May 22, 2009

Out of Paris

Thật tuyệt vời và cũng thật rất không tuyệt vời khi đọc đi đọc lại một cuốn sách như A Moveable Feast.

Nó là một cuộc tính sổ, nhưng cũng là cuốn sách rất tình cảm cho Paris. Căn nguyên nhan đề nằm ở một bức thư Hemingway viết cho một người bạn vào năm 1950: "If you are lucky enough to have lived in Paris as a young man, then wherever you go for the rest of your life, it stays with you, for Paris is a moveable feast."

Khi đã từng ở Paris thời trai trẻ thì sau này dù có đi đâu Paris vẫn mãi đi cùng, bởi vì "Paris is a moveable feast". Đến chương cuối, cả nhà Hemingway rời khỏi Paris, khi đó Mr. Bumby ông con trai hay chơi trong giường cũi với con mèo F. Puss sẽ không thể giữ được sức khỏe tốt nếu tiếp tục ở lại. Một câu đầy cay đắng của Hemingway nói rằng "our Paris was too cold for him". Cay đắng, bởi vì với Hemingway rời Paris tức là rời khỏi nơi có thể ngồi viết văn hàng giờ, gỡ bỏ đi tất cả những gì người khác thường giữ lại trong truyện, tại Closerie des Lilas ngay đoạn quảng trường Observatoire. Quán Rotonde ở đại lộ Raspail là nơi để khoe mẽ, nhưng Closerie des Lilas thì khác, tại đó có anh phục vụ bàn Jean sẵn sàng rót đầy tràn ly whisky cho Hemingway và người bạn Evan Shipman. Chương cuối sách được đặt cái tên đầy nostalgia: "There Is Never Any End to Paris".

Paris với tôi là một thành phố vừa đáng yêu vừa đáng ghét, mà cũng rất có thể bởi vì tôi thích nó quá nên cũng rất ghét nó, người ta có thể tới một nơi nào đó rất đẹp nhưng không thể sống tại đó. Tại Paris bất kỳ ai cũng sẽ "bourlinguer" như tên một cuốn sách của Blaise Cendrars, nhân vật mà Hemingway miêu tả, nhân vật cụt tay và cứ luôn cố cho thấy là mình bị cụt tay, trở thành một "bourlingueur", kẻ lang thang ngóc ngách và thường xuyên rơi vào các cuộc ẩu đả trên phố, như cuộc ẩu đả tại một nơi nào đó bến cảng Hà Lan mà Cendrars từng kể lại. Nó quá intense, và quả thực nó không tốt cho sức khỏe cũng như một số thứ khác. Quá intense, nên không thể bình ổn, mà sống với một cơn sốt thường trực (sốt thật chứ không phải sốt bệnh tưởng như Hemingway miêu tả về Scott Fitzgerald tại khách sạn trên đường từ Lyon về Paris) cũng giống như là mù tạt trong cả bữa ăn (Raymond Queneau nói thành công ở tuổi năm mươi, ở đây là Zazie dans le métro, giống như là dùng mù tạt khi tráng miệng).

Ngày xưa khi Nguyên Sa trở về lại Sài Gòn người ta nói ông mang Paris về cho cả một lớp thanh niên. Thật ra đọc tiểu sử thì Nguyên Sa sống ở ngoại ô Paris để học nốt trung học mãi rồi mới lên Paris học Sorbonne rồi cũng quay về khá sớm. Tôi không có cùng tâm trạng như Nguyên Sa, tôi thấy bài "Paris có gì lạ không em" sao mà chán, một bài Paris khác có khá hơn, nhưng cũng chỉ hay nổi ở vài câu: "và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris/để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn/và trên môi tôi/điếu thuốc sẽ run lên những đường cong lận đận". Một nhà thơ quá hạnh phúc như Nguyên Sa khó mà là một nhà thơ giỏi, nhiều người từng nói vậy. Paris nỗi ám ảnh của trí thức Việt Nam, sang đó rồi về để lại vết bẩn trên vô số báo chí của những "Paris một thoáng", "Paris thoáng chốc", "Paris một lần tôi đến như đã hò hẹn tự bao giờ". Một giai thoại kể rằng Từ Chi khi sang Paris ngồi ở quán cà phê rồi quen tay cứ thế gạt tàn thuốc là xuống sàn, rồi ngượng quá mới xin lỗi anh bồi, anh bèn trả lời thì sàn nhà là để làm việc đó chứ gì nữa bây giờ.

