Jun 30, 2009

Romain n'est pas Romain

Chơi chữ ác chiến chưa: Romain không phải là người La Mã, bởi vì Romain ban đầu là Roman, người Lituanie (tôi thú thật là không sao phân biệt cho nổi: Lituanie thật ra là Litva hay Latvia nhỉ?). Romain Gary tên ban đầu (tôi tránh dùng từ "tên thật" vì không thể biết được tên nào là tên thật của Romain) là Roman Kacew. Mariam Annissimov khi viết tiểu sử Gary (dày cộp, gần bằng quyển Valéry) đã đặt tên sách là Romain Gary le caméléon, tức là so sánh Gary với con kỳ nhông. Quyển tiểu sử đọc cứng quèo rất chán nhưng được cái là vô số chi tiết và tư liệu.

Sau đằng đẵng rất nhiều ngày cái bác Pierre Assouline không viết được cái gì nên hồn thì bác đã viết được cái này. Ít nhất thì nó cũng dài chứ không tin hin như mấy cái trước, dù nó cũng chán phèo, được mỗi câu hay là nếu không khéo léo bọn nhãi con Pháp sẽ tưởng Michel Houellebecq là người khởi đầu cho văn học Pháp hehe. Như bác PA này là rất đặc trưng cho dân phương Tây: cứ nắng lên vào hè là xuội lơ yếu đuối bạc nhược. Địa lý nó quyết định tâm tính con người ta, màu da xui khiến bản năng, và măng miền núi ngon hơn măng đồng bằng :) Xét về độ dẻo dai trong cái nóng thì chắc chắn là tôi hơn đứt bác PA kia. Tôi là người nhiệt đới, dù nhiệt đới của tôi là nhiệt đới buồn (thật là đau khổ vì không được làm quyển Nhiệt đới buồn của Claude Lévi-Strauss; CLS già hơn cả Tướng Giáp: không phải chuyện đùa đâu, trên thế giới rất ít người già hơn Tướng Giáp; thú thật thì nhiệt đới của tôi không buồn lắm, nhưng buồn cười lắm). Tóm lại là trong bầu không khí theo thuật ngữ khoa học thì là canicule, các bác Tây viết lách rất là chán.

Jun 29, 2009

Vượt con sông Rubicon

Đó là cách diễn đạt của triết gia Edgar Morin, khi nói tới tham vọng khoa học của mình và của thời đại ngày nay. Khoa học và trí tuệ luôn cần táo bạo đi theo những hướng mới, dù cho ban đầu có thể rất khó hình dung và chấp nhận. Đây là một điều gợi ý rất có giá trị cho Việt Nam, bởi từ lâu nay, ở đây đó, chúng ta vẫn tự phê phán rằng mình “đố kỵ cái trừu tượng”, chỉ luôn bám chặt vào những điều cụ thể.

Nguyên văn câu nói của Morin như sau: “Tham vọng duy nhất của chúng ta là vượt sông Rubicon và thám hiểm vùng đất mới của tính phức hợp” (tr. 53), trong cuốn sách Nhập môn tư duy phức hợp, NXB Tri Thức, Chu Tiến Ánh và Chu Trung Can dịch. Sông Rubicon, như chúng ta đều biết, là con sông-giới hạn của La Mã; các nhà cầm quân của La Mã có cái lệ là không vượt qua con sông này để đánh chiếm các nơi, nhằm giữ gìn sự ổn định của Rome. Caesar đã vượt Rubicon và đã xây dựng được một sự nghiệp võ công và chính trị hiển hách.

Jun 26, 2009

Nói nhiều ngôn ngữ khác nhau

Có lẽ đã đến lúc cần thẳng thắn mà nhìn nhận một sự thật: văn học Việt Nam không mấy hấp dẫn thế giới. Cho dù số lượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài ngày ngày càng tăng và Việt Nam trở thành “thiên đường mua sắm” cho du khách Nhật Bản, thì cũng thật là viển vông khi đặt niềm tin vào một cuộc xuất khẩu ồ ạt văn chương nước nhà hay mơ mộng đến ngày một nhà văn Việt Nam có tên trong danh sách nhận giải Nobel Văn chương. Chấp nhận sự thật này, ít nhất một phần, cũng chính là chấp nhận điều hiển nhiên: thế giới nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Sở dĩ cần nói ra điều này vì tôi từng bị rất nhiều người căn vặn, thậm chí cự nự, tại sao dịch sách mà chỉ chăm chăm dịch sách nước ngoài ra tiếng Việt, không “chịu” dịch sách tiếng Việt ra nước ngoài. Lâu lâu lại có một dịp, chẳng hạn như một cuộc hội thảo khoa học nào đó, vấn đề được khơi ra, và thế nào cũng có ý kiến theo lối “hờn mát”: văn chương của ta đa dạng phong phú như vậy mà chẳng mấy ai chịu dịch ra tiếng nước khác “cho bạn bè năm châu hiểu hơn về chúng ta”. Tư duy này, đôi khi được phát ra từ chuyên gia văn học hoặc dịch thuật nào đó, theo tôi thuộc vào lối tư duy Nhà xuất bản Ngoại văn.

