Jun 19, 2017

Gái già

Đã hoàn chỉnh một cách không thể đầy đủ hơn (tức là đã dịch hết hoàn toàn từ đầu đến cuối) Vĩnh biệt (Adieu); đây là một tác phẩm thuộc phần của các "étude triết học"; nó là tác phẩm thứ hai có bản dịch đầy đủ sau Nàng tình nhân hờ, như vậy kể từ lúc bắt đầu "đợt hai Balzac", đã có thêm một cái gì đó đầy đủ. Vĩnh biệt là số XIII trong loạt Balzac của riêng tôi. Kể từ ở kia, tôi cũng đã bắt đầu trình bày, song song với các bản dịch, một sự phân tích riêng của tôi, có thể gọi chung là "Balzac trong thế kỷ 19".

Số XIV sẽ là Gái già (La Vieille Fille), thuộc (cũng như Ursule Mirouët) các "xen" cuộc sống ở tỉnh (province).

"Scènes de la vie de province", xếp thứ hai trong các phần của Vở kịch con người, sau "Scènes de la vie privée", gồm tổng cộng mười tác phẩm, ngoài một số tính chất khác, có tính chất sau đây:

Ngoài ba tác phẩm (Ursule Mirouët, Eugénie Grandet, hai tác phẩm đầu tiên, và Hết ảo tưởng, tác phẩm cuối cùng), bảy tác phẩm còn lại của phần này được Balzac xếp vào các "bộ". Ta có bộ thứ nhất mang tên chung "Les Célibataires" (về các nhân vật sống đời độc thân) gồm ba tác phẩm (1), bộ thứ hai mang tên chung "Les Parisiens en province" (Những người Paris ở tỉnh) gồm hai tác phẩm (2), và "Les Rivalités" (Những cuộc đối đầu) gồm hai tác phẩm (3); đây là phần có tính chất "chủ đề" rõ nhất của cả Vở kịch con người. Tình hình dịch tiếng Việt như thế nào? xem ở kia, ảnh thứ 3 và thứ 4, ta sẽ thấy, (1) đã được dịch đầy đủ cả ba, (2) chưa hề được dịch, và (3) thì đã có bản dịch Le Cabinet des Antiques; tác phẩm đi kèm với Le Cabinet des Antiques tạo thành bộ đôi "Les Rivalités" chính là Gái già. Phần "province" này rõ ràng rất được ưu tiên trong dịch thuật tại Việt Nam từ trước đến nay: trên tổng số mười tác phẩm, đã có sáu được dịch. Với Ursule Mirouët và lúc này là Gái già, coi như chỉ còn sót lại của phần này hai tác phẩm chưa hề được dịch, là hai tác phẩm làm nên bộ đôi "Les Parisiens en province". Thật ra, Hết ảo tưởng, tác phẩm khép lại phần này, cũng có thể coi là một bộ ba, nó được ghép lại từ ba cuốn tiểu thuyết. Ngoài phần "province" này, trong Vở kịch con người, Balzac còn ghép các tác phẩm thành bộ ở đâu nữa không? Có, đó là trong phần thứ ba, ngay tiếp sau "province", tức là phần về cuộc sống Paris, ta có bộ đôi "Les Parents pauvres", chính là nơi chứa La Cousine BetteLe Cousin Pons. Truyện Mười Ba Quái Kiệt (với Ferragus là mở đầu, xem ở kia), mở đầu các xen Paris, có thể xem cũng là một bộ sách. Quả thật, đó là một bộ sách, gồm ba tác phẩm, nhưng theo tôi không thể xếp Histoire des Treize vào cùng loại với "Les Célibataires", "Les Parisiens en province", "Les Rivalités" và "Les Parents pauvres": bốn bộ tác phẩm kia chỉ chung nhau về chủ đề, trong khi Histoire des Treize (Truyện Mười Ba Quái Kiệt) thực sự là một trilogy có tiếp nối về nhân vật, tình tiết.

Rose Cormon, nhân vật chính của Gái già, vô cùng nổi tiếng. Balzac, trong "lĩnh vực phụ nữ", không có đối thủ. Chỉ Balzac là người duy nhất nghĩ đến việc đưa người phụ nữ ở một số cung bậc trạng thái, ở các hoàn cảnh đặc biệt, lên "sàn diễn". Một phụ nữ bị điên (như ở kia), một phụ nữ bóng ma (như ở kia), và tất nhiên, người phụ nữ tuổi ba mươi, như ở kia. Nếu không có Balzac, thậm chí tôi nghĩ người ta không thể nghĩ đến chuyện đi thật xa trong riêng lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến phụ nữ này. Balzac và Vở kịch con người là đột phá lớn lao, là sự bùng nổ của người phụ nữ ở mọi khía cạnh của họ. Ta phải biết ơn Balzac về điều này. Vả lại, không ai hiểu phụ nữ bằng Balzac hết. Victor Hugo mà tả phụ nữ thì đúng như một thằng bé con ngớ ngẩn. Dumas? ngoài Milady, Dumas không bao giờ có nhân vật phụ nữ nào so được với nhân vật của chính ông con trai (về riêng câu chuyện này, xem ở kia).

Rose muốn lấy chồng, và tưởng như điều đó rất dễ dàng: đó là một phụ nữ giàu có, sống tại một nơi  mà cô ấy rất nổi bật. Nhưng năm tháng cứ thế qua đi, Rose Cormon thực sự trở thành một "gái già", dẫu ít nhất ta có thể tính được quanh cô ấy đến ba đối thủ nặng cân, cả già lẫn trẻ, cả quý tộc lẫn không quý tộc cho lắm. Ngần ấy "prétendant", nhưng Rose Cormon cũng giống như nàng Pénélope trên đảo Ithaque khi Ulysse đi vắng, đã thế nàng vẫn còn trinh, nguyên vẹn. Rose Cormon trong Gái già sẽ rơi vào tình trạng cận kề với chứng điên vào thời điểm tưởng chừng sắp lấy được chồng đến nơi nhưng té ra lại không.

Alençon: ta nhớ đến một thành phố nhỏ khác, Besançon: Balzac như thể là một ác thần đối với các thành phố hàng tỉnh tại Pháp, nhưng nhất là đối với các thành phố có tên kết thúc bằng "çon". Ít nhất một phần, vinh quang văn chương của Balzac chắc chắn bị các tỉnh nước Pháp chối bỏ nhiệt liệt. Giọng văn của Balzac là không thể chấp nhận được mỗi khi nào nó tìm ra được một thành phố nhỏ làm bối cảnh, như Besançon, như Alençon, hoặc như Nemours của Ursule Mirouët.

Thêm nữa, ai có viết văn sẽ nhận ra một cách hết sức dễ dàng, rằng một câu chuyện như Gái già là vô cùng khó viết.



