Oct 29, 2012

Đoạn trích

Dưới đây là một đoạn trích rút ra từ tiểu thuyết đầu tay của Marie NDiaye, Quant au riche avenir (Về cái tương lai xán lạn), Minuit, 1985 (đoạn trích này đã được phép của NXB). Hồ Thanh Vân dịch, nhan đề đoạn trích do người dịch đặt.


Đợi thư



Ngay lúc thả vào hòm lá thư gửi cô bạn, cử chỉ khơi cho cậu không ít cảm xúc bởi cậu tin chắc các ông bưu tá chuyên đời để lạc mất nó của cậu, hoặc có lẽ, chuyện còn tệ hơn không chừng, sẽ tìm thấy một niềm vui thú quỷ quyệt nào đó khi bỏ lãng nó trong một góc để mãi sau mới chuyển đi, khi những gì cậu viết sẽ nhắc đến một quá khứ đã quá xa xăm (dẫu mới chỉ có hai tuần lễ trôi qua) để cô bạn còn có thể hình dung, lúc đọc thư cậu, khuôn mặt thực chất của cậu và nhận ra biến đổi của nó - chàng trai trẻ Z, được trang bị một quyển lịch, thực hiện những tính toán lê thê và chi li hầu xác định ngày có thể tới nơi của lá thư, rồi của lời phúc đáp mà sự ngóng đợi nó từ đó trở đi sẽ trở thành thứ khẩn yếu trong cuộc đời cậu. Là một cậu trai cẩn trọng và khôn ngoan và biết ích lợi của việc kìm chế tính nôn nóng khi muốn tránh cho mình nỗi thất vọng mà nếu không như thế sẽ còn ác nghiệt hơn, cậu tính đến cả trăm ngàn chuyện khó lường, trăm ngàn sự kiện ít khả năng có thực và vào dịp nào khác cậu ắt đã xem nhẹ, nhưng khả năng nhỏ nhất cho thấy chúng có thể bất thần ập xuống, làm các phỏng đoán của cậu sai chệch, là đủ để cấm cậu loại trừ chúng ra. Thế nên cậu lùi cái ngày ấy về những vùng xa xôi đến phi lý và từ chối lắng nghe lý trí, bất khả xâm nhập với sầu khổ, đang ích kỷ khuyên cậu bỏ lơ các khả năng ấy, đình công trong ngành bưu điện hay giao thông, sự khó ở vốn sẽ ngăn cô bạn trả lời cậu ngay, thậm chí cả việc thất lạc thư - những giả thiết càng thêm phần yếu mỏng vì lá thư chỉ cần một ngày là tới nơi. Nhưng vì lý do này, và mặc dù cậu không cho phép mình có mảy may lo lắng trước khi đến hạn là cái ngày được ước đoán rộng dài như thế, chàng trai trẻ Z, trong vô thức cứ hy vọng và hình dung rằng tính toán của cậu coi mòi quá đỗi cẩn trọng, cảm thấy lo sợ trước các ngày cứ đang dần trôi đi; và bởi cậu chẳng nhận được hồi đáp trong quãng thời gian mà đúng lý ra cô bạn phải trả lời cậu, quãng thời gian cậu không tính vào các ước đoán, được cậu cẩn thận để xa hẳn ra, song trong suốt quãng ấy vẫn không ngăn được mình mong ngóng cùng niềm hy vọng, hoàn toàn hợp lý, rằng có khi cậu nhầm cũng nên và rằng lá thư sẽ đến sớm hơn cậu tưởng, cậu thấy dường như càng lúc càng ít có khả năng, vì chẳng hồi âm nào đến với cậu vào thời điểm mà lẽ thường đòi hỏi, cái ngày cậu xác định khi căn cứ vào ngần ấy khả năng vô lý, khi giả định những tình huống như một cuộc đình công bưu điện là thật, thành thử bây giờ cậu không còn có thể giả đò tin, bởi các tình huống kia không xảy ra, là chúng có cơ hãm lại thư của cậu hay thư cô bạn, càng lúc càng ít có khả năng cái ngày ấy là chính xác. Và cậu nghĩ, khiếp đảm, đến nỗi bấn loạn cậu sẽ cảm thấy nếu chẳng có gì đến vào hôm đó. Bởi, bất chấp các nỗi e sợ, sự mong đợi trong cậu cho đến lúc ấy vẫn giữ một dáng vẻ khá đẹp đẽ, cậu ngoan ngoãn ép mình bình tâm bằng cách tự nhủ rằng tất cả chỉ là vấn đề thời gian và rằng nỗi tuyệt vọng lớn nhất cậu có thể tự cho phép mình tệ lắm thì xuất phát từ ý nghĩ coi tất cả mọi ngày, trước cái ngày, hiển nhiên, thấy lá thư đến nơi, đều dài dằng dặc cả. Niềm tin ấy làm cho thế giới tương đối vững chãi và dễ chịu, kể cả khi nó chẳng giảm nhẹ chút nào những đòn tra tấn của nỗi bồn chồn, những miếng đòn dẫu vậy, bên cạnh niềm tin kia, có vẻ gần như là nhẹ nhàng. Nhưng ngày nối ngày thấm thoắt trôi qua không tin tức, đẩy cậu đến gần cái ngày cậu đã ấn định đủ xa, mà không nhận ra điều ấy, hòng phó mặc cho may rủi khả năng xảy ra tai họa nào đó mà cậu chẳng tin, hòng cho sự mong vọng của mình một giới hạn vô ích, trong khi vẫn dành cho chính mình niềm vui đến từ sự ngạc nhiên vốn sẽ là, nếu cậu nhận được lá thư sớm hơn dự kiến, sự nguôi khuây trước dòng chảy thường tình của hoàn cảnh hơn là sự ngạc nhiên thực thụ, làm cái ngày ấy bớt tính giả định đi và đỡ phi thực tế hơn, làm nó càng lúc càng giống chuỗi ngày cậu vẫn sống cho tới giờ và do vậy càng có ít khả năng mang về cho cậu lá thư đang ngóng vọng. Và khoảng thời gian mở ra tiếp theo ngày hôm ấy, cái ngày mà cậu chẳng hình dung điều gì phía sau ngoài lòng hoan hỉ mênh mang và mơ hồ, há toác ra như vực thẳm. Nếu cậu không nhận được gì ngày hôm ấy, cái ngày mà mọi dự đoán phi lý nhất của cậu đều dừng lại đó, thì những ngày kế đó sẽ đắm chìm trong một sự hỗn loạn khiến cho cánh cửa tự nó mở toang đón những thảm họa khó lường nhất: chàng trai trẻ Z chợt hiểu ra sự cần thiết, nếu cậu muốn chế ngự âu lo dù chỉ là một chút, của việc luôn để niềm hy vọng có phạm vi thoáng rộng nhất, của việc lên kế hoạch cho quãng thời gian sẽ tới bằng cách châm vào đó, xa hết mức tính cả tin của cậu chấp nhận được, điểm sáng mờ ảo của cái mục tiêu mà việc nhớ đến nó, dù huyễn hoặc đi nữa, lần nào cũng sẽ ngăn cậu khỏi chìm vào tâm trạng chán nản ngày thêm chính đáng song đồng thời lại không kém phần vô ích lẫn phi lý. Và theo chính cách ấy, hai hôm trước cái ngày được tính toán đầy cẩn trọng, cậu đẩy nó về với những tuần lễ xa xăm, mờ mịt và trắng trơn. Thế là cậu cảm thấy, hẳn thế rồi, nguôi ngoai nhờ cái ân hạn ban ra trong tuyệt vọng, nhưng, nhớ lại sự lạc quan trong sáng của mình những ngày trước đó và vì, lúc gửi thư đi, nếu người ta bảo cậu sẽ còn phải chờ vào chính thời điểm cụ thể này một lời phúc đáp đáng lẽ phải đến lâu rồi, cậu sẽ tỏ ra phẫn nộ đến mức hẳn sẽ thấy, đầy thực tâm nhưng là do một khả năng đáng sợ như thế trong sâu thẳm sẽ làm cậu sinh ra ngờ vực, không có lối thoát nào khác ngoài một hành động dứt khoát (như gửi cho cô bạn lá thư thứ hai trong đó cậu sẽ trách móc đầy gay gắt sự im lặng của cô, thậm chí đến hẳn nhà cô), nhớ lại sự ngây thơ đẹp đẽ và quả quyết cậu thể hiện khi đó và sự bao la của niềm hy vọng trong cậu, giờ cậu cảm thấy mình như là già cỗi, ung thối, gỉ sét vì những nhượng bộ cậu đã không cho phép mình vài tuần trước đó, vì nhận ra, trước thực tế và bị cầm tù trong một sự tỉnh táo còn lớn hơn, tính bất khả của việc viết tiếp cho cô bạn hay đến tận nhà cô. Bởi cậu dần nhận ra, nhưng chỉ càng vì nó mà thêm đau lòng, rằng sự im lặng đáng sợ kia chỉ đáng sợ với mỗi mình cậu mà thôi, và rằng chắc chắn cô gái trẻ, khi trì hoãn việc trả lời cậu, không ý thức được cô đang im lặng đầy bất thường, cũng như cô không có vẻ ấy trong mắt Georges, bạn của chàng trai Z, người được nghe tâm sự về những nỗi bứt rứt của cậu và, buồn cười, thoáng chút hoài nghi, thốt lên:  “Chà chà, cậu bạn già! Nhưng cậu có biết là cậu lập dị không thế?” Bản thân cậu ta mười lăm ngày trước đó đã nhận được, từ cô bạn cũng ở xa tương tự, một lá thư mà cậu ta chưa hồi âm, vì chưa có thời gian lẫn hứng thú. Lập dị, chàng trai trẻ Z không sợ mình là người như thế bằng sợ mình thể hiện ra như thế, và không sợ cậu bạn Georges nhìn mình như thế bằng sợ cô gái trẻ nhìn mình như thế. Vậy nên cậu tự hứa sẽ không bao giờ hé một lời về lòng đợi của mình, cái tâm trạng mà tuy thế, ngay khi cậu đẩy lùi ngày theo lối áng chừng và khi ngày nào cũng có thể, một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, báo hiệu sự giải thoát cho cậu, mang tầm vóc của một tội hình thực thụ. Cậu ngủ dậy, buổi sáng, trái tim ăm ắp niềm hy vọng vẹn nguyên và tròn đầy càng tăng lên khi đến sát giờ phát thư, thời điểm khủng khiếp lúc niềm hy vọng với chàng trai trẻ Z tựa hồ là một tảng đá trì xuống, trong một trạng thái cân bằng chông chênh và đau đớn, trên chiều cao dốc đứng của chỏm núi nơi cậu đang đứng đợi hoặc thành công hoặc thất bại, hoặc sự xuất hiện hoặc sự thiếu vắng của lá thư, để mà tan chảy vào trong luồng hạnh phúc bất chợt (mà sau đó cậu mới nhận ra, khi không còn cảm thấy nó nữa, bởi cậu với tới nó ngay tại thời điểm ấy với sức mạnh bạo liệt và bất ngờ của đau đớn) hay tan biến đi rồi nhường chỗ cho sự rã rời. Và một nỗi thất vọng là đủ để nhận chìm trong âm u phần còn lại của cái ngày mà tuy thế, lúc sáng sớm, đã mở ra trước nỗi ngóng chờ của chàng trai trẻ Z như một không gian thanh khiết và trắng trong, chứa đựng trong nó khả năng vô hạn trông thấy phép màu xảy ra - cái ngày trong đó chỉ cần chàng trai trẻ Z được thỏa mối ước nguyện thiết thân nhất là sự tồn tại của cậu sẽ biến đổi hoàn toàn, đến mức cậu thấy mình quay cuồng trước cả sự bình dị, thậm chí vô nghĩa, của ước nguyện này trong mắt nhìn của một kẻ xa lạ, lẫn sự biến đổi mà dẫu vậy cậu sẽ trải qua, bởi chẳng điều gì có thể làm cậu hạnh phúc được như thế, nếu như sự kiện tầm thường kia xảy đến. Việc nó không diễn ra tạo cho cậu cảm tưởng, sáng sáng, rằng mọi thứ thế là hết; nhưng, ngay khi những tín hiệu đầu tiên của hoàng hôn ló dạng, đầy cụ thể trong những sắc thái biến đổi của bầu trời, hoặc chủ quan hơn, trong kiểu đờ đẫn lâng lâng xâm chiếm lấy cậu, một lộc mầm của hy vọng, của niềm hy vọng tràn đầy và mong manh đến thế lúc ban mai, bắt đầu, một cách e dè, nhú lên trong trái tim cậu vốn dĩ như được chủ tâm đúc ra để đón nhận nó, và chàng trai trẻ Z, bị sự lê thê của buổi chiều buồn làm cho quên mất là còn tồn tại một ngày mai, nhìn với ít ghê sợ hơn và tựa hồ trong một kiểu vui sướng lo lắng, buồn bã và dịu dàng cái ý nghĩ sống tiếp mấy giờ đồng hồ, những giờ sẽ chứng kiến, đang chứng kiến rồi cũng nên, sự dịch chuyển của lá thư được mong đợi nhường kia về phía cậu. Và cứ thế trong một chu kỳ vô tận, bởi những tuần lễ dài dặc mà cô bạn, chẳng hay biết điều cậu đang cảm thấy và che chắn cẩn thận, thỉnh thoảng lại để trôi vuột đi rồi mới viết cho cậu, không làm suy hại chút nào niềm hy vọng ấy, niềm hy vọng lại hồi sinh sau mỗi lần buổi sáng qua đời.
 