Jun 25, 2009

Còn triết học thì sao?

Thường thì một thể xác lành mạnh chứa đựng một tinh thần mạnh khỏe, nhưng (cũng) thường thì một thể xác mạnh mẽ tự công nhận sự lấp lánh của mình bằng trang phục, xe cộ, mỹ nhân và lờ tịt đi sự thật rằng không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng.

Còn triết học thì sao? Tất nhiên nó không lấp lánh lắm, chẳng mấy khi (đúng hơn là chẳng bao giờ) lên bìa tạp chí (như “Thể thao Văn hóa và Đàn ông”) và hơi khó dùng làm đồ trang sức, nhưng nếu suy nghĩ kỹ triết học, cũng như các giá trị hơi có phần trừu tượng khác, có thể góp phần củng cố sức mạnh cho tinh thần và, tất nhiên, qua đó mà bồi bổ cho thể xác. Thậm chí còn tồn tại các triết học hào hùng đầy dũng khí, như triết học của Nietszche (“triết lý với cái búa”) chẳng hạn.

Nói đến Nietszche giữa nóng bỏng mùa hè hẳn là một việc liều lĩnh và gây mệt mỏi, nhưng hoàn toàn có thể tiếp cận triết học theo một ngả đường mềm mại như cách của quyển sách mới được tái bản của Trần Văn Toàn mang tên “Hành trình vào triết học” (Đại học Hoa Sen và NXB Tri Thức).

Jun 24, 2009

Nghĩa địa

Các bác cứ yên tâm, sẽ không phải là Câu chuyện nghĩa địa của anh giai Neil Gaiman đâu :) mà... vẫn thế thôi, sách vở ì xèo.

Quyển sách-quà tặng vừa nhận được: Lettre morte của Linda Lê. Bạn biến đâu mất hút thật là lâu rồi bỗng xuất hiện trở lại như đội mồ sống dậy. Cám ơn bạn vì đã chọn nó ở hiệu sách chỉ vì cái tên Linda Lê và cái tranh xác ướp trên bìa, mặc dù một chữ bẻ đôi tiếng Pháp bạn cũng chẳng biết :) mặc dù bạn đã từng ở Pháp :))

Những ngày này mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ bỏ ra được vài chục phút đọc quyển Paul Valéry của ông thầy (bắt chước thủ đoạn câu view của bác Goldmund, toàn tự đặt link vào blog của mình hehe). Theo tốc độ này tôi nhẩm tính (không chắc chắn lắm về độ chính xác) rất có thể sẽ phải mang theo vài trang cuối xuống mộ cùng để đọc nốt, trong trường hợp sống được đến 80 tuổi.

Nhấm nháp, đúng là nhấm nháp. Mãi mới xong chương một chuyển sang chương hai, Valéry vẫn chưa thành người (à tức là chưa đến cái tuổi mà Sartre dùng làm nhan đề cho một quyển gì đó, L'Âge de raison). Mới rời được Sète để sang Montpellier, bắt đầu học lycée ở một cái trường không tiếng tăm gì lắm nhưng dù sao cũng từng là nơi Auguste Comte từng học để rồi thi đỗ trường X tức là Polytechnique (Bách Khoa Paris). Đại khái chương I toàn ông nội bà ngoại bố mẹ rồi ông cố rồi cố của cố rồi Sardaigne, Corse etc. Valéry từng nói mình là "un langage francais sur un bois italien" (c cédille, đại ý về cơ bản là người Ý). Hai dòng máu Ý và Corse, thành thử Valéry chẳng Pháp tẹo nào, thế mà sẽ trở thành nhân vật lớn của Pháp, hậu duệ của Montaigne. Trường hợp này tôi thấy hao hao trường hợp Chế Linh của ta. Từ ngày anh nhảy tàu (trốn vé) rời xứ Chăm, coi như anh đã trở thành ngôi sao lớn nhất, vô đối, chưa từng bao giờ có của lịch sử âm nhạc Việt Nam, thế mà anh lại không phải là người Việt.

