Jan 29, 2019

Sách mới đầu năm

Vừa "Sách mới cuối năm" đã đến ngay Sách mới đầu năm: từ đầu năm đến cuối năm thì lâu, chứ từ cuối năm đến đầu năm thì lại rất nhanh.


Việc in các "cours" (ngoài cua của Collège de France được in từ rất sớm và mau chóng trở thành vừa kinh điển vừa gây tranh luận trên diện rộng) của Michel Foucault vẫn tiếp tục. Mới nhất là cuốn sách trong ảnh. Hai loạt bài giảng của Foucault năm 1964 (đại học Clermond-Ferrrand) và 1967 (Vincennes) đều chung một chủ đề: "sexualité".

Sự xuất hiện của các cua này bỗng bắt buộc chúng ta phải nhìn nhận lại toàn bộ Câu chuyện về dục nơi tiến trình suy nghĩ của Foucault. Nó có một thời độ đặc biệt lớn: ngay từ năm 1964, tức là trước cả khi cuốn sách Từ và vật được in, Foucault đã bắt đầu suy nghĩ rất tập trung về nó, suy nghĩ ấy sẽ kéo dài đến hết cuộc đời của Foucault. Câu hỏi đã được đặt ra ngay tức khắc, trong câu đầu tiên của cours đầu tiên năm 1964: "Dục là gì, trong văn hóa của chúng ta?" (trong đó yếu tố "trong văn hóa của chúng ta" đặc biệt quan trọng). Tìm hiểu của Foucault trong địa hạt này, như ai cũng đã biết, là tìm hiểu trên bình diện sự biết. (mới đây người ta cũng đã in một cours khác - conférence thì đúng hơn - cũng năm 1964 thì phải, tại Bruxelles, trong đó Foucault xác định thời điểm sinh thành của văn chương Pháp; tôi không thực sự nhớ đã nhắc đến nó ở đâu nữa)

Tức là, ta được chứng kiến Foucault trong pha "vỡ bài" với dục. Năm 1964, ở Foucault đã hình thành những đường chính về sau sẽ được đào sâu (xuống các "strate" bên dưới) (với một "bước" gần đây mới được in, coi như "tập 4" bộ Câu chuyện của dục: xem ởkia).

Năm năm sau đó, Foucault tiếp tục với câu chuyện ấy, và lần này trong tên của loạt cua mới đã xuất hiện "discours" (tức là định ngôn): như vậy Foucault đã xác định được tầng cụ thể cho các tìm hiểu của mình, gia cố thêm trực giác ban đầu, nói một cách ngắn gọn, đó là tầng của biết.

Năm 1969 là năm hết sức quan trọng: thời điểm này, Foucault mới từ nước ngoài về (Foucault không có mặt ở Pháp khi diễn ra vụ Tháng Năm 1968, nhưng sẽ về không lâu sau đó). Foucault trở thành yếu nhân hết sức trọng tâm để hình thành một trường đại học mới ở Paris, gọi vắn tắt là trường Vincennes. Đây có thể coi là một phản ứng của giới giáo sư đại học Pháp với Mai 68: mở ra một trường mới, dạy theo một kiểu hoàn toàn mới. Lúc đó, Foucault đã nhận được lời mời làm giáo sư (tâm lý học: trong nhiều năm, Foucault - một cách chính thức - giảng về tâm lý học) ở trường Nanterre nhưng quyết định trở thành giáo sư triết của Vincennes. Foucault là người thiết lập môn triết ở đây, nhưng sẽ nhanh chóng chuyển sang Collège de France, tuy nhiên một số người về Vincennes do Foucault thì tiếp tục ở lại, chẳng hạn Gilles Deleuze.

Và Foucault giảng tại Vincennes về "định ngôn" trong câu chuyện "dục". Dường như, so với loạt cua năm 1964 ở Clermond-Ferrand, Foucault đã đi được những bước rất dài với loạt bài giảng năm 1969 này, trong đó rất cần nhấn mạnh vào vấn đề dục ở trẻ con.