Nhưng không lúc nào chàng trai trẻ Z ý thức rõ hơn sự vô ích của nỗi dằn vặt trong mình, bất chấp điều cậu bạn Georges cố nói với cậu, bằng lúc cậu phát hiện ra, ở đầu giường cậu chỗ Dì đã đặt nó xuống, lá thư mà sự hiện diện im lìm, tầm thường, hay được mường tượng đến thế, ở đó, cạnh cái giường mà có lúc, tưởng nhìn thấy lá thư, cậu với tay sang, có điều gì tàn khốc đến nỗi việc có thể suy đoán, như cậu đã làm, rằng khoảnh khắc ấy sẽ không bao giờ đến thốt nhiên có vẻ, cũng giống như nỗi chán nản từ đó mà ra, là một sự điên rồ. Và nỗi mong mỏi bồn chồn những ngày trước đó tan biến đi, cậu quên đến cả ký ức về nó, trong tính hiển nhiên của thực tại này bỗng đâu trở nên cần thiết và nằm trong dự kiến. Và trong lúc cậu nghĩ đến niềm hạnh phúc mà việc thư về mang lại cho cậu như niềm hạnh phúc lớn nhất cậu có thể đòi hỏi, làm cậu mãn nguyện đến mức sẽ chẳng khát khao điều gì khác nữa, chút ít xúc động cậu cảm thấy khi đọc thư cô bạn loãng đi trước nỗi bực dọc mơ hồ bởi cô không viết điều cậu chờ vọng, bỏ sót không trả lời một câu hỏi quan trọng của cậu, và chàng trai trẻ Z lại thấy mình tràn trề ham muốn: cậu nghĩ, trong một vô thức lạ lùng, rằng cô bạn đã có thể chẳng viết cho cậu cũng được, rằng bây giờ cậu hầu như chẳng tiến lên được chút nào. Và cậu trả lời cô ngay tức khắc, để thúc cho chóng hơn thời điểm cậu sẽ nhận được lá thư đầy đủ hơn từ cô gái.

Oct 27, 2012

Trò chuyện với Marie NDiaye

Marie NDiaye, nhà văn nữ Pháp gốc Sénégal đã có một tác phẩm dịch sang tiếng Việt, mà tôi tin là rất ít người đọc: Ba phụ nữ can đảm. Đây mới là một trong những tài năng văn chương thuần chất nhất (đã đọc 1Q84 rồi thì có thể liên hệ đến câu chuyện Fukaeri). Trong đời mình, nhà xuất bản Jérôme Lindon của Minuit, một huyền thoại, từng ưu ái một số nhà văn từ khi họ còn rất trẻ, và thời gian minh chứng rằng nhiều người trong số đó sau này đã trở thành nhà văn lớn, thậm chí rất lớn, ví dụ như Jean-Philippe Toussaint. Còn Marie NDiyae khi còn học trung học, mới mười bảy tuổi (trường Lakanal ở Sceaux, ngoại ô Paris) một hôm đi học về đã thấy Lindon đứng đợi ngoài cổng trường xin gặp và đề nghị ký hợp đồng để ông ấy in sách.

Bài phỏng vấn sau đây do Hồ Thanh Vân và Bùi Thu Thủy thực hiện.




Marie NDiaye: “Đúng thế, viết v ph n!”

Ngay từ tiểu thuyết đầu tay, Quant au riche avenir (Về cái tương lai xán lạn), người ta đã nhận thấy ở bà khả năng làm chủ ngôn ngữ tuyệt vời và sự tinh tế khi phân tích tâm lý nhân vật. Do đâu mà một cô thiếu niên mười bảy tuổi lại có sự điêu luyện và sự chín chắn ấy?

Đó chủ yếu là nhờ việc đọc sách của các tác giả như Marcel Proust, Henry James, Gustave Flaubert, những nhà phong cách học vô song. Thời ấy, tôi chđọc các nhà văn coi lao động ngôn từ chính là chất liệu của cảm hứng sáng tác.

Miêu tả dày và sâu đời sống nội tâm của nhân vật có phải là mục tiêu đầu tiên của bà không? Bà nghĩ sao về mối liên hệ giữa cách phân tích tâm lý tỉ mỉ và lối viết trau chuốt của mình?

Thật ra tôi không có mục tiêu gì. Tôi làm cái mình có thể làm và việc miêu tả cảm xúc phù hợp với cách tư duy của tôi hơn là một bức tranh lịch sử chẳng hạn. Nhưng tôi cũng thấy đó là một hạn chế, là việc không có khả năng làm khác.

Phong cách của bà thay đổi theo dòng sáng tác. Lối viết vẫn rất trau chuốt, nhưng có thể nói rằng nó càng ngày càng đơn giản hơn. Bà nhìn nhận điều này như thế nào?

Tôi dần tách mình khỏi ảnh hưởng của các nhà phong cách học lớn kể trên. Với tôi, để truyền tải một điều tinh tế hay phức tạp, dường như một sự đơn giản nào đó đôi khi lại cần thiết. Tôi không thích kiểu cách. Bây giờ tôi cố giữ mình trên cái vạch ranh giới mong manh ngăn sự đơn giản có phong cách với sự đơn giản hóa quá mức.

Bà từng cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng bà không viết nháp mà viết “nhẩm” trong đầu. Bà làm việc ấy như thế nào?

Khi tôi bắt đầu một tiểu thuyết, cấu trúc truyện đã nằm hết trong đầu tôi. Tôi không soạn đề cương, không phác ý trên giấy. Nhưng tôi không bao giờ bắt đầu viết khi chưa suy nghĩ hàng tháng ròng, và trong thời gian đó thì tất cả được sắp xếp trong đầu tôi.

ấn định các nhân vật trước hay trong khi viết?

Tôi có ý tưởng về nhân vật trước khi bắt tay vào viết và rồi đương nhiên là quá trình viết tạo ra sự năng động cho chính nó và ý tưởng ban đầu sẽ thay đổi theo diễn tiến của câu chuyện.

Tiểu thuyết Rosie Carpetiểu thuyết Ba phụ nữ can đảm (Trois femmes puissantes) của bà lần lượt bắt đầu bằng liên từ “nhưng” và “và”. Có phải bà muốn qua đó gợi lên mối liên hệ vô hình giữa các sự việc mà không phải lúc nào ta cũng có thể giải thích được? Có phải vì vậy mà cái kỳ ảo rất hiện hữu trong tác phẩm của bà?

Tôi thích tạo cảm giác rằng chuyện kể của tôi bắt đầu, một cách ngẫu nhiên, giữa một câu chuyện đang diễn ra rồi, như thể ta xem giữa chừng một bộ phim hoặc mở cửa sổ nhìn xuống một cảnh tượng ngoài phố đã bắt đầu trước khi ta ở đó để chứng kiến. Các nhân vật của tôi tồn tại trước khi tác phẩm được bắt đầu, ta bị nhỡ cả một phần nhưng lại có thể tìm cách khôi phục nó bằng trí tưởng tượng hoặc khả năng thấu cảm.

Thế rồi, cái kỳ ảo ấy lu mờ dần trong các tác phẩm sau này. Sự thay đổi này có ý nghĩa gì?

Cái kỳ ảo giờ đây kín đáo hơn, ngầm ẩn hơn. Truyện cổ tích ít xuất hiện hơn trong những điều tôi viết, có lẽ đơn giản là vì gu đọc của tôi đã thay đổi.

Bà đã đi đến việc xây dựng các nhân vật chính chủ yếu là nữ như thế nào? Bà có liên hệ như thế nào với các nhân vật ấy? Bà có đòi được coi là người theo chủ nghĩa nữ quyền không?

Xây dựng các nhân vật nữ dần dà trở nên tự nhiên hơn với tôi, vì họ dường như chân xác hơn dưới ngòi bút của tôi. Nhưng tôi không đòi được coi là người theo chủ nghĩa nữ quyền. Một phần tôi thấy mình đấu tranh vì nữ quyền trong vai trò công dân, phần khác tôi lại thấy không nên đưa vào sáng tác những sự dấn thân mà ta có thể có trong cuộc đời. Tôi cố gắng miêu tả những con người trước đã, và sự thể là họ phải có giới tính. Với một con vật hay một cái cây, tôi cũng sẽ miêu tả với cùng một ý thức thôi.

Nhiều nhân vật của bà thụ động đến kinh ngạc (như Rosie, Lagrand trong Rosie Carpe, Nadia trong Trái tim tôi bị bóp nghẹt (tạm dịch từ Mon cœur à l’étroit), Rudy, Fanta trong Ba phụ nữ can đảm…). Họ thường để mặc mình rơi vào một vùng khuất, có khi ngày càng trở nên mờ mịt. Dường như qua đó bà muốn nói rằng chạy trốn thực tại, sự khép kín, thờ ơ là những phương thức tự vệ trước thế giới không thể nào nắm bắt được này…

Đúng vậy, các nhân vật ấy kháng cự sự tuyệt vọng chính bằng cách ấy, bằng sự trơ ì và bằng việc giữ khoảng cách với những gì có thể tác động lên họ.

Trong thế giới ấy, dường như không thể tìm được một khả năng hòa hợp nào, hoặc là nó biểu hiện ra trong những quan hệ dị thường hay đồi bại. Người ta day dứt vì những mối quan hệ gia đình rạn nứt, vì tình bạn vong ân bội nghĩa, tình yêu bị lạm dụng, sự lạc lõng trong đời sống xã hội, sự không hiểu nhau, sự vô cảm với người khác. Cá nhân từ bỏ và thấy mình bị từ bỏ. Tại sao lại có sự cô đơn cùng cực đến vậy?

Tôi cũng không biết tại sao. Vả lại, tôi cũng không muốn biết. Mọi việc cứ diễn ra như vậy khi tôi viết thôi.

Bà từng tuyên bố: “Khái niệm ‘nước ngoài xa lạ’ đã luôn chiếm một vị trí căn bản trong cuộc đời tôi. Tác phẩm Trong gia đình đã tổng kết tầm quan trọng ấy, là sự khép lại có ý thức của bao năm tự đặt những câu hỏi ít nhiều sáng rõ về vấn đề này: tôi là người nước nào? Chẳng phải với tôi nước nào cũng đều là mảnh đất xa lạ hay sao? Những chất vấn này, tất nhiên, được gợi lên bởi những điểm đặc biệt trong tiểu sử của tôi, làm tôi từ tấm bé đã luôn thấy bất ổn, hay đúng hơn là luôn có cảm giác xê dịch không yên, vì thế dường như không ở đâu tôi có cảm giác đang ở quê nhà và không ở đâu người ta coi tôi như đồng bào”. Trong hoàn cảnh ấy, tìm điểm mốc cho mình thế nào đây?

Tôi đã thay đổi rất nhiều kể từ khi nói những lời này. Đọc chúng, ta có cảm tưởng cái cảm giác được mô tả phải là một vấn đề hoặc một nỗi đau. Còn hiện giờ cảm giác của tôi không còn là ở nơi nào mình cũng là kẻ vô xứ, mà là mình đang ở quê nhà ở khắp mọi nơi, dù vẫn cứ là một người nước ngoài. Tôi sống ở Đức từ hơn năm năm nay. Ở Berlin, tôi có cảm giác đang ở nhà mình, nhưng cũng không quên rằng tôi không phải là người Đức. Đó là cảm giác phù hợp với tôi, cảm giác mà tôi đeo đuổi.