Paris mà tôi thích chính là Paris của thời Hemingway miêu tả, không đúng chính giữa nhưng cũng là đoạn cuối, thời của Paris điên rồ, của nghèo nàn, của quý tộc, của văn chương và những tờ tạp chí sớm nở tối tàn, một thời "Belle Époque" chặn đứng mọi điều tầm thường để đòi hỏi con người ta phải bước chân vào một thế giới mong manh ít ánh sáng nhiều sương khói bóng tối và những suy nghĩ kỳ quặc. Hemingway cũng nhắc tới Valery Larbaud, nhà văn mà tôi yêu quý. Nhà Larbaud thời ấy, thời khi vừa dịch Ulysses của Joyce sang tiếng Pháp, vì tốt với bạn bè nhiều hơn là vì cái gì khác, nằm ngay cạnh nhà Hemingway ở hồi đầu, phố Cardinal Lemoine. Nhà Larbaud ở phố cạnh đó, giờ vẫn còn biển đề bên ngoài.

Sylvia Beach, nhưng không chỉ là Sylvia Beach. Thời đó còn có những người phụ nữ tuyệt vời của văn chương nghệ thuật. Hiệu sách của Sylvia Beach chỉ là một trong hai hiệu sách của phụ nữ, hiệu còn lại của Adrienne Monnier. Những người như James Joyce khi sống ở Paris phải dựa rất nhiều vào mấy người phụ nữ này. Hay Natalie Barney, một nhân vật nữ người Mỹ khác, người bảo trợ cho T. S. Eliot ra được tạp chí Criterion, Barney người bạn gái thân thiết của Remy de Gourmont, con người cuồng nộ và rụt rè. Hiệu sách Shakespeare and Co. ngày nay nằm đối diện với Notre-Dame de Paris tuy cùng tên nhưng hoàn toàn không phải hiệu sách ngày nào của Sylvia Beach.

Thời đó là thời của bộ tứ vĩ đại Gide, Proust, Valéry và Claudel, rồi một bộ tứ M huyền ảo của NXB Grasset: Maurois, Mauriac, Malraux và Montherlant, ngoài ra sẽ không thể không hiểu được khí chất của thời ấy nếu chưa bao giờ đọc ba nhân vật Paul Morand, Blaise Cendrars và Jean Giroudoux, cũng như các nhà phê bình như Jacques Rivière, Charles Du Bos và nhất là Albert Thibaudet; cũng giai đoạn này Alain-Fournier viết Le Grand Maulnes. Thời này cũng là thời của tự do báo chí điên loạn, cho đến lúc ngay khởi đầu của Thế chiến thứ nhất, khi Mme Caillaux vợ thứ của ông Bộ trưởng tài chính xông vào văn phòng của Gaston Calmette rút khẩu súng lục nhỏ xíu bắn chết bộ não của tờ Le Figaro, vì tờ báo có nguy cơ phanh phui rất nhiều chuyện bí mật của nhà bà. Rồi Philippe Berthollet của Bộ ngoại giao, nhân vật ngoại hạng, người khiến cho cả Claudel, Giroudoux, Morand lẫn Saint-John Perse được sung sướng dưới cái mác nhà ngoại giao.

