Apr 11, 2018

Baroque

(và không kèm "ẩn hoa")

Trước tiên, cuốn sách này:


Khi viết về thơ Baudelaire, cuốn sách đầu tiên mà Georges Poulet nhắc tới (xem ở kia) là cuốn sách trên đây, của Marcel Raymond. Raymond từng ngồi nghe Albert Thibaudet giảng bài; đây chính là nhân vật xa xưa nhất của "École de Genève".

Đến lượt mình, Marcel Raymond lại trở thành ông thầy của một nhân vật nữa: Jean Rousset.

Trông tôi vậy thôi, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã xiên trọn vẹn trường phái Genève, không để sót bất kỳ cái gì nhiều ý nghĩa.

Cuốn sách của Rousset:


Marcel Raymond (đừng nhầm với Michel Raimond, đây là một giáo sư văn chương rất nổi tiếng của trường Sorbonne, người hướng dẫn luận án tiến sĩ đầu tiên của Antoine Compagnon) và Jean Rousset đều có ý nghĩa lớn trong các vấn đề xoay quanh Baroque. Đến một thời kỳ, vấn đề đặt ra là thế kỷ 17 (thế kỷ vĩ đại) là cổ điển hay baroque? Ngay đoạn đầu cuốn sách của Rousset sẽ nói tới điều đó.

Rousset, trong cái nhìn của tôi, là yếu tố lạ của École de Genève; tôi sẽ còn trở lại.





Văn chương thời kỳ baroque ở Pháp. Circé và con công


Jean Rousset


Introduction


Nằm nơi nguồn gốc xa xôi của tiểu luận này là một dạng cú sét ái tình trước vẻ thần tiên nhiều tính cách trang trí và đầy biến ảo của cung điện Zwinger tại Dresde và tổng thể tuyệt diệu các mặt tiền và vòm mái ngự trị “la grande boucle de l’Elbe” [người Pháp gọi như vậy, “vòng cung sông Elbe”, muốn nói khu vực uốn lượn theo bờ sông Elbe đoạn thành phố Dresde; ở đây có các công trình rất nổi tiếng, chẳng hạn pháo đài Königstein]. Không hề phai nhạt, sự thiên ái ấy đã được củng cố khi ngắm các nhà thờ vùng Bavière và Áo, để rồi cố định lại thành một tình yêu dài lâu lúc tiếp xúc với Rome của Bernin [Bernin có vai trò lớn trong việc xây dựng nhà thờ Saint-Pierre, Vatican, cũng là tác giả của nhiều tượng và quần thể tượng tại Rome]. Bằng cách ấy mà được nuôi dưỡng một sở thích thường hằng đối với mọi thứ gì gần hoặc xa chạm đến Baroque và, thông qua con đường của hệ quả, đến vấn đề Baroque thuộc văn chương.

Đúng vậy, câu hỏi đặt ra. Ý [không cần quan tâm quá: tôi đang thử một chút, với một câu hỏi: tại sao cứ Idee, idea thì nhất thiết phải là “ý tưởng” hay “ý niệm”] về baroque thành hình và trở nên đặc; nó khởi sự rạng lên phía bên kia các giới hạn của chính nó; nó hiện ra, phong phú những áp dụng mới; lịch sử văn chương và tư tưởng từng dành cho nó sự tiếp đãi trọng thể tại một số nước; Đức và Ý đã, từ một thế hệ, cấp cho nó đầy đủ quyền cư trú, có lẽ hơi quá mức hào phóng; Pháp cũng theo, nhưng muộn, và chẳng phải không kèm nhiều ngờ vực; nhiều lý do lớn có thể dùng để giải thích các e dè này.

Tuy nhiên, bản dịch cuốn sách của Eugenio d’Ors năm 1935 và những tranh luận đi kèm với đó đã gây đột phá: vấn đề Baroque trở nên nóng hổi. Lịch sử văn chương, đến lượt nó, bị chạm đến; những người như Alan Boase, Marcel Raymond, Raymond Lebègue, Pierre Kohler gọi tên phạm trù hoàn toàn mới này trong những gì liên quan đến Jean de Sponde, Agrippa d’Aubigné, kịch của đoạn quanh năm 1600, cổ điển [classicisme: “cổ điển” (này) chỉ là cổ điển trong quan hệ với “lãng mạn”, romantisme] hồi thế kỷ 17. A. Chastel, G. de Reynold, rồi thêm những người khác nữa, theo bước họ. Ngoài nhiều tản mát về bản thân ý baroque và về các áp dụng khả dĩ của nó vào văn chương, người ta nhất trí công nhận là ở đây có một cách thức phong nhiêu để làm giàu cho cái nhìn truyền thống của chúng ta về thế kỷ 17, cùng lúc giúp giải thích hay đánh giá lại một số trào lưu và một số nhà thơ mà [Gustave] Lanson chẳng biết phải xử lý ra sao [Lanson là đề tài chế nhạo không chỉ của các học sinh École Normale thế hệ Nizan và Sartre mà còn chính là đối trọng của “phê bình mới”, cái được gọi tên như vậy].