Còn nghĩa địa: Jarrety nói đến nghĩa đĩa Saint-Charles, nơi chôn bà ngoại Valéry và chính Valéry sau này. Từ đây ta chuyển sang nghĩa địa, cụ thể là bài thơ "Nghĩa địa biển" (Le Cimetière marin), tác phẩm nổi tiếng nhất của Valéry về phương diện thơ, bên cạnh M. Teste, hay Une soirée avec M. Teste, tác phẩm văn xuôi nổi tiếng nhất (tuy nhiên cái làm cho Valéry vĩ đại lại không phải văn xuôi hay thơ, mà là những cái khác, chẳng hạn như Tel Quel, cội nguồn tên cái tạp chí của nhóm Philippe Sollers sau này, hay Cahiers, tức chính là các ghi chép hàng ngày). Từ bé ở Sète (tôi dốt địa lý nên chỉ mang máng đâu đó miền Nam cạnh biển, có thể là vùng Languedoc) từ phòng mình Valéry có thể thấy buồm những con thuyền như thể chạm vào khung cửa sổ.

Bài thơ này tôi chỉ nhớ mang máng, nhất là hình ảnh chim bồ câu trên mái nhà (Hai cánh bồ câu - Henry James :) Đây là nguyên văn.

Bài thơ rất dài. Đọc lần này thì tôi thích nhất đoạn sau:

Fermé, sacré, plein d'un feu sans matière,
Fragment terrestre offert à la lumière,
Ce lieu me plaît, dominé de flambeaux,
Composé d'or, de pierre et d'arbres sombres,
Où tant de marbre est tremblant sur tant d'ombres;
La mer fidèle y dort sur mes tombeaux!

"Biển chung thủy ngủ trên những ngôi mộ", cái khoảnh đất thiêng trú ngụ ngọn lửa không chất liệu (nghe quê thật thôi không diễn giải lằng nhằng nữa). Và nhất là khổ thơ cuối: "Không trung vô tận mở đóng cuốn sách của tôi" etc. Rồi: "Envolez-vous, pages tout éblouies!"

Khoái nhất là khi Jarrety trích một câu trong thư Rimbaud gửi ông thầy Izambard chửi quê hương mình (Charleville), gọi đó là nơi ngu xuẩn (idiot) hạng nhất của hạng nhất. Rimbaud cũng là một nhân vật được biết đến rộng rãi tại Việt Nam, trước nhất nhờ công của X. Diệu (bác Diệu bí danh X): "Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine/Hai chàng thi sĩ choáng hơi men", và nhất là sau này được đồng hóa với anh Rambo.

+ Đọc lung tung thấy bài phỏng vấn GS. Nguyễn Võ Thu Hương. Có vẻ như quan điểm của NVTH là Việt Nam đang áp dụng neoliberalism (tân tự do). Các bác chuyên gia kinh tế thấy có đúng thế không ạ?

Jun 22, 2009

Sách và lịch sử

+ Tôi quyết định giữ mục (làm columnist) cho một tờ báo tuần. Cứ đầu tuần (thứ Hai hoặc thứ Ba) sẽ post bài đã đăng báo lên đây (trong chừng mực bài còn đăng được lol). Tờ báo cũng bình thường thôi, nhưng cũng là điều mới mẻ vì trước nay nếu có giữ chronicle thì tôi thường chỉ giữ cho các tạp chí ra hàng tháng. Column lần này sẽ theo sát thời sự sách Việt Nam và các nơi khác.

------------

Trong ngành xuất bản một số cuốn sách được trông chờ nhiều hơn so với những cuốn sách khác. Thời gian vừa qua, việc in trở lại bộ Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger là cả một sự kiện của giới nghiên cứu lịch sử và khoa học xã hội Việt Nam và chắc hẳn thời gian sẽ càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tác phẩm này.

Jun 21, 2009

Medium Media

Ngày nhà báo (cách mạng), để tỏ ra lịch sự (lịch duyệt giang hồ etc) cũng cần phải thi đua viết ra cái gì đó vinh danh các nhà báo của chúng ta, nếu không rất dễ bị quy là phản động.

Vì đang đọc Nhập môn tư duy phức hợp và thấy nói rằng Edgar Morin đã có đóng góp quan trọng cho "lý thuyết thông tin" của Shannon nên tôi cũng mò mẫm đọc thêm một chút. Tất nhiên là vấp phải một đống lùng nhùng kinh khủng phức tạp chết thôi (thì đành tự nguyện vậy, vì cái "tư duy phức hợp" của Morin theo tôi cũng không nên phức tạp hóa vấn đề làm gì mà nên gọi đơn giản là "phức tạp", mặc dù như vậy rất dễ bị quy là làm đơn giản hóa vấn đề mà "tư duy phức tạp" Morin đề nghị đang chống lại - thấy chưa, phức tạp chưa?)

