Jul 25, 2021

Dostoievski viết thư

(một viết thư; và lại một viết thư nữa: tất nhiên vẫn còn nhiều viết thư khác)


Năm 1871 (Dostoievski tròn năm mươi tuổi) là thời điểm thực sự kết thúc quãng vắng mặt khỏi Saint-Petersbourg của Dostoievski: thập niên 50 là vụ xử bắn khủng khiếp, Siberia và đi lính; sang đến thập niên 60, sau vài năm, Dostoievski lại phải rời nước Nga vì các vấn đề nợ nần (không phải những món nợ của Dostoievski). Dostoievski ở nước ngoài thì tất nhiên không thể sung sướng như Tourgeniev (còn ở Nga thì tất nhiên không thể sung sướng như Tolstoi); từ quãng thời gian ấy sinh ra câu chuyện không thể quên về một kẻ đánh bạc. Khi Dostoievski về lại Saint-Petersbourg, Quỷ vừa in, với tất tật những gì mà điều này có thể bao hàm (chúng không hề nhỏ). Dostoievski mau chóng làm mẫu cho Perov vẽ bức tranh danh tiếng, trở thành nhà báo trong sự cộng tác với một prince, Meshchersky, trở thành nhà xuất bản nhờ người vợ Anna Grigoryevna (tôi nhớ từng nhìn thấy hồi ký của người vợ dịch ra tiếng Việt nhưng không chắc lắm: có ai biết rõ hơn không?). Vài nhân vật thuộc thế hệ trẻ hơn hẳn trở thành bạn của Dostoievski, nhất là hai anh em Soloviev - một cái họ quá quen - (Vladimir là người em).

Quãng thời gian cuối này của cuộc đời Dostoievski là chủ đề cho tập 5 và cũng là tập cuối bộ sách của Joseph Frank về Dostoievski, The Mantle of the Prophet.

Trong vòng trên dưới hai chục năm trở lại đây, có những bộ tiểu sử vô cùng đồ sộ. Chỉ về một nhân vật mà có thể có hàng nghìn trang (những bộ sách nhiều tập, khổ lớn) được viết. Giờ, bức tranh đã trở nên rõ, ta sẽ nhìn vào đó.

Không phải nghi ngờ gì nữa, nền tảng chung cho những bộ sách (rất đáng kính nể) ấy là một nghi ngờ: chúng đều xuất phát từ điểm, tuy người ta đã nói rất nhiều về XYZ nhưng. "Nhưng" này, đến lượt nó, đặt trên một cơ sở rất hùng mạnh: những gì từng được nói trước đây luôn luôn quá lệch hoặc về phía của chủ quan (bạn bè, người thân kể lại kỷ niệm, etc.) hoặc về phía của trừu tượng; như vậy thì người ta chưa (hoặc chưa đủ) đặt XYZ vào toàn bộ thời đại của XYZ. Toàn bộ điều vừa nói lại được đặt trên một cơ sở khác nữa: giờ đây, đã có rất nhiều tài liệu, với cảm giác không gì còn bị che giấu đi nữa. Xét cho cùng, thêm một lần nữa, vật chất lại quyết định gần như mọi thứ. Trong trường hợp Dostoievski, cuốn sách tiểu sử đầu tiên do hai người viết, đều có quen biết trực tiếp với Dostoievski, Miller và nhất là Strakhov (nhân vật đóng vai trò không nhỏ trong đoạn 10 năm cuối đời Dostoievski - và hẳn không phải người Dostoievski muốn trở thành tác giả tiểu sử của mình, nếu như mà Dostoievski quyết định được). (tiểu sử đầu tiên về Charles Dickens, một trong những thần tượng của Dostoievski, mà Dostoievski từng gặp ở London, do người bạn của Dickens viết; từ trước Dickens đã nhắm John Foster cho công việc này; tiểu sử của Foster hé lộ những điều mà các con của Dickens cũng không hề biết)

Một ví dụ về bộ tiểu sử lớn: Moody về Pound; thêm một ví dụ nữa: Sherry về Greene. Xét về dung lượng, bộ sách về Dostoievski vượt xa cả bộ sách của Moody lẫn của Sherry (đều 3 tập). Và đến đây, đã có thể nói một điều (rất nhàm chán, như mọi khi): tuy xuất phát từ cùng một nền tảng và cơ sở (đã nói ở trên), không phải bộ sách nào như thế cũng như vậy. Bộ tiểu sử về Kafka của Reiner Stach rơi vào một cái bẫy kinh điển của cứ tưởng mình làm sáng tỏ được mọi thứ bằng sự chất đầy tài liệu lên. Nhưng tất nhiên là không; thêm nữa, nó đi ngược lại tinh thần của chính đối tượng của nó, tức là ngược lại tinh thần Kafka. Nhưng bộ sách của Stach đặc biệt hấp dẫn một nhánh độc giả: các độc giả không biết đọc.


Năm chính giữa thập niên 70, năm 1875, là năm của cuốn tiểu thuyết trong tiếng Việt có bản dịch mang nhan đề rất kỳ cục: Đầu xanh tuổi trẻ. Nghe kỳ cục nhưng cái tên lại diễn tả được rất đúng tính chất của nhân vật chính, một vắt mũi chưa sạch, Dolgorouki (nhưng không phải "prince"). Ở dưới tôi sẽ còn quay trở lại với cuốn tiểu thuyết vẫn thường bị coi là hụt hơn hẳn so với mấy bộ còn lại trong ngũ đại thư Dostoievski, ấy. Ở đây sẽ chỉ nói đến một chi tiết: trong Đầu xanh nơi xảy ra một sự kiện quan trọng cho cốt truyện (dính sáng đến Versilov) - sự kiện bí ẩn và rất nhiều hệ quả - là Ems (Bad Ems), một thành phố Đức chuyên điều trị bằng nước khoáng. Trong đời Dostoievski, quãng mà chúng ta đang quan tâm đây, tuy coi như ở hẳn Saint-Petersbourg nhưng Dostoievski vẫn có ít nhất ba lần đến Bad Ems (mỗi lần vài tuần) vì cần điều trị chứng bệnh sẽ là nguyên nhân gây ra cái chết của Dostoievski vài năm sau đó. Để đi đến Ems cần ghé Berlin trước; ấy là những kỳ lưu trú không mấy sung sướng.

Ngay trước 75 và ngay sau 75 (năm 75 là trung điểm cho đoạn 2 năm trước đó và đoạn 2 năm sau đó) là những tờ báo (tạp chí), cùng một thứ vô cùng quan trọng trong văn chương Dostoievski, ta sẽ gọi là Nhật ký, cho dù đó không phải là "nhật ký" đúng như ta vẫn hay hiểu. Tờ (tên của nó dịch sang tiếng Anh là The Citizen) mà Dostoievski làm chủ bút, với prince Meshchersky sát cánh (nhưng thật ra cũng không sát cánh cho lắm: khi nhà thơ mà ta hay gọi là "Chiu-chev" qua đời, Dostoievski đã định viết bài tưởng niệm nhưng Meshchersky giành lấy việc ấy: kết quả là chúng ta thiệt hại vì không được đọc Dostoievski viết về "Chiu-chev" mà Dostoievski cũng bực mình, mất đúng 24 tiếng đồng hồ tự nhốt mình vào một chỗ để sửa từng từ của prince) là một tuần báo.

Làm chủ bút một tuần báo thì rất khổ, thêm nữa Dostoievski không quen như vậy: trước đó rất lâu, Dostoievski từng làm báo, nhưng đều là báo tháng (hai tờ, dịch ra là TimeEpoch), và là làm cùng his brother, Mikhail. Chính trong quãng thời gian ấy, Dostoievski quen (vì làm cùng) Alexandrov, một nhân vật in ấn; Alexandrov sẽ viết hồi ký về Dostoievski, và vậy là ta có một account rất đặc biệt - sự cộng tác không chỉ ở hai năm trước 75 mà cả ở hai năm sau 75. Bài mở đầu mục Nhật ký rất đáng nhớ: Dostoievski nối chuyện mình trở thành editor vào với sự kiện Hoàng đế Trung Quốc lấy vợ. Trong loạt bài báo ấy, có lúc Dostoievski nhắc đến một người quen biết xa xưa, hồi Dostoievski mới đầu xanh tuổi trẻ: Bielinsky. Quãng báo chí sau 75 là tờ tạp chí riêng của Dostoievski - không có prince nào nữa, mà người vợ mới là trụ cột; tờ ấy tên đúng là Nhật ký.

Đầu xanh đăng báo (một tờ tạp chí) trong suốt năm 75. Tờ tạp chí đó có yếu nhân là một người quen (rất) cũ của Dostoievski: Nékrassov. Năm xưa, Dostoievski còn rất (rất) trẻ, vừa viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Những người nghèo, Nékrassov cùng một người bạn nữa, nếu tôi nhớ không nhầm thì là Grigorovitch, đọc xong thì quá phấn khích, trong đêm chạy bổ đến nhà Bielinsky mà gào, Một Gogol mới đã ra đời. Như mọi khi, Dostoievski rất đen đủi: Đầu xanh phải cạnh tranh với Anna Karenina cũng đăng feuilleton cùng lúc. Dostoievski đã sững sờ khi biết, dẫu tiền trả cho Đầu xanh đã tăng vọt so với trước, Bá tước Tolstoi nhận được gấp đôi như thế.


