Aug 29, 2011

Hội nhà văn :) [xong béng]

quả này con sâu làm rầu thùng bia nhá :pp

Hội nhà văn: một mô hình định chế và các giới hạn của nó

Lucia Dragomir

[dịch từ "L'Union des écrivains: un modèle institutionnel et ses limites", tạp chí Vingtième Siècle số 109 (tháng Giêng-tháng Ba 2011), tr. 59-70; Lucia Dragomir dạy tại Đại học Bucarest, Rumani]

Các chế độ cộng sản luôn luôn coi nhà văn phải đóng một vai trò nổi bật trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Hội nhà văn phải giúp đỡ các tác giả, đã thoát khỏi mọi bận tâm về mặt vật chất, trong việc đẻ ra tác phẩm, đồng thời đảm bảo sự kiểm soát của đảng đối với các tác giả. Tuy nhiên mô hình chung ở mọi nền dân chủ nhân dân này liệu có tạo ra được sự cố kết cho khối Xô viết hay không? hay ngược lại nó làm hiện rõ hơn những khác biệt, thậm chí những xung đột có thể đặt các nước anh em vào thế đối đầu với nhau?


“Văn học phải trợ giúp Nhà nước”, Andrei Jdanov tuyên bố như vậy tại Matxcơva[1]. Những ý hệ gia hay đại diện khác của các đảng cộng sản nói thêm: văn học phải trợ giúp đảng trong việc xây dựng xã hội mới, giáo dục nhân dân và hoàn toàn phục vụ lợi ích của nhân dân[2]. Từ những lời hô hào này mà nảy sinh các chức năng của văn học và nhà văn tại các nước cộng sản. Trong mắt những xã hội khác, văn học ở Đông Âu mang một chức năng “vũ khí đấu tranh” về mặt ý hệ và chính trị, một chức năng giáo dục và tuyên truyền, hợp thức hóa các chế độ chính trị mới. “Cái Nhà nước mạnh thường quân này, theo lối không hề phi lợi ích, trao cho nghệ sĩ và nhà văn một vị thế đặc biệt: vị thế của một “kỹ sư tâm hồn” theo lời Staline, đi kèm một sứ mệnh chính trị có tầm quan trọng lớn nhất, thay đổi trật tự thế giới, Pierre Buhler tóm tắt[3].

Như vậy là các chính sách văn hóa của những Nhà nước cộng sản dành một vị trí trung tâm cho nhà văn. Chúng muốn thống nhất và thuần chất hóa các cộng đồng văn nhân nhằm hướng họ dễ dàng hơn đến những chức năng ý hệ ấy, mà đồng thời vẫn kiểm soát họ. Những mục đích này đã kéo theo việc thành lập một định chế văn học độc quyền, Hội Nhà văn. Được lập ra tại Liên Xô vào năm 1932[4], sau Thế chiến thứ hai mô hình định chế này được nhân rộng tại mọi nước Trung Âu và Đông Âu nằm dưới chế độ cộng sản. Mọi hình thức tổ chức nhà văn khác kể từ nay bị loại trừ. Các hiệp hội nhà văn trước đây hoặc bị giải tán, hoặc được tái cấu trúc để lắp vừa mô hình Liên Xô[5]. Khi không có tổ chức nào từng tồn tại trước đó, như trường hợp Albani, thì người ta tạo lập ex nihilo[6].

Tuy nhiên, việc nghiên cứu các hội nhà văn cho thấy một số biến tấu so với mô hình Liên Xô, khác nhau theo thời kỳ và tùy nước. Bởi vậy, những định chế này chính là một khía cạnh đặc biệt thích hợp cho việc đặt câu hỏi về các giá trị biểu nghĩa và sự thích đáng của khái niệm Khối Xô viết.

“Nghệ sĩ công dân”

Các nhà văn phải “thay đổi trật tự thế giới” và đời sống vật chất của họ được đặc biệt cải thiện ở Đông Âu. “Nếu các anh cần Nhà nước hỗ trợ thì cứ đề nghị nhé!” Tito nói với các nhà văn Nam Tư[7]. Sự “quan tâm đầy phỉnh nịnh[8]” mà các tác giả cùng tác phẩm của họ được hưởng đã được tuyên bố ngay từ các hội nghị nhà văn đầu tiên. Hoàn toàn giống ở Matxcơva vào năm 1934, năm diễn ra hội nghị nhà văn Liên Xô đầu tiên[9], sau chiến tranh, mặc dù có tầm mức khiêm tốn hơn, những buổi lễ nhằm chính thức hóa sự ra đời của các hội nhà văn cũng có bầu không khí khoa trương và hào nhoáng như vậy, xứng đáng với tầm quan trọng ngày một lớn mà các chính quyền cộng sản dành cho giới văn nhân. Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà văn, các đồng nghiệp nước ngoài được mời tới dự, cả những nhà văn thuộc các nước anh em và cũng có cả những nhà văn cánh tả phương Tây, các phái đoàn công nhân, nông dân, tất tật sao chép rất trung thành sự dàn dựng của Liên Xô. Ở đại hội nhà văn toàn quốc Bulgari có Mihail Sadoveanu, một trong những chủ tịch tương lai của Hội Nhà văn Rumani, Ivo Andric, đại diện cho các nhà văn Nam Tư và Aleksei Surcov cùng Ilya Ehrenbourg từ Hội Nhà văn Liên Xô[10]. Đại diện của các đảng cộng sản (đích thân Tito ở Nam Tư, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Rumani Gheorghiu-Dej, Valko Tchervenkov ở Bulgari) dùng sự hiện diện của mình để vinh danh những buổi hội họp do các “nhà văn lớn” đương thời chủ trì, nhằm lấy những diễn văn của mình củng cố cho các hy vọng đặt vào văn học tương lai[11].

“Được vinh danh hết sức”, nhưng văn chương cũng “bị kiểm soát chặt chẽ”[12]. Sự lệ thuộc về mặt chính trị của các hội nhà văn nhiều lần được thể hiện công khai, mặc dù các hội nhà văn về mặt danh nghĩa không phải là những tổ chức chính trị[13]. Có thể trở thành hội viên mà không cần là đảng viên[14], nhưng Hội Nhà văn “hoạt động dưới chỉ thị trực tiếp của đảng cộng sản, lực lượng lãnh đạo toàn xã hội chúng ta”, như điều lệ Hội Nhà văn Rumani ghi rõ[15].

Cấu trúc và hoạt động

Bị hành chính hóa cao độ, các hội nhà văn bắt chước theo định chế Liên Xô, với cấu trúc cũng “giống cấu trúc của đảng[16]”. Theo điều lệ[17], Hội Nhà văn nằm dưới quyền lãnh đạo của một chủ tịch, có thêm một hoặc nhiều phó chủ tịch và thư ký, trong đó có một tổng thư ký. Những người này đại diện cho sự lãnh đạo của Hội bên cạnh một Ban Chấp hành, nơi phụ trách quan hệ giữa Hội Nhà văn và quyền lực chính trị. Bên dưới đó, một Hội đồng điều hành hoạt động của Hội Nhà văn ở mọi phương diện và bầu ra Ban Chấp hành, theo phương thức bỏ phiếu kín, cũng như điều hành các hạng mục sáng tác. Các hội đồng chuyên trách tại Rumani cũng như những nơi khác, có cùng vai trò với ở Liên Xô: “hỗ trợ nhà văn ở các công đoạn sáng tác” “thậm chí còn phê bình bản thảo và/hoặc tác phẩm đã xuất bản”[18]. Các hội đồng này “theo một cách nào đó là bước đầu tiên trong hướng dẫn đường lối, áp dụng các chuẩn mực ý hệ-thẩm mỹ và kiểm soát tác phẩm văn học”[19]. Các hội đồng chuyên trách thực hiện nhiều công việc về chuyên môn hoặc hành chính: nhận hội viên mới, trao giải thưởng, quan hệ đối ngoại, phát hiện và hướng dẫn nhà văn trẻ… Cũng như trong mọi cơ sở xã hội chủ nghĩa[20], ở bên cạnh Hội Nhà văn còn có một Chi bộ đảng bao gồm các nhà văn là đảng viên. Nếu Hội Nhà văn đóng trụ sở ở thủ đô, nó sẽ có các chi hội ở mọi thành phố quan trọng của đất nước, thậm chí - như tại Liên Xô, Tiệp Khắc và Nam Tư - ở các nước cộng hòa hoặc các vùng.