- Lần đầu tiên, trong tiếng Việt, một triết gia Pháp lừng danh, Alain Badiou:


Sau khi Paul Ricoeur qua đời, chắc chắn Badiou chính là triết gia Pháp còn sống được biết rộng rãi nhất. Badiou là "triết gia toàn tòng", triết gia theo kiểu "hard-core" và rất đặc trưng Pháp, rất rất Pháp - nếu tôi có thể nói vậy. Badiou là một người rất đậm mác-xít (nhưng điều này gần như là một tautology: thực sự có trí thức Pháp nào không dính dáng ít nhiều, không mặt này thì mặt kia, với mác-xít không nhỉ? theo tôi không thực sự có), từng có liên quan chặt chẽ với Louis Althusser, triết gia nổi tiếng trường ENS, nếu không được biết đến vì những tư tưởng mác-xít thì ít nhất cũng được biết vì cái chết bi thảm và gây hoang mang. Học sinh ENS khuya khoắt đi chơi về ký túc xá có thể rùng mình sợ hãi nghĩ đến Althusser.

Alain Badiou lấy sự kiện làm trọng tâm cho triết học của mình. Badiou có nhiều tranh cãi lâu dài, đặc biệt với Gilles Deleuze (và cả với Jacques Derrida); ngoài gần gũi với Althusser, Badiou còn gần gũi với Jacques Lacan, mà cuốn sách trong ảnh cho thấy rất rõ.

Tụng ca tình yêu là một cuốn sách nhỏ nhưng nó có sức công phá rất lớn; hoàn toàn có thể đặt cho nó một tít phụ: "Đặt lại vấn đề tình yêu". Badiou bình luận ở trong đó lời khẳng định khủng khiếp của Lacan: không có quan hệ tình dục, và cũng cho thấy rõ triết học trong địa hạt tình yêu bị kéo về hai phía, Schopenhauer và Kierkegaard, nghĩ rằng cần phải bảo vệ tình yêu (nhưng không phải bảo vệ nó trước hiểm nguy, mà chính là trước tình trạng quá an toàn); Badiou cũng phân tích André Breton, Fernando PessoaSamuel Beckett.

(Alain Badiou cũng chính là một trong những người từng dạy ở trường đại học Vincennes như đã nói ở trên, phần về Michel Foucault)

(Tụng ca tình yêu là tên - như ai cũng đã thấy ngay - một bộ phim nổi tiếng của Jean-Luc Godard; cuốn sách lấy cảm hứng từ chính đó; Badiou từng đóng vai nhân vật triết gia trong một bộ phim gần đây của Godard)


- Hai cuốn sách mới về lịch sử báo chí Việt Nam:


Đây là hai ví dụ mới, thêm vào vô số ví dụ đã có sẵn, cho thấy câu chuyện báo chí Việt Nam có thể tạo ra những cuốn sách (những miêu tả và bình luận) lệch lạc và tệ hại đến mức nào. Vẫn như vậy: dường như đã có thể thấy rất rõ, người ta không thực sự biết phải làm gì, phải nhìn nhận những tờ báo và những tờ tạp chí như thế nào.

Quyển bên tay phải còn cho thấy sự nối dài của "nghiên cứu báo chí trường phái Đỗ Quang Hưng" thì ra sao (xem thêm ởkia).

Một trang bản danh mục, xem chỗ "Chỉ đạo" số 29, cái ô cuối cùng (ô dành cho bình luận thêm):


Nếu mà là tờ Chỉ đạo, sự tham gia của Nguyễn Mạnh Côn đâu có đáng quan tâm bằng sự tham gia của nhân vật tác giả bài báo dưới đây:



Cuốn sách cũng nhắc đến Đại học tức là một tờ tạp chí ra ở Huế chứ không phải Sài Gòn, như nhan đề sách nói rõ. Thế nhưng, nếu đã nói tới Đại học thì đâu có thể bỏ qua một tờ cũng ra ở Huế cùng giai đoạn, lại có tuổi thọ dài hơn nhiều, tờ Lành mạnh.