(Anna Grigoryevna có thể đóng vai trò như vậy với tờ tạp chí Nhật ký là vì trước đó, khi phát hiện tốt nhất là nên tự xuất bản lấy sách của chồng, nếu không muốn thiệt hại về kinh tế, bà vợ đã làm luôn và do đó có kinh nghiệm về in ấn, sách báo; cũng chính Anna Grigoryevna xử lý chuyện nợ nần cho chồng: lúc Dostoievski về Nga trở lại, các chủ nợ xô đến đòi những khoản mà ông anh Mikhail vay và Dostoievski từng có lúc đứng trước nguy cơ phải vào tù - tình cảnh mà ông bố của Dickens từng trải qua - nhưng người vợ rất biết cách nói chuyện với các nhân vật kia nên đúng là có lúc Dostoievski bị nhốt tù vài hôm thật nhưng đấy là vì chuyện kiểm duyệt, vả lại nguyên nhân là prince Meshchersky; về đến Nga, vợ chồng Dostoievski cũng sớm có con; trước đó đứa con gái nhỏ Sofya của họ chết khi mới được sáu tuần tuổi, tại Genève; từ khoảng 30 năm nay đã có bản dịch - rất oách - Nhật ký của Dostoievski sang tiếng Anh của Lantz, A Writer's Diary; cũng cf. Morson bình luận Nhật ký)

Các tờ báo (tạp chí) đối với Dostoievski: một địa điểm báo chí (cái này tôi mới nghĩ ra đấy; tạm thời cứ coi như là tương đương với "điểm kỳ dị"). Dostoievski không viết nhật ký, nhưng có rất nhiều sổ tay: trong lúc (kể cả trước) viết tiểu thuyết, Dostoievski cũng viết luôn cả sổ, song song. Điều đặc biệt là, tuy Karamazov dài nhất nhưng ghi chép của Dostoievski xung quanh nó lại rất ít, tức là vô cùng khác so với Dostoievski thông thường; điều này khiến không ít người nghĩ đến giả thuyết đã bị mất những quyển sổ. Nhìn vào sổ (mênh mông) của Dostoievski thì có thể biết Dostoievski từng định viết một bộ tiểu thuyết đặc biệt dày, nhan đề có thể gọi là Kẻ lắm tội; vài tiểu thuyết lấy nhiều từ những ghi chép quanh bộ sách không viết ấy. Bỗng có cả một tờ tạp chí trong tay (tờ Nhật ký nguyệt san tồn tại đúng hai năm), sự viết của Dostoievski trở nên có một tầng mới. Điều này hết sức quan trọng, vì ngay sau đó sẽ là bộ tiểu thuyết cuối cùng, Karamazov. Có một cái gì đó tương tự ở quãng thời gian trước: thập niên 60 được coi là đoạn kỳ diệu của Dostoievski đã có, ngay trước nó, Siberia, nhà chết. Dostoievski không phải là một nhà văn bịa chuyện, đó cũng là một dạng chuyển động nhất thiết cần lấy đà. Nếu không, thì sẽ chẳng có gì; hoặc nếu không, sẽ không có Dostoievski.

Tờ Nhật ký không chỉ đăng các bài (dài, nói đúng hơn, substantiel) của Dostoievski: đây là khi Dostoievski bình luận xã hội, mà còn đăng truyện của Dostoievski. Vài tác phẩm ngắn được đăng ở đây, nhất là câu chuyện về người phụ nữ dịu dàng, cái câu chuyện đi thẳng vào một sự trong suốt gây ớn lạnh. Cũng như câu chuyện về "một người lố bịch". Chính Nhật ký mới là thứ làm Dostoievski trở nên thực sự nổi tiếng.

(và cũng chính đó là cơ sở để Nabokov, nhằm dìm Dostoievski, nói rằng với người Nga Dostoievski là nhà báo hơn là nhà văn - hàm ý văn chương Dostoievski không mấy giá trị, ít nhất thì cũng quá nhiều tính cách báo chí; nhưng người Nga coi Dostoievski là nhà văn, không những vậy, nhà văn của họ, nhà văn duy nhất thực sự của họ, đặc biệt đọc nhiều tờ tạp chí Nhật ký của Dostoievski: đoạn cuối thập niên 70 của thế kỷ 19, Dostoievski trở nên giống như một người thầy của xã hội Nga; thêm nữa, cả đời Dostoievski có liên hệ mật thiết với báo chí, lúc nào cũng đọc báo và tạp chí, phần lớn tiểu thuyết của Dostoievski đăng feuilleton: có cả một địa điểm báo chí với ý nghĩa khổng lồ, đối với Dostoievski và văn chương Dostoievski; Nabokov luôn luôn như vậy, với sự thắt chặt mãi vào không sao nới lỏng của mình, Nabokov đã thực hiện được một chiến công không nhỏ: bằng cái witty đi thẳng vào cái stupid; giờ đây, đọc những gì erotic Nabokov từng viết, chỉ còn thấy mỗi một cảm giác, sự kinh tởm, vì bad taste)


Đã động đến từ wit (witty), thì đã có thể nói đến tác giả một vở kịch lừng danh trong nhan đề dịch sang tiếng Anh có đúng cái từ ấy: Woe from Wit (cũng có bản dịch tiếng Việt đấy). Griboiedov là một kịch tác gia mà Dostoievski quen biết; thêm một nhân vật lớn nữa của kịch nghệ Nga: Ostrovski. Dostoievski cũng quen biết Gontcharov. Dostoievski không hề là một con gấu cô độc hơi tí là sùi bọt mép. Những nhân vật thế hệ trước mà Dostoievski không mấy xa lạ: Bielinsky như đã nói (chắc chắn Dostoievski từng viết một text về Bielinsky nhưng bản thảo không tìm được), rồi Herzen (về sau này, vụ tự sát của con gái Herzen, Liza, sẽ khiến Dostoievski rất quan tâm; tự sát là một trong những chủ đề lớn của tờ Nhật ký); sau mười năm Siberia rồi đi lính, quay trở về, Dostoievski thấy vật đổi sao dời, ngôi sao của quãng ấy là Chernychevsky (và Làm gì?). Về Saint-Petersbourg một lần nữa, đầu thập niên 70, Dostoievski trở thành đối tượng quan sát (và cả chỉ trích) của Mikhailovsky. Đến cả Plekhanov, Dostoievski cũng có đối đầu. Vừa xong, tôi cố tình liệt kê một vệt nhân vật có thể gọi là socialiste thế kỷ 19 của Nga. Thậm chí Dostoievski còn có mối quan hệ với sister của nữ toán học gia Kovalevskaya. Với các nhà văn Nga suốt mấy thế hệ thì tất nhiên có vô số quan hệ (trừ Pushkin: Pushkin qua đời cùng năm với mẹ Dostoievski), và chuyện hot tất nhiên là với Tourgeniev và với Tolstoi. Nhân vật nhà văn Karmazinov, một nhân vật phụ trong Quỷ (tôi có nhớ sai tên không nhỉ?) là chân dung biếm họa Tourgeniev. Ở chiều ngược lại, Tourgeniev từng cho Dostoievski vay tiền hồi Dostoievski ở nước ngoài, và Tourgeniev cử phái viên đến lạnh lùng đòi, lúc ở Nga. Topic Dostoievski-Tolstoi tất nhiên lúc nào cũng vô cùng hấp dẫn. Lần họ ở cùng một chỗ và lẽ ra đã phải gặp nhau là tại một conference của Vladimir Soloviev. Sau đó, Dostoievski trách Strakhov sao không giới thiệu mình với Tolstoi, nhưng Strakhov trả lời, Tolstoi dặn đừng nói với ai mình đến đó nghe. Trước đó, Tolstoi từng viết thư cho Strakhov ca ngợi nhiệt liệt Nhà chết. Còn Dostoievski, về phần mình, tuy coi cảnh Anna Karenina chết là một đoạn tuyệt vời nhưng cũng rất thẳng thừng: nếu nước Nga nghĩa là những Vronsky, gia đình Karenin, thì đó là một nơi chẳng đáng sống. Đầu xanh: bức thư đặt ở cuối (gửi cho Dolgorouki) chứa không ít ám chỉ nhằm vào Tolstoi.

Một câu hỏi: tác phẩm (thực sự) cuối cùng của Dostoievski là gì? rất nhiều người sẽ nói ngay, Karamazov. Một số (rất ít) nhớ đến bài diễn văn ca ngợi Pushkin. Nhưng không; cả Karamazov lẫn text (và sự trình bày nó, trước đông người) về Pushkin đều mang lại vinh quang (rất rất lớn) cho Dostoievski cuối đời, nhưng tác phẩm thực sự cuối cùng vẫn cứ là Nhật ký (tờ tạp chí): không lâu sau khi về lại Saint-Petersbourg, là mục "Nhật ký" trong cuộc cộng tác báo chí với một prince, nó dừng lại sau một số tháng; năm 75 là năm của Đầu xanh đăng feuilleton; 76 & 77: tạp chí Nhật ký chính thức của Dostoievski (một nguyệt san), với vai trò lớn của người vợ; sang đến năm 78, Dostoievski ngừng nó và viết Karamazov, bắt đầu đăng khi sang năm 79; cuối năm 80, Dostoievski quyết định ra lại Nhật ký và chỉ mấy ngày trước khi qua đời (đầu 81) nội dung số Nhật ký tục bản đầu tiên đã hoàn thành.