Cấu trúc kim tự tháp này thường xuyên làm nảy sinh những xung đột giữa Hội đồng và Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Quả thực, chính quyền mong muốn những ai trung thành hơn cả với chính sách của mình là chủ lực trong việc áp dụng các biện pháp văn học. Mặc cho điều lệ, dấu ấn chính trị trong việc bầu thành viên Ban Chấp hành và đặc biệt là chủ tịch, các phó chủ tịch và các thư ký của Hội Nhà văn rõ ràng hơn nhiều so với trong quá trình bầu thành viên Hội đồng - điều này được giữ nguyên trong suốt thời kỳ cộng sản[21]. Theo nguyên tắc chung, những người nằm các vị trí cao nhất đồng thời cũng là đảng viên, thậm chí là ủy viên Trung ương đảng hoặc được Ban Chấp hành Trung ương đảng chỉ định trực tiếp[22]. Ai cũng biết rằng ở Liên Xô, Maxime Gorki, chủ tịch Hội Nhà văn đầu tiên, là một người thân cận của Staline[23]; Aleksandr Fadeev, tổng thư ký của Hội từ 1946 đến 1953, là ủy viên Trung ương đảng Liên Xô, cũng như Aleksei Surcov người kế nhiệm ông ta[24]. Ở Bungari, chủ tịch được “bầu một cách chính thức sau khi được Todor Jivkov chỉ định”[25].

Là hội viên

Theo điều lệ của Hội Nhà văn Rumani, để trở thành hội viên, ngoài các ấn bản phẩm còn phải nộp một sơ yếu lý lịch tự thuật - điều này hoàn toàn nằm trong “cơ chế lý lịch” của các nước Đông Âu mà Claude Pennetier và Bernard Pudal từng nói đến[26] - kèm với một bản liệt kê hoạt động văn học, và phải có giới thiệu bằng văn bản của ba hội viên. Tuy nhiên trên thực tế việc lấy hội viên mới là công việc khá mù mờ, không giống quy định là mấy, ở cả Rumani lẫn những nơi khác. Khi nghiên cứu trường hợp Liên Xô, Antoine Baudin nêu nhận xét: “gần như là người ta hoàn toàn lờ đi thực tiễn nhận hội viên mới cũng như sự xứng đáng về chính trị và chất lượng văn chương[27]” [chỗ này chắc chép sai gì đó, chả hiểu gì cả]. Theo nghiên cứu của chúng tôi về trường hợp Rumani, độ khó của việc được kết nạp hội viên Hội Nhà văn rất khác nhau theo các thời kỳ: Hội nhân đôi số lượng hội viên trong những năm 1960 và 1970, nhưng kết nạp rất ít hội viên mới trong thập niên cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản. Sức ép chính trị cũng dẫn tới chỗ nhiều tiêu chí mới được bổ sung khi xét kết nạp hội viên, chẳng hạn bắt buộc “phải có nơi làm việc” (điều lệ năm 1977) hoặc phải có sự giới thiệu của đảng (điều kiện bất thành văn, nhưng các ứng cử viên đều phải có[28]). Trong số những người mà chúng tôi đã phỏng vấn, nhiều nhà văn không nhớ được chính xác ngày họ trở thành hội viên Hội Nhà văn, cũng như các điều kiện cần thiết khi họ được kết nạp. Có vẻ như là những tiêu chí cần thiết thay đổi tùy thuộc tình hình, số ấn bản phẩm theo quy định cũng khác nhau - nhưng “người ta có thể trở thành hội viên mà chưa in tác phẩm nào[29]”, vì, rốt cuộc, “điều kiện quan trọng nhất để trở thành hội viên là có những mối quen biết trong Hội[30]”. Ngược lại, một nhà văn nhiều hứa hẹn có thể được mời trở thành hội viên mà không nhất thiết phải thực hiện dầy đủ mọi thủ tục hành chính.

Các nhà văn tìm cách trở thành hội viên Hội Nhà văn nước mình trước hết là vì ngoài đó ra “không có hoạt động văn học nào nữa[31]” hoặc, nói cho rõ hơn, không có hoạt động văn học được công nhận chính thức nào nữa. Độc quyền của Hội trên mọi không gian văn học quốc gia được đảm bảo bởi bộ máy phát hành mạnh mẽ của nó: nó sở hữu nhà xuất bản riêng, các tờ tạp chí và những tờ báo[32]. Vì vậy, ngay cả khi nhà văn muốn giữ khoảng cách, chẳng hạn như Václav Havel, người từng thú nhận mình căm ghét Hội, gần như là họ bị buộc phải tham gia[33]. Ngoài ra Hội Nhà văn còn cung cấp cho hội viên của mình không ít sự công nhận có tính chất biểu tượng, từ tọa đàm, hội thảo trước đông người cho tới các vị trí nổi bật trong không gian văn học, văn hóa và chính trị (bộ trưởng, đại biểu quốc hội, nhà ngoại giao), đó là chưa tính đến những bản dịch ra tiếng nước ngoài và các giải thưởng[34]. Ngoài danh tiếng dễ thấy này còn có những lợi ích vật chất đáng kể càng củng cố thêm cho vị thế được ưu tiên đó, kể cả tại các xã hội cộng sản lâm vào hoàn cảnh đói kém. Tiền tác quyền,  rất đáng kể thời ấy, còn được bổ sung bởi một nguồn tài chính gần như vô tận: ở bên cạnh tất cả các hội nhà văn bao giờ cũng có một quỹ văn học do đảng cộng sản lập ra nhằm giúp đỡ các nhà văn về phương diện vật chất[35]. “Quỹ hỗ trợ” này lấy nguồn tiền từ tiền hội phí (chỉ có tính chất biểu tượng) của hội viên, từ ngân sách Nhà nước và phần trăm trích từ tiền tác quyền[36]. Quỹ chi các khoản tạm ứng, dài hạn và không lấy lãi, được coi như là tiền trả trước cho tác phẩm trong tương lai. Những khoản cho vay này không phải lúc nào cũng dẫn tới các tác phẩm văn chương[37] và trở thành những món nợ dồn lại, dần gây ra vấn đề cho những người phụ trách quỹ[38]. Số tiền hào phóng này còn phục vụ cả những món hỗ trợ và lương hưu - đau ốm, thương tật, mất khả năng lao động - học bổng hoặc hỗ trợ tìm tài liệu trong và ngoài nước, và cả bảo hiểm xã hội, y tế cho hội viên và gia đình họ[39]. Cùng lúc đó, Hội Nhà văn cho phép hội viên sử dụng những ngôi nhà của Hội để phục vụ công việc sáng tác hoặc nghỉ ngơi. Cho dù là nhà ở nông thôn, ở biển hay trên núi, thậm chí ở các khu nghỉ dưỡng xa xỉ, số tiền phải trả bao giờ cũng vô cùng thấp[40].

