Sep 19, 2009

Vấn

Tôi quên chưa nói phỏng vấn là một thể loại, và cũng là một nghệ thuật :) Chừng nào thì nó (phỏng vấn, và, đặc thù hơn, phỏng vấn nhà văn) được coi là như vậy? Chắc có liên quan tới tập phỏng vấn của Jules Huret in năm 1891 với nhan đề chung Enquête sur l’évolution littéraire (Điều tra về tiến triển của văn học), có thể đọc toàn văn trên gallica tức là trang online của Thư viện Quốc gia Pháp (BNF). Cách đây vài năm giới đại học Pháp có cả một trào lưu nghiên cứu tập sách này.

Ở Việt Nam từng có hai tập phỏng vấn nhà văn nổi tiếng, một trước 1945 của Lê Thanh, một trước 1975 của Ngiễn Ngu Í; tiếc thật lần đọc quyển sách của NNI tôi không để ý lưu lại một bản nên đến nay chẳng nhớ rõ là có các nhân vật nào nữa, nhan đề của nó hình như là Sống và viết với…

Ngày nay thật chẳng có nhà văn Việt Nam nào trả lời phỏng vấn hay cả. Người duy nhất giữ được bí quyết trả lời phỏng vấn có lẽ là Tô Hoài :)

Còn đây là mấy câu trong bài Claudio Magris trả lời phỏng vấn Gérard de Cortanze, Magazine Littéraire số tháng Ba năm nay (người của ML vừa sang Việt Nam, chính là người lần trước tôi từng viết e-mail phàn nàn về việc ML thay đổi chán chết và đã không trả lời hehe). Tiêu đề bài phỏng vấn là “La littérature possède une dimension morale” (Văn chương có một kích thước đạo đức), nhân dịp ra mắt bản dịch một tác phẩm ngắn của Magris chủ đề huyền thoại Orphée; ở Việt Nam đã có bản dịch Không tưởng và thức tỉnh của Vũ Ngọc Thăng (cũng là người dịch Nam tước trên cây của Italo Calvino).

+ Tại sao ký ức có vị trí quan trọng như vậy trong tác phẩm của ông?

Ở tôi ký ức không gắn với một cảm giác về hoài nhớ, và chỉ có rất ít liên quan tới quá khứ. Đúng hơn là nó diễn tả tất cả những gì đã xảy ra, sự hiện diện của tất cả những gì với tôi có giá trị. Những người bạn đã quá cố của tôi đều vẫn luôn ở đó, vẫn ngồi ở hàng hiên quán cà phê ấy, chúng tôi cứ tiếp tục các câu chuyện sôi nổi và đối nghịch nhau chan chát. Ký ức giống như một cái cây đã bị chặt. Vết cắt trên thân cây kể lại câu chuyện của nó. […] Ta có thể lấy ngón tay chạm vào một kỷ niệm nào đó, một khoảnh khắc lịch sử nào đó. Ký ức là một bổn phận: nó cho phép không lãng quên các nạn nhân của bạo lực. Nhưng nó cũng có khía cạnh u tối của mình, khi bị ám ảnh bởi nỗi thù hận […]

+ Du hành có các điểm chung với văn chương không?

Việc viết, văn chương, phong cách luôn là một cuộc du hành. Viết, vốn không chỉ là một sự truyền đạt, thực hiện một chuyển dịch sự vật. Khi viết, tôi cảm nhận một cách thực thể, tôi khám phá một thế giới khác, tôi vượt một cái ngưỡng, tôi đi ngang qua. Theo định nghĩa, viết có nghĩa là đi qua bên kia bức tường. Khi viết xong một cuốn sách, tôi gần như không viết thêm gì nữa trong suốt một khoảng thời gian khá dài. Bởi vì khi ấy tôi cảm thấy nhu cầu rất lớn được nghỉ ngơi, quên đi hiểm nguy của sự viết.

+ Văn chương có phải là một luân lý không?