Thêm một lần nữa, Dostoievski cần lấy đà. Địa điểm báo chí, thêm một lần nữa, mang lại cho Dostoievski cái đà cần thiết ấy. Ai dám nói, đà cuối đã không giúp được Dostoievski hoàn thành tác phẩm có ý nghĩa lớn nhất của mình? (cần quay trở lại dùng đúng từ: không phải journalist, cũng không phải reporter, mà là publicist)

(ở trên đã nói đến các nhân vật socialiste Nga; trong Quỷ, tại nhà một nhân vật có một cuốn sách của Charles Fourier - nếu tôi không nhớ nhầm, và trong Đầu xanh chắc chắn xuất hiện - như đạo cụ - một cuốn sách của Considérant; nhưng đấy là vì socialisme thuộc vào số những câu chuyện lớn nhất của thế kỷ 19; riêng với nước Nga thì lại còn có cả loạt câu chuyện, vấn đề khác: Tây hóa hay "Slavophilisme", narodnost, rồi phong trào trở về với đất; và cứ yên tâm, ở mọi chỗ, sẽ thấy Feodor Mikhailovitch Dostoievski)

(mối quan hệ Tourgueniev-Dostoievski phức tạp hơn ta tưởng nhiều: tuy hồi còn trẻ họ từng cãi nhau và nghỉ chơi và đoạn mãi về sau thì có chuyện vay nợ, đòi nợ, nhưng hồi Dostoievski mới trở về Saint-Petersbourg lần thứ nhất, tháng Chạp năm 1859, thì Tourgueniev đã tỏ ra không chỉ hữu hảo mà còn rất tốt với Dostoievski; đây cũng là thời điểm Tourgueniev viết tiểu luận rất sóng gió về Hamlet và don Quixote)


Cũng năm 1875, qua đời một nhân vật: George Sand. Đây chắc chắn là một trong hai nhà văn nước ngoài mà Dostoievski cảm thấy mình mang ơn nhiều nhất. Người thứ hai là Friedrich Schiller. Điều đó không hề ngăn cản phần lớn nhân vật người Pháp và người Đức trong tiểu thuyết của Dostoievski chạm tới giới hạn của bần tiện và đáng kinh tởm: các mụ chủ nhà người Đức, đặc biệt là trong Tội và Phạt, có một logeuse hay hàng xóm của nhà người nghiện rượu mà Raskolnikov hay tới, tuyến truyện thứ hai làm nên độ dày rất lớn cho cuốn tiểu thuyết; trong Xanh đầu thì Lambert mang dòng máu Pháp, bạn học của Dolgorouki, cùng hầu gái Alphonsine cũng người Pháp tạo thành một tandem thực sự abject.

Ông anh trai Mikhail dịch Schiller ra tiếng Nga, Dostoievski giúp đỡ ít nhiều. Cái nhìn của Dostoievski vào Schiller rất không đơn giản, và đó là cảm hứng lớn, một mạch trong Karamazov (vai trò này là của Pushkin, trong Xanh đầu); lúc viết Karamazov, Dostoievski cũng đặc biệt đọc Maxime du Camp người bạn thân của Flaubert và nhất là đọc Spiridon của Sand. Trước đó, trong một kỳ Ems, Dostoievski đọc Zola và dường như có thể hiểu Dostoievski thấy không ngửi được. Ông anh Mikhail cũng dịch novella của Hugo về ngày cuối của một tử tù, cuốn sách từng gây ấn tượng vô song lên Dostoievski - tất nhiên Dostoievski thuộc vào số những người hiếm hoi trên đời thực sự hiểu sâu sắc câu chuyện ấy.

Cả trong nền dịch thuật của nước Nga, Dostoievski cũng có vai trò không nhỏ. Khi là linh hồn của tờ Time, Dostoievski đăng (có khi viết cả giới thiệu) một số bản dịch, nhất là Casanova - trường đoạn nổi tiếng, trốn khỏi nhà tù ghê gớm ở Venise, tất nhiên, và vài truyện của Poe, mà Dostoievski cho thấy mình hiểu được từ sớm đến thế nào tầm vóc và chất lượng văn chương. Điều đó không ngăn cản nhân vật viết truyện fantastic mà Dostoievski thích nhất là (giống Balzac) Hoffmann.

Tờ Time là chứng nhận cho vita nova của Dostoievski: trở về sau mười năm gian khổ, có sẵn một tờ tạp chí (Mikhail đã xin được giấy phép từ trước đó, nhưng phải một thời gian sau khi người em trai đã trở về Petersbourg thì nó mới bắt đầu ra), Dostoievski bắt đầu tự tạo ra được đà đầu tiên. Time ra được vài năm thì bị chính quyền đình bản, sau đó hai anh em ra tiếp tờ Epoch nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì Mikhail đột ngột qua đời và không lâu sau đó Dostoievski lại vắng mặt thêm một lần nữa (và trở về vào đầu thập niên 70). Mở đầu cho cả một thời kỳ mới (sẽ kéo dài đúng hai mươi năm) là Sổ chép Nhà Chết: một phần Dostoievski đã cho đăng trên một tờ khác, nhưng khi Time bắt đầu ra được thì tờ tạp chí tải cuốn sách lớn và unique ấy.

Dostoievski, khi gần ba mươi tuổi, trở thành nạn nhân trong "vụ Petraschevsky", cũng có thể nói, là một trong những người rơi vào vực thẳm của châu Âu đoạn 1848. Kết thúc nó, trở về được (tháng Chạp 1859, đúng mười năm sau khi bị bắt), Dostoievski sẽ sớm trải qua một năm quan trọng khác: 1861, năm bãi bỏ chế độ nô lệ ở Nga - nhân vật thực hiện việc này là Alexandre Đệ nhị (còn Sa hoàng hồi Dostoievski bị bắt rồi đi tù khổ sai: Nhi-cô-lai Đệ nhất khét tiếng).


Một trong những merit của bộ sách Joseph Frank (một bộ sách có rất nhiều merit) là kết thúc huyền thoại và tắt đi hào quang dai dẳng của một thứ từng được viết về Dostoievski: text của Sigmund Freud về Dostoievski và "parricide". Giống nhiều lần khác, Freud thấy ở Dostoievski một cái gì đó rất tiện, quá tiện cho các lý thuyết của mình, nhưng những gì Freud viết được dựa trên các chi tiết rất farfelu về tiểu sử Dostoievski. Tâm phân học đã gây ra những gì cho nhiều thứ, trong đó có phê bình văn học? Chắc chắn là rất nhiều. Alain: tâm lý học sẽ chẳng bao giờ gượng dậy được nữa, vì đã quá tin lời bọn điên.

(về đoạn sớm nhất trong cuộc đời Dostoievski, chỉ có một account tin được là hồi ký của người em trai Andrei; Mikhail là anh cả, rồi đến Feodor Mikhailovitch Dostoievski; trong gia đình có tổng cộng tám người con; ông bố từng làm bác sĩ quân y trong quân đội Nga hồi chiến dịch của Napoléon cùng his Grande Armée; hồi nhỏ Dostoievski được ăn học cẩn thận)

Joseph Frank cũng chứng minh rằng căn bệnh epilepsy, Dostoievski không mắc từ sớm, mà phải từ quãng thời gian tù đày trở đi, tức là tương đối muộn. Chính vì vậy, trong nửa đầu thập niên 60, mấy lần Dostoievski đi nước ngoài, thường viện cớ là để chữa bệnh. (ở tuổi 41, Dostoievski mới lần đầu tiên ra khỏi biên giới nước Nga; điều này tất nhiên không hay thấy, vì đối với trí thức Nga thế kỷ 19, gần như đã thành một cliché, có hai tổ quốc, một là nước Nga, hai là châu Âu - nghịch lý càng lớn hơn nữa vì lúc ra được nước ngoài thì Dostoievski đã không còn là một người Tây hóa như hồi còn trẻ nữa, cái nhìn của Dostoievski vào các xã hội ngoài Nga rất nhiều tính cách chỉ trích - thêm nữa, hoàn toàn có thể hiểu, Dostoievski là một người chẳng phải là không bài ngoại, và không ưa người Do Thái: it's the least we can say; trở về Petersbourg vào mùa thu năm 1862 sau mấy tháng vắng mặt, Dostoievski viết Ghi chép mùa đông về các ấn tượng mùa hè, hết sức quan trọng nếu muốn thực sự biết cái nhìn ra thực tại bên ngoài của Dostoievski)

Nhưng ấn tượng lớn hơn cả của tôi khi đọc bộ sách của Joseph Frank nằm ở chỗ có một sự hiểu sâu sắc Mikhail Bakhtin (và cả Victor Shklovsky, nhưng nhất là Bakhtin). Điều này không hề dễ, vì những gì Bakhtin viết về Dostoievski quá lớn. Ở dưới tôi sẽ trở lại với Bakhtin-Dostoievski, giờ sẽ là một cái nhìn sâu hơn vào Sổ chép Nhà Chết.


Cuộc xây dựng lại (vita nova) của Dostoievski hồi đầu thập niên 60 thế kỷ 19 - tờ tạp chí Time có vai trò quan trọng - được thực hiện trên hai tầng chính: thứ nhất là cuốn tiểu thuyết về những người bị sỉ nhục (Những kẻ tủi nhục), cuốn sách khiến Dostoievski được đọc rất nhiều, một điều vô cùng quan trọng đối với một nhà văn có khởi đầu rực rỡ chưa từng có như thế, ở tuổi 24, 25 nhưng vừa trải qua mười năm bị lãng quên; thứ hai là Sổ chép Nhà Chết. (Ở trên đã nói) Tolstoi vô cùng ngưỡng mộ Nhà Chết, Tourgueniev cũng vậy: vào thời điểm Tourgueniev viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình, cuốn sách có nhân vật Barazov (Bazarov cùng Rudin là hai nhân vật lừng danh và có sức sống lâu dài hơn cả của Tourgueniev), Dostoievski có hy vọng tờ Time của mình có thể đăng nó, nên viết thư sang Pháp cho Tourgueniev. Tuy về sau chuyện không như vậy nhưng thư trả lời của Tourgueniev rất ca ngợi Sổ chép Nhà Chết (một mặt, Những kẻ tủi nhục hướng về phía đại chúng, mặt kia, Sổ chép Nhà Chết được giới nhà văn và trí thức nhìn nhận đặc biệt cao - trên thực tế, đây là tác phẩm văn chương đầu tiên trong lịch sử về cuộc sống nhà tù khổ sai; tương tự, Dostoievski còn có vị thế không nhỏ trong lịch sử cái nhìn vào hệ thống hành chính, mà tôi sẽ phân tích sau), đặc biệt là đoạn (chương) về nhà tắm.