Địa vị hội viên Hội Nhà văn còn mở ra những ưu tiên khác mà phần lớn người dân không thể xâm nhập. Ví dụ, tại Đông Đức, “trong xã hội đói kém hồi những năm 1950”, khi đã trở thành hội viên, nhà văn “được cấp một chỗ ở, lượng chất đốt cao hơn những người khác”, “có thể đi du lịch nước ngoài và được dùng ngoại tệ”[41]. Từ 1929 đến 1934, giai đoạn ở Liên Xô đặc trưng là sự đói kém, phân phối, nhà tập thể chật chội và những hàng người xếp hàng dài dặc, các nhà văn thuộc vào những người được hưởng khẩu phần ăn “chuyên viên”, nhà ở có diện tích lớn hơn, cộng thêm ba mươi datcha mỗi cái gồm bốn-năm phòng ở “làng nhà văn” nổi tiếng tại Peredelkino[42]. Các nhà văn Ba Lan thì biết tới “những căn hộ tiện nghi”[43], các nhà văn Rumani và Bungari thì được ở những khu phố đẹp nhất Bucarest và Sofia[44]. Tem phiếu ưu tiên ở các cửa hàng lương thực theo chế độ đặc biệt, trong các quán ăn và câu lạc bộ nhà văn[45], khả năng mua được xe ôtô trong thời hạn ngắn hơn các bộ phận dân cư khác[46], tất cả đều thuộc vào những khía cạnh giúp cải thiện rõ rệt cuộc sống thường nhật của nhà văn.

Các giải thưởng văn học, vốn nhan nhản vào thời cộng sản, cũng đóng một vai trò quan trọng. Bên cạnh các giải thưởng của Hội Nhà văn mà khía cạnh vật chất đi song hành với giá trị biểu tượng còn có các giải thưởng, huân chương và đặc quyền mà nhiều tổ chức trao: các hội đồng địa phương, vùng hoặc các festival. Các giải thưởng Nhà nước được dành cho những tác giả trung thành nhất ở Rumani, ở Ba Lan và ở Tiệp Khắc, với giá trị vật chất không hề kém cỏi. Ở Hungari, giải Kossuth được trao ba năm một lần[47]. Được trao hằng năm từ 1941 đến 1952[48] bởi các hội nghệ thuật Liên Xô, giải tưởng Staline tuân theo những lựa chọn “được chuẩn y [và đôi khi bị thay đổi] bởi đích thân nhà độc tài[49]”; ở Bungari, giải thưởng Dimitrov được trao hằng năm kể từ 1950 theo lựa chọn của Hội đồng Nghệ thuật và Văn hóa trong Trung ương Đảng Cộng sản[50].

Tiền hội phí đóng cho Hội Nhà văn mang tới khả năng hưởng các nguồn lợi của hội, nhưng không dẫn đến sự chắc chắn về sự hưởng lợi ngang bằng. Các chức vụ quan trọng hay ít quan trọng trong không gian văn chương và trong Hội Nhà văn, mức độ nổi tiếng, thể loại văn học mà nhà văn sử dụng, việc thuộc “trung tâm” hay một chi hội ở tỉnh trong Hội, các vị trí chính trị hay những mối quan hệ cá nhân với những người nắm quyền quyết định các nguồn lực làm nảy sinh những bất bình đẳng giữa các nhà văn, trong số họ nổi bật lên một “nhóm được ưu tiên”[51]. Bởi những khác biệt ấy, sự giàu có về vật chất của Hội và những lợi thế mang tính chất biểu tượng mà nó có thể tạo ra cho hội viên của mình gây nên những bất mãn và đối đầu nội bộ. Từ đó, những tranh đấu giành các vị trí quan trọng, vốn đầy rẫy trong các không gian văn chương[52], ngày càng nhiều và gay gắt tại Đông Âu[53].

Như vậy là trong so sánh với các chế độ khác[54], chính quyền các nước cộng sản dành cho nghề văn một vị trí trung tâm, điều đó được thể hiện ở sự cải thiện lớn trong điều kiện sống và điều kiện làm việc của họ, với cái giá phải trả là Nhà nước phải huy động rất nhiều nguồn tài chính. Tuy nhiên, thông qua những khoản chi rất lớn cho văn chương, các Nhà nước cộng sản có ý định biến đổi chức năng của nhà văn: khi đã thoát khỏi những bó buộc của thị trường, tập hợp lại trong một định chế duy nhất, chịu sự kiểm soát của chính quyền, kể từ nay các nhà văn phải phục vụ quần chúng, điều đó có nghĩa là phục vụ cho công cuộc truyền bá của chế độ. Việc thành lập các hội tương hợp nhiều hơn với một ý đồ chính trị (mặt khác chúng cũng được sinh ra từ các quyết định chính trị), chứ không phải tương hợp với những điển phạm về mặt nghề nghiệp của những người bị buộc gia nhập chúng. Cả các chức năng lẫn cách vận hành của những định chế này đều không thể hiện sự mong muốn đồng lòng của các tác giả khi tập hợp lại với nhau ở đó[55]. Sau năm 1989, nhiều nhà văn rời khỏi hội, qua đó cho thấy sự phản đối của họ trước tính chất định chế chuyên nghiệp có tính chất đại diện của các hội.

Những quan hệ hợp tác giữa các hội

Việc định ra hình mẫu Hội Nhà văn ở Liên Xô, việc nó được sao chép và phát triển mạnh ở Đông Âu được đảm bảo bằng những mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ của các định chế trong suốt thời cộng sản. Các nhà văn “đại diện” lần lượt tham gia những sự kiện quan trọng nhất ở các hội anh em, kể từ đại hội đầu tiên. Cùng lúc đó, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, “phương pháp”[56] sáng tạo sớm hay muộn đều được các hội tiếp nhận[57], trước hết được ấn định thông qua tuyên bố về các nguyên lý của mình giống hệt như ở Liên Xô. Chẳng hạn như tại Rumani, các bài báo của Liên Xô, những quyết định và báo cáo chính trị về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, cũng như tường thuật các phiên họp của nhà văn Liên Xô nhanh chóng được xuất bản. Rất tiêu biểu, Báo cáo Jdanov và Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về các tạp chí ZvezdaLeningrad - bị phê phán vì đã đăng các tác phẩm “xa lạ với văn học Liên Xô”[58] - được phổ biến rộng rãi, với mục đích “chiến thắng trước sự kháng cự của những người tìm cách giẫm chân tại chỗ trong những thứ lý thuyết cổ lỗ “nghệ thuật vị nghệ thuật””[59]. Trong thời kỳ Staline, các nguyên lý mà Andrei Jdanov phát biểu về văn học được ấn định ngay tại Rumani cũng như ở các nền dân chủ nhân dân khác[60]. Các tác phẩm Nga tập trung vào việc phân tích những vấn đề văn học và nghệ thuật “thông qua các nguyên lý mác xít lê nin nít” cũng được dịch. Tác phẩm của Lênin mang tên Về văn học nghệ thuật[61] là một ví dụ nổi bật.

Hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn học quốc gia được đảm bảo thông qua dịch thuật, được quyết định nhờ vào những thỏa thuận giữa các hội. Trong thập niên đầu của chủ nghĩa cộng sản, chính sách này đã dẫn tới sự giao dịch nhộn nhịp các tác phẩm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà trước hết là của Liên Xô[62].

Ở Rumani, công việc này chủ yếu được Nhà xuất bản Sách Nga đảm nhiệm. Trong quãng thời gian từ 1944 đến 1948, 188 sách văn học cổ điển Nga và Liên Xô đã được xuất bản tại Rumani. Ba tập Sông Đông êm đềm của Mikhail Cholokhov in đến hơn mười nghìn bản. Người mẹ của Maxime Gorki in mười nghìn bản, Chiến tranh của Ilya Ehrenbourg in năm nghìn bản. Được tái bản, Thép đã tôi thế ấy của Nikolai Ostrovski in tới mười sáu nghìn bản[63]. Theo các số liệu do Ioana Popa thu thập được[64] , từ năm 1945 đến năm 1946, có 741 sách văn học Liên Xô được dịch ở Tiệp Khắc. Năm 1949, chúng chiếm hơn một nửa tổng đầu sách dịch ở Hungari, trong khi ở Ba Lan chúng chiếm hơn một phần ba vào năm 1949 và lên đến gần hai phần ba vào năm 1951.