Hay nhỉ, nếu áp dụng lý thuyết thông tin vào di truyền học thì quá trình di truyền có thể được coi là việc sao chép một thông điệp, và đột biến di truyền lại có thể xem như một "tiếng ồn" gây nhiễu. Theo nghĩa này, toàn bộ giới báo chí Việt Nam nên coi là một vật gây nhiễu khổng lồ và hiệu quả rộng khắp :)

Bạn nào có hiểu biết tốt giải thích hộ cái nhỉ :) quan điểm của lý thuyết thông tin theo đó information luôn có một "physical reality" thì có khác gì đẳng thức nổi tiếng của Marshall McLuhan: The Medium Is the Message không nhỉ?

Medium là số ít, sang số nhiều là Media, là một từ chắc bây giờ ai cũng biết. Để thể hiện cũng có tí sáng tạo, tôi nối dài thêm một chút như thế này:

Medium = Message = Obscurantism

Hehehe

Jun 17, 2009

Cũng nẫu

Tôi không có tài chê bai :) và có thói quen nếu lỡ vớ phải gì đó chán quá thì thôi coi như là giải trí giết thời gian. Mà nói tóm lại là cái hay thì khó kiếm chứ chán thì ợt ợt luôn. Hôm nay thử đi ra ngoài nguyên tắc cái (nguyên tắc là cái được lập ra để bị phá vỡ; hai nguyên tắc bất di bất dịch của tôi có nguy sơ sắp bị phá: không dịch tác phẩm của tác giả nữ, và không viết về thơ).

Mấy quyển sách chán đọc phải thời gian vừa rồi (đều là mới in):

+ Tiểu thuyết của Lê Lựu mang tên Thời loạn (NXB Hội Nhà văn). Nó mở đầu như sau: "Cô gái có cái tên vô cùng lạ: Xanh Dương Lẫm Liệt. Phải là người thân quen được nghe hàng xóm giảng giải hàng tiếng đồng hồ mới hiểu được ngọn nguồn của nó. Ông ngoại cô tỉnh Xanh, bố cô người Dương Đông. ở (sic) với nhà ngoại nên không khác gì như người ta nói tư thế của ông giống như một con chó chui gầm chạn."

Nhà văn lớn câu cú thế đấy. Mà đặt tên nhân vật sợ nhỉ, nhà văn Lê Lựu Đạn Nổ To Không Kịp Bịt Tai Thì Bét Xác. Sao đến giờ người ta vẫn dùng font chữ ABC để dàn trang, mấy từ như "ở" mà đứng đầu câu là cứ tịt tịt.

Jun 15, 2009

What's It Going to Be Then, Eh?

Câu ở trên cái title là câu mở đầu cho A Clockwork Orange, cả trong bộ phim của Stanley Kubrick lẫn cuốn tiểu thuyết của Anthony Burgess. Đến giờ tôi vẫn thấy khó giải thích tại sao nhân vật nói ra một câu khủng khiếp như vậy, Alex DeLarge, trong phim lại có giọng nói mượt mà và quyến rũ đến thế. Những gì quyến rũ và mềm mại thì mới thực sự nguy hiểm chăng? Rất có thể. Dù sao thì những ai không muốn nghe phàn nàn, những phàn nàn có thể làm hỏng đi một vài thời khắc trong khoảng thời gian phần lớn vô nghĩa của mỗi người, thì không nên đọc. Vì tôi sẽ phàn nàn đấy.

Mọi thứ đều bắt đầu từ cự ly gần: mỗi lúc tôi một thêm cảm thấy khó ở tại chính nơi tôi sống gần như cả đời cho đến lúc này. Tôi sống ở đây từ lúc ngồi ở cửa sổ nhà còn có thể nhìn thấy vô số lò gạch, một nghĩa địa xa xa vẳng tới tiếng kèn đám ma mỗi khi có đám ma, tiếng kèn đám ma ngay gần kề mỗi khi có đứa trẻ nghịch ngợm bị chết đuối ở mấy cái hồ rộng mênh mông vây lấy khu nhà tôi. Cái lò gạch, bây giờ ai còn nhớ hình dáng? Cái hồ, bây giờ ai còn nhớ từng có nước trong đến thế nào, một chấm phá hoang dã cho thành phố.

