Dec 28, 2011

[VCLN] Nhìn lại lý thuyết


Lý thuyết văn học không phải là một chuyện đương nhiên. Ở rất nhiều thời kỳ, tác phẩm văn chương có thể tồn tại mà không cần đến lý thuyết (hiểu theo nghĩa một hệ thống nghiêm ngặt): tác giả không cần đến lý thuyết để viết, độc giả cũng không cần đến lý thuyết để đọc, đến phê bình gia hay bình luận gia cũng không nhất thiết cần đến lý thuyết trong công việc của mình. Nhưng trong vài thập niên giữa thế kỷ XX, lý thuyết văn học đã thực sự tồn tại, phát triển mạnh mẽ, vừa mang dáng dấp của một chủ nghĩa tiền phong vừa có nhiều khía cạnh của một định chế, không những thế lại còn đồng hành cùng nhiều huyền thoại: ngôn ngữ học, chủ nghĩa hình thức Nga, cấu trúc luận, Tiểu thuyết Mới, phong trào tháng Năm 1968 v.v… đến mức bản thân lý thuyết cũng như thể đã trở thành một huyền thoại: ở khối Anh-Mỹ người ta nhắc tới cụm từ French Theory[1] (Lý thuyết Pháp), và rồi, khi lý thuyết đã qua ngả quành nước Mỹ để quay trở lại Pháp, nhiều lúc người Pháp dùng cái tên Théorie américaine (Lý thuyết Mỹ) để trỏ hiện tượng này.

Trong những năm 1960, rất nhiều tác phẩm lý thuyết đã đồng loạt ra đời, với những cái tên nổi bật: Roland Barthes, Gérard Genette, Tzvetan Todorov, Julia Kristeva… Cũng trong những năm này, cuộc tranh luận gay gắt giữa Roland Barthes và giáo sư Raymond Picard của Đại học Sorbonne xung quanh Racine đã báo hiệu cho một thay đổi rất lớn trong nghiên cứu văn học Pháp. Các lý thuyết gia phản đối đường lối cũ của nghiên cứu (mà đại diện là giới giáo sư đại học) đặt trọng tâm vào lịch sử, tiểu sử, giai thoại và muốn bước sang một con đường mới với phương pháp lấy cảm hứng từ ngôn ngữ học (Ferdinand de Saussure, Roman Jakobson) và cấu trúc luận (Claude Lévi-Strauss), coi văn học như một hệ thống văn bản tự trị với những đặc điểm, quy luật riêng. Năm 1966, số 8 của tờ tạp chí Communications quy tụ đầy đủ những nhân vật của “trường phái mới” này[2]. Số tạp chí này nổi tiếng đến mức sau đó còn được tái bản nguyên trạng, như một chứng tích cho thành công của nghiên cứu văn học theo hướng lý thuyết một thời. Trong những năm 1960, vai trò phát ngôn quan trọng nằm ở tạp chí Tel Quel (hạt nhân là Philippe Sollers) và tủ sách cùng tên. Bắt đầu từ năm 1970, tờ tạp chí Poétique (Thi pháp) và tủ sách cùng tên (dưới sự chủ trì của Genette và Todorov) trở thành cơ quan ngôn luận chính. Từ 1970 đến 1980, tủ sách “Poétique” ấn hành được khoảng 30 tác phẩm (ngày nay cả tờ tạp chí lẫn tủ sách đều vẫn tồn tại; tính đến năm 2000, số lượng tác phẩm của tủ sách “Poétique” là khoảng 80 cuốn).

Dec 25, 2011

Sách (L) Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về

Hì hì biết chứ :p

Đây:


Đây là đời in Minh Tân (trong những năm 1950, tại Paris) của bộ Hán Việt từ điển và bộ Pháp Việt từ điển của Đào Duy Anh.

Bản đầu thì đây :)



Bản đầu của Hán Việt từ điển thì rắc rối và khó kiếm hơn, vì sớm hơn (1932) mà mỗi tập lại in một nơi: tập một ở Huế, tập hai ở Hà Nội.

Dec 22, 2011

(9) Vài tủ sách Việt Nam nổi tiếng

Trích từ tạp chí Văn hữu, mục “Lượm lặt”

Vài tủ sách Việt-Nam nổi tiếng

Trong số các tay chơi sách nổi tiếng ở Việt-Nam gần đây, đáng kể có tủ sách của các học giả Phạm-Quỳnh, Đào-Duy-Anh, Vương-Hồng-Sển, Lê-ngọc-Trụ, tủ sách của cựu thượng thư Phạm-Liệu, bác sĩ Dương-Tấn-Tươi.

Cuộc chiến tranh vừa qua đã thiêu hủy một phần lớn các tủ sách quí giá trên đây. Cả tủ sách Phạm-Quỳnh tập trung ở biệt thự riêng trên bờ sông An-Cựu (Huế) đã bị đám cán bộ V. M. tịch thu phá tán. Hàng vạn pho sách cổ kim đông tây, đóng da, mạ vàng của ông cựu chủ nhiệm Nam Phong và thượng thư triều đình Huế, hồi 1945, có người đánh giá hàng mấy triệu bạc, sau ngày Phạm-Quỳnh bị bắt đã theo khói lửa chiến tranh mà tiêu tán.

Tủ sách của nhà soạn từ điển Đào-Duy-Anh chở tản cư trên ba va gông đôi từ Hà-nội chuyển vào Thanh-Hóa, trong đêm 19 tháng chạp năm 1946, đã dùng làm chiến lũy và mồi ngon cho lửa đạn. Sau đó người ta thấy dấu vết bao nhiêu sách quý của Đào-Quân như những xác người nằm đầy khắp cả Ga Hàng-Cỏ.

Tủ sách của cựu thượng thư Phạm-Liệu ở Quảng-Nam, công trình mấy mươi năm sưu tập sách, tạp chí giá trị đông tây, gồm hàng vạn quyển, sau thời kỳ khởi nghĩa, đều bị cán bộ V. M. địa phương ra lệnh thiêu đốt, cho sách chữ hán là tàn tích phong kiến, sách tây là sản phẩm của đế quốc thực dân!

Tủ sách của bác sĩ Dương-Tấn-Tươi, ở Mỹ-Tho phần nhiều gồm những sách quí lạ, đóng bìa bằng sừng ở ngoại quốc, cùng các bản thảo của văn thi sĩ Việt-Nam, trong đó có một bản chữ nôm Kiều của Nguyễn-Du, sau ngày kháng chiến ở miền Nam nổ bùng, đã bị quân viễn chinh Pháp đốt sạch. Lửa cháy tủ sách này luôn mấy ngày đêm, dâng khói khét lẹt mùi sừng và da bìa sách đen ngòm cả một góc châu thành Mỹ-Tho.

Tủ sách của nhà khảo cổ Vương-Hồng-Sển được chở cả xuống mấy chiếc ghe bầu lớn tản cư ở hậu giang, trôi nổi theo chủ nhân, sau bao phen hiểm nghèo, suýt tiêu ma giữa hai lằn đạn, may mắn được toàn vẹn với đầu óc bạc trắng vì ngày đêm lo mất sách của họ Vương. Vương quân vẫn thường cho là kiếp trước mình khéo tu và còn nặng nợ với sách nên chúng không nỡ lìa cố chủ. Tủ sách của vị phó giám đốc viện Bảo Tàng Quốc gia hiện ngự trị ở một ngôi nhà cổ kính tại ngoại ô Sàigòn, là nơi gặp gỡ của các tài tử chơi sách, các nhà nghiên cứu muốn tìm xem tài liệu cổ, tác phẩm hiếm quí.

Người chơi sách thứ hai được may mắn giữ gìn nguyên vẹn cả tủ sách đồ sộ qua khói lửa chiến tranh vừa rồi là học giả Lê-Ngọc-Trụ, hiện đang giảng dạy Việt ngữ ở Văn Khoa Đại Học và trông nom Thư Viện Quốc Gia. Lê Tiên Sinh nhờ ở một nơi yên tĩnh không xa Sàigòn mấy có thể đóng kín cửa nhà chứa gia tài tinh thần khổng lồ của mình mà không bị giặc cướp hay quân chê chữ nghĩa, ghét sách vở đến phá hoại. Có thể nói rằng trong bao nhiêu tủ sách, thư viện tan nát vì chiến tranh vừa qua, hai học giả họ Vương và họ Lê là thiểu số được diễm phúc lớn lao tránh khỏi cảnh “thử hận miên miên vô tuyệt kỳ” của hạng tài tử chơi sách ở đời, mình còn sống mà tủ sách của mình đã tiêu ma.

(Văn hữu, số 5, tháng Năm, 1960, tr. 55-56)

-----------

Đố các bác “ba va gông đôi” ở đoạn về Đào Duy Anh nghĩa là gì :p

-----------

Lê Ngọc Trụ đây:




À mà Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Của) rồi Chánh tả tự vị: tại sao lại "tự vị"? Hì hì, ở đây liên quan đến một lỗi lầm của Phạm Quỳnh: Phạm Quỳnh do đọc sai "vị" thành "vựng" nên chúng ta có "tự vựng", "từ vựng" dùng thoải mái luôn, vì sức mạnh của Nam Phong quá lớn :p Về vụ này Phạm Quỳnh đã bị phê bét nhè chè đỗ đen: Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hiến Lê, Trương Văn Chình, hình như cả Lê Ngọc Trụ, và rất nhiều người khác nữa.

Dec 20, 2011

Trả lời phỏng vấn

Được biết công việc chính của anh là nghiên cứu văn học nước ngoài và văn học sử Việt Nam nhưng bạn đọc biết đến anh nhiều hơn với tư cách là một dịch giả. Vậy dịch thuật có ý nghĩa thế nào đối với công việc của anh? Anh làm công việc dịch thuật vì điều đó mang lại cảm hứng nhiều hơn hay vì những giá trị của nó đối với công việc nghiên cứu?

Tôi dịch sách vì thấy cần thiết và vì niềm vui mà công việc này mang lại cho tôi. Tôi ở rất sát ngành xuất bản sách Việt Nam, cũng khảo cứu nhiều về lịch sử xuất bản Việt Nam, tôi biết sách ở Việt Nam tuy nhiều nhưng vẫn thiếu, cần rất nhiều đóng góp. Còn có thể liệt kê ra thêm nhiều lý do, nhưng cốt yếu nhất là việc dịch sách giúp tôi thường trực cận kề với chữ nghĩa, đến mức độ vi mô nhất. Với tôi, năng lực xử lý và phản ứng với chữ nghĩa là điều quan trọng nhất của một người làm về nghiên cứu và phê bình văn học.

Chắc anh cũng quan tâm đến văn học trong nước? Và một thực tế là văn học nước ngoài đang chiếm ưu thế trong thị trường sách văn học ở Việt Nam. Đối với người đọc, và đối với người viết, theo anh điều đó có ảnh hưởng thế nào?

Trong văn học chắc không tồn tại khả năng giống như trong sản xuất-tiêu dùng, là kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Mặc dù vẻ ngoài có là như thế nào, theo tôi văn học nước ngoài ở Việt Nam vẫn còn được tiếp cận theo lối rất phiến diện, chưa làm được gì nhiều với các tác giả quan trọng của thế giới, nhất là những tác giả đặc biệt lớn, những nhà văn đặc biệt giỏi, ở các dòng văn chương thiên về kỹ thuật hơn là nội dung và tư tưởng.

Liệu sẽ có lúc, những tác phẩm văn học xuất sắc với hàng loạt tác giả danh tiếng thế giới sẽ “nuốt chửng” văn học trong nước?

Ngành dịch thuật và xuất bản Việt Nam mới chạm tới lớp vỉa bên ngoài của văn học thế giới. Điều hợp lý nhất mà các nhà văn Việt Nam nên làm là nỗ lực hiểu văn học thế giới. Theo tôi đặc trưng của văn chương là tính hai mặt của nó: văn chương vừa động tới những gì nhỏ nhặt và gần gũi nhất vừa vươn tới những gì phổ quát nhất của loài người, và đến một mức độ nào đó người ta cũng chẳng còn hứng thú hay nhu cầu nhớ quốc tịch nhà văn nữa đâu.

Tôi đã đọc một số bài nghiên cứu, tiểu luận của anh về văn học và dịch thuật, anh có những ý kiến có thể coi là “cực đoan”, ví dụ anh đề cao vai trò của ngôn ngữ hơn vai trò của triết học trong tác phẩm, anh nghĩ sao nếu cần một cuộc tranh luận “sòng phẳng”?