Đó là một chương huy hoàng, nằm về cuối phần một của cuốn sách. Ngay lập tức, cuộc tắm chung của tù nhân được miêu tả như địa ngục, và đúng là đoạn ấy không hề phải đỏ mặt nếu bị đặt bên cạnh Dante: sự tắm rửa trong tiếng lanh canh inh tai của xiềng xích, kỹ thuật cởi quần áo trong lúc vẫn mang xiềng, và lại còn có một nhân vật Do Thái (người Do Thái duy nhất của trại) hò hét và cười toáng vì sung sướng quá độ. Phần thứ nhất kết thúc với vở kịch mà tù nhân diễn, phần hai mở ra bằng mấy chương ở bệnh viện. Không khác Herman Melville, khi miêu tả (và cả hai, Dostoievski lẫn Melville, đều miêu tả thực tại đã sở nghiệm trực tiếp) một địa điểm toàn đàn ông (rất đông) sống trong cảnh bần cùng, Dostoievski đặc biệt nhấn mạnh vào sự buôn lậu rượu (Melville cũng có ấn tượng rất mạnh về cùng điều này, trên các con tàu), vào sự trừng phạt bằng đánh roi (cũng như gậy) và vào bệnh viện - trong White-Jacket, Melville kể về viên bác sĩ Cuticle, vừa phẫu thuật cắt chân thị phạm cho nhiều đồng nghiệp xem và giảng giải về kỹ thuật cũng như hiểu biết của mình, thì y tá thò cổ vào nói bệnh nhân đã chết, Cuticle quay sang các bác sĩ khác, nói rằng mình quên mất đấy cũng là một nguy cơ mà cuộc phẫu thuật gặp phải.

Chương rất khó quên của Nhà Chết là chương về những con vật trong trại tù khổ sai. Một con ngựa chết, một con ngựa mới được mua (nó cần thiết, cho công việc chung), mấy con chó, mấy con ngỗng, một con dê huy hoàng, và cả một con đại bàng sẽ được các tù nhân thả vào cuối chương. Con đại bàng bay vụt đi, các tù nhân bảo nhau, thế là nó dông thẳng chẳng buồn ngoái đầu lại. Như một biểu tượng của tự do không có gì chung với bên dưới.

Viết Sổ chép Nhà Chết (Dostoievski dựng nó như câu chuyện về một tập bản thảo của một người tên là Alexandre Pétrovitch Goriantchikov) cũng là khi Dostoievski chuẩn bị từ xa cho ngũ đại thư mà mình sẽ viết, một số năm sau đó. Đặc biệt có nhiều liên quan đến Tội và PhạtKaramazov. Người kể chuyện của Nhà Chết chỉ có một quyển sách duy nhất: Kinh Thánh, nhưng nó bị ăn cắp bán đi mất. Raskolnikov cũng sẽ chỉ có một quyển Kinh Thánh khi đi tù khổ sai; cô gái trẻ đi cùng Raskolnikov đến Siberia, ta có thể nhận ra, được lấy cảm hứng từ những người phụ nữ Dostoievski từng gặp, phần lớn là vợ của những người Tháng Chạp (sự kiện lớn của Saint-Petersbourg xảy ra khi Dostoievski còn là một đứa bé con; hơn hai mươi năm sau Dostoievski vướng vào vụ việc lớn khác, vụ Petraschevsky, rồi lại khoảng hai mươi năm nữa, lúc về lại đó sau những năm ở nước ngoài, có vụ cháy lớn). Karamazov thì đã được chuẩn bị với câu chuyện về một người tù ở đó mười năm vì tội parricide nhưng sau được phát hiện là vô tội và được thả. Người ta từng đối chiếu các chi tiết liên quan đến những người tù xuất hiện trong Nhà Chết với sổ sách hành chính và thấy rằng mọi điều Dostoievski viết trong đó đều đúng với thực tại.

Giống Oscar Wilde về sau, Dostoievski ở trong tù đi đến được những nhận thức mới. Dostoievski (và cả Wilde) hiểu rằng với những người ở các tầng lớp thấp, tù nhân chỉ đơn giản là người chịu bất hạnh, một người bất hạnh. Nhưng các tầng lớp cao thì không bao giờ thấy được điều hiển nhiên ấy. Cũng chính những người ở các tầng lớp cao sẽ kỳ thị bệnh nhân, coi họ như tội phạm, mỗi khi nào có dịch bệnh trên diện rộng nổ ra.


Trở lại với Xanh Đầu. Nhà Chết mở ra một vita nova (một vòng mới) trong thập niên 60 thì Xanh Đầu mở ra một điều tương tự, ở thập niên 70. Người ta từng hay coi câu chuyện về Dolgorouki chính là câu chuyện của Dostoievski, nhưng có lẽ điểm chung duy nhất giữa Dolgorouki và Dostoievski là đều chuyển từ Matxcơva đến Saint-Petersbourg. Ngoài ra không có gì khác.

À, vẫn có thêm: trường mà Dolgorouki học tên là Touchard, còn trường Dostoievski (cùng ông anh) học hồi nhỏ là Souchard (năm Dostoievski 15, 16 tuổi thì hai anh em được - tức là bị - đưa tới Saint-Petersbourg học trường Kỹ sư; hai anh em đã chạy bổ đến quảng trường nơi trước đó rất ít thời gian Pushkin đấu súng và bị giết chết). Dẫu thế nào, đó cũng là cuốn tiểu thuyết thường bị coi là kém hơn hẳn trong 5 bộ tiểu thuyết lớn cuối cùng của Dostoievski; rất hiếm khi ta gặp một ai đó, như John Cowper Powys trong tiểu luận về Dostoievski (1946) coi nó là rất lớn. (nhìn chung hơn, về Dostoievski viết tiểu thuyết như thế nào, cf. Jacques Catteau)

Nhưng đúng là nó rất quan trọng, và không kém phần lớn, nếu đặt vào đối sánh với tác phẩm của đúng mười năm trước đó: chính là Tội và Phạt.

Giữa hai bộ sách, có một đảo ngược - từ then chốt, nó mở ra cả một cái nhìn. Câu chuyện Dostoievski viết Tội và Phạt đã quá nổi tiếng, thêm nữa nó gây ra mối quan tâm khổng lồ vì không chỉ chủ đề của nó mà còn vì nó mở ra quãng mười lăm năm unique trong câu chuyện văn chương chung. Chẳng còn gì mà người ta không biết nữa: ban đầu Dostoievski chỉ định viết một tiểu thuyết không dài, nhưng đến một thời điểm thì bỗng thay đổi mọi thứ. (vài chi tiết: trong lúc Tội và Phạt còn đăng feuilleton thì xảy ra vụ việc một sinh viên giết chủ nợ, rồi không lâu sau đó là vụ ám sát Sa hoàng, thủ phạm là một sinh viên có hoàn cảnh hoàn toàn giống Raskolnikov - chính Dostoievski, sau khi sững sờ trước thực tại, nói mình viết để chuyện xảy ra thực; đây là một đảo ngược, nhưng còn chưa phải đảo ngược lớn nhất; dẫu thế nào, Dostoievski đã nhìn được rất sâu vào xã hội Nga thời ấy, một xã hội đặc biệt nhiều raskol) Nhưng điểm quan trọng là phải sau khi quyết định bỏ kể chuyện bằng ngôi "tôi" như ban đầu thì Dostoievski mới thực sự bắt đầu viết Tội và Phạt được. Còn với câu chuyện về Arkadi Markarovitch Dolgorouki (con hoang của Versilov), mọi sự ngược lại: phải khi thay đổi, quyết định dùng "tôi" (Dolgorouki) chứ không phải ngôi thứ ba, thì cuốn tiểu thuyết mới khởi sự được hình thành. Đây là lần duy nhất Dostoievski dùng ngôi thứ nhất, trong số 5 đại kỳ thư, cũng là lần rất hiếm, trong cả đời Dostoievski. Chính ở đây, Bakhtin nên xuất hiện.

Một trong những điểm then chốt trong cái nhìn của Bakhtin là từ interpenetration. Tức là, giữa các nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoievski, diễn ra một hoạt động giao nhau rất đặc biệt của ý thức: Raskolnikov nhìn thấy ở bất kỳ ai mà mình gặp giải pháp cho vấn đề của mình. Nhưng điều này rất hiếm khi (có lẽ chưa bao giờ) được dùng cho Đầu Xanh, nhưng chính ở đây nó mới đặc biệt hữu hiệu, bởi vì trong Đầu Xanh toàn là sự hỏng hóc của hoạt động ý thức. Nói một cách đơn giản, do "tôi" là một thằng bé còn chưa lớn hẳn, nó hiểu nhầm, hiểu sai, hiểu sái mọi điều mà nó chứng kiến.