Nhân vật da đen và những chi tiết liên quan đến châu Phi dần xuất hiện, từ Rosie Carpe với Lagrand, nhân vật da đen đầu tiên của bà, tới Ba phụ nữ can đảm với liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với một nơi chốn cụ thể ở châu Phi… Đó có phải là sự ý thức rõ nét hơn, sự nhận biết hay nói cho cùng là sự thừa nhận bản thân và căn tính?

Nên nói thế này: Tôi hình như không còn ngại ngùng, nhìn từ quan điểm nghệ thuật, khi đưa vào văn học cái thực tế đó. Trước kia, tôi lo ngại sự quá tải của hiện thực. Giờ thì tôi có thể cho nó sống chung với cái lạ thường mà không có cảm giác làm hỏng sách mình. Đó không hẳn là “sự thừa nhận căn tính”: với tôi, là người da màu không có ý nghĩa gì cả, và không nên mang ý nghĩa gì. Có điều là, đối với rất nhiều người khác, biết ai đen ai trắng lại quan trọng. Còn theo một cách nào đó thì nó chẳng liên quan đến tôi.

Một số người này xếp bà vào hàng ngũ nhà văn Pháp ngữ hoặc Pháp-Phi, những người khác lại coi bà là nhà văn hậu thuộc địa, nhưng có vẻ như bà cảm thấy mình không liên quan gì đến các “nhãn hiệu” này. Vậy bà thấy mình ở đâu trong làng văn học Pháp?

Bản thân tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết rằng tôi không phải là nhà văn Pháp ngữ, nếu ta xét theo định nghĩa của thuật ngữ này (một nhà văn không phải người Pháp nhưng viết bằng tiếng Pháp). Tôi cũng không phải là người châu Phi. Tôi cho rằng tôi chỉ đơn giản là một nhà văn Pháp.

Bà nhìn nhận như thế nào về các nhà văn cùng thời chạy theo trào lưu “chỉ chăm chăm vào bản thân mình”?

Tôi nghĩ người ta có thể “chăm chăm vào bản thân mình” mà vẫn tạo ra được một tác phẩm lớn, đó không phải là vấn đề, cũng như người ta có thể nuôi tham vọng bao quát toàn thể thế giới song vẫn chỉ là một nhà văn tầm thường. Mọi sự cốt nằm ở lối viết và sự tinh tế của cái nhìn.
Bà từng nhắc đến các tác giả ảnh hưởng tới mình, như William Faulkner, Joyce Carol Oates, Malcolm Lowry… Bà bị lôi cuốn vì điều gì ở họ?
Cá tính duy nhất trong cách viết của từng người trong số họ.

Bà có thể chia sẻ dự định sáng tác của bà trong thời gian tới? Bà có tiếp tục khai thác nhân vật nữ không?

Tôi đang hoàn thiện một tiểu thuyết chủ yếu, đúng thế, viết về phụ nữ.

(CF5)

Oct 25, 2012

Một kiểu khác, một dạng khác

(bài thứ năm trong loạt, bài thứ ba là bài này, viết như một phản ứng lại hiện tượng bỗng đâu xuất hiện một lúc lắm chuyên gia về Nabokov thế; giờ thì hiểu ra thêm: không phải bỗng dưng Nabokov xuất hiện, vì ngoài Nabokov thời Thanh Tâm Tuyền, thời này cần phải đọc Nabokov mới mong hiểu được một số nhà văn, ví dụ Nguyễn Huy Thiệp (đặt cục gạch :p))




Họ quá nghịch ngợm và ngỗ nghịch, họ viết quá nhiều và luôn luôn tạo cảm giác thật dễ dàng, thậm chí dễ dãi trong viết văn, họ lại lặn ngụp quá sâu và theo một lối quá sức tự nhiên vào cuộc đời; những điều ấy dường như đi ngược lại quan niệm thông thường vẫn coi nhà văn là những con người hoặc sống trên tháp ngà hoặc vô cùng chắt bóp, dè sẻn thiên tài sẵn có, người đời lại hay đồng lòng miêu tả những con người đó như những kẻ nhiều mộng tưởng, lắm sầu muộn, đau đớn cho cõi người, nếu không thì ít ra cũng phải hết sức tập trung vào bản thân mình, vân vân và vân vân.

Nhưng các nhà văn “thuộc một kiểu khác, một dạng khác” vẫn tồn tại, thường là một cách phong lưu vượt xa các hạng nhà văn khác, và giờ đây nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam, với sự tái xuất hiện của một số tác giả kiểu ấy (trong những năm vừa rồi là Lê Văn Trương, Lan Khai, Ngọc Giao, Phạm Cao Củng, Sơn Vương…), đã hiện ra chân dung một số nhân vật vừa lạ lùng vừa “bình dân”, lạ lùng cả trong sự bình dân của họ, như một sự tồn tại lẽ ra phải dễ hiểu nhưng lại tương đối khó chấp nhận trong một môi trường tương đối nhiều ý tưởng chung lệch theo hướng khác và được chấp nhận rộng rãi.

Mấy nhà văn tương đối cùng thế hệ: Lê Văn Trương, Phạm Cao Củng và Ngọc Giao là những người như vậy. Về sự ngỗ nghịch của mình, bản thân Ngọc Giao từng viết trong một bản tự miêu tả: “một thằng như tôi, ham chơi, nghịch ngợm, hiếu để tâm, lễ độ tùy lúc, lại hay làm đỏm, hay vòi tiền đi xem chiếu bóng” (Đốt lò hương cũ, Phương Nam & NXB Văn học, 2012, tr. 31). Phạm Cao Củng thì khi còn rất trẻ ký tên “Phạm Thị Cả Mốc” trêu chọc Tú Mỡ lừng danh của báo Phong Hóa và Lê Văn Trương thì lưu lạc bất tận trước khi “vào làng văn, báo”.

Cả Lê Văn Trương lẫn Phạm Cao Củng đều thích “giỡn chơi” với cả cuộc đời lẫn văn chương đến nỗi từng sai “đồ đệ” và “đàn em” cùng tham gia công cuộc sáng tạo với mình, nói nôm na là thay vì tự viết sách thì họ “nhờ” người khác viết giùm cho những đoạn mà họ đánh giá là dễ viết, để có đủ số trang sách, kịp giao cho báo chí hay nhà xuất bản. Đã có thời Lê Văn Trương bị các nhà xuất bản từ chối bản thảo, phải nhờ đến Ngọc Giao do nhìn thấy tên bạn mà tuy biết trong đó có khối thứ viết cho xong, thậm chí còn là người khác viết nhưng vẫn ký duyệt để đưa Tân Dân Vũ Đình Long in. Sau này vào Sài Gòn rồi, Lê Văn Trương cũng bị tẩy chay, có lẽ một phần cũng bắt nguồn từ chuyện này. Nhưng từ một khía cạnh nhìn nhận khác, cũng nhờ có cách suy nghĩ đơn giản với văn chương như vậy mà Phạm Cao Củng lại giúp được báo chí và sách vở bán chạy, còn Lê Văn Trương suốt một thời gian dài có tiền “tụ họp Lương Sơn Bạc văn chương” tại nhà mình.

Điều thể hiện rõ nhất ở những nhà văn kiểu “giỡn chơi” như Lê Văn Trương và Phạm Cao Củng là họ rất hiểu độc giả muốn đọc gì. Họ thực sự hiểu, đến mức có thể bán được sách thông qua “hệ thống hàng xén”, điều mà chắc không một nhà văn nào thuộc “một kiểu khác, một dạng khác” với họ có thể làm được. Sự “hiểu cuộc đời” này, chẳng hạn ở Phạm Cao Củng, hoàn toàn khác xa và vượt trội hơn hẳn so với những cuộc đi thực tế, một cách thực hành sáng tác văn học rất thịnh hành sau này mà vô số nhà văn đã trải qua nhưng hầu như không để lại được nổi tác phẩm sáng giá nào thực sự bám vào cuộc đời.

Đọc những gì Ngọc Giao viết về Hà Nội, có thể dễ dàng thấy ông biết từng ngóc ngách của cuộc sống, quan tâm đến cả sân khấu, võ thuật, in ấn, cùng trăm nghìn thứ rất hay bị coi là vớ vẩn trong mắt không ít người. Phạm Cao Củng thì “như không” mà lập đoàn kịch diễn ở quê, tham gia hoạt động phản gián, tình báo, mở nhà in… Lê Văn Trương thì nổi tiếng là một cao thủ “gồng trà kha”. Đây là những con người biết cách xoay xở hoạt náo trong cả cuộc đời lẫn văn chương. Và những tác phẩm của họ, giờ đây để lại, rất nhiều đã được thời gian minh chứng giá trị, như loạt truyện trinh thám Kỳ Phát của Phạm Cao Củng, những tiểu thuyết Trường đời, Lòng mẹ, Người anh cả của Lê Văn Trương, những Đất, Cầu sương, Cô gái làng Sơn Hạ của Ngọc Giao.

Bản thân Ngọc Giao cũng có ý thức rõ rệt về “kiểu” của mình, trong Đốt lò hương cũ, ông nói đến “cái kiểu người Hà Nội”, mà ông mô tả: “Tôi tự cho mình có cái thói quen lẩm cẩm là cứ thích ra đường dưới những cơn mưa, cơn gió” (tr. 72). Những hứng mưa, hứng gió cuộc đời ấy phản ánh thái độ sống của những con người như vậy.

Họ không được nói đến nhiều, nhưng sự đồng thanh tương khí giữa họ hé lộ một cái tình rất đáng nói đến. Đây là Ngọc Giao viết về Lê Văn Trương: “Số lượng tác phẩm khổng lồ của Lê Văn Trương, trước khi in, tôi đều đọc bản thảo, thật tình, chưa hề bắt gặp một truyện nào thiếu đạo đức, vắng cái hào khí của con người đất Việt”. Điều này rất khác với nhiều đánh giá ta vẫn thấy không ít ở trong chuyên ngành văn học sử Việt Nam sau này. Mặc kệ người ta có thể nghĩ gì, những người thuộc “cùng một lứa bên trời lận đận” đó hiểu nhau và thực tình yêu quý nhau.

Vì nhiều lý do, suốt một thời những con người như thế này phải gánh chịu rất nhiều nghi kỵ. Những liên lụy do bút mực, những tai hại của đời văn chương chữ nghĩa, những hậu quả của “trường văn trận bút” nơi “tối hạ thị văn chương” thì được nhắc tới nhiều, nhưng là chủ yếu trên bình diện một số “án văn tự” được lựa chọn, những lừng danh kiểu “Nhân Văn-Giai Phẩm” hay “xét lại”, nhưng vẫn còn đó nhiều “vụ án” thuộc kiểu khác, thuộc dạng khác. Ngọc Giao từng “dính” những sự việc nhìn lại thì nhỏ bé nhưng phương hại không nhỏ đến cuộc đời ông, như vụ việc “Nam Cao trộm gà”. Cũng một thời, Lê Văn Trương gần như bị giới nghiên cứu, phê bình lờ đi, thảng hoặc có nhắc đến trong một chuyên luận về một đề tài rộng thì người ta cũng hay gài vào vài lời cảnh báo đến thứ văn chương nguy hại và mỉa mai “triết lý sức mạnh” (nhan đề một cuốn sách của Lê Văn Trương in ở nhà Hương Sơn vào năm 1941) của ông. Phạm Cao Củng thì mắc “tai nạn” theo một kiểu khác: đơn giản là ông gần như hoàn toàn bị lờ đi trong suốt một thời gian dài.

Nhưng mọi thứ qua đi rồi, ít nhất những con người ấy, bằng cách thức khiêm tốn của mình (họ có những hành động rất bất thường nhưng càng đọc càng thấy họ khiêm tốn, chừng mực), cho ta thấy rằng văn chương rộng lớn đến mức bao chứa được rất nhiều “kiểu khác” và “dạng khác” như vậy. Tuy thế, có cảm giác văn chương Việt Nam bề ngoài có vẻ mở rộng ra nhưng thực chất lại thu hẹp lại không ít, và thời nào qua là đã qua hẳn, đúng như một ngậm ngùi của Ngọc Giao: “nhưng thời ấy qua rồi” (Đốt lò hương cũ, tr. 148).