Cũng không hẳn là như vậy, điều tôi muốn nói là văn chương cứ cố đi vào đề tài lớn, luận đề vĩ đại thường xuyên là văn chương thất bại. Thêm một điều nữa, với tôi văn chương đương nhiên là nơi dung chứa cho những điều cực đoan, thậm chí cả điên rồ, nếu không thì văn chương cũng không nên tồn tại làm gì.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, khi bàn về dịch văn học, có ý kiến cho rằng: Để có thể dịch tốt nhất một ngôn ngữ nào đó, tác phẩm của một tác giả nào đó, thì ngoài vốn ngoại ngữ, người dịch còn (hay buộc) phải có sự am tường về văn hóa quốc gia đó. Thậm chí, có người còn cho rằng: Dịch giả nên có thời gian sống tại đó. Điều này, đối với các dịch giả trẻ như anh hôm nay, có cực đoan quá không?

Lẽ dĩ nhiên ai cũng hiểu rằng trải nghiệm thực tế thuộc vào những gì không thể thay thế được. Tuy nhiên tôi nghĩ cũng cần thận trọng ở khía cạnh này: nhiều dịch giả giỏi ở Việt Nam không nhất thiết từng có thời gian sống ở nước ngoài. Có lẽ trong dịch thuật ngoài trải nghiệm thực tế còn tồn tại nhiều điều khác nữa, trong đó có năng lực đặc thù đối với việc thấu hiểu cái xa lạ, cái bên ngoài. Nhưng dẫu vậy, dịch giả thiếu cọ xát với đời sống thực thường không giỏi trong dịch đối thoại và những miêu tả cuộc sống thường nhật.

Đưa văn học thế giới vào Việt Nam hiện đang rất thuận lợi, dễ dàng, với một “đầu ra” khá tốt. Nhưng đưa văn học Việt Nam ra với thế giới thì ngược lại. Anh có sáng kiến hay gợi ý gì chăng?

Điều này thú thực hoàn toàn không nằm trong sự quan tâm của tôi. Tôi chỉ có thể nói là văn học thế giới đi vào Việt Nam cũng không hề thuận lợi, dễ dàng, nếu hiểu rõ về độc giả, cơ chế điểm sách của báo chí. Như đã nói ở trên, theo tôi sự hiện diện của văn học thế giới ở Việt Nam vẫn còn ở mức độ rất phiến diện.

Có những nhà văn gốc Việt đã khá thành công ở nước ngoài, ví dụ như Linda Lê, Thuận, những người đã trực tiếp xuất bản sách ở bên ngoài Việt Nam, liệu đó có phải một “kiểu” để đưa văn học Việt Nam ra thế giới?

Đó không phải là chuyện “đưa văn học Việt Nam ra thế giới”, mà là chuyện tác phẩm có giá trị thì ở bất kỳ đâu cũng có chỗ đứng cả.

Anh được coi là một trong những dịch giả thích dịch những tác phẩm thuộc loại “khó nhằn”, ví dụ như một số cuốn của Milan Kundera, V.S. Naipaul chẳng hạn. Vì sao vậy? Phải chăng sự vất vả trong lúc dịch mang lại hứng thú cho anh nhiều hơn?

Mỗi người có những quan tâm và thế mạnh riêng. Tôi cũng đã thử mở rộng công việc dịch sách ra các mảng văn học trinh thám, sách cho thiếu nhi… và gặp được nhiều hứng thú. Những cuốn sách dịch đầu tiên được xuất bản của tôi cũng là sách thiếu nhi, tôi dịch cho nhà xuất bản Kim Đồng trong khi còn đi học.

Mặc dù là “trí thức tây học”, anh có vẻ rất “đắm đuối” với văn hóa Hà Nội, một điều ít thấy ở những người trẻ, có thể một lúc nào đó nhiều người trẻ sẽ quên lãng nền văn hóa có lịch sử lâu đời của dân tộc mình. Anh nghĩ sao về điều này?

Nếu có cảm tình với nơi mình sống thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, tôi nghĩ vậy.

Tôi biết anh đang dịch một series bài về “Văn chương lâm nguy”, văn chương thế nào mà lại “lâm nguy” thế? Dự định sắp tới của anh về những cuốn sách sẽ dịch?

Đây là một câu chuyện (khá dài) của giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Có một cuốn sách mang tên Văn chương lâm nguy của Tzvetan Todorov được dịch ra tiếng Việt gần đây, trong đó tác giả phê phán cách sử dụng lý thuyết văn học tràn lan, quá đà, nhất là trong trường học. Tuy nhiên, lý thuyết văn học, theo tôi, vẫn có chỗ đứng hợp lý và đầy ý nghĩa trong công việc nghiên cứu. Loạt bài liên quan đến chủ đề này cho thấy các nhà nghiên cứu văn học ở phương Tây nghĩ gì về lý thuyết văn học; đa phần họ đều thấy rằng lý thuyết tuy thoái trào trong thời gian gần đây nhưng thực sự đã đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu sâu sắc văn chương; điều này khác hẳn với một số nhà nghiên cứu Việt Nam coi cuốn sách Văn chương lâm nguy là dấu hiệu cho sự sai lầm và cáo chung của lý thuyết văn học.

-----------

Bonus: để mấy cái link nghiên cứu dần :p

Bài chê Eco (bad book etc)

Bài của Trần Thanh Đạm (hơi bị hay) 

PA25 phàn nàn về cách thức tham gia thảo luận trên web

Dec 19, 2011

Cụ Vương và Khám lớn Sài Gòn


Cụ Vương Hồng Sển, sau cuộc đời rất dài của mình (cụ sống thọ 94 tuổi, qua đời vào năm 1996) đã để lại một số di cảo, làm dày thêm khối lượng trước tác vô cùng phong phú của cụ. Khối lượng tác phẩm ấy lại càng thêm phần trọng lượng (mặc dù cụ từng khiêm tốn mà nói, xưa kia, rằng cụ tự coi mình là “tiểu thuyền” không dám mong đương nổi “trọng tải”) bởi những gì cụ chạm tới đều có một độ nặng thời gian trĩu xuống. Tác phẩm Vương Hồng Sển còn dày thêm một lớp nữa đầy sang trọng với một cuộc đời đã sống ăm ắp giao du, sự kiện và chi tiết, mà cụ tích tụ lại rồi từ đó tạo thành những sách vở rất hiếm người trên đời có khả năng viết nổi.

Sau “Cuốn sách và tôi”, tập di cảo mà NXB Trẻ in hồi năm ngoái, chủ yếu nói về sách vốn là một mảng quan trọng làm nên sự nghiệp và tên tuổi của Vương Hồng Sển, mới đây một di cảo mới của cụ Vương đã được in, và lần này đi vào một chủ đề khác hẳn: đó là tập “Khám lớn Sài Gòn” (Nhã Nam & NXB Văn hóa-Văn nghệ TP Hồ Chí Minh). Vương Hồng Sển hoàn thành cuốn sách này chỉ vài tháng trước khi qua đời.

Dec 17, 2011

thả hết vào

Không biết giờ thì thế nào (vì lâu rồi tôi không mấy tham gia cuộc sống xã giao) chứ theo như nhận xét của tôi, người Hà Nội tuy rằng cảnh vẻ, khó chiều, vài người ngồi nói chuyện với nhau là mỗi người một ý không ai chịu ai, nhưng riêng về khoản giải trí đông người thì lại khá là đồng lòng nhất trí: cho tới gần đây (có thể giờ vẫn vậy), vua và hoàng hậu trong số các thú vui cộng đồng của người Hà Nội là lẩu và karaoke.

Hà Nội, cho dù ai có nói gì, với tôi cũng là một thành phố đi ngủ sớm. Mùa hè thì còn có chút hoạt động về đêm (vừa hoạt động vừa đề phòng các nhóm đua xe choai choai đầu chít khăn trắng gầm rú ga, còi), chứ sang mùa đông quãng ngoài chín giờ là đường phố heo hút lắm rồi, những phố rất đẹp như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương nhìn thấy có bóng người là đã mừng lắm. Điều này có lẽ các chuyên gia của bộ môn văn hóa so sánh phải quan tâm đặng giải thích cho thấu đáo: cũng là người miền nhiệt đới, thế mà người dân các nước nói tiếng Tây Ban Nha sinh hoạt rõ là muộn. Đi ăn quãng chín giờ tối ở Barcelona, vào quán có khi chưa có bóng người, thế mà dân gốc Tây Ban Nha và dân Việt Nam đều có tập quán rất tao nhã là ngủ trưa hằng ngày (họa sĩ Morris đã bất tử hóa dáng ngủ của người Mexico trong bộ truyện tranh lừng danh Lucky Luke). Ở Hà Nội thì đêm đến, ngoài vài ba chỗ lác đác lẻ tẻ còn sáng ánh đèn phục vụ “dân chơi” (chủ yếu người nước ngoài) và người lao động, gần như khắp nơi say sưa ngủ.

Dec 14, 2011

[VCLN] Kristeva + sửa chữa +


Đây là bài thứ mười và cũng là bài cuối cùng tôi dịch từ loạt bài Vincent Kaufmann phỏng vấn các lý thuyết gia. Phía dưới bài này tôi để đường link bản sửa bài Kaufmann phỏng vấn Philippe Sollers.

Tôi có nhìn thấy Vi Văn Tuyên có bài chỉ trích bản dịch bài Sollers này, nhưng ở đây tôi không làm giống như với các bản sửa bài Genette, Culler và Stierle: tôi không bình luận các nhận xét của Vi Văn Tuyên. Trên thực tế tôi đã không đọc bài chỉ trích bản dịch Sollers này.

Tại sao lại như vậy? Là vì, bỏ ra bên ngoài tất cả những lời lẽ không hay ho Vi Văn Tuyên dành cho tôi, tôi từng nghĩ là mình sẽ học hỏi được bằng việc xem xét các ý kiến của Vi Văn Tuyên, nhưng sau mấy lần đọc kỹ lưỡng thì tôi thấy là không phải như vậy. Trên thực tế, ý kiến của Vi Văn Tuyên có nhiều chỗ sai, trong khi tổng khối lượng công việc mà Vi Văn Tuyên phải xử lý nhỏ hơn tổng số lượng công việc mà tôi phải xử lý rất nhiều.

Dẫu vậy, tôi vẫn thật lòng cảm ơn Vi Văn Tuyên. Khi xem xét, chỉnh sửa các bản dịch, công việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu có sẵn ý kiến của người khác để đối chiếu. Ở một số chỗ, ý kiến của Vi Văn Tuyên thực sự đã giúp tôi suy nghĩ và tìm ra chỗ sai, chỗ nhầm, chỗ vội vã của mình. Lẽ ra việc trao đổi giữa chúng ta đã có thể (ở đây tôi dùng "conditionnel" của tiếng Việt) có nhiều lợi ích hơn.

Điều mà tôi phàn nàn trong vụ việc này là trang Tiền Vệ. Như tôi đã chỉ ra, ý kiến của Vi Văn Tuyên có nhiều chỗ sai, không hợp lý, không những thế lời lẽ các bài viết của Vi Văn Tuyên không thể nói là tốt đẹp về phía tôi, và hơn nữa, rất có thể "Vi Văn Tuyên" không phải là một cái tên thật.

Trang Tiền Vệ đã không biết Vi Văn Tuyên sai? Trong khi những bài ấy có thể ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của người khác và có thể dẫn tới những bình luận khác nữa xuất phát từ đó. Độc giả bình thường rất khó biết được Vi Văn Tuyên cũng sai nhiều.

Lẽ ra, theo tôi, nếu không đủ trình độ để thẩm định mức độ đúng sai của bài viết, ban biên tập Tiền Vệ cần nhờ chuyên gia xem lại. Tôi nói điều này không hề với ý khiêu khích, mà bản thân tôi đã mấy lần được vài nơi nhờ làm công việc đọc trước những chỉ trích thuộc dạng này, chứng tỏ đây là một việc được một số nơi thực hiện.

Không những thế, ban biên tập Tiền Vệ còn đăng lên các bài viết của Vi Văn Tuyên với rất nhiều lỗi trình bày. Điều này làm tôi có cảm giác ban biên tập Tiền Vệ cốt sao có bài gửi tới là đăng, không biên tập, mau mau chóng chóng để bài lên mạng.

Tất cả những điều đó theo tôi là có các dấu hiệu của một thái độ phản trí thức. Tôi thành thực mong ban biên tập Tiền Vệ (cụ thể là ông Hoàng Ngọc Tuấn và ông Nguyễn Hưng Quốc) có cách hành xử hợp lý.

