May 31, 2015

Giấc mộng quá dài

Lần này đọc lại If We Dream Too Long tức Khi ta mơ quá lâu (tôi thích tên nó là Giấc mộng quá dài hơn) của Goh Poh Seng (Nguyễn Dương Quỳnh dịch, Nhã Nam & NXB Lao động, 206tr.), tôi thấy còn có thể làm hơn nữa: lúc trước tôi đã thấy rất ấn tượng cái cách Goh Poh Seng “phản ánh” câu chuyện Singapore thông qua nhân vật Kwang Meng, nhưng giờ tôi thấy còn có thể hình dung Kwang Meng (Quang Minh) chính là Singapore, Singapore ở thời điểm “mọi thứ đã xong xuôi”.

May 29, 2015

Văn chương và im lặng

Văn chương Việt Nam 25 năm vừa qua là phiên bản nhiệt đới gió mùa của câu văn khét tiếng của Adorno: "Còn làm thơ sau Auschwitz thì thật man rợ".

May 26, 2015

Trở về cổ điển: Cung oán

Cung oán rõ ràng có những câu thơ tuyệt đỉnh:


Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này


May 25, 2015

Khái Hưng vs Nguyễn Tuân

Năm 1946

Một nhà văn học sử độc đáo cần lấy riêng năm 1946 làm đối tượng khảo sát: không bao giờ văn chương Việt Nam có một năm đặc biệt hơn thế, một năm vô cùng thiếu vắng, nhưng chính là năm đầy tràn nhất. Luôn luôn văn chương có một điểm mốc của đoạn tuyệt, đổi thay hơi lệch so với mốc chính trị-xã hội. Năm lịch sử 1954 tạo ra phản ứng trong văn chương vào năm 1956, cả ở miền Nam lẫn miền Bắc, điều đó đã quá rõ. Đối với năm lịch sử 1945, năm văn chương tương ứng là 1946.

Đây là thời điểm để ta bắt đầu nhận ra một cú khủng khiếp như 1945 có thể tác động như thế nào tới văn chương. 1) Một số nhân vật vì thế mà không thể hồi lại được nữa, mà Xuân Diệu là rõ nhất; nhưng ở mức độ kín đáo hơn, còn phải kể đến những trường hợp như Nguyên Hồng: như thể cuộc đổi thay lớn đã tạo ra cơn gió quá mạnh thổi tắt mất một ngọn đèn (đúng hơn là ngọn nến) rất đẹp bên trong Nguyên Hồng 2) Những nhân vật nếu không có biến cố 1945 thì sẽ chẳng có lấy một vị trí đáng kể: Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, v.v... 3) Nhưng cũng chính năm 1945 lại khiến ta nhìn thấy được vài sự nghiệp văn chương trọn vẹn; không có nhiều những sự nghiệp như thế, và đáng kể là Nguyễn Tuân và Khái Hưng cùng lên đến đỉnh cao vào chính năm 1946, như thể năm 1945 thúc đẩy họ đi nốt chặng đường cuối.

Thơ, văn xuôi và phê bình có những con đường riêng. Văn xuôi cần đến một dung lượng lớn tác phẩm, thơ lại cần tới một cái gì đó bí ẩn không thể giải thích. Nhà thơ lớn của thời tiền chiến là Vũ Hoàng ChươngĐinh Hùng. Còn phê bình: chỉ có nhà phê bình lớn mới nhận ra rằng nửa thế kỷ sau 1945 ở Việt Nam không thể có phê bình văn học. Ở phương diện này, hai nhà phê bình từ bỏ phê bình từ rất sớm là đáng nói nhất: Trương Tửu và Trương Chính.

Quay trở lại năm 1946 và cặp Khái Hưng-Nguyễn Tuân: năm 1946 là năm có đặc biệt ít tác phẩm văn chương. Ta chỉ có thể kể đến Cười của Nam Cao, Khao của Đồ Phồn và Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Trong đó Chùa Đàn dĩ nhiên là tác phẩm quan trọng hơn cả. Chỉ trong vòng 5-6 năm, Nguyễn Tuân hoàn thành một sự nghiệp văn chương khủng khiếp, chưa từng có, mà Chùa Đàn là kết tinh của mọi thứ, nhưng là một sự kết tinh rất không trọn vẹn. Còn Khái Hưng cần nhiều thời gian hơn, ung dung hơn cho sự nghiệp của mình, nhưng cũng đi đến năm 1946 một cách bùng nổ.