Oct 23, 2012

Kiểu Nhật

Văn chương Nhật Bản kỳ lạ đến mức, dường như đó là một thứ văn chương của hành tinh khác, hoặc giả có thể chia văn chương thành hai loại: văn chương “thông thường” và văn chương Nhật.

Ekuni Kaori là tác giả ba cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt gần đây: “Lấp lánh”, “Tháp Tokyo” và “Hoàng hôn rơi xuống”. Truyện thứ nhất kể về cuộc sống của một cặp đôi như sau: Shoko nghiện rượu nặng, còn Mutsuki là một người đồng tính nam. Họ sống với nhau trong một nhà nhưng không có quan hệ tình dục, và điều làm Shoko thích thú hơn cả là nghe chồng mình kể về người yêu của anh (một đồng tính nam khác). Ekuni Kaori sinh năm 1964 và có cách dẫn dắt câu chuyện khá giống với một nhà văn nữ Nhật Bản khác cũng rất nổi tiếng, Yoshimoto Banana.

Trong “Tháp Tokyo”, chàng trai trẻ Toru yêu Shifumi, một phụ nữ đã có chồng và là bạn của mẹ; nhân vật Koji bạn thân của Toru thì ở trong một mối tình với một người đàn bà đã có chồng khác, Kimiko, trong khi vẫn yêu cuồng nhiệt cô bạn cùng trường. Đến “Hoàng hôn rơi xuống” thì tính chất “weird” của văn chương Ekuni Kaori càng bộc lộ rõ hơn: Rika bị người yêu lâu năm của mình (tám năm chung sống) bỏ để theo một cô gái khác, rồi sau một thời gian, cô gái Hanako nguồn gốc cuộc chia tay kia bỗng xuất hiện và thế là Rika sống cùng Hanako trong một nhà.

Chưa nói gì đến mặt văn chương (mặc dù đây mới là cái đáng nói: so với cốt truyện kỳ quặc, văn chương của các nhà văn Nhật Bản mới thực là kỳ quặc), những câu chuyện thuật lại sơ giản trên đây đã cho thấy chút ít một cái gì đó làm nên một kiểu văn chương rất khác lạ nhưng lại cũng rất đặc thù (có lẽ đưa cho một độc giả tương đối sành sỏi một cuốn tiểu thuyết giấu tên, nhân vật được gọi tắt là X là Y là Z thì chỉ cần một lúc là người đó biết ấy là tiểu thuyết Nhật). Văn chương Nhật đưa ra những tình huống khó nghĩ đến nhất. Và đã là như thế từ rất lâu rồi: các nhà văn lớn của Nhật hồi thế kỷ XX chủ yếu đều chống lại chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa tự nhiên, để rồi xuất hiện một Dazai Osamu (của “Tà dương” và “Thất lạc cõi người”) hay Akutagawa vĩ đại.

Những nhân vật chủ chốt sau này cũng vậy. Mishima và vụ án Kim Các tự, Kawabata với những cánh hạc, và nhất là Tanizaki: độc giả ngoài nước Nhật, kể cả phương Tây, hẳn đều sửng sốt với những câu chuyện của Tanizaki, trong đó cái tâm lý con người bị khai thác theo những lối nếu không phải “quái gở” thì cũng đặc biệt quái đản, như trong “Chiếc chìa khóa” hay “Nhật ký lão già điên”.

Hình như nhà văn Nhật sẽ không khởi sự viết tác phẩm của mình nếu chưa tìm ra một tình huống đặc biệt: không cực đoan thì ắt oái oăm, không tuyệt cùng đau khổ thì ắt nặng nề trầm luân, không nổi loạn điên cuồng thì ắt phản kháng tự hủy, vân vân và vân vân. Để quay trở lại với giai đoạn gần đây: Ogawa Yoko (“Giáo sư và công thức toán”, “Quán trọ Hoa Diên Vỹ”) là bậc thầy của những tình huống lạ lùng. Nhưng cái lạ lùng Nhật Bản lại chẳng bao giờ có gì chung với sự ngẫu nhiên, vì cái lạ lùng ấy là lạ lùng từ bản chất, lạ lùng ở nền tảng.

Chuyện cứ tiếp tục như vậy cho cả đến những nhà văn rất gần đây, như ta đọc được trong “Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường” của Yamada Amy, “Rắn và khuyên lưỡi” của Kanehara Hitomi hay “Em sẽ đến cùng cơn mưa” của Ichikawa Takuji.

Không một lúc nào văn chương Nhật Bản không tìm kiếm những quái lạ, mà chỉ sự chừng mực nhất định trong đầu óc nhà văn và tài năng kiềm chế của họ mới không biến chúng thành những hỗn loạn văn chương. Nhưng đây cũng là điểm yếu của tiểu thuyết Nhật Bản, nhất là ở các nhà văn trẻ đã có sẵn “phong vị kiểu Nhật” ở trong máu: quá chú tâm vào việc tạo tình huống, quá phấn chấn với những gì gây sửng sốt, họ hay hụt hơi để rồi viết ra những cái kết truyện không tương xứng nổi với độ mãnh liệt của sự kỳ quái, đó cũng chính là trường hợp ba tiểu thuyết của Ekuni Kaori.

Nhị Linh

Oct 21, 2012

Tạp văn

Tạp văn: Căng và chùng
Nguyễn Chí Hoan

Nguyễn Việt Hà không ngại bỏ ngỏ ý tứ coi những bài tạp văn báo chí của mình như phần giá trị phụ trội của sự nghiệp văn chương mang tên Nguyễn Việt Hà: anh phô diễn tận lực cái văn phong có một không hai đã góp phần nền tảng trong các truyện và tiểu thuyết của mình ở tất cả các bài tạp văn, cái phong cách nhại được làm cho điển hình trong tạp văn của anh bằng các ma trận những trích dẫn trực tiếp và gián tiếp, liên hệ qua lại với nhau bằng lời bình của người trích dẫn, bằng những lược đồ dẫn dắt mà thời gần đây quen gọi là các ý tưởng.

Đối với những cái viết vốn không xếp vào hàng các thể loại kinh điển như vậy (cho nên được gọi là “tạp văn”, hay “tản văn” theo nghĩa là văn xuôi không khuôn sáo) thì “ý tưởng” bỗng được tôn lên hầu như cái trụ cột duy nhất những cái viết đó dựa vào, và Đỗ Phấn đi con đường tạo nghĩa cổ điển - từ quan sát đến suy ngẫm - trong các bài tản văn của anh, khiến cho có thể đẩy cái gọi là ý tưởng xuống hàng thứ hai, ở vị trí tự nhiên của nó trong một quá trình đầu-cuối của cảm/thấy và nghĩ, cái quá trình sẽ cho thấy sự ồn ào về “ý tưởng” thường đi quá cái thực của nó, bởi ý tưởng không thể luôn luôn xuất hiện như thế nếu nó không tự rút giảm mình thành những sáng kiến ngắn hạn.

Vậy ta có thể nói đến tạp văn như là lối viết, noi theo quan niệm của Roland Barthes, nhưng trong một khoảng vận dụng hẹp sự phân chia cái viết mang thông điệp và cái viết mang trải nghiệm.

Điều này có thể thấy rõ ở hai “ca” điển hình này của tạp văn báo chí những năm gần đây, kể từ sau những thành công đã khá lâu rồi của Thảo Hảo trên mục “Xem Nghe Đọc Thấy” của tờ Thể thao & Văn hóa và trước đó lâu hơn nữa của mục “Nói hay đừng” trên tờ Lao động Chủ nhật (1988-1993).

Dĩ nhiên vẫn có vài cây bút khác nữa của tạp văn trên các báo chí hiện nay cũng đậm đà ý vị, nhưng xem ra về đặc trưng phong cách ngôn từ thì không đâu rõ bằng Nguyễn Việt Hà, còn về mẫu hình của trải nghiệm các bài viết của Đỗ Phấn đều như thể những truyện ngắn của anh, với những tình huống, sự kiện, nhân vật, phong cảnh, trữ tình, những cái kết kiểu truyện kể và giai thoại, đặt một câu hỏi phản tỉnh nhiều khi bất ngờ và tinh tế về lối sống ngày nay hay rút ra một ý nghĩa triết lý nhân sinh.

Nếu cứ để ý những tung hô dai dẳng mấy năm nay về khuynh hướng viết “hậu-hiện đại” trong văn thơ Việt Nam thì hẳn phải lạ sao người ta chưa đem Nguyễn Việt Hà đặt vào hàng ghế danh dự của cuộc tụ hội rời rạc đó; bởi anh là một người xứng đáng hơn cả.
 
Antoine Compagnon kể, với một nụ cười thấp thoáng, rằng khi ông xuất bản cuốn sách đầu của mình viết về một lý thuyết và lịch sử sự trích dẫn trong văn học thì một loạt độc giả lập tức gọi ông là nhà hậu hiện đại: bởi vì “việc trích dẫn, cái sẽ tạo con đường cho sự nhại và những thứ tương tự, thường được xem như miếng giấy quỳ cho phép thử hậu hiện đại”.

Mà tạp văn Nguyễn Việt Hà thì dựa trên một trò chơi với các trích dẫn.

Có thể xem điều ấy ở bất cứ bài nào trong tập tuyển chọn này, nên tôi sẽ chọn ngẫu nhiên, bài “Trẻ con to xác” (tr.293). Bài viết mở đầu: “Có một học giả không giỏi lắm, đã mạnh dạn tổng kết rằng…”; và bài tạp văn non ba trang sách in khổ thông dụng này cứ thế rải ra mười trích dẫn từ đầu đến cuối, tạp loại từ câu “Nhân chi sơ là sờ tí mẹ” đến “Cụ Thượng” trong Tắt đèn đến một phim đoạt giải Cánh Diều Vàng là Áo lụa Hà Đông đến Sigmund Freud rồi một câu của Lão Tử rồi một chuyên đề trên báo Gia đình và Xã hội và kết bài bằng một trích dẫn Marxim Gorki-Lev Tolstoi.

Không thể nói về việc ấy hay hơn Compagnon: trích dẫn ấy “tạo con đường cho sự nhại”.

Nguyễn Việt Hà từ nhiều năm trước bắt đầu viết các bài tạp văn báo chí đã chơi theo cách này, đều mở đường bằng trích dẫn và đôi khi khá rõ hình bóng Chuyện cũ viết lại (Lỗ Tấn), đều lấy những chuyện và cách ngôn xưa để nói về những chủ đề đạo lý ngày nay - tức luôn có tính chất “thông điệp” - một cách mỉa mai hay trào lộng - tức là cách “nhại” điển hình. Anh sở trường việc này và mang vào đó cái thâm nho Kẻ Chợ: ngôn từ đời sống và văn báo hiện nay đã bỏ mất rất nhiều cách nói tinh nhã của Hà Nội cũ, như hai chữ “to xác” xưa kia dùng nước đôi có ý nghĩa rất xem thường, đi với “trẻ con”, lại để nói về đàn ông thời nay, toát ra vị đùa cợt. Nó báo trước các thông điệp. Và cái chủ điểm của thông điệp đã đến ngay sau hai câu mở đầu, sau khi mượn lời dẫn bảo cuộc đời đàn ông có ba giai đoạn tu, “Lúc bé thì tu ti, trưởng thành thì tu rượu, về già thì tu thân” liền nói: “Điều này lý giải tại sao đàn ông có tuổi thường vô cùng đạo mạo đứng đắn, hiếm hoi bọn mất dạy”.

Giọng điệu chuyển vào lối viết: cái gọi là ba đoạn “tu” đời ít nhất cũng nhại Khổng gia, đem gắn “ti” và “rượu” vào hai chữ “tu thân”, khiến người ta liên tưởng sang đạo đức giả chen vào tề-gia-trị-quốc, và cái cụm “bọn mất dạy” rơi đắc địa vào cuối câu sau lôi tuột theo nó những chữ “có tuổi” với “đạo mạo”, định vị hướng truyền thông ở phần nhại kế tiếp, giữ lối nước đôi bằng cụm “đàn ông có tuổi” đó.

Tính chất bỡn cợt như thế tạo nên lối viết của Nguyễn Việt Hà, một lối viết khai thác đến cùng cái cách dụng ngôn mà dân gian gọi là “câu nói nửa chừng”.