Thêm một điểm chung nữa giữa hai bộ tiểu thuyết: cả Raskolnikov lẫn Dolgorouki đều (và chỉ ở hai cuốn sách này mới có chuyện ấy) đẩy một ý, tức là dính chặt vào với một ý: có alter ego không phải một sinh thể nào, mà là một ý. Ở Dolgorouki là "idée-Rothchild", hiểu đơn giản là tiền, còn ở Raskolnikov ý được biểu hiện bằng bài báo mà Raskolnikov viết và đăng không lâu trước vụ việc, ý đó là crime.

(trong địa hạt của ý ở tiểu thuyết, Beckett trở nên một gợi ý lớn: trong bình luận của Beckett, văn chương Proust thờ ơ với khái niệm mà chỉ nhìn vào ý; chính điều này khiến Beckett đặt Proust bên cạnh - rất hiển nhiên - Dostoievski, vì Dostoievski cũng thế; cf. Samuel Beckett, Proust, 1930)


Trong báo chí, Dostoievski có quan hệ với hai K. là hai nhân vật báo chí trọng yếu của Nga suốt một thời gian dài.

Nhưng tôi chợt nhớ đến Hoffmann:


(ở tuổi 16-17, Dostoievski viết thư cho ông anh Mikhail, nói mình đã đọc hết Hoffmann bằng tiếng Nga, riêng câu chuyện về con mèo - Kater Murr - thì đọc tiếng Đức, vì không có bản dịch)

(tôi còn đặc biệt nhớ đến Murr vì đọc thấy trong bộ sách của JF một ai đó lấy biệt hiệu là "Mèo Murr", nhưng khi tìm lại thì không thấy đâu, tìm theo index cũng không ra - index bộ sách ấy không ghi tất tật tên riêng, mà chỉ chọn lọc một số; ai biết chi tiết này thì nhớ bảo tôi)

(tôi cũng muốn luôn Oblamov của Gontcharov nhưng tìm mãi không thấy đâu; nhưng nhớ ra từng có lần nhắc đến nó, đặt trong đối sánh với Joseph von Eichendorff)

Rồi tôi lại còn không chỉ nghĩ đến Hofmann:


Trên đây là một cuốn sách đã bị lãng quên, tác giả là một nhân vật đã bị lãng quên, Otto Kaus. Sở dĩ tôi tìm nó là vì Bakhtin.

Tức là, Bakhtin từng đặc biệt phê phán mấy nhân vật từng bình luận Dostoievski, cả người Nga, lẫn không phải người Nga (ta có thể hiểu là các nhà phê bình đầu tiên bình luận văn chương Dostoievski). Những gì Bakhtin nói (tức là viết) khiến tôi nghi hoặc đến nỗi tôi phải đi kiếm những cái đó. Kết quả là tôi tìm được gần như tất tật (không hề dễ).

Không chỉ Kaus, mà còn Chestov:


Cũng thuộc loạt nhân vật chịu sự phê phán (rất mãnh liệt) của Bakhtin còn có (rất đáng nhớ) Vasily Rozanov.

và rồi (cuối cùng cũng đến được), Dostoievski viết thư:






K. và K. vừa nhắc ở trên: người thứ nhất là Kraevski, ở đoạn Dostoievski còn trẻ, sắp bị bắt vì vụ Petrashevsky, người thứ hai là Katkov, rất quan trọng cho Dostoievski giai đoạn cuối. Đây là hai chủ báo.

Với một người như Dostoievski, tiền nhận được từ các tờ báo là hết sức quan trọng, rất nhiều khi đó là nguồn thu nhập duy nhất. Trong vụ Petrashevsky, không chỉ Feodor Mikhailovitch bị bắt, mà tổng cộng gia đình Dostoievski có đến ba anh em bị bắt. Andrei bị bắt đợt đầu cùng ông anh Feodor, nhưng đấy là bắt nhầm: ông anh cả Mikhail mới là người cũng hay đến chỗ Petrashevsky. Andrei bị giữ một thời gian ngắn, tại một nơi nổi tiếng của Saint-Petersbourg, một thắng cảnh: ngôi thành, tức pháo đài Pierre & Paul. Chính ở đây, chỉ huy là một tổ tiên của Nabokov. Andrei nhanh chóng được thả, đến lượt Mikhail bị bắt. Nhưng Mikhail sẽ chỉ bị giam hai tháng, cuối cùng chỉ một mình Dostoievski trải qua cuộc xử bắn rồi lên đường đi katorga. Vì có thời gian chuẩn bị (về phần mình, Dostoievki đang ngủ buổi đêm thì choàng tỉnh do nghe có tiếng động, và thấy cảnh sát lù lù trước mặt), Mikhail thu xếp được cho gia đình; Kraevski là người đứng ra lo liệu và chu cấp.

Katkov đặc biệt quan trọng: thời gian về trước, Katkov và Dostoievski không ưa gì nhau, nhưng từ thập niên 60 trở đi, những tác phẩm lớn nhất của Dostoievski chủ yếu đăng trên tờ báo (tạp chí) của Katkov, tên dịch ra tiếng Anh là Russian Messenger. Katkov cũng là nguồn tài chính vô vàn quan trọng của Dostoievski suốt một thời gian hơn chục năm. (một tờ khác có tên tương tự, European Messenger, biến Émile Zola thành ngôi sao ở Nga: Zola là nhà văn đầu tiên trên đời thực sự sống được nhờ viết văn, bằng nhuận bút: ở Pháp đã thu hoạch được vô số tiền, lại còn được người Nga trả cho rất hậu hĩnh; ngôi nhà của Zola ở ngoại ô Paris - rất to, như một điền trang - nếu tôi nhớ không nhầm, đã mua được nhờ tiền thu được từ chỉ một cuốn tiểu thuyết; điều đó làm cho tôi nhớ đến một chi tiết trong một bộ phim - nhảm nhí - có cảnh Auguste Renoir đã già chỉ cho Picasso trẻ măng thấy, cái nhà này là tiền bán bức này, chuồng ngựa kia là nhờ một croquis, etc.)


Những đảo ngược của Dostoievski. Trở lại với các "đảo ngược": nếu không có sự đảo ngược, không chỉ sẽ chỉ có rất ít thứ (hoặc, gần như không có gì) mà sẽ không có cả đến một điều: tồn tại. Mức độ của đảo ngược, ở một số nhân vật (mà ta sẽ gọi, với toàn bộ sự bất trắc mà từ này có thể mang tới, là then chốt) như Dostoievski, lớn đến độ chính nó mới là nguyên tắc. Quá dễ thấy Dostoievski từ chỗ là một người Tây hóa (đặc điểm chung của những người trẻ tuổi trong thập niên 40 thế kỷ 19 của nước Nga) về sau chống lại idea (và cũng là ideal) ấy đến thế nào. Cũng quá dễ thấy đó là người chống lại liberalism, radicalism cũng như rất nhiều thứ khác. Nhưng câu chuyện đảo ngược ở Dostoievski mạnh mẽ hơn (rất) nhiều. Ta sẽ đi theo trình tự thời gian.

Vụ việc Petrashevsky, từ đó dẫn đến nhà tù khổ sai (đúng 4 năm - Dostoievski tới katorga vào ngay đầu năm 1850) và hơn 5 năm đăng lính (Dostoievski sẽ rất nhớ ơn Alexandre Đệ nhị vì chuẩn y cho mình điều này - Nhi-cô-lai Đệ nhất băng không lâu trước đó; Alexandre Đệ nhị cũng là người bãi bỏ chế độ nô lệ ở Nga, năm 1861, như ta đã biết: thêm một điều khiến Dostoievski luôn luôn nhìn Sa hoàng ấy với rất nhiều thiện cảm; nếu có một lý do đích thực để Dostoievski tham gia các sự vụ chính trị - nói đúng hơn, trông như là chính trị, thì đó là muốn nhằm vào chế độ nông nô, tức là chế độ khiến cho có rất nhiều linh hồn chết, một điền sản của quý tộc Nga có bao nhiêu nông nô thì được gọi là có bấy nhiêu linh hồn): một yếu tố gây đảo lộn lớn và điển hình, một trong những gì, trong cuộc sống con người, làm người ta thay đổi nhiều nhất; nhưng ở đây có một điểm rất ít khi được nhìn đến.

Một thanh niên bất thần có thành công lớn nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tiên giống như nhận (vào đầu) một cú sét. Hiếm ở đâu khác, ân sủng đồng nghĩa với trừng phạt hơn như thế. Anh ta sẽ bị vinh quang cuốn vào một thứ, trở thành một dạng thiêu thân: vào cuộc sống xã hội. Tuyệt đại đa số thanh niên như vậy không bao giờ thoát ra, họ sẽ trở thành dandy, thành một con người lịch thiệp, trí tuệ (nhất là chua chát, cynical), bất kỳ một cái gì, rất có thể vừa lòng, sung sướng với thành công của cuộc đời mình (nhưng đồng thời hay làm ra vẻ ngược lại). Và đó là dấu chấm hết. Chấm hết tức là: đã bước chân vào vở kịch người, thường xuyên cứ tưởng bi kịch thì hóa ra là hài kịch, thậm chí vaudeville. Bị bắt, bị xử bắn, rồi đi đày, Siberia, etc. là yếu tố khiến Dostoievski đảo ngược được điều vừa xong (cái đó trông thì như lỏng nhưng chặt vô cùng, gần như không thể thoát ra). Petrashevsky: một dạng circle. Cũng quãng thời gian tuổi trẻ ấy, Dostoievski không chỉ tham gia circle đó, mà còn có Beketov circle, chưa kể pléiade, nhóm văn nhân tụ tập quanh Bielinsky. Nhưng những circle, pléiade, cénacle, chúng ở đó là để thử thách, thử thoát thân xem, nếu có thể, nếu mà dám: điều duy nhất cần nói thêm là, chỉ có thể thoát ra khỏi chúng (chúng không để người ta thoát chính là vì không có tường ngăn, nhưng có một thứ khác thay thế: hào quang; bởi vì những thứ như vậy tỏa hào quang) bằng một điều duy nhất: đau đớn.

