Dec 7, 2017

Mặc Đỗ: một César

Tôi sẽ nói, ngay lập tức (d'emblée, d'entrée en jeu, sans ambages, sans vergogne) một điều báng bổ: trong số tất cả các bản dịch Balzac trong tiếng Việt đã in thành sách, đâu là cái xứng đáng nhất với Balzac? đó là một bản dịch của Mặc Đỗ; tất cả các bản dịch khác không so được đến mắt cá chân bản dịch này.

Và chẳng ai biết đến nó. Sau khi làm cho Nhượng Tống, Phan Du, Trương Chính quay trở lại, xem ở kia (thật ra thì nhiều hơn thế nhiều, nhưng giờ chưa phải lúc làm bản kết toán, cộng sổ) - cứ như là các nhân vật của Balzac quay trở lại từ tiểu thuyết này qua tiểu thuyết khác - giờ đến lúc tôi làm điều tương tự với Mặc Đỗ, tức là Mặc Đỗ-Balzac.

Lâu rồi ta chưa quay trở lại với bộ sách tiếng Việt 16 tập tiểu thuyết Balzac. Giờ ta sẽ quay lại đó, xem "bản danh sách Balzac" trong 7 bức ảnh ở đường link. Ta sẽ tập trung vào ảnh số 4 và số 5.

Trước tiên là ảnh số 5, cụ thể là số 46, đây là La Cousine Bette (tên bản dịch tiếng Việt: Bà chị họ Bette); nói thêm một chút cho những ai không rành cấu tạo của La Comédie humaine: Balzac có vài lần gộp hai (hoặc ba) tác phẩm thành "bộ nhỏ", ta đã thấy hiện tượng này ở Truyện Mười Ba Quái Kiệt, gồm ba tiểu thuyết, Ferragus, Nữ công tước de LangeaisLa Fille aux yeux d'or, ta lại cũng thấy, chẳng hạn, Gái già (La vieille fille) hợp với Le Cabinet des antiques (tương ứng với số 35 và 36 trong bức ảnh số 4) thành "bộ nhỏ" Les Rivalités, tức là chuyện về những cặp đối thủ (Gái già là một tác phẩm đặc biệt quan trọng ở nhiều phương diện, một trong những tiểu thuyết của Balzac được bình luận nhiều nhất, tôi sẽ còn quay trở lại với nó); mức độ "gộp bộ" của Truyện Mười Ba Quái KiệtLes Rivalités rất khác nhau. Les Rivalités là kiểu gộp tương tự với Les Parents pauvres, nghĩa là "Họ hàng nghèo", "bộ nhỏ" này gồm La Cousine BetteLe Cousin Pons (thêm một chi tiết: "bộ nhỏ" Les Rivalités là một bộ phận của Scènes de la vie de province, tức là phần được mở đầu bằng Ursule Mirouët và kết thúc bằng Hết ảo tưởng, còn Les Parents pauvres là "bộ nhỏ" thuộc Scènes de la vie parisienne, phần này được mở đầu chính bằng "bộ nhỏ ba" Truyện Mười Ba Quái Kiệt).

Như đã thấy trong bức ảnh số 5: trong tiếng Việt, bản dịch được in vào bộ 16 tập là công trình của Huỳnh Lý.

Ở trường hợp Bette, tôi chỉ muốn nói rằng, trong tiếng Việt còn có một bản dịch khác nữa:


Liên quan đến Bette, chuyện không đáng nói lắm: khi có tồn tại cùng một lúc hai bản dịch, người ta có quyền chọn lấy một, nếu nó đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn (có thể có); tuy nhiên, tôi cũng muốn nói thêm là tôi thấy bản dịch của Nguyễn Văn Trấn rất tốt.

Bây giờ, quay trở lại bức ảnh số 4, và liên quan đến chính Truyện Mười Ba Quái Kiệt, mà độc giả của tôi không ít đã đọc đến gần hết Ferragus tức là tác phẩm mở đầu, cũng như đoạn đầu của Nữ công tước de Langeais, còn lại La Fille aux yeux d'or, tác phẩm khép lại "bộ nhỏ ba" này; trong ảnh, đó là số 38 (bộ sách tiếng Việt coi Les Treize chỉ là một - theo tôi đây là một sai lầm, nhưng tôi sẽ không đi sâu), và ta thấy, cũng như hai tác phẩm trước, trong bộ sách tiếng Việt không có bản dịch La Fille aux yeux d'or.