Vậy nên dường như sẽ hữu ích nếu thử tiến hành một thảo luận chung về vấn đề này.

*
*       *

Mối quan tâm đầu tiên của cuộc tìm hiểu này sẽ là thiết lập rằng cả một giai đoạn, đại khái từ 1580 đến 1670, từ Montaigne đến Bernin, có thể được nhận diện nhờ một chuỗi chủ đề [thème] chuyên biệt của nó: sự thay đổi, sự thiếu chắc chắn, sự đánh lừa và sự tô điểm, cảnh tượng chết chóc, cuộc sống thoáng chốc và thế giới trong bất ổn định; ta thấy chúng được hiện thân trong hai biểu tượng mẫu như thể chi phối trí tưởng tượng của quãng thời gian ấy: Circé và Con Công, tức là biến hóa và phô trương, chuyển động và décor. Các chủ đề và biểu tượng này hồi ứng kém cỏi với ý về cổ điển hay tiền cổ điển và cũng không thỏa mãn nhiều hơn ý về lãng mạn [tức là, có một cái gì đó không hoàn toàn là cái gì, không thực sự thuộc vào các phạm trù đã biết và được công nhận]. Do vậy chúng biện minh cho lời kêu gọi hướng tới một phạm trù mới.

Pha thứ nhất của nghiên cứu ấy còn chưa viện tới khái niệm baroque áp dụng cho các sự kiện văn chương; nhưng những xích lại gần thường hằng và khôn cưỡng với các tác phẩm của Bernin hay các mặt tiền nhà của Borromini, với các vòm và trang trí của một Pierre de Cortone hay một ông Cha Pozzon, với những đồ hình chủ chốt của hội họa đương thời hướng sự chú tâm về phía giải pháp khả dĩ.

Nhưng Baroque là gì? Và đâu là những điều kiện của một sự chuyển dịch hợp thức từ mỹ thuật sang nghệ thuật văn chương? Chính là hướng tới kiến trúc Rome của Bernin, của Borromini và của Pierre de Cortone mà câu hỏi được đặt ra, bởi vì chỉ từ nó ta mới có thể trông đợi một định nghĩa thuần khiết và không thể tranh cãi về Baroque; chính nó được trao trách nhiệm cung cấp những tiêu chí cho tác phẩm baroque lý tưởng; các tiêu chí đó, được đón nhận và chuyển lên một mức độ đủ về phương diện phổ quát sẽ có thể dùng làm những công cụ đo lường cho các tác phẩm không thuộc vào khu vực tạo hình.

Ngay khi đó, sẽ là khả dĩ việc đưa trở lại với văn chương cũng như việc tra vấn, với sự trợ sức của những tiêu chí kia, vài tác phẩm quan trọng của giai đoạn đó, nhằm từ đó mà xác định baroque luận nếu có.

*
*       *

Sức nặng của tranh luận trước hết dồn vào nước Pháp. Nhưng Baroque là một chuyển động châu Âu; nguồn và các trung tâm hoạt động của nó nằm ở nước ngoài; chính ở đó nó bừng nở, với tối thiểu kháng cự. Rất quan trọng việc không bao giờ để lọt khỏi tầm mắt sự thật này, luôn luôn chăm chú nhìn vào nghệ thuật và văn chương nước ngoài, đặc biệt ở Ý; khi đó nước Pháp hát trong một buổi công xe nhiều giọng. Nhưng những nghệ thuật ấy và những văn chương ấy, bừng sáng bên ngoài Pháp, chỉ được coi như là điểm tham chiếu và so sánh; trục của cái nhìn không ngừng giây phút nào vẫn là vấn đề Pháp, thế kỷ 17 Pháp.