Tôi xin được nói cho rõ là trong suốt quãng thời gian xảy ra vụ việc này, giữa bên Tiền Vệ (cụ thể là ông Hoàng Ngọc Tuấn và ông Nguyễn Hưng Quốc) và tôi không hề có liên lạc, mặc dù trước đây từng có.

PS. Trong mấy ngày vừa qua, tôi cho hiện mọi comment, nhưng bắt đầu từ bây giờ, tôi sẽ không cho hiện bất kỳ comment nào mà tôi cho là có tính chất mạ lỵ, hạ thấp, thậm chí là mỉa mai, châm chọc các bên hữu quan, tức Vi Văn Tuyên, Tiền Vệ và tôi.

---------------------

Julia Kristeva. Sinh năm 1941, nhà tâm phân học, giáo sư tại Đại học Paris VII và Đại học Bang New York (SUNY), giám đốc Trung tâm Roland Barthes, tác giả của nhiều khảo luận, tiểu thuyết, các tác phẩm quan trọng nhất: Semeiotike. Recherches pour une sémanalyse, 1969, La Révolution du langage poétique, 1974, Polylogue, 1977, Soleil noir. Dépression et mélancolie, 1987, Sens et non-sens de la révolte, 1996, La Révolte intime, 1997.


SemeiotikeLa Révolution du langage poétique [Cuộc cách mạng của ngôn ngữ thơ ca] thuộc vào số những công trình kinh điển của lý thuyết văn học và đặc biệt hơn là nằm trong số những tác phẩm quan trọng nhất của thời kỳ “chính trị hóa” của lý thuyết văn học. Ngày nay bà còn bảo vệ những điều quan trọng và hình thức của chúng hay không? Những cuốn sách ấy có còn vang vọng trong các công trình hiện nay của bà không?

Vâng, những cuốn sách ấy vừa có một lịch sử vừa có một tính chất thời sự. Chúng đưa ta về những năm từ 1966 đến 1975, về cái quãng chục năm mà với độ lùi thời gian tôi thấy là vô cùng quan trọng, vừa quan trọng đối với lịch sử chính trị châu Âu vừa quan trọng đối với lịch sử tư tưởng. Chúng cũng thuộc về lịch sử cá nhân tôi, cái lịch sử cá nhân đã giao cắt với lịch sử châu Âu ấy. Tôi thấy lại mình vào Giáng sinh năm 1965, được hưởng học bổng của chính phủ Pháp, một sinh viên nữ người Bungari đang chuẩn bị luận án về Tiểu thuyết Mới. Tôi được đón tiếp bởi một đất nước mà tôi đã lý tưởng hóa rất nhiều trong khi học tiếng Pháp, nhưng tôi lại thấy nó rất cứng nhắc, vừa ra khỏi cuộc chiến tranh Algérie và không thấy tương lai một cách rõ ràng lắm.

Cùng lúc, có tờ tạp chí Tel Quel và xêmina của Roland Barthes ở EHESS [École des hautes études en sciences sociales - Trường cao học khoa học nhân văn]. Ở những chỗ đó văn chương được sống qua như một trải nghiệm tư duy, điều này vừa cắt đứt với hình ảnh mang tính chất thực lợi của văn chương mà tôi đấu tranh chống lại ở bên Bungari với tư cách sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ tuổi, vừa cắt đứt với thứ văn chương xả hơi, cái thứ “mỹ văn” ấy. Người ta tra vấn các văn bản của [Stéphane] Mallarmé, của [Georges] Bataille, của [Antonin] Artaud, còn chưa động tới các văn bản của [Marcel] Proust nhưng với tôi ông đã là một phần của “bí ẩn trong văn chương”. Vẫn còn chưa đọc cả [Martin] Heidegger lẫn [Sigmund] Freud, với hiểu biết về chủ nghĩa hình thức Nga, tôi đã theo sát ký hiệu học được Roland Barthes hay [Algirdas Julien] Greimas phát triển vào lúc đó. Xuất phát từ các nền tảng ấy, công việc của tôi đã mở lối đi cho cái mà sau này người ta gọi là “hậu cấu trúc luận”. Bằng cách tiếp cận văn chương như một trải nghiệm tư duy, tôi đã thử kết hợp nghiên cứu ngôn từ với động năng của chủ thể tính [dynamique de la subjectivité]. Cấu trúc luận chỉ tra vấn hay đúng hơn là chỉ tính toán hệ thống nghĩa, hệ thống lôgic mà các nhà hình thức chủ nghĩa Nga đã bày ra, mà [Claude] Lévi-Strauss sau đó đã áp dụng vào cho huyền thoại và quan hệ thân tộc, mà Greimas sẽ khuôn định xuất phát từ [Louis] Hjelmslev. Mối quan tâm về việc mở ra vấn đề chủ thể nói đã dẫn tôi đến với Freud. Song song với đó, vị trí của trải nghiệm này trong không gian xã hội và lịch sử chỉ có thể được nắm bắt bằng cách xem xét cuộc gặp giữa một văn bản và những văn bản khác, từ đó mà nảy sinh mối quan tâm của tôi dành cho [Mikhaïl] Bakhtine. Tôi quan tâm tới công trình của ông xung quanh Rabelais và Dostoievski, tới các khái niệm “nguyên lý đối thoại” và “carnaval” của ông, mà tôi đã thử đào sâu bằng cách làm hé lộ trong “carnaval” tác phẩm của ham muốn và của xung năng chết, đặc biệt là thông qua các dấu vết của chúng trong những nhịp điệu, những lặp lại [écholalie], hệ thống cử chỉ [gestualité], những từ được tạo ra, vô ngôn, liên ngôn ngữ, v.v… Tôi đã thử đưa thêm vào kích thước xã hội và lịch sử của trải nghiệm văn chương, thông qua cuộc đối thoại giữa các văn bản và những văn bản khác, từ đó mà có khái niệm “nguyên lý đối thoại”, mà tôi đã diễn giải theo cách ấy và đã mở rộng tới hiện tượng đa thanh ở [James] Joyce.

Tôi đã phát triển phương pháp luận này trong Semeiotike (1969) và, theo cách thức chuyên sâu hơn, liên quan đến các văn bản của Mallarmé và Lautréamont, trong La Révolution du langage poétique (1974). Cuộc “cách mạng” ở đây là cách mạng về các mã giao tiếp, sự đổi mới của các ngôn ngữ. Sau này tôi đã quay trở lại với những điều tiềm ẩn về mặt từ nguyên của từ “nổi loạn” [révolte] trong xêmina của tôi về “nghĩa và vô nghĩa của nổi loạn” và “cuộc cách mạng nội tâm”, bằng cách chỉ ra sự cần thiết về mặt tâm thần của sự quay trở lại ấy của nghĩa tới xung năng và cảm tính, và ngược lại: về sự nổi-loạn [ré-volte], hé-lộ [dé-voilement] hay lộ-diện [ré-vélation] này với tư cách các điều kiện của đời sống tinh thần và, hơn thế nữa, của tính sáng tạo cá nhân và sự đổi mới về mặt xã hội.

Có một sự tiếp nối nào giữa cấu trúc luận và các vấn đề mà bà là người đưa vào hay không? Bà tự định vị mình như thế nào trong một trào lưu lý thuyết rộng hơn?

Tôi cho cái mà tôi đã đưa vào, cái mà người ta thường gọi là “hậu cấu trúc luận”, là không thể hiểu, không thể nghĩ tới nếu không có cấu trúc luận. Tôi thấy là nhất thiết phải nắm bắt lấy văn bản trong kích thước kỹ thuật của nó, ta cứ gọi là kích thước thủ công, theo cái nghĩa cao quý nhất và giản dị nhất của nó. Tính hình thức cụ thể của văn bản, được cấu trúc luận đặt cột mốc, là một nền tảng cần thiết cho việc hiểu sâu sắc nó. Nói vậy, thứ chủ nghĩa hình thức này đã có thể bị chai cứng lại, trở thành một sự thực hành kỹ thuật bỏ qua mất những điều quan trọng về mặt diễn giải chủ quan và lịch sử. Nghĩa không chỉ là một hình thức, tôi hiểu nó như một công dụng biểu nghĩa [signifiance] trong đó bộc lộ sự thức tỉnh [éveil], các thảm họa và những tái sinh của một chủ thể nói trong một cộng đồng. Chính đó là những địa hạt mà tôi đã thử mở ra với các khái niệm như “liên văn bản” [intertexte] và “nguyên lý đối thoại”.

Về cái mà ông gọi là “trào lưu lý thuyết rộng hơn”, đó là gì? Có phải là các ý hệ gia ít nhiều “politically correct” [đúng đắn về mặt chính trị], những người cưỡng đoạt lấy những gì được cho là một sự đột phá, tra vấn, nổi loạn không? Tôi không thấy có mình ở trong đó và, tôi sẽ thú nhận với ông, tôi không đọc họ. Người ta nói với tôi về vài cuộc tranh luận “nữ quyền luận” bàn tới các suy tư về ngôn ngữ thơ ca của tôi: “cái ký hiệu” [sémiotique] liệu có thể là giống cái hoặc có tính chất người mẹ hay không? “Cái biểu tượng” [symbolique] liệu có thể mang tính chất gia trưởng hay không? Ta bỏ qua những cái đó đi. Xét cho đến cùng, French Theory [Lý thuyết Pháp] có cái ưu điểm là làm cho sinh viên và nhà nghiên cứu Mỹ, và cùng với họ là sinh viên và nhà nghiên cứu của thế giới toàn cầu hóa, dành thời gian cho suy tư, nhằm khám phá ra rằng “triết học lục địa” như họ nói (Platon, Augustin, Kant, Hegel và Heidegger) không thể tách rời khỏi cái trải nghiệm ngôn ngữ ấy, mà người ta gọi là “văn chương”. Điều với tôi là quan trọng nằm ở chỗ, trong thế giới hiện đại của kỹ thuật và tốc độ, người ta dành thời gian cho suy tư, người ta đọc cái French Theory ấy cùng những cái đi trước nó, các nguồn của nó, các ảnh hưởng lên nó, các đoạn tuyệt của nó. Và nhất là không để mất dấu những tài liệu [corpus] văn chương từ đó nó đã phát xuất. Tôi mang những món nợ với Hegel, Saussure hay Freud ngang bằng với Mallarmé, Proust và Céline. Rồi sẽ phải quay trở lại với những gì vẫn là bí ẩn trong các ngôn ngữ và văn bản, và tìm cách suy tư về bí ẩn đó bằng cách đề xuất những tái san định đối với di sản siêu hình học đã cấu thành triết học và các khoa học nhân văn, và cả với những cột trụ văn hóa khác nữa. Đây là thông điệp của thứ “lý thuyết” mà chúng tôi đã thử xây đắp: văn chương là một suy tư và nó kích thích các suy tư, nhưng thật phi lý khi gắn chết nó vào trong các “lý thuyết” đã trở thành các công cụ [gadget] để ứng dụng. Không có “lý thuyết”, mà chỉ có các sáng tạo lý thuyết.

Trải nghiệm chuyên gia tâm phân học của bà có làm biến đổi mối liên hệ của bà với văn chương không? Với bà còn lại gì từ chương trình chính trị hoặc ý hệ ngầm ẩn trong các công trình đầu tiên của bà?

Trải nghiệm chuyên gia tâm phân học của tôi đã dẫn tôi đến chỗ nhấn mạnh vào động năng chủ quan [dynamique subjective] trong sáng tạo hơn so với kỹ thuật văn bản. Nhưng tôi nghĩ rằng kích thước hình thức này vẫn là một địa hạt cần khám phá, với điều kiện thêm một lần nữa sự phân tích tỉ mỉ các văn bản văn chương trở thành một cái cớ để tìm ra từ đó những điều kiện và tiếng vang của chủ thể và của xã hội. Cá nhân mà nói, tôi từng quan tâm đến các cấu trúc [économie] chủ quan nằm bên dưới sự sáng tạo. Chẳng hạn, trạng thái yêu đương hay cái mà tôi gọi là “thuần phục” [abjection] (cái vùng bất xác quyết giữa người mẹ và đứa con nơi “tôi” còn chưa tồn tại: không phải chủ thể, cũng không phải khách thể, mà là “cái thuần phục” [abject/abjet], cực của sự quyến rũ và sự ghê tởm). Tôi suy được ý tưởng này từ việc đọc Céline. Sau đó tôi đã xây dựng nó [ý tưởng này] xuất phát từ lâm sàng tâm phân học, và tôi đã đề cập tác phẩm Céline (các tiểu thuyết và các tác phẩm đả kích [pamphlet]) xuất phát từ “thuần phục”. Cách tiếp cận tâm phân học này, không phải một sự áp dụng, đồng nghĩa với làm một văn bản vang lên với một trải nghiệm tâm phân học, điều này cho phép khám phá ở một tác giả một cấu trúc tâm thần đặc thù, soi sáng cho những đóng góp và những hạn chế của tác giả ấy.