Một mục đích khác của sự hợp tác giữa các hội nhà văn là chủ đích đào tạo “nhà văn mới”, cả ở đây cũng theo hình mẫu Liên Xô. Năm 1950, tại Bucarest Trường viết văn và phê bình văn học Mihai Eminescu được thành lập - lấy cảm hứng từ Viện Maxime Gorki ở Matxcơva[65] - nhằm đào tạo các nhà văn qua sự giảng dạy văn học của những nhân vật nổi tiếng của văn học Nga, cộng thêm một sự đào tạo về ý hệ[66]. Năm 1955, Đông Đức cũng đi theo hình mẫu đó và lập ra tại Leipzig Viện văn học Johannes R. Becher[67]. Viện Gorki không chỉ đào tạo nhà văn cho Liên Xô mà cả các nhà văn có nhiều hứa hẹn của các nước vệ tinh[68]. Chẳng hạn như các nhà văn Bungari Blaga Dimitrova và Gyorgy Djagarov, Djagarov còn trở thành một chủ tịch Hội Nhà văn[69], hay nhà văn Ismail Kadaré[70] từng có trải nghiệm này.

Kể từ những năm 1960, việc hợp tác giữa các hội được quy định bằng các bản thỏa thuận hợp tác[71]. Vào lúc này, mọi thứ dường như diễn ra theo một cách thức rất hài hòa. Những thỏa thuận ấy quy định các trao đổi hai chiều thường niên giữa các đoàn đại biểu nhà văn và dịch giả trong vòng từ ba tuần đến hai tháng, và những trao đổi thông tin liên quan đến những hoạt động văn học quan trọng cũng như những ấn bản phẩm mới nhất của mỗi nước, việc gửi cho nhau các tạp chí văn học và những trao đổi giữa các đại diện. Chẳng hạn tài liệu lưu trữ nêu lên những trao đổi giữa Secolul XX (tạp chí Rumani) và Navyvilag (tạp chí Hungari), giữa Liternaturnaia Gazeta của Liên Xô và Gazeta literara của Bucarest[72]. Thêm vào đó là việc gửi qua lại những bản dịch tác phẩm và bài báo cũng như sự “phổ biến” những người khách mời thông qua các phóng sự, bài phỏng vấn và ấn bản phẩm tại nước đón tiếp. Chỉ trong năm 1966, ở phương diện số lần đến viếng thăm Rumani, Hội Nhà văn ghi nhận mười hai hoạt động được thực hiện với các nước xã hội chủ nghĩa, trong khi đó các hoạt động với những nước khác là bốn, trong khuôn khổ các chương trình văn hóa[73].

Ngoài những trao đổi ấy, hằng năm các hội cũng thay nhau tổ chức các cuộc họp với đại diện của mình[74]. Việc tổ chức những cuộc gặp đó, được lên kế hoạch trong các cuộc họp của Ban Chấp hành, thuộc phạm vi trách nhiệm của những người phụ trách hoạt động đối ngoại của các hội. Về nguyên tắc, các đoàn đại biểu được tạo ra sao cho chúng truyền tải “đúng đắn” cho bên ngoài hoạt động và quan điểm của mỗi hội. Đoàn đại biểu “lý tưởng” vừa gồm các nhà văn trẻ “nhiều hứa hẹn” và các nhà văn đã nổi tiếng. Cách lựa chọn như vậy là nhằm để các cuộc họp không rơi vào trường hợp chỉ có toàn “những cái tên không ai biết đến”[75].

Ngoài các hiệp ước văn hóa song phương, các đoàn đại biểu của các hội cũng họp lại trong phạm vi mở rộng hơn nhân dịp festival, hội thảo, hội nghị, chẳng hạn Festival thơ ca Struga ở Nam Tư, những cuộc họp quốc tế ở Sofia[76], hội thảo các nhà xuất bản năm 1957 ở Leipzig - trong đó các nước xã hội chủ nghĩa quyết định thông tin cho nhau về các bản dịch được thực hiện - có các hạng mục như[77] kỷ niệm một trăm năm đối với các nhà văn “dân tộc”[78]; những Ngày thơ ở Budapest[79]; Festival Tourgueniev năm 1968[80] hoặc Festival Pouchkine năm 1979[81]. Những cuộc gặp này cũng có thể nhằm mục đích thúc đẩy việc thực hiện các tuyển tập, như tuyển tập nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm “Cách mạng Tháng Mười Vĩ đại”, mà các nhà thơ của tất cả các nước Đông Âu đều được mời tham gia[82].

Những cuộc gặp gỡ quốc tế hoặc song phương mang lại các cơ hội bàn luận, đọc văn học, quảng cáo ấn bản, tranh luận ý hệ và đóng góp rất nhiều vào một sự hội tụ nhất định các thực hành và sản phẩm văn chương tại các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng cũng thúc đẩy một hoạt động du lịch mạnh mẽ và ta có thể giả định rằng chúng thúc đẩy nhiều tình bạn và mối quan hệ phi chính thức giữa các nhà văn.

Thư từ trao đổi với số lượng lớn giữa các hội phản ánh bản tính sự hợp tác của họ. Chủ yếu nó gợi ra các khía cạnh hành chính, ghi lại những bức điện tín được gửi đi nhân nhiều dịp sự kiện văn học khác nhau hoặc “những ngày quan trọng của dân tộc”[83], nhưng cũng cho thấy những cuộc tranh luận về các đề tài chính trị “nóng bỏng”. Chẳng hạn, Hội Nhà văn Hungari đề nghị tình đoàn kết từ hội Rumani, tuyên bố rằng mình từ chối tham gia một cuộc gặp nhà văn quốc tế tổ chức vào tháng Mười 1966 do hiệp hội văn học Áo tổ chức. Hội “[cho rằng] cuộc họp ở Áo có ý đồ bắt các nhà văn Hungari phải chịu thêm những lời sỉ nhục, vì nó được tổ chức đúng vào ngày kỷ niệm phản cách mạng”[84]. Những người Rumani nhận thấy “thái độ chính trị chống cộng” của người Áo và do dự trong việc nhận lời mời của họ[85]. Lời kêu gọi tình đoàn kết giữa các hội này không phải độc nhất. Tháng Bảy 1966, Hội Nhà văn Liên Xô đòi hỏi các nhà văn xã hội chủ nghĩa phải lựa chọn một vị thế chính trị chung chống lại “sự xâm chiếm của đế quốc Mỹ vào Việt Nam” và mời các hội dự một cuộc họp của Ủy ban Liên Xô về quan hệ với các nhà văn Á Phi[86]. Cùng tinh thần đoàn kết này đã khiến Hội Nhà văn Rumani coi việc mình được mời dự hội nghị “Nhà văn với tư cách tinh thần độc lập” do Pen-club quốc tế tổ chức là “đặc biệt không thích hợp”. Chủ đề của hội nghị và việc nó diễn ra trong bối cảnh vụ án xử các nhà văn Liên Xô Andrei Siniavski và Iouli Daniel[87], một trong những điểm “nóng bỏng” trong chương trình nghị sự liên quan tới mối quan hệ với Hội Nhà văn Liên Xô[88], đã khiến cho chủ tịch Hội Nhà văn thể hiện sự do dự trong việc đưa Rumani dự họp[89].

Một sự hợp tác không hoàn hảo

Tuy nhiên không hề có sự hợp tác hoàn hảo giữa các hội nhà văn của những nước xã hội chủ nghĩa, lại càng không có một khối thuần nhất các nhà văn xã hội chủ nghĩa. Việc các hội nhà văn có hoạt động chung mạnh mẽ trong suốt thời kỳ cộng sản không ngăn cản đã xuất hiện những xung đột ít nhiều bị che giấu, xuất phát từ những khác biệt về thái độ chính trị và văn học mà tài liệu lưu trữ đôi khi vẫn hé lộ.

Khi Rumani tách một phần khỏi khối Xô viết trong những năm 1960[90], những mối quan hệ giữa hai hội đã xuất hiện nhiều kẽ nứt. Khi ấy định chế văn học Rumani nhận được những lời yêu cầu lặp đi lặp lại về tăng cường hợp tác. Viktor Cerneavski, chủ tịch Ủy ban quốc tế của Hội Nhà văn Liên Xô, vào năm 1966 đề nghị hai hội tăng số ngày lưu lại của các đại biểu trong khuôn khổ những trao đổi thường kỳ, hợp tác theo cách thức có hệ thống hơn “nhằm tới triển vọng dịch thuật từ cả hai phía” và, cuối cùng, tiến hành “những trao đổi liên tục về vật lực, tác phẩm, con người, tạp chí và ấn phẩm, hiệu quả hơn ở phạm vi lớn hơn”[91]. Tuy nhiên những trao đổi giữa hai hội không phải lúc nào cũng thành công. Đoàn đại biểu Rumani dự các hoạt động tổ chức ở Matxcơva vào Những ngày thơ ca Liên Xô tháng Chạp năm 1966 làm người ta hiểu rằng quan điểm của mình về văn học và “tự do của các nhà thơ trong việc định nghĩa thơ ca, tự do và không gian thơ” không hề bị lung lay bởi những người tổ chức Liên Xô[92].

Xuất bản vào năm 1975, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Rumani Marin Preda mang tên Le Délire gây ra một xung đột vài năm sau đó. Sự nổi loạn của các thành viên trong phong trài légionnaire (la Gare de fer), một hình ảnh được tô vẽ trở lại về nguyên soái Antonescu và sự tham gia của Rumani trong Thế chiến thứ hai vẽ nên cái khung lớn cho câu chuyện. Báo chí Liên Xô phản ứng ngay lập tức bằng một bài báo đăng trên Literaturnaia Gazeta ngày 14 tháng Năm 1975, ngoài những điều khác chê trách tác giả Rumani về “quan niệm duy tâm” và “mất lập trường tư tưởng” của ông[93]. Có vẻ như là phản ứng của người Liên Xô bắt nguồn từ sự thiếu vắng phong trào công nhân trong cuốn tiểu thuyết và trong việc phục hồi cho nguyên soái Antonescu. Một nhà phê bình được trọng vọng, Ovidiu S. Crhmalniceanu, dùng một giọng văn thẳng thừng chỉ trích sự can thiệp thô bạo của tác giả Liên Xô vào công việc riêng của các nhà văn Rumani[94]. Nhưng mọi việc còn chưa dừng lại ở đó. Các chức sắc chính trị cũng can thiệp vào việc này. Theo bí thư Hội đồng trung ương Rumani phụ trách tuyên truyền thời ấy, đại sứ quán Liên Xô ở Bucarest đã phản đối việc in cuốn tiểu thuyết này. Ngay khi ấy Marin Preda viết một phiên bản khác cuốn tiểu thuyết của mình, thêm vào vài đoạn nhắc tới hoạt động của những người cộng sản nhằm, có vẻ như vậy, làm dịu tình hình[95].

Những yếu kém trong hợp tác văn học xã hội chủ nghĩa không chỉ nằm trong những bất hòa giữa các nhà văn Rumani và các nhà văn Liên Xô. Cuộc họp quốc tế tổ chức tại Sofia từ 31 tháng Chạp 1967 đến 3 tháng Giêng 1968 cung cấp một điểm quan sát rất tốt về những khác biệt trong thái độ văn học và chính trị của các hội nhà văn[96]. Trong khi người Bungari khẳng định rằng các nhà văn xã hội chủ nghĩa vẫn thống nhất bên trong phương pháp chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì các hội khác đã cắt đứt với học thuyết duy nhất phản đối điều đó. Đoàn đại biểu Liên Xô bị tấn công từ phía những người dự họp về việc đã không thông báo cho các đồng nghiệp về bức thư phản đối mà Alexandre Soljenitsyne gửi cho Hội Nhà văn Liên Xô[97], bức thư mà họ chỉ biết được qua báo chí phương Tây. Jozsef Darvas, chủ tịch Hội Nhà văn Hungari, đến lượt mình cũng đứng lên chỉ trích đoàn đại biểu Rumani vì chính sách đối xử với các nhà văn Hungari sống tại Rumani, nhấn mạnh vào sự khó khăn mà họ gặp phải để xuất bản tác phẩm ở Rumani, và bị hạn chế tham khảo sách in ở Hungari.

Mặt khác các hội nhà văn sử dụng nhiều chiến lượng đa dạng trong thỏa thuận với quyền lực chính trị về những mở ra và đóng lại của các chế độ: thường thì họ đi từ sự lệ thuộc chính trị gần như hoàn toàn tới một sự tự trị tương đối, tuy nhiên với những khác biệt nhỏ giữa các nước. Một số hội đã trở thành địa điểm phản kháng công khai chống lại quyền lực hiện hành và vi phạm “hợp đồng” đã cho phép họ được thành lập. Các hội này bị giải tán rồi được tái cơ cấu theo mục đích ban đầu, như ở Hungari sau năm 1956, ở Tiệp Khắc sau năm 1968 hoặc ở Ba Lan sau năm 1980. Việc ngăn chặn các hoạt động của Hội Nhà văn Rumani sau 1985 cũng đi theo hướng này. Tuy nhiên khía cạnh vừa nêu của Hội Nhà văn Rumani không làm thay đổi nhiều thái độ khá ngoan ngoãn của họ trong quan hệ với quyền lực, tương tự với thái độ của những người đồng nghiệp Đông Đức, Bungari, Liên Xô hay Albani.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa các hội cũng không chỉ có tính chất chính thức. Hội viên của các hội rất quan tâm theo dõi nhất cử nhất động trong nội bộ các hội khác và họ có ảnh hưởng lẫn tới nhau. Những năm 1960-1970 được đặc trưng bởi một sự đối đầu liên tục giữa sự phản đối của trí thức, ít nhiều công khai hoặc cực đoan, trước quyền lực cộng sản. Những sự phản đối cá nhân hoặc tập thể thường thành công trong việc vượt qua các đường biên giới, để rồi, theo lời Fernando Claudin, “một sự liên hệ ngày càng chặt chẽ hơn đã hình thành giữa các phong trào chống đối ở các nước thuộc khối Xô viết”[98]. Có hai sự kiện đã đóng một vai trò trọng yếu: mùa xuân Praha và Hiến chương 77. Khởi phát ở Tiệp Khắc, các tư tưởng của chúng đã đến với trí thức tất cả các nước thuộc khối Xô viết, ngay cả khi không phải lúc nào họ cũng có được phương tiện để thể hiện một cách công khai, vì các chế độ cộng sản đã siết chặt kiểm soát[99]. Chẳng hạn, ở Rumani, vào mùa xuân năm 1968 các nhà văn trẻ, lần đầu tiên trước quyền lực chính trị, đòi bỏ kiểm duyệt[100]. Cùng năm đó, cuộc hội thảo của Hội Nhà văn đã trở thành diễn đàn để các nhà văn  Rumani tấn công vào nhiều khía cạnh cấm kỵ thời ấy, tập trung cả vào ban chủ tịch của Hội và phản đối ngay sự vận hành của hội, đòi tái tổ chức để nó trở nên “mềm dẻo hơn, năng động hơn”[101]. Hiến chương 77, viện tới thỏa thuận Helsinki năm 1975 đảm bảo cho các nước ký kết quyền và tự do công dân, cũng đã tập hợp được những người chống đối của gần như mọi nước Đông Âu[102]. Có chữ ký của hai trăm ba mươi tám nhân vật nổi tiếng Tiệp Khắc, phong trào cũng có được sự ủng hộ của ba mươi tư trí thức Hungari, KOR Ba Lan (tức Ủy ban bảo vệ công nhân được giới trí thức thành lập), của Sakharov ở Liên Xô[103] và nhà văn Rumani Paul Goma[104].


Như vậy là các Hội Nhà văn đã được tạo ra theo mô hình Liên Xô, và tìm cách giữ nguyên như vậy trong suốt thời kỳ cộng sản, cả bằng những chiến lược trong nước (những bó buộc chính trị và cả sự tham gia của các hội viên) lẫn một sự hợp tác mạnh mẽ, hòa hợp tuy không phải lúc nào cũng vậy, với các hội đồng nghiệp trong không gian Xô viết. Tuy vậy, tài liệu cũng phản ánh những tiến triển cho thấy các giới hạn của mô hình, đôi khi còn đi tới chỗ đặt ra nghi ngờ, thậm chí biến một số hội thành địa điểm chống đối lại quyền lực chính trị, do đó mà vi phạm hợp đồng ban đầu của họ. Các xung đột bên trong hội và một số căng thẳng ghi nhận được trong các trao đổi văn học giữa những nền cộng hòa nhân dân một phần đặt ra vấn đề về ý tưởng một “sự chuyển giao đồng nhất” và một “hiệu ứng mang tính chất đồng phục hóa” của mô hình văn học và định chế Liên Xô tại các Nhà nước xã hội chủ nghĩa khác nhau, ý tưởng mà khái niệm “khối Đông Âu” dẫn chiếu tới[105].


[1] Petru Negura, “Gels et dégels du réalisme socialiste: les transformations sociales de la littérature en Moldavie soviétique, du jdanovisme à la déstalinisation”, in Mihai Dinu Gheorghiu (dir.), Littératures et pouvoirs symboliques, Pitesti, Paralela 45, 2005, p. 59.
[2] Vladimir Miguev, Balgarskite pisateli I polititcheskiat jivot v Balgaria (1944-1970), Sofia, Kota, 2001, p. 55; Koço Bihiku, Histoire de la littérature albanaise, Tirana, 8 Nentori, 1980, p. 161; Marci Shore, “Engineering in the Age of Innocence: a Genealogy of Discourse Inside the Czechoslovak Writers’ Union, 1949-67”, East European Politics and Society, 12 (3), 1998, p. 403.
[3] Pierre Buhler, Histoire de la Pologne communiste: autopsie d’une imposture, Paris, Karthala, 1997, p. 270.
[4] Quyết định ngày 23 tháng Tư năm 1932 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, “tập hợp mọi nhà văn bên dưới quyền lực xô viết” trong một Hội Nhà văn duy nhất (Michel Aucouturier, Le Réalisme socialiste, Paris, PUF, 1998, p. 54-55).
[5] Carl Tighe, The Politics of Literature: Poland 1945-1989, Cardiff, University of Wales Press, 1999, p. 78-80; Lubov Panova, “L’Union des écrivains bulgares pendant la période communiste: enjeux et stratégies littéraires”, DEA de sociologie, EHESS, Paris, 2001, p. 22; Vladimir Miguev, Balgarskite pisateli I polititcheskiat jivot v Balgaria (1944-1970), Sofia, Kota, 2001, p. 68; Archives de l’Union des écrivains de la Roumanie (AUER), “Recueil d’actes normatifs, 3”, décret d’État no 267/24, juin 1949. Chúng tôi đã phân tích chi tiết hơn về trường hợp Rumani trong Lucia Dragomir, L’Union des écrivains. Une institution transnationale à l’Est: l’exemple roumain, Paris, Belin, 2007.
[6] Koço Bihiku, Histoire de la littérature albanaise, Tirana, 8 Nentori, 1980, p. 163.
[7] Josef Krulic, Histoire de la Yougoslavie de 1945 à nos jours, Bruxelles, Complexe, 1993, p. 78.
[8] Miklos Haratzi, L’Artiste d’État: de la censure en pays socialiste, Paris, Fayard, 1983, p. 107-108.
[9] Régine Robin, Le Réalisme socialiste: une esthétique impossible, Paris, Payot, 1986, p. 38-65; Michel Aucouturier, op. cit., p. 58-60.
[10] Vladimir Miguev, op. cit., p. 20.
[11] Ibid.; Josef Krulic, op. cit., p. 78; “Salutul CC al PMR adresat Conferintei scriitorilor din RPR”, Scinteia, 1385, 26 mars 1949, p. 1.
[12] Anne-Marie Thiesse et Nathalia Chmatko, “Les nouveaux éditeurs russes”, Actes de la recherche en sciences sociales, 126-127, 1999, p. 75-90, p. 75.
[13] Carl Tighe, op. cit., p. 81.
[14] John et Carol Garrard, Inside the Soviet Writers’ Union, New York, Collier Macmillan Publishers, 1990, p. 3.
[15] AUER, điều lệ Hội Nhà văn Rumani, 1969, p. 1; xem thêm trường hợp Bungari, Vladimir Miguev, op. cit., p. 65.
[16] John et Carol Garrard, op. cit., p. 3.
[17] Ở đây chúng tôi sử dụng điều lệ của Hội Nhà văn Rumani, tìm được trong hồ sơ lưu trữ. Chúng tôi cũng đã tìm được các nghiên cứu miêu tả chi tiết cấu trúc Hội Nhà văn ở Liên Xô, Bungari và Ba Lan, cho thấy những tương tự quan trọng với trường hợp Rumani: Antoine Baudin, Le Réalisme socialiste soviétique de la période jdanovienne (1947-1953), Bern, Peter Lang, 1998, t. 2; John et Carol Garrard, op. cit.; Lubov Panova, op. cit.; Vladimir Miguev, op. cit.; Carl Tighe, op. cit.
[18] Antoine Baudin, op. cit., p. 17.
[19] Ibid.
[20] Sandrine Kott, Le Communisme au quotidien: les entreprises d’État dans la société est-allemande, Paris, Belin, 2001, p. 34-39.
[21] Phỏng vấn các thành viên Ban Biên tập tạp chí Rumani Romania literara: Adriana Bittel, Alex Stefanescu, George Dimisianu, Ioana Parvulescu, Bucarest, ngày 27 tháng Bảy 1999; phỏng vấn Augustin Buzura, Bucarest, ngày 6 tháng Mười một 2003; hồ sơ lưu trữ cho thấy khía cạnh này: thư ngày 4 tháng Chín 1982 của phó chủ tịch Hội Nhà văn Rumani Laurentiu Fulga gửi Ban Thanh tra Cảnh sát Bucarest; AUER, hồ sơ 31 “Thư từ trao đổi của UE 1970-1989”; và Mihal Pelin (cb.), Cartea Alba a Securitatii, Istorii literare si artistice. 1969-1989, Bucarest, Presa Romaneasca, 1996, p. 326-327.
[22] Mihai Dinu Gheorghiu, “Le champ littéraire et ses institutions internationales”, Liber, 28, 1996, p. 10; Carl Tighe, op. cit., p. 70-71.
[23] Vitali Chentalinski, La Parole ressuscitée: dans les archives littéraires du KGB, Paris, Robert Laffont, 1993, p. 391-393.
[24] Antoine Baudin, op. cit., p. 14-15.
[25] Lubov Panova, op. cit., p. 25.
[26] Claude Pennetier et Bernard Pudal, Autobiographies, autocritiques, aveux dans le monde communiste, Paris, Belin, 2002, p. 26.
[27] Antoine Baudin, op. cit., p. 23.
[28] Phỏng vấn Mihai Dinu Gheorghiu, Paris, ngày 22 tháng Chạp 1999.
[29] Phỏng vấn George Astalos, Paris, ngày 22 tháng Ba 2000.
[30] Phỏng vấn A. (giấu tên), nhà văn Rumani, Bucarest, ngày 23 tháng Chín 2001.
[31] Antoine Baudin, op. cit., p. 22.
[32] Michel Aucouturier, op. cit., p. 61.
[33] Václav Havel, Interrogation à distance: entretien avec Karel Hvizdala, La Tour d’Aigues, L’Aube, 1989, p. 68-69 et p. 80.
[34] Guéorgui Marcov, Zadotchni reportaji za Balgaria, Sofia, Profizdat, 1990, p. 137; Pierre Buhler, op. cit., p. 270; Vladimir Miguev, op. cit., John et Carol Garrard, op. cit.; Czeslaw Milosz, La Pensée captive: essai sur les logocraties populaires, Paris, Gallimard, 1953; Miklos Haratzi, L’Artiste d’État: de la censure en pays socialiste, Paris, Fayard, 1983.
[35] AUER, “Recueil d’actes normatifs, 3”, nghị định số 31 ngày 29 tháng Giêng 1949.
[36] Ibid.; xem thêm Antoine Baudin, op. cit., p. 16.
[37] Antoine Baudin, op. cit., p. 17.
[38] AUER, dossier “Secrétariat 1967, janv.-juin”, rapport présenté devant le Comité de l’Union des écrivains par Zaharia Stancu dans la séance plénière du 21 février 1967.
[39] Michel Aucouturier, op. cit., p. 61; Serguei Borovikov, “La province après le dégel”, Esprit, juillet 1996, p, 146; Miklos Haratzi, op. cit., p. 101.
[40] Miklos Haratzi, op. cit., p. 9 et p. 85; Michel Aucouturier, op. cit., p. 61; Serguei Borovikov, op. cit., p. 146; Nicole Gabriel, “Chute du Mur, déchéance de l’écrivain? De Prométhée à Schlemihl: figures d’écrivains à l’Est de l’Allemagne”, Tumultes, 12, 1999, p. 157-177, p. 159; Pierre Buhler, op. cit., p. 270; Guéorgui Marcov, op. cit., p. 179; Zaharia Stancu, “Spre un nou avint al creatiei literare”, Viata Romaneasca, 3-4, 1949, p. 207.
[41] Nicole Gabriel, op. cit., p. 159.
[42] Sheila Fitzpatrick, Le Stalinisme au quotidien: la Russie soviétique dans les années 30, Paris, Flammarion, 2002, p. 146-153.
[43] Pierre Buhler, op. cit., p. 270.
[44] Guéorgui Marcov, op. cit., p. 160.
[45] Ibid., p. 142; Pierre Buhler, op. cit., p. 270; Carl Tighe, op. cit., p. 82; John et Carol Garrard, op. cit., p. 2.
[46] Guéorgui Marcov, op. cit., p. 142.
[47] Miklos Haratzi, op. cit., p. 101-102.
[48] Antoine Baudin, op. cit., p. 42.
[49] Michel Aucouturier, op. cit., p. 90; Sheila Fitzpatrick, op. cit., p. 164.
[50] Vladimir Miguev, op. cit., p. 65.
[51] Guéorgui Marcov, op. cit., p. 158; Antoine Baudin, op. cit., p. 17; Miklos Haratzi, op. cit., p. 85; Václav Havel, op. cit., p. 79-80; Serguei Borovikov, op. cit., p. 147.
[52] Xem Pierre Bourdieu, “Trường văn học”, Actes de la recherche en sciences sociales, 89, 1991, p. 4-46.
[53] Đặc điểm này không chỉ riêng có ở các không gian văn chương dưới chế độ cộng sản, mà có thể thấy ở bất cứ nơi nào có tình trạng bó buộc chính trị mạnh mẽ, như Gisèle Sapiro đã chỉ ra trong nghiên cứu về thái độ của các nhà văn Pháp thời Chiếm đóng (Gisèle Sapiro, La Guerre des écrivains 1940-1953, Paris, Fayard, 1999).
[54] Gisèle Sapiro et Boris Gobille, “Propriétaires ou travailleurs intellectuels? Les écrivains français en quête d’un statut”, Le Mouvement social, 214, 2006, p. 113-139.
[55] Một số nhà văn Rumani nhấn mạnh vào điểm này trong các cuộc phỏng vấn.
[56] Các nhà hoạt động xã hội sử dụng từ “phương pháp” khi muốn nói tới chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
[57] Michel Aucouturier, op. cit., p. 4; Stanko Lasic, Les Intellectuels et la contrainte idéologique: conflits internes de la gauche littéraire yougoslave, Paris, Denoël, 1974, p. 55; Vladimir Miguev, op. cit., p. 68; Czeslaw Milosz, Histoire de la littérature polonaise, Paris, Fayard, 1986, p. 613; Miklos Molnar, La Démocratie se lève à l’Est. Société civile et communisme en Europe de l’Est: Pologne et Hongrie, Paris, PUF, 1990, p. 144-157; Koço Bihiku, op. cit., p. 160. Ở Rumani, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, cũng như ở Liên Xô, được ghi vào điều đầu tiên trong điều lệ Hội Nhà văn, thông qua vào hội nghị thành lập năm 1949 (Ion Ianosi, “Uniunea Scriitorilor in sistemul culturii socialiste si segmentul literar in tranzitia romaneasca”, trong Adrian Miroiu (cb.), Institutii in tranzitie, Bucarest, Paidea, 2003, p. 277).
[58] Michel Aucouturier, op. cit., p. 84-88.
[59] Archives nationales historiques centrales de Roumanie (ANHCR), fonds du ministère des Arts et des Informations (MAI), direction littéraire, dossier 197/1948, p. 47-52.
[60] ANHCR, fonds du Comité central du parti communiste roumain, chancellerie, procès-verbal no 10 de la séance du secrétariat du Comité central du parti roumain des travailleurs, 6 septembre 1948, dossier no 26/1948, p. 2.
[61] ANHCR, MAI, Direction littéraire, dossier 197/1948, p. 47-52.
[62] Ioana Popa, “Le réalisme socialiste, un produit d’exportation politico-littéraire”, Sociétés & Représentations, 15, 2002, p. 261-292, p. 262-265.
[63] MAI, Direction littéraire, ANHCR, tableau numérique avec les livres de littérature, 1944-1 novembre 1948, dossier no 198/1948, p. 34-45.
[64] Ioana Popa, op. cit., p. 262.
[65] Stefan Druia, “Realizarile si lipsurile Scolii de literatura si critica literara Mihail Eminescu”, Contemporanul, 220, 1950, p. 2. Chúng tôi đã phân tích trường này trong “L’Écrivain de parti: l’École de littérature et de critique littéraire Mihai Emincescu”, Romanian Political Science Review: Studia Politica, 4 (4), 2004, p. 873-884; cũng xem Radu Bilbiie, Istoria unui experiment esuat, Bucarest, Societatea Scriitorilor Militari, 2004.
[66] Antoine Baudin, op. cit., p. 20.
[67] Mihai Dinu Gheorghiu, “Les métamorphoses de l’agitprop. Les institutions de contrôle des intellectuels par les partis communistes et leurs transformations après 1989: le cas des écoles de parti”, thèse de doctorat de sociologie, EHESS, Paris, 1997, p. 324.
[68] Antoine Baudin, op. cit., p. 20.
[69] Guéorgui Tzanev (cb.), Retchnik na balgarskata literatura, Sofia, Balgarska Akademya na Naukite, 1976, t. 1, tr. 337 và tr. 352.
[70] Ismail Kadaré, Dialogue avec Alain Bosquet, Paris, Fayard, 1995, p. 16-21.
[71] Chúng tôi đã tìm được các thỏa thuận hợp tác mà Hội Nhà văn Rumani ký vào năm 1966 với Hội Nhà văn các nước sau đây: Nam Tư, Bungari, Liên Xô, Hungari và Tiệp Khắc. (AUER, hồ sơ “CSCS [Hội đồng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật], 1966”).
[72] AUER, dossier “R. P. Hongroise, 1966”, note no 7121, 10 mai 1966; dossier “CSCA, 1966”, note no 7688, 18 juillet 1966.
[73] AUER, dossier “CSCA, 1966”, situation des arrivées en Roumanie en 1966, 14 novembre 1966.
[74] AUER, information tirée de la séance du Bureau de l’Union des écrivains de Roumanie du 6 février 1968, p. 12; voir aussi Lubov Panova, op. cit., p. 34.
[75] Nhận xét của Lubov Panova (ibid.), nhắc tới các đoàn đại biểu nhà văn Bungari. Tài liệu lưu trữ của Hội Nhà văn Rumani cũng cho thấy cùng tình hình ấy và, theo những người từng đến Rumani, nó cũng là chung cho các hội khác nữa.
[76] Lubov Panova, op. cit., p. 34.
[77] Danielle Risterucci-Roudnicky, France-RDA: anatomie d’un transfert littéraire, 1949-1990, Bern, Peter Lang, 1999, p. 243-245.
[78] Chẳng hạn, ở Rumani, vào dịp kỷ niệm một trăm năm nhà thơ George Cosbuc hoặc ở Liên Xô vào dịp kỷ niệm một trăm năm Maxime Gorky. (Hồ sơ “CSCA, 1996”, ghi chú số 7791/9, tháng Tám 1966, gửi cho CSCA từ Hội Nhà văn Rumani; và hồ sơ “1966-Liên Xô”, ghi chú số 7905, 27 tháng Tám 1966, thư Hội Nhà văn gửi cho Hội Nhà văn Liên Xô; AUER, cuộc họp của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Rumani ngày 9 tháng Tư 1968, tr. 41).
[79] AUER, dossier “R. P. Hongroise”, note no 7925/29, août 1966; et note no 7483, 18 juin 1966.
[80] AUER, information tirée de la réunion du Bureau de l’Union des écrivains de Roumanie du 9 avril 1968, p. 41.
[81] AUER, dossier 31 “Correspondance de l’Union des écrivains, 1970-1981”.
[82] AUER, dossier “CSCA, 1966”, note no 7177, 14 mai 1966, adressée au CSCA par l’Union des écrivains de Roumanie.
[83] Lubov Panova, op. cit., p. 12.
[84] AUER, dossier “R. P. Hongroise 1966”, note no 8041, 14 septembre 1966.
[85] AUER, dossier “Secrétariat 1967, janv.-juin”, séance du Bureau de l’Union des écrivains de Roumanie, 10 janvier 1967, p. 2.
[86] AUER, dossier “1966-URSS”, lettre de l’Union des écrivains de l’URSS adressée à l’Union des écrivains, 15 juillet 1966.
[87] Việc bắt giữ và xét xử các nhà văn Siniavski và Daniel diễn ra vào năm 1966. Siniavski đã xuất bản bằng bút danh một tiểu luận mang tên “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì?” vào năm 1957 tại Paris trên Kultura trong đó ông phản đối chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, việc này khiến ông phải chịu bảy năm tù: Michel Aucouturier, op. cit., p. 111-119.
[88] AUER, dossier “1966, SUA, Congrès PEN”, 34e Congrès du PEN-club international, à New York, du 12 au 19 juin 1966.
[89] AUER, dossier “CSCA, 1966”, p. 3, note adressée par l’Union des écrivains de Roumanie à Pompiliu Macovei, président du CSCA, 18 mars 1966.
[90] Để có một phân tích kỹ càng ở khía cạnh này, xem Catherine Durandin và Despina Tomescu, La Roumanie de Ceausescu, Paris, Guy Epaud, 1988; và Vladimir Tismaneanu, Stalinism for all Seasons: A Political History of Romanian Communism, Berkeley, University of California Press, 2003.
[91] AUER, dossier “1966-URSS”, note no 8323/4 octobre 1966 adressée à l’Union des écrivains de Roumanie par le ministère des Affaires étrangères.
[92] Thông tin về việc đoàn đại biểu Hội Nhà văn tham gia các hoạt động được tổ chức tại Matxcơva nhân dịp Những ngày thơ ca Liên Xô. (Ibid.)
[93] Được trích dẫn trong Ovidiu S. Crohmalniceanu, “Cind criticul…”, Romania literara, 22, 1975, p. 8.
[94] Ibid.
[95] Rodica Chelaru, Culpe care nu se uita: convorbiri cu Cornel Burtica, Bucarest, Curtea-Veche, 2001, p. 82.
[96] AUER, réunion du Bureau de l’Union des écrivains de Roumanie du 6 février 1968, p. 12-17.
[97] Alexandre Soljenitsyne, Le Chêne et le veau: esquisses de la vie littéraire, Paris, Seuil, 1975, p. 443-447; Michel Aucouturier, op. cit., p. 119.
[98] Fernando Claudin, L’Opposition dans les pays du “socialisme réel”: Union soviétique, Hongrie, Tchécoslovaquie, Pologne, 1953-1980, Paris, PUF, 1983, p. 97. Voir aussi sur le combat des dissidents soviétiques, Cécile Vaissié, Pour votre liberté et pour la nôtre, Paris, Robert Laffont, 1999.
[99] Ibid., p. 55.
[100] Séance du Bureau de l’Union des écrivains de Roumanie du 9 avril 1968.
[101] “Rolul Uniunii Scriitorilor”, Romania literara, 2, 17 octobre 1968, p. 10.
[102] Fernando Claudin, op. cit., p. 248-250; voir aussi Pierre Grémion, Paris-Prague: la gauche face au renouveau et à la régression tchécoslovaques (1968-1978), Paris, Julliard, 1985, p. 239.
[103] Fernando Claudin, op. cit., p. 211, p. 249 et p. 251; Pierre Grémion, op. cit., p. 239.
[104] Virgil Tanase, “Dossier Paul Goma: l’écrivain face au socialisme du silence”, Cahiers de l’Est, Paris, Albatros, 1977.
[105] Vấn đề về một “chuyển giao” đi kèm với “những cải tiến” và “những dị biệt” của ảnh hưởng từ các đặc thù dân tộc, chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa và lãnh thổ lên sự tái tạo mô hình Liên Xô trong nhiều lĩnh vực khác nhau của các xã hội xã hội chủ nghĩa đã được nhấn mạnh trong sự trình bày, các tham luận và tranh luận của hội thảo “Trajectoires communes, trajectoires singulières dans l’Europe (post-)socialiste”, tổ chức bởi Trung tâm Marc-Bloch ở Berlin, hợp tác với Université d’Europe de Viadrina và Trung tâm Géophile của ENS-LSH Lyon, tại Berlin và Praha, từ 29 tháng Sáu đến 3 tháng Bảy 2004.