Gái già



Tặng ông Eugène-Auguste-Georges-Louis Midy de la Greneraye Surville,
Kỹ sư thuộc Cơ quan Cầu Đường Hoàng gia,

như một bằng chứng cho tình trìu mến từ anh vợ của ông,

DE BALZAC[1]


Nhiều người chắc hẳn đã gặp tại một số tỉnh nước Pháp ít nhiều hiệp sĩ de Valois, bởi vì có một người như thế ở Normandie, một người khác ở Bourges, người thứ ba thì khoe sắc, vào năm 1816 tại thành phố Alençon, và có lẽ Miền Nam cũng có riêng một người cho nó. Nhưng sự tính đếm chính xác số lượng của bộ lạc de Valois này không mấy quan trọng ở đây. Tất cả các hiệp sĩ ấy, trong số đó hẳn có những người cũng valois giống như Louis XIV là bourbon, rất ít biết về nhau, thành thử ta không được phép nhắc đến người này với một người khác. Vả lại, tất tật để cho nhà Bourbon tuyệt đối yên bình trên ngai vàng nước Pháp, bởi vì đã hơi quá rõ rằng Henri IV đã trở thành vua vì không có một nam nhân thừa kế ở dòng trưởng của nhà Orléans, gọi là Valois. Có các de Valois là bởi họ được sản xuất từ Charles de Valois, tức công tước d’Angoulême, con trai của Charles IX và Marie Touchet[2], sau đó các hậu duệ nam giới bị tàn lụi, cho tới lúc nào có bằng chứng ngược lại, ở nơi trưởng tu de Rothelin[3], và gia đình Valois-Saint-Rémy, bắt nguồn từ Henri II, cũng kết thúc với nàng Lamotte-Valois lừng danh, dính dáng vào vũ việc chuỗi hạt[4].