Việc chăm chú lắng nghe các ngôn từ mở vào “độ sâu mênh mông của các từ” (như Balthazar Gracian từng nói), xuất phát từ sự khám phá vô thứcchuyển dịch, theo tôi soi rọi những vấn đề trọng yếu của tính hiện đại. Chẳng hạn, những người, đàn ông hay phụ nữ, xuất thân từ một nền văn hóa chữ viết, liệu họ có thể sống, và sống như thế nào, trong một nền văn minh hình ảnh? Tôi đề cập điều này xuất phát từ việc phân tích một bệnh nhân sống trong thế giới sân khấu và quy giản diễn ngôn của anh ta về các bức ảnh kỹ thuật (Les Nouvelles Maladies de l’âme [Các chứng bệnh mới của tâm hồn], 1993). Hoặc nữa: vai trò của các tôn giáo. Tại sao lại có khải ngộ này và nhu cầu với tâm linh này? Các cuốn sách gần đây nhất của tôi hướng tới nhu cầu tin tưởng, mà tôi coi như là một nhu cầu tiền tôn giáo, phổ quát trong cấu trúc tâm thần của homo sapiens. Nếu nhu cầu này là phổ quát, thì các tôn giáo được tạo thành theo lối lịch sử, có thể được phân tích: “Chúa là có thể phân tích”, đó là sự tự phụ quá lố của các khoa học nhân văn. Rồi sau đó thì sao? Cơn chóng mặt của tính hiện đại, cái đó đã dẫn tôi đến chỗ quan tâm tới các trạng thái thần bí. Cuốn sách của tôi về Thérèse d’Avila, mà tôi định danh như là một truyện, là một sự cấu tạo nằm giữa tự sự liên quan đến cuộc đời bà và phân tích về trạng thái thần bí mà người kể chuyện tiến hành, tức là một chuyên gia tâm phân học đại diện cho tôi.

Bà sẽ định nghĩa như thế nào, bằng các thuật ngữ tâm phân học, ham muốn của lý thuyết gia văn học? Vị thế lý thuyết gia văn học là triệu chứng của điều gì?

Lý thuyết gia văn học không tồn tại. Ai thì cũng bắt gặp những ham muốn của chính mình ngay khi đề cập thứ giả kim thuật văn chương mà thôi. Ngay cả khi chỉ dừng lại trong địa hạt những điều chung chung, như ông đang khuyến khích tôi đây, vượt quá các cá nhân, những “trường phái” khác nhau quản lý cú sốc xúc cảm gây ra từ cuộc gặp gỡ với văn chương theo cách khác nhau. Nhà hình thức chủ nghĩa tự bảo vệ mình trước điều đó bằng cách thực thi một chiến lược ám ảnh gồm các sơ đồ nhận thức [schéma cognitif]: anh ta tìm cách vòng tránh sự sôi trào các ham muốn trong các từ, cái gây khó dễ cho các năng lực suy tư của anh ta, thông qua một động thái chế ngự rất lôgic. Những người khác, chẳng hạn như Barthes, thực hành phê bình văn học như một thứ hư cấu ở độ thứ hai, cái tiến lại gần sát thực tế văn chương hơn nhiều so với những người rao giảng “chân lý khách quan” cứ vờ tỏ ra. Nguy cơ thường gặp của cái cần được gọi là một “quá trình hư cấu hóa lý thuyết” là nó tự cho mình suy tư giỏi hơn văn chương, vượt quá khỏi văn chương bằng các phương tiện của chính văn chương. Một vị thế gây khó chịu cho các nhà văn, những người có cảm giác mình bị quy giản thành những đối tượng vô hình và bị cầm tù bởi ai đó chiếm lấy vị trí ông chủ, mà lại nhờ vào chính họ. Về phần mình, tôi thử nhận biết tác động thúc đẩy của tác phẩm văn chương, mà vẫn giữ nguyên cho nó tính chất bí ẩn của mình. Và đưa diễn giải của tôi lại gần đến mức tối đa với các trạng thái-cực hạn của nhà văn, với sự mong manh của anh ta và với các khả năng về thăng hoa của anh ta, nơi địa hạt của số phận cá nhân và của một nền văn minh.

Cuộc phiêu lưu của cái lý thuyết liệu có từng là một cuộc phiêu lưu đặc thù Pháp và nếu quả là như vậy, nó đã như thế nào? Lý thuyết có vẫn nguyên xi như vậy ở bất kỳ đâu không?

Chúng ta là những truyền nhân của thế kỷ XVIII, dù là theo cách hữu thức hay không, chính triết học của thế kỷ XVIII tại Pháp đã đặt người Pháp sát kề với văn chương. Diderot hay Voltaire chỉ là triết gia bởi họ đắm chìm vào thần năng của tiếng Pháp. Chính cái tính chất sáng tạo Pháp ấy trong da thịt một truyền thống ngôn từ lâu đời, vừa có tính chất cá nhân vừa có tính chất lịch sử, đã quyến rũ Nietzsche. Chẳng phải cũng là vì như vậy mà Heidegger có được sự đón nhận đặc biệt như thế tại Pháp hay sao?

Đà nhảy vọt của các khoa học nhân văn neo đậu trong các lôgic của ngôn từ, mãi cho đến tận tâm phân học, cái đưa các xúc cảm vào trong bản thân những lôgic, với tôi như thể thoát thai từ tinh thần của thế kỷ XVIII ấy. Điều đáng ngạc nhiên là sự phát tán trên thế giới của cách thức suy tư này đã được thực hiện bằng tiếng Anh ([Michel] Foucault, [Jacques] Derrida, [Gilles] Deleuze, và cả tác phẩm của chính tôi nữa, chúng được đọc bởi trước hết có thể đọc chúng tôi bằng tiếng Anh, nhờ vào các bản dịch do các ban tu thư đại học Mỹ thực hiện).

Mới đây tôi đã phát hiện, trong một dịp được mời tới Bảo tàng Freud tại Viên, và tới Đại học Humboldt ở Berlin, rằng các nhà nghiên cứu… Iran đã dựa vào các công trình của tôi để diễn giải… tchador [trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo Iran] và các burka [áo choàng che kín người mà phụ nữ Hồi giáo mặc ở chỗ công cộng]! Họ coi chúng như là những ký hiệu (ta quay trở lại với ký hiệu học) nhưng, lấy cảm hứng từ tâm phân học, họ phát hiện ở đó các trải nghiệm chủ quan của ham muốn hoặc sự ghê tởm soi rọi ở tầm sâu những xung đột xã hội và tôn giáo của một dòng văn hóa khác biệt với văn hóa của chúng ta đến vậy. Chẳng quan trọng gì cái việc không phải lúc nào tôi cũng tự nhận ra mình trong những ngoại suy đó, tôi đánh giá cao tính sáng tạo của thế hệ mới ở những đất nước mới nổi này, họ thực hành lý thuyết của chúng ta như là một trong số các ngành mỹ thuật: để vừa sống vừa suy tư về cái bất khả suy tư.

Bà có nghĩ rằng những gì từng được tạo lập dưới danh hiệu lý thuyết văn học ngày nay vẫn còn có tính hữu hiệu, một phẩm chất gây lật đổ hay không? Liệu có tương lai nào cho kiểu suy tư này không, hay bà có cảm giác đó là một giai đoạn đã lỗi thời về mặt lịch sử?

Tôi nghĩ mình đã trả lời câu hỏi này rồi, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh vào đây. Các văn bản được viết từ 1965 đến nay thuộc vào lịch sử tư tưởng, và có thể được xem như là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử - cũng như người ta đọc Salons của Diderot hay của Baudelaire [các tác phẩm phê bình nghệ thuật]: những khoảnh khắc của một xã hội và các thị hiếu của nó. Cùng lúc, cái sự thôi thúc với tôi vẫn tiếp tục làm sống động sự tra vấn này về trải nghiệm chủ quan (nhưng ông cũng thấy rằng định nghĩa lý thuyết của tôi không phải “Lý Thuyết” nói chung mà ông quan tâm) còn có tính thời sự nóng bỏng hơn. Đối mặt với đế chế hình ảnh, đương đầu với sự dồn dập của các xúc cảm không hề mang mã các giá trị phổ quát, đàn ông và phụ nữ hiện đại liệu có trở thành các bề mặt ảo, những người tiêu thụ kiểu kamikaze, được đền bồi bởi những tiện ích của tiền bạc ảo và sự sinh đẻ có can dự? Hay, trái ngược lại, liệu những người đàn ông ấy, những người phụ nữ ấy, các cá thể kính vạn hoa, đa ngôn ngữ, mang trong mình các ký ức đa dạng hóa, sẽ có khả năng cáng đáng lấy chúng để phân tích chúng, có khả năng tin tưởng và tra vấn? Tôi chẳng mơ đâu. Các sinh viên đến với chúng tôi từ nhiều nước châu Âu, sức sống mong manh của dự án chính trị châu Âu, sự phong phú của căn cước châu Âu (đúng, căn cước, cái căn cước duy nhất trên đời không phải một sự thờ phụng mà là một sự tra vấn): ngần ấy lời hứa tạo nên đối trọng với tận thế. Và rồi, “Lý Thuyết”, như ông muốn thôi, theo cách mà tôi hiểu, là một trải nghiệm tư duy tạo thuận lợi cho sự bừng nở của các cá nhân kính vạn hoa ấy, những người có khả năng kết hợp sự chính xác của một phân tích kỹ thuật với tự do tưởng tượng chủ quan không ngừng là một câu hỏi cho chính nó.

(trích từ Vincent Kaufmann, La Faute à Mallarmé. L’aventure de la théorie littéraire [Lỗi của Mallarmé. Cuộc phiêu lưu của lý thuyết văn học], Seuil, 2011, tr. 256-263)

---------------------

Bài Vincent Kaufmann phỏng vấn Sollers

Chữ nghĩa để lại

“Thói đời nóng lạnh, lòng người thắm phai; ai cũng nói thế, ai cũng biết thế, nhưng có từng trải mới thật biết thói đời điên đảo, lòng người xấu xa là dường nào. Nhất là để mình trong trường danh lợi, mới biết rõ những trạng thái ô uế ở đời”: đoạn trích trên đây là từ trang 15, bài “Thế thái nhân tình” đặt đầu tập di cảo Hoa Đường tùy bút (Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn) đặc trưng cho giọng điệu cay đắng của Phạm Quỳnh.

Ông quan lớn của Nam triều, vị Lại bộ Thượng thư lừng lẫy tài cao tuổi trẻ một thời viết ra 11 bài của Hoa Đường tùy bút (bài cuối cùng, “Cô Kiều với tôi”, còn đang viết dở chưa hoàn thành) vào những ngày cuối đời (ông mất vào năm 1945: con người đồng hành cùng cả giai đoạn vài chục năm đầu thế kỷ XX ấy đã qua đời vào đúng lúc thời kỳ này kết thúc). Rất bất ngờ, con người Tây học nhưng uyên thâm Nho học ấy lại hướng đến Phật giáo vào lúc này: “Chỉ có đạo Phật mới có cái hiệu quả mầu nhiệm đó” (tr. 19), “Đạo Phật là nơi lánh mình thích hợp nhất” (tr. 34).

Dec 10, 2011

nói


lại bắt đầu bí đề tài rồi các bác ơi :p

-----------

Tôi ngồi trong quán cà phê nhìn ra ngoài đường. Lâu rồi không uống bia vì tình hình lạm phát ngày càng gay cấn, chi tiêu cần cắt giảm mọi bề. AQ một chút thì cứ nghĩ quán cà phê bớt ồn ào hơn quán bia, kể ra cũng là tốt, chứ quán bia như Hải Xồm, Lan Chín có những lúc chưa kịp say bia đầu óc đã quay cuồng đảo lộn vì tiếng người nói ào ào như ong vỡ tổ, như tằm ăn rỗi, như cối xay lúa, ù ù mãi không thôi, lại thêm những tiếng “một hai ba Dzô… một hai ba Dzô… một hai ba Dzô…” như đệm trống trong nhạc rock, miệt mài suốt từ buổi trưa, kéo mãi có khi đến tận quá nửa đêm.