Mở rộng thêm địa hạt báo chí, liên quan đến nó còn có những thứ rất lệch lạc theo kiểu khác, một ví dụ gần đây:


Nhà xuất bản Tri thức đã thực sự trở thành quán quân trong lĩnh vực sản xuất sách dở ở Việt Nam trong vòng trên mười năm vừa rồi.


- Ởkia đã nhắc đến Bertrand Russell: sự xuất hiện ba bản dịch tác phẩm Russell (lần đầu tiên thoát khỏi truyền thống không biết đọc của Nguyễn Hiến Lê, như tôi đã nói) khiến tôi thấy cần tìm hiểu thêm về Russell, nhân vật mà trước đây tôi hết sức hờ hững.


Ngoài ra tôi còn đọc thêm vài quyển nữa, nhất là "Atomism" và đặc biệt Mysticism and Logic.

Quay ngược trở lại với một nhân vật nào đó sẽ điều chỉnh, nhất là điều chỉnh cái nhìn. Điều chỉnh đó có thể theo hướng gỡ bỏ những lầm lạc xưa kia từng có, nhưng hoàn toàn cũng có thể gia cố thêm nỗi ác cảm sẵn có. Trường hợp Bertrand Russell đối với tôi ở điều thứ hai.

Hồi đó, cách đây hơn hai mươi năm, Thư viện Quốc gia ở Hà Nội có một History of Western Philosophy. Không ai có thể sờ vào nó, vì suốt một thời gian rất dài một nhân vật giữ rịt lấy nó, hàng tháng, hàng tháng, có lẽ hàng năm trời. Đó chính là nhân vật Nguyễn Trung Kiên.

Chính vì vậy cho nên cuốn sách của Russell gây cho tôi một nỗi tò mò lớn. Về sau, khi đã có thể dễ dàng đọc nó mà không cần cạnh tranh với mấy thể loại xấu tính ở thư viện, tôi bỗng hiểu ra rất nhiều điều: một thứ như thế thì việc gì phải ôm chặt lấy mà hít hà.

Ác cảm của tôi với Russell đã hình thành từ rất lâu. Lần này, đọc thêm nhiều thứ khác, tôi càng ác cảm hơn. Đặc biệt, Mysticism như đã nói ở trên còn cho thấy Russell là một triết gia thuộc dạng "brilliantly mediocre" (có nhiều nhân vật như vậy - à, cụm từ vừa xong là của tôi đấy nhé), nhất là khi Russell tìm cách phê phán "intuition" ở trong hệ thống của Bergson. Càng thấy rõ, năm xưa Wittgenstein đã chính xác tới mức nào.

Nhân tiện, Russell, một tài liệu chắc hẳn rất ít người biết:





Một thời, trí thức miền Nam Việt Nam hay viết thư cho các nhân vật nước ngoài nào, thì quyển Dialogue lừng danh đã cho thấy, còn trí thức miền Bắc cùng giai đoạn có thể viết thư cho lord Bertrand Russell.


- Một sự quay trở lại nhiều ý nghĩa:


Juan Rulfo là nhà văn lớn nhất mà châu Mỹ La tinh từng sản sinh, tất nhiên vượt rất xa Gabriel García Márquez, nhân vật chỉ cần có thời gian là đã để lộ ra sự không lớn. Nhưng Rulfo còn vượt rất xa cả Borges.

"Macario" có thể coi là truyện ngắn đầu tiên của Rulfo. Rulfo viết rất ít, điều đó cũng nổi tiếng ngang với bản thân văn chương Rulfo, nhưng người ta vẫn có thể tiếp tục đọc Rulfo không chỉ trong 17 truyện ngắn và Pedro Páramo (cùng rất ít di cảo): xem ảnh Juan Rulfo chụp.


- Nguyên Hồng

Cách đây vài năm, có một số thủ bút Nguyên Hồng xuất hiện; trong địa hạt này, tôi không may mắn giống như với bản thảo Cổng tỉnh của Trần Dần. Nhưng hồi đó tôi không thấy nhắc gì đến Nhật ký của Nguyên Hồng. Hóa ra là Nguyên Hồng có nhật ký, và nhật ký ấy mới được in:


Như vậy, thế độc tôn của Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng rốt cuộc đã bị phá vỡ. Đọc nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng đã in (thậm chí, hai ấn bản, mà tôi đều có), nhìn chung mọi điều gì tôi tưởng có thể tìm hiểu đều gặp thất vọng lớn; không những thế, đọc bộ sách ấy lúc nào cũng có cảm giác tác giả sợ bị xem trộm (nhất là vợ; và chắc hẳn chuyện đó cũng đã xảy ra).

Nhưng nhật ký Nguyên Hồng lại có phần biên tập không thể ưa nổi: thêm một cuốn sách nữa hỏng vì sự biên tập - đó là truyền thống của cái nơi đã nói ởkia. Không khác mấy so với một cuốn sách khác, trước đây: Quân khu Nam Đồng, mà tôi từng bình luận. Có những người cả đời làm công việc biên tập sách nhưng không có chút hình dung như thế nào là một cuốn sách. Tôi sẽ còn quay trở lại với điều này: phần lớn những gì hay được gọi là sách chỉ là tập giấy đóng lại, không hơn.

Một chi tiết nhỏ: cho đến lúc này, tôi luôn luôn thấy cả những người là chuyên gia về Nguyên Hồng lẫn những người không hẳn như vậy ghi niên đại Hơi thở tàn là 1944: điều đó không đúng, tôi từng chụp quyển sách đó, nó in năm 43 chứ không phải 44.


- Thêm một ví dụ về biên tập làm giảm giá trị cuốn sách, lần này là Isaac Bashevis Singer:


Cuốn sách có một ngôn ngữ không ngửi nổi. Đặc biệt, nhân vật "scribe" hay "copist" tức là viên thư lại hay người chép sách toàn gọi là "ký giả". Tức là nhà báo?

Lẽ ra, đây hoàn toàn có thể là một sự lớn lao cho thấy Isaac Bashevis Singer là một nhân vật xuất chúng đến thế nào cả ở các thể loại ngắn (đặc biệt, tập này có truyện thứ 35 và truyện thứ 36 hết sức quan trọng: 35 cho thấy một Singer rất gần với Andersen, còn 36 là một đoạn tự thuật cuộc đời của Singer). Điều này (thể loại ngắn trong sự nghiệp Singer) không chỉ nằm ở tài năng cá nhân, mà còn là một biểu hiện của một truyền thống lớn - riêng điều này, tôi sẽ còn trở lại.


- Chợt nhìn thấy quyển sách này, tôi nhớ ra chính tôi là làm người "trung gian" cho nó, cách đây đã khá lâu:



- Quay trở lại với những gì tuy mới in nhưng nội dung là những gì rất cũ, giống Michel Foucault ở trên; đây là một Maurice Blanchot hồi trẻ:


Cuốn sách này, chắc hẳn người không muốn nó ra đời hơn cả lại chính là Maurice Blanchot - như bất kỳ ai quen thuộc với địa hạt Blanchot đều có thể biết (ở đây có ai như vậy không?)


- Bỗng, nhìn thấy Boris Vian, tôi mơ hồ cảm thấy muốn mở cả một chuyên đề về Vian:


Bản dịch tiếng Việt trên đây lại - thêm một lần nữa - cho ta một ví dụ về chuyện người dịch không hề là độc giả của tác giả mà họ dịch. Nhưng tại sao lại có "tháng"? cứ phải "tháng ngày" để nghe cho êm tai à?


- (lại) Một cuốn sách rất mới in những gì đã rất cũ:


Trên đây là bản tiếng Pháp những quyển sổ ghi chép (ta gặp lại các "carnet" như ởkia, nhưng ở đây các "carnet" không có tính cách "fictive") của Irina A. Khorochounova. Ngay khi biết nó được in ở Pháp, tôi đã rất muốn đọc nó.

Dường như, quyển sách trong ảnh chứa đựng ở dạng hoàn chỉnh hơn cả tài liệu rất đặc biệt này. Ngay cả trong tiếng Nga cho tới gần đây người ta vẫn không thể đọc nó toàn vẹn: Boris Czerny từ Pháp sang Kiev năm 2015 và đã lấy được từ lưu trữ (cùng một phần để ở Bảo tàng quốc gia Ukraine), rồi dịch ra tiếng Pháp. Khorochounova còn viết nhật ký cho đến tháng Tư năm 1944, nhưng ấn bản tiếng Pháp quyết định dừng vào tháng Mười 1943 vì đó là thời điểm tác giả rời khỏi Kiev.

Khorochounova là người Nga nhưng sống ở Kiev, có mẹ bị chính quyền Liên Xô bắt và giết chết (mãi về sau gia đình mới biết về cái chết đó). Đó là một người làm việc cho bảo tàng, nhạc viện, viện hàn lâm trong các công việc liên quan tới trông coi và phục chế. Kiev vào thời điểm 1941 sống trong cảnh chờ đợi thảm họa. Nhật ký của Khorochounova mở ra (ngày 25 tháng Sáu 1941) với câu: "Vậy là đã chiến tranh". Tháng Chín năm đó, quân nazi tiến vào Kiev và sẽ chiếm đóng thành phố suốt một thời gian dài. Trong quãng thời gian chiến tranh nhưng quân Đức còn chưa đến, Khorochounova phụ trách một hiệu sách trực thuộc các cơ quan văn hóa của Ukraine và có những miêu tả một hiệu sách thời chiến (có người lính bỗng, hết sức phi lý, đòi mua toàn tập Tolstoy rồi mang đi ra ngoài mặt trận). Ngay sau khi quân Đức đến là cảnh tù binh Hồng quân thê thảm, chết đói và nhất là chết rét (vì đã bắt đầu mùa đông) và vụ thảm sát Babi Yar (người Do Thái). Nhật ký Khorochounova trở thành tài liệu ghi nhận từ khoảng cách rất gần (và như vậy, là duy nhất) cuộc tàn sát Babi Yar. Thời gian chiếm đóng Kiev của người Đức, Khorochounova chứng kiến sự cướp bóc sách và đồ nghệ thuật, và tiếp tục viết nhật ký (đây là một việc rất nguy hiểm, trong thời gian ấy).

Rất lâu về sau, Khorochounova tìm cách công bố nhật ký. Năm 1984, bà gửi bản thảo (chép lại, bỏ đi các tên riêng vì chúng sẽ gây ảnh hưởng đến rất nhiều người Ukraine từng hợp tác với quân Đức chiếm đóng hồi đầu thập niên 40) cho tờ tạp chí Novy Mir nhưng không được đăng. Phải sau khi Khorochounova đã chết (năm 1993, ở tuổi 80) một tờ tạp chí khác mới đăng nhật ký, ở dạng cắt xén.

Đúng vào lúc tôi đang loay hoay với chính thành phố Kiev (vì Bernard Malamud), quyển sách trên đây đã xuất hiện hết sức đúng lúc.

Sổ nhật ký của Khorochounova không khỏi khiến ta nghĩ đến một bộ sách tương tự, lần này là Victor Klemperer:


Hai quyển trên đây mới chỉ chứa đựng một phần (từ 1933 đến 1945) của nhật ký Klemperer, vì có thể nói là Klemperer viết nhật ký cả đời. Đó là tài liệu quý giá nói lên chuyện một trí thức Đức Do Thái sống tại Đức dưới chế độ nazi thì như thế nào.