Mỗi hiệp sĩ trong số đó, nếu các thông tin chính xác, đều, giống vị hiệp sĩ ở Alençon, là một nhà quyền quý già, cao gầy, và không tài sản. Người ở Bourges thì đã chuyển đi mất, còn người ở Touraine thì trốn mất, người ở Alençon từng chiến đấu trong phong trào Vendée và hơi có chút Chouan hóa[5]. Phần trọng yếu trong tuổi trẻ của nhân vật này đã trải qua tại Paris, nơi Cách Mạng bắt chợt ông vào lúc ông ba mươi tuổi ngay giữa các cuộc chinh phục. Được giới quý tộc cao cấp hàng tỉnh công nhận là một Valois đích thực, hiệp sĩ de Valois ở Alençon nổi bật, cũng như những người khác trùng họ, bởi các cung cách tuyệt hảo và tỏ ra là một con người rất thượng lưu. Hôm nào ông cũng đi ăn cơm khách và tối nào cũng chơi bạc. Ông được coi là một người rất trí tuệ, nhờ vào một trong các khiếm khuyết nơi ông, đó là hay kể cả đống giai thoại về triều trị vì của Louis XV và về đoạn khởi đầu của Cách Mạng. Khi lần đầu tiên được nghe những câu chuyện nho nhỏ ấy, người ta thấy rằng chúng được kể khá hay. Vả lại hiệp sĩ de Valois có một phẩm hạnh riêng, ông không nhắc lại những câu dí dỏm riêng của ông, cũng như chẳng bao giờ nhắc đến các mối tình; nhưng những nét duyên dáng nơi ông và các nụ cười của ông tiết lộ không biết bao nhiêu lời buột miệng. Con người tốt tính đó tận dụng ưu thế hay được trao cho các nhà quyền quý già ngả theo khuynh hướng Voltaire, đó là không hề đi dự lễ mixa, và người ta khoan dung rất mực đối với tính chất phi tôn giáo của ông, do căn cứ vào lòng tận tâm của ông cho lý tưởng bảo hoàng. Một trong những nét duyên dáng nổi bật nhất của ông là cái cách thức, chắc hẳn bắt chước từ Molé[6], nhón lấy thuốc lá từ một cái hộp cũ bằng vàng trang trí chân dung một công nương Goritza, người phụ nữ Hungary quyến rũ, nổi tiếng bởi sắc đẹp hồi cuối trào Louis XV. Suốt thời tuổi trẻ thân thiết với người phụ nữ nước ngoài xuất chúng ấy, lúc nào nhắc đến bà ông cũng rưng rưng cảm động, ông đã vì bà mà đánh nhau với ông de Lauzun[7]. Khi đó đã chừng năm mươi tám tuổi, ông nói mình mới chỉ năm mươi, và hoàn toàn có thể tự cho phép mình sự lừa dối trong trắng đó; bởi vì, trong số các lợi thế thường thấy ở những người gầy lại tóc vàng, ông còn giữ được cái vòng eo vẫn trẻ trung kia, nó cứu cả đàn ông lẫn phụ nữ khỏi vẻ bên ngoài của tuổi già. Đúng, hãy biết điều này, toàn bộ cuộc đời, hoặc giả toàn bộ sự thanh lịch vốn dĩ là biểu hiện của cuộc đời, nằm cả nơi cái eo. Trong số các tài sản của hiệp sĩ, cần phải tính đến cái mũi thần diệu mà Tự Nhiên đã phú cho ông. Cái mũi này phân chia một cách hùng dũng một khuôn mặt thuộc loại tái thành hai phần như thể không biết gì về nhau, chỉ một bên đỏ lựng lên trong lúc diễn ra công việc tiêu hóa. Điều này xứng đáng được nhận thấy vào một cái thời khi sinh lý học quan tâm rất mực tới trái tim con người. Hiện tượng nóng ửng này nằm ở phía bên trái. Dẫu hai cẳng chân cao và mảnh, người thanh và nước da nhợt của ông de Valois chẳng hề thông báo một sức khỏe dồi dào, ông lại ăn như rồng cuốn, và nhận mình mắc một chứng bệnh mà ở tỉnh người ta hay gọi là nóng gan[8], chắc hẳn để lấy làm cớ cho sự ngon miệng quá mức của ông. Sự hay đỏ mặt nơi ông lại càng củng cố cho những lời tuyên bố; nhưng tại một vùng nơi các bữa ăn diễn ra trong khoảng ba mươi hay bốn mươi món và kéo dài bốn tiếng đồng hồ, dạ dày của hiệp sĩ như thể là một ân sủng mà Thiên Hựu ban cho ông tại thành phố tươi đẹp này. Theo vài ông bác sĩ, sự nóng dồn vào phía bên trái này cho thấy một trái tim hoang tàng. Cuộc đời ga lăng của hiệp sĩ xác nhận những ước đoán khoa học kia, thật may mắn vì trách nhiệm của chúng không đè nặng lên sử gia. Mặc cho các triệu chứng đó, ông de Valois có một bản tính bồn chồn, bởi vậy mà rất sống động. Gan của ông có thể nóng rực, để sử dụng một lối nói đã cổ, nhưng trái tim của ông cũng cháy đâu kém. Khuôn mặt ông có thể trưng bày vài nếp nhăn, mái tóc ông có thể hoa râm, thì một người quan sát nhiều học vấn hẳn sẽ thấy nơi ông các triệu chứng lâm sàng của dục vọng và các đường rãnh của khoái lạc. Quả thật, vết chân chim đặc trưng và các đường vạch ngang trên trán cho thấy các nếp nhăn ấy là thanh lịch, rất được tán thưởng tại triều đình Cythère[9]. Ở vị hiệp sĩ đỏm dáng, mọi thứ đều để lộ các phong hóa của một người đàn ông ưa phụ nữ (ladie’s man): ông tỉ mỉ trong rửa ráy tắm giặt đến nỗi hai má ông nhìn thật thích, chúng như thể được mướt một thứ nước thần kỳ. Phần của cái sọ mà tóc từ chối phủ lên ánh ỏi như ngà. Hai hàng lông mày cũng như mái tóc trông rất trẻ trung nhờ vẻ chỉn chu do cái lược gây ra. Nước da vốn dĩ đã rất trắng của ông hồ như còn trắng ngoại hạng nhờ một điều bí mật nào đó. Không bôi nước thơm gì lên người, từ hiệp sĩ vẫn tỏa ra như thể một hương thơm tuổi trẻ khiến ông thật tươi mát. Hai bàn tay nhà quyền quý của ông, được săn sóc cẩn thận như hai tay một petite maîtresse, thu hút ánh mắt bởi những cái móng hồng cắt tỉa kỳ khu. Nói tóm lại, nếu không có cái mũi uy nghi vô cùng oai vệ, hẳn trông ông sẽ rất ẽo ợt. Cần phải quyết định gây hại cho bức chân dung này với lời thú nhận về một sự nhỏ mọn. Hiệp sĩ nhét bông vào tai và vẫn giữ ở đó hai cái vòng nhỏ xíu có hình đầu người da đen, bằng kim cương, chúng lại được làm hết sức tinh xảo; nhưng ông rất chịu khó biện minh cho món phụ trợ này bằng cách nói rằng kể từ khi xỏ khuyên tai ông không còn bị chứng đau nửa đầu hành hạ nữa: ông từng bị đau nửa đầu! Chúng ta không xưng xưng coi hiệp sĩ là một con người hoàn toàn; nhưng chẳng phải cần tha thứ cho những người độc thân đã già, với trái tim gửi lên khuôn mặt đến ngần ấy máu, về các nét đáng yêu lố bịch, có lẽ dựa trên nền tảng là những bí mật trác tuyệt, đấy ư? Vả lại, hiệp sĩ de Valois chuộc lại mấy cái đầu người da đen bởi biết bao nét duyên dáng khác, thành thử xã hội hẳn phải thấy mình đã được đền bù đầy đủ. Ông thực sự chịu thương chịu khó nhằm giấu biến đi những năm tháng đời mình và khiến những người quen biết thích ông. Trước hết cần phải nói đến sự chăm chút cực điểm mà ông dành cho quần áo, sự nổi bật duy nhất mà ngày nay những người đúng như phải thế[10] còn có được trên áo khoác; đồ của hiệp sĩ luôn luôn tinh tế và trắng muốt, theo đúng đường lối quý tộc. Về phần cái áo, dẫu hết sức sạch sẽ, lúc nào trông nó cũng thật cũ kỹ, nhưng không vết bẩn cũng không nhàu nhĩ. Việc gìn giữ quần áo như vậy đúng là phép mầu đối với những ai nhận ra vẻ lãnh đạm rất thời thượng của hiệp sĩ về điểm này; ông không đẩy chuyện đi xa đến mức dùng thủy tinh chà lên, phương pháp do ông hoàng xứ Wales nghĩ ra[11]; nhưng ông de Valois dùng đến một sự tự phụ cá nhân trong việc theo đúng các nguyên lý nền tảng của sự thanh lịch Anh quốc, thứ chẳng thể không được trân trọng trong mắt người Alençon. Chẳng phải xã hội hết sức cần có biệt nhãn đối với những ai đổ mồ hôi sôi nước mắt đến mức như vậy vì nó? Chẳng phải ở trong đó có sự thành tựu của giáo lý khó nhất trong Phúc Âm truyền giảng là phải lấy điều thiện đáp trả điều ác? Cách phục trang tươi mát ấy, sự chăm chút hòa điệu với cặp mắt xanh lơ, hàm răng ngà và con người hiệp sĩ vốn dĩ tóc vàng. Chỉ có điều, chàng Adonis về hưu này chẳng có chút đực tính nào trong dáng vẻ, và như thể dùng son phấn để che giấu những đổ nát gây ra bởi kỳ quân dịch trong lĩnh vực trăng hoa. Để khỏi giấu đi điều gì, cần phải nói rằng giọng nói tạo ra như thể một phản đề trong vẻ tinh tế tóc vàng của ông hiệp sĩ. Trừ phi tự xếp vào hàng ngũ ý kiến của vài nhà quan sát trái tim con người, và nghĩ rằng hiệp sĩ nói bằng giọng cái mũi của ông, nếu không thì giọng ông hẳn sẽ khiến ta kinh ngạc bởi nó tạo ra các âm thanh rộng và trùng lắp. Vốn dĩ không trầm hùng, âm sắc cái giọng nói này khiến người ta thích vì như lọc qua một lớp vải, giống tiếng kèn cor Anh quốc, lì và êm, mạnh và mượt như nhung. Hiệp sĩ đã tống khứ thứ trang phục lố bịch mà vài con người thuộc về nền quân chủ vẫn lưu giữ[12], và đã tự hiện đại hóa một cách mạnh mẽ: ông luôn luôn xuất hiện trong một cái áo màu hạt dẻ khuy mạ vàng, một cái quần ngắn đính lụa cùng nhiều vòng vàng, một cái gi-lê trắng không thêu gì, đeo một cái cà vạt thắt không cần cổ áo sơ mi, phế tích cuối cùng của phục trang Pháp xưa cũ, đây là thứ ông chẳng mấy muốn vứt bỏ bởi vì nếu không ông sẽ để lộ một cái cổ giống cổ của ông trưởng tu. Đôi giày của ông xủng xoẻng nhiều vòng vàng hình vuông, mà thế hệ hiện nay không còn nhớ nữa, tất tật trên nền da màu đen đánh véc ni. Hiệp sĩ để hé cho người ta thấy hai sợi dây xích đeo đồng hồ treo song song từ mỗi bên túi con, một phế tích nữa của các thứ mốt thế kỷ mười tám mà đám người rất mốt tên là “Incroyables” đã không bỏ qua dưới thời Đốc Chính. Cái trang phục của sự chuyển tiếp này, hội tụ hai thế kỷ lại với nhau, ông hiệp sĩ mang nó với vẻ duyên dáng của hầu tước mà các bí mật đã tan biến trên sàn diễn Pháp vào cái ngày Fleury mất đi[13], đó là môn đệ cuối cùng của Molé. Cuộc đời riêng của ông già không vợ này ở bên ngoài thì mở rộng cho mọi ánh mắt, nhưng trên thực tế rất bí hiểm. Ông sống tại một chỗ ở khiêm nhường, nếu không muốn nói hơn thế, trên phố rue du Cours, nơi tầng ba một ngôi nhà thuộc về bà Lardot, thợ giặt bận rộn nhất thành phố. Hoàn cảnh này giải thích cho việc quần áo của ông được chăm sóc hết mực. Nỗi bất hạnh muốn rằng một ngày nọ Alençon có thể tin hiệp sĩ đã không phải lúc nào cũng hành xử như một nhà quý phái, và rằng ông đã bí mật cưới, trong những ngày già nua, một phụ nữ tên là Césarine, mẹ của một đứa trẻ phạm phải tội hỗn láo là xuất hiện khi chẳng hề được gọi đến.