Thế nhưng, La Fille aux yeux d'or từng  bản dịch tiếng Việt, nó đây:



(nhìn là đã có thể áng chừng được niên đại)

Nhưng tại sao bộ tiểu thuyết Balzac 16 tập vẫn để thiếu La Fille aux yeux d'or? Chỉ có thể có một trong hai lý do: thứ nhất, bản dịch tiếng Việt của Đinh Xuân Hiền không đáp ứng được các tiêu chí của bộ sách, nói ngắn gọn là có chất lượng tồi. Từ đây, ta có thể suy đoán (không nhiều lắm) về "các tiêu chí". Nhưng, tôi thấy bản dịch này có chất lượng không tồi hơn so với phần lớn bản dịch được tập hợp vào bộ 16 tập.

Lý do có thể có thứ hai: bộ sách 16 tập không hề biết đến sự tồn tại của bản dịch này.

La Fille aux yeux d'or xứng đáng với một sự quan tâm lớn lao. Đó là tác phẩm có nhân vật chính là de Marsay, một trong những nhân vật hay nhất mà Balzac từng tạo ra. Vautrin là quái kiệt trong thế giới tội phạm, tù khổ sai như thế nào thì Henri de Marsay là quái vật như vậy trong giới quý tộc, faubourg Saint-Germain etc. Có rất nhiều điều khiến khi đọc về de Marsay tôi nghĩ tới Charlus của Proust sau này. Và, còn hơn thế nhiều, đây chính là nơi thấy được rõ nhất, hơn bao giờ hết, mối liên hệ giữa Balzac và Dante.

Sau BetteYeux d'or, tất nhiên tôi đi đến nhân vật chính: tất nhiên, César Birotteau.

César Birotteau là một cuốn tiểu thuyết thuộc Scènes de la vie parisienne, nằm trong ảnh số 4, ở vị trí số 39; nó chính là tác phẩm được xếp ngay sau Truyện Mười Ba Quái Kiệt, chính xác hơn nữa, ngay sau La Fille aux yeux d'or. Và nó đứng ngay trước (số 40) La Maison Nucingen (bộ 16 tập không có bản dịch cho Nucingen), 41 thì sẽ là Splendeurs et Misères des Courtisanes.

Người dịch César Birotteau là giáo sư Lê Trí Viễn. Trước tiên, ta sẽ đến với "tiền thân" của văn bản này (tức là, trước khi được đưa vào bộ 16 tập):


Đây là một bản dịch rất phổ biến; tôi đọc César Birotteau lần đầu tiên, khi còn bé, chính là qua bản dịch của Lê Trí Viễn, ấn bản 1988 này.

Tôi chỉ đặt ra một vấn đề liên quan đến César Birotteau ("Xêda Birôttô") của Lê Trí Viễn: đó có phải là một bản dịch tốt không? Tôi sẽ trả lời ngay: đó là một bản dịch tồi tệ.


Trên đây là kết thúc đoạn đầu tiên của cuốn sách, ta hãy để ý: "cửa sổ hai cánh mở toang". Cửa sổ nào? của "căn gác xép", như ngay phía trước cho thấy.

Giờ, ta hãy nghĩ đến bối cảnh câu chuyện: đây là một đêm mùa đông, gần về cuối năm, ngôi nhà nằm trên phố Saint-Honoré, gần quảng trường Vendôme, đang ngủ thì, vào đúng thời điểm lạnh nhất trong đêm, quãng một giờ sáng, Constance Birotteau, vợ của César Birotteau, choàng tỉnh vì gặp ác mộng.

Không bao giờ giữa mùa đông mà những người bình thường sống ở Paris lại mở cửa sổ khi đi ngủ. Nhiều khả năng họ không thọ đến sáng. Mà vợ chồng Birotteau, tư sản hạng trung, dĩ nhiên là người rất bình thường, và không muốn chết (vì họ đang giàu). Constance choàng tỉnh, như đã nói, không phải vì thấy lạnh (do cửa sổ mới bất ngờ mở), mà do gặp ác mộng.