Ngày xưa khi chỉ trích tính khí dân tộc, Tản Đà thì nói “Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con” cho biết người Việt Nam mãi mà chẳng chịu lớn, còn Nguyễn Văn Vĩnh thì rất ấn tượng với cái thói hay cười: cái gì cũng cười, chuyện gì cũng cười, cười liên tu bất tận. Giờ thì phải nói rằng: Chúng ta rất thích nói.

Dec 9, 2011

[VCLN] Hillis Miller + sửa chữa

Đây là bài phỏng vấn số chín trong tổng số mười bài tôi định dịch trong loạt phỏng vấn các lý thuyết gia của Vincent Kaufmann. Cho đến lúc này tôi mới có thể quay trở lại xem các bản dịch trước đây. Trong quá trình đăng những bài phỏng vấn này, Vi Văn Tuyên trên Tiền Vệ chỉ ra nhiều chỗ sai trong các bản dịch của tôi. Tôi sẽ lần lượt xem lại từng chỗ trong mỗi bài và bình luận từng chỗ. Đường link các bài sửa tôi để ở cuối post này.


J. Hillis Miller. Sinh năm 1928, giáo sư văn học Anh tại Đại học Johns Hopkins (1952-1972), tại Đại học Yale (1972-1986), rồi tại Đại học California, Irvine; tác phẩm chính: Thomas Hardy: Distance and Desire, 1970, Fiction and Repetition: Seven English Novels, 1982, The Linguistic Moment: From Wordsworth to Stevens, 1985, The Ethics of Reading: Kant, de Man, Eliot, Trollope, James, and Benjamin, 1987, Theory Now and Then, 1991, Speech Acts in Literature, 2001.


Ta hãy bắt đầu bằng Phê bình Mới, với ông từng rất quan trọng, chính là cái thống trị những năm tháng ông còn đi học. Liệu có thể nói rằng nó đã được thiết lập thành định chế ở mọi trường đại học quan trọng tại Mỹ vào thời điểm ông khởi đầu sự nghiệp học thuật của mình?

Đúng, điều đó có nghĩa mọi sinh viên tốt nghiệp đại học đều đã đọc [Cleanth] Brooks, [René] Wellek và [Austin] Warren. Khoa Anh ngữ tại Yale được coi là nhất nước vì Phê bình Mới đã được hình thành từ đây.

Vậy thì Phê bình Mới ở Mỹ chưa từng đóng cùng cái vai trò mà cấu trúc luận đã có thể đóng tại Pháp. Nó chưa từng bao giờ được coi như là tiền phong chủ nghĩa hay có tính chất lật đổ phải không?

Có hai câu trả lời cho câu hỏi này. Một mặt, Phê bình Mới có vẻ phi chính trị, nhưng đấy chỉ là vẻ ngoài thôi. Những người lập ra nó xuất thân từ miền Nam, họ là người Thiên chúa giáo, không những thế còn là người theo phái Giám lý, tức là dòng Tin lành tương đối bảo thủ gắn chặt với các hình thức cụ thể của thơ ca. Phê bình Mới tự muốn mình phi chính trị, nhưng ở bình diện tri thức nó lại truyền đạt một loạt giá trị khá là bảo thủ. Lý tưởng của nó là thơ ca siêu hình, tất tật được viết bởi các nhà thơ Thiên chúa giáo, cùng với đó còn là những khái niệm như tính thống nhất hữu cơ của bài thơ và, bởi vậy, cả một di sản của chủ nghĩa lãng mạn.

Mặt khác, nó đã đóng một vai trò quan trọng sau Thế chiến thứ hai, với nước Mỹ đó là thời điểm quan trọng để dân chủ hóa Đại học, mà chủ yếu người ta phải mở để phục vụ các cựu chiến binh. Nhiều trường đại học đã phát triển rất mau chóng, đón nhận nhiều thanh niên thuộc tầng lớp trung lưu dưới, những người về cơ bản chưa từng được hưởng giáo dục và mù tịt về truyền thống văn chương. Phê bình Mới đã tự áp đặt vào đúng lúc ấy, không phải vì các lý do chính trị, mà bởi nó đặt tiền giả định rằng nghiên cứu văn học không cần đến một hiểu biết đặc thù nào. Điều duy nhất cần có là một quyển từ điển để biết nghĩa các từ.

Điều này không phải là không có điểm tương đồng với trào lưu cấu trúc luận tại Pháp, cũng xuất hiện chính vào thời điểm phát triển mạnh mẽ của các trường đại học dành cho giới bình dân…

Có thể, nhưng cấu trúc luận là một phương pháp dễ làm chủ và khả dụng trong đủ mọi lĩnh vực. Vậy nên nó có cái gì đó mang tính chất phổ quát. Phê bình Mới thì chưa bao giờ như thế, nó chỉ quanh quẩn bên trong ngành nghiên cứu văn học.

Hồi những năm 1960 ông đã giảng dạy ở Đại học Johns Hopkins, đúng lúc trường là một trong những điểm tiếp xúc chính giữa nghiên cứu văn học anglo-saxon và phê bình mới của Pháp, rồi French Theory [lý thuyết Pháp], nhất là với cuộc hội thảo lừng danh năm 1967 mà cả [Jacques] Lacan và [Jacques] Derrida đều tham gia. Với ông, rất nhanh chóng, chủ yếu là tác phẩm của Derrida sẽ trở nên rất quan trọng. Tại sao? Ông ấy mang lại điều gì mới mẻ?

Vấn đề mà Derrida cho phép tôi giải quyết là như sau: với tôi, có tồn tại những tác phẩm văn chương rất quan trọng, nhưng chúng không thuộc về tính thống nhất hữu cơ nào. Derrida đã cho phép tôi đoạn tuyệt hoàn toàn với Phê bình Mới, ông ấy đã cho tôi các phương tiện để phân tích những tác phẩm hẳn nhiên là rất không đồng nhất, mâu thuẫn.

Có phải mối quan tâm của ông đối với Derrida trước hết mang tính chất tri thức? Có những nguyên do chính trị nào khiến ông quan tâm đến ông ấy không?

Đó là một mối quan tâm trước hết mang tính chất tri thức. Mãi sau này tôi mới bắt đầu suy nghĩ tới những hàm ý chính trị trong diễn ngôn và chỗ đứng của ông ấy, đến việc ông ấy không thuộc đảng Cộng sản, rằng ông ấy đã cãi nhau với Philippe Sollers v.v… Tôi có biết, nhưng thời ấy những chuyện đó với tôi không mấy quan trọng. Cũng tương tự với Paul de Man, người từng là đồng nghiệp của tôi ở Hopkins rồi Yale, với ông ấy tôi đã có thể hệ thống hóa toàn bộ vấn đề, một vấn đề trọng yếu đối với tôi, về tính chất bất khả quyết định [indécidabilité] của các văn bản. Tất nhiên, lúc đó tôi chưa hề biết những gì Paul de Man từng viết hồi chiến tranh. Nếu là bây giờ, hẳn tôi sẽ nhạy cảm hơn nhiều đối với những hàm ý chính trị trong diễn ngôn của họ và hẳn tôi sẽ quan tâm hơn, chẳng hạn vậy, tới các liên hệ giữa Derrida và Sartre, bởi Derrida bắt đầu dạy tại Trường Sư phạm Ulm đúng lúc ảnh hưởng chính trị của Sartre đang mạnh mẽ nhất. Hẳn Derrida đã bị Sartre ảnh hưởng theo một cách thức rất phức tạp. Mãi sau này tôi mới bắt đầu suy nghĩ đến kiểu các vấn đề ấy, khi những cuộc tấn công vào Derrida lớn mạnh ở Mỹ, hoặc người ta chê trách ông ấy đã phi chính trị, hoặc chê trách ông ấy đã đứng về phe những người bảo thủ.

Về mặt chính trị thì ông biện minh hay bảo vệ cho Derrida như thế nào, trong bối cảnh nước Mỹ?

Có rất nhiều điều học được khi đọc Derrida, đặc biệt từ các văn bản sau này của ông. Những gì độc giả trẻ tuổi tự định vị mình vào trong một trào lưu khuynh tả có thể học được ở ông, đó là để nhận lấy những vị thế chính trị có thể gây hiệu ứng, bạn phải tự đặt cho mình câu hỏi về trách nhiệm. Các sinh viên Mỹ từng tham gia những phong trào nổi loạn rõ ràng là sẵn sàng nhận lấy một trách nhiệm về những hiệu ứng của các cuộc chiếm đóng trường đại học hoặc các cuộc biểu tình đông người. Hiện nay, tôi lại mong sinh viên xuống đường, làm một cái gì đó, tôi mong có vài vụ lộn xộn. Derrida rất nghiêm túc với vấn đề các hàm ý chính trị của những gì ông làm. Đó là một trong các lý do khiến ông ấy chờ đợi lâu đến vậy mới viết về Marx.

Ông giải thích thế nào về sự thành công gây choáng váng của giải cấu trúc trong giới học thuật Mỹ?

Thành công của giải cấu trúc gắn liền với bối cảnh Phê bình Mới, cái đã chuẩn bị sẵn địa bàn cho nó. Ở trung tâm của giải cấu trúc cũng có phân tích ngôn từ. Do vậy nó có một sự hữu dụng rất nhiều tính chất thực hành, nó đã củng cố cho phân tích văn bản trong khuôn khổ của nghiên cứu văn học. Bởi chính đó là cái nằm ở trung tâm sự thực hành của Derrida: một phiên bản rất đặc thù của giải thích văn bản kiểu Pháp, cũng có thể áp dụng vào các văn bản triết học, cái cho phép xem xét một văn bản và khám phá ở đó những điều chưa từng có ai nhìn thấy. Tôi tin đó là lý do chính: đã có sẵn một bối cảnh cho phép đón nhận phương pháp của Derrida. Có lẽ còn có thêm một lý do nữa: chúng tôi là một đất nước trẻ, chúng tôi ít chắc chắn về thẩm quyền của mình và do đó luôn luôn sẵn sàng nhập khẩu các phương pháp và tư tưởng từ nơi khác, và đặc biệt hơn là từ Pháp, ngay cả khi chúng tôi làm việc đó với rất nhiều lo lắng.

Ngày nay vẫn luôn luôn có chỗ cho giải cấu trúc trong giới học thuật Mỹ chứ?

Ngày càng ít đi, vì đủ mọi lý do. Lý do đầu tiên là Derrida cùng những người theo ông đều rất khó đọc. Suy nghĩ về văn chương bằng những khái niệm ấy đòi hỏi nhiều nỗ lực. Lý do hiển nhiên thứ hai là sự thăng tiến mạnh mẽ của cultural studies [nghiên cứu văn hóa], cái thường đặt tiền giả định rằng giải cấu trúc về mặt chính trị là cái gì đó bảo thủ, ngay cả khi một người như Judith Butler chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ Derrida. Nhiều nhà phê bình thuộc trào lưu cultural studies cũng tương tự, điều đó không ngăn cản họ nói với sinh viên của mình đừng đọc những gì xuất phát từ giải cấu trúc. Nhưng lý do chính hẳn là sự thoái lưu chung của tầm quan trọng của văn chương trong nền văn hóa chúng tôi. Giờ đây tại các khoa văn học chúng tôi có thế hệ đầu tiên các trợ lý giáo sư được giáo dục trong một môi trường cấu thành nên từ phim, video, trò chơi điện tử và các loại phương tiện truyền thông mới. Dù cho họ có nói gì về mối quan tâm dành cho văn chương của mình và dù cho có thể mong muốn điều gì, chúng tôi cũng biết rằng họ không được cấu trúc nên từ việc đọc Shakespeare. Tôi hoàn toàn không chống lại tiến trình này, nhưng nó cũng có nghĩa văn chương nhanh chóng mất đi tầm quan trọng của mình. Biểu tượng cho tình thế ấy là một đồng nghiệp trẻ được tuyển vào làm ở Irvine cách đây vài năm với tư cách chuyên gia về Flaubert, cô ấy tin Flaubert là một người đàn ông da trắng đã chết và bảo sinh viên của mình đừng đọc Flaubert nữa, rằng làm thế là xấu. Cô ấy quan tâm đến trang phục, mốt và bắt tay nghiên cứu các tạp chí mốt dành cho phụ nữ da đen (cô ấy thì không da đen). Tôi tôn trọng vị thế của cô ấy, nhưng đó là một ví dụ huy hoàng cho sự sụp đổ của nền văn hóa văn chương mà tôi quan sát thấy, mà cũng là như vậy khi tôi giảng bài ở Trung Quốc hay những nơi khác, về các tác giả như Henry James. Sớm hay muộn thì cũng sẽ rõ ràng rằng với họ điều quan trọng hơn cả là các chuyển thể tác phẩm của James thành phim ảnh. Tôi nghĩ điều này là không thể đảo ngược, ít nhất là vào lúc này. Như vậy lý thuyết văn học đóng một vai trò ngày càng bớt phần quan trọng vì càng ngày càng có ít người đọc và dạy văn chương.