Đoạn tôi thích nhất trong A Moveable Feast là chương Hemingway kể về một tay cứ đến quấy rầy ông khi ông đang ngồi viết trong quán. Tôi vẫn luôn có sự thích thú khá bệnh hoạn là xem ông nhà văn nào chửi được dân phê bình hay nhất. Hemingway sẽ được xếp vào thứ hạng rất cao trong palmarès riêng của tôi. Nhân vật này bị Hemingway ghét hơn cả ghét, vì khi rất ghét ai đó như ghét Ernest Walsh trong một bữa ăn trưa khi Walsh tung ra một lời đề nghị khiếm nhã thì Hemingway chỉ trả thù bằng cách gọi Walsh là "Ernest", nghĩ rằng mình ghét cái tên mình như thế thì lấy nó ra gọi Walsh chắc nó phải nhục lắm. Còn nhân vật kia thậm chí còn không được nêu tên. Bị quấy rầy đến phát điên, Hemingway mới khuyên người bạn đó thôi đừng viết văn nữa mà chuyển sang viết phê bình đi. Một boxer chắc không tồi (không biết đấm nhau với Jean-Paul Sartre thì ai thắng), đã từng dạy Ezra Pound đấm vài cú, Hemingway chắc là biết vô số ngón đòn hiểm. Mặc dù ngày càng điên tiết với cái kiểu Hemingway cứ tự khẳng định mình manly bằng đấm bốc, bằng uống rượu, trượt tuyết, câu cá và đo chim Fitzgerald, nhưng phải nói là càng ngày tôi càng ngưỡng mộ các đòn hiểm của Papa Hemingway.

+ Out of Africa là tác phẩm của người vợ đầu của nam tước von Blixen, một nhân vật bạn bè của Hemingway, xuất hiện trong câu chuyện giữa Hemingway và người chủ quán bar Ritz nhiều năm sau này, nhiều năm sau cái chết của Fitzgerald.

23 comments:

  1. Lâu lâu mới lại có một bài tương đối "chân thật" và "dịu dàng"...:)) :)) :))

    ReplyDelete
  2. và rất tình cảm nhé ;))

    ReplyDelete
  3. Em hỏi một chút, từ "bourlinguer" có giống "flâner" không ạ? Chắc không nhỉ vì nghe có vẻ dramatique ( các cuộc ẩu đả?) hơn. "Flâneur" nghe dịu dàng dễ thương không chịu nổi.

    Hiệu sách của Sylvia Beach là Shakespeare & Co phải không ạ? Nằm bên bờ sông gần ngã tư nhà thờ. Không biết ngày xưa thế nào còn bây giờ thì hơi ít sách (có lẽ không quan trọng lắm vì S&Co giống một socialist utopia hơn là một hiệu sách bình thường) và giá sách thì có hơi đắt một chút so với chỗ khác nhưng vẫn là một nơi dễ chịu để "flâner" hihi. Gần nhà em mà nên em qua suốt. Xem sách thoải mái, tầng hai cửa sổ có view rất đẹp, gió mát và không quá ồn ào, thỉnh thoảng còn được uống trà nữa, và có con mèo đen béo ú mặt mũi cáu kỉnh quanh quẩn ở chân, dễ thương lắm. À, tầng dưới còn có cái piano(bao lâu rồi vẫn out of tune)nên đôi khi cũng bị tra tấn bởi một vài chiến sỹ hứng khởi nào đó.

    ReplyDelete
  4. Paris a, minh cung bi Paris am anh, chi vi` doc tac pham cua cac bac nha van bi am anh. Nhac toi Paris, co bai hat nay xin gioi thieu nhe: J'ai deux amours, theo minh thi` Madeleine Peyroux hat hay nhat.

    ReplyDelete
  5. Paris đúng là như vậy thật, đẹp, huy hoàng, lóng lánh, bẩn, nhộn nhạo, đông đúc, chật chội, cũ kỹ, tài hoa, rởm đời .... đúng là quá intense!
    Chắc chắn mình sẽ quay lại :))
    HA.

    ReplyDelete
  6. Đọc không kỹ rồi :) cái hiệu sách ở đoạn Notre-Dame đó không phải quán cũ của Sylvia Beach đâu. Cái kia nằm ở phố Odéon ấy, giờ không còn vết tích gì, hơi lệch chỗ "quartier des éditeurs"

    "Bourlinguer" với "flâner" chắc chỉ khác nhau về "registre de langage" thôi: chẳng mấy ai dùng "bourlinguer" ngoài những người muốn tỏ ra là soutenu, littéraire và biết lắm từ dở hơi :) giống như mấy cái từ quiproquo, loufoque, taciturne... nhìn thì đẹp nhưng khó nhớ chết.