Cho nên những bài tạp văn của anh rất mực dụng công để có thể tập hợp vài chục thông báo thường là hết sức khác nhau về mặt phân loại, đưa vào một ma trận đầu vào-đầu ra, nói một cách hình ảnh như truyện vui là “vào xúc-xích ra con lợn”.

Thông điệp của những “câu nói nửa chừng” thường khi nằm chủ yếu ở giọng điệu và anh đã làm việc này - tạo ra giọng điệu - kỹ lưỡng đến độ nó hầu như không thay đổi qua tất cả những bài viết ở đây, giọng điệu một “Anh chàng ghét đời” thập thành tinh quái thường xuyên toàn phải gặp gỡ đám Tartuffe hay Harpagon hay là cả hai rất đông.

Cái được gọi là “thông điệp” xưa nay vẫn thường truyền đi cách gián tiếp qua một vật trung gian, như đơn giản nhất là đem tặng một bông hồng hay một cái nhẫn bạch kim, cho nên văn chương vốn vẫn là một thứ môi giới mạnh và phổ biến nhất, bởi nó là “lối viết”, nó “dụng ngôn như dụng mộc”.

Và cũng thường thì văn chương chính là thông điệp bởi nó là cái muôn vẻ của lối “câu nói nửa chừng”, là hình thức của điều muốn nói trong khi điều ấy nói; và câu chữ ngôn từ văn chương của nó đôi lúc có thể là lưỡi búa nhưng thường nhất là cái nêm - nó chèn sâu và sâu hơn nữa vào những kẽ nứt bất kỳ.

Cách thức khác phổ biến của nó chính là tái hiện các trải nghiệm thông qua ngôn từ, tức kể chuyện - và điều mà nó không nói ra là, nó mang lại những kinh nghiệm kia bằng một trải nghiệm ngôn từ, bằng lối viết.

Các bài tản văn của Đỗ Phấn tập hợp trong hai cuốn sách này đi con đường kể chuyện như thế, nhưng tính chất nước đôi hay lấp lửng của văn chương thì hầu như không khác với lối viết của thông điệp, chỉ có điều, so với độ căng bề mặt của ngôn từ trong lối viết đầy ngụ ngôn của thông điệp thì việc kể chuyện nhìn chung là co giãn hơn.

Nhưng cái ý-tại-ngôn-ngoại thì sâu nông không phụ thuộc vào căng hay chùng.

Chẳng hạn như bài “Tôi và đồng nát” (tr.121) ở tập Ông ngoại hay cười, Đỗ Phấn kể một vài hồi ức về những gánh đồng nát luôn luôn gặp ở Hà Nội trước kia và nay dần đã “có tiến bộ?”: “những món đồng nát xưa không còn ai muốn mua nữa”, thành ra anh thấy trong nhà mình bỗng có quá nhiều những món nát hơn đồng nát mà “không kể tôi cũng được mà kể cả tôi cũng chả việc gì!” - và ta biết theo kinh nghiệm đọc, khi người viết đem mình ra tự trào thì cái sự nhại mỉa mai ấy đơn giản đã lấy anh ta làm vật trung gian, làm một thứ mắt bão thổi gió ra bốn phía: đồ nát các bác không mua, nhưng “tháo dỡ những thứ lành lặn đem bán cho các bác thì tôi không dám”. Thế có ai “dám” không? Có chứ.

Hình bóng truyện ngắn rất rõ trong bài “Nụ cười đã tắt” (tr.190) ở tập Phượng ơi, kể câu chuyện một ông hưu trí nọ làm tổ trưởng tổ dân phố kia; ông này cứ thầm tơ tưởng một cô gái trong khu nhà vì cô ấy hay nở “nụ cười dành cho ông” mỗi khi đi về; nên một hôm ông liều trèo “sáu mươi sáu bậc cầu thang” lên phòng cô ấy, trộm nghe vọng ra “những tiếng cười rúc rích”…; và từ hôm sau thì chẳng còn “nụ cười dành cho ông” nữa.

Chuyện này khá giống về tình thế với một tình tiết trong Người phàm của Philip Roth. Nó ám dụ cái lòng ảo tưởng nơi người ta, về mọi thứ. Tôi rất muốn nhại Phan Thị Vàng Anh để đặt lại tên cái bài tản văn này thành “Khi người ta già”.

Tính chất nghiệm sinh trong tiếng cười của Nguyễn Việt Hà hay trong cái mỉm môi bộ râu “ông ngoại” của Đỗ Phấn luôn khiến tôi nhớ đến một đồng nghiệp lớn tuổi thời tôi mới vào nghề phóng viên, vì một lần anh đầy tự tin bảo tôi rằng: các tổng biên tập qua đi, nhưng người viết còn lại. Sau này anh thành một nhà văn.

* Đọc Tạp văn tuyển chọn, Nguyễn Việt Hà, Tân Văn & Nxb Văn học, 2011; Ông ngoại hay cười, Phượng ơi, hai tập tản văn của Đỗ Phấn, ĐôngTây & Nxb Lao động, 2011 và Nxb Dân trí, 2012

(CF5)

Oct 20, 2012

Malaparte và Thomas Bernhard




Mấy nước phát xít đã đen thui, mấy cục đen sì văn chương của mấy nước ấy thì còn đen đến mức nào nữa: một người Ý, Malaparte và một người Áo, Thomas Bernhard.

Trong ảnh trên đây, bên trái là quyển tiểu sử đầy đủ nhất cho tới nay về Malaparte tức Curzio Suckert; tác giả Maurizio Serra ngay từ đầu đã cho biết: “Người ta có thể tìm ra rất nhiều lý do, mà lý do nào cũng tuyệt hảo, để không yêu quý ông”. Bởi tài năng của Malaparte đi kèm với những khiếm khuyết, thậm chí là những xấu xa của con người: mythomane (có thể hiểu đại ý là nói dối bệnh lý), exhibitionniste (thích tự trưng bày), ham muốn tiền bạc và khoái lạc, một “tắc kè hoa” trong nhiều thứ. Từ “tắc kè hoa” ngay lập tức gợi ta nhớ đến Romain Gary-Émile Ajar; quyển tiểu sử lớn nhất về Gary mang nhan đề “tắc kè hoa”, và Romain Gary cũng mythomane, cũng thích điệu đà, gái gú như điên, một thời sống với “femme fatale” Jean Seberg, một trong những phụ nữ đẹp nhất của thời ấy.

Malaparte là một phát hiện trở lại của châu Âu như một nhà văn đặc biệt quan trọng về Thế chiến thứ hai, từ góc nhìn rất đặc biệt: đặc phái viên báo chí chiến trường của Ý, có mặt ở những bữa tiệc xa hoa nhất giữa cảnh đổ nát và chết chóc của châu Âu, ngồi cùng bàn ăn với Toàn quyền Ba Lan Frank, ông vua Đức của Ba Lan, chơi Chopin tuyệt hảo và thực tâm ước nguyện khai hóa cho dân Ba Lan, là bạn thân của các hoàng thân Thụy Điển rồi một loạt nhân vật tối cao của châu lục hồi ấy.

Những chuyện này được Malaparte thuật lại trong Kaputt (quyển bên phải trong ảnh), tác phẩm lớn nhất của Malaparte và cũng thuộc hàng tác phẩm lớn nhất về Thế chiến thứ hai, trong đó Malaparte, mặc dù miêu tả châu Âu từ các bữa tiệc linh đình đúng theo kiểu truyền thống La Mã của Satyricon, lại dùng những ẩn dụ “thấp” nhất, các ẩn dụ thú vật: các chương tên là “Ngựa”, “Chuột”, “Chó”… “Malaparte” nghĩa là ngược lại với (Napoléon) Bonaparte, là “la part du mal” (phần của cái ác), vì chủ đề chính của văn chương Malaparte là cái ác, cái ác độc địa nhất của con người văn minh nhất.

Ở Việt Nam hiện nay đã có ba tác phẩm của Malaparte (chắc chỉ có vậy): Kỹ thuật đảo chánh dường như do Thế Uyên dịch, Thượng đế đã chết trong thành phố tức La Penne tức La Peau (Da) do Nguyễn Quốc Trụ dịch và Mặt trời mù do Bửu Ý dịch.

-----------

Còn đây là Thomas Bernhard nói về nhiếp ảnh trong Auslöschung. Ein Zerfall (sụp đổ, suy sụp, chấm dứt), từ bản dịch tiếng Pháp Extinction của Gilberte Lambrichs:

Ảnh chụp chỉ bày ra khoảnh khắc kệch cỡm và khoảnh khắc khôi hài, tôi nghĩ, nhìn chung, nó không bày ra con người đúng như thế, trong cả cuộc đời, ảnh chụp là một cuộc làm giả xảo trá, lệch lạc, mọi loại ảnh chụp, ai chụp thì cũng thế, chụp ai cũng chẳng mấy quan trọng, đều là một sự vi phạm cực điểm tới phẩm cách con người, một cuộc làm giả tự nhiên gớm guốc, một trò mọi rợ nhơ bẩn. […] Với lại, trên đời gần như chẳng có gì khiến tôi căm ghét hơn sự phô bày của những tấm ảnh. […] trong đời tôi chưa từng bao giờ có cái máy ảnh nào. Tôi khinh bỉ những kẻ lúc nào cũng chăm chăm chụp ảnh, cứ vơ vẩn khắp mọi nơi với cái máy ảnh đeo trên cổ. Bọn họ không ngừng kiếm tìm một chủ đề và bọn họ chụp mọi thứ và bất kỳ cái gì, ngay cả những thứ ngớ ngẩn nhất. Không ngừng, trong đầu bọn họ chẳng có gì khác ngoài chuyện tự trình mình ra và luôn luôn là theo cách thức đáng tởm nhất, tuy thế họ không hề ý thức được điều này. Bọn họ ghim vào những bức ảnh của mình một thế giới bị bóp méo một cách lệch lạc, chẳng có gì chung với thế giới thực ngoài sự bóp méo lệch lạc kia mà họ là thủ phạm. Chụp ảnh là một thói tật gớm guốc dần dà phạm tới toàn thể nhân loại, bởi nhân loại ấy không chỉ yêu đắm đuối sự bóp méo và sự lệch lạc, mà còn mê đắm chúng và trên thực tế, cứ chụp mãi chụp mãi, lâu dài nó coi cái thế giới bị bóp méo và lệch lạc là thế giới xác thực duy nhất. Những kẻ chụp ảnh phạm một trong những tội ác gớm guốc nhất có thể phạm, vì bọn họ biến tự nhiên trở nên kệch cỡm một cách biến thái trên các bức ảnh của mình. Trên các bức ảnh của họ, con người trở thành đám búp bê lố bịch, xiên xẹo đến mức khó mà nhận ra được nữa, bị biến dạng, đúng, hoảng hốt nhìn vào ống kính gớm guốc của bọn họ, trông thật ngu đần, đáng tởm. Chụp ảnh là một thói đam mê rác rưởi phạm tới mọi châu lục và mọi tầng lớp dân cư, một chứng bệnh giáng xuống toàn thể loài người mà sẽ chẳng bao giờ chữa khỏi cho nổi. Người sáng chế ra nghệ thuật chụp ảnh là kẻ sáng chế ra thứ nghệ thuật ghét người nhất trong số mọi nghệ thuật. Chính bởi kẻ ấy mà ta có sự bóp méo chung quyết cả tự nhiên lẫn con người sống ở trong đó, có hình biếm họa lệch lạc của cả tự nhiên và con người. Tôi còn chưa từng bao giờ thấy dù chỉ một bức ảnh chụp được một người tự nhiên, nói cách khác là con người thật và xác thực, cũng như chưa từng bao giờ thấy dù chỉ một bức ảnh chụp được một tự nhiên thật và xác thực. Ảnh chụp là nỗi bất hạnh lớn nhất của thế kỷ XX. Tôi chưa từng bao giờ thấy tởm hơn khi nhìn các bức ảnh.


Nhân tiện giới thiệu lại bài viết được nhiều người đọc nhất trên blog của tôi, cũng về chụp ảnh (lượng người đọc lên đến năm chữ số hehe).

Một cái khác của Thomas Bernhard, lần này là về Glenn Gould.

Oct 18, 2012

Christopher Isherwood




A Single Man của Christopher Isherwood.

Các bạn gay mua sách này đi, về một ngày của một người đồng tính, George, sau khi bạn tình lâu năm tên là Jim qua đời.

