nữ duyên dáng dụng đến nhằm hoàn thành những điều khó khăn trong cái nghề làm phụ nữ đẹp đẽ của họ. Nếu ý nghĩ hiển lộ ở mọi thứ, thì ta được phép nói rằng phong thái này biểu đạt một sự giản dị thần thánh. Ursule vận một cái váy mút-xơ-lin trắng[162] trông như pe nhoa, điểm trang cách quãng những cái nơ màu xanh lơ. Cái áo choàng pelơrin viền một dải ruy băng nơi cái diềm thật rộng và buộc vào nhờ những cái nơ tương tự với nơ trên váy, để người ta nhìn thấy vẻ đẹp khuôn ngực nàng. Cổ nàng trắng ngà với một tông quyến rũ càng trở nên nổi bật hơn nhờ toàn bộ màu xanh lơ này, nó là son phấn của các phụ nữ tóc vàng. Dây lưng màu xanh lơ hai phía buông dài phấp phới của nàng khuôn hình một taille plate[163], trông dường như mềm dẻo, một trong những nét duyên dáng quyến rũ nhất của phụ nữ. Nàng đội một cái mũ rơm, khiêm nhường trang trí các dải ruy băng giống ruy băng trên váy, dây buộc dưới cằm, chi tiết ấy, vừa tôn thêm vẻ trắng quá cỡ của cái mũ, nhưng đồng thời chẳng hề gây tổn hại đến màu trắng làn da đẹp của phụ nữ tóc vàng nơi nàng. Ở hai bên khuôn mặt của Ursule, vốn dĩ, rất tự nhiên, để kiểu tóc Berthe[164], mái tóc vàng mảnh sợi phong phú kết thành những lọn lớn dẹp xuống mà các dải tết nhỏ thu hút ánh mắt bởi cả nghìn dây cột lấp lánh. Cặp mắt màu ghi của nàng, vừa dịu vừa kiêu hãnh, hòa hợp với một vầng trán khuôn thật khéo. Một ánh hồng tỏa ra trên đôi má nàng giống như đám mây gây sống động nơi khuôn mặt cân đối nhưng không nhạt nhẽo, bởi tự nhiên đã mang tới cho nàng, một ưu tiên hiếm thấy, cả sự thuần khiết trong các đường uốn lượn lẫn khuôn mặt. Sự cao quý của cuộc đời nàng lộ ra trong một sự tương hợp đáng ngưỡng mộ giữa những đường nét, chuyển động và biểu hiện chung của con người nàng, hẳn có thể dùng làm mẫu để vẽ tranh Lòng Tin hoặc Khiêm Nhường. Sức khỏe của nàng, dẫu rực rỡ, chẳng hề chói lói một cách thô thiển, thành thử trông nàng cao sang. Bên dưới đôi găng tay sáng màu, người ta đoán định được hai bàn tay xinh xẻo. Đôi bàn chân cong và mảnh dẻ được bao lấy thật đẹp bởi đôi giày da[165] màu đồng trang trí tua viền bằng lụa nâu. Cái dây lưng màu xanh của nàng, giắt một cái đồng hồ nhỏ loại dẹt và cái túi tiền màu xanh có quả tua vàng, khiến mọi phụ nữ đổ dồn ánh mắt tới.

“Ông ta đã cho nó một cái đồng hồ mới! bà Crémière nói, siết chặt lấy cánh tay chồng.

- Sao cơ, đó là Ursule ấy à? Désiré kêu lên. Con đã không nhận ra cô ấy đấy.

- Chú yêu quý, chú đang gây sự kiện lớn đấy, ông chủ trạm xe vừa nói vừa chỉ tay về phía cả thành phố xếp thành hai hàng cho ông già đi qua, ai cũng muốn nhìn thấy chú.

- Trưởng tu Chaperon hay cô Ursule đã cải đạo cho bác thế, bác ơi? Massin vừa hỏi với vẻ khúm núm của thầy tu dòng Tên vừa chào bác sĩ và cô gái được ông bảo trợ.

- Là Ursule”, ông già đáp cộc lốc, vẫn tiếp tục bước đi như một người bị gây phiền nhiễu.

Dẫu sao, hôm trước, vào lúc kết thúc ván whist với Ursule, cùng viên bác sĩ ở Nemours và Bongrand, trước câu: “Ngày mai tôi sẽ đi dự lễ mixa!” của ông già, lẽ ra thẩm phán đã không cần phải đáp: “Những người thừa kế của ông sẽ mất ngủ cho mà xem!” thì đối với ông bác sĩ khôn ngoan và sáng suốt chỉ cần liếc nhìn nét mặt những người thừa kế một cái là cũng đã có thể thấu tâm can họ. Việc Zélie lao bổ vào trong nhà thờ, ánh mắt của bà ta, mà bác sĩ đã thấy, sự tụ họp này của tất cả những người có liên quan lợi ích trên quảng trường, rồi thì biểu hiện các cặp mắt của họ khi nhìn thấy Ursule, tất tật đều cho thấy một nỗi căm hận vừa mới được làm cho sống động trở lại và những nỗi sợ hãi bẩn thỉu.

“Đó là một ắp-phơ (áp-phe) của cô, thưa cô”, bà Crémière cũng nói xen vào với dáng vẻ kính cẩn khiêm nhường. Một phép mầu không khiến cô tốn kém nhiều lắm.

- Ông ấy thuộc về Chúa, thưa bà, Ursule đáp.

- Ồ! Chúa, Minoret-Levrault kêu lên, ông bố vợ tôi từng hay nói, thì dùng làm chăn cho lũ ngựa khỏi rét.

- Ông ta có những ý kiến của kẻ buôn ngựa, ông bác sĩ nghiêm khắc nói.

- Ơ kìa, Minoret nói với vợ và con trai, không đến chào chú tôi đi à?

- Mẹ sẽ không thể kiềm chế nổi bản thân trước cái con ranh chuyên vờ vịt đó đâu, Zélie vừa kêu lên vừa kéo thằng con đi khỏi.

- Lẽ ra, ông ơi ơi, bà Massin lên tiếng, ông không nên tới nhà thờ mà không đội một cái mũ bon nê nho nhỏ bằng nhung đen, trong đó ẩm ướt lắm.

- Chà! cháu gái ơi, ông già tốt bụng nói, nhìn sang những người đang đi cùng ông, ta càng nằm xuống sớm thì các cháu sẽ càng chóng được nhảy múa thôi.”

Ông vẫn tiếp tục bước đi, kéo theo Ursule, và tỏ ra hết sức nóng lòng được những người kia buông tha.

“Tại sao ông lại nói với họ những lời nặng nề như vậy? không tốt đâu, Ursule nói với ông, lắc lắc cánh tay ông với vẻ tinh nghịch.

- Trước cũng như sau khi ta bước vào vòng tôn giáo, lòng căm hận của ta dành cho lũ người đạo đức giả vẫn giữ nguyên. Ta đã làm điều tốt cho tất tật chúng nó, ta đã chẳng hề đòi chúng phải biết ơn; nhưng không có lấy một đứa nào gửi hoa đến cho cháu vào ngày lễ thánh của cháu, ngày lễ duy nhất mà ta tổ chức ăn mừng.”

Cách một đoạn khá xa bác sĩ và Ursule, bà de Portenduère lê bước, xem chừng trĩu nặng vì đau khổ. Bà thuộc về số những bà già mà bên trong trang phục vẫn còn tinh thần của thế kỷ trước, họ vận những cái váy màu păng xê, ống tay phẳng và đường cắt lấy mẫu duy nhất từ những bức tranh chân dung của bà Lebrun[166]; họ có các áo choàng ngắn bằng đăng ten đen, và những cái mũ lỗi mốt từ lâu hòa hợp với dáng vẻ chậm rãi và trang trọng ở họ; hẳn ta có thể nói rằng lúc nào họ cũng bước đi với những cái giỏ của họ, và họ vẫn cảm thấy chúng ở quanh mình, giống những người từng bị chặt mất một cánh tay đôi khi vẫn nhúc nhích cái bàn tay không còn nữa[167]; những khuôn mặt dài, tái nhợt của họ, với cặp mắt bầm tím, vầng trán úa tàn, không thiếu vắng một vẻ duyên dáng buồn bã nào đó, mặc cho mái tóc lẽ ra phải xoăn bồng lên thì lại dẹt xuống; họ bao lấy khuôn mặt những thứ đăng ten cũ không còn muốn chơi nghịch dọc theo đôi má; nhưng tất cả những đổ nát ấy được phủ lên trên cùng bằng một đạo hạnh khó tin trong cung cách và trong ánh mắt. Những cặp mắt nhăn nheo và đỏ hoe của bà già nói lên khá rõ là bà đã khóc trong lễ mixa. Bà đi như một người đang bị rối trí, và như thể đợi ai đó, bởi vì bà ngoái đầu lại nhìn. Thế nhưng bà de Portenduère ngoái đầu nhìn là một sự kiện cũng nghiêm trọng ngang với sự kiện cuộc cải đạo của bác sĩ Minoret[168].

“Bà de Portenduère muốn tìm ai thế nhỉ? bà Massin hỏi, nhập lại vào với đám những người thừa kế đang tê liệt trước những câu trả lời của ông già.

- Bà ta tìm cha xứ đấy, chưởng khế Dionis nói, ông đưa tay vỗ lên trán trong dáng vẻ của một người vừa chợt nhớ ra điều gì đó quên khuấy mất. Tôi cần nói chuyện với tất cả các vị, và sự thừa kế đã được cứu thoát! Ta hãy vui vẻ đến nhà bà Minoret ăn trưa thôi.”

Ai cũng có thể hình dung sự mau mắn của những người thừa kế khi đi theo viên chưởng khế đến chỗ trạm xe. Goupil khoác tay người bạn, thì thầm vào tai anh ta với một nụ cười đáng kinh tởm: “Có hàng mới đấy.

- Thế thì có liên quan gì đến tôi đâu! đứa con trai được cưng chiều đáp, nhún vai, tôi đang yêu mê mệt Florine[169], tạo vật thiêng liêng nhất trên cõi đời này.

- Florine ngắn ngủn như vậy thì nghĩa là gì? Goupil hỏi. Tôi yêu quý anh quá mức nên không thể để cho anh bị phỉnh bởi tay các tạo vật được.

- Florine là niềm say mê của Nathan lừng danh, và sự điên rồ của tôi là vô ích, bởi vì cô ta đã chính thức từ chối lấy tôi.

- Bọn con gái điên rồ với cơ thể chúng đôi khi lại ngoan ngoãn trong đầu óc, Goupil nói.

- Nếu nhìn thấy cô ta dẫu chỉ một lần, thì anh sẽ không dùng những câu như thế đâu, Désiré uể oải đáp.

- Nếu phải chứng kiến tương lai của anh bị gãy nát bởi cái điều chắc chỉ là một phăng te zi thoáng qua, Goupil nói tiếp với một sự nồng nhiệt chắc sẽ khiến Bongrand cũng phải bị mắc lừa, thì tôi sẽ đi bẻ gãy cái con búp bê đó giống như Varney bẻ gãy Amy Robsart trong Kenilworth[170]! Vợ của anh phải là một người nhà d’Aiglemont, một cô nương du Rouvre, và sẽ phải giúp cho anh leo lên đến địa vị dân biểu. Tương lai của tôi được thế chấp vào tương lai của anh, và tôi sẽ không để cho anh làm những điều xuẩn ngốc đâu.

- Tôi đủ giàu để tự thỏa mãn với hạnh phúc, Désiré đáp.

- Nào, các cậu đang âm mưu gì ở đó thế hả?” Zélie nói với Goupil, gọi hai người bạn đang nấn ná giữa cái sân rộng của bà ta nhanh chân lên.

Ông bác sĩ biến mất vào phố Bourgeois, và cũng mau chóng bằng một chàng thanh niên, đến ngôi nhà nơi đã thành tựu, trong tuần, sự kiện lạ thường khi ấy chiếm lĩnh tâm trí toàn bộ thành phố Nemours, và nó muốn vài lời giải thích nhằm biến câu chuyện này, cũng như lời nói của viên chưởng khế với những người thừa kế, trở nên hoàn toàn sáng rõ.

-----------

[145] Đây là một ví dụ về cách diễn đạt nhiều lúc đạt tới một mức độ phức tạp rất cao của Balzac; tuy nhiên sự rối rắm chỉ nằm ở vẻ bên ngoài: những gì Balzac muốn nói về cơ bản luôn luôn rất rành mạch; ai không hiểu câu trên đây nói gì có thể hỏi, hoặc tốt hơn nữa, chỉ cần đọc lại là sẽ hiểu.
[146] Ta nhớ ở đoạn trước (chỗ có nhân vật Goupil) ông Bongrand đã được nhắc đến (cái tên này rất có chủ ý: “bon” nghĩa là “tốt”, “grand” nghĩa là “lớn”).
[147] Vị trạng sư (cụ thể hơn: “avoué”) này xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm của Vở kịch con người.
[148] Ở đây Balzac có chút chơi chữ nên gắng gượng dịch như trên; thêm nữa, ở đây là một khuôn mặt hết sức điển hình (theo Balzac, tất nhiên) cho các ông quan tòa (ngay bên dưới ta sẽ thấy, một quan tòa trong mắt Balzac nghĩa là một người có khuôn mặt giống con cáo; điều này ngay lập tức cho thấy Kim Siêu Quần trong vai Bao Chửng cách rất xa “lý tưởng quan tòa” này, vì đó là một người hoàn toàn “mặt thịt”, một khuôn mặt có rất nhiều “nạc”); trong Vở kịch con người, các quan tòa lớn được khắc họa rõ nét nhất ở cuốn tiểu thuyết Honorine, với cùng một lúc ba ông liền, trong đó có Grandville mà ta đã bắt gặp trong Một người con gái của Eva, bố của hai chị em Marie.
[149] Chỉ cần hiểu đơn giản là ông Bongrand cứ nói là hay phun nước bọt, hay nôm na là nói sùi bọt mép.
[150] Người vú nuôi trong nhà bác sĩ Minoret tên là Antoinette Patris, nhưng vì người chồng (đã chết) có biệt danh “Pierre vùng Bougival” (theo địa danh) nên còn hay được gọi là “Bougival” (La Bougival); ở đoạn trước trong câu chuyện của những người thừa kế cái tên này đã được nhắc đến.
[151] Meslier là một cha xứ nổi tiếng không tin tôn giáo, nổi tiếng trong giới “Ánh sáng”; Foy là ông tướng bảo vệ các tư tưởng của phái tự do.
[152] Một vấn đề rất phức tạp; sẽ có riêng một khảo luận.
[153] Ở đây Balzac chơi chữ: “Zélie aime la zèle”, điệp âm, dùng từ “zèle” rất hao hao cái tên “Zélie”; thật ra câu này muốn nói Zélie thích sự năng nổ, hoạt bát.
[154] Một cách ý nhị để nói người phụ nữ không hề có ngực.
[155] Tiếng Pháp cũng hay so sánh chữ xấu với một số thứ liên quan đến (nhiều loại) động vật, nhưng không phải “gà (bới)” mà chẳng hạn ở đây Balzac nói “comme un chat” (“chat” là mèo).
[156] Đại khái là hai nhân vật mà nếu thực sự muốn tìm hiểu (cũng như mọi thứ khác) thì sẽ biết được ngay.
[157] Chỗ này để tạm như vậy; Balzac đang nhớ đến một thuật ngữ ngành luật, “sous bénéfice inventaire”, sẽ giải thích ở chỗ khác.
[158] Quần trắng một thời rất mốt trong đám thanh niên thời đại ưu tú nước Pháp, tục gọi là các “dandy”, tức là học đòi người Anh.
[159] Cf. Albert Savarus, đoạn đầu, về “sư tử” de Soulas của thành phố Besançon, quê hương Victor Hugo oanh liệt.
[160] Trong địa hạt cà vạt và áo gi-lê của các “dandy”, có khái niệm “phăng te zi”: “cravate de fantaisie” hoặc “gilet fantaisie”.
[161] Hình ảnh rất đặc trưng của các thanh niên ăn chơi chất nghệ tại các thành phố tỉnh, ta thấy đi thấy lại sự tương tự ở chẳng hạn La Rabouilleuse (bối cảnh là thành phố Issoudun) hoặc chính Charles Grandet trong Eugénie Grandet: Balzac có một sự nhất quán rất cao trong miêu tả giới trẻ đỏm dáng của loạt mười tác phẩm “cuộc sống ở tỉnh”.
[162] Thanh niên ăn chơi trong tiểu thuyết của Balzac hay mặc quần trắng, còn thiếu nữ xinh đẹp và hạnh kiểm tốt thì mặc váy mút-xơ-lin trắng; dường như đây là một lý tưởng cái đẹp đặc trưng ở Balzac.
[163] Balzac có cả một lý thuyết về “taille plate” (eo phẳng) và “taille ronde” (eo tròn) (cf. Bông huệ trong thung).
[164] Tóc hất đều sang hai bên, ngôi giữa xẻ xuống trán.
[165] Chắc hẳn cùng loại giày mà Julie đi, ở đoạn đầu Người phụ nữ tuổi ba mươi.
[166] Bà Vigée-Lebrun (1755-1842), họa sĩ vẽ rất nhiều chân dung nổi tiếng, trong đó không ít tranh hoàng hậu Marie-Antoinette.
[167] Một câu rất đáng kinh ngạc.
[168] Quý tộc thì không bao giờ được có dáng điệu nhớn nhác.
[169] Tất nhiên đây là nhân vật nổi bật trong Một người con gái của Eva.
[170] Tác phẩm của Walter Scott.



(còn nữa)



XV. Béatrix
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng của kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

7 comments:

  1. mô tả con người dục vọng thì như thế này là vô địch trong sáng về cái phức tạp rồi. cái câu ở (145) đó đem đến một mỉm cười bằng cú pháp: thì "hiểu đời" đại khái nó sẽ biểu thị qua diagram hành văn như thế :P
    lẩn thẩn nghĩ đến một common idea trước kia cứ bảo văn chương ng mình chịu ảnh hưởng Pháp v.v. nhưng hình như chẳng thấy ai đem trưng ra được "ảnh hưởng" từ cái lối comic kiểu như "chẳng thể nào thấy được là bằng chỗ nào" í nhỉ?

    ReplyDelete
  2. Ursule Mirouet là một sự kinh ngạc bất tận, dường như tại Việt Nam mới chỉ có một người thực sự nhắc đến nó và hiểu độ lớn của nó, là Vũ Đình Liên (trong lời tựa "Bông huệ trong thung")

    a, sắp bắt đầu một cuộc trường thiên về vụ "cười là gì", nhất là cái "pince-sans-rire" (cấu không cười), mở đầu là Flaubert với âm hưởng Stendhal :p

    ReplyDelete
  3. Những thanh niên ngày Khai hoá mài mông đọc những thứ này đấy nhỉ?

    ReplyDelete
  4. thời Pháp thuộc í hả?

    không, tôi không nghĩ ở Việt Nam có bao giờ, bất kỳ thời nào, từng thực sự có độc giả Balzac, dường như trước 1945 chỉ có độc một bản dịch tiếng Việt Balzac, là Miếng da lừa

    dường như người ta ngộ nhận hoàn toàn về "trí thức Tây học" được "nhà trường Pháp Việt" đào tạo, Albert Sarraut các thứ: tôi nghĩ họ hoàn toàn giống đám con cái nhà nouveaux riches hiện nay, không khác lấy một li

    ReplyDelete
  5. bác cho hỏi cái này, những tác phẩm như thế này sao bác gọi là tiểu thuyết ạ, tôi tưởng nó là một truyện ngắn trong toàn bộ vở kịch con người

    ReplyDelete
  6. sao không tìm hiểu trước đã rồi hãy nói? Ursule dài hơn Bông huệ trong thung, dài gần bằng "Bette", tức là dài hơn cỡ ba phần tư tổng số những gì từng dịch in thành sách ở Việt Nam

    ReplyDelete