Ở đây sẽ chỉ được bàn đến một lát cắt của thế kỷ 17 Pháp đó, chứ không phải một bức tranh chung. Ta không ra vẻ thay thế các nguyên tắc giải thích cũ bằng một nguyên tắc mới khiến chúng trở nên cổ lỗ, mà đúng hơn là chuyển phối cảnh, làm cho uyển chuyển hơn sơ đồ lịch sử truyền thống và làm giàu cho viễn kiến của chúng ta về giai đoạn ấy, bằng một sự soi rọi làm nổi rõ hơn sự phức tạp của nó. Nếu các kết luận của nghiên cứu này được chấp nhận, thế kỷ 17 “cổ điển” hẳn sẽ chẳng vì thế mà có chút nào bị mờ tối đi hay bị thu nhỏ; nhưng hẳn nó sẽ hiện ra kém phần đồng chất hơn và ít tính cách tuyến tính hơn; thay vì một thế kỷ tiến hóa dần dà và đơn sắc, hẳn ta sẽ thấy dựng ra nhiều thế kỷ 17 song song, thay thế nhau hoặc trộn lẫn vào nhau, ở giữa đó ta nhận ra nơi Baroque giá trị của một thứ men mạnh và của một thành tố nhất thiết.


[bỏ một đoạn ngắn]




Phần thứ nhất

Từ biến hình đến hóa trang


Chương I

Circé hay sự biến hình
(Ba lê Triều đình)



“Je fais changer de lieu des rochers et les bois.”
ORPHÉE

“Circé… célèbre dans les fables par les changements et transformations des cavaliers en diverses sortes de bestes et de figures extravagantes.”
MÉNESTRIER

“Change donc, change, ô beau Protée…”
BALDE



Ba lê triều đình mời chúng ta bước vào một thế giới lạ thường, thế giới của cái kỳ quặc, của những giấc mơ quái gở, của các hình thức tản mát, mới thoạt nhìn thì gần hơn với một dạng gothique flamboyant nhất định, dạng của Quart-Livre [Rabelais: đoạn Pentagruel đi cùng các bạn đồng hành, trong đó có Panurge] hay của Folastries (Ronsard), so với gần Racine và La Bruyère. Tại đó ta gặp, ở liền bên nhau, các nhà giả kim, các anh hùng tiểu thuyết Arthur, những tên hề, những bóng ma, tù trưởng [da đỏ] Atabalipa và Grand Turc [đại khái có thể hiểu là “sultan”] với hậu cung của ngài, đám trộm cướp và các vị thần chè chén say sưa, lũ khỉ màu lục, lạc đà và ếch, nhiều kẻ điên và đứa khùng từ mọi xuất xứ: Fantasques, Eperlucates, Hofnaques, Pantalonnes [google] gù lưng; mọi nghề nghiệp, mọi quái vật, mọi phăng te zi; tại đó các bình hoa khiêu vũ với đám cú mèo, những bông hoa thì nhảy với đám cối xay gió; tại đó người ta vận trên mình lông chim, gương, gió, chuông, bản đồ vẽ hai bán cầu, ngọn lửa, cánh chim.

Vài tít bâng quơ: Ballet de l’Extravagant [kẻ lập dị], des Femmes doubles [đàn bà “đúp”], du Château de Bicêtre [đại khái, nơi này trước là lâu đài, là pháo đài, nhưng sau sẽ thành trại điên], des Chercheurs de midy à quatorze heures [đại ý chỉ đám điên, rồ, khùng], des Quolibets [lời chế nhạo], des Fols [bọn điên], des Amoureux vêtus de vents [đám yêu đương lăng nhăng], des Souffleurs d’alchimie [lũ thần bí giả kim thuật, bí thuật đen], des Andouillettes [khúc dồi], de la Tour de Babel, des Ecervelez [kiểu như là bị loạn óc], du Grand Démogorgon [quái vật, quỷ]…


CIRCÉ

[để ngắn gọn: Circé rất giỏi trong bộ môn biến người thành lợn; Ulysse sống cùng Circé như vợ chồng - sau đó, ít nhất là theo một số phiên bản, Circé sinh nhiều con - trước khi về Ithaque với Pénélope]

Một đống lúc nhúc “grotesque” [Rousset cho biết cần phải hiểu từ này theo định nghĩa của Montaigne, nghĩa là muốn nói những gì giàu tính cách huyễn tưởng, lạ thường], một mớ hỗn độn của các mặt nạ rồ dại, một tiệc rượu sặc sỡ của những bóng hình đủ mọi dạng: đó là điều lộ ra vào lúc mới thoạt nhìn.

Cái thế giới rời rạc đó không có lề luật nào khác ngoài sự rời rạc của nó? Hay nó che giấu một nguyên tắc trường cửu nào đó? Đâu là vị thần của cái vũ trụ tán loạn ấy?

Trước câu hỏi này, nếu xem xét kỹ vài vở ba lê quan trọng, ta sẽ thấy xuất hiện một câu trả lời.