Mấy đoạn ở trong địa điểm báo chí cũng có chức năng gây đảo ngược ấy - tất nhiên ở đây khó giải thích tường tận hơn nhiều, nhưng chắc chắn, rất dễ thấy đã có một đảo ngược mãnh liệt dẫn Dostoievski, ngay sau đó, đi vào đoạn 15 năm cuối cùng huy hoàng chưa từng có.

Sự đảo ngược ấy nằm ngay trong nhan đề cuốn tiểu thuyết sẽ ám ảnh văn chương cả thế kỷ 20, tuy lúc đầu chẳng mấy ai hiểu nó, cũng không coi trọng nó: cuốn sách (lại "sổ ghi chép") về cái kẻ sống dưới hầm.

Đảo ngược lúc này nằm ở một câu mệnh lệnh cách: Xuống hầm đi.


Dostoievski trong ảnh hưởng. Chính với một nhân vật như Dostoievski, ta có thể có được một khoảnh khắc sáng suốt khi nhìn vào mớ bùng nhùng (cái này che cái kia, cái kia giả dạng cái này) của một địa hạt: địa hạt của (những) ảnh hưởng, cái thế giới của những trò chơi kỳ quái khó phân định, và nhất là rất khó nắm được luật: nhưng làm gì có ảnh hưởng nào.

Rất nhiều cái tên, toàn tên lớn (nói đúng hơn, tên to) dễ làm cho ta nghĩ ngược lại: Pushkin, Gogol, Sand, Hoffmann, etc. Nhưng, kể cả khi cuốn tiểu thuyết thứ hai của Dostoievski, câu chuyện về Goliadkine, tức là về một vụ double (Bielinsky bắt đầu thay đổi thái độ kể từ đây - trước đó Bielinsky ca ngợi Những người nghèo thế nào thì giờ tỏ ra nghi ngại Double bấy nhiêu; và đến cuốn tiểu thuyết sau đó, về một bà chủ nhà, thì xong hẳn; nhiều năm về sau, Nékrassov cũng có thái độ tương tự: từ Siberia, Dostoievski gửi về vài tác phẩm, nhất là Stepantchikovo, Nékrassov đọc và phát biểu, Dostoievski đã xong, chẳng bao giờ còn viết được cái gì lớn lao nữa), kể cả khi câu chuyện ấy, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhìn ra là phép cộng đơn giản của Gogol với Hoffmann (Doppelgänger, etc. - về phần mình, Balzac từng viết lại một câu chuyện fantastic của Maturin, cf. tiểu thuyết ngắn Melmoth réconcilié), thì chuyện vẫn hoàn toàn không phải vậy. (trong vòng rất nhiều năm về sau, Dostoievski nuôi ý định viết lại nó; bởi vì, quả thật nó rất quan trọng, đó là một cú thăm dò vào một vùng tăm tối chưa mấy được thám hiểm; chưa nói đến bản thân sự phân đôi con người như ở Stevenson, câu chuyện của Dostoievski là một điểm mốc quan trọng trong lịch sử cái nhìn vào hệ thống hành chính, công sở - sau Les Employés của Balzac là Double của Dostoievski, và kể từ đó cho đến mãi Kafka, giữa chừng có thể kể thêm Adalbert Stifter) (sự khác của Dostoievski có thể nằm ở chỗ: trong tiểu thuyết của Balzac đã có các nhân vật tù khổ sai như Vautrin, như Ferragus, và trong Dostoievski cũng có, như Fedka trong Quỷ - nhưng riêng ở đây, ai cũng biết ngay, Dostoievski thực sự khác Balzac như thế nào)

Chuyện không phải vậy, vì không có ảnh hưởng nào cả. Nếu có một cuốn tiểu thuyết mà Dostoievski thích nhất trên đời, thì đó phải là Don Quixote. Vấn đề không nằm ở ảnh hưởng, không phải vì không có chuyện người này tác động lên người kia, mà bởi làm gì có ảnh hưởng. "Chịu" ảnh hưởng là một cách giải thích dễ dãi, những tập đoàn Harold Bloom etc., trong những xếp đặt cũng dễ dãi nốt. Người ta đọc không phải là để học một cái gì, người ta viết không phải là để đạt đến một tầm vóc hay tầm cao nào xác định được. Hoàn toàn không có gì như thế. Người ta đọc là bởi người ta đọc, và người ta viết là vì người ta viết (có thể thêm "phải" vào). Đối với những Pushkin, những Gogol hay những Sand, Dostoievski không làm gì khác ngoài đối thoại - thêm một lần nữa, một từ quan trọng của Bakhtin soi sáng nhiều điều. Tất nhiên, có thể nói thêm, sự đọc (và đối thoại) ấy giúp rất nhiều cho đảo ngược.

Trở lại với đảo ngược ở Dostoievski: tới một thời điểm, Dostoievski nhất thiết phải đảo ngược được, vì vậy thì mới có thể thoát ra khỏi hai yếu tố: yếu tố thứ nhất là satire, yếu tố thứ hai là lyrique. Sẽ không có Dostoievski nếu không thoát được khỏi chúng (một trong những đối thủ ở hơn chục năm cuối của Dostoievski là một satiriste xuất sắc: Saltykov-Schedrin - tìm hiểu về nhân vật ấy rất dễ). Nhưng ngược lại, không một nhà văn nào muốn trở thành nhà văn đúng nghĩa mà thoát được satire, vì đó là một trong các yếu tố lúc nào cũng ở đó, không thể vòng tránh. Chỉ có điều, như một người (Vauvenargues hay Joubert nhỉ?) từng nói: satire thuộc về những tinh thần yếu.

Nhưng địa điểm báo chí vẫn cứ hết sức quan trọng cho Dostoievski, kể cả trong các đảo ngược. Báo chí, périodique, chronique: định kỳ (tức là có kỳ hạn, như nợ), nhưng đồng thời cũng là mãn tính: đó là một dạng bệnh, một thứ bệnh vô cùng cần thiết. Tôi sẽ còn trở lại.


Giờ đây, khi đã đi qua văn chương Dostoievski một đoạn không ngắn, tôi bỗng

[tôi bỗng quên mất là tôi định nói gì sau "bỗng" ở dòng trên rồi]


Trong những cuốn tiểu thuyết của Dostoievski không có gì? nếu câu hỏi là "có gì?" thì ta đang động vào các yếu tố, đơn lẻ hoặc cũng có thể được nhìn nhận rộng hơn, còn nếu hỏi "không có gì?" thì ngay tức khắc đối tượng là cái toàn thể.

Giết người, vụ án, tất nhiên có, rất nhiều; chính trị chăng? cũng không ít; hay không có vũ hội, tiệc tùng? tất nhiên là có, trong Double và nhất là một đoạn (rất) dài (và là kiệt tác lớn) trong Quỷ; không có đấu súng? (như trong truyện Pushkin), cũng lại có, vẫn trong Quỷ - rất có thể Dostoievski và người sinh cùng năm Flaubert tạo ra những màn duel đáng nhớ nhất trong lịch sử văn chương, và là rất đáng nhớ vì chúng vô cùng lố bịch (thêm một câu hỏi nho nhỏ: Dostoievski có đọc hai nhân vật sinh cùng năm với mình, Flaubert và Baudelaire không? rất có thể không đọc Baudelaire nhưng chắc chắn có đọc Madame Bovary, do được Tourgueniev giới thiệu, nói rằng đó là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất trong vòng mười hay hai mươi năm vừa rồi - ở Pháp, Tourgueniev, ngoài ở trong một ménage à trois với Pauline Viardot, rất thân với băng Flaubert, Goncourt, etc., nhưng tình thân ấy về sau sứt mẻ, Goncourt sẽ nói không ra gì về Tourgueniev).

Hay là không có tình yêu? nghe bắt đầu thấy có lý hơn nhiều. Nhưng vẫn có tình yêu ở văn chương Dostoievski, chỉ cần lấy ví dụ novella về những đêm trắng Saint-Petersbourg.

(Những đêm trắng chắc chắn là Dostoievski thành công hơn cả, ở đây; đó cũng chính là Dostoievski duy nhất không bao giờ tôi đọc lại; đây cũng là điểm có thể dùng để nhấn mạnh rằng, Dostoievski cần vượt qua lyrique, bằng không sẽ chẳng hề có Dostoievski nào; tất nhiên, chuyện còn liên quan đến bộ phim chuyển thể từ đó, từng được chiếu trên ti vi)

Thậm chí trước câu hỏi, có mối tình bình thường nào không, thì vẫn cứ có, dẫu chỉ duy nhất một: mối tình giữa Razumikhine và em gái của Raskolnikov, mà bỗng dưng tôi quên mất tên; ngược lại, mối tình giữa Raskolnikov và cô con gái nhà Marmeladov, Sonya, tất nhiên thuộc vào số những gì kỳ quái nhất từng có bao giờ được văn chương tạo ra.

Cái không hề có trong tiểu thuyết Dostoievski là: chiến tranh; điều này càng trở nên có tầm vóc lớn hơn nếu nghĩ đến Tolstoy, và đó không chỉ là Chiến tranh và Hòa bình, mà còn cả (nhất là trong) Sébastopol. Có (rất nhiều nhắc đến) Napoléon và Bismarck, nhưng không có chiến tranh.

