Jul 29, 2009

Chanson française

Mấy hôm trước buổi tối nhà mất điện, tôi thì không thích phàn nàn (giống bác gì ấy hehe) nên đã biến sự mất điện thành một công cuộc nghe chanson française. Những bài hát tiếng Pháp này, như một cô bạn học ngày xưa người Anh chuyên nghiên cứu ca khúc, phải gọi là chanson française vì quá đặc thù. Đặc thù nhất là quá nhiều thơ ca trong lời bài hát.

Mà mình nghe chanson française cũng thấy hãnh diện, vì trong quyển của Trần Dân Tiên hay ít nhất là một quyển gì đó rất nổi tiếng kể là Nguyễn Tất Thành rất thích dừng lại ở các music-hall để nghe Maurice Chevalier hát. Chevalier thì không hay bằng một người cùng thời, Charles Trenet, chẳng hạn như bài này (“Que reste-t-il de nos amours?”).

Hồi tôi còn đi học (nghe giống bắt tay vào viết hồi ký nhỉ, nhưng các bác đừng vội lo à quên đừng vội mừng) khi thấy trong sách viết từ “chanson” thế nào chúng tôi cũng lấy bút viết thêm vào để sửa thành “chán sống”. Chẳng bao giờ sự chờ đợi giống như thế nữa, chờ đợi tiếng trống hết giờ và chờ đợi mấy cái người ngồi hay đứng gần cái bảng thôi nói đi. Sau này chắc chỉ những lúc ngồi chờ máy bay Vietnam Airlines bị delay là có một ít tương tự (hình như có cả một chuỗi cửa hàng ăn uống ở sân bay tên là Delay luôn thì phải, hiểm thật).

Chanson française đầu tiên bắt đầu gây ấn tượng lên tôi là của hai người, Enrico Marcias (chính là “venez venez venez-moi”) rồi nhất là Gérard Lenorman, chẳng hạn như bài này (“La Ballade des gens heureux”).

Cái dở nhất và cũng hay nhất của chanson française chính là lời của nó. Tôi vẫn nghĩ nhạc sĩ Việt Nam chịu ảnh hưởng về tư duy của nhạc Pháp: coi trọng lời hơn nhạc một cách tương đối, sự tiếp nhận của công chúng cũng vậy, đột phá sáng tạo về nhạc không quan trọng và được hoan nghênh bằng lời mượt mà thướt tha (“chỉ còn mênh mông gương hồ, hiu hắt soi những cây bàng lá đỏ”) hay hoài vọng (“lòng trần còn tơ vương khanh tướng”) hoặc hào hùng (“đoàn vệ quốc quân một lần ra đi”). Người Việt Nam rất thích Trịnh Công Sơn, nhất là khi hiểu tốt được lời bài hát, cũng như người Pháp rất thích Georges Brassens, nhân vật bí hiểm với giới thưởng ngoạn nước khác, vì lời bài hát lúc nào cũng dày đặc điển tích điển cố. Ví dụ rõ hơn cả là bài chắc là nổi tiếng nhất của Brassens (“Les Copains d’abord”); nếu thử tìm lời đọc tôi nghĩ ngay người có biết tiếng Pháp cũng sẽ thấy choáng váng.

Nghe nhạc Pháp mà liên tưởng sang nhạc tiếng Anh cũng thú vị. Trường hợp “My way” Frank Sinatra hát lại Claude François (chuyển lời) là một ví dụ (chú ý cái clip hehe). Nhưng không chỉ có vậy, trong nhạc Pháp Eddy Mitchell (Eddy Love) hát không khác gì country Mỹ (bây giờ nghĩ lại có khi cái đĩa Eddy Mitchell tôi có lại chính là của bạn Đỗ :) và tôi cũng biết bạn Đỗ ngoài nghe Cyrus còn nghe cả Johnny Halliday nhá hehe). Trường hợp “kiểu Pháp” nhất của Mỹ có lẽ là Bob Dylan. Nghe thử bài “Ma gonzesse” của Renaud (rất chán là trên youtube hình như không có bài này, Renaud thì toàn thấy “Mistral Gagnant”), tiếng armonica không khác gì Bob Dylan. Renaud được coi là con người nổi loạn của lịch sử ca khúc Pháp, có một đĩa cover Georges Brassens mà tìm trên youtube cũng không có, thôi nghe bản gốc vậy (“Le Gorille”, một bài hát rất đặc biệt).