Vở ba lê hài Nữ hoàng: Trong góc phòng là khu vườn huyền hoặc của Circé; một hiệp sĩ bị dồn đuổi chạy thục mạng khỏi đó, mách với nhà vua về nỗi mình bị cầm tù ở nơi ấy, cầu xin ngài đánh lại nữ phù thủy [đại khái không hẳn là phù thủy nhưng gọi là phù thủy cho tiện hình dung]. Nhiều dàn đồng ca vừa đi vào vừa hát: các triton, néréide, naïade [các dạng “tiểu thần” khác nhau], nhảy múa theo tiếng đàn violon; Circé chợt xuất hiện và chỉ một cú vung cây đũa biến tất tật trở nên bất động. Mercure hiện ra trên trời, cưỡi đám mây hạ xuống, giải bùa cho những người bị yểm, họ tiếp tục điệu nhảy bị gián đoạn; nhưng Circé quay trở lại, lại làm họ đứng yên, ếm bùa cả Mercure rồi đưa họ về cầm tù trong khu vườn của mình. Lại có sự giải cứu từ trên trời: Jupiter cưỡi đại bàng giáng hạ, tấn công tòa lâu đài, trợ sức là một đoàn nymphe và satyre [các “tiểu thần” khác], tiu sét vào Circé và dẫn nàng, lúc này đã trở thành tù nhân, tới quỳ dưới chân nhà vua, trong lúc đó những người tù được giải thoát nhảy Grand Ballet.

Ngọn núi của Circé: “Có… rất ít chủ đề đẹp đến như cuộc diễu ngựa diễn ra tại Bologne, ngày 27 tháng Sáu năm 1600, nhân dịp công nương Marguerite Aldobrandin, vợ của công tước Parme, đi ngang qua: đó là Ngọn núi của Circé, vốn dĩ lừng danh trong các câu chuyện ngụ ngôn nhờ những thay đổi và biến hóa của các kỵ sĩ thành lũ thú vật và những hình thú kỳ quái, là dịp cho cả trăm sáng tạo đẹp đẽ.”

Vở ba lê về những người Argonaute: Circé nữ phù thủy đã biến những người Argonaute ra đủ hình thù kỳ quái; Amphion xuất hiện và cất tiếng hát; nghe giọng chàng, “những tảng đá ấy nhúc nhích và, khi gần hơn, sẽ được biến trở lại thành người”.

Carnaval ở Florence: một bức tranh khắc của Callot cố định hóa một khoảnh khắc của vở Intermède de Circé: lũ quỷ địa ngục mang vũ khí để đi trả thù Circé, những bóng hình xương xẩu trong một décor toàn điêu tàn cháy rụi.

Vở ba lê Circé bị đuổi khỏi chỗ của mình: “Năm 1627, công tước de Savoie, để kết thúc carnaval, tổ chức diễn ngay giữa một vũ hội của ngài dành cho các quý bà một vở ba lê về Circé bị đuổi khỏi chỗ của mình. Trước hết bà hoàng bước vào và hát một câu chuyện Ý, sau đó các cô hầu nhảy điệu vũ mở đầu vở ba lê, dùng đũa thần phù phép đủ kiểu để nghịch ngợm. Sau những màn hóa phép ấy hiện ra mười hai tảng đá di động nhảy múa với nhiều hình thù khác nhau, chất đống lên nhau theo cách thức đáng kinh ngạc, để tạo thành duy nhất một ngọn núi, mở ra nhiều chỗ và làm xuất hiện chó, mèo, hổ, sư tử, lợn lòi, hươu, chó sói, chúng kêu, gào, rú theo những cách riêng, trộn lẫn vào với âm thanh các nhạc cụ, tạo ra bản công xe grotesque nhất mà người ta từng có bao giờ được nghe, chốc chốc chó lại sủa, mèo thì meo meo, chó sói hú. Sau thứ âm nhạc kỳ khôi đó, một đám mây từ trên trời hạ xuống trùm lên cả ngọn núi, bắt đầu hết phép và mười hai đám đá biến thành mười hai kỵ sĩ, lấy lại hình thù tự nhiên, vở ba lê kết thúc bằng một điệu nhảy đẹp, tất cả cùng tham gia.” [trên đây, Rousset trích dẫn từ các tài liệu thời đó còn lại]

Đá biết đi, núi thì mở ra, lũ động vật từ dưới đất chui lên, mây hạ xuống từ trên trời, người biến thành đá để rồi trở lại hình dạng người; đó là thế giới của các hình thức ở trong chuyển động [“trong chuyển động”: một cụm từ then chốt nơi trung tâm tinh thần của École de Genève; ta nhớ cuốn sách của Jean Starobinski về Montaigne đặt “Montaigne trong chuyển động” - Montaigne en mouvement, tức là rất khác so với chẳng hạn Jean Lacouture, “Montaigne cưỡi ngựa” - Montaigne en cheval], dưới sự chủ trì của Circé, nữ thần của các biến hóa.