Đùa thế thôi, Isherwood là một nhà văn lớn, quy giản vào văn học đồng tính thì quá dở hơi. Nhìn cái tên Isherwood lại nhớ đến những trang TLS dày đặc chữ, khai thác cả đến mối quan hệ bạn bè giữa Isherwood và những người như Aldous Huxley hay Truman Capote.

Christopher Isherwood là người Anh nhưng sống bên Mỹ, nhập quốc tịch Mỹ, nghĩa là ngược hẳn lại với những người Mỹ nhưng lại sang sống ở Anh và có khi nhập luôn quốc tịch Anh như Henry James, Ezra Pound và T. S. Eliot.

Bản tiếng Việt trích vài đoạn của Anthony Burgess về văn chương Isherwood. Burgess là tác giả cuốn tiểu thuyết lừng danh A Clockwork Orange nhưng sau này sẽ rất bất mãn vì quyển này được Stanley Kubrick dựng thành phim thành công quá, xóa mờ cả những tác phẩm khác của ông.

George tỉnh dậy và cố hết sức để nhập lại vào cuộc sống của mình, cuộc sống thiếu Jim. Và tất nhiên cái ngày duy nhất của Người cô độc tràn ngập ký ức:

"Hình dung hai con người, sống cùng nhau ngày qua ngày, tháng đoạn tháng, năm tiếp năm, trong một khoảng không gian nhỏ hẹp, khuỷu tay chạm khuỷu tay khi đứng nấu nướng bên bếp lò, ép vào nhau trong những bậc thang chật chội, cùng đứng cạo râu trước tấm gương nhỏ trong phòng tắm, không ngừng đụng chạm, huých đẩy vào thân thể của nhau vô tình hay hữu ý, với tràn đầy nhục dục, mạnh bạo, ngượng ngùng và nóng vội..."

Ngay đầu truyện, Isherwood đã trích dẫn John Ruskin. Ruskin là một trong mấy nguồn trích dẫn lớn nhất của các nhà văn Anh-Mỹ hồi xưa, cùng Walter Pater và Oscar Wilde - tràn ngập thông thái và tinh quái, và duy mỹ. Paul Theroux cũng nhắc ngay đến Ruskin, sau Graham Greene. Ruskin là một trong những ảnh hưởng bên ngoài mạnh nhất vào Marcel Proust, thậm chí Proust còn dịch cả một tác phẩm của Ruskin từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Ngày nay Ruskin và Pater đã bị lãng quên nhiều.

Đây hình như là quyển sách đầu tiên của Công ty Cổ phần Sách Trẻ, một công ty sách mới toanh, thậm chí còn chưa kịp mở trang web. Người dịch Người cô độc là Trần Nguyên, và theo giới thiệu trên sách thì sắp tới sẽ có luôn thêm ba tác phẩm nữa của Isherwood. Nín thở chờ đợi: Goodbye to Berlin, The World in the EveningPrater Violet.

Chúc các bạn không thuận buồm xuôi gió :) Đây là một câu lan truyền trong giới xuất bản tại Việt Nam lâu nay: in sách ba mươi năm mà không bị cấm quyển nào thì đúng là chẳng ra gì :p


Mr Orthofer biết có nhiều bạn Việt Nam đọc blog của bác ấy hay sao mà dạo này review nhiều quyển liên quan đến Việt Nam ghê :p Đây là về Ru của Kim Thúy. Say something about Linda Lê pls :))

Oct 17, 2012

propos

tiến gần tới tuổi của Chúa





một cách không thể cứu vãn

Oct 15, 2012

Phạm Công Thiện về Hàn Mạc Tử



Năm kỷ niệm Hàn Mạc Tử này, cuối cùng tập Gái quê 1936 đã được phục hồi ở trạng thái tương đối gần ban đầu nhất.

Trước đây, tạp chí Văn dành cả số 179 để tưởng niệm Hàn Mạc Tử (trước đó, số 73-74 cũng đã mang tên Tưởng niệm Hàn-Mặc Tử), lấy tên chung là Viết về Hàn-Mặc Tử, với bài đầu tiên là “Đức tin trong hồn thơ Hàn-Mặc Tử” của Đặng Tiến. Dưới đây là bài viết ngắn của Phạm Công Thiện trên số báo ấy, không phải bài nổi tiếng gọi Hàn Mạc Tử là “phượng hoàng vỗ cánh” như nhiều người đã biết:


Một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình: Hàn-Mặc Tử

Trong tất cả những thi hào văn sĩ lừng danh của toàn thể văn chương Việt Nam từ mấy ngàn năm nay, tôi không tìm được một người nào đã tác động một mảy may nào đến tâm hồn tôi cả - trừ ra Hàn-Mặc Tử. Nguyễn Du là một thi hào vĩ đại, tôi đã đọc đi đọc lại Nguyễn Du và nhìn nhận Nguyễn Du là vĩ đại, nhưng tôi không cần thứ vĩ đại ấy. Cái thứ vĩ đại ấy chẳng tác động gì đến đời sống u mê của tôi cả. Quách Tấn cũng vĩ đại, tôi kính trọng sự vĩ đại ấy, nhưng sự vĩ đại ấy làm lịch sử, vì đi ngược lại lịch sử, đạp trên đầu lịch sử hiện đại. Tôi chẳng bận tâm đến lịch sử. Thỉnh thoảng cũng bận tâm để chợt nhớ rằng mình là người Việt Nam. Vì tin chắc rằng người Việt Nam sẽ thắng, sẽ tiêu diệt tất cả những gì không phải là Việt Nam, người Việt Nam sẽ thắng, cho nên tôi không cần bận tâm đến vận mệnh của Việt Nam. Tôi có vận mệnh của riêng tôi. Người nào muốn lo đến vận mệnh của Việt Nam, thì cứ lo đến vận mệnh của Việt Nam. Tôi không hề biết ái quốc là cái gì. Tôi chỉ biết đến tôi và chỉ có tôi mới hiểu thế nào là con đường của Việt Nam. Trong tôi ngưng tụ lại tất cả tàn khốc của Việt Nam, tất cả mâu thuẫn, ích kỷ, tàn phá, kiêu hãnh, ngang tàng, kiêu ngạo, từ tốn, khoan dung, khôn ngoan, yếu đuối và cô độc. Dù trận chiến tranh ở Việt Nam có chấm dứt đi nữa thì trận chiến tranh trong tôi vẫn tiếp tục. Giống như nó vẫn tiếp tục trong tâm hồn của những thanh niên Việt Nam ra đời lúc chiến tranh Việt Nam vừa khởi phát và được ba mươi tuổi lúc chiến tranh bùng phát dữ dội lan rộng từ Việt Nam đến Hạ Lào. Chỉ có thanh niên Việt Nam nào từ ba mươi tuổi trở xuống mới hiểu nổi thơ của Hàn-Mặc Tử. Trận chiến tranh Việt Nam hiện nay chính là sự phóng đại của cơn bịnh hủi của Hàn-Mặc Tử. Chỉ có thi sĩ mới sống trước, sống tận bản thân tất cả những khả tính sắp hiện của vận mệnh dân tộc mình. Vận mệnh của Hàn-Mặc Tử đã báo trước vận mệnh của Việt Nam. Thơ của Hàn-Mặc Tử đã báo động cái gì rạn vỡ trong không khí quê hương. Không phải chỉ làm thơ với những danh từ và động từ chính trị mới nói được con đường đi của dân tộc. Nhiều khi nói ngược lại hay nói những cái gì khác, như dùng những tiếng kỳ cục như thượng thanh khí, vỡ lở, trăng, châu lệ, đê mê, hoa bắp lay, cứng tợ si, chưa bưa, dại khờ, gánh máu đi trong tuyết, bời bời ruột gan, ớn lạnh, vân vân. Nhiều khi ăn nói thê thảm điên dại như Hàn-Mặc Tử mà lại trỏ ngón tay vào đúng tim đen của vận mệnh Việt Nam và mở ra một người đi khác cho “sử linh tư tưởng” (chữ của Hàn-Mặc Tử). Người hiểu được thì hiểu ngay lập tức, không hiểu được thì vẫn không hiểu được. Định mệnh tàn khốc, nhưng không có thực, giống như cơn bệnh hủi chỉ là cơn bệnh tưởng tượng của mặt trời, do mặt trăng lường gạt.

Phạm Công Thiện
(ngoại ô Paris, mùa đông năm 1971)

(tạp chí Văn số 179, 1/6/1971, tr. 52-54)

-----------

Trong những gì người ta dùng để vinh danh Mạc Ngôn, tôi đặc biệt quan tâm đến cái so sánh Mạc Ngôn với Rabelais. Đây là một cliché biểu lộ dân phương Tây nắm bắt tinh thần của Mạc Ngôn hời hợt như thế nào. So sánh này đã tồn tại từ rất lâu, tôi nhớ cách đây cỡ phải gần chục năm rồi đã đọc một bài báo mang tên “Mo Yan: leur Rabelais” (Mạc Ngôn: Rabelais của họ) trên một tờ tạp chí văn học nào đó của Pháp; ngay lúc đó tôi đã thấy sự so sánh này thật là gượng gạo, bấp bênh, quàng xiên, vớ vội lấy một sự dễ dãi để diễn dịch một cái gì khác lạ. Chỉ có điều sự dễ dãi ấy hình như đã trở thành một trong những chỗ dựa quan trọng để người ta trao giải Nobel cho Mạc Ngôn.

Tôi không quan tâm xem Mạc Ngôn được Nobel Văn chương thì có xứng đáng hay không. Có thể Mạc Ngôn còn xứng đáng hơn thế nữa, trong kiểu riêng của mình. Nhưng đừng thuyết phục tôi Mạc Ngôn có thể so sánh với Rabelais. Hoặc giả Rabelais qua chuyển dịch thời gian đã trở nên vô cùng kệch cỡm. Câu bình luận của Ngải Vị Vị rất đúng: xứng đáng thì xứng đáng, nhưng bad taste. Điều này cũng cho thấy dân chống đối generous hơn rất nhiều so với những người như Mạc Ngôn.

Oct 12, 2012

Vũ Hoàng Chương: Hoa Đăng và Nobel Văn chương

Đây là tập thơ chủ đề bài viết của Chế Lan Viên về Vũ Hoàng Chương vào năm 1960:






Cùng Rừng phongTrời một phương, tập thơ này hiện nay rất khó tìm.

Nhân Mo Yan được Nobel Văn chương, post ảnh Gao Xingjian:



Oct 9, 2012

Rousseau: Cuộc dạo chơi thứ nhất

Trong Những lời bộc bạch, dịch giả Lê Hồng Sâm dịch liên từ "qui" (tương đương "who", "which" trong tiếng Anh) theo một cách thức khá đặc biệt, nhưng bà không phải là người duy nhất làm như vậy, trước đây đã có một số người, ví dụ như Trần Dần trong các bản dịch từ tiếng Pháp.

Dưới đây là "Cuộc dạo chơi thứ nhất" trong số mười cuộc dạo chơi của Những suy tư vơ vẩn của người dạo chơi cô độc, tác phẩm cuối cùng của Jean-Jacques Rousseau, được ông viết trên nhiều tấm "thẻ" (carte).




Jean-Jacques Rousseau

Những suy tư vơ vẩn của người dạo chơi cô độc


Cuộc dạo chơi đầu tiên

Vậy là giờ đây tôi chỉ một mình trên đời, ngoài riêng tôi chẳng còn anh em, thân thích, bạn bè, chỗ giao du. Kẻ dễ gần nhất và dễ yêu nhất trong số con người lại bị quăng vứt khỏi con người theo một thỏa thuận được đồng lòng nhất trí. Họ đã tìm kiếm ở những tài khéo trong sự căm hận của mình đâu có thể là đòn hành hạ tàn độc nhất cho tâm hồn nhạy cảm của tôi, và họ đã cắt phăng mọi mối liên hệ gắn kết tôi với họ. Tôi thì sẵn sàng yêu con người mặc cho bản thân họ. Thôi liên hệ với tôi, họ đã chỉ có thể tuột ra khỏi sự trìu mến của tôi. Thế là họ trở thành những người xa lạ, những người dưng, rồi thì với tôi họ chẳng còn là gì, bởi họ đã muốn vậy. Nhưng còn tôi, bị tách rời khỏi họ và khỏi mọi thứ, bản thân tôi thành ra cái gì? Đó chính là điều tôi còn cần phải tìm hiểu. Thật không may, trước khi tìm kiếm phải có một cái nhìn thoáng qua về vị trí của tôi. Nhất thiết tôi phải thực hiện điều này thì mới có thể đi từ họ đến tôi.