“Ông ta đã, khi ấy một ông nọ tên là ông du Bousquier nói, chìa tay cho người đàn bà từng là quần áo cho ông ta suốt một thời gian dài.”

Lời vu khống tệ hại này lại càng gây nhiều sầu muộn cho những ngày già nua của ông quyền quý tinh tế, bởi vì cái xen đang được thuật truyện ở đây sẽ cho thấy ông mất đi một niềm hy vọng nuôi dưỡng rất lâu ngày, và đã hy sinh rất nhiều cho nó. Bà Lardot cho ông hiệp sĩ de Valois thuê hai căn phòng tầng ba nhà của bà với món tiền mọn một trăm franc mỗi năm. Ông quyền quý cao vời, ngày nào cũng ăn cơm khách, chỉ về nhà để ngủ. Vậy nên khoản chi duy nhất của ông là cho bữa trưa, nhất nhất chỉ gồm một tách sô cô la, dùng để chiêu bơ và các thứ hoa quả, mùa nào thức nấy. Ông chỉ đốt lửa lò sưởi vào những mùa đông khắc nghiệt nhất, và chỉ trong khoảng thời gian ông thức. Từ mười một giờ tới bốn giờ, ông dạo mát, đi đọc báo và thăm thú người này người kia. Ngay từ lúc bắt đầu định cư tại Alençon, ông đã, đầy cao quý, thú nhận sự khốn cùng của mình, nói rằng tài sản của ông chỉ gồm tổng cộng sáu trăm livre niên kim trọn đời, thứ duy nhất còn sót lại từ sự giàu có khi xưa, nó được chia làm bốn, chuyển dần đều đặn cho ông từ người phụ trách tài sản[14] cũ của ông, người nắm giữ tiền cho ông. Quả thật, cứ ba tháng một lần, một chủ ngân hàng của thành phố nhận cho ông một trăm năm mươi livre do một ông tên là Bordin gửi từ Paris, đó là viên biện lý cuối cùng ở Châtelet[15]. Ai cũng biết các chi tiết này bởi vì hiệp sĩ từng tâm sự với một người đầu tiên và đề nghị người ấy giữ bí mật sâu thẳm nhất. Ông de Valois gặt hái các thành quả từ sự nghèo túng của ông: ông luôn luôn có chỗ tại bàn ăn ở các ngôi nhà nổi bật nhất của Alençon và được mời tới mọi bữa tiệc. Tài năng của ông với tư cách người chơi bạc, người kể chuyện, con người khả ái và thượng lưu được coi trọng đến mức dường như mọi thứ đều sẽ bị thiếu hụt nếu con người sành sỏi nhất thành phố vắng mặt. Các ông chủ nhà, các bà cần đến cái nhăn mặt tán thành của ông. Khi một cô thiếu nữ, tại vũ hội, nghe thấy ông hiệp sĩ già nói: “Cô ăn vận đáng yêu quá!” thì cô còn thấy sung sướng với lời ca ngợi này hơn là với sự tuyệt vọng của cô gái địch thủ. Ông de Valois là người duy nhất có thể nói thật chuẩn vài câu của thời xa xưa. Mấy từ mon coeur, mon bijou, mon petit chou, ma reine[16], tất tật các những lời âu yếm rất thịnh hồi năm 1770 đều mang một dáng vẻ duyên dáng khôn cưỡng khi được phát ra từ miệng ông; nói tóm lại, ông có sự ưu tiên tót vời nhất. Những lời khen của ông, vả lại ông dùng chúng rất hà tiện, gặt hái cho ông thiện cảm của các bà già; ông phỉnh nịnh tất cả mọi người, ngay cả những người thuộc giới hành chính, mà ông chẳng hề cần đến. Cách hành xử của ông khi chơi bạc có một nét nổi bật hẳn giúp ông được chú ý ở mọi nơi: không bao giờ ông phàn nàn, ông ca ngợi các đối thủ khi họ thua; ông không hề dạy dỗ những người cùng chơi, bằng cách chỉ giáo cách chơi thiện chiến hơn. Khi, trong lúc trang bài, để tránh những lời rông dài gây buồn nôn, ông hiệp sĩ rút hộp đựng thuốc lá ra bằng một cử chỉ xứng danh Molé, ngắm nghía công nương Goritza, oai hùng mở nắp, véo, lựa, vê, vón; rồi, khi các quân bài đã được chia xong, thì ông cũng đã tráng xong hai bên mũi và đưa công nương trở lại vào trong túi áo gi-lê, luôn luôn ở phía bên trái! Chỉ một nhà quyền quý của cái thế kỷ tốt đẹp (để đối lập với thế kỷ vĩ đại[17]) mới có thể nghĩ ra cái hình thức trung hòa giữa một sự im lặng chất chứa khinh bỉ và câu nói xóc nhiều khả năng sẽ chẳng được ai hiểu. Ông biết chấp nhận những kẻ kém cỏi và kiếm được lợi ích từ đó. Sự cân bằng tâm trạng gây vui thú ở ông khiến cho nhiều người nói, khi nhắc đến ông: “Tôi ngưỡng mộ hiệp sĩ de Valois!” Cách trò chuyện của ông, các cung cách của ông, mọi thứ nơi ông đều có vẻ mang màu vàng giống như con người ông. Ông lo sao để không gây choáng cho người đàn ông hay người phụ nữ nào. Bao dung trước các tật lỗi của hình thể cũng như đối với những khiếm khuyết của trí tuệ, ông kiên nhẫn lắng nghe, với sự hỗ trợ của công nương Goritza, những người kể cho ông những nỗi khốn cùng nhỏ mọn của cuộc sống ở tỉnh: trứng không chín lắm trong bữa trưa, cà phê pha kem vữa, các chi tiết kỳ cục về sức khỏe, những choàng tỉnh giấc, những giấc mơ, những viếng thăm. Hiệp sĩ sở hữu một ánh mắt uể oải, một tư thế cổ điển nhằm giả vờ lòng cảm thông, những gì khiến ông trở thành một thính giả tuyệt vời: ông phát ra một a! một chà! một Thế ông đã làm sao? với một sự thích ứng quyến rũ. Ông chết đi rồi thì hẳn cũng sẽ chẳng ai bao giờ ngờ là ông còn nhớ các chương nóng bỏng cuốn tiểu thuyết của ông với công nương Goritza, chừng nào vẫn tuôn trào các đợt tuyết lở những sự xuẩn ngốc kia. Đã bao giờ người ta nghĩ đến các phụng sự mà một tình cảm tắt ngấm có thể mang tới cho xã hội, tình yêu thì có thể gợi chuyện và hữu dụng đến mức nào? Điều này có thể giải thích nguyên do, mặc cho những thắng bạc liên miên của ông, hiệp sĩ vẫn cứ là người được cả thành phố chiều chuộng, bởi vì chẳng bao giờ ông rời một phòng khách nào mà không mang theo chừng sáu livre tiền thắng bạc. Những lần ông thua, vả lại ông kêu inh lên vì vậy, thì hiếm lắm. Tất cả những ai từng quen biết ông thú nhận mình chưa từng bao giờ gặp ở nơi đâu, ngay cả tại Bảo tàng Ai Cập bên Turin, một xác ướp dễ mến đến thế. Không có tại mọi vùng đất nào trên cõi đời sự tầm gửi khoác lên người những hình dạng duyên dáng đến thế. Chưa từng bao giờ lòng ích kỷ tập trung nhất bày ra vừa nhiều điều nhộn lại vừa ít gây khó chịu như nơi nhà quyền quý này, nó đáng giá ngang một tình bạn tận tụy. Nếu ai đó đến nhờ ông de Valois một việc nhỏ nào đó hẳn gây lúng túng cho ông, người ấy sẽ không đi khỏi nhà hiệp sĩ tốt bụng mà không đem lòng yêu quý ông, đặc biệt tin tưởng rằng ông chẳng thể làm gì, hoặc giả ông sẽ làm hỏng chuyện nếu dính dáng vào.