Circé, đó là nữ phù thủy biến một người thành một con vật, rồi lại thành người; nhân vật trao cho rồi lại lấy đi từ mỗi người mọi cơ thể, mọi hình thù; không còn là các khuôn mặt, mà là những mặt nạ; nàng chạm vào các vật, và thế là các vật không còn y như cũ nữa; nàng nhìn phong cảnh và thế là phong cảnh biến đổi. Dường như khi có nàng hiện diện vũ trụ mất đi nguyên thể của nó, mặt đất mất đi sự vững chắc, các sinh thể thì mất căn cước; mọi thứ tan rã để rồi tái tạo, bị lôi kéo vào dòng trôi của một biến dịch không ngừng, trong một trò chơi của những vẻ bề ngoài luôn luôn chạy trốn trước các vẻ bề ngoài khác.

Thế nhưng, Circé thường hằng hiện diện trên các sàn diễn và những lễ hội tại Pháp cũng như châu Âu, kể từ Vở ba lê Nữ hoàng năm 1581 cho đến những vở ba lê đầu tiên của Benserade; Circé hoặc các thế thân của nàng, Alcine, Médée, Calypso, Armide, Urgande, Ismen, Orphée, các nữ phù thủy và nam pháp sư, hiện ra từ khắp mọi chốn, những đấng tạo hóa thất thường của một sáng thế thiếu ổn định mà họ biến hóa tùy ý:

Tại Paris: Amphion, bằng âm thanh cây đàn lyre của chàng, biến các tảng đá thành nữ nhân ngư.

Alcine, tức tối vì không sao quyến rũ được mười hai chàng hiệp sĩ trẻ tuổi, “yểm bùa lên họ và biến họ thành các hình dạng kỳ quái khác nhau, rồi “hóa họ thành ra mười hai nàng nayade”, trong khi nơi décor cũng xảy ra các đảo ngược tương tự: khu rừng của Alcine biến mất, một cung điện bị ếm bùa chiếm chỗ nó trước mặt những hiệp sĩ hóa đá; khi họ sống trở lại và tìm lại được bản tính ban đầu, tòa cung điện sụp đổ.

Tại Naples: “Người ta nhìn thấy ngọn núi… mở ra và tạo ra một sân khấu, với cả trăm loài thú khác nhau, chúng nhảy một điệu ba lê và trình hiện vô tận hình thù, rồi… đi vòng quanh trại, theo chân là tám người khổng lồ dẫn theo một nữ phù thủy làm tù binh.” Lại thêm một Circé, trong cùng cuộc đấu ấy, đi kèm bên là Alquise, con gái của Urgande, trên một cỗ xe do hai con khỉ điều khiển và được hai con chằn kéo, chúng há mồm phun lửa; Renaud trong khu vườn của Armide; rồi lại một nữ phù thủy trên cỗ chiến xa kéo theo một ngọn núi lớn; nàng ra lệnh cho núi phải mở ra, ta thấy từ đó vọt ra lũ chim đủ mọi loại, mười hai người đánh trống và thổi sáo, tám thị đồng cùng bốn hiệp sĩ.

Tại Chambéry: “Chiến tranh phái sứ thần kêu gọi các tộc người và chiến binh vùng núi Alpes cầm vũ khí, nhưng các nữ phù thủy, Urgande và Mélisse, khiến mọc lên trên những đỉnh núi một cung điện ếm bùa, biến thành thú vật một phần cư dân và những người khác thành bị điên. Do phép thuật, một số tạo thành một vở ba lê gồm lũ gấu, cừu, hươu và ngựa, được những người miền núi dẫn đi…; những người khác, các anh hùng đã phát điên, thì hết sức lố bịch, điên giận, u sầu, yêu đương hoặc ghen tuông, nhảy múa, bắt chước thứ dục vọng mà họ bị quẳng vào. Hercule, vị thần của vùng núi Alpes, tức tối trước sự cao ngạo của các nữ phù thủy…, giơ cây chùy lên giáng xuống Alpes và làm hiện ra một cái hang từ đó có thể nhìn thấy đảo Síp. Ở đó, chàng khấn thần Tình yêu… tới nhập với chàng nhằm chiến đấu chống lại các phép mầu. Cung thủ thần thánh lao bổ tới với một đoàn tùy tùng gồm các thần tình yêu nhỏ xíu và trong một khúc ba lê duyên dáng kéo các anh hùng ra khỏi sự điên… Urgande, tuyệt vọng, bỏ chạy… Cái hang lại mở ra… và trong âm thanh một bản giao hưởng xuất hiện một con tàu rẽ sóng biển lướt đi…”

Tại Anh, có một vở ba lê Orphée yểm bùa lên những con vật; bầu trời mở ra, lốm đốm sao, được Jupiter biến thành các kỵ sĩ và nương tử cưỡi mây hạ xuống để nhảy múa.