    ReplyDelete
  7. Mùa thu Paris
    Trời buốt ra đi
    Hẹn em quán nhỏ
    Rưng rưng rượu đỏ tràn ly

    Mùa thu đêm mưa
    Phố cũ hè xưa
    Công trường lá đổ
    Ngóng em kiên khổ phút, giờ

    Mùa thu âm thầm
    Bên vườn Lục-Xâm
    Ngồi quen ghế đá
    Không em buốt giá từ tâm

    Mùa thu nơi đâu ?
    Người em mắt nâu
    Tóc vàng sợi nhỏ
    Mong em chín đỏ trái sầu

    ... Bài thật hay của Cung Trầm Tưởng.

    ReplyDelete
  8. hì thật ra mà nói anh không thích bài này của Cung Trầm Tưởng. Làm thơ bằng ngôn ngữ trẻ trung (nói thế có đúng không nhỉ?) của SG trước 1975 thì Nguyễn Tất Nhiên mới đạt đến được hạng thượng thừa.

    ReplyDelete
  9. Thế bao giờ ra A Moveable Feast thế? Mà ai là người dịch?

    ReplyDelete
  10. hehe bí mật tí cho vui bác :)

    ReplyDelete
  11. Phạm Tường VânFeb 11, 2013, 2:19:00 PM

    Like!

    ReplyDelete
  12. Chân tình mà nói thì mình không thích "A Moveable Feast" của Hemingway lắm.
    Đọc cả quyển, chờ mãi mà chả thấy đoạn nào tả Paris cho ra tấm ra món cả. Chỉ toàn thấy tả sinh hoạt, ăn uống, chi tiêu tùng tiệm, cá cược đua ngựa, ... Mãi đến đoạn cuối mới được 2 câu về Paris thì cũng ... hết chuyện. Chỉ thấy buồn cười mỗi đoạn bêu xấu Scott Fitzgerald ... Chứ không có một chút hồn Paris nào trong cuốn ấy cả. Chưa nói gì đến chất "Moveable Feast" ...

    Tóm lại là hơi bị thất vọng. Nói chung để viết về Paris thì cuốn ấy không nằm trong danh mục "must read", theo mình.

    (From Paris)

    ReplyDelete
  13. Tóm lại là cái tít giật nghe rất kêu : "Paris is a moveable feast", cũng tựa tựa như nghề giật tít câu view của các báo lá cải :D Nhưng đọc xong cả quyển thì chả thấy cái chất "hội hè miên man" của Paris ở đâu cả. Cũng tựa tựa như xem "Midnight in Paris" của Woody Allen được vài cảnh quay đẹp như postcard, nhưng không thể nào tìm thấy cái chất "hội hè miên man" đúng kiểu Paris ở đâu cả. Chưa kể nội dung lãng nhách, sáo (cliché) và nhạt. Xem xong đứng lên mà thở dài, ngao ngán với cái "gu" lạc điệu về Paris của người Mỹ.

    Thành thực mà nói thì nên đặt lại tên cho "Paris is a moveable feast" là "Những ghi chép về một thuở HÀN VI ở Paris của một anh nhà văn nghèo" thì đúng hơn, đỡ làm độc giả thất vọng hơn. Cái sự nghèo khó khiến anh nhà văn chỉ chuyên chú viết về chuyện sinh hoạt, chi tiêu ... mà quên bẵng mất rằng mình đang viết về Paris "as a moveable feast". Thực ra ngay kể cả trong cái thời kỳ nghèo khó ấy, vẫn có thể viết về Paris đúng chất "hội hè miên man" của nó, nếu như thật sự hiểu Paris. Nhưng cụ Hemingway thì có vẻ như còn bận ôn nghèo kể khổ, bận "trả thù" ân oán cá nhân với hai vợ chồng Scott Fitzgerald, với giới phê bình.

    ReplyDelete
  14. Everybody Says I Love You :) nói chung phim của Woody Allen làm sao mà xem nổi hehe.

    Tít của nó chỉ là "A Moveable Feast" thôi, tên sách tiếng Pháp mới là "Paris est une fête". Nhưng mà "fête" này là bữa tiệc trong tâm tưởng, cái gì trừu tượng, phấn khích, chứ chả phải tiệc tùng thật :p

    ReplyDelete
  15. À với cả như thế là bác rơi vào cái bẫy của Hemingway rồi đó :p Nhiều nghiên cứu sau này chỉ ra rằng thời ở Paris, Hemingway không hề nghèo như ông ấy cố tình tỏ ra hehe.

    ReplyDelete
  16. Hóa ra Hemingway giả nghèo giả khổ à ? :D
    Đọc "A mouveable feast" cũng ngạc nhiên là sao cụ ấy lại ... nghèo thế, tằn tiện thế ? Thế là cụ ấy vừa tằn tiện, lại vừa giả nghèo giả khổ à ? He he.

    Đúng là bản tiếng Pháp dịch là "Paris est une fête", mà lại còn dịch rất chán nữa chứ. Văn phong dịch dẽo cứ phẳng lì, trơn tuột. Đọc xong mà chưng hửng dã man :))) Chưng hửng nhất là cứ chờ xem Hemingway ăn chơi đình đám cỡ nào hồi ở Paris, thế mà cuối cùng nói về Paris đúng chủ đề có nhõn mấy câu cuối.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lịch sử quyển này cũng không đơn giản: nó được in sau khi Hemingway đã chết, dưới bàn tay chủ trì của bà vợ hồi ấy, hình như bà vợ thứ ba. Chính vì thế những đoạn về bà vợ đầu bị giới nghiên cứu nghi là rất biased, nhiều đòn dưới thắt lưng hề hề.

      Với cả Hemingway quái vật lắm, Papa thích vờ vịt nhiều thứ. Dù sao tôi cũng thấy, cách cảm nhận Paris của ông ấy vô cùng độc đáo, đọc thì bực mình nhưng cũng phải thán phục, nhất là những chỗ ông ấy tả cảnh, rồi miêu tả với tranh của Braque.

      Trên blog này nhiều chỗ đã nói đến quyển này, có nhiều discussion cũng... ờ... marrant, bác mà thích thì chịu khó lục :p

      Delete
  17. Vừa dành thời gian tìm đọc 1 số bài khác trên blog bạn NL với tag "Hemingway". Nhiều thông tin rất thú vị. Merci bạn.

    Nói chung, trước khi biết rõ hơn về lai lịch cuốn này thì đọc xong cuốn này mình cũng có cảm giác đấy là tập hợp những ghi chép của Hemingway được cóp nhặt, biên tập thì đúng hơn là một tiểu thuyết. Thậm chí cái nhan đề "A moveable feast" có lẽ cũng do người khác - hoặc bà vợ, hoặc do nhà xuất bản/biên tập viên đặt chứ ko phải do Hemingway tự đặt, vì nó không nhất quán lắm với nội dung cả cuốn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhân đây tôi xin mạnh dạn giới thiệu với bác cái này:

      http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/06/mua-ong-benh-hen-cua-marcel-proust-i-au.html

      Cũng là về Paris nhưng lần này không liên quan đến Hemingway mà chỉ liên quan đến tôi :p một cuộc face à face kinh thiên động địa hehe.

      Delete
    2. Úi, dài thế! Giờ mình lại bận rồi. Để tối rảnh sẽ đọc. Merci bạn Nhị nhé!

      Delete
  18. Hihi tranh thủ có độc giả đọc những thứ cũ kỹ, quảng cáo luôn những cái có thể bác sẽ quan tâm:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/12/brand-new-ones-enrique-vila-matas.html#uds-search-results

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2011/03/thap-eiffel-1.html

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2012/02/toi-thay-thua.html?showComment=1329883098307

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/07/thu-vien-co-cai-chet.html?showComment=1278889633935

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2010/12/larbaud.html

    have fun :p

    ReplyDelete