Để giải thích sự tồn tại nhiều nghi vấn của hiệp sĩ, sử gia, người bị Sự Thật, kẻ trụy lạc tàn nhẫn đó, tóm chặt lấy cổ họng, phải nói rằng gần đây, sau những ngày vinh quang đáng buồn của tháng Bảy[18], Alençon được biết rằng món tiền thắng bạc của ông de Valois đạt đến mức khoảng một trăm năm mươi écu mỗi quý, và ông hiệp sĩ trí tuệ đã can đảm tự gửi cho mình món niên kim trọn đời, để không có vẻ không có nguồn thu nhập tại một cái vùng nơi người ta thích sự tích cực. Nhiều người trong số bạn bè ông (ông đã chết, ta hãy ghi nhớ điều này!) đã phản đối vô cùng hung dữ điều đó, cho rằng đó chỉ là chuyện bịa, tuyên bố hiệp sĩ de Valois là một con người đáng kính trọng, nhà quyền quý rất xứng đáng, mà đám người theo khuynh hướng tự do vu khống. Thật may mắn cho những con bạc cao tay, trong galerie có nhiều người ủng hộ họ. Xấu hổ vì phải biện minh cho một điều nhầm lẫn, những người hâm mộ kia bèn quả cảm chối phăng đi; ta đừng nên coi họ là những người cứng đầu, họ cũng có cảm giác về phẩm hạnh riêng chứ: các chính phủ cung cấp cho họ tấm gương về cái đức hạnh đó, nó đồng nghĩa với chuyện ban đêm chôn đi các xác chết mà không hát Te Deum cho những thua cuộc của nó. Nếu hiệp sĩ tự cho phép mình làm cái trò khôn ranh ấy, vả lại nó hẳn lại khiến ông có được sự coi trọng của hiệp sĩ de Gramont, một nụ cười của nam tước de Faeneste, một cái bắt tay của hầu tước de Moncade[19], thì ông cũng đâu vì thế mà kém là người khách khả ái, con người trí tuệ, con bạc trung thực, người kể chuyện hấp dẫn mang lại biết bao khoái thú cho Alençon? Vả lại cái hành động kia, vốn dĩ nằm trong các quy luật của tự do ý chí, bằng cách nào mà nó có thể đi ngược lại các phong hóa thanh lịch của một nhà quyền quý đây! Khi ngần ấy con người buộc lòng phải dùng đến các món niên kim trọn đời của người khác, thì còn có gì tự nhiên hơn là tạo ra một cái, một cách chủ ý, cho người bạn thân nhất của mình? Nhưng Laïus đã chết[20]… Sau khoảng mười lăm của cái nhịp sống đó, hiệp sĩ đã thu hoạch được hơn mười nghìn franc một chút. Khi nhà Bourbon trở lại, một trong những người bạn cũ của ông, ông hầu tước de Pombreton, cựu  trung úy ngự lâm quân đen[21], người ta nói thế, đã trả cho ông một nghìn hai trăm pistole mà ông đã cho vay để bạn ông có tiền đi lưu vong. Sự kiện này gây chấn động lớn, về sau nó vấp phải những sự đùa cợt do tờ báo Le Constitutionnel bịa ra về cách thức trả nợ mà một số người lưu vong sử dụng. Khi ai đó nhắc đến hành động cao quý ấy của hầu tước de Pombreton trước mặt hiệp sĩ, con người khốn khổ đỏ lựng mặt sang đến tận bên phải. Lúc đó ai ai cũng mừng cho ông de Valois, ông đi tham khảo ý kiến những người chuyên về tiền bạc về cách thức sử dụng phế tích của tài sản này. Tin tưởng vào số phần của Trung Hưng, ông nộp tiền của mình vào Sổ Lớn vào thời điểm lợi tức trị giá 56 franc 25 xăng tim. Các ông de Lenoncourt, de Navarreins, de Verneuil, de Fontaine và La Billardière, những người mà ông có quen, ông nói, giúp ông có được một món trợ cấp một trăm écu từ ngân quỹ Nhà Vua, và gửi cho ông huân chương Saint-Louis. Chưa bao giờ người ta biết bằng cách nào ông hiệp sĩ già giành được hai sự vinh danh trang trọng đó, cho tước hiệu và cho phẩm chất của ông; nhưng chắc chắn giấy chứng nhận huân chương Saint-Louis sẽ cho phép ông mang lon đại tá về hưu, căn cứ trên sự phụng sự của ông trong các đội quân Công giáo miền Tây. Ngoài câu chuyện hư cấu của ông về món niên kim trọn đời, về nó chẳng ai còn nghĩ đến nữa, hiệp sĩ quả thật có khoản thu nhập một nghìn franc. Mặc dù được cải thiện như vậy, ông chẳng hề thay đổi gì trong cuộc sống cũng như các cung cách; chỉ duy nhất dải ruy băng đỏ ngạo nghễ xuất hiện trên cái áo màu hạt dẻ của ông, và bằng cách ấy hoàn chỉnh cho vẻ bên ngoài của nhà quyền quý. Ngay từ năm 1802, hiệp sĩ niêm thư từ của mình bằng một con dấu vàng rất cổ, khắc khá là xấu, nhưng trên đó người nhà Castéran, người nhà d’Esgrignon, người nhà Troisville có thể thấy là có [...][22]. Với gia huy cao quý ấy, người được coi là con hoang nhà Valois hẳn và có thể bước lên mọi cỗ xe ngựa rực rỡ của hoàng gia trên toàn thế giới. Nhiều người từng ghen tị với cuộc tồn tại êm ái của người trai già đó, tràn ngập những ván boston[23], trictrac, reversi, whist và piquet[24] chơi thật khéo, những bữa tối thỏa thuê, những nhón thuốc lá được hít một cách duyên dáng, những cuộc dạo chơi yên ả. Gần như toàn bộ Alençon tin rằng cuộc sống ấy không vương một chút tham vọng hay lợi ích nghiêm túc nào; nhưng chẳng có lấy một người sở hữu cuộc đời đơn giản đúng như đám ghen ghét gán cho. Ta sẽ phát hiện tại các ngôi làng hẻo lánh nhất những con sò-người, lũ trùng mới nhìn qua thì tưởng đã chết, nhưng lại chứa đựng dục vọng của sâu bọ cánh vảy hoặc ốc sò, những kẻ tự gây cho mình các đau đớn vô biên nhằm hóa thành các loại bướm nào đó hoặc giả thành concha Veneris[25]. Hiệp sĩ có không chỉ các vỏ sò, mà ông còn nuôi dưỡng một ham muốn đầy tham vọng được theo đuổi với một chiều sâu xứng đáng so sánh với Sixte-Quint[26]: ông muốn lấy một cô gái già giàu có, hẳn với mục đích biến điều này trở thành bàn đạp nhằm cập tới các tầng cầu cao vời của Triều Đình. Nằm ở chính đây bí mật cho phong cách vương giả của ông, cũng như việc ông sống tại Alençon.