Như vậy hẳn ông có thể theo giả thuyết của [Michel] Foucault, người nói rằng lý thuyết văn học chính là tiếng hát thiên nga của một nền văn hóa thực sự có tính chất văn chương?

Đó là một giả thuyết mà tôi thấy là khả dĩ, ngay cả khi tôi nghĩ văn chương còn sống sót được một thời gian nữa, sẽ vẫn có người quan tâm đến nó. Nhưng Foucault có lý, nó không còn là cái lực tự nhiên và ở vào vị trí trung tâm của nền văn hóa nữa. Không phải vì lý thuyết đã giết chết nó. Mà lý thuyết, sự suy tư về bản chất của nó, về việc nó vận hành như thế nào, mọi thứ ấy quả thực đã xuất hiện vào lúc nó mất đi quyền lực của mình. Với những người thời Victoria, tiểu thuyết có tính chất trung tâm và xác quyết đối với hành xử của họ cũng như điện ảnh và các phương tiện truyền thông khác ngày nay. Bởi vậy, không cần phải nghĩ đến nó, tiểu thuyết là một thứ rất hiển nhiên. Chỉ khi tiểu thuyết gây ra vấn đề thì mới cần suy nghĩ về nó, không chỉ trong khuôn khổ lý thuyết văn học, mà cả trong bản thân khuôn khổ thực hành văn chương nữa. Thomas Pynchon hay E. L. Doctorow hẳn đã không viết những gì họ từng viết nếu với họ kịch, tiểu thuyết hay vị thế tác giả là những điều hiển nhiên. Cũng vậy, có thể Aristote đã viết Nghệ thuật thi ca của mình, chủ yếu hướng tới bi kịch Hy Lạp, vào đúng lúc bi kịch biến mất - ít nhất thì ngày nay cũng có một số người khẳng định điều đó.

(trích từ Vincent Kaufmann, La Faute à Mallarmé. L’aventure de la théorie littéraire [Lỗi của Mallarmé. Cuộc phiêu lưu của lý thuyết văn học], Seuil, 2011, tr. 270-275)

---------------------

Nguyên tắc tiến hành của tôi như sau: bản dịch đầu tiên tôi vẫn để, ở dưới cùng, bản sửa tôi để ngay trên đó. Những bản dịch có phê phán của Vi Văn Tuyên, tôi copy từng bình luận rồi nêu ý kiến của tôi luôn, cả phần này sẽ ở trên cùng. 

Những chỗ trong dấu [] in đậm là tôi mới thêm vào. Nếu phần trong [] không có gì đi kèm thì là tôi mới thêm vào, nếu phần trong [] đi ngay sau ngữ đoạn trong // thì tức là phần trong [] tôi muốn thay thế cho phần trong //, những chỗ tôi gạch bỏ sẽ có dấu gạch (đơn) nằm ngang qua những chữ muốn gạch.



Bài Vincent Kaufmann phỏng vấn Todorov 

Bài Vincent Kaufmann phỏng vấn Genette

Bài Vincent Kaufmann phỏng vấn Culler 

Bài Vincent Kaufmann phỏng vấn Stierle

Bài Vincent Kaufmann phỏng vấn Lotringer 

Bài Vincent Kaufmann phỏng vấn Roudinesco 

Bài Vincent Kaufmann phỏng vấn Pierssens

Dec 6, 2011

(ghi chép biên tập) nhà biên tập Komatsu

Mấy đoạn trích từ 1Q84 (chương 2 và chương 14: chương lẻ kể chuyện Aomame, chương chẵn kể chuyện Tengo) về nhà biên tập Komatsu, theo bản tiếng Pháp của Hélène Morita, NXB Belfond. Bản tiếng Pháp có kha khá chữ "i" bị viết thành kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, tức là không có dấu chấm :p


Ở Komatsu, con người ấy, có cái gì đó không thể thăm dò. Rất khó căn cứ vào biểu hiện hay những chuyển điệu trong giọng nói của ông để đoán xem ông nghĩ gì, hay cảm thấy gì. Và bản thân ông dường như cũng có chút khoái cảm trong việc phủ lên người khác một tấm màn khói. Dù thế nào đi nữa thì trí óc ông cũng thật sắc bén. Ông thuộc loại người đưa ra các đánh giá mà không buồn để ý tới ý kiến người khác, chỉ theo logic riêng của ông. Mặt khác, mặc dù không phơi bày một cách vô ích, ông đã đọc rất nhiều sách và sở hữu những hiểu biết chính xác về nhiều lĩnh vực đa dạng. Đó không chỉ là vấn đề hiểu biết, bởi ông đoán định người khác theo trực giác và cũng có cảm nhận tốt về các tác phẩm. Ông mang trong mình không ít định kiến ở địa hạt này nhưng, với ông, định kiến cũng thuộc về những yếu tố cốt tử của sự thật.

Vốn bản tính kiệm lời, ông ghét phải thanh minh lòng vòng về mọi chuyện nhưng, nếu cần, ông có khả năng trình bày ý kiến của mình đầy tinh tế và logic. Khi thấy cần phải làm, thậm chí ông còn có thể tỏ ra vô cùng gay gắt. Ông nhắm trúng điểm yếu của người đối thoại và, trong nháy mắt, xuyên thủng người đó bằng vài từ. Ông là người thiên vị hết mức, và số tác phẩm hay cá nhân người mà ông không chịu đựng nổi lớn hơn nhiều so với số còn lại. Bởi vậy, rất tự nhiên, số người không có chút thiện cảm nào với ông lớn hơn vô cùng nhiều so với số còn lại. Nhưng đó lại chính là điều ông tìm kiếm. Theo những gì Tengo thấy, Komatsu thích được cô độc và khá sung sướng vì bị người khác giữ khoảng cách - thậm chí là bị ghét thậm tệ. Ông sẵn sàng rao giảng rằng sự tế nhị của trí óc không sinh ra từ một môi trường dễ chịu.

[…]

Tengo đã bắt đầu có quan hệ với Komatsu từ khá lâu. Anh đã có đủ thời gian khám phá khuôn mặt ngoài xã hội, cũng như cái phần trong bóng tối của người đàn ông này. Trong giới của mình, Komatsu tiến hành công việc một cách đơn độc, như thể chỉ sống tùy hứng. Nhiều người bị cái vẻ ngoài này đánh lừa. Nhưng nếu quan sát ông thật chăm chú, trong óc lúc nào cũng hình dung đầy đủ hoàn cảnh, thì người ta sẽ hiểu rằng các hành động của ông tuân theo những kế hoạch vô cùng tỉ mỉ. Nói như trong shogi, môn cờ Nhật, có thể cho rằng ông chuẩn bị những đòn tấn công và phản công từ trước. Chắc hẳn là thích các mưu mẹo bất ngờ, nhưng ông cũng biết cách vạch một đường biên mà ông rất cẩn thận để không vượt qua. Nhưng người ta cũng có thể đánh giá ông khá nhạy cảm và phần lớn lối hành xử kiểu thành phần bất hảo của ông chỉ là một trò hài kịch ngoài bề mặt mà thôi.

Rất thận trọng, ông tự tạo ra nhiều sự bảo hiểm cho mình. Chẳng hạn, hằng tuần ông viết một mục thời luận văn chương trên một tờ báo buổi tối, nơi ông khen ngợi hoặc chê bôi các nhà văn. Những phê phán của ông có thể rất dữ dội. Sự tàn độc là dấu ấn riêng của ông. Mục thời luận ấy chắc chắn không ký tên, nhưng ở giới văn chương mọi người đều biết ai là tác giả. Dĩ nhiên, không một ai thích bị lên thớt trên một tờ báo. Vậy nên các tác giả hết sức để ý sao không bị hở lưng trước Komatsu. Nếu ông nhờ họ viết một bài cho tờ tạp chí của ông, họ sẽ tìm cách để không từ chối ông. Hoặc giả họ nhận lời ít nhất một lần. Bởi họ không biết ông có khả năng viết gì về họ trong mục thời luận của ông.

Dec 3, 2011

chuyện tùy tục

số 21 :p

Vào nhà người Nhật (và nhà tập thể lát gạch hoa ở Việt Nam thời bao cấp) dĩ nhiên phải bỏ giày ngoài cửa, ăn tối ở nhà người phương Tây đương nhiên phải cố gắng dùng dao dĩa. Uống rượu trên Lạng Sơn, sau mỗi chén bạn phải mau mắn chìa tay cho người đồng ẩm để bắt, nếu không sẽ bị coi là bất lịch sự. Nghe nói nếu là khách ở nhà người Eskimo, khi được chủ nhà mời, khách phải ngủ đêm với vợ chủ nhà, từ chối bị coi là một hành vi khinh thường người khác không thể chấp nhận được.

Ngôn ngữ cũng vậy: sự vay mượn lẫn nhau là vô cùng phổ biến, nhưng vay mượn thì vay mượn, chỉ cần cách đi một khoảng không gian nhỏ là đã có lệch lạc, khác biệt đến nhiều khi không nhận ra nổi nguồn gốc nữa. Cùng một ngôn ngữ đã vậy, chẳng hạn đi vài chục cây số từ Hà Nội lên tới Bắc Giang thôi, từ ném đã biến thành từ đápchun đã biến thành nịt rồi.

Dec 1, 2011

[VCLN] Pierssens


Bản sửa 14/12/2011

Michel Pierssens. Sinh năm 1945, giáo sư văn học Pháp tại Đại học Montréal, đồng sáng lập vào năm 1971 tạp chí Sub-Stance mà ông là một trong các biên tập viên, đồng thời là đồng giám đốc (cùng Jean-Jacques Lefrère) của tạp chí Histoires littéraires, tác giả của La Tour de Babil, 1976, Lautréamont. Éthique à Maldoror, 1984, Savoirs à l’oeuvre. Essais d’epistémocritique, 1991, Savoirs de Proust, 2005, Ducasse et Lautréamont. L’envers et l’endroit, 2006.


Tác phẩm La Tour de Babil. Essai sur la fiction du signe [Tháp Babil. Khảo luận về hư cấu của ký hiệu] (xuất bản năm 1976 ở NXB Minuit trong tủ sách “Critique”) đã ngay lập tức đặt ông vào trào lưu lý thuyết-phản tư. Vào thời in cuốn sách ấy, với ông đâu là những điều quan trọng?

Tôi vẫn luôn luôn quan tâm đến sự rối loạn, những tính chất bên lề. Thời ấy (1963) tôi ghi tên học ngành y (rồi nhanh chóng bỏ để chuyển sang văn chương), cái quyến rũ tôi là bệnh học tâm thần, kể cả /khía cạnh/ [phiên bản] tâm phân học của nó. Khi rẽ ngang sang nghiên cứu văn học, tôi đã phát hiện rằng những rối loạn của ngôn từ và tâm trí có thể là một đối tượng nghiên cứu liên ngành phối hợp cả ngôn ngữ học, phân tích văn học, tâm thần học. Vậy nên tôi muốn hiểu làm thế nào mà những cách thức không điển hình trong việc xử lý ngôn ngữ, dù cho nguồn gốc có là gì (bệnh học hay không) có thể là nguồn gốc cho những sáng tạo kỳ quặc và có vẻ như không thể giải thích cũng như những sáng tạo quy chuẩn nhiều hơn nhiều. Các điểm quan trọng trong những nghiên cứu mà tôi thực hiện [hồi đó] luôn luôn trước hết mang tính chất lý thuyết, ngay cả khi lẽ dĩ nhiên tôi không hề thờ ơ với những gì được nói vào thời ấy trong lĩnh vực phản tâm thần học, nhất là những biến thể kiểu Mỹ hay nói rộng hơn là kiểu anglo-saxon.

Những dấn thân trí thức của ông có dính dáng gì tới một cuộc chiến chính trị hay ý hệ không? Và làm thế nào để đặc trưng hóa cho cuộc chiến ấy, nếu nó có tồn tại? Nó có mới mẻ không?