Bởi vì, sự kiện văn chương quan trọng nhất của năm 1946 là Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, nhưng không chỉ có thế, vì song song với nó còn có một sự kiện nữa: trong năm 1946 này, Khái Hưng là nhà văn duy nhất, ngoài Nguyễn Tuân, có tác phẩm lớn, nhưng đã bị chìm khuất. Những truyện ngắn như "Lời nguyền", "Khói hương" hay "Hổ" của Khái Hưng xuất hiện vào năm 1946 này đã không mấy ai còn nhớ. Tôi tin là cho tới giờ cũng mới chỉ có rất ít người biết đến tập Lời nguyền in những tác phẩm ngắn hồi 1946 này (một cách không đầy đủ) của Khái Hưng (Phượng Hoàng xuất bản, Sài Gòn, 1966), và càng ít người hiểu được tầm vóc của những tác phẩm ấy.

Cả Khái Hưng và Nguyễn Tuân vào năm 1946 đều chung một cảm thức, thế nên cả hai, một cách độc lập, đều quay trở lại quá vãng tù tội trên miền thượng du: trong Chùa Đàn thì ta đã rõ, còn trong các truyện ngắn của Khái Hưng, đó là giai đoạn đi tù ở Vụ Bản, người Mường, thuốc phiện và hổ.

Đặc biệt hơn cả, Khái Hưng hết sức để ý đến Nguyễn Tuân. Dưới đây là một bài điểm sách, có lẽ sớm nhất, về Chùa Đàn, đăng trên một tờ báo ra năm 1946, bài báo không đề tên người viết nhưng theo nhiều tìm hiểu thì đó chính là Khái Hưng. Khái Hưng là người hiểu Nguyễn Tuân nhất, đặc biệt khi cho rằng phần "Dựng" và "Mưỡu cuối" của Chùa Đàn làm hỏng đi cả tác phẩm. Lời nhận xét này tất nhiên dựa rất nhiều trên "lập trường tư tưởng", nhưng cùng lúc, thật ra nó hết sức chính xác, như một lời tiên tri: Nguyễn Tuân đạt tới đỉnh cao của mình ở "Tâm sự của nước độc", ngay sau đó, trong cùng tác phẩm, "Mưỡu cuối" đã là sự suy đồi. Và sau đó chỉ thuần túy là suy đồi, con chim phượng hoàng đã thôi bay, hạ cánh xuống sân chơi với đàn gà, trong đó có những phần tử hết sức tinh quái, như Tô Hoài. Còn Khái Hưng, chim thiêng nói lời mệnh bạc, sẽ bỏ mạng ngay năm sau đó, 1947.


May 24, 2015

Amerika. Chương bốn: Đường tới Ramses (2)

Đoạn này càng cho thấy thêm hiểu biết lầm lạc của Kafka về địa lý nước Mỹ: theo Kafka, để đi từ New York đến Boston chỉ cần qua một cây cầu.

Cuối đoạn này cũng xuất hiện một địa điểm rất quan trọng của cuốn tiểu thuyết: "Khách sạn phương Tây".

May 22, 2015

Một truyện ngắn của Nguyễn Tuân

Lưu lạc đến tay tôi là mấy trang báo nát nhừ như quá vãng xanh xao, nhợt nhạt. Không xác định được là tờ báo gì nữa, nhưng theo một số đặc điểm thì có thể đoán đây không phải là một tờ tạp chí văn chương, có lẽ vì thế mà truyện ngắn này đã "lọt lưới" khỏi các chuyên gia văn học.

Thời điểm của nó, như trong truyện có viết, là năm 1946.

Nó có thật là truyện ngắn của Nguyễn Tuân hay không? Đọc đến đoạn sự băng huyết của đàn ông trên bãi cỏ thì không phải nghi ngờ gì nữa. Đây là một truyện ngắn của Nguyễn Tuân, và viết trong cùng giai đoạn viết Chùa Đàn, cùng bầu không khí đi tù, cùng cách gọi con người bằng số (nhân vật trong truyện này là 315 còn Lịnh trong Chùa Đàn là số 2910).

Công việc "phục chế" khá là vất vả, vẫn còn có chỗ không rõ là chữ gì.

(tôi đặt thêm một label "công bố tài liệu", cong-bo-tai-lieu, cho những trường hợp như thế này)