Jun 14, 2009

Cả một mùa thu đã quá giang

Câu trên được Đặng Tiến trích trong bài "Thi giới Đinh Hùng": "Hoa quay đầu, cánh bướm cũng vu quy/Cả một mùa thu đã quá giang". Theo tôi đây là bài có giá trị nhất của cả tập Thơ thi pháp và chân dung, gần như đưa ra cả một lý thuyết về đọc và hiểu Đinh Hùng, trong hoàn cảnh có rất ít người nghiên cứu Đinh Hùng. Bài này cũng là nơi Đặng Tiến thể hiện ác cảm với Hoài Thanh-Hoài Chân, những người không thích thơ Đinh Hùng ("âu đó cũng là một vinh hạnh cho Đinh Hùng"): "Tôi không dám nghĩ Hoài Thanh và Hoài Chân dốt thơ, nhưng các ông ấy có ít chìa khóa quá - nếu không phải chỉ có một chìa khóa passe-partout" (tr. 396). Chàng Hoài Điệp Thứ Lang theo Đặng Tiến (Đặng Tiến lại theo lời Trần Phong Giao) có vẻ rất buồn phiền vì vụ không được Hoài Thanh đoái hoài. Đúng đấy, thế là may đấy :)

Bao năm nay người ta cứ khen ngợi ca tụng Thi nhân Việt Nam, trong các lý do có một điều luôn được nhay đi nhay lại: Hoài Thanh (và Hoài Chân) có con mắt xanh, chọn được toàn người làm thơ hay. Lập luận này rất yếu. Những người theo dõi thơ hồi đó tôi thấy ai cũng nói tới các nhân vật ấy cả, loay hoay xoay trở thì đằng nào cũng đâu có thể không kể đến những Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư vân vân và vân vân. Tôi cũng nghe nhiều người nói để hiểu hết thơ trước 1945 chỉ cần đọc ba quyển Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng, Chương Dân thi thoại của Phan Khôi và Thi nhân Việt Nam là đủ. Đúng là giản tiện hóa vấn đề một cách sâu sắc.

Jun 12, 2009

Công danh phù thế có ngần ấy thôi

Thời gian vừa rồi có hai quyển sách nghiên cứu-phê bình văn học quan trọng được xuất bản (sắp có quyển thứ ba :), là Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy, chị So đã xao xuyến chết thôi vì một bài review quyển này, và Thơ thi pháp và chân dung của Đặng Tiến (NXB Phụ nữ). Quyển trước tạm để đấy, quyển thứ hai có một ý nghĩa đầu tiên: vậy là cuối cùng một trong hai người có thẩm quyền nhất về thơ ở hải ngoại (người còn lại là Nguyễn Hưng Quốc) đã có tác phẩm được đọc rộng rãi trong nước.

Đặng Tiến có tài thuộc thơ, nhớ thơ đã trở thành huyền thoại, và chắc nhiều bạn cũng đã đọc một số bài viết của Đặng Tiến về thơ. Tôi cũng có hân hạnh được giáp mặt Đặng Tiến một, hai lần gì đó nhưng thực sự là kính nhi viễn chi, không quen bắt chuyện với huyền thoại và để nói thật lòng tôi rất không thích các bài viết nhân dịp lễ tết của Đặng Tiến, kiểu năm Tý thì nói chuyện chuột trong thơ, sang đến năm Ngọ tất nhiên sẽ không đả động đến con rồng.

Jun 8, 2009

Nước Mỹ đi về đâu

Đặt cái tên thế, tất nhiên, theo tinh thần "cho nó mấu", chứ mình còn không biết mình đi về đâu nữa là nước Mỹ.

Tờ Magazine Littéraire lâu lâu không đọc vì thấy ác cảm với các thay đổi bố trí lại của nó, mấy hôm nay mới lôi số từ tháng Hai vừa rồi ra xem, thấy đúng là rối loạn hết cả lên, mục này mục nọ đảo như rang lạc. Điểm tích cực là đã bỏ đi mục của Simon Leys, cái bác ở nước Úc này thiệt tình thiệt là (nhìn chung là tôi không thích các bác Úc lắm. Racist? yes, nhè nhẹ). Chỉ còn Alain Rey vẫn còn dẻo dai, số nào số nấy vẫn miệt mài giải thích từ ngữ. Mà thật ra cái mục đó tôi cũng giữ được... nếu giỏi tiếng Pháp như Alain Rey (lol). Nói đùa thôi, Alain Rey là một nhân vật cực oách, chủ biên các bộ từ điển Robert (tôi là cái loại khắm khú hoài cổ toàn xài từ điển Littré cũ rích, chữ thậm chí còn rạn rạn kiểu xa xưa, nhưng dẫu vậy thì vẫn đủ tỉnh táo để khuyên các bác dùng từ điển Robert, gọn gàng chuẩn xác đẹp nét và rất... Rey :)

Số này chuyên đề về tiểu thuyết Mỹ (mới). Trong các nhân vật khủng long của văn chương đương đại Mỹ thì không thấy nói gì đến Don DeLillo hay John Updike nữa, người duy nhất thuộc lứa già già là Paul Auster. Có Auster thật ra cũng có nguyên do cả: Auster được hâm mộ ở Pháp còn hơn ở Mỹ. Trong chuyên đề này ngoài Auster còn có một bác nữa cám cảnh cái vụ vai trò mờ nhạt của nhà văn trong xã hội Mỹ, khác xa so với châu Âu và Mỹ Latinh. Trả lời phỏng vấn của Lévai Balázs, Auster hay là Roth cũng nói ở châu Âu ra đường khối người đến chào hỏi xin chữ ký chứ ở Mỹ có mà đứng giữa đường gào tao là nhà văn đây cũng chả ma nào để ý, nó lại tưởng là khẩu hiệu mới của tụi racist :)

Jun 5, 2009

Thời của quảng cáo

+ Ví dụ kinh điển của quảng cáo trong lĩnh vực văn hóa là Tommy Hilfiger làm với tour diễn mang tên No Security của The Rolling Stones vào năm 1999. Trong nhiều trường hợp, như trường hợp này, Tommy Hilfiger còn trở nên nổi tiếng ngang ngửa nếu không nói là hơn Mick Jagger (nhất là khi Mick Jagger quá xấu trai lol; xấu trai thế nhưng lại đã từng là người tình của em Carla Bruni xinh đẹp đệ nhất phu nhân nước Pháp vợ của Le Petit Sarko bây giờ hic).

+ Vấn đề trở nên khó nghĩ khi trong thâm tâm bạn là người chống lại quảng cáo (tức là chống lại sự rùm beng) nhưng bạn lại là một người viết review cho sách, thậm chí đôi khi còn là một columnist. Xét cho đến cùng thì yếu tố quảng cáo của book review, hay film review hay cái gỉ cái gì review vẫn cứ tồn tại, và nhiều khi giống như một cái gai đâm vào ý thức về personal ethics của mỗi người.

Nhưng ở một khía cạnh khác, sách hay bất kỳ sản phẩm văn hóa nào nếu không được giới thiệu rộng rãi thì sẽ chẳng được ai biết tới. Tôi nghĩ là nhiều người tìm được sự thoải mái về tâm lý bằng cách xác định rõ ràng rằng cái đối tượng để review chỉ được review khi bản thân nó có giá trị. Từ đây lại chuyển sang một vấn đề còn nan giải hơn nữa: thế nào là một sản phẩm văn hóa có giá trị? và cần/nên được biết tới một cách rộng rãi?

Jun 3, 2009

Tiếng nói của hy vọng

Theo một số kênh khác nhau, thông điệp gần đây của Aung San Suu Kyi (thông qua Alan Clements) chuyển ra cho thế giới là: "let the world know that we (the 54 million people of Burma) are still prisoners in our own country and to please use your liberty to help us achieve our own" (hãy cho thế giới biết rằng chúng tôi (54 triệu người Myanmar) vẫn là tù nhân tại chính đất nước của chúng tôi và xin hãy sử dụng tự do của các bạn để giúp chúng tôi có được tự do cho mình).

Trong hai thập niên vừa qua, gần như lúc nào ASSK cũng ngồi trong tù, mặc dù bà là Thủ tướng qua bầu cử và từng đoạt giải Nobel Hòa bình.

Alan Clements là tác giả quyển sách phỏng vấn ASSK, được thực hiện trong nhiều tháng bằng cách thu âm những quãng thời gian hiếm hoi ASSK không ngồi tù, sau đó băng được đưa ra nước ngoài. Trường hợp này rất giống với Triệu Tử Dương và quyển hồi ký vừa được công bố, liên quan tới Thiên An Môn.

Quyển sách này được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp năm 1996, sau đó có bản tiếng Anh mang tên The Voice of Hope. Kể từ đó Alan Clements không được phép nhập cảnh vào Myanmar nữa (Clements là một Phật tử).

Năm nay quyển sách được tái bản có bổ sung, sử dụng nốt phần tư liệu băng thu âm còn chưa dùng trong lần trước, thêm một lời nói đầu của Clements, chronology các sự kiện lịch sử của Myanmar...

Vaclav Havel từng nói về ASSK như sau: "by dedicating her life to the fight for human rights and Democracy in Burma, Aung San Suu Kyi is not only speaking out for justice in her own country, but also for all those who want to be free to choose their own destiny. As long as the struggle for freedom needs to be fought throughout the world, voices such as Aung San Suu Kyi’s will summon others to the cause. Whether the cry for freedom comes from central Europe, Russia, Africa, or Asia, it has a common sound: all people must be treated with dignity; all people need to hope."