Tôi sống ở Mỹ từ 1970 và khám phá các phong trào trí thức, theo lối trực tiếp, những thứ chỉ có được một tiếng vang bị bóp méo sang bên Pháp. Thế nên tôi không hề có cảm giác mình tham gia, theo nghĩa truyền thống, một cuộc chiến chính trị hay ý hệ. Hồi đó tôi thấy phong trào mà tôi /tham gia/ [tự đồng hóa vào] đang ở /vào/ giai đoạn chinh phục không thể cưỡng lại và sâu sắc hơn rất nhiều.

Ông có cảm giác là mình lặp lại những cuộc chiến của các phong trào tiền phong chủ nghĩa kiểu truyền thống không?

Dĩ nhiên là [hồi đó] tôi đọc mọi thứ liên quan tới cuộc tranh luận về chủ nghĩa Marx /hồi/ [trong lúc]/đang/ viết luận án tiến sĩ ở Aix-en-Provence và các bài giảng tôi thực hiện về chủ đề này (1968-1970) trước các sinh viên chiến sĩ tranh đấu thuộc đủ mọi nhóm phái thời đó, là những bài giảng hết sức chiết trung và đa dạng, đi từ Marx tới Lênin, từ Trotski tới Mao, từ Stalin tới [Louis] Althusser. Trước hết tôi muốn hiểu được những gì phức tạp, thậm chí các mâu thuẫn và ngõ cụt của toàn bộ truyền thống ấy, còn bản thân tôi hết sức dị ứng và hoài nghi trước những đơn giản hóa mà người ta đề xuất từ đó. Tôi hướng nhiều hơn tới những gì xuất phát từ Internationale situationniste [Quốc tế của chủ nghĩa tình thế], cái với tôi không phải là không tương thích với một số khía cạnh của chủ nghĩa Trotski - thứ chủ nghĩa đã trở nên thân thiện hơn nhiều với vai trò của các nhà siêu thực chủ nghĩa.

/Ông/ [Có thể] định nghĩa như thế nào về tính mới mẻ của một vị thế như vậy?

Hồi đó tôi thấy rằng chủ nghĩa tiền phong mà tôi thuộc về trước hết phải sở hữu một ý thức lịch sử rất mạnh mẽ và một cảm quan phê phán hoàn toàn không tương thích với những gì các chiến sĩ tranh đấu có tổ chức cao độ nhất đang tìm cách áp đặt. Sự nghèo nàn về mặt tri thức của phần lớn họ hay những ép buộc về phía những niềm tin giản lược khủng khiếp của họ khiến tôi thấy mọi phía đều bị thực tại vượt qua, đặc biệt là các thực tại do sự tưởng tượng chi phối ngôn ngữ tạo ra, trong thơ cũng như trong văn xuôi. Mọi thứ gì không phải [là] rối loạn có sức sinh sôi tôi đều thấy có tính chất tu từ và gây nghẹt thở một cách sâu sắc. Tôi thấy (và giờ vẫn thấy) rằng cần phải quan tâm đến mọi hình thức thể hiện được quyền năng của ham muốn giải thoát. Với tôi nước Pháp trên con đường mác xít hóa là một ngõ cụt thoái triển, ở đúng cái nơi nước Mỹ sáng tạo đầy táo bạo. Việc tôi đọc [Roland] Barthes, [Michel] Foucault hay [Gilles] Deleuze trực tiếp bị ảnh hưởng bởi điều đó: Barthes của sự phân mảnh và của ham muốn, Foucault của lịch sử/,/ bệnh điên và [của] [Raymond] Roussel, Deleuze tái sáng chế Nietzsche. Đó là những gì kích thích tôi.

Ông dạy học ở Montréal từ hơn ba mươi năm nay. Ông cũng là một trong những người sáng lập và cựu giám đốc tờ tạp chí Sub-Stance, một trong những cầu nối chính yếu giữa French Theory [Lý thuyết Pháp] và nước Mỹ. Ngày nay ông có cách nhìn như thế nào về hoạt động vượt tuyến này?

Lúc mới ở Mỹ, tôi cảm thấy rất mạnh mẽ rằng mình thuộc về một phong trào chinh phục /của/ theo kiểu tiền phong hẳn sẽ khiến người Mỹ khám phá những sự thật và tác phẩm gây xáo trộn, đoạn tuyệt hoàn toàn với truyền thống đại học như nó vẫn kêu ro ro tại các khoa văn học, các khoa Pháp ngữ cũng như các khoa Anh ngữ. Sức mạnh mang tính chất lật đổ của lý thuyết kiểu Pháp gây rất nhiều phấn chấn và công việc phổ biến thực sự được cảm thấy như là một cuộc chiến chống lại các lực thoái triển. Chúng tôi không đông lắm ở vị thế đó, tuy nhiên cũng là đủ để xô đổ những thành trì truyền thống, mặt khác lại là những thành trì rất thân thiện, theo cách đầy nghịch lý.

Ông có nghĩ rằng lý thuyết văn học, theo nghĩa rộng, đã đóng - và vẫn đóng - cùng vai trò ở Pháp và ở Mỹ không?

Có một khác biệt lớn giữa /địa hạt/ [các giới] có liên quan [đến vấn đề này] ở Pháp và ở Mỹ. Ở Pháp người ta có thể có cảm giác mình chạm vào tới rất sâu toàn bộ xã hội; ở Mỹ, rõ ràng /là/ cái thực tại duy nhất có thể ghi dấu ấn là trường đại học, lẽ dĩ nhiên là có cấu trúc chặt chẽ hơn nhiều, tập trung hơn nhiều, có tổ chức hơn nhiều so với ở Pháp. Đó là nơi duy nhất một cuộc chiến tri thức có thể tạo một tiếng vang và có một nghĩa.

Hành trình bên Mỹ của ông có làm biến đổi những dấn thân và định kiến trước đây của ông không? Ở những điểm nào?

Cùng lúc với các hoạt động người vượt tuyến của mình, tôi rất [nhanh chóng] quan tâm đến những gì bản thân người Mỹ tri nhận như là chủ nghĩa tiền phong tri thức của riêng họ: cái công trình liên ngành hết sức phong phú quy tụ các nhà ngôn ngữ học, các nhà nhân học, các triết gia, các nhà xã hội học, các nhà khoa học luận… Chính bằng cách ấy mà cái nghĩa tôi cấp cho từ “khoa học” đã biến đổi mạnh mẽ, chuyển từ quan niệm rất trừu tượng và cổ lỗ ở trong đầu các ý hệ gia người Pháp sang một quan niệm rất cụ thể và có tính chất thao tác cao độ như ở các sử gia về các ngành khoa học và các nhà khoa học luận người Mỹ. Do đó cái có thể được coi là lý thuyết văn học ở Pháp nhất thiết phải được viết lại vào trong những vấn đề rộng hơn nhiều và phức tạp hơn nhiều tại Mỹ, với sự can thiệp của cả lịch sử xã hội và văn hóa lẫn sinh học-thần kinh học hay vật lý.

Làm thế nào để diễn giải sự đối lập giữa ảnh hưởng /nhỏ bé/ [yếu ớt] của lý thuyết tại Đại học Pháp và uy tín của nó tại các trường đại học Mỹ?

Người Pháp rất e dè trong việc chấp nhận những đề xuất từ nghiên cứu văn hóa mà tôi thấy rằng sức mạnh đổi mới, mặc cho người ta có thể nghĩ gì về độ nghiêm ngặt hay đúng đắn của nó, là không thể chối cãi. Cách thức xây dựng lý thuyết văn học ở Pháp ngày nay với tôi là không đi kèm một chút tính hiệu quả xã hội và chính trị nào, điều mà tôi /thấy/ [cho rằng] hoàn toàn khác bên Mỹ. Lý thuyết Pháp mà tôi góp phần nhập khẩu trong những năm 1970 đã chuyển hóa thành một bộ máy trình hiện có sức huy động lớn. Tôi tin rằng ngày nay các hiệu ứng của nó nằm khắp nơi trong nền văn hóa và xã hội Mỹ và đóng góp vào sự năng động [mang tính chất đổi] mới của nó, trái ngược với những gì /đã/ [từng] diễn ra bên Pháp.

Nếu được làm lại, ông có lại lao vào cuộc phiêu lưu Mỹ nữa không?

Nếu được làm lại, tôi sẽ không ngần ngừ gì mà làm lại y hệt, bởi chính trong cuộc phiêu lưu Mỹ mà những gì tôi tìm cách truyền đạt đã tìm ra được tiếng vọng mà tôi thấy là có nhiều tính chất sáng tạo nhất. Sự tình cờ khiến tôi làm một nhân viên quân sự ở Mỹ trong vòng hai năm là một trong những tình cờ thuộc loại tích cực nhất mà tôi từng có ở /địa hạt/ [bình diện] tri thức.

Có những đoạn tuyệt trong các hướng đi của ông không? Suy tư lý thuyết về văn chương có còn thời sự không?

Tôi không có cảm giác hiện nay mình quan tâm đến những thứ rất khác những gì từng huy động con người tôi cách đây bốn mươi năm. Hẳn tôi đã /chính xác hóa/ [cụ thể hóa] được một chút cách nhìn về những liên hệ giữa hiểu biết và những cái khác trong văn hóa nói chung. Tôi đã mang theo nhiều kiến thức và sự chặt chẽ [hơn] vào những /bước đi/ [công việc] có bản tính lịch sử, những cái giờ đây với tôi giống như là các sự đảm bảo nhất thiết phải có cho bất kỳ quá trình lý thuyết hóa nào có đôi chút đáng tin cậy. Trong mắt tôi không có mâu thuẫn nào giữa công việc mà tôi làm với [tạp chí] Histoires littéraires và [trang web] epistemocritique.org. Như vậy đúng ra thì tôi có cảm giác về sự liên tục và đào sâu.

Tôi nghĩ rằng văn chương, cũng như các môn khoa học, sở hữu một năng lực gây phấn khích mạnh mẽ về việc làm người ta suy nghĩ. Tôi không tìm cách tạo lập lý thuyết chung về năng lực này, /như ngày xưa hẳn tôi đã cố làm/ [nếu là ngày xưa thì hẳn tôi đã thử làm]. Giờ đây tôi quan tâm nhiều hơn nhiều tới việc đọc các văn bản nhằm hiểu thật sâu sắc sức mạnh /đặc thù/ [riêng có] của chúng từ đâu đến và những gì chúng có khả năng tạo ra và biến đổi ở độc giả, theo lối cá nhân và theo lối tập thể. Tôi thấy đó là một điều chỉ có thể thực hiện theo cách thức ít nhiều có hiệu quả nếu chăm chú vào cách thức các hiểu biết đan cài vào với nhau, cả ở cái thời một văn bản được tạo ra lẫn vào thời của chúng ta bởi chúng ta chỉ có thể suy nghĩ bằng cách tự đặt mình vào bờ rìa của những gì chúng ta biết. Ba công trình [dossier] chính yếu mà tôi hy vọng có thể tiếp tục trong vài năm tới mỗi cái biểu lộ niềm tin ấy theo cách riêng của mình: một nghiên cứu về các quan hệ giữa văn chương và các môn khoa học giả hiệu vào thế kỷ XIX; một nghiên cứu khác về vinh quang và sự suy tàn của thơ ca khoa học; một khảo luận rộng [transversal] hơn về các nghệ thuật của sự rối loạn.

---------------------

Thêm một nhà nghiên cứu Pháp nhưng lại ở Mỹ :)

Michel Pierssens. Sinh năm 1945, giáo sư văn học Pháp tại Đại học Montréal, đồng sáng lập vào năm 1971 tạp chí Sub-Stance mà ông là một trong các biên tập viên, đồng thời là đồng giám đốc (cùng Jean-Jacques Lefrère) của tạp chí Histoires littéraires, tác giả của La Tour de Babil, 1976, Lautréamont. Éthique à Maldoror, 1984, Savoirs à l’oeuvre. Essais d’epistémocritique, 1991, Savoirs de Proust, 2005, Ducasse et Lautréamont. L’envers et l’endroit, 2006.


Tác phẩm La Tour de Babil. Essai sur la fiction du signe [Tháp Babil. Khảo luận về hư cấu của ký hiệu] (xuất bản năm 1976 ở NXB Minuit trong tủ sách “Critique”) đã ngay lập tức đặt ông vào trào lưu lý thuyết-phản tư. Vào thời in cuốn sách ấy, với ông đâu là những điều quan trọng?