Đã hơn mười lăm năm nay tôi ở vào cái vị trí lạ thường này, thế mà với tôi nó vẫn như thể là một cơn ác mộng. Lúc nào tôi cũng hình dung mình đang bị mắc chứng khó tiêu, đang phải ngủ một giấc thật nặng nề, và rằng tôi sẽ tỉnh dậy, nhẹ nhõm thoát hẳn khỏi nỗi đau đớn, thấy mình lại được ở bên bạn bè. Phải, hẳn thế, hẳn tôi đã không hề hay biết mà nhảy từ trạng thái thức vào trạng thái ngủ, hay nói đúng hơn là từ sự sống vào cái chết. Bị lôi tuột khỏi trật tự sự vật theo cái cách tôi không hiểu là cách gì, tôi thấy mình lao vào một sự hỗn loạn không sao hiểu nổi tại đó tôi không nhìn thấy gì hết; và càng nghĩ đến tình trạng hiện nay của mình tôi lại càng thấy khó hiểu là mình đang ở đâu.

Này! làm sao mà tôi có thể dự tính số phận đang chờ đợi tôi? làm sao đến tận hôm nay tôi có thể hình dung ra nó, khi đã rơi vào đây? Trong sự chất phác của mình liệu tôi có thể giả định rồi một ngày, tôi, cái con người mà tôi là, cái con người mà tôi vẫn là, sẽ biến thành, sẽ hẳn nhiên bị coi như một con quái vật, một kẻ đầu độc, một tên sát nhân, rằng tôi sẽ trở thành niềm kinh sợ của loài người, món đồ chơi của lũ tiện dân, rằng toàn bộ sự chào đón của những người đi ngang qua tôi sẽ là nhổ lên tôi, rằng cả một thế hệ rồi sẽ lấy làm thích thú được chôn sống tôi theo một thỏa thuận đồng lòng nhất trí? Khi sự đảo lộn kỳ quặc này xảy ra, bị bắt chợt, thoạt tiên tôi bị chấn động. Những bấn loạn của tôi, sự phẫn nộ của tôi nhấn chìm tôi vào một cơn điên loạn mất đến chục năm mới dịu lại, và trong quãng thời gian ấy, rơi vào hết nhầm lẫn này đến nhầm lẫn khác, hết lầm lỗi này đến lầm lỗi khác, hết sự ngu xuẩn này đến sự ngu xuẩn khác, bởi những việc thiếu thận trọng của mình, tôi đã cung cấp cho những kẻ dùng vu cáo để chi phối số phận tôi vô số công cụ để rồi bọn họ đã khéo léo sử dụng chúng nhằm đóng đinh ghim chặt cái số phận đó lại.

Tôi đã giãy dụa dữ dội ngang bằng với vô vọng. Không khôn khéo, chẳng nghệ thuật, không giấu giếm, chẳng thận trọng, thẳng băng, mở toang, sốt ruột, tức tối, càng giãy dụa tôi càng chỉ tự trói mình chặt hơn và không ngừng cung cấp cho bọn họ những sơ hở mới mà họ không hề bỏ qua. Rốt cuộc, cảm thấy mọi nỗ lực của mình đều vô ích và vật vã chẳng được tích sự gì, tôi bèn nắm lấy cái ý tưởng duy nhất còn lại mà tôi có thể nắm, đó là quy phục số phận của mình mà không cố công cưỡng lại sự tất yếu nữa. Tôi đã thấy trong thái độ nhẫn nhục này sự đền bù cho mọi nỗi khốn khổ của mình, thông qua sự yên bình mà nó tạo ra cho tôi, cái yên bình chẳng thể hòa hợp với sự hành hạ không ngớt của một cuộc kháng cự cũng nặng nề ngang bằng với chẳng lợi ích chi.

Còn một thứ khác đã góp phần cho sự yên bình này. Trong tổng số những tài khéo nằm ở sự căm hận của mình, những kẻ truy sát tôi đã bỏ qua mất một điều mà ác tâm của bọn họ khiến họ quên đi mất; bằng cách khéo léo tăng dần tác động của sự ác tâm bọn họ có thể không ngừng duy trì và gia tăng những nỗi đau khổ của tôi, luôn luôn giáng lên tôi một sự tổn thương mới nào đó. Nếu đủ khôn khéo mà để lại cho tôi chút ánh sáng hy vọng, hẳn bọn họ sẽ vẫn còn giam chặt được tôi ở đó. Bọn họ sẽ còn có thể biến tôi thành món đồ chơi cho họ bằng một cái bẫy nào đó, rồi sau này gây hại cho tôi vì một sự hành hạ luôn luôn mới mẻ ở chỗ bất ngờ. Nhưng bọn họ đã dùng đến cạn kiệt các nguồn lực của mình từ quá sớm; vì không để lại chút gì cho tôi, bọn họ cũng đã tự vứt bỏ đi mọi thứ của mình. Sự phỉ báng, sự hạ thấp, sự bôi nhọ, sự đê nhục mà bọn họ ụp xuống tôi không có nhiều tác dụng tăng tiến bằng làm dịu đi; cả hai bên đều không còn tự kiểm soát được nữa, bọn họ vì làm chúng trở nên nặng nề còn tôi vì né được chúng. Họ nôn nóng làm đầy tràn mức độ bần cùng của tôi đến độ khiến cho toàn bộ sức lực con người, tuy được trợ sức bởi mọi mưu mẹo địa ngục, không còn có thể thêm gì vào được nữa. Bản thân nỗi đau thể lý cũng vậy, lẽ ra phải làm tôi thêm phần đau đớn, thì ở đây lại là thứ đánh lạc hướng. Khi bắt tôi phải hét lên, có lẽ vậy, nỗi đau tránh cho tôi phải rên rỉ, và những rách xước của thể lý hẳn làm ngưng lại những rách xước của trái tim tôi.

Tôi còn gì phải phàn nàn về bọn họ nữa đây khi mà mọi thứ đã xong xuôi rồi? Vì không thể làm cho tình trạng của tôi tệ hại hơn được nữa, bọn họ không sao gây nổi cho tôi những cơn giật thột. Sự lo lắng và nỗi sợ là những điều xấu mà bọn họ đã vĩnh viễn trút vào tôi: đó luôn luôn là một sự nhẹ nhõm. Những nỗi đau thực không mấy tác động đến tôi; tôi dễ dàng lựa chọn những gì mà tôi cảm thấy, chứ không phải những gì khiến tôi e ngại. Trí tưởng tượng hoảng hốt của tôi kết hợp chúng lại, xoay trở đi, trải rộng chúng và tăng chúng lên. Chờ đợi chúng là điều hành hạ tôi trăm lần hơn sự hiện diện của chúng, và với tôi mối đe dọa khủng khiếp hơn nhiều so với đòn đánh. Ngay khi chúng xảy tới, hậu quả thực tế, bởi tước bỏ đi tất cả những gì là tưởng tượng có trong chúng, quy giản chúng về đúng giá trị thật. Lúc đó tôi thấy chúng nhỏ nhoi hơn rất nhiều so với khi tôi hình dung ra chúng, và thậm chí ngay ở giữa sự đau đớn của mình tôi cũng vẫn cảm thấy nhẹ nhõm. Trong tình trạng ấy, đã trút bỏ được mọi nỗi sợ hãi mới và thoát khỏi nỗi lo âu cho niềm hy vọng, chỉ cần thói quen là đủ để ngày một ngày hai khiến tôi chịu đựng được một tình thế không thể tệ hại hơn được nữa, và chỉ cần vì cứ kéo dài mà tình cảm trở nên cùn mòn thì bọn họ không còn phương cách nào làm nó sống lại nữa. Đó chính là điều tốt mà những kẻ hành hạ tôi đã làm cho tôi, khi mà bọn họ dùng bừa phứa đến kiệt cùng tất tật lòng căm hận của mình. Bọn họ giáng xuống tôi toàn bộ sức lực, và rồi kể từ đó tôi đã có thể chế nhạo bọn họ.

Cách đây chưa đầy hai tháng một sự yên bình tràn ngập đã được tái thiết lập trong lòng tôi. Từ lâu rồi tôi không còn e ngại điều gì, nhưng lại vẫn hy vọng, và cái niềm hy vọng khi được ấp iu lúc bị xử tệ ấy là một tâm trạng qua đó cả nghìn dục vọng khác nhau không ngừng làm tôi chộn rộn. Một sự kiện vừa đáng buồn vừa bất ngờ cuối cùng đã vừa xóa bỏ đi khỏi trái tim tôi cái tia sáng hy vọng yếu ớt ấy và cho tôi nhìn thấy số phận mình đã bị đóng đinh ghim chặt vĩnh viễn ở nơi hạ thế này. Ngay khi chịu nhẫn nhục không vương vấn tức thì tôi tìm lại được bình yên.

Vừa mới khởi sự thoáng thấy âm mưu trong toàn bộ tầm vóc của nó, tôi đã mãi mãi đánh mất đi ý nghĩ dẫn dắt công chúng trở lại quan tâm đến tôi trong khi tôi còn sống; và ngay sự trở lại này, vì không còn có thể là hai chiều, kể từ nay với tôi sẽ là hết sức vô ích. Người ta có quay trở về với tôi thì họ cũng sẽ không còn tìm thấy tôi nữa. Với sự thờ ơ ngạo mạn mà bọn họ truyền sang cho tôi, trong mắt tôi những trò vè của bọn họ thật là nhạt nhẽo và thậm chí cục mịch, và trong sự cô độc của mình tôi còn trăm lần hạnh phúc hơn là khi sống cùng bọn họ. Bọn họ đã giật đi khỏi trái tim tôi tất cả những êm ái của cuộc sống xã giao. Nơi trái tim, ở tuổi của tôi, chúng sẽ chẳng thể nào còn nảy mầm lần nữa; đã quá muộn mất rồi. Kể từ nay dù cho bọn họ có làm cho tôi điều tốt hay điều xấu, thì tôi đều thờ ơ với mọi thứ của họ, và có làm gì đi nữa thì những người cùng thời với tôi sẽ chẳng bao giờ là gì đối với tôi hết.

Nhưng tôi từng vẫn trông chờ vào tương lai, và từng hy vọng một thế hệ tốt đẹp hơn, xem xét kỹ lưỡng hơn, những đánh giá của thế hệ ấy về tôi và hành xử của thế hệ ấy đối với tôi, hẳn sẽ dễ dàng gỡ bỏ đi trò lừa đảo của những kẻ gây ra nó và sẽ thấy được tôi đúng như bản thân tôi. Chính niềm hy vọng đó đã khiến tôi viết các Đối thoại, và đã gợi ý cho tôi hàng nghìn toan tính điên rồ về việc truyền lại cho hậu thế những đối thoại ấy. Niềm hy vọng này, dẫu đã xa xôi, từng làm cho tâm hồn tôi ở vào cùng sự bấn loạn giống như khi tôi còn tìm kiếm trong thế kỷ một tấm lòng chính trực, và các hy vọng của tôi cho dù tôi đã ném đi xa cũng vẫn cứ biến tôi thành món đồ chơi của con người ngày nay. Trong các Đối thoại tôi đã nói mình dựa vào những gì để có được nỗi trông chờ đó. Tôi đã nhầm. Thật may vì tôi đã cảm thấy điều đó khá đúng lúc để còn tìm thấy được trước giờ cuối đời mình một quãng thời gian bình lặng tràn đầy và ngơi nghỉ tuyệt đối. Quãng thời gian này đã bắt đầu vào cái giai đoạn tôi đang nói tới đây, và tôi có cơ sở để tin rằng nó sẽ không còn bị cắt ngang nữa.