Một thứ Tư, mới sáng sớm, quãng giữa mùa xuân năm 16, đó là cách nói của ông, đúng vào lúc hiệp sĩ đang khoác lên người cái áo choàng mặc trong nhà bằng vải damas cũ màu lục điểm hoa, ông nghe thấy, dẫu nhét bông vào tai, bước chân nhẹ nhõm của một cô thiếu nữ đang đi lên cầu thang. Rất mau chóng ba tiếng gõ kín đáo vang lên nơi cánh cửa; rồi, chẳng đợi một lời, con người xinh đẹp luồn vào nhà ông trai già, như một con lươn.

“A! cô đấy à, Suzanne? hiệp sĩ de Valois hỏi, không ngừng tay khỏi cái công việc đã được khởi động, tức là liếc lưỡi dao cạo râu lên một miếng da. Cô đến đây làm gì thế, cái đồ tinh quái đáng yêu kia?

- Tôi đến để kể cho ông một điều có lẽ sẽ mang lại cho ông nhiều vui thú cũng ngang với khổ sở.

- Liên quan tới Césarine à?

- Tôi thèm mà mắc mớ với cái bà Césarine của ông!” cô đáp, vẻ vừa chộn rộn, nghiêm trang, lại vừa vô tư lự.

Cái cô Suzanne quyến rũ này, mà cuộc phiêu lưu nhiều tính chất hí hước sẽ có một ảnh hưởng rất lớn lên số phận các nhân vật của câu chuyện, là một cô công nhân làm việc cho bà Lardot. Sau đây là vài lời tóm tắt về sự bố trí của ngôi nhà. Các gian xưởng chiếm toàn bộ tầng trệt. Cái sân nhỏ được dùng để phơi, trên những sợi dây cước đống khăn mùi soa thêu, cổ áo xếp, áo sơ mi không tay, măng sét, sơ mi diềm đăng ten, cà vạt, đăng ten, váy thêu, tất tật các mặt hàng cao cấp của các nhà giàu nhất thành phố. Hiệp sĩ nhận là mình có thể, thông qua số áo sơ mi không tay của vợ ông quan thu thuế, đi guốc vào trong bụng mọi câu chuyện bí mật của bà; bởi vì có sơ mi diềm đăng ten và cà vạt tương ứng với áo sơ mi không tay và cổ áo xếp[27]. Dẫu có thể đoán được mọi chuyện nhờ cái thể loại trang phục phần nào đó đi kèm các hẹn hò của thành phố, hiệp sĩ chẳng bao giờ hé môi để lộ ra điều gì, không bao giờ ông phát ra một câu nói xóc có khả năng khiến cửa một ngôi nhà đóng lại trước ông (thế mà ông trí tuệ lắm đấy!). Vậy nên ta hãy coi ông de Valois là một người có phẩm chất vượt trội, với các tài năng, cũng như nhiều người khác, bị tan biến đi vào trong một vòng tròn nhỏ hẹp. Chỉ có điều, bởi vì xét cho cùng ông là đàn ông, hiệp sĩ tự cho phép mình có vài cú liếc mắt sắc lẹm khiến đám phụ nữ phát run lên; tuy nhiên tất tật yêu quý ông sau khi nhận ra ông kín đáo đến chừng nào, ông cảm thông tới mức nào với những yếu lòng đẹp đẽ. Cô công nhân thứ nhất, tay chân của bà Lardot, gái già bốn mươi lăm tuổi, xấu đến phát hờn, sống liền sát với ông hiệp sĩ. Phía trên họ, chỉ còn các phòng áp mái dùng để phơi quần áo vải vóc trong mùa đông. Mỗi căn hộ, giống căn hộ của hiệp sĩ, bao gồm hai căn phòng, một nhìn ra đường, một nhìn xuống sân. Bên dưới hiệp sĩ, có một ông già liệt, ông của bà Lardot, một cựu thuyền trưởng tên là Grévin, từng phục vụ dưới quyền đô đốc Simeuse[28] bên Ấn Độ, và bị điếc. Về phần bà Lardot, vốn dĩ chiếm giữ khu ở khác của tầng thứ nhất, bà yêu quý những người có điều kiện đến mức có thể đóng vai trò câm điếc mù trong những gì liên quan tới hiệp sĩ. Đối với bà, ông de Valois là một vị quân vương chuyên chế làm gì cũng đúng hết. Một trong các cô công nhân của bà mà có phạm tội trong một niềm hạnh phúc được gán ghép cho hiệp sĩ, thì hẳn bà sẽ nói: “Ông ấy khả ái như thế!” Thành thử, mặc dù ngôi nhà này làm bằng kính, cũng như mọi ngôi nhà ở tỉnh, trong những gì liên quan đến ông de Valois bà kín đáo tương đương với một cái hang của lũ kẻ trộm. Là người được lắng nghe các câu chuyện bí hiểm nho nhỏ thuộc xưởng, hiệp sĩ không bao giờ đi ngang qua trước cửa, phần lớn thời gian nó để mở, mà không tặng cái gì đó cho lũ mèo cái nhỏ xinh của ông: sô cô la, kẹo, ruy băng, đăng ten, một chữ thập vàng, đủ mọi hạng mục những đồ vật màu mè mà các cô gái bình dân thích điên cuồng. Vậy nên ông hiệp sĩ tốt bụng rất được các cô gái nhỏ bé ấy yêu quý. Phụ nữ sở hữu một bản năng giúp họ đoán định các đàn ông yêu họ chỉ vì họ mặc một cái váy, họ sung sướng khi được ở bên cạnh, và chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện ngu ngốc mà đi hỏi mục đích thói ga lăng. Ở riêng khía cạnh này phụ nữ có tài đánh hơi của loài chó, nó, giữa đám đông người, tiến thẳng đến người nào coi lũ thú vật là thiêng liêng. Ông hiệp sĩ de Valois khốn khổ lưu giữ, từ phần đời đầu tiên của ông, nhu cầu bảo vệ phái đẹp, xưa kia từng là thứ khiến vị lãnh chúa lớn trở nên nổi bật. Lúc nào cũng trung thành với hệ thống của ngôi nhà nhỏ, ông thích khiến phụ nữ trở nên giàu có hơn, đó là những người duy nhất biết cách đón nhận bởi vì họ luôn luôn có thể cho đi. Chẳng phải thật ngoạn mục khi, vào một cái thời đám học trò nhỏ tìm cách, khi rời khỏi trường collège, kiếm lấy một hệ thống hoặc lọc lựa các huyền thoại, vẫn còn chưa có ai giải thích về các cô gái thế kỷ mười tám? Đó chẳng phải là trận đấu của thế kỷ mười lăm đấy ư? Hồi năm 1550, các hiệp sĩ đánh nhau vì các quý bà; năm 1750, họ trưng bày các tình nương của mình tại Longchamp[29]; còn ngày nay, bọn họ thả ngựa vào đó chạy loạn xạ; vào mọi thời, nhà quyền quý đều tìm cách tự tạo lập một lối sống chỉ thuộc về riêng ngài ấy. Những đôi giày mũi nhọn hoắt hồi thế kỷ mười bốn trở thành giày đế đỏ trong thế kỷ mười tám, và trò xa xỉ các tình nhân thì vào năm 1750 trở thành một sự phô bày tương tự sự phô bày các tình cảm của trò Hiệp sĩ lang thang. Nhưng ông hiệp sĩ chẳng còn có thể tự làm mình khánh kiệt vì một nàng tình nhân! Thay vì những cái kẹo bọc trong giấy ghi tiền có thể tiêu được, ông tình tứ trao tặng một túi đựng bánh croquignole ngon lành. Ta hãy nói điều này vì vinh quang của Alençon, bánh croquignole được đón nhận còn vui vẻ hơn so với Duthé[30] xưa kia nhận về một món đồ trang sức vàng hoặc một cỗ xe từ tay bá tước d’Artois. Tất cả các cô gái bình dân kia đều hiểu sự uy nghi suy sụp của hiệp sĩ de Valois, và giữ cho ông một bí mật sâu thẳm về những thân thiết bên trong giữa họ. Nếu trong thành phố, tại vài nhà, người ta có hỏi họ về hiệp sĩ de Valois, thì họ sẽ lấy giọng nghiêm trang nhắc tới nhà quyền quý, họ khiến ông già lão hẳn đi; ông liền trở thành một quý ông đáng kính trọng với cuộc đời đích thực là một bông hoa thánh thiện; nhưng, ở nhà, hẳn họ trèo ngay lên đậu trên vai ông giống như lũ vẹt. Ông thích biết về các bí mật mà các cô thợ giặt khám phá được tại các gia đình, thế nên buổi sáng họ thường tới kể cho ông nghe các câu chuyện ngồi lê đôi mách của Alençon; ông gọi họ là những tờ báo tinh nghịch của ông, các tác phẩm phơi ơ tông sống động của ông: chưa từng bao giờ ông de Sartines[31] sở hữu được các gián điệp thông tuệ đến thế, cũng ít đắt đỏ đến thế, không những vậy lại còn thể hiện biết bao danh dự chính trong lúc bày ra sự đồi bại của tâm hồn. Ta hãy nhớ rằng, trong bữa trưa, hiệp sĩ được vui thú như một con người hạnh phúc.