Nhạc Pháp còn có rất nhiều nhân vật nữa, nhưng tôi nghe nhiều người hát được vài lần là chán. Mới nhận ra là mình chẳng thích thay đổi gì cả, một đĩa nhạc có thể bật đi bật lại cả ngày cũng được, lúc nào tập trung thì hiểu được vài câu, còn thì chỉ cần có cảm giác là đang bật nhạc là đủ. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ nghe vài người, nghe một thời gian rồi sau nghe lại. Édith Piaf nghe một tí là chán, Juliette Gréco thì lúc nào muốn oải hẳn nghe cũng được (bà này hóa ra vẫn còn sống, hôm nhìn thấy ảnh mới chụp suýt ngất, không khác gì bộ xương biết đi cả). Jacques Brel có thể nghe đi nghe lại mãi không chán, nhưng Brel nói đúng ra là người của “le plat pays” tức là nước Bỉ. À các bạn ở Pháp cho hỏi sau Lori hiện nay em nào là hot nhất ạ?

Nhân vật xuất chúng nhất là Serge Gainsbourg. Chắc các bác lại tưởng tôi nói đến “Je t’aime moi non plus” hehe không phải, bài đỉnh cao nhất của Gainsbourg theo tôi là bài này (“Je suis venu te dire que je m’en vais”, nghe live để xem ông ấy, chứ bản chuẩn có những tiếng thở hổn hển hay hơn nhiều và đậm chất Gainsbourg hơn). Cả Gainsbourg cũng thế, cũng quá thơ ca, ngay bài thôi cũng đã trích Verlaine (“le vent mauvais”: cần phải hiểu bình thường người ta nói “cơn gió lành nào đưa anh tới đây” thì Gainsbourg nói về sự chia tay nên dùng cụm từ “cơn gió xấu”).

23 comments:

  1. Entry đổi gió này hay ;))

    ReplyDelete
  2. Chanson là đủ rồi, có cần phải française không bác?

    Còn Delay là các tiệm bán sách báo chứ không phải ăn uống ạ.

    ReplyDelete
  3. Sau Lorie là Lara Fabian ạ.

    Một ca sĩ mà ít xuất hiện trên các kệ đĩa, trên truyền thông, trên mtv, mà lại có được sự cuồng nhiệt đến vậy từ khán giả ... nếu không muốn nói rằng chưa bao giờ thấy khán giả như vậy đối với một nữ ca sĩ hát các bản tình ca. Mỗi lần Lara Fabian hát là 1 lần tất cả mọi người phải đứng lên, và vỗ tay, hò reo... Lara biểu diễn đơn giản, chỉ ngồi trên 1 chiếc ghế, một vài biểu cảm, nhưng lại hết sức tự nhiên.

    Bạn em phân tích thế này ạ :D Chắc là do fan cuồng.

    'Nghe kỹ ra, mới nhận thấy giọng của Lara Fabian đẹp hơn giọng Celine Dion ý chứ. Giọng Celine là một giọng lạ, còn giọng Lara là một giọng hoàn hảo. Giọng Lara ấm, dày, tràn ngập không gian giống như Whitney nhưng lại rất tender và full of emotion. Âm vực của Lara cũng khủng hơn. Lara hát live và lên những nốt cao khủng khiếp như sol, sol# bằng chest voice mà mặt không biến sắc, tiếng vẫn tròn, đầy và đẹp, lại có sức mạnh nữa, làm tất cả mọi người im bặt và nín thở mà dường như Lara không gặp bất kỳ khó khăn nào. Nghe những Mariah Carey, Kelly Clarkson hay ngay cả Charice, Christina, khi họ hát cao, nhìn sao mà khổ sở, nghe vẫn thấy sự cố gắng trong đó, đôi khi còn lên không được phiêu tằng tằng xuống thấp hơn, còn ở Lara thì thật đơn giản và đẹp. Khả năng này chỉ thấy ở Whitney Houston cái thời chưa nghiện ma túy. Thật sự là nghe mà nín thở và không thể đỡ được.'

    ReplyDelete
  4. Các dấu hiệu middle crisis bắt đầu xuất hiện :-?

    ReplyDelete
  5. http://www.youtube.com/watch?v=97qDJKqSsmI
    voila Ma Gonzesse...
    Hình như là version của Renaud bác nói đến ... mà cái clip thì không liên quan.

    ReplyDelete
  6. // ví dụ "lời mượt và thướt tha" : La mer est dégueulasse, les poissons baisent dedans ... (Renaud)

    ReplyDelete
  7. Em thích Florent Pagny. :) Trong điện thoại em có cả 1 hợp tuyển nhạc Pháp luôn, hihi.

    Mà em đọc xong quyển sách rồi anh. :D

    ReplyDelete
  8. Marcus: tôi thấy vẫn viết đầy đủ c.f. đấy, tất nhiên "chanson" không chắc cũng đủ ý rồi.