Tất nhiên không phải "cửa sổ", thế là cửa gì? Balzac viết "battants", và bị suy ngay ra là "cửa sổ", nhưng đây là cửa che cho cái phòng nhỏ đặt giường ngủ của vợ chồng, loại phòng thụt vào, ngắn gọn là "alcôve".


Một ít trang sau đó: ta chú ý dòng thứ ba tính từ dưới lên: "hai bàn chân cậu cả ngày ê ẩm trên sàn gỗ". Nhất là "sàn gỗ".

Lại cần bối cảnh: Balzac quay trở ngược thời gian, thuật lại chặng đầu đời của César Birotteau. Mồ côi bố mẹ, chỉ có một đồng louis (dường như do bà hầu tước d'Uxelles cho - Balzac không rõ ràng lắm về điểm này, không một balzacien nào xác quyết được đồng louis này từ đâu ra, nhưng ở đây điều đó không quan trọng), César từ Tours (giống Balzac nhỉ) lên Paris, rách rưới thảm hại. Nó được giới thiệu và vào làm cho một tiệm "parfumerie" (chi tiết này cũng hay, nhưng tôi không đi sâu vào ở đây), tiệm của ông bà Ragon. Nó trở thành thằng bé chạy việc.

Và một thằng bé nông dân như thế có thể khổ sở, thậm chí đau khổ, vì chuyện phải đi trên "sàn gỗ" (ở trong nhà)? Được đi trên sàn gỗ thậm chí còn là một may mắn lớn của một thằng bé như vậy ấy chứ.

Tất nhiên, không phải "sàn gỗ" nốt. Balzac viết "pavé", vô cùng rõ ràng: thằng bé César đi chạy việc cho tiệm của ông bà Ragon, nó chạy ngoài phố ấy, mang vác đồ và chạy ngoài phố, chân nó tất nhiên sẽ ê ẩm, thậm chí tứa máu và nhức buốt sau cả một ngày như vậy, thế cho nên tối đến nó mới đau khổ như thế. Hai bàn chân đã bị đá lát đường (rất khấp khểnh, như ai cũng biết phố xá ở Paris hồi ấy ra sao, xem thêm ở kia) băm nát.

Từ ví dụ thứ nhất (tức là đầu sách) đến chỗ "sàn gỗ" này, điều tôi thấy rất rõ là giáo sư Lê Trí Viễn chẳng hiểu gì cả. Giữa đó là một khoảng mênh mông những gần gần đúnglại sai rồi.

Nhưng tệ hại nhất (các chi tiết sửa rất dễ: cửa sổ thì bỏ "sổ" đi, sàn gỗ thì thay bằng đá lát đường hay cái gì đó tương tự) là chuyện Lê Trí Viễn băm nhỏ câu của Balzac. Tôi không tuyệt đối coi chuyện phải giữ nguyên câu văn của bản gốc là một cái gì đó tuyệt đối hay quá quan trọng, thậm chí tôi còn thấy quan điểm ấy khá là ngu. Nhưng có những lúc băm nhỏ thì ngu hơn, như ở trường hợp của Balzac. Thêm một điều nữa: nhưng câu của Balzac đâu có gì phức tạp?

Giờ, ta sẽ đến với bộ 16 tập. Một bản dịch được đưa lại vào một bộ sách sau khi đã tồn tại độc lập, ta nghĩ đương nhiên nếu trước đó nó có sai sót thì ở "hậu thân" sẽ được sửa chữa.

Và quả thật, có rất nhiều sửa chữa, ta thấy ở đây, trang đầu tiên (César Birotteau nằm ở tập 6 của bộ 16 tập):


Rất nhiều thay đổi: chia đoạn lại (điều này khá là đáng nói, vì văn bản César Birotteau cực kỳ phức tạp), chuyển các tên riêng phiên âm trong ấn bản cũ về tự dạng gốc.

Ấy thế nhưng, vẫn "cửa sổ" và "sàn gỗ":







(còn nữa)



Adolphe
XVI. Nữ công tước de Langeais
XV. Béatrix
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)

(phần 2)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

3 comments:

  1. rất hay!
    ngang mắt có chân trời. ngang "mắt cá chân" có chân đất.

    ReplyDelete
  2. Khẹc khẹc dở ẹc
    Tiếng Việt dấu yêu

    ReplyDelete