Tôi vẫn luôn luôn quan tâm đến sự rối loạn, những tính chất bên lề. Thời ấy (1963) tôi ghi tên học ngành y (rồi nhanh chóng bỏ để chuyển sang văn chương), cái quyến rũ tôi là bệnh học tâm thần, kể cả khía cạnh tâm phân học của nó. Khi rẽ ngang sang nghiên cứu văn học, tôi đã phát hiện rằng những rối loạn của ngôn từ và tâm trí có thể là một đối tượng nghiên cứu liên ngành phối hợp cả ngôn ngữ học, phân tích văn học, tâm thần học. Vậy nên tôi muốn hiểu làm thế nào mà những cách thức không điển hình trong việc xử lý ngôn ngữ, dù cho nguồn gốc có là gì (bệnh học hay không) có thể là nguồn gốc cho những sáng tạo kỳ quặc và có vẻ như không thể giải thích cũng như những sáng tạo quy chuẩn nhiều hơn nhiều. Các điểm quan trọng trong những nghiên cứu mà tôi thực hiện luôn luôn trước hết mang tính chất lý thuyết, ngay cả khi lẽ dĩ nhiên tôi không hề thờ ơ với những gì được nói vào thời ấy trong lĩnh vực phản tâm thần học, nhất là những biến thể kiểu Mỹ hay nói rộng hơn là kiểu anglo-saxon.

Những dấn thân trí thức của ông có dính dáng gì tới một cuộc chiến chính trị hay ý hệ không? Và làm thế nào để đặc trưng hóa cho cuộc chiến ấy, nếu nó có tồn tại? Nó có mới mẻ không?

Tôi sống ở Mỹ từ 1970 và khám phá các phong trào trí thức, theo lối trực tiếp, những thứ chỉ có được một tiếng vang bị bóp méo sang bên Pháp. Thế nên tôi không hề có cảm giác mình tham gia, theo nghĩa truyền thống, một cuộc chiến chính trị hay ý hệ. Hồi đó tôi thấy phong trào mà tôi tham gia đang ở vào giai đoạn chinh phục không thể cưỡng lại và sâu sắc hơn rất nhiều.

Ông có cảm giác là mình lặp lại những cuộc chiến của các phong trào tiền phong chủ nghĩa kiểu truyền thống không?

Dĩ nhiên là tôi đọc mọi thứ liên quan tới cuộc tranh luận về chủ nghĩa Marx hồi đang viết luận án tiến sĩ ở Aix-en-Provence và các bài giảng tôi thực hiện về chủ đề này (1968-1970) trước các sinh viên chiến sĩ tranh đấu thuộc đủ mọi nhóm phái thời đó, là những bài giảng hết sức chiết trung và đa dạng, đi từ Marx tới Lênin, từ Trotski tới Mao, từ Stalin tới [Louis] Althusser. Trước hết tôi muốn hiểu được những gì phức tạp, thậm chí các mâu thuẫn và ngõ cụt của toàn bộ truyền thống ấy, còn bản thân tôi hết sức dị ứng và hoài nghi trước những đơn giản hóa mà người ta đề xuất từ đó. Tôi hướng nhiều hơn tới những gì xuất phát từ Internationale situationniste [Quốc tế của chủ nghĩa tình thế], cái với tôi không phải là không tương thích với một số khía cạnh của chủ nghĩa Trotski - thứ chủ nghĩa đã trở nên thân thiện hơn nhiều với vai trò của các nhà siêu thực chủ nghĩa.

Ông định nghĩa như thế nào về tính mới mẻ của một vị thế như vậy?

Hồi đó tôi thấy rằng chủ nghĩa tiền phong mà tôi thuộc về trước hết phải sở hữu một ý thức lịch sử rất mạnh mẽ và một cảm quan phê phán hoàn toàn không tương thích với những gì các chiến sĩ tranh đấu có tổ chức cao độ nhất đang tìm cách áp đặt. Sự nghèo nàn về mặt tri thức của phần lớn họ hay những ép buộc về phía những niềm tin giản lược khủng khiếp của họ khiến tôi thấy mọi phía đều bị thực tại vượt qua, đặc biệt là các thực tại do sự tưởng tượng chi phối ngôn ngữ tạo ra, trong thơ cũng như trong văn xuôi. Mọi thứ gì không phải rối loạn có sức sinh sôi tôi đều thấy có tính chất tu từ và gây nghẹt thở một cách sâu sắc. Tôi thấy (và giờ vẫn thấy) rằng cần phải quan tâm đến mọi hình thức thể hiện được quyền năng của ham muốn giải thoát. Với tôi nước Pháp trên con đường mác xít hóa là một ngõ cụt thoái triển, ở đúng cái nơi nước Mỹ sáng tạo đầy táo bạo. Việc tôi đọc [Roland] Barthes, [Michel] Foucault hay [Gilles] Deleuze trực tiếp bị ảnh hưởng bởi điều đó: Barthes của sự phân mảnh và của ham muốn, Foucault của lịch sử, bệnh điên và Roussel, Deleuze tái sáng chế Nietzsche. Đó là những gì kích thích tôi.

Ông dạy học ở Montréal từ hơn ba mươi năm nay. Ông cũng là một trong những người sáng lập và cựu giám đốc tờ tạp chí Sub-Stance, một trong những cầu nối chính yếu giữa French Theory [Lý thuyết Pháp] và nước Mỹ. Ngày nay ông có cách nhìn như thế nào về hoạt động vượt tuyến này?

Lúc mới ở Mỹ, tôi cảm thấy rất mạnh mẽ rằng mình thuộc về một phong trào chinh phục của theo kiểu tiền phong hẳn sẽ khiến người Mỹ khám phá những sự thật và tác phẩm gây xáo trộn, đoạn tuyệt hoàn toàn với truyền thống đại học như nó vẫn kêu ro ro tại các khoa văn học, các khoa Pháp ngữ cũng như các khoa Anh ngữ. Sức mạnh mang tính chất lật đổ của lý thuyết kiểu Pháp gây rất nhiều phấn chấn và công việc phổ biến thực sự được cảm thấy như là một cuộc chiến chống lại các lực thoái triển. Chúng tôi không đông lắm ở vị thế đó, tuy nhiên cũng là đủ để xô đổ những thành trì truyền thống, mặt khác lại là những thành trì rất thân thiện, theo cách đầy nghịch lý.

Ông có nghĩ rằng lý thuyết văn học, theo nghĩa rộng, đã đóng - và vẫn đóng - cùng vai trò ở Pháp và ở Mỹ không?

Có một khác biệt lớn giữa địa hạt có liên quan [đến vấn đề này] ở Pháp và ở Mỹ. Ở Pháp người ta có thể có cảm giác mình chạm vào tới rất sâu toàn bộ xã hội; ở Mỹ, rõ ràng là cái thực tại duy nhất có thể ghi dấu ấn là trường đại học, lẽ dĩ nhiên là có cấu trúc chặt chẽ hơn nhiều, tập trung hơn nhiều, có tổ chức hơn nhiều so với ở Pháp. Đó là nơi duy nhất một cuộc chiến tri thức có thể tạo một tiếng vang và có một nghĩa.

Hành trình bên Mỹ của ông có làm biến đổi những dấn thân và định kiến trước đây của ông không? Ở những điểm nào?

Cùng lúc với các hoạt động người vượt tuyến của mình, tôi rất quan tâm đến những gì bản thân người Mỹ tri nhận như là chủ nghĩa tiền phong tri thức của riêng họ: cái công trình liên ngành hết sức phong phú quy tụ các nhà ngôn ngữ học, các nhà nhân học, các triết gia, các nhà xã hội học, các nhà khoa học luận… Chính bằng cách ấy mà cái nghĩa tôi cấp cho từ “khoa học” đã biến đổi mạnh mẽ, chuyển từ quan niệm rất trừu tượng và cổ lỗ ở trong đầu các ý hệ gia người Pháp sang một quan niệm rất cụ thể và có tính chất thao tác cao độ như ở các sử gia về các ngành khoa học và các nhà khoa học luận người Mỹ. Do đó cái có thể được coi là lý thuyết văn học ở Pháp nhất thiết phải được viết lại vào trong những vấn đề rộng hơn nhiều và phức tạp hơn nhiều tại Mỹ, với sự can thiệp của cả lịch sử xã hội và văn hóa lẫn sinh học-thần kinh học hay vật lý.

Làm thế nào để diễn giải sự đối lập giữa ảnh hưởng nhỏ bé của lý thuyết tại Đại học Pháp và uy tín của nó tại các trường đại học Mỹ?

Người Pháp rất e dè trong việc chấp nhận những đề xuất từ nghiên cứu văn hóa mà tôi thấy rằng sức mạnh đổi mới, mặc cho người ta có thể nghĩ gì về độ nghiêm ngặt hay đúng đắn của nó, là không thể chối cãi. Cách thức xây dựng lý thuyết văn học ở Pháp ngày nay với tôi là không đi kèm một chút tính hiệu quả xã hội và chính trị nào, điều mà tôi thấy hoàn toàn khác bên Mỹ. Lý thuyết Pháp mà tôi góp phần nhập khẩu trong những năm 1970 đã chuyển hóa thành một bộ máy trình hiện có sức huy động lớn. Tôi tin rằng ngày nay các hiệu ứng của nó nằm khắp nơi trong nền văn hóa và xã hội Mỹ và đóng góp vào sự năng động mới của nó, trái ngược với những gì đã diễn ra bên Pháp.

Nếu được làm lại, ông có lại lao vào cuộc phiêu lưu Mỹ nữa không?

Nếu được làm lại, tôi sẽ không ngần ngừ gì mà làm lại y hệt, bởi chính trong cuộc phiêu lưu Mỹ mà những gì tôi tìm cách truyền đạt đã tìm ra được tiếng vọng mà tôi thấy là có nhiều tính chất sáng tạo nhất. Sự tình cờ khiến tôi làm một nhân viên quân sự ở Mỹ trong vòng hai năm là một trong những tình cờ thuộc loại tích cực nhất mà tôi từng có ở địa hạt tri thức.

Có những đoạn tuyệt trong các hướng đi của ông không? Suy tư lý thuyết về văn chương có còn thời sự không?

Tôi không có cảm giác hiện nay mình quan tâm đến những thứ rất khác những gì từng huy động con người tôi cách đây bốn mươi năm. Hẳn tôi đã chính xác hóa được một chút cách nhìn về những liên hệ giữa hiểu biết và những cái khác trong văn hóa nói chung. Tôi đã mang theo nhiều kiến thức và sự chặt chẽ vào những bước đi có bản tính lịch sử, những cái giờ đây với tôi giống như là các sự đảm bảo nhất thiết phải có cho bất kỳ quá trình lý thuyết hóa nào có đôi chút đáng tin cậy. Trong mắt tôi không có mâu thuẫn nào giữa công việc mà tôi làm với [tạp chí] Histoires littéraires và [trang web] epistemocritique.org. Như vậy đúng ra thì tôi có cảm giác về sự liên tục và đào sâu.

Tôi nghĩ rằng văn chương, cũng như các môn khoa học, sở hữu một năng lực gây phấn khích mạnh mẽ về việc làm người ta suy nghĩ. Tôi không tìm cách tạo lập lý thuyết chung về năng lực này, như ngày xưa hẳn tôi đã cố làm. Giờ đây tôi quan tâm nhiều hơn nhiều tới việc đọc các văn bản nhằm hiểu thật sâu sắc sức mạnh đặc thù của chúng từ đâu đến và những gì chúng có khả năng tạo ra và biến đổi ở độc giả, theo lối cá nhân và theo lối tập thể. Tôi thấy đó là một điều chỉ có thể thực hiện theo cách thức ít nhiều có hiệu quả nếu chăm chú vào cách thức các hiểu biết đan cài vào với nhau, cả ở cái thời một văn bản được tạo ra lẫn vào thời của chúng ta bởi chúng ta chỉ có thể suy nghĩ bằng cách tự đặt mình vào bờ rìa của những gì chúng ta biết. Ba công trình chính yếu mà tôi hy vọng có thể tiếp tục trong vài năm tới mỗi cái biểu lộ niềm tin ấy theo cách riêng của mình: một nghiên cứu về các quan hệ giữa văn chương và các môn khoa học giả hiệu vào thế kỷ XIX; một nghiên cứu khác về vinh quang và sự suy tàn của thơ ca khoa học; một khảo luận rộng hơn về các nghệ thuật của sự rối loạn.

(trích từ Vincent Kaufmann, La Faute à Mallarmé. L’aventure de la théorie littéraire [Lỗi của Mallarmé. Cuộc phiêu lưu của lý thuyết văn học], Seuil, 2011, tr. 275-280)