    Zeus: ý tôi là những em hot, tức là... hot ấy, kiểu Lorie, chứ Lara Fabien e rằng còn xuất hiện trước Lorie thì phải, và không có hot :)

    today20: hehehehe trả thù hả?

    THT: lời bài hát Pháp nhiều cái còn dégeulasse hơn ấy, về mặt này hai anh Renaud và Gainsbourg chắc ngang nhau. Nghe bài "Dieu fume les havanas" của Gainsbourg mà lăn ra cười :)

    MT: cũng có lúc anh nghe Pagny. Bô giai bắp tay to phải không :) nhưng giờ chẳng nhớ anh ấy từng hát cái gì nữa cả.

    ReplyDelete
  9. Lara Fabian thì chắc chắn không thể xếp cùng genre với Lorie rồi :D nên không thể nói "hót" bằng hay hơn bạn Lorie được. Florent Pagny cũng vậy :)

    Ở Pháp bạn nào đang "hot" sau bạn Lorie ? Chả biết nữa. Nhiều bạn nổi lên rồi chìm nghỉm, loạn xạ lên chả biết bạn nào "hót" hơn bạn nào nữa. Đấy là sản phẩm của những vụ thi hát tổ chức trên truyền hình kiểu Sao Mai điểm hẹn, cứ sòn sòn như gà đẻ trứng. Mỗi năm có 2 cuộc thi lớn nhất là StarAcademy và Nouvelle Star, cứ gối đầu nhau mà diễn :D. Xem lần 1, lần 2 thì còn thấy được được, xem tới lần thứ 3 thì ngán đến tận cổ. Sáo mòn, rỗng tuếch, nhạt và phô. Đến nỗi giờ bạn nào (già gân) mà còn xem mấy cái chương trình đó chắc chắn bị xem là đồ nhà quê hay đồ đần độn, đò trẻ con chưa lớn gì đấy :D

    Kể ra các em trẻ mới ra hàng lọat nhưng chưa có em nào đạt được độ "hót" và sức bền dai dẳng như em Lorie. Có lẽ tại em Lorie là hiện tượng Britney Spears đầu tiên trong thời kỳ mới của làng ca nhạc Pháp chăng ?

    Xét kỹ ra thì may ra có em Jennifer - giải nhất StarAcademy năm đầu tiên (năm nay đã đến năm thứ 5 thứ 6 gì rồi thì phải). Có em Nolwenn vừa hát hay, vừa gợi tình bốc lửa - giải nhì hay nhất gì đó của StarAcademy năm thứ 2 (nhưng em này khá ít xuất hiện). Tuy niiên, nhạc của hai em này xếp vào loại "già" hơn, "chính thống" hơn em Lorie chuyên nhạc pop kiểu xì-tin. Cùng dòng nhạc teen pop của Lorie có em Clémence teen thứ thiệt (từng hát đôi với em Jean Baptiste Maunier-ngôi sao của phim Les Choristes) nhưng chỉ đình đám được một dạo rồi chìm nghỉm, chả thấy đâu nữa.

    Lâu rồi ít theo dõi tình hình ca nhạc Pháp nên cũng không rõ có ngôi sao nào mới mọc ra không. Nhưng theo cảm nhận đến giờ của mình thì là như vậy. Chưa có bạn nào sánh được với Lorie về độ "hót", cho đến bây giờ.

    Bạn nào có thông tin mới, update hộ nhé :)

    ReplyDelete
  10. Nhị Linh nghe Ne Me Quitte Pas của Jacques Brel chưa? Tôi không biết tiếng Pháp nên chỉ nghe được lời Anh If You Go Away, với giọng Patricia Kaas già dặn hay Emilia Torrini như giọng trẻ con đều nức nở và không chán.

    ReplyDelete
  11. Các bài hát mà các bạn nhắc đến ở trên toàn thuộc thể loại nhạc nhẹ của Pháp thôi. Hồi mới học tiếng Pháp tôi cũng nghe nhiều Chanson Française nhưng sau chán, chuyển sang nghe Mélodie Française. Các bạn nghe thử mấy mélodie ở đây xem có thích không nhé:
    http://ngocanh.triomphe.googlepages.com/mélodies2

    ReplyDelete
  12. À bạn Nhị Linh nhớ nhầm nhé ;-)

    Chuỗi các cửa hàng ở sân bay (và các ga tàu, xe, tàu điện ngầm) chuyên bán sách báo, kẹo cao su, bật lửa, xổ số ... phục vụ khách vãng lai tên là RELAY chứ không phải DELAY nhé.

    ReplyDelete
  13. Em thấy chị Alizee cũng khá là hot đấy chứ :)

    ReplyDelete
  14. T.A.: đã có nghe "Ne me quitte pas" ạ, theo tôi thì không phải là xuất sắc nhất của Brel.