Lại ở Paris: Armide ngự trị trong một vở ba lê lừng lẫy tại triều đình của Louis XIII, Cuộc giải thoát Renaud, đã đi rất xa trên con đường của opera: hai hiệp sĩ nhận nhiệm vụ giải cứu Renaud “tiến vào…, ngay tức khắc Armide cho họ thấy phép mầu thứ nhất của nàng; bởi ngọn núi kia xoay vòng tròn… mọi thứ liền biến đổi trong phút chốc và tại chỗ của chúng hiện ra… vườn tược đẹp đẽ… và trong khu vườn đó ba dòng suối lớn êm ả…”, một nàng nymphe cuồng loạn từ đó chui lên, rồi sáu quái vật bị các hiệp sĩ nhảy và hát đánh đuổi, họ giải thoát cho Renaud mà mang chàng theo. Armide bị bỏ rơi “nhìn thấy các dòng suối của nàng cạn nước, những nymphe của nàng thì trở nên câm lặng, lũ quái vật của nàng bị đuổi đi… Chán nản quá, nàng gọi lũ quái vật của mình… Ba dưới dạng tôm, hai thì đội lốt rùa và hai, ốc sên… chui ra từ bên dưới những hang động tối ngòm… Armide bị lũ quỷ của nàng mang đi… mọi thứ rung lên và biến đổi…”

Le Tasse [Tasso, tác giả Jerusalem giải phóng], nơi Boileau sẽ chỉ thấy trang kim vàng mã, là nhà thơ lớn của thời đó; nhưng có phải là một tình cờ không khi người ta đến đề nghị ông chính trường đoạn Armide, hoặc nữa, trường đoạn khu rừng bị bùa phép, như người ta làm đối với một vở ba lê được diễn hai năm sau đó? Người có phép của Tancrède trong khu rừng bị yểm bùa, đó là thuật sĩ Ismen, với các phù chú làm hiện ra đủ các hình thù trong khu rừng, quái vật nhảy các điệu ba lê grotesque hoặc đáng sợ, các furie tay cầm đuốc cháy rừng rực, rồi, sau một điệu nhảy lửa, mang Ismen bay lên không trung; lúc đó xuất hiện ba Hiệp sĩ phiêu lưu, tới tìm Tancrède; trong khu rừng bốc cháy, họ chiến đấu chống lại lũ quái vật chuyển động theo nhịp; những ngọn lửa nhường chỗ lại cho bóng tối; khi ngày lại rạng, khu rừng biến mất, Tencrède còn lại một mình, chàng nhảy múa; một cây bách mọc lên dưới chân chàng, lớn dậy, chàng dùng gươm chém một nhát, làm bật ra một cái cây; đó là linh hồn của Clorinde đã chết; Tancrède lòng ngập tràn tình yêu ném thanh kiếm đi, gió cuốn chàng đi khỏi; chàng hôn Clorinde trong cây bách, nó tan biến… Đó là vở ba lê về những ngọn lửa và các phù phép.

Hẳn ta còn có thể tiếp tục; hẳn ta sẽ thấy nơi này Alcanor yểm bùa lên các chàng hoàng tử nơi một con chằn; ở kia, Alquif bằng một cú vung đũa làm nảy sinh lũ ếch kêu ộp oạp, rồi biến chúng thành các hiệp sĩ; lại nơi khác nữa, bốn nữ phù thủy, Circé, Médée, Alcine và Armide, tụ hội trong một vở ba lê của Benserade.