Suzanne, một trong những cô công nhân mà ông cưng nhất, trí tuệ, tham vọng, sở hữu tư chất của một Sophie Arnould[32], vả lại cô đẹp như nàng kỹ nữ đẹp nhất mà Titien từng đã có lúc mời đến làm mẫu vẽ lên một tấm nhung đen nhằm giúp cây cọ của ông tạo ra một Venus; nhưng khuôn mặt cô, dẫu thanh tú ở phần cặp mắt và vầng trán, phía bên dưới rũ xuống bởi các công tua tầm thường. Đó là vẻ đẹp Normandie, tươi tắn, rạng rỡ, chắc nịch, làn da của Rubens mà hẳn ta phải ghép vào với các cơ bắp của Hercule Farnèse[33] chứ không phải nàng Venus de Médicis, người vợ kiều mỵ của Apollon.

“Ơ này, con gái, kể cho ta nghe cuộc phiêu lưu nhỏ hoặc lớn của con đi chứ.”

Điều, từ Paris cho chí Bắc Kinh, hẳn làm ông hiệp sĩ được nhận ra, nằm ở tình cha chú êm dịu trong các cung cách của ông dành cho những cô gái bình dân này; họ làm ông nhớ đến các cô gái thời trước, những nữ hoàng xuất chúng của Opera, mà sự lừng danh có tầm vóc châu Âu trong vòng khoảng một phần ba thế kỷ mười tám. Chắc chắn rằng nhà quyền quý xưa kia từng sống cùng cái quốc gia nữ tính bị lãng quên đó, cũng như mọi thứ gì lớn lao, chẳng hạn đám Dòng Tên và đám Cướp Biển, hay đám Trưởng Tu và đám Mạo Thuế, đã chinh phục được một vẻ tốt tính khôn cưỡng, một vẻ dễ dãi đầy duyên dáng, một sự buông thả hoàn toàn không vương chút ích kỷ nào, toàn bộ tính chất vi hành của Jupiter ở chỗ Alcmène, của cái ông vua đánh lừa tất tật, vùi dập mọi con quỷ bằng sự vượt trội những sấm sét của mình, và muốn ăn trụi đỉnh Olympe của ông bằng những điên rồ, những bữa xupe nho nhỏ, những dồi dào phụ nữ, nhất là cách thật xa Junon[34]. Mặc cho cái áo choàng cũ kỹ bằng vải damas màu lục, mặc cho vẻ trống trơn trong căn phòng nơi ông tiếp khách, và là nơi ông đã rải trên sàn một miếng vải lớn tệ hại thay cho thảm, rồi thì mấy cái ghế phô tơi rệu rã, nơi các bức tường dán một thứ giấy tơi tả trưng bày nơi đây chân dung nhìn nghiêng của Louis XVI và các thành viên trong gia đình ngài, lấp ló đằng sau một cây liễu rủ, chỗ kia [...][35], nói tóm lại là tất tật mọi thứ tình cảm quyến luyến được nghĩ ra bởi chủ nghĩa bảo hoàng dưới thời Khủng Bố; mặc cho những đổ nát của ông, hiệp sĩ sửa sang râu ria trước một mớ dụng cụ cũ đính những mảnh đăng ten xấu xí tỏa mùi thế kỷ mười tám!… Tất thảy những duyên dáng trụy lạc của tuổi trẻ ông xuất hiện trở lại, trông ông như thể sở hữu đến ba trăm nghìn livre tiền lợi tức và có cỗ xe riêng đỗ ngoài cửa. Ông cũng cao lớn ngang như Berthier[36] có thể truyền đi, trong cuộc tháo chạy tán loạn khỏi Matxcơva, các mệnh lệnh cho những tiểu đoàn của một đội quân không còn tồn tại nữa.

“Thưa ông hiệp sĩ, Suzanne nói rất nhộn, hình như tôi chẳng có chuyện gì để kể cho ông, ông chỉ cần nhìn là đã thấy luôn rồi.”