May 19, 2015

Tiểu luận thứ nhất về Tự Lực văn đoàn

Tự Lực văn đoàn, ngay từ đầu và trong suốt cuộc tồn tại (một cuộc tồn tại văn chương chóng mặt khủng khiếp), đồng nghĩa với sự quá đà. Một sự quá đà chưa từng có và không hề lặp lại. Sự quá đà ấy không chỉ nằm ở những đả kích, những vứt bỏ và những chế giễu, mà ngay cái tên “Tự Lực” đã là một sự quá đà. Chưa hề định trước, cho tới thời điểm đó, là có một thứ gì được phép độc lập khỏi nhà nước hoặc truyền thống, không nhận tiền và sự dẹp đường, định lối của chính quyền, không chịu sự nâng đỡ kiểu như các bậc tiền bối lỗi lạc, Trương Vĩnh Ký và Phạm Quỳnh. Chỉ trong một cái lắc mình, các khuôn khổ cùng một lúc rơi xuống vỡ vụn, cùng với “Tự Lực” là vị trí của nhà văn độc lập không phụ thuộc vào mạnh thường quân hay một ý chí nào từ trên cao rọi xuống, thậm chí từ bên dưới bốc lên. Bản thân Tự Lực văn đoàn là một ý chí, và đó là một sự quá đà khủng khiếp. Ta chỉ tiếc một điều là Tự Lực văn đoàn đã không quá đà hơn nữa, không đẩy đà nhún ngay ban đầu của sự quá đà ấy bẻ gãy đi nhiều thứ hơn nữa. Những phá phách của giới nhà báo được Vũ Bằng thuật lại trong Bốn mươi năm nói láo chỉ là bóng mờ nhợt nhạt phản chiếu lại những phá phách điên rồ của Tự Lực văn đoàn: đấy là những phá phách đã có tiền lệ; ngay những gì đã tồn tại trước Tự Lực văn đoàn và Phong hóa, chẳng hạn và nhất là Tân Dân, cũng chỉ nhờ có Tự Lực văn đoàn thì mới thực sự tồn tại được. Tự Lực văn đoàn mang đến một điều mới tuyệt đối: đó là văn chương.

May 18, 2015

Khái Hưng

Trong tất tật báo chí Việt Nam, mấy tờ này gây cho tôi nhiều cảm xúc nhất khi chạm tay vào: Phụ nữ tân văn, Ngày nay và Phong hóa. Nhưng không có gì sánh được với Phong hóa, tờ báo hoàn toàn nhất, vui nhất, dịu dàng nhất, dữ dằn nhất, tục tằn nhất, sáng sủa nhất, tăm tối nhất, như thể quy tụ mọi sự quá đà có thể xuất hiện trong tâm hồn người Việt Nam.

Nhất là những khi có Khái Hưng.

Amerika. Chương bốn: Đường tới Ramses (1)

Một chương rất lạ, có không khí và các nhân vật gần như không bao giờ thấy trong tác phẩm của Kafka. Sau ba chương đầu, cuốn tiểu thuyết có một "chuyển điệu" thế nào đó rất khó nắm bắt.

Về địa danh "Ramses". Thật ra có đúng Kafka muốn nói đến một thành phố gần New York tên là Ramses không? Nhiều khả năng ông muốn nói đến một thành phố khác, cũng gần New York và cũng có tên đặc âm hưởng Ai Cập: Memphis.


May 16, 2015

[tiện bút] sự bùng nổ và nỗi xấu hổ ngấn ngở của những hình xăm trổ

trong các ngạch của sưu tầm, trước đây có món sưu tầm quần xi líp, chuyện ấy không hiếm như người ta tưởng và đã đi vào một cuốn tiểu thuyết (rất dở, nhưng dẫu sao thì :p)

kể cả bây giờ thì người ta vẫn có thể vô cùng kinh ngạc khi khám phá một cô gái có vẻ ngoài rất bặm trợn lại mặc quần xi líp hồng, không những thế lại còn đăng ten, hoặc cứ tưởng nhất định sẽ phải thấy một sợi dây chạy bắt qua, thít chặt lại, thì hóa ra lại không

May 14, 2015

Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam 1957

Sưu tầm đồ cổ có lợi như thế đấy: văn bản này trông bình thường thế thôi nhưng ngày nay bản gốc của nó rất ít người có. Sang năm Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tồn tại được tròn 60 năm, "điều lệ" này cũng sẽ được 60 năm tuổi.

May 12, 2015

Sách tháng Tư 2015

- Trước tiên là những quyển nổi bật hơn cả:

Ở Hà Nội bây giờ

Mấy chục năm nữa, người ta sẽ tìm những quyển sách như thế này để xem hồi đầu thế kỷ XXI người Hà Nội như thế nào, cũng như hiện nay chúng ta xem sách của Henri Oger để biết người Hà Nội đầu thế kỷ XX ra sao:


May 10, 2015

Hậu Tố Tâm: Nhượng Tống

Chợt có lúc phải đọc lại Tố Tâm, một cuốn sách mà xưa nay tôi vẫn tránh phải xem kỹ, ngay từ đầu đã nghĩ đó không thể là một cái gì đáng kể, thì tôi bỗng nhận ra: mặc cho mọi vẻ bên ngoài đáng bực của nó (bi lụy, thống thiết) và mặc cho cái sự đáng ghét là người ta lúc nào cũng trương nó ra ở địa vị tác phẩm quan trọng trong lịch sử, Tố Tâm đúng là một tác phẩm văn chương lớn, và vị trí của nó (niên đại, giá trị của văn xuôi, v.v...) không là gì nếu so với giá trị đích thực của nó. Mặc dù đúng là Tố Tâm xuất hiện do một sự vô ý của Hoàng Ngọc Phách (muốn là thế này thì lại thành thế kia), nó tồn tại dai dẳng suốt gần một trăm năm qua trong tâm thức người Việt Nam là hoàn toàn có lý; một ca sinh nở hết sức kỳ quặc đã cho ra đời một thực thể mạnh mẽ không ngờ.

May 6, 2015

Hoàng Cầm: Cô gái nước Tần

Nhân đúng ngày Hoàng Cầm qua đời, cách đây 5 năm, "công bố" một tác phẩm kịch thơ của Hoàng Cầm. Thật ra tôi cũng không định "tưởng niệm", và cũng đã đọc Cô gái nước Tần lâu rồi, nhưng do gần đây mới phát hiện hóa ra vở kịch thơ này chưa bao giờ thấy xuất hiện trở lại trong mọi tuyển tập Hoàng Cầm, có vẻ như chính tác giả cũng quên mất nó. Lại có nhà nghiên cứu cho biết Cô gái nước Tần đã được in thành sách trong thập niên 50, nhưng tôi đã tìm kỹ mà không hề thấy; càng ngày tôi càng ngờ ngợ, hình như lắm nhà nghiên cứu văn học rất thích tưởng tượng ở những nơi chẳng thích hợp để tưởng tượng cho lắm.

Cô gái nước Tần không rực rỡ và được nuôi dưỡng bằng một cảm hứng đặc biệt lung linh như Kiều Loan, nhưng đây là một kịch thơ không hề dở, và nó còn có điểm đặc biệt, là tác phẩm Việt Nam rất hiếm hoi lấy "nước Tần" làm bối cảnh nhưng không phải chuyện Kinh Kha.

Cô gái nước Tần được đăng nhiều kỳ trên tờ Tiểu thuyết thứ Bảy vào năm 1949. Năm này, sau cơn tao loạn, Vũ Đình Long cho tục bản Tiểu thuyết thứ Bảy ở Mục Xá, đăng nhiều tác phẩm của Vũ Bằng, Ngọc Giao, Thao Thao, Tchya, cùng một số tác giả mới xuất hiện. Dưới đây là nguyên văn vở kịch, y nguyên như đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, in đậm in nghiêng và mọi thứ có thể gọi là lỗi chính tả.


May 4, 2015

Amerika: Chương ba

Đầy đủ chương ba. Trong chương này, ta có thể thấy rõ Kafka không rành địa lý nước Mỹ: ông để cho nhân vật Green nói rằng San Francisco nằm ở bờ Đông thay vì bờ Tây như trong thực tế (những chi tiết kiểu thế này sẽ còn xuất hiện vài lần trong cuốn tiểu thuyết).

May 3, 2015

Nghịch lý Tố Tâm

Đương lúc Nho giáo ở Việt Nam không còn cơ cứu vãn, một cuốn tiểu thuyết đã ra đời: Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách, viết năm 1922 khi tác giả còn học ở trường Cao đẳng Sư phạm, ban Văn chương, và in lần đầu năm 1925. Các nghiên cứu sau này đã chỉ ra rằng khó mà coi Tố Tâm là tiểu thuyết quốc ngữ (tức là hiện đại) đầu tiên của Việt Nam, nhưng Tố Tâm vẫn cứ là tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt to lớn, vì vấn đề mà nó đặt ra, vì văn chương của nó, và vì nó thực sự mới.

Tình hình rất tương tự: ở cơn hấp hối của thời kỳ Cổ điển, ở châu Âu đột nhiên xuất hiện những cuốn tiểu thuyết mới đầu dường như không mấy ý nghĩa nhưng thực chất đã mở ra cả một thời kỳ Lãng mạn: La nouvelle Héloïse, Werther Pamela. Rousseau, Goethe và Richardson đều như thể vô ý viết ra những cuốn sách không mấy ăn nhập với cả sự nghiệp của mình.


May 2, 2015

Amerika. Chương ba: Một ngôi nhà nông thôn gần New York (2)

Đoạn dưới đây khiến một số nhà phê bình Mỹ hết sức chú ý đến hành xử, thái độ và xung năng tính dục của cô Klara. Nhưng có lẽ tốt hơn hết là nên quan tâm đến những hành lang của ngôi nhà: Kafka luôn luôn có những miêu tả hành lang hết sức đặc biệt.