Có rất ít ngày những suy tư mới không xác nhận với tôi mình đã nhầm lẫn đến thế nào khi trông đợi vào sự quay trở lại của công chúng, ngay cả là vào một thời đại khác; bởi ở những gì liên quan đến tôi công chúng bị dẫn dắt bởi những kẻ hướng dẫn cứ tiếp nối nhau không ngừng trong tập đoàn những kẻ chăm chăm căm ghét tôi. Các cá thể thì chết đi, nhưng các tập đoàn đông đảo thì không hề chết. Cùng những dục vọng sẽ cứ kéo dài vĩnh viễn ở đó, và niềm thù hận cháy bỏng và bất tử của họ cũng giống như con quỷ truyền tới niềm thù hận ấy, vẫn luôn luôn hoạt động như thế. Khi mọi kẻ thù cá nhân của tôi đã chết đi, thì các linh mục, các giáo sĩ (1) vẫn sẽ còn sống, và ngay cả khi những kẻ hành hạ tôi chỉ còn là hai tập đoàn đó, tôi vẫn đoan chắc bọn họ sẽ không để yên cho ký ức về tôi sau khi tôi chết đi, cũng như họ từng không để yên cho con người tôi lúc tôi còn sống. Có lẽ, theo dòng thời gian, các linh mục, những người mà tôi đã thực sự chống lại, có thể sẽ nguôi dần. Nhưng các giáo sĩ tôi từng yêu quý, từng trân trọng, tôi từng hết lòng tin tưởng và chưa từng bao giờ chống lại, các giáo sĩ, những người của Nhà thờ và nửa thầy dòng, sẽ mãi mãi khăng khăng bất di bất dịch, sự bất công của bản thân họ sẽ tạo ra tội lỗi của tôi, tội lỗi mà lòng tự ái của họ sẽ không bao giờ chịu tha thứ, và công chúng được họ chăm chú khuyến dụ và nuôi dưỡng sự căm tức không ngừng, cũng sẽ giống như họ, không chịu nguôi.

Mọi thứ đều đã chấm hết với tôi trên mặt đất. Người ta không còn có thể gây điều tốt cũng như điều xấu cho tôi. Tôi chẳng còn lại gì để mà hy vọng hay e ngại trên cõi đời này, và thế là giờ đây tôi yên bình dưới đáy vực, kẻ phàm tục tội nghiệp bất hạnh, nhưng hờ hững giống như Chúa.

Mọi thứ ở bên ngoài tôi đều xa lạ với tôi kể từ nay. Trên cõi đời này tôi chẳng còn người thân cận, đồng loại, anh em. Tôi ở trên trái đất giống như trong một hành tinh xa lạ nơi tôi đã bị rơi vào từ nơi tôi từng sống. Nếu tôi có nhận biết quanh mình thứ gì, thì đó chỉ là những khách thể gây đau đớn và giày xéo trái tim tôi, và tôi không thể đưa mắt nhìn những gì chạm vào tôi và bao quanh tôi mà không luôn luôn thấy ở đó một chủ thể ơ hờ nào đó làm tôi tức khí, hay chủ thể đau đớn làm tôi nhọc nhằn. Vậy nên hãy để xa khỏi tâm trí tôi mọi thứ khách thể nặng nề hẳn sẽ làm tôi quan tâm theo cách vừa đau đớn vừa vô ích. Cô độc trong phần còn lại của đời mình, bởi tôi chỉ tìm thấy lại sự an ủi, niềm hy vọng và sự bình yên ở bên trong mình, tôi chỉ được và cũng chỉ muốn quan tâm đến tôi. Chính trong trạng thái này mà tôi thực hiện phần tiếp theo của bài sát hạch nghiêm khắc và thành thực mà trước kia tôi từng đặt tên là những Bộc bạch của tôi. Tôi sẽ hiến những ngày cuối đời cho việc tự nghiên cứu bản thân mình và chuẩn bị từ trước để không sớm thì muộn thanh toán món nợ với chính tôi. Hãy hoàn toàn đắm mình vào sự êm ái của việc trò chuyện với tâm hồn tôi bởi nó là thứ duy nhất mà người ta không thể cướp đi mất của tôi. Nếu vì cứ mãi suy nghĩ mãi về các khuôn dạng nội tâm của mình mà tôi sắp đặt được chúng theo trật tự tốt hơn và chữa lành nỗi đau có thể vẫn còn ở lại đó, thì hẳn những suy tư của tôi sẽ không hoàn toàn là vô dụng, và dẫu cho chẳng còn có ích gì trên mặt đất này nữa, tôi cũng sẽ không hoàn toàn đánh mất những ngày cuối cùng của mình. Những sung sướng của các cuộc dạo chơi hằng ngày của tôi thường xuyên được làm đầy bởi những chiêm ngưỡng tươi đẹp mà tôi rất tiếc vì đã không còn nhớ được nữa. Tôi sẽ ghim lại bằng cách viết ra những chiêm ngưỡng nào sẽ còn đến với tôi; mỗi lần đọc lại chúng là mỗi lần tôi được hân thưởng. Tôi sẽ quên đi những bất hạnh của mình, những kẻ hành hạ mình, những nỗi nhục nhã của mình, bằng cách nghĩ tới cái giá mà tấm lòng tôi xứng đáng.

Những trang viết này sẽ thực sự chỉ là một cuốn nhật ký không hoàn chỉnh ghi lại những suy tư vơ vẩn của tôi. Ở đây sẽ có rất nhiều điều về tôi, vì một người cô độc khi  suy tư nhất thiết phải chú tâm rất nhiều đến bản thân anh ta. Ngoài ra ở đây cũng sẽ có tất cả những ý nghĩ xa lạ nảy ra trong óc tôi trong lúc đi dạo. Tôi sẽ nói những gì tôi đã nghĩ đúng như chúng đến và với rất ít liên hệ, giống mối liên hệ thường có giữa những ý nghĩ ngày hôm trước và những ý nghĩ của ngày hôm sau. Nhưng kết quả sẽ luôn luôn là một nhận thức mới về bản tính của tôi và tính khí của tôi thông qua nhận biết về các cảm giác và suy nghĩ được tâm trí tôi biến thành dưỡng chất hằng ngày trong cái trạng thái kỳ cục mà tôi ở vào. Bởi thế những trang viết này có thể được coi là một phụ chú cho những Bộc bạch của tôi, nhưng tôi sẽ không đặt lại cho nó cái tên đó nữa, vì cảm thấy không còn gì để nói có thể xứng đáng với nó. Trái tim tôi đã được thanh tẩy trước thử thách với sự thù nghịch, và chăm chú dò dẫm ở trong đó tôi chỉ tìm thấy chút sót lại của cái chiều hướng đáng chê trách. Tôi còn lại gì nữa đây để bộc bạch khi mà mọi trìu mến với cõi đời này đều đã bị lôi tuột khỏi trái tim? Tôi chẳng còn gì để tự tán dương mình hay để tự chê trách mình nữa: kể từ nay tôi chẳng là gì hết giữa con người, và đó là toàn bộ những gì tôi có thể trở thành, bởi tôi không còn chút quan hệ thực hay sự giao tiếp xác thực nào với họ nữa. Bởi không còn có thể làm một điều gì tốt mà nó không xoay ra thành xấu, bởi không còn có thể hành động gì mà không gây hại cho người khác hay cho chính tôi, tránh đi đã trở thành bổn phận duy nhất của tôi, và tôi hoàn thành bổn phận ấy chừng nào nó còn ở bên trong tôi. Nhưng trong sự rã rời thể lý đó tâm hồn tôi vẫn còn tích cực, nó vẫn sản sinh ra những tình cảm, những suy nghĩ, và cuộc sống bên trong cũng như cuộc sống luân lý của nó lại như thể tăng tiến bởi cái chết của mọi quan tâm trần thế và thời gian. Với tôi, cơ thể chỉ còn là một nỗi vướng víu, một trở ngại, và tôi dùng hết những gì có thể để thoát khỏi nó từ sớm.

Một tình thế kỳ lạ như thế chắc chắn là xứng đáng được xem xét và miêu tả, và tôi sẽ cống hiến những lúc rảnh rỗi cuối cùng của mình cho sự xem xét này. Để làm được điều đó một cách thành công thì phải tiến hành theo trật tự và có phương pháp; nhưng tôi lại không có khả năng trong công việc này và thậm chí nó còn sẽ tách tôi ra khỏi mục đích của tôi, mục đích nhìn nhận những biến đổi của tâm hồn và những chuyển dịch của chúng. Cách nào đó, tôi sẽ thực hiện với bản thân mình những thao tác mà các nhà vật lý thực hiện với không khí nhằm nhận biết tình trạng hằng ngày của nó. Tôi sẽ đặt nhiệt kế đo tâm hồn tôi, và những thao tác được tiến hành chỉn chu và lặp đi lặp lại thật lâu dài đó có thể sẽ cung cấp cho tôi những kết quả cũng chắc chắn ngang bằng với những kết quả của họ. Nhưng cho tới giờ tôi còn chưa mở rộng công việc của mình. Tôi sẽ hài lòng với việc ghi chép lại các thao tác mà không tìm cách đưa chúng thành hệ thống. Tôi làm cùng công việc như Montaigne, nhưng với một mục đích hoàn toàn trái ngược với ông: bởi ông chỉ viết các Tiểu luận cho người khác, còn tôi thì chỉ viết ra những suy tư vơ vẩn của mình cho một mình tôi. Nếu trong những ngày già nua nhất của mình, sự ra đi đã cận kề, tôi vẫn còn, như tôi hy vọng, ở trong cùng tâm trí giống lúc này, việc đọc chúng sẽ nhắc cho tôi nhớ lại sự âu yếm mà tôi nhấm nháp khi viết chúng và, bằng cách tự làm hồi sinh thời gian đã qua, có thể nói là sẽ tăng gấp đôi sự tồn tại của tôi lên. Mặc kệ những con người, tôi vẫn cứ sẽ nhấm nháp sự duyên dáng của sự giao tiếp và tôi sẽ lụ khụ sống với chính tôi của một thời khác giống như tôi hẳn sẽ sống với một người bạn ít già nua hơn.

Tôi đã viết những Bộc bạch đầu tiên và các Đối thoại trong nỗi lo lắng khôn  nguôi về các phương cách hòng giúp tôi đưa chúng thoát khỏi bàn tay hau háu vồ mồi của những kẻ hành hạ tôi, để truyền chúng, nếu như có thể, tới cho các thế hệ khác. Nỗi lo ấy không còn hành hạ tôi nữa ở tác phẩm này, tôi biết nó sẽ vô ích, và bởi ham muốn được người ta biết đến nhiều hơn đã tắt ngấm trong lòng tôi chỉ còn để lại một sự thờ ơ sâu thẳm về số phận và về những tác phẩm đích thực của tôi và những lời chứng về sự vô tội ở tôi, những gì có lẽ đã bị diệt trừ vĩnh viễn rồi, tất tật. Cứ để cho người ta rình mò những việc tôi làm, cứ để cho người ta lo âu về các trang viết này, cứ để cho người ta cướp lấy chúng, người ta phá hủy chúng, người ta làm giả chúng, toàn bộ câu chuyện ấy với tôi kể từ nay thật không còn chút quan trọng nào. Tôi không giấu chúng đi cũng không bày chúng ra. Nếu lấy chúng đi khỏi tôi khi tôi còn sống thì người ta cũng sẽ không lấy được đi khỏi tôi cả khoái cảm vì đã viết chúng lẫn ký ức về nội dung của chúng, cũng như các trầm tư đơn độc mà chúng là thành quả với ngọn nguồn chỉ có thể tắt ngấm đi cùng lúc với tâm hồn tôi. Nếu ngay từ khi gặp phải những hiểm họa đầu tiên mà tôi đã biết không nhảy dựng lên chống lại số phận của mình, thay vào đó chọn lấy cách thức mà tôi chọn ngày hôm nay, thì mọi nỗ lực của con người, mọi mưu mô đáng kinh sợ của bọn họ hẳn đã chẳng có chút tác động nào lên tôi, và hẳn là bọn họ đã không thể làm khuấy động sự nghỉ ngơi của tôi bằng tất cả những trò lừa đảo của mình, chẳng hơn gì việc họ không thể làm khuấy động nó bằng tất cả những thành công của họ kể từ nay; họ cứ việc tùy ý tận hưởng nỗi nhục nhã của tôi, họ sẽ chẳng thể nào ngăn được tôi tận hưởng sự vô tội của tôi và sống cho hết những ngày của mình trong yên bình mặc cho họ có làm gì đi nữa.

(1) Ở đây muốn nói đến các thành viên của Oratoire, giáo đoàn phản đối dữ dội các lý thuyết mà Rousseau đề ra trong Tuyên tín của trợ tế linh mục vùng Savoie (tôi dùng lại cách dịch của Lê Hồng Sâm).