Và Suzanne nghiêng người đi cho ông ngắm, sao cho có thể cung cấp cho lời nói của mình một bình luận của trạng sư. Ông hiệp sĩ, hãy tin điều này, vốn dĩ là một tay rất thiện xảo, bèn liếc, mà vẫn để con dao chênh chếch trên cổ, con mắt bên phải lên cô gái bình dân, và giả vờ là mình đã hiểu chuyện.    

-----------

[1] Ta hãy nhớ đến lời đề tặng mà Balzac viết cho Sophie Surville, cô cháu gái được tặng Ursule Mirouët.
[2] Tức là người tình (chứ không phải vợ) của vua Charles IX.
[3] Trưởng tu de Rothelin (1691-1744), tuy nhiên, thực tế lại là con hoang của nhà d’Orléans chứ không phải nhà de Valois.
[4] Đề tài cho một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của Alexandre Dumas, nổi tiếng đến nỗi ở đây không nhất thiết phải nhắc lại nữa.
[5] Vendée và “chouannerie” đã trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm nổi tiếng trong Vở kịch con người.
[6] Ở đây muốn nói đến một diễn viên nổi tiếng thời các ông vua cuối cùng trước Cách mạng 1789.
[7] Nhà quý tộc chết trên đoạn đầu đài thời Cách mạng; ta sẽ gặp lại nhân vật này trong La Duchesse de Langeais.
[8] “Foie chaud”.
[9] Balzac đang dùng một điển tích cổ Hy Lạp; tốt nhất nếu muốn biết rõ hơn thì google.
[10] Ở đây, khái niệm “đúng như phải thế” (comme il faut) được mở rộng ra cả cho đàn ông chứ không chỉ ở phụ nữ như thường thấy tại các nơi khác trong Vở kịch con người.
[11] Ám chỉ vua George IV (1762-1830), vua nước Anh, bạn của dandy Brummell.
[12] Tất nhiên, ở chi tiết này ta nhớ tới cảnh mở đầu hết sức nổi tiếng miêu tả nhân vật Pons trong Le Cousin Pons.
[13] Một diễn viên nổi tiếng; ở đây Balzac ám chỉ đến vai diễn hầu tước của Fleury trong vở L’École des bourgeois của Dallainval.
[14] Đây là “homme d’affaires”, một “típ” người mà Balzac đặc biệt quan tâm, và sẽ dành riêng cho một tác phẩm thuộc Vở kịch con người.
[15] Các biện lý của nhà vua tại Châtelet bị xóa bỏ hồi Cách mạng.
[16] Ở đây tạm để yên không dịch mấy cụm từ rất đặc trưng này.
[17] Thế kỷ “vĩ đại” (grand siècle) là cách gọi, “biệt hiệu”, tương đối thống nhất mà người ta dùng để gọi thế kỷ 17 của nước Pháp (thế kỷ của Molière, Corneille, Racine, Pascal, Port-Royal); ở đây, Balzac gọi thế kỷ 18 là thế kỷ “tốt đẹp” (bon siècle).
[18] Balzac viết như vậy, “tristes glorieuses journées de Juillet” là bởi, cuộc cách mạng tháng Bảy (1830, dẫn đến việc Louis-Philippe lên làm vua nước Pháp) còn được gọi là “glorieuses journées”, hay “Trois Glorieuses”.
[19] Các nhân vật quý tộc, cả tồn tại thật lẫn là nhân vật hư cấu, nổi tiếng vì sự ranh mãnh.
[20] Cf. Voltaire (vở kịch OEdipe).
[21] Có hai ngự lâm quân (mousquetaire): đen và xám (sự phân biệt dựa trên ngựa của họ).
[22] Mấy dòng miêu tả gia huy, quá mức phức tạp nên tạm thời bỏ qua, chưa dịch.
[23] Xem thêm về trò chơi này, một trong các “jeu de société” phổ biến thời ấy, nhất là nguồn gốc cùng ý nghĩa chung của nó, trong Một vụ việc ám muội, cũng như trong Albert Savarus.
[24] Thêm bốn trò chơi nữa (trò trictrac được Balzac miêu tả rất kỹ càng trong Ursule Mirouët); ngoài đó ra còn có trò tên là “mouche” mà ta sẽ gặp một cách kỹ lưỡng trong Béatrix.
[25] Tên một loài nhuyễn thể có vỏ rất được săn lùng vì vẻ đẹp của nó.
[26] Một giáo hoàng rất gớm, có thể coi là Hoàng Cái phương Tây trong lĩnh vực khổ nhục kế nhằm đạt mục đích.
[27] Có thể hiểu một cách ngắn gọn là trang phục phụ nữ và trang phục đàn ông.
[28] Xuất hiện ở trung tâm trong Một vụ việc ám muội, các thành viên của gia đình Simeuse cũng thỉnh thoảng được nhắc đến trong các tác phẩm khác thuộc Vở kịch con người.
[29] Ngày nay, cái tên “Longchamp” sẽ ngay lập tức làm người ta nghĩ đến trường đua ngựa, thậm chí vài thứ khác, đồ xa xỉ gì đó, nhưng ở đây Balzac nói đến một tu viện, nó nằm trong rừng Boulogne (chắc hẳn chính là nơi về sau trở thành trường đua ngựa), là một nơi dạo chơi rất mốt dưới triều Louis XV.
[30] La Duthé (1752-1820): một kỹ nữ nổi tiếng, từng là tình nhân bố của vua Louis-Philippe cũng nhưbá tước d’Artois tức là Charles X tương lai, cùng nhiều người khác.
[31] Tên một trùm mật vụ lừng danh.
[32] Tên một nữ ca sĩ của Opera, nổi tiếng vì vẻ đẹp và trí tuệ.
[33] Đã chú thích ở đâu đó.
[34] Để đề phòng mọi nhầm lẫn có thể có: đây là cặp vợ chồng thần tối cao trong hệ thống thần thoại Hy Lạp: Jupiter (tức là Zeus) và Junon (tức là Hera); còn Alcmène dĩ nhiên là mẹ của Hercule.
[35] Mấy chữ chưa hiểu lắm, đang tìm hiểu thêm.
[36] Một thống chế của Napoléon, trong bối cảnh Chiến dịch Nga (xem thêm về chiến dịch này ở Vĩnh biệt).



(còn nữa)



Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng của kỹ nữ
X. Ursule Mirouët
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac





3 comments:

  1. cuộc phiêu lưu Balzac này đã đi đến nửa chặng đường chưa bác?

    ReplyDelete
  2. hơi giống Dante quay sang hỏi Virgile người dẫn đường: đến đây chúng ta đã đạt 20% mức sản lượng địa ngục dự kiến trong kế hoạch chưa?

    câu trả lời của Virgile: mi lại quên rồi à, ngay từ đầu, ngay trên cửa đã có dòng chữ, bước quá đây, mọi hy vọng đều phải bỏ lại bên ngoài

    ReplyDelete
  3. I’m not that much of a internet reader to be honest but your blogs really nice, keep it up!
    I'll go ahead and bookmark your site to come back later
    on. Many thanks

    ReplyDelete