    Mấy bạn anonymous: Alizée hot à, merci :) Đúng là nhớ một lúc thì ra chữ R chứ không phải D (Relay). Kiểu hát thơ đó về sau này có Ferré và Ferrat nữa.

    ReplyDelete
  15. Bô giai bắp tay to nhỏ gì em hông để ý nhưng cũng già rồi anh ơi. Ông ấy nhiều bài nổi tiếng như Là où je t'emmènerai, Savoir aimer,... :)

    ReplyDelete
  16. Thế bài nào là xuất sắc nhất của Brel ạ? La chanson des vieux amants? Amsterdam? Fernand? Le plat pays? Em thích Jef và Ces gens-là.

    Gainsbourg giống Beatles ở chỗ bài nào cũng hay và có cảm giác được viết rất dễ dàng. The musical equivalent of Pixar? Pretty much yeah. Gainsbourg versatile nhất trong các bác già( les chanteurs à texte) vì bác chịu khó tìm tòi thử nghiệm nên cấu trúc với phối khí các bài của bác không quá nhàm chán. Em thích La ballade de Melody Nelson, L'hôtel particulier ( nói chung em thích cả đĩa Melody Nelson)với Elisa, Comme un boomerang, Requiem pour un con. Bác viết những bài hát hay nhất cho những người phụ nữ đẹp nhất (đẹp mà lại hát thì thào hổn hển mới khổ, j'aime les gémisseuses hí hí), Deneuve boring thế mà bác ý cũng khiến nàng líu lo, how could you not love him?

    Nếu Nhị Linh thích Leonard Cohen thì sẽ thích Bashung, giọng Bashung cũng như vậy(se calant bizarrement dans le rythme) và em thấy hay hơn hihi.

    ReplyDelete
  17. Cill: Bài xuất sắc nhất của Brel? How about "La Valse à mille temps?" và "Les Vieux", với cả bài gì "ce soir je t'attends Madeleine".

    Để về nghe lại mấy cái đĩa Alain B. vậy, trước mới nghe loáng thoáng thôi.

    À em có thể drop một cái mail vào nhilinhblog@gmail.com được không (vụ Alice M. :)

    ReplyDelete
  18. Ah oui em dang di choi thu 2 ve em se gui. 10 trang thu duoc khong a? Làm it sai it' =))

    ReplyDelete
  19. Tớ thích câu này :) "lúc nào tập trung thì hiểu được vài câu, còn thì chỉ cần có cảm giác là đang bật nhạc là đủ".

    Kinh thật, sao mà biết tớ nghe Johnny nhỉ. Đã thế nhé, bạn Nhị Linh viết tiếng Việt thế này "coi trọng lời hơn nhạc một cách tương đối", tiếng Pháp thế này "tiếng armonica" :P.

    Lorie tớ không biết, phải tra wiki đấy ạ. Còn em Alizée thì nổi từ hồi mới mười mấy tuổi, nhờ chị Mylène Farmer dìu dắt mặc đồ latex bó. Bác nào biết ở Hà Nội có chỗ nào bán nhiều đĩa nhạc Pháp, cũ và mới nhỉ, đọc xong bài của Nhị Linh phải đi kiếm đĩa về bổ túc văn hóa Pháp cao cấp mất.

    ReplyDelete
  20. Tớ vớ được đống đĩa chỗ CC hồi mới sang đến P. Mấy anh Gainsbourg, Brel hay Renaud chắc lên mạng kiếm còn dễ hơn, hoặc đặt mua béng cả bộ qua cái trang web nào đấy, ở HN có hàng đĩa ở Hai Bà Trưng gần ngã tư Hàng Bài nhưng chán lắm, toàn của nợ gì khó hiểu :)

    ReplyDelete
  21. À chị Mylene Farmer cũng đã từng "hót", rất "hót" đấy nhỉ ? Đến giờ tuy già rồi nhưng trông chị cũng vẫn cực "hót" (sexy), nhưng chỉ thế mà thôi.

    Mylene Farmer là nỗi kinh ngạc (mauvaise surprise) và khó hiểu lớn nhất của mình về làng ca nhạc Pháp :) Thế mà chị từng song ca với Seal hẳn hoi đấy :D

    Nhân thể nói về Gainsbourg, con gái của bác này - chị Charlotte Gainsbourg cũng mới ra đĩa hát cách đây ít lâu. Cảm nhận là ... chả hơn gì chị Mylene Farmer cả :))

    ReplyDelete
  22. Yea, con gái Charlotte hát cũng hay lắm. Thích cái album 5:55.

    ReplyDelete
  23. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete