Dec 7, 2021

(một người) Doderer

Heimito von Doderer là thêm một nhân vật nữa Claudio Magris làm cho tôi đọc; tất nhiên, tôi muốn nói, thực sự đọc, bởi vì, you know, đọc ấy mà, đó là một thứ cũng tương tự như thủy ngân hay cát lún, như thế này thì té ra lại là thế kia, chẳng biết được


(nhân tiện: tiếp tục và kết thúc một người từ trước: Hoffmann)





Doderer sinh năm 1896, như vậy là tuyệt đối cùng thế hệ với Céline và Breton.

Đọc một nhà văn Áo, thế nào cũng sẽ có Viên. Và đã Viên, thế nào cũng có Prater, có Graben. Nhưng đọc một nhà văn Áo, thế nào ta cũng (dẫu không hề chủ ý) nhớ đến bản án hướng vào văn chương Áo của Thomas Bernhard.

Trong ảnh, quyển sách bên trái là cuốn tiểu thuyết làm cho Doderer được biết đến: trong nhan đề có "vụ giết người", và đúng là trong sách có vụ giết người; đó là câu chuyện về Conrad Castiletz (biệt danh "Kokosch"). Cuốn sách lớn (ít nhất, rất dày) của Doderer là Die Dämonen: thêm một lần nữa, lại là những con quỷ. Một cuốn (một bộ) tiểu thuyết rất dày của văn chương Áo: tất nhiên ta nhớ đến một nhà văn Áo khác, Hermann Broch, hơn Doderer đúng mười tuổi (một, và hai). Nước Áo ở cuối thời đế chế như muốn nuốt hết lấy (tất nhiên, trong sự nuốt này có vai trò của cả Sigmund Freud: nuốt đến mức độ của vt).


Như vậy tức là, các nhà văn Áo hay viết tiểu thuyết rất dày? Giờ đây, ai cũng biết là nguy hiểm đến mức nào, chuyện nói người này thì thế này, người kia thì thế kia, nhưng đúng là các nhà văn Áo, có thể nói vậy, rất versatile. Tất nhiên không phải tất cả: một ví dụ - tôi sẽ còn đến với (ít nhất) một nhân vật Áo khác nữa, còn nổi bật hơn về khía cạnh không nhiều.

Đọc Doderer, nghĩa là, khi nhân vật thò tay vào túi (áo) nghịch miếng sô cô la để ở trong đó, thì không giống những nhà văn khác chỉ nói "túi", Doderer sẽ nói, "túi bên phải" - rất chi tiết. Các nhân vật của Doderer cũng hay đi trên đường ray tàu hỏa, tức là đi từ thanh tà vẹt này sang thanh tà vẹt kia (à, khi viết về các từ phiên âm, tôi đã quên khuấy từ "tà vẹt" này, cũng như "ta luy" hay "phuy te").

Là người thuộc thế hệ ấy, cũng như Joseph Roth (Roth bằng tuổi Céline, còn Doderer bằng tuổi Breton), thì cũng đồng nghĩa với tròn hai mươi tuổi khi chiến tranh bùng nổ (Thế chiến thứ nhất). Không ít người đi lính cả Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, như một nhân vật mà ta đã biết, Ernst Jünger. Doderer có một truyện (rất ngắn), kể một người đi lính về, sau chiến tranh, giả dạng làm học sinh, đến trường cũ của mình trà trộn vào đám trẻ con - dường như đây là kinh nghiệm thực của chính Doderer.


Đọc Doderer nghĩa là sẽ bắt gặp các nhân vật ngay trước thời của Doderer, chẳng hạn Adalbert Stifter (thêm một nhân vật văn chương Áo rơi vào tầm ngắm của Bernhard), cũng như thời trước của thời Doderer: Biedermeier. Nhưng đọc Doderer cũng có nghĩa, sự bourgeois ngập đến tận chân răng; có lẽ hiếm khi nào bourgeois có mức độ đặc đến vậy, trong trình hiện.

Trong cuốn tiểu thuyết quỷ của Doderer có rất nhiều nhân vật (đó dường như lại là thêm một thời đại Homère, những tiểu thuyết dày với vô vàn nhân vật: James Joyce cũng thế - cần phải đợi Samuel Beckett để lật nhào điều đó, less và lessness), và tôi lại mắc vào cơn nghi hoặc mà những cái tên gây ra. Một nhân vật (nữ, tất nhiên) tên là Clarisse. Ngày nay khó mà tìm được ai tên là Clarisse, Catherine nữa, nhưng nhất là Clotilde. Nhưng có thời cảm giác như phụ nữ nào cũng Catherine. Clarisse: trong thế giới của Virginia Woolf cũng có, ai cũng biết. Phụ nữ Việt Nam một thời rất nhiều tên Linh. Nhìn thấy cái tên Clarisse trong một cuốn tiểu thuyết như tiểu thuyết của Doderer, ấn tượng của tôi còn mạnh hơn ấn tượng về một thời đã qua không còn trở lại nữa, đó còn là ấn tượng về một nhân loại khác. Ta đọc tiểu thuyết chính là vì bị thôi thúc bởi ham muốn nhòm vào một loài người khác, gần như chẳng có gì liên quan.


(a, thế nhưng, nếu vậy thì, dẫu trông như là chẳng hề có liên quan, chính Beckett lại là một yếu tố có chức năng Flaubert, cho văn chương thế kỷ 20)


Đọc Doderer còn có nghĩa, thoát khỏi, đi ra khỏi lãng mạn.


Nhưng nếu nói vậy thì tức là các nhà văn Áo versatile, còn những người cũng viết văn bằng cùng ngôn ngữ nhưng là người Đức thì không? Tất nhiên là không phải thế. Các nhà văn Đức cũng viết sách rất dày, tiểu thuyết hàng nghìn trang, etc.: một ví dụ, rồi lại thêm một ví dụ. Vẫn còn có thể cụ thể hơn được nữa: Thomas Mann - cho đến tận bây giờ, sau không biết bao nhiêu ngần ngừ, cuối cùng tôi vẫn chưa đọc cuốn (bộ) tiểu thuyết của Mann về Joseph (cùng những người anh em). Thậm chí còn chưa giở ra. Tôi sợ nó boring. (trong chuyện này - tức là chuyện mãi mà không chịu đọc Joseph của Mann - có yếu tố: câu chuyện thì đã biết trước là gì: trong Sáng thế ký, Abram tức Abraham, rồi Isaac, rồi Jacob, thì đến Joseph, nhân vật khiến cho Israel đi đến Ai Cập, bắt đầu vài trăm năm ở đó, những người anh em bán Joseph đi, Joseph và nạn đói, Joseph và người em trai Benjamin, etc., tức là toàn bộ câu chuyện tiền-Moïse ấy: ai mà chẳng biết; cuốn tiểu thuyết về Thích Ca của Hermann Hesse tôi đọc được cùng lắm chục trang, đến cả câu chuyện rất ngắn về đứa con hoang của Gide, tôi đọc từ đầu đến cuối, nhưng đấy là chỉ vì bỗng một hôm kiếm được bản dịch tiếng Đức của nó, nên tôi đọc, chủ yếu là để xem có xoay xở được với tiếng Đức hay không; nhưng tất nhiên, yếu tố vừa nói - tức là biết trước câu chuyện - chẳng mấy có ý nghĩa, ta đọc không phải để biết câu chuyện là gì, ít nhất thì cũng rất ít)


(trở lại với những cái tên: những người Nam Mỹ, hay nói rộng hơn, những người mới, rất dễ mang những cái tên như Milton, chẳng hạn: những cái tên ấy có một cái gì đó nhất quyết là rất pompous, nhưng đồng thời cũng cho thấy một thứ, chúng cho thấy niềm hy vọng; mà hy vọng thì đâu có thể mọc lên từ gì khác ngoài các xưa cũ; nhân tiện, nghe một bản nhạc của một nhân vật mang cái tên thuộc dạng ấy đi: "Samba Triste", Baden Powell)


[câu chuyện về đứa con hoang: tất nhiên đây là một lapsus calami của tôi; tôi định nói đứa con hư, hoặc đứa con đi hoang, chứ không phải bâtard]


Chẳng hạn, nếu muốn có (ngay) một ví dụ đi ngược lại với điều mới nói ở trên (ta ngần ngại đọc những câu chuyện đã biết từ trước, etc.): rất nhiều khi José Saramago cũng làm đúng điều đó, tức là kể những chuyện ai cũng biết, thì ta (ít nhất là tôi) vẫn thấy muốn biết Saramago sẽ nói gì, kể cả khi ấy là Moïse gặp Chúa trong sương mù như thế nào, hay Abraham chuẩn bị hiến sinh Isaac ra sao.

À, nhưng, thế này thì có vẻ đi hơi quá xa khỏi Doderer.


Versatile, hay thậm chí volubile? rồi thì loquace? nhưng không, tất nhiên từ chuẩn ở đây phải là prolixe. Để nhìn vào prolixité thì tốt nhất lại chính là nhìn từ "anti-prolixe". Ai là người thực sự rất "anti-prolixe"? Tất nhiên là Cioran (chứ còn ai nữa đây).

Là một người như thế (Charles Simic khi bình luận Cioran, gọi Cioran là "triết gia của sự mất ngủ", nhưng insomnie không phải là khía cạnh cốt yếu nhất của Cioran, mà là sự chống lại (cho đến cùng) prolixe - hoặc giả, không phải "philosophe de l'insomnie" mà phải là "philosophe du cafard") cho nên Cioran có một cách (rất hữu hiệu) để biết ngày hôm ấy, cái ngày mà Cioran đang ở trong, có ra gì hay không (không có ngày xấu, nhưng có những ngày không hề dễ; cái ý niệm "xấu ngày" thì cũng tương tự như dưa thì chua) thì chỉ cần test: nếu hôm đó Cioran thấy đến cả Joubert cũng dài thì nó chính là một ngày rất không ra gì.

Mỗi người có cách test riêng: những ai hút thuốc lá đều biết, nếu hút một điếu thuốc mà thấy rất kinh (thậm chí buồn nôn) thì ngày ấy và mình đang rất lủng củng với nhau. Hoặc nếu đến cả món ăn thường ngày vẫn thích - sashimi chẳng hạn - mà ăn thấy dở như hạch thì cũng biết được. Những ai chơi nhạc cũng vậy: mãi mà chẳng nốt nào vào với nốt nào, thì nhất quyết là. Tốt nhất là nghỉ.

(lại đi quá xa khỏi Doderer rồi: trong cuốn tiểu thuyết về cuộc đời Conrad Castiletz, có một thứ rất quan trọng, liên quan chặt chẽ đến vụ giết người: những món đồ trang sức - đấy, giờ thì chủ đề chính đã đến mức rơi vào trong ngoặc)








(tiếp tục "Madame de""Lovenjoul")










3 comments: