May 29, 2012

Trò chuyện với Frédéric Beigbeder

Phải đợi rất lâu tôi mới thực hiện xong cuộc trò chuyện này, nhưng kết quả thì tương đối thỏa mãn. Frédéric Beigbeder là một nhà văn "vớ vẩn" trong mắt rất nhiều người, nhưng tôi tin trường hợp Beigbeder cũng sẽ giống như trường hợp Romain Gary trước đây, cũng như tin rằng giá trị của sự phù phiếm là chuyện hay ho hơn rất nhiều so với sự phù phiếm của giá trị.

“Nghệ thuật là một sự bất công,
đọc sách phải trở thành một niềm hạnh phúc ích kỷ”


Tôi hoàn toàn không biết gì về ông, nhưng cùng lúc, tôi lại biết rất nhiều, vì ông đã kể mọi thứ trong những quyển sách của mình, ngay cả các suy nghĩ xấu xa nhất. Tình huống này làm tôi thấy có chút bối rối, vậy nên tôi sẽ bắt đầu bằng một câu hỏi có phần ngớ ngẩn: kể chuyện cuộc đời và sống nó, đâu là lựa chọn tốt đẹp hơn của một dandy [từ dùng để chỉ người đặc biệt có gu về trang phục, rất chăm chút vẻ bên ngoài] hay châm chọc? Đời một ai đó có thể nào hay ho đến nỗi anh ta cứ kể đi kể lại nó mãi không ngừng được không?

Ông nói có lý, đời tôi thì không đặc biệt hay ho gì, nhưng tôi không có lựa chọn: tôi chẳng biết viết cách nào khác, ngoài viết về mình! Tôi thích những cuốn sách để lộ cá nhân, tôi nghĩ rằng người ta đọc sách là để tận dụng trải nghiệm của một người khác. Lúc nào tôi cũng cảm thấy một khoái cảm không gì sánh nổi khi đọc nhật ký hoặc sổ ghi chép cá nhân của các nhà văn, rất giống như khi ta nhìn vào một phòng ngủ qua lỗ khóa… Tôi không biết mình có phải một “dandy hay châm chọc” như cách nói rất thú vị của ông hay không, hoặc giả tôi chỉ là một kẻ theo chủ nghĩa phô bày bản thân không biết tưởng tượng.

Chưa bao giờ ông nghĩ đến chuyện thay đổi hết mọi thứ à, chẳng hạn như viết về những người hoàn toàn khác ông? Cửa sổ trên Tháp Đôi có phải là một toan tính theo hướng này không?

Đúng thế, tôi đã thử chọn một sự kiện lịch sử, tức là ngày 11 tháng Chín, một sự kiện rất xa bản thân tôi. Nhưng ông cũng thấy đấy, ngay cả trong Cửa sổ trên Tháp Đôi, rốt cuộc tôi cũng phải xen kẽ các chương, cứ hai chương thì lại có một chương về tôi đang viết cuốn sách. Vậy là tôi đã không sao mà tìm cách xóa bỏ mình đi hoàn toàn cho được!

May 27, 2012

propos

Trước đến nay tôi cũng có vài cái "propos", nhưng đó là những propos "dỏm", giờ mới là propos thật, của một triết gia đặc biệt của Pháp, Alain, ông thầy giáo dạy triết trung học cho nhiều thế hệ triết gia nổi danh sau này, cũng là cha đẻ của thể loại "propos" (đoản luận), và tiếp nối một truyền thống "đặc Pháp" kéo từ Montaigne, Pascal, Montesquieu đến sau này như Genette. Bài sau đây rút từ tập Propos sur le bonheur (Các đoản luận về hạnh phúc).

LXXVII. Tình bạn

Trong tình bạn có những niềm vui tuyệt diệu. Ta chẳng khó khăn gì để hiểu điều này nếu thấy được rằng niềm vui là thứ dễ lây truyền. Chỉ cần sự hiện diện của tôi mang lại cho bạn tôi một chút ít niềm vui thực thụ là tức thì cảnh tượng niềm vui ấy cũng làm tôi cảm nhận được, đến lượt mình, một niềm vui; như vậy tức là niềm vui của mỗi người đem trao đi đã được đáp lại; cùng một lúc những kho báu niềm vui được thả tung ra, và hai người đều tự nhủ: Mình từng có ở bên trong mình niềm hạnh phúc mà mình chưa làm gì với nó cả.

Nguồn gốc của niềm vui là ở bên trong, tôi đồng ý là như vậy; và không gì đáng buồn hơn là chứng kiến những người bực dọc với chính mình và với mọi thứ, họ chọc lẫn nhau để làm nhau cười. Nhưng cũng cần phải nói rằng con người vui sướng, nếu anh ta đơn độc, sẽ nhanh chóng quên đi là mình vui sướng; toàn bộ niềm vui của anh ta sẽ nhanh chóng ngủ thiếp đi; rồi tiếp đến sẽ là một kiểu trạng thái ngu ngốc hay gần như là vô cảm. Cảm giác nội tâm cần đến các chuyển dịch ở bên ngoài. Nếu có tên bạo chúa nào nhốt tôi vào tù để dạy tôi là phải kính trọng những kẻ mạnh, thì hẳn chế độ rèn luyện sức khỏe của tôi là ngày nào tôi cũng sẽ cười một mình; tôi sẽ bắt niềm vui của tôi cũng phải tập thể dục giống như đôi chân tôi.

Đây là một bó cành khô. Nhìn vẻ ngoài thì chúng trơ ì giống như đất; nếu bạn để yên chúng ở đó, chúng sẽ trở thành đất. Thế nhưng chúng lại chứa đựng bên trong mình một thứ ẩn nhiệt mà chúng đã hấp thu được từ mặt trời. Hãy đưa lại gần chúng đóm lửa nhỏ bé nhất, bạn sẽ sớm có được một lò lửa cháy tí tách. Chỉ cần làm một việc là đập cửa mà đánh thức tù nhân dậy.

Có nghĩa là cần phải có một kiểu dạng khởi động để đánh thức niềm vui. Lúc đứa bé cười lần đầu, tiếng cười của nó không biểu đạt điều gì hết cả; nó cười không phải vì nó thấy hạnh phúc; tôi còn sẵn sàng nói nó thấy hạnh phúc vì đã cười; nó thấy thích cười, giống như nó thấy thích ăn; nhưng trước hết nó phải ăn cái đã. Điều này không chỉ đúng đối với tiếng cười; ta cũng cần lời lẽ để biết được những gì ta nghĩ. Cô độc thì ta không thể là chính mình. Những kẻ ngờ nghệch hay thích giảng đạo đức nói rằng yêu nghĩa là quên mình; quan điểm đó thật quá sức đơn giản; càng thoát ra khỏi con người mình thì ta càng là chính mình; ta cũng sẽ cảm thấy rõ hơn là mình đang sống nhờ thế. Đừng để gỗ của bạn mục đi dưới hầm nhà bạn.

27 tháng Chạp 1907

May 23, 2012

Philip Roth


Gần đây nhất, bốn tác phẩm của Philip Roth là bốn tiểu thuyết ngắn: Everyman (2006) Indignation (2008), The Humbling (2009) và Nemesis (2010). Nhìn tổng thể thì cảm giác chung của tôi là loạt tiểu thuyết này thể hiện một thái độ nghiêm chỉnh nhìn cuộc đời. Với tôi, điều này tương đối khó hiểu: xét cho cùng, cuộc đời có thực sự nghiêm túc không? Năm 2008, về Indignation, tôi viết bài review không chính quy dưới đây, với rất nhiều bỡn cợt:

How fucking good

Được đọc một cái gì đó trước tất cả mọi người không chỉ kích thích, mà còn rất kích thích. Thông thường thì như vậy, nhưng cũng có người nghĩ khác, chẳng hạn bài review này trên blog của Matthew Asprey hết sức negative. “I’ve come across an advanced reader’s copy…” Quả thực quyển tiểu thuyết Indignation của Philip Roth mãi đến 16 tháng Chín mới được ấn hành: thông báo rất rõ ràng trên amazon, nhưng ngay từ bây giờ đã có thể đặt mua.

Bài review đó negative đến mức cho rằng phần lớn các tiểu thuyết khác của Roth đều có thể đặt lại tên thành Indignation (ý nói tất cả tác phẩm của Roth đều na ná như nhau, nhất là thái độ không vừa lòng với cuộc đời), và kết luận kiểu “cứ đểu đểu” bằng câu “And we learn a lot about kosher butchery.” Mà Roth có lẽ là nhà văn Mỹ có núi giải thưởng cao nhất, nhà văn duy nhất còn sống của Mỹ được in “a comprehensive, definitive edition by the Library of America”, một loại series thuộc vào hàng “canon” (tập tám tức là tập cuối cùng dự kiến sẽ in vào năm 2013).

Đọc bài review rồi và cũng đã “come across an advanced reader’s copy” (với rất nhiều lỗi typo), tôi vẫn nghĩ quyển tiểu thuyết này rất hay. Thật ra tôi cũng chưa bao giờ đọc gì của Philip Roth cả hehe, Human Stain thì làm biếng bằng cách xem phim, quyển tiểu luận đọc qua cũng chỉ vì bản tiếng Pháp (Parlons travail) có lời giới thiệu của Milan Kundera. Roth vẫn hay được xếp cùng John Updike, mà Updike thì tôi thấy chán mớ đời không nuốt nổi. Cả thế hệ nhà văn này của Mỹ được coi là “hậu duệ” của Saul Bellow, nhưng có vẻ hậu duệ không làm sao vươn lên nổi bằng ông thầy.

Italo Calvino trong một quyển sách bàn về các tác gia và tác phẩm cổ/kinh điển (tên chính xác không nhớ, đại khái tiếng Việt dịch ra sẽ thành Tại sao chúng ta lại đọc các nhà văn cổ điển) nói một ý, rằng rất nhiều lúc trong trò chuyện bình thường, khi nhắc đến một tác giả cổ điển nổi tiếng nào đó người ta có xu hướng nhận là đã đọc rồi mặc dù thật ra là chưa bao giờ. Theo Calvino thì điều này không nên coi là dối trá, vì thường thì thực tâm người phát ngôn nghĩ quả thực mình đã đọc ông này rồi, tác phẩm kia rồi. Những người khốn khổ chẳng hạn hehe.

Quay trở lại với Indignation. Nhan đề quyển tiểu thuyết được đặt theo lời bài quốc ca Trung Quốc thời đánh nhau với Nhật:

“Arise, ye who refuse to be bondslaves!
With our very flesh and blood
We will build a new Great Wall!
China’s masses have met the day of danger.
Indignation fills the hearts of all of our countrymen,
Arise! Arise! Arise!
Every heart with one mind,
Brave the enemy’s gunfire,
March on!
Brave the enemy’s gunfire,
March on! March on! March on!”

Rất theo kiểu “Vùng lên các nô lệ trên thế gian” quen thuộc, tất nhiên có chấm phá màu sắc Trung Quốc, với cái Vạn Lý Trường Thành. Bài hát này liên tục vang lên trong đầu Marcus Messner (người Do Thái, bố là thành viên Federation of Kosher Butchers of New Jersey - các bác thấy rồi đấy, một người bán thịt, và là “a straight-A-student”) mỗi khi không thích thú (tức là rất thường xuyên), và sẽ có lúc Marcus coi “indignation” là “the most beautiful word in the English language”, từ đẹp đẽ nhất trong tiếng Anh (nghĩa từ “Indignation” là phẫn nộ, tức tối, cáu tiết etc). Chuyện này hoàn toàn có thể hiểu được.

Yên tâm đi, tôi sẽ không tung spoiler vào đây, vì kể lại nội dung tiểu thuyết không phải là điều tôi muốn làm (mặc dù được huấn luyện đặc biệt kỹ càng về tóm tắt văn bản: với một văn bản cho trước và một số từ cho trước, phải tạo ra một văn bản mới có số từ đúng bằng số từ cho trước kia; kể cả khi phải tóm tắt ở những tình huống ngặt nghèo thì cũng phải nghĩ ra cách: chẳng hạn nếu yêu cầu của đề bài là tóm tắt hồi ký Ta đã làm chi cái đời ta của Vũ Hoàng Chương trong một câu, tôi sẽ tóm tắt là “Ta đã làm chi cái đời ta”, nếu phải tóm tắt Tu viện thành Parme trong một từ tôi sẽ tóm tắt là “Hay”, và nếu phải tóm tắt truyện ngắn “Mùa lạc” của Nguyễn Khải ở mức tối giản mà vẫn thể hiện được mình là người lịch sự, tôi sẽ tóm tắt thành “ ”), tôi chỉ muốn nhận xét về cách viết câu của Philip Roth. Roth sử dụng liên tục, tràn lan dạng câu danh-động từ (nói thế có đúng thuật ngữ không nhỉ?): “Olivia was fascinated by my being a butcher’s son”, hoặc điển hình là trong câu này:

“She just did it. I pulled her hand onto my pants, and on her own, without my doing anything more, she unzipped my fly and took it out and did it.”

Thôi chết, thế là lại vô tình để lộ cái không khí truyện rồi. Đã vậy thì nói thêm một chút vậy. Marcus Messner chuyển đến học ở trường Winesburg vào năm 1951. Tra lịch sử thì sẽ biết những cuộc nổi loạn của sinh viên tại đây, và cuộc chiến đấu của Marcus cùng một lúc chống lại số phận (trở thành một straight-A-student để khỏi bị “drafted and killed”), chống lại sự ngây thơ của chính mình trong… ờ… nhiều chuyện (bài review đã nói ở trên cũng nhấn mạnh vào mấy quả blowjob và handjob, nhưng công nhận là buồn cười với màn handjob trong phòng bệnh viện, khi đột nhiên mấy câu thơ của Longfellow lại được dẫn ra: “I shot an arrow in the air/It fell to earth I knew not where”), chống lại sự kìm kẹp (vì tình yêu) của người bố bán thịt, và chống lại tôn giáo (với niềm tin sắt đá vào các tuyên bố của Bertrand Russell trong “Why I Am Not a Christian”).

Về cuộc chiến chống lại sự ngây thơ, có đoạn trích thế này (cuộc hẹn đầu tiên với Olivia Hutton):

“Till that moment I was wholly innocent of anyone’s tongue in my mouth other than my own. That alone nearly made me come. That alone was surely enough. But the rapidity with which she had allowed me to proceed – and that darting, swabbing, gliding, teeth-licking tongue, the tongue, which is like the body stripped of its skin – prompted me to attempt to delicately move her hand onto the crotch of my pants. And again I met with no resistance. There was no battle.”

Hí hí

-----------

Năm ngoái, viết về Everyman:

Trong vòng một cuộc đời

Năm năm gần đây, Philip Roth, một trong những nhà văn lớn nhất của nước Mỹ, thích viết tiểu thuyết ngắn. Trong số bốn tiểu thuyết ngắn viết trong giai đoạn này, Người phàm (Everyman) (2006) đã ra mắt bạn đọc Việt Nam (Thùy Vũ dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 2011).

Tài năng của Philip Roth không chỉ được thể hiện bằng danh sách giải thưởng dài đến khó tin (chỉ còn thiếu Nobel Văn chương) mà còn bằng một điều tiên quyết để một nhà văn thực sự trở thành vĩ đại: tài nắm bắt cuộc sống ở những điểm cốt yếu nhất. Philip Roth làm việc này với sự chuẩn xác và bình thản của một con người nhiều trải nghiệm, biết bỏ qua những nhao nhác thông thường của cuộc đời, bỏ cả hình thức tiểu thuyết đồ sộ trước đây từng giúp ông thu hoạch danh tiếng (nhất là loạt sách về nhân vật Zuckerman) để đến với một hình thức tiểu thuyết vô cùng gọn nhẹ và bình dị, nhưng làm người đọc hiểu rằng sự hiểu đời của ông sâu sắc đến khó ngờ.

Philip Roth từng làm được điều này rất hoàn chỉnh trong một tiểu thuyết ngắn khác mang tên Indignation (2008), nhưng ở Người phàm thì ta thực sự thấy tinh túy của một giọng văn độc đáo, ảm đạm nhưng không bi lụy, phấn khích nhưng lạnh lẽo và tỉnh táo đến khắc nghiệt. Người phàm đi vào trong vòng một cuộc đời bình thường để phác họa hình dung của một nhà văn lớn về đời người nói chung.

Nhân vật chính của Người phàm, một người làm trong ngành quảng cáo tương đối thành đạt, cũng không ít thành công trong tình trường: khi đã nhiều tuổi ông còn lấy được cô vợ thứ ba là người mẫu, nhưng ở cuối đời mình nhân vật ấy hiểu một cách sâu sắc rằng cuộc sống về bản chất là những gì đang tan rã, mai một không thể cứu vãn. Lâu lắm rồi ta mới thấy một tác phẩm của Philip Roth không đậm đặc tình dục, thứ đã góp phần then chốt trong việc tạo nên cả danh tiếng lẫn tai tiếng cho văn chương của ông, mà ở Người phàm, nhà văn đối diện với một cái gì thật sâu xa, khó nắm bắt, một tinh chất nào đó của cuộc đời. Một bài điểm sách trên tờ New York Magazine đã nói rất đúng rằng Người phàm nỗ lực đi sâu vào “tính chất phổ quát ở phạm vi nhỏ”.

Những quan sát buồn bã của nhân vật chính về sự tàn phai của cuộc đời, mỉa mai thay (mỉa mai u tối là một đặc sản của văn chương Philip Roth), còn cần đặt vào đối sánh với kim cương, loại vật chất bất hoại mà bố của chuyên gia quảng cáo từng kinh doanh trong suốt nhiều năm, và thêm vào đó nữa, con người liên tục phải qua những cuộc phẫu thuật quan hệ tới tính mạng ấy lại còn chứng kiến người thân của mình sống rất thọ và không bao giờ gặp vấn đề về sức khỏe. Vốn đã không lấy gì làm cao thượng trong tính cách, nỗi đau đớn pha lẫn ghen tị ở ông càng tăng lên mãi. Nỗi đau đớn ấy, Philip Roth để cho nhân vật phụ Millicent Kramer phát biểu thật ngắn gọn: “Đau đớn khiến ta cô độc quá” (tr. 116).

Người phàm đặt ra một vấn đề: những người thành công trong cuộc sống có thực sự thành công hay không? Nỗi tuyệt vọng về việc thua kém thực tại ở nhân vật chính được Philip Roth miêu tả thật tinh tế trong đoạn ông già sắp chết bỗng le lói tia hy vọng sống khi nói chuyện được với một cô gái trẻ hay chạy bộ qua trước cửa. Thế nhưng hão huyền sẽ mãi chỉ là hão huyền, bởi, với ông, hay với hầu khắp “người phàm”, “dường như tất cả [mọi thứ trong cuộc đời] đều sai lầm” (tr. 99).

-----------

Vừa rồi, viết về Nemesis, tôi thấy rất rõ ràng sự nghiêm túc này của Philip Roth, sự nghiêm túc như thể được đẩy lên đến mức cứng nhắc, nhiều khi. Hay là cuộc đời thực sự nghiêm chỉnh?

Nghiêm chỉnh nhìn cuộc đời

Nếu như quả thực có tồn tại một late style như Edward Said từng chỉ ra, nghĩa là một phong cách ở cuối đời của những nhà sáng tạo, một phong cách gây nhiều kinh ngạc và mở rộng thêm trường sáng tạo cá nhân, thì ở Philip Roth ta thấy “phong cách muộn” của ông là một cái nhìn thấu triệt vào cuộc đời, một giọng văn đột nhiên hết sức tiết chế và trộn lẫn với một mức độ nghiêm túc rất cao khi đối mặt với những gì đúng là ta buộc phải coi là quan trọng trong đời.

Ở đây tôi đang đề cập tới bốn cuốn tiểu thuyết gần đây của Philip Roth, cả bốn cuốn đều rất ngắn và một trong số đó, Everyman (in năm 2006), đã có bản dịch tiếng Việt tên là Người phàm. Nếu Người phàm là một cuộc nhìn lại toàn diện cuộc đời một con người bình thường, một sự sám hối bình dị nhưng sâu thẳm, thì Indignation (2008) miêu tả sự lớn lên của một cậu bé ở trong một xã hội biến động kinh khủng, và The Humbling (2009) bước sâu vào thế giới sân khấu, đưa lên sàn diễn một diễn viên kịch về già (Simon Axler) chợt thấy mình đối mặt với sự tan biến của tài năng và thêm vào đó là chứng tâm thần hủy hoại cuộc đời ông. Cuốn mới hơn cả trong “bộ tứ” này mở rộng thêm một chút nữa tầm quan sát của Roth về cuộc đời, và càng làm ta hiểu những ghi nhận của ông về cuộc đời nói chung trầm trọng và nghiêm chỉnh tới mức nào.

Nemesis (2010) lấy bối cảnh một trận dịch bại liệt (chính xác là “polio”) ở Newark, năm 1944; trận dịch đã nhấn cả một vùng đất vào sợ hãi, tang tóc, và nhấn chìm một chàng thanh niên mang tên “Bucky” Cantor vào một cuộc phiêu lưu quái gở của một “chủ nghĩa anh hùng hụt” và của những mất mát không thể ngờ tới.

Bối cảnh truyện như vậy tất nhiên buộc một độc giả văn học nhiều kinh nghiệm liên tưởng ngay tới Dịch hạch của Albert Camus, nhưng như thể trong Nemesis (nhan đề này trỏ tới một nữ thần trong thần thoại Hy Lạp, tượng trưng cho công lý sắt đá) Roth đã đi theo một con đường cheo leo và quanh co hơn nhiều, để đặt ra vấn đề: khi có khả năng trở thành một người anh hùng, khi toàn bộ hoàn cảnh đã bày ra để một con người trở thành anh hùng, mà con người ấy lại từ chối (không hẳn vì hèn nhát, mà vì một cái gì đó nên coi là luôn luôn nằm đâu đó trong hệ thống thần kinh phức tạp của con người), thì anh ta sẽ phải trả những cái giá gì.

Cantor điều hành một sân chơi dành cho các cậu bé, cô bé ở Weequahic, anh là một mẫu mực về rèn luyện sức khỏe và ý chí, một con người liêm chính và can đảm. Cantor chứng kiến những bệnh nhân đầu tiên của chứng bại liệt trong vùng, là những đứa trẻ mà anh yêu quý và rất ngưỡng mộ anh. Anh quyết định ở lại đây và coi đó là một hành động đương nhiên trong tình thế này, nhưng rồi cô người yêu Marcia của anh thuyết phục được anh đến một nơi an toàn là trại hè Indian Hill. Tưởng chừng như ở đây anh thoát khỏi mọi nguy hiểm, nhưng đó mới thực là nơi thảm họa xảy ra, dẫn cuộc đời anh vào cuộc trầm luân không lối thoát.

Nemesis cũng là dịp để Philip Roth đưa ra một truy vấn lớn: một người Do Thái nghi ngờ về Chúa nghĩa là như thế nào. Cantor nhiều lần đặt câu hỏi tại sao Chúa Trời lại gây ra tất cả những “chuyện ấy” và rồi vĩnh viễn quẩn quanh trong sự nghi ngờ to lớn mà chỉ những đầu óc đặc biệt đơn giản mới có khả năng rơi vào. Trong Indignation, Philip Roth từng để cho nhân vật của mình dẫn lời triết gia Bertrand Russell để hỏi: “Tại sao tôi không phải là một người Thiên chúa giáo?” Ở cuối đời mình, dường như giữa những khẳng định của con người từng trải, sự nghi vấn cuộc đời đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của Philip Roth.

-----------

Sang đến The Humbling, đột nhiên mọi sự đổi khác. Cái nghiêm chỉnh ở Roth và mấy cuốn tiểu thuyết này trở nên không sao chịu đựng nổi. Tôi không sao đọc nổi đến một phần ba cuốn sách. Thực sự thì có cần phải nghiêm chỉnh đến thế hay không?

Đoạn mở đầu của The Humbling, chương đầu mang tên “Into Thin Air”:

“He’d lost his magic. The impulse was spent. He’d never failed in the theater, everything he had done had been strong and successful, and then the terrible thing happened: he couldn’t act. Going onstage became agony. Instead of the certainty that he was going to be wonderful, he knew he was going to fail. It happened three times in a row, and by the last time nobody was interested, nobody came. He couldn’t get over to the audience. His talent was dead.”

May 21, 2012

Gặp lại Bình Nguyên Lộc


Ai từng mải mê theo những câu chuyện và câu văn của Đò dọc, Nhốt gió và truyện ngắn “Rừng mắm” là các tác phẩm tương đối dễ tìm của nhà văn Bình Nguyên Lộc trong thời gian gần đây, sẽ tha hồ được thưởng thức thứ văn chương đặc chất miền Nam này trong tập Bình Nguyên Lộc truyện ngắn in trong tủ sách “Mỗi nhà văn - Một tác phẩm” do NXB Trẻ mới ấn hành.

Tủ sách “Mỗi nhà văn - Một tác phẩm” trước đây cũng đã mang trở lại cho độc giả yêu ngôn ngữ miền Nam một nhà văn hết sức độc đáo: Trang Thế Hy, giờ đến lượt nhà văn Bình Nguyên Lộc, người vốn được Sơn Nam, một nhà văn khổng lồ nữa của xứ sở này, ngưỡng mộ và bình luận đầy xúc cảm. Trong tập sách này, ngoài Ký thác là một tập từng được tái bản, ta có thêm hai tập sách in lần đầu cách nay ngót nửa thế kỷ, không còn dễ tìm: Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (thật ra thì đây là một tập tản văn, ghi chép - những ghi chép rất tinh tế - về thành phố Sài Gòn) và Cuống rún chưa lìa.

May 19, 2012

Đi dọc, đi ngang


Bắt chước nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa (người viết lời tựa cho cuốn sách), tôi cũng đọc “Đi ngang Hà Nội” của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (Chibooks & NXB Văn học) hai lần. Lần thứ nhất tôi “đọc ngang”, còn lần thứ hai thì tôi cố gắng “đọc dọc”, không phải để cho khác kiểu, mà vì tác giả tập bài viết về cuộc sống ở Hà Nội này tuy tuyên bố mình “đi ngang” nhưng thật ra ông còn kín đáo liên tục “đi dọc” - dù thế nào thì cách đi của ông cũng hoàn toàn khác chuyến đi trước đây, chuyến đi được ghi lại trong sách “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”; thuở ấy, đâu như cách nay đã tròm trèm mười năm, hiển nhiên là ông sung sức đi vòng tròn.

32 bài của tập sách nói đến rất nhiều thứ: bia hơi, xe đạp, tàu điện, tem phiếu, kem, xích lô, tẩm quất, phở, rùa, xe máy, phố cổ, đám cưới, số nhà, đổ thùng, nước máy, cho biết Claude Bourrin, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Đông Dương ngày ấy 1898-1908”, đi xe máy hiệu gì, cho biết người in thiệp cưới cho con trai ông Bạch Thái Bưởi chính là Ngô Tử Hạ, giải thích cho chúng ta biết tại sao bà chủ ngôi nhà số 74 Hàng Bạc xưa kia lại có cái tên rất lạ là Bé Tí, đính chính rằng không phải thanh niên Cổ Nhuế mà thanh niên Thường Tín mới “xin thề” là “chưa đầy hai sọt chưa về cố hương”, vân vân và vân vân.

May 17, 2012

Carlos Fuentes

vừa qua đời.

Văn chương Mỹ Latinh có những dấu ấn khủng khiếp, xê dịch hết khuôn khổ văn chương: những cuộc xê dịch ấy mang những cái tên như Borges, Paz (đồng hương của Fuentes, người vô cùng xích mích với Fuentes, từng để cho tờ tạp chí của mình tấn công Fuentes dữ dội, nhưng cũng được Fuentes vô cùng ngưỡng mộ), Cortázar, García-Marquéz..., những cái mốc làm cho các thế hệ sau này phải vật lộn để vượt qua, hoặc vòng tránh, thế hệ của Aira, Bolaño.

Carlos Fuentes là người từng tuyên bố rất hách dịch: "Tiểu thuyết là vua của mọi thể loại".

Đã đến lúc đọc lại Terra Nostra của Fuentes.

May 14, 2012

Speak, Memory I, 1

Do nhầm lẫn, trên mạng có một bài phỏng vấn Nabokov ghi là tôi dịch. Chuyện nhầm lẫn kiểu này tôi đã gặp vài lần. Cho đến giờ, thứ duy nhất liên quan đến Nabokov mà tôi từng dịch là đoạn đầu hồi ký Speak, Memory dưới đây.


Cái nôi đung đưa phía trên một vực thẳm, và lương tri dạy cho ta rằng sự tồn tại của ta chỉ là chút ánh sáng ngắn ngủi le lói qua cái khe kẹp giữa hai vĩnh cửu bóng tối. Dẫu cho chúng có là một cặp song sinh giống hệt nhau, thì theo lẽ thường con người vẫn bình thản hơn lúc nhìn vực thẳm trước khi sinh so với lúc nhìn vực thẳm anh ta đang tiến tới (ở tốc độ bốn nghìn năm trăm cú đập tim một giờ). Tuy nhiên, tôi biết một thằng bé mắc chứng ám ảnh sợ thời gian bị lên cơn hoảng hốt khi lần đầu tiên xem những đoạn băng video do người nhà nó quay cách vài tuần trước khi nó ra đời. Nó thấy một thế giới gần như không có chút biến đổi nào - vẫn ngôi nhà ấy, vẫn những con người ấy - và rồi nhận ra ở đó nó không hề tồn tại và chẳng ai khóc thương cho sự vắng mặt của nó. Nó thoáng thấy mẹ nó đứng vẫy tay từ một cửa sổ tầng trên, và cử chỉ bất thường này khiến nó phát hoảng, vì cứ như thể đó là một lời chào vĩnh biệt đầy bí ẩn. Nhưng nó sợ nhất lúc thấy một cái xe nôi cho trẻ sơ sinh mới cứng nằm đó dưới hàng hiên, với cái vẻ tự mãn, ngạo mạn của một cỗ quan tài; cỗ quan tài trống trơn, thế nhưng cứ như thể đến cả xương cốt của nó cũng rã rời trong dòng thời gian chảy ngược.

May 10, 2012

Người Hà Nội sợ

Người Hà Nội mặc áo “na tô” di dép lốp đội mũ cối (trước đây) và người Hà Nội đầu trọc lóc xăm trổ đầy mình cưỡi xe SH (hiện nay), những “quân khu thủ đô” ấy tạo ra ấn tượng về những con người có khả năng không biết sợ là gì. Nhìn chung người Hà Nội thường ghê gớm, đã thế lại còn nói năng hiểm hóc, vòng vèo, đang rất trơn tru hiền dịu bỗng đâu nảy ra một cái ý gì đó thật là xỏ xiên, mai mỉa, gây choáng váng cho cả những “đầu gấu” của những miền khác.

Thế người Hà Nội sợ gì?

Có thể họ sợ sáng ngủ dậy Hồ Gươm của họ bị bứng đi đâu mất, hoặc bị công ty xây dựng nào đấy san phẳng xây cao ốc mấy chục tầng chăng? Hay sợ sáng ngủ dậy không có phở mà ăn (vào “thời phoóc-môn” vẫn có khối người Hà Nội mặt mũi lầm lì vào quán phở, không khác nào các chiến sĩ trên bức tượng “Quyết Tử”), sợ tối về góc phố không còn quán nước mà ngồi (giờ thì không còn là “trà đá hóng gió” nữa mà mốt đang triền miên “trà chanh chém gió”), sợ đêm thì hàng quán cháo gà miến ngan bị công an phường chạy xe thùng tới dẹp bỏ? Hay họ sợ gió Lào, sợ gió mùa Đông Bắc, sợ cúp điện và sợ thất tình?

Cũng có thể họ sợ đi ngoài phố bị sa xuống ổ gà. Đi trên phố phường Hà Nội mà khôn ngoan ra thì cố mà cúi đầu xuống nhìn đường, phố rộng nhất thủ đô cũng có những cái hố sâu hoắm như ở một khu đầm lầy trong rừng nhiệt đới, nơi sang trọng nhất cũng có thể có một nắp cống không hiểu từ bao giờ đã ngạo nghễ hé lên.

Nhưng hiểm họa đáng sợ nhất ở Hà Nội không phải là từ mặt đất. Hiểm họa từ trên trời rơi xuống mới thật là kinh khủng.

Nhìn những cô gái, và cả những bà già, nói tóm lại là phụ nữ sống ở Hà Nội, cứ ra phố là bịt mặt mặc áo chống nắng thì biết: cái áo chống nắng qua nhiều mùa giờ đã cải tiến rõ rệt, có những loại áo dài đến tận mắt cá chân, biến phụ nữ Hà Nội thành những con chiên đạo Hồi tình cờ và tự nguyện. Điều quái lạ là rất nhiều khi những bộ quần áo ấy mở ra, ta thấy bước ra từ bên trong không phải là một giai nhân da trắng như tuyết mà lại là một người phụ nữ da rất đen. Da đen thế thì sao lại phải cố giữ cho trắng? Chẳng biết, chỉ biết mặt trời là một hiểm họa đương nhiên. Điều này nhìn chung là nghĩ mãi thì cũng hiểu được: ở ngoài biển giờ đây phụ nữ (và cả đàn ông, tất nhiên) vẫn hay mặc nguyên quần áo nhảy xuống vầy nước, thì tại thành phố cái sự quần áo có hơi phi logic một chút thì cũng đâu có vấn đề gì.

Một lưu ý quan trọng với người đi lại ở thành phố Hà Nội: hãy cố mà bảo vệ mặt trận trên cao của mình. Một cành cây to tướng rơi trúng vào đầu người đi xe máy hoặc khách bộ hành là chuyện không hề hiếm. Rồi còn có thể rơi từ cành cây xuống những thứ gì thật lạ, thường là túi rác nhà trên tầng cao ném xuống, ông chủ nhà tối làm tí bia rồi nên hơi yếu tay, túi rác không xuống được đến lòng đường mà mắc lại ở lưng chừng không gian. Thậm chí có những lúc cả đoạn dây điện dài loằng ngoằng như rắn rết thuồng luồng chụp xuống; vốn dĩ người Hà Nội đã không còn lạ những câu chuyện về điện giật trên đường từ rất lâu rồi. Điều này còn kinh hãi hơn nữa: Hà Nội là công trường xây dựng trường thiên của hàng chục năm nay, điều đó ai cũng rành lắm, nhưng kinh nghiệm của hàng chục năm trời vẫn không giúp cho người ta hiểu rằng những cái cần cẩu xoay xoay tít trên cao kia có thể dội những trận bom sắt và bê tông đích thực xuống dưới phố, vì cần cẩu luôn luôn cần những khối bê tông chặn đằng sau đít cho “cân”. Đứng đợi đèn đỏ, nhiều lúc bạn sẽ giật mình khi nhìn thấy bóng cần cẩu hắt xuống mặt đường, hăm dọa còn hơn những con diều hâu vùng núi.

Và cũng đừng vừa đi vừa ngửa cổ nhìn lên trời (nhất là đừng há miệng). Một là “bọn xấu miệng” sẽ nói bạn là người “mắt đếm lá chân đá ống bơ” (nghĩa là bị dở người), hai là bạn rất dễ bị ve tè vào mặt. Rất nhiều chuyên gia xã hội học đã đau đầu tìm hiểu mà không biết tại sao dân Hà Nội đầu gấu thế mà lại răm rắp tuân thủ luật quy định đội mũ bảo hiểm. Thì tự dưng có một cái cớ khiến người ta không phải mất mặt mà vẫn bảo vệ được từ phía trên đầu, quá là tiện. Đội mũ bảo hiểm rồi, dân phố cổ rất hiên ngang đi qua bên dưới cầu chui kể cả lúc có đoàn tàu chạy qua bên trên. Trước đây, có khi toàn bộ người đi đường dừng cả lại khi xảy ra hiện tượng ấy, vì ai mà biết được từ trên cao kia có thể rơi xuống cái gì vào đầu.

Ai mà biết được cái gì sẽ rơi trúng đầu mình, đó là triết lý sống của người Hà Nội. Ai mà biết được từ trên trời rơi xuống cái gì trúng vào xóm cô đầu Khâm Thiên xưa kia. Ai mà biết sự bất ngờ có thể đáng sợ đến như thế nào.

May 8, 2012

Bakhtine làm gì

Ba quyển sách mới nhất của Gérard Genette, một bộ ba:


Đây là một quyển sách mới về Bakhtine:



Bakhtine kẻ nói dối, kẻ lửa đảo etc. Háo hức định làm một bài tổng thuật vụ việc, hiện đang rất hot trong giới nghiên cứu lý thuyết văn học, nhưng nản quá, vì dày trên 600 trang, và vì mấy cái chuyện này.

Quyển này thì không dày, nhưng cũng nản:


May 4, 2012

Genette người ưa bi ca

- Antoine Compagnon -

Edward Said, trong cuốn sách cuối cùng của mình [tức On Late Style: Music and Literature Against the Grain, 2006], đã đặt mối quan tâm lên late style của Mozart, Beethoven và Jean Genet, cùng nhiều người khác. Thay vì thể hiện sự thông thái cuối đời, tóm tắt kinh nghiệm về cuộc đời, kết luận lại tác phẩm của họ một cách hùng hồn, cái “phong cách muộn” này lại cho thấy sự đổi mới trong cảm hứng của họ, thí nghiệm con đường tự do của họ, phức tạp hóa nghệ thuật của họ một cách tuyệt diệu. Cũng vậy, ta có nhiều Gérard Genette, trong đó nổi tiếng nhất là nhà thi pháp học của những năm bảy mươi, nhà tự sự học của những năm tám mươi, nhà mỹ học của những năm chín mươi, nhưng Genette cuối cùng - cuối cùng tính đến nay - tỏ ra là đáng kinh ngạc và hấp dẫn hơn cả. Ông chính là tác giả thật bất ngờ của một - vào lúc này - bộ ba tác phẩm rất kỳ lạ, Bardadrac (2006), Codicille (2009) và Apostille (2012), những catalô xếp theo trật tự bảng chữ cái, những tuyển tập không đồng nhất tập hợp các ghi nhận về cách sử dụng ngôn ngữ hay và (thường xuyên hơn) cách sử dụng ngôn ngữ dở, những quan sát tâm lý học và xã hội học, những kỷ niệm cá nhân, những bình luận văn chương, âm nhạc hay triết học, những ý kiến về cuộc đời, cái chết, tình yêu, v.v…, tất cả đều vô cùng độc đáo, lý thú mà thân tình, rất nhiều hoài nhớ, và mỉa mai một cách thích đáng.

Ngoài bản thân Gérard Genette - hay Frédéric, bởi có một đoạn [fragment] nói tới những cái tên của tác giả - với những gì ông đồng cảm và những gì ông dị ứng, sự hiện diện nổi bật nhất trong những cuốn sách sắp xếp theo bảng chữ cái này, ít nhất là trong quyển thứ ba vừa được ấn hành, và nếu tạm bỏ qua lý thuyết của các giai đoạn trước đây, là cha ông, Gaston Genette, người mà ông dành cho sự trìu mến và thậm chí cả sự ngưỡng mộ nguyên vẹn. Người cha ấy đã trao cho ông sở thích ngôn ngữ, nghĩa là các trò chơi chữ, những à-peu-près [từ ngữ tương tự nhau] và calembour [chơi chữ chủ yếu dựa trên từ đồng âm và gần tự dạng] - theo kiểu “lời hứa của Gaston” [có vẻ Compagnon định nhắc đến một câu chuyện liên quan đến lời hứa lèo của người cha] - mà cậu học sinh Normale Sup rồi nhà thi pháp học tỉ mỉ sẽ không bao giờ rời bỏ và có rất nhiều trong các “Bardadrac” của ông, vì ông đề nghị dùng nhan đề này cho cả bộ ba sách của mình. Thật cảm động khi thấy rằng người cha ấy - tối nào cũng đi chuyến tàu ngoại ô về Conflans từ xưởng dệt của ông - trở đi trở lại ở các mục từ, cũng như trong giấc mơ lặp đi lặp lại trong đó người con trai hứa sẽ gọi điện thoại cho ông. Về mẹ mình, cả bà cũng qua đời khi ông còn ở tuổi thiếu niên, thì Genette tỏ ra ngượng ngập nhiều hơn, nhưng sự quyến luyến gia đình này - với hai tỉnh quê hương của cha mẹ, với khu ngoại ô của thời tuổi nhỏ, với truyền thống Tin Lành - hiện ra như một điều bất ngờ đối với ai đã quen thuộc với những Genette trước đây.

Các đam mê khác của ông, như chúng lộ ra trong những trang sách này, cũng làm biến đổi hình ảnh thường thấy về con người ông và hình ảnh nhà phê bình nơi ông. Chẳng hạn, tập hợp rất nhiều mẩu viết về nhạc cổ điển, về opera, và nhất là về nhạc jazz, cho thấy ở Genette có nhiều hơn nhiều cái chất amatơ được khai sáng, dẫu rằng ông không thôi giữ khoảng cách với những diễn giải về âm nhạc theo lối bác học, những gì, giống cách thức của Bourdieu, khiến ông nhìn thấy một dấu hiệu hạ cấp của sự ưu tú, đỉnh cao của “thói phô bày tri thức”.

Ta biết ông gần gũi với Proust, về Proust ông đã viết công trình nghiên cứu được ngành sư phạm cho lưu hành rộng rãi nhất, theo cả nghĩa hay lẫn nghĩa dở - “Diễn ngôn truyện kể”, trong Figures III (1972), sách phúc âm của ngành tự sự học - nhưng người ta đã quên mất, kể từ bài nghiên cứu thật tuyệt vời trong Figures II (1969), rằng Stendhal mới là nhà văn ông thích nhất, và La Chartreuse de Parme [Tu viện thành Pác mơ], cuốn sách ông thích nhất. Sự gần gũi này có thể gây bối rối, vì Genette suốt dọc các tác phẩm lý thuyết của ông đã làm cho chúng ta quen với một sự nghiêm ngặt về phân tích và một sự hăng hái định danh như thể nằm ở đối cực với đội kỵ binh tiểu thuyết của Beyle [tức Henri Beyle, tức Stendhal] và với cuộc truy tầm hạnh phúc của ông [tức của Stendhal]. Nhưng chính Về tình yêu, cái cuộc khám phá tình cảm yêu đương đầy tỉ mỉ ấy, mới là cuốn sách giờ đây Genette sẵn sàng trích dẫn hơn cả, vì đây là một Genette đầy tình cảm, giống như một sự ve vuốt, hoặc giả tình cảm nồng nhiệt, được thể hiện từ trang này sang trang khác, trong lúc nghiền ngẫm về những mối tình ông đã trải qua, những mối tình nằm ở khoảng giữa của kiểu Werther và kiểu don Juan. Cái mà “con người bi quan về mặt nguyên tắc” này yêu quý ở Stendhal là việc Stendhal đã biết cách giữ cho mình vẫn là một “tay amatơ”, một người nổi bật về sự ung dung tự tại.

Vài ghi nhận của Genette gợi nhớ đến một số bậc tiền bối, như [Francis] Ponge, hay [Julien] Gracq của En lisant, en écrivant [Vừa đọc vừa viết - tiểu luận], hay [Michel] Leiris của La Règle du jeu [Luật chơi]. Chẳng hạn sự chú tâm cao độ của ông tới các sự vật, những sự vật rất thường xuyên cổ lỗ - một cái xe cút kít, một cánh cửa sổ, một cái áo len, một quả trứng dùng để mạng tất chân, mùi crêozôt - sự chú tâm chưa từng bị tách biệt khỏi sự trìu mến của ông đối với từ ngữ, nhất là những vật và những từ thuộc văn hóa bình dân và thuộc lĩnh vực kỹ thuật hiện đại. Nói đến chúng, Genette không hề chối từ thói định danh, như trong sự phân loại những cái cổ cồn áo sơ mi đầy hài hước [ở đây là loại hài “héroï-comique”, tức là bàn về các sự vật “thấp” bằng phong cách “cao”, ngược chiều với loại hài “burlesque”, tức là bàn về các đề tài “cao” bằng phong cách “thấp”].

Genette là một độc giả rất say sưa của báo chí, một người nghiện nghe radio và xem tivi, một người say mê Internet, trên đó ông hào hứng dạo chơi và mang về từ đó những kết quả tìm kiếm có tính chất bách khoa toàn thư đầy đẹp đẽ. Mặc dù không hoàn toàn bỏ bẵng những tổng kết về thi pháp hay mỹ học, về khái niệm hư cấu, về délocutif [khái niệm phái sinh từ “locutio”], hoặc về métalepse [một phép tu từ, chủ đề cả một cuốn sách của Genette], đây đang là một tiểu luận gia tự do hơn nhiều đang đi ngang qua toàn bộ văn chương, từ La Fontaine cho tới [René] Chateaubriand và [Louis] Aragon, nhớ lại môn dịch xuôi tiếng Hy Lạp của mình, trích dẫn những câu thơ đã từ lâu in dấu trong những nếp gấp não bộ của ông.

Về phần các kỷ niệm, cho dù chúng đưa ta về với tuổi thơ trong gia đình, về trường Normale Sup hay Đảng Cộng sản, được coi như là “các chi tiết bất định và vô hướng”, dây cà dây muống, thì gần như lúc nào chúng cũng được liên kết với từ ngữ và mang vị của niềm hoài nhớ. Chúng ta biết rằng Genette là một người “cù không cười”, nhưng chúng ta chưa từng ngờ rằng mỉa mai lại là con đường của bi ca [élégie], như ông đã nói lại bằng cách trích dẫn [Maurice] Barrès: “Hãy bóc tách kẻ luôn miệng mỉa mai, rồi bạn sẽ thấy một kẻ ưa bi ca.” Người mỉa mai luôn luôn phá đi lời mình bằng cách mở ngoặc đơn hoặc đẩy lời vào trong một vế thơ; người ưa bi ca thì lại yêu quý những gì còn lại từ đó. Genette thứ ba hoặc thứ tư này hẳn đã để lại một tác phẩm nhiều tính thi ca, dịu dàng, nhạy cảm, không còn là tác phẩm của một nhà kỹ sư về tự sự học nữa mà là của một người thích sắp xếp lặt vặt trong địa hạt các giả khái niệm, ca tụng công việc tay chân, ca tụng sự “suy nghĩ bằng tay”, hoặc giả tác phẩm của một nhà ngữ văn học, theo nghĩa thuần khiết nhất để trỏ một người yêu ngôn từ.

Cái ông Genette thích công việc tay chân này gợi ta nhớ tới một trong những khuôn mặt hiện diện nhiều nhất, kín đáo đi ngang qua Apostille, Roland Barthes, người từng là thầy của ông, cố vấn tinh thần của ông, người mà ông đã yêu quý, cũng chính là nhà phê bình hay lý thuyết gia văn học duy nhất mà ông còn vinh danh. Trong những năm cuối đời mình, Barthes mơ tới một “Vita Nova” [cuộc đời mới], theo cách thức của Michelet, cái cuộc đời hẳn sẽ được đồng hóa với một cái viết mới, cái viết của một dạng tiểu thuyết không có tính tiểu thuyết, của tiểu luận phi lý thuyết, của cái viết về cuộc đời nhưng lại không phải truyện tự thuật. Ông [tức Roland Barthes] đã không có thời gian để tìm ra late style của mình, nhưng, bởi một trò xảo quyệt của lịch sử, chính Genette lại là người hiện thực hóa cái “Vita Nova” này của Barthes trong các “Bardadrac” của mình, từ thứ tự bảng chữ cái các mục từ, ngang qua những hồi tưởng thất thường của chúng, cho tới tận lời biện hộ cho một ngôn ngữ đang lạc lối.

(dịch từ Magazine Littéraire, 516, fév. 2012, Antoine Compagnon: "Genette élégiaque" (44-45); Apostille, Gérard Genette, éd. du Seuil, “Fiction et Cie”, 336 p., 21 e.)

NB. Trong suốt cuộc đời, Genette và Compagnon rất không ưa nhau.