Khi Circé hay các thuật sĩ không đích thân xuất hiện trên sân khấu, dường như họ vẫn tiếp tục chi phối theo cách thức vô hình:

một hình cầu bay vòng quanh căn phòng rồi vỡ tung, ném ra sáu người đánh trống, hai người thổi sáo, những thị đồng cầm đuốc, một tên lùn;

từ “một người phụ nữ cao lớn và béo, ăn vận sang trọng, điểm trang bằng đủ thứ đồ lặt vặt, như gương, lược, trống nhỏ, cuộn dây…” một bà đỡ lôi ra bốn nhà chiêm tinh, bốn họa sĩ, bốn người chuyên điều khiển, bốn tên trộm cướp;

một nhân vật của Đảo Khỉ biến thành một chàng thanh niên More, hai tháp lớn chuyển động tự mở ra và khiến sinh ra bốn nàng nymphe trẻ tuổi, hai nàng naïade thoát thai từ các cối xay gió, từ đàn viole, từ lũ cú mèo;

Apollon đuổi theo Daphné và chứng kiến nàng biến thành cây nguyệt quế;

Persée, cầm theo cái đầu của Méduse, biến đám kẻ thù của chàng thành đá;

Sự cải đạo của Ông Thánh, ở trường dòng Tên Pont-à-Mousson, khiến hiện ra trên sân khấu hình ảnh thánh Ignace [Loyola]; “bởi một thay đổi đột nhiên, nàng biến thành một cái tháp từ đó bắn ra pháo hoa. Ở đoạn cuối của vở kịch, ông thánh xuất hiện phía trên mái nhà bên cạnh, và xuống bằng các loại máy như thể từ trên trời xuống, ông châm lửa đốt một lâu đài chất đầy pháo hoa”;

những Chai đội mũ biến thành những phụ nữ;

Trái đất mở ra và khạc ra các Furie qua mõm một con quái vật.

Hẳn ta còn có thể tiếp nữa, mở rộng đường chân trời, chứng kiến các thuật sĩ bước ra từ ba lê triều đình, bước lên sân khấu, rốt cuộc an vị trong opera, thứ sẽ, cũng như ba lê mà nó chính là tiếp nối đầy tự nhiên, rất thường sử dụng Orphée, Armide, Circé.


VŨ TRỤ TRONG CHUYỂN ĐỘNG

Circé không hài lòng với việc gây tác động lên các nhân vật, nàng còn sinh sự với bản thân mặt đất và phong cảnh; chỉ cần nàng xuất hiện ở đâu đó, là tức thì các núi mở ra hoặc xoay tròn, những tảng đá rung rinh chỏm của chúng, mà ta cứ tưởng đâu là bất động, mọi thứ biến đổi và bước vào chuyển động. Đó chính là điều tạo ra vẻ đẹp cho các vở diễn ấy trong mắt người đương thời, vốn dĩ nhạy cảm hơn mức có thể nghĩ với những bất ngờ của sân khấu, với các thay đổi trước mắt, với các loại máy; “sân khấu thay đổi đến tận mười bốn lần”, Ménestrier nói, sau cơn ngây ngất. Trong các quan hệ hay chỉ dẫn sân khấu chỉ rặt có những cái đó: những đám mây lay động, những tòa lâu đài sụp xuống hoặc mọc lên, những bầu trời mở ra, những khu rừng đột nhiên nhường chỗ cho các khu vườn, những cơn sóng biển chiếm lĩnh cao nguyên, v.v… Lúc người ta nhấn mạnh lên sự đột ngột của thay đổi, khi thì lên tiến triển của nó, luôn luôn là lên chuyển động, nó không ngừng dẫu chỉ giây lát làm cho buổi diễn được sống động:

“… dần dà đám mây đó hé mở về phía thấp, ở đoạn giữa; và từ chỗ mở chui ra một đám mây khác…, càng tiến lên nó lại càng lớn lên cả về chiều rộng lẫn chiều cao nhưng người ta không thấy được ai là người tạo ra chuyển động ấy… và đó có thật là một đám mây hay không, nó trôi bồng bềnh trong căn phòng… đám mây dần dần tan mất…; và khi đó, đám mây đầu tiên biến đi, sân khấu hiện ra thành các tảng đá, phủ đầy cây nhỏ, rêu, những con bò sát, hoa và suối chảy róc rách…; và khi ấy mọc lên một khối đá lớn… Ngay lập tức… toàn bộ sân khấu thay đổi; và khi ấy xuất hiện một khu rừng lớn…” Sau một đám mây mới từ đó Rạng đông, trên một cỗ xe sáng chói, rải xuống những bông hoa, “cỗ máy biến đổi toàn bộ, và những gì là gỗ trước đó trở thành đá; nhưng thuộc dạng khác chứ không giống những tảng đá đầu tiên…, hình các bãi đá bị sóng vỗ vào, trông chúng như thể bập bềnh trong góc sân khấu đã biến thành biển, ngay lúc gỗ biến thành đá…”, và cứ thế, hàng trang hàng trang, cho đến cực điểm, nó mở bầu trời ra thật rộng, treo lơ lửng trên đó bốn mươi cái mặt nạ hát và nhảy trong không trung; cũng vậy ở cuối Những cuộc phiêu lưu của Tancrède, các thiên thần hiện ra trên trời, hát, đi xuống, nhảy trong phòng, rồi lại bay lên và mất hút vào mây. Các phép mầu hoàn thành trên trời, cũng được họa sĩ thời đó thích thú mở ra trên các vòm mái và chỏm nhà thờ baroque, nhằm vẽ lên đó thật nhiều thiên thần và thánh.