Jun 2, 2009

A Farewell to...

Yiyun Li kể câu chuyện hồi còn ở Trung Quốc trên The New Yorker. Một câu chuyện như thế này rất nhiều người Việt Nam cũng có trong ký ức. Hoặc ít nhất là những mảnh nhỏ của nó:

Chẳng hạn như là "my year of involuntary service", nghĩa vụ quân sự, vụ đọc sách bị bố mẹ cấm (sao nhiều người bị bố mẹ ngăn cản đọc sách thế nhỉ; hình như các bố mẹ Trung Quốc và Việt Nam luôn ngấm ngầm sợ con cái mình rơi vào vòng tay nguy hiểm của sách vở, rời xa thực tế, xuất hiện những suy nghĩ không kiểm soát được), vụ bố mẹ quản lý chuyện yêu đương, và vụ xếp hàng hồi tem phiếu.

Điều tôi thấy đáng chú ý là các nhà văn Trung Quốc hồi đó đọc sách rất đa dạng: Cao Hành Kiện học đại học chuyên ngành tiếng Pháp, đọc Beckett và/hoặc Ionesco, Đới Tư Kiệt thì như ai cũng biết là đọc Balzac, còn Yiyun Li đọc Thomas Hardy, D. H. Lawrence và Hemingway. Nhà văn Việt Nam thì hình như có mỗi Remarque.

Jun 1, 2009

Mồng một tháng Sáu ngày của các cháu

+ Tôi thường ra hiệu sách và thường xuyên gặp cảnh bố mẹ dắt con đi mua sách hoặc hỏi han người bán sách để mua sách về cho con. Kết luận của tôi sau một quá trình dài là cũng như rất nhiều lĩnh vực khác của sách, phụ huynh rất rất cần được hướng dẫn tốt. Đợt này có thể gọi là mỏ vàng cho các cháu mê sách, nhất là dòng sách kinh điển. Hồi tôi còn nhỏ mồng một tháng Sáu là ngày được trông chờ đến chết luôn chết xuống, vì ngày hôm đó sẽ được bố mẹ dẫn ra Bờ Hồ mua sách. Đến giờ tôi vẫn giữ được bộ Tây du ký, đợt trước đã theo chân bác 5xu đi đóng lại ngay ngắn, vì qua bao nhiêu năm đọc đi đọc lại đọc lên đọc xuống nó đã xộc xệch hết cả. Yêu cầu duy nhất của tôi với người đóng sách là không được xén mất chữ nào trong những lời đề tặng của bố tôi. Hồi đó là cách đây đúng hai mươi năm. Dưới đây là list sách chúng tôi chuẩn bị cho mùa hè này. Tôi sẽ đánh sao (từ 1 đến 5) cho các bác dễ theo dõi :)

Câu chuyện nghĩa địa (Neil Gaiman)

Nobody Owens (gọi tắt là Bod), một cậu bé bình thường! Từ khi còn trong nôi, cả gia đình bị một sát thủ bí ẩn tên Jack sát hại, cậu được những hồn ma trong một nghĩa địa cổ nuôi dạy và giúp chống lại kẻ giết người vẫn lần theo dấu vết của cậu.

****


Cá sấu Ghena và các bạn (Eduard Uspenski)

Con cá sấu tên Ghena hành nghề sắm vai cá sấu trong sở thú thành phố, con vật kỳ lạ Cheburaska và cô bé ngoan Galia hợp thành một nhóm bạn thân thiết. Bộ ba nhận ra rằng mọi người trong thành phố này thật cô đơn và họ phải cách để giúp đỡ mọi người trong khi mụ già Sapokliac cùng con chuột cưng Lariska thì cứ nghĩ ra đủ trò để ngăn cản họ.

***** (5 sao vì một lý do rất subjective: hồi bé tôi thường xuyên đọc sách như thế này và đã rất quen với lôgic của nó, dù bây giờ chưa chắc nhiều người đã thích, nếu đã quen với lôgic và kiểu hài hước của Harry Potter)


Nhóc Nicolas (Gosciny và Sempé)

Nhóc Nicolas đưa độc giả trở lại thế giới trẻ thơ, nơi mọi sự đều giản đơn, trong trẻo, mọi thứ đều “đỉnh”, “kinh khủng”, kích động, khiến ta ngây ngất, một chuyện nhỏ nhặt không đâu cũng khiến ta nhảy dựng lên vì vui sướng… Thế giới người lớn đã đánh mất dần theo năm tháng, và nay tìm lại được khi đồng hành cùng những cuộc phiêu lưu của nhóc Nicolas.