Klemperer là một nhân vật thuộc vào số các nhà ngữ văn học Đức, trường phái lừng danh. Leo Spitzer được miêu tả trong nhật ký của Klemperer trong một ánh sáng hoàn toàn khác. Spitzer sớm sang được Istanbul và khi có tin Spitzer sẽ đi tiếp sang Mỹ, cần một người thay mình, Klemperer chính là người tìm cách hỏi xem mình có thể sang Istanbul không. Cuối cùng (câu chuyện này đã quá nổi tiếng), người sẽ thế chỗ Spitzer là Auerbach. Klemperer sẽ ở lại Đức toàn bộ thời gian của câu chuyện.

Trong nhật ký của Victor Klemperer tôi rất nhớ một chi tiết: khi một đồng nghiệp sắp sang Lima (Peru), và như vậy là sẽ thoát được nước Đức, Klemperer tặng cho bạn Hiện tượng luận tinh thần ấn bản đầu; đây là quyển sách ông bố của Klemperer để lại và là quyển quý nhất trong tủ sách của Klemperer.


- last but not least:


Nguyễn Vĩnh Nguyên tiếp tục Đà Lạt. Điều độc đáo của cuốn sách nằm ở chỗ nó chủ yếu là kết quả của sự tìm kiếm trong lưu trữ.

Theo tôi ước lượng, phải cỡ gần một trăm phần trăm các nhà nghiên cứu gọi là chuyên nghiệp ở Việt Nam không hề biết đến lưu trữ, không biết đến cả nó là gì, cũng như không phân biệt được lưu trữ với thư viện (rồi nguyên tắc phân biệt "tài liệu", "tư liệu" trong hệ thống thư viện-lưu trữ ở Việt Nam). Tôi sẽ sớm đến với hệ thống lưu trữ của Việt Nam, nó như thế nào, và các ấn phẩm mà hệ thống ấy sản xuất ra trong những năm vừa rồi thì ra sao. Tôi cũng sẽ sớm quay trở lại kỹ càng hơn với cuốn sách về Đà Lạt.





Sách mới cuối năm (2018)
Hai cuốn tiểu thuyết [mới]
[mới] Krasznahorkai: Seiobo và Sông
Ít nhiều sách mới
Sách được tặng
Ít sách mới
Dăm sách mới
Bốn sách mới
Mấy sách mới nữa
Những cuốn sách mất
Mấy sách mới
Sách tháng Giêng 2013

Sách mới (1)
Sách mới (2)

Sách mới (3)
Sách mới (4)
Sách mới (5)


6 comments:

  1. Michel Foucault thật là một người nói sự thật - theo cách các tiên tri, ko phải cách các tông đồ. ông ấy có cái trực giác kiểu như ở Lévy-Strauss. chuyện về dục chắc bắt đầu và hoàn thành dưới cái cây lý tính :P

    ReplyDelete
  2. nhìn nhận tương quan Foucault-mysticism chắc sẽ rất đặc biệt và phong phú

    tiếp tục

    ReplyDelete
  3. Cũng chịu khó nịnh chị Lệ để được in sách nhỉ

    ReplyDelete
  4. ê, bao năm vẫn chỉ miệt mài chơi trò anonymous thế í hả

    ReplyDelete
  5. cứ chen vai với "toàn thể nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới" thì triết triếc để làm gì. thật khéo ăng xăm với mấy thầy sử xem voi.
    trong Pedro Páramo có mấy đoạn sống ở làng người chết (mường Ma latin :P) đọc rất hoang mang: mình là sống hay là chết :))

    ReplyDelete
  6. thấy trong hiệu sách một BT nhưng không múc :v chắc là quyết định đúng
    có lẽ nó với mấy cuốn khác nằm đó chỉ có tác dụng giúp tìm hộ cô bán sách cái điện thoại để quên :v
    đọc tiểu thuyết là hợp lý

    ReplyDelete