Khi trưởng tu de Marolles nhớ lại trong Hồi ký về Vở ba lê về sự thịnh vượng của Quân đội nước Pháp, thì vẫn chính những chuyển động sân khấu đó gây kinh ngạc cho ông: các thay đổi liên tiếp của décor và cú bay vọt lên cuối cùng của một thiên thần chiến thắng: “… lúc thì vùng nông thôn Arras…, khi lại là dãy Alpes phủ tuyết, rồi biển động, vực thẳm của địa ngục và rồi rốt cuộc bầu trời mở toang nơi Jupiter, đã hiện ra trên ngai, hạ xuống mặt đất… Nhưng điều tuyệt diệu hơn cả là những cú nhảy liều lĩnh của một người Ý, tên là Cardelin, đại diện cho Chiến thắng, nhảy múa trên một sợi dây bị đám mây che đi, và như thể bay vọt lên trời”.

Ở đây ta nghĩ tới những người đi dây bằng đá, hết sức nhẹ nhõm trong những chiếc rốp mỏng tang của họ, mà Bernin và những người đương thời đặt lên đỉnh các mặt tiền của họ; đó cũng là cùng điệu nhảy trên những đám mây và cùng động tác bay lên.


TRỮ TÌNH NGOẠI ĐỀ QUANH BA LÊ

Ba lê triều đình được mở ra về mọi phía;




(còn nữa)




Georges Poulet: La Poésie éclatée. Baudelaire/Rimbaud
Về Barthes
Barthes, Flaubert, Proust
Một người lãng mạn (Heinrich Heine)
Gaston Bachelard: Nước và các giấc mơ
Hugo Friedrich: Cấu trúc thơ hiện đại
Gaston Bachelard: Không khí và mộng
Roger Caillois về Montesquieu
Roland Barthes: "Sociologie và socio-logique"
Leo Spitzer: Phong cách của Marcel Proust
Jean-Pierre Richard: Hiểu biết và dịu dàng ở Stendhal
Thơ Mới: cấu trúc
Sur Barthes (1)
Roland Barthes: "Michelet, Lịch Sử và Chết"
Roland Barthes: "Văn hóa và bi kịch"
Octavio Paz về André Breton
Jean Paulhan: Les Fleurs de Tarbes
George Steiner: Râu Xanh
Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Lý thuyết văn học và triết học
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Nghiên cứu văn học: con đường lý thuyết
Nhìn lại lý thuyết


8 comments:

  1. baroque là hình ảnh gần nhất của Vĩnh cửu. tuyệt!

    ReplyDelete
  2. Hello, I think your blog might be having browser compatibility issues.
    When I look at your website in Firefox, it looks fine but when opening in Internet Explorer,
    it has some overlapping. I just wanted to give
    you a quick heads up! Other then that, awesome blog!

    ReplyDelete
  3. Cứu cánh của văn chương Pháp thế kỷ XVII, theo tôi, là càn quét điên loạn.

    ReplyDelete
  4. một sự nhìn lại rất quan trọng. bởi vì ko có "tiến bộ" mà là một trình tan rã được thấy trước.

    ReplyDelete
  5. loại nhạc mười hai cung liệu có nợ cái này một gợi ý: "chó, mèo, hổ, sư tử, lợn lòi, hươu, chó sói, chúng kêu, gào, rú theo những cách riêng, trộn lẫn vào với âm thanh các nhạc cụ, tạo ra bản công xe grotesque nhất mà người ta từng có bao giờ được nghe, chốc chốc chó lại sủa, mèo thì meo meo, chó sói hú."
    hẳn thời kỳ baroque, như thế, là cái tháp Babel có thật. sau đó lịch sử mới bắt đầu, để xóa đi cái lịch sử có từ trước đó mà chẳng còn ai biết nữa ngoài các nàng circé.

    ReplyDelete
  6. Khi nào thì Nhị Linh sẽ tiếp tục với quyển này? Mình mong quá.

    ReplyDelete