***** (đợt này có tổng cộng ba tập. Dài dòng một chút về cấu trúc bộ sách: hai tập dày Nhóc Nicolas những chuyện chưa kể lại là phần sau, mới được in bên Pháp, trong khi ba tập lần này mới là bộ Nicolas "chính")


Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Luis Sepúlveda)

Bị nhấn chìm trong váng dầu do con người đổ bừa bãi trên biển, cô hải âu Kengah bị đàn bỏ lại giữa một mình, chờ đợi cái chết mòn mỏi. Nhưng, cô đã tìm được cách cất cánh bay lên tìm được tới đất liền và rơi xuống ban công của con mèo mun to đùng mập ú Zorba. Không thể từ chối lời trối trăn của Kengah, con mèo Zorba hứa với cô rằng nó sẽ không ăn quả trứng cô sinh ra, chăm sóc quả trứng cho tới khi nó nở và dạy con hải âu con tập bay.

**** (rất phù hợp với bé gái thích mèo :)


Thuyền trưởng quần lót (Dav Pilkey)

Loạt truyện về hai câu nhóc lớp bốn George Beard, Harol Hutchins và một siêu nhân chỉ mặc mình quầ lót. Khi cãi cọ, khi thuận hòa, khi rơi vào vòng vây hiểm ác của bọn toa lét biết nói hay đám người ngoài hành tinh, thậm chí la lối cả tác giả “Đủ rồi, cha nội! Tả thế đủ rồi, cha làm bọn tôi phát ốm”, các nhân vật lần lượt dẫn người đọc từ tập truyện này qua tập truyện khác.

*** (nhí nhố và vui vẻ, fun for fun, tổng cộng ba tập)



Nhật ký ngốc xít (Jim Benton)

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống với Jamie Kelly, nữ sinh cấp hai, người có “định mệnh trở thành công chúa hoặc gián điệp/diễn viên ba lê”. Ngày ngày Jamie mở cuốn sổ bí mật ra, bắt đầu bằng câu “Nhật Ký Ngốc Xít thân mến” và kể lể từ sự tình.

**** (nhí nhố nhưng kể chuyện rất rất giỏi, và rất đúng suy nghĩ của trẻ con kiểu đanh đá cá cầy :)


Nhà Tuck bất tử (Natalie Babbitt)

Cô bé mười tuổi Winnie Foster tình cờ phát hiện bí mật của gia đình Tuck: từ tám mươi bảy năm về trước họ đã vô tình uống nước trường sinh và vĩnh viễn đứng ngoài dòng sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng, khi tình yêu giữa cô và cậu con trai nhà Tuck bắt đầu, cô phải đứng trước sự lựa chọn: uống nước trường sinh hoặc già đi theo năm tháng.

**** (hơi u ám, những ai từng thích Gió qua rặng liễuKhu vườn bí mật sẽ thích)


Cuộc chiến khuy cúc (Louis Pergaud)

Bắt đầu mỗi khi mùa thu đến và kéo dài cho tới hết mùa đông, trẻ con hai làng Longeverne và Velrans lại bắt đầu cho một cuộc chiến oai hùng. Kẻ xấu số nào rơi vào tay địch phải chịu một sự sỉ nhục lớn nhất trong lịch sử chiến đấu là bị chúng cắt tất cả khuy cúc, dây buộc…

**** (kiểu Những cậu con trai phố Pan của Pháp)


Cedric (Laudec và Cauvin)

Mọi câu chuyện về Cedric trong tập Tôi không thích nghỉ hè đều liên quan đến cô bạn gái Trung Quốc tên Chen, người mà mỗi khi có cơ hội cậu đều cố gắng bày tỏ tình cảm nhưng chưa bao giờ làm được bởi lần nào cũng có một trục trặc xảy ra và làm đau đầu chàng trai 8 tuổi.

***** (5 sao vì hình vẽ quá đáng yêu)

+ Enfantines là tập truyện của Valery Larbaud, rất tuyệt vời trong một văn phong của người lớn nhưng đề tài lại là trẻ con, một Alice in the Wonderland, sự phức tạp không làm giảm bớt đi giá trị, vì mỗi lần đọc sẽ phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ. Quyển sách cuối cùng mà tôi muốn nói đến mới là một kiệt tác: Miss Charity, dày bằng cả Không gia đìnhTrong gia đình (tã đẹp nói dối và tã đẹp nói thật hehe) cộng lại. Marie-Aude Murail là một thiên tài, các bạn đọc được tiếng Pháp đừng bỏ qua. Miss Charity là một dạng tiểu sử hư cấu về Beatrix Potter - là ai thì có thể google :)