Thế nhưng, tuy vậy, Dostoievski lại là người đặc biệt quan tâm đến chiến tranh (và cũng có quan niệm rất riêng về chiến tranh); chỉ có điều, cái đó không được thể hiện trong các tiểu thuyết (cũng cần nhớ, Dostoievski từng học Trường Kỹ sư - thật ra đó là trường quân sự). Tôi sẽ trở lại chủ đề này ở bên dưới, cũng như một điều lân cận: Dostoievski quan tâm đến những nơi tụ tập đông người nào? sòng bạc, tất nhiên, nhưng nhất là phòng đấu giá (đặc biệt trong Xanh Đầu).


Thời gian ở Siberia (đã ra khỏi Nhà Chết nhưng chưa về được Saint-Petersbourg), Dostoievski có một người bạn mới, tình bạn của họ sẽ kéo rất dài: đó là một baron, Wrangel. Đây cũng là người chứng kiến nhiều điều trong đoạn khởi đầu (và cả trước) cuộc hôn nhân đầu tiên của Dostoievski, với Maria Dimitrievna.


Bakhtin trong tiếng Anh:


(sách được sản xuất tại Minnesota - nói thế là biết rồi đấy)


Maria Dimitrievna đã có chồng (và con) khi bắt đầu có quan hệ tình cảm với Dostoievski. Một thời gian ngắn sau đó thì người chồng chết - và họ cũng đã chuyển đến sống ở một chỗ khác chứ không còn cùng nơi với Dostoievski nữa. Dostoievski tới đó, nhưng lúc này đã có một người đàn ông khác xen vào giữa, tuy vậy cuối cùng thì họ vẫn lấy nhau; tại đám cưới của họ có mặt cả người chồng (hụt) kia: cả một câu chuyện không khỏi khiến ta nghĩ bước ra từ một cuốn tiểu thuyết của Dostoievski. Người chồng quá cố của Maria Dimitrievna là một người nghiện rượu; rất dễ nghĩ (và chắc đúng thật) cặp vợ chồng ấy đã gợi ý không ít cho Dostoievski để viết ra câu chuyện về vợ chồng Mermeladov trong Tội và Phạt. Từng có lúc, Dostoievski nghĩ mình sẽ viết một cuốn tiểu thuyết tên là Bọn say. Dựa vào diễn biến của mọi sự, hoàn toàn có thể cho rằng câu chuyện về những người say rượu đó cuối cùng đã trở thành tuyến truyện quan trọng (người chồng say rượu và chết vì rượu chè, không lâu sau đó người vợ cũng chết, vì nghèo khổ, lao phổi và phát điên: đoạn - dài - ngay trước khi người đàn bà chết cùng cảnh chết của người đàn bà ấy là một trong những kiệt tác lớn lao nhất của Dostoievski) của Tội và Phạt.

Thân thiết nhất trong đời Dostoievski, như ta đã biết, là người anh Mikhail. Một trong những người bạn lâu năm hơn cả: Apollon Maikov, một nhà thơ - Dostoievski thân thiết với người em, Valerian, nhưng Valerian chết rất sớm. Thêm một người có thời gian gần gũi với Dostoevski cũng mang tên Apollon: Apollon Grigoriev; đây là một trong hai bỉnh bút quan trọng nhất của tờ Time, người còn lại là Strakhov. Strakhov đóng vai trò không nhỏ trong việc introduce Hegel vào Nga, nhưng nhất là introduce Darwin.

Nhưng cũng có cả những gần gũi, thân thiết trên một bình diện khác. Chẳng hạn, chắc chắn Dostoievski cảm thấy Thomas de Quincey gần gũi với mình. Hình ảnh cô gái Ann trên Oxford Street (Eater) như thể thường xuyên bàng bạc lơ lửng và nhiều thấm đẫm vào các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Dostoievski. Một trường hợp khác, lạ thường hơn ở nhiều khía cạnh: ở trên đã nhắc thoáng qua đến Herman Melville. Có thể đoán (và khá chắc chắn được) rằng Dostoievski chưa bao giờ đọc Melville (khi còn sống, Melville không thực sự nổi tiếng, lại không hoạt động bên châu Âu như Hawthorne). Nhưng có nhiều điều khiến ta có thể nghĩ đến cặp Dostoievski-Melville. Đây là hai nhân vật tuyệt đối cùng thế hệ; những năm 40 của thế kỷ 19, cả hai cùng bùng nổ - diễn biến sau đó thì trông như là ngược nhau, càng về sau Dostoievski càng đi tới những tác phẩm đồ sộ, còn Melville thì cứ lấn mãi vào trong im lặng (nhưng chưa chắc vậy thì thực sự khác nhau). Nếu không muốn nhấn mạnh vào negative thì ở bình diện của positive vẫn có thể nói đến nhiều tương giao: văn chương Nga với Dostoievski và văn chương Mỹ với Melville đi vào một pha ngoạn mục - pha của thoát khỏi châu Âu; nói vậy cũng đồng nghĩa với: hai văn chương bắt đầu có căn cước riêng. Điều này là vô cùng quan trọng đối với riêng Dostoievski: Dostoievski nói, Pushkin không chỉ là abc xyz, mà Pushkin còn là người Nga đầu tiên.


Có một quãng thời gian ngắn trong đời, Dostoievski liên tiếp cầu hôn nhiều phụ nữ (và đều thất bại), trong số đó có chị gái của Kovalevskaya, thậm chí còn đề nghị một người đang sống với chồng ốm yếu là nếu chồng người đó chết thì sẽ lấy mình: rốt cuộc thì kịch bản không lặp lại (lặp lại vì nếu vậy thì sẽ tương tự như khi Dostoievski lấy Maria Dimitrievna), với sự xuất hiện của Anna Grigoryevna. Vì những cú cầu hôn ấy mà, rất bất ngờ, Dostoievski có một tương quan nhất định với Karl Marx: một trong số những người mà Dostoievski từng cầu hôn về sau sẽ (cùng chồng) trở thành người thân tín của Marx, dịch sách của Marx, etc. Một người tình của Dostoievski sẽ có (một trong những người) chồng là Vasily Rozanov, chính là một trong những người đầu tiên bình luận văn chương Dostoievski (xem ở chỗ các bức ảnh, phía trên) - đó là Suslova, his "Polina yêu dấu". Mối tình với Suslova đầy những quiproquo, chuyến ra nước ngoài thứ hai của Dostoievski, khoảng một năm sau chuyến thứ nhất (có chặng quan trọng là Paris, nhưng trước đó Dostoievski dừng ở Wiesbaden để đánh bạc) chủ yếu là để gặp Suslova, ai muốn tìm hiểu đầy đủ câu chuyện thì rất dễ; một lần trong khi đang đi cùng Suslova thì bỗng Dostoievski tình cờ chạm trán Herzen cùng gia đình: cả một cuộc gặp hết sức doistoïevskien.

Đặt Dostoievski bên cạnh một số nhân vật làm phát ra những ý nghĩa, hoặc pha đậm thêm một số ý nghĩa mà nếu không làm vậy thì sẽ quá mờ. Trở lại với Dostoievski-Melville: ta thấy một sự đảo ngược rất lớn, từ chỗ (tương đối) là một người Tây hóa hồi còn trẻ, Dostoievski trở thành một người có cái nhìn đặc trưng hơn cả nằm ở chỗ: cần phải thoát khỏi châu Âu, vì châu Âu không phải là khuôn mẫu, cũng chẳng phải là chân trời của nước Nga. Châu Âu không phải khuôn mẫu và chân trời của riêng nước Nga: điều đáng kinh ngạc ở đây, chỗ của chúng ta, là, không phải luôn luôn có rất nhiều luận thuyết về "thoát Trung" hay "thoát Á", mà thật đáng kinh ngạc vì không có, để đối trọng với đó, một tinh thần đủ mạnh theo hướng thoát Âu. Nhưng cần phải thoát khỏi đó. Vấn đề là cần phải thoát khỏi đó, bởi vì châu Âu không chỉ là một ý thức, đó còn là một ý luận.

Nhìn văn chương Dostoievski trong perspective có gì và không có gì (nhất là không có chiến tranh, như ở trên đã nói) khiến ta khỏi phải nhìn theo những đinh ninh phải: lúc nào trong mọi (hoặc gần như thế) bình luận Dostoievski cũng đều tràn ngập, như dominante, những từ thuộc loại, liberalism, nihilism, radicalism, slavophilism, etc. Và như vậy, cuối cùng ta cũng sẽ tới được (nhưng bằng con đường khác), một điểm trọng yếu ở Dostoievski (nhưng tôi từ chối coi đây là trung tâm): tôn giáo, hay nói đúng hơn, Ki-tô giáo và Chính thống giáo (chứ không phải Công giáo và Tin lành: điều này tôi sẽ còn trở lại sau), vì giờ cần nói đến một điều liên quan chặt chẽ đến chính chúng ta.

Trên lịch sử Việt Nam (cụm từ này, tôi thuổng của Phan Khôi, trong một texte thiên tài - một texte thiên tài khác của Phan Khôi), cứ hễ khi nào tinh thần (chung) xuống thật thấp, thì luôn luôn những khi ấy, Phật giáo (và những gì liên quan) liền nở rộ, đạt tới các mức phát triển rất cao - và rất lớn.

Điều vừa nói có thể thấy rõ - ngày nay - ở những gì liên quan đến Thích Nhất Hạnh. Tôi sẽ còn trở lại.


Một trong những ý lớn (tuy nghe thì hết sức đơn giản) của Bakhtin bình luận Dostoievski: người ta luôn luôn nhầm lẫn ở điểm, các nhân vật tiểu thuyết của Dostoievski  Dostoievski. Điều mà Bakhtin nói rất đúng: khí hậu các tiểu thuyết của Dostoievski (và là như vậy, ngay từ đầu, tuy càng về sau cường độ càng tăng, có những lúc lên đến cực điểm) khiến người ta rất dễ rơi vào một trạng thái đặc biệt, trạng thái của đánh mất nhìn nhận một thứ: vậy là ta quay trở lại với căn cước.

Điều đáng nói là, Dostoievski hoàn toàn ý thức được điều này (rằng người ta nhầm lẫn mình với các nhân vật của mình: cả một sự đồng hóa kỳ lạ). Nhưng để biết như vậy (tức là Dostoievski biết rõ điều về sau Bakhtin sẽ nói) thì cần phải nhìn sang Dostoievski nhà báo.


Rất có thể chúng ta đã đánh mất từ lúc nào không biết (hoặc, còn nhiều khả năng hơn: chúng ta chưa bao giờ có, chưa kịp) cái nhìn vào những tờ báo. Chúng là một căn bệnh, tất nhiên mãn tính. Cứ đến kỳ thì chúng xuất hiện (nói đúng hơn, quay trở lại). Giờ đây, khi đến lượt mình, cả chúng nữa, những tờ báo, không còn ý nghĩa (mất đi cả công dụng che mặt cho viên thám tử tư hoặc không tư lắm ngồi ở chỗ đông người mà theo dõi đối tượng), thì ý nghĩa của chúng dường như mới bắt đầu le lói hiện ra. Chúng có thể là rất nhiều thứ, nhưng chúng là bệnh.

Hiếm có gì đích đáng hơn thế, cho con người, cũng là một loài động vật gần như chẳng có gì khác ngoài bệnh. Câu chuyện của con người là câu chuyện của sự ốm: các quãng khỏi (convalescence, rétablissement, etc.) chỉ là để chuẩn bị cho một cơn ốm mới, chắc chắn là càng ngày càng nặng thêm. Ngoài đó ra, chỉ còn rất ít thứ khác.

Nhưng ốm thì rất cần thiết, đó là cái chẳng thể nào không có. Chính những lúc đảo lộn ở mức độ cực điểm, các căn bệnh cũng lên đến cực điểm. Hủi, điên (cf. Michel Foucault, đặc biệt là sự điên thay thế cho hủi, như một điều chẳng thể nào không), hạch, tả, sida, hay như - ai cũng thấy, có không muốn thì cũng vẫn cứ phải thấy: đó chính là ý nghĩa của sự thật - ngay lúc này.

Một người như Dostoievski (tất nhiên, hoàn toàn có thể nói, ấy là hơn một người nhiều, rất rất nhiều), trong tương quan với các tờ báo, để lộ ra nhiều ý nghĩa. Thì đấy là bởi - thêm một lần nữa - đó là câu chuyện của ý thức. Của sự lập thành của ý thức.


Đường dẫn của ý thức, hết sức tự nhiên, đưa Dostoievski đến đúng vùng trọng điểm của ý thức: nước Pháp (Louis Lavelle: triết học Pháp là triết học về ý thức par excellence). Câu chuyện Gide-Dostoievski thì đã quá nổi tiếng (dẫu cho, cần phải nói: cũng như mọi khi, Gide nhìn thấy ở việc nói về Dostoievski một cơ hội lớn để nói về chính mình).

một nhân vật trọng yếu trong câu chuyện "Dostoievski và nước Pháp", Henri Mongault:



(và tất nhiên, Sigmund Freud, đúng cái texte đã nhắc ở trên)

và cả Pierre Pascal.

Henri Mongault, và Pierre Pascal, rồi lại cả Boris de Schloezer, một nhân vật lớn nữa của câu chuyện, ở Tội và Phạt.

Nhưng người thực sự đầu tiên trong câu chuyện Dostoievski đến Pháp là Eugène-Melchior de Vogüé, một tử tước, một nhà ngoại giao - với de Vogüé thì không chỉ là Dostoievski mà còn cả Tolstoy và chung hơn, tiểu thuyết Nga. Trước đó nữa: Pierre Đại đế ở Versailles, triều đình của Louis XIV và được Saint-Simon chép chuyện, một trong những Sa hoàng Alexandre xuất hiện tại Paris trong những binh biến liên quan đến Napoléon, rồi Tourgueniev giống như là một đại sứ Nga giữa giới văn chương và nghệ sĩ Pháp. Tức là, vào một khoảng thời gian, có một chiều là những người như de Vogüé, rồi ở chiều ngược lại, một tờ tạp chí của Nga có thể mời Émile Zola cộng tác (trả rất nhiều tiền), và thế là Zola có sự hiện diện mạnh mẽ ở Nga; Zola mà Dostoievski, trong một kỳ Bad Ems, đã thử đọc xem sao, và nhăn mặt ngay, như đã nói ở trên.


vì đã nhắc đến Tolstoy của Sébastopol:


và vì cũng đã nhắc đến Zola:

Vì từng học trường quân sự, Dostoievski rất quan tâm đến tình hình chiến sự, trong đó tất nhiên có Sébastopol (Dostoievski có một người bà con liên quan rất nhiều đến phòng thủ Sébastopol) - điều này sẽ được nói đến ở bài dài thứ hai.


Trở lại với tập thứ 5 tức là tập cuối cùng bộ sách về Dostoievski của Joseph Frank, nhưng chỉ là với duy nhất một từ nằm ngay trong nhan đề của nó: prophet, tất nhiên. Đến đây thì Pushkin thực sự hiện ra, trong toàn vẹn.

Không ít lời chứng nói rằng những năm cuối đời nhiều lần Dostoievski đọc (thuộc lòng) trước mặt người khác bài thơ tên là "Nhà tiên tri" của Pushkin. Những ai đã đọc Đầu xanh tuổi trẻ biết rằng Pushkin có hiện diện lớn như thế nào ở trong đó, từ kỵ sĩ đồng cho tới hiệp sĩ keo kiệt. Và cũng chính vì bài diễn văn kỷ niệm Pushkin mà tờ Nhật ký của Dostoievski đột xuất ra thêm một số (tức là lịch sử của tờ tạp chí gồm nhiều hơn 24 số của hai năm) sau khi đã đình bản một thời gian.

Một nhà thơ khác có ý nghĩa không nhỏ đối với Dostoievski (về phần Schiller, thì việc xem vở kịch về những tên cướp hồi còn ở tuổi niên thiếu tức là xanh đầu, đã mang đến cho Dostoievski khải ngộ văn chương đúng nghĩa đầu tiên) là Chiu-chép, đã nhắc thoáng qua ở trên:


(đây rồi, đã tìm ra bài thơ của C-C được Joseph Frank dùng làm đề từ cho một trong các tập bộ sách về Dostoievski của mình - tất nhiên đã dịch ra tiếng Anh - một bài thơ có thể tóm tắt rất ngắn gọn: không ai hiểu được người Nga kể cả người Nga:


Russia cannot be understood by reason,

Nor measured by a common rule:

It has its own configuration-

Russia, you can only take it on faith.)



(đặt tên bài này như thế - "Dostoievski viết thư" - chỉ cốt là để nói - tức là bây giờ nói- rằng Dostoievski là một người đặc biệt ghét viết thư)




(đã tiếp tục "Harry Laus""HD")




quỷ, tội, phạt, vĩnh cửu

Dostoevski: tiếp tục

Đẹp và bị chà đạp

Dostoievski






12 comments:

  1. Có một cuốn liên quan đến người vợ của Dos đã dịch ra tiếng Việt, "Mối tình cuối cùng của Dostoievski", khá mỏng, khổ bằng lòng bàn tay, bìa màu đen, do Hoàng Cầm dịch. Cuốn này có nhắc đến hồi kí của Anna.

    ReplyDelete
  2. có một quyển bìa màu vàng hoặc hồng, dày, khổ to, trên bìa ghi Dostoievsky cỡ lớn, hoa lá cành, thì không phải hồi ký bà vợ à? chắc một quyển viết về Dostoievski

    ReplyDelete
  3. Hay quá anh ơi, thật là thích khi được biết thêm bên cạnh những tiểu thuyết, Dostoievski còn cả đống câu chuyện khác nữa.

    ReplyDelete
  4. "...còn có vị thế rất nhỏ trong lịch sử cái nhìn..."
    ở đây chắc thiếu chữ không ạ?

    ReplyDelete
  5. Nhìn đống thư thấy hãi thật. NL có đủ bộ không? Một bộ thì còn khủng đến đâu nhỉ

    ReplyDelete
  6. (tiếp tục)

    tôi thiếu volume 2, tức là tập giữa

    Dostoievski viết thư trông thì thế thôi, số lượng chẳng là gì so với vô số người khác

    ReplyDelete
  7. Dunia, đúng rồi tên nhân vật đó là Dunia
    Trong Crime thì quán rượu này, nhà trọ chắc cũng tính
    Karamazov thì tòa án
    không rõ có cuốn nào có bệnh viện không

    ReplyDelete
  8. bệnh viện: đã nói ngay ở trên, trong Nhà Chết

    tiếp tục

    ReplyDelete
  9. Cuộc gặp gỡ ở London giữa Dostoevsky và Dickens đã được bóc là một trò bịp mấy năm trước rồi

    ReplyDelete
  10. ok, tôi sẽ xem, đúng là chỉ thấy chi tiết này trong các tiểu sử Dickens chứ những gì về Dostoievski thì chưa bao giờ thấy có

    ReplyDelete