Không một kiệt tác nào cho phép thiếu vắng luân lý. Không phải bởi vì đã viết ra được Hài kịch thần thánh hay Hamlet mà tôi được quyền thiếu trung thực. Tôi ghét cái đạo đức quý tộc theo đó, như Milozs từng nói, chấp nhận các nhà thơ có một “trái tim lạnh lẽo”. Chắc chắn là văn chương không có bổn phận luân lý và tự nó phải tái hiện cuộc đời mà không cần để tâm tới mục đích sư phạm hay lo lắng đến các hậu quả. Nhưng chúng ta cũng biết rằng mặt trời chiếu xuống các đao phủ ở Auschwitz nhiều bằng xuống những nạn nhân của nó. Văn chương có bổn phận đặt chúng ta đối diện với con Méduse của cuộc đời, trên đầu là con rắn của mụ ta - chúng ta những kẻ chỉ muốn mặt trời chiếu sáng cho các nạn nhân. Ta không thể nào bắt Méduse đi cắt tóc được! Đó chính là cái phần tối tăm mà Ernesto Sábato từng nói đến khi ông bảo các sự thật sâu kín của nhà văn đôi khi hiện ra trong những cuốn sách có nhiều tính chất đêm nhất. Văn chương có một kích thước đạo đức khó tưởng tưởng nổi, bởi vì, dù không rao giảng gì cả, nó cho phép ta chỉ tận tay vào những gì có thể diễn đạt tốt hay xấu, chung thủy hay không chung thủy, trung thành hay phản bội […]

+ Một trong các tác phẩm của ông tên là Không tưởng và thức tỉnh [Utopie et désenchantement]. Ông có nghĩ rằng hai khái niệm này chiếm một vị trí đặc biệt trong các giai đoạn khủng hoảng?

Thức tỉnh và không tưởng không đối lập với nhau, mà bổ sung cho nhau. Không tưởng, với việc cho rằng mình sở hữu một công thức cho phép chạm được vào hạnh phúc, thường chỉ dẫn tới một xã hội toàn trị. Ngược lại, thức tỉnh là một điều gì đó rất tích cực [Magris nói như vậy bởi vì désenchantement hay disincanto trong tiếng Ý có hình thức negative: cũng không hoàn toàn là “thức tỉnh” như nghĩa chúng ta hiểu], bởi nó nhắc nhở chúng ta rằng mọi dự đồ đều phải liên tục được sửa chữa, xem lại, rằng không có công thức tất định nào, rằng sẽ luôn có các thất bại […]

+ chắc các bác đã bắt đầu thấy mệt mỏi với kiểu đặt title cắc bụp rồi đấy nhỉ hehe, thôi bonus một phát nhé

36 comments:

  1. Bạn Nhị Linh ơi, dịch "“La littérature possède une dimension morale” là "Văn chương có một kích thước đạo đức" nghe có ổn không nhỉ ?

    Có nên dịch là :
    "Văn chương có một chiều kích đạo đức" or
    - "Văn chương có một khía cạnh đạo đức"
    ?

    Mạo muội hỏi í kiến dịch giả tý :D

    ReplyDelete
  2. Anh NL ơi, Divine Comedy của Dante có bản tiếng Việt không anh? Nhân tiện, "La littérature possède..." có thể dịch là 'Chiều kích luân lý của văn chương," hay 'Phương diện đạo đức trong văn chương,' được không anh?
    Anh khỏe hoàn toàn sau vụ sốt chưa?

    ReplyDelete
  3. Tưorng entry này của Nhị Linh phải là thanh hỏi chứ, "khỏe" hay là "khỏi" chẳng hạn :)

    ReplyDelete
  4. + Divine Comedy <--- bản tiếng Việt là Thần Khúc. Nhưng tớ không nhầm đây chưa phải là bản dịch đầy đủ.
    + "Utopia" dịch là "không tưởng" tớ nghĩa không đúng lắm.
    + Mừng bác NL đã khỏe :D

    ReplyDelete
  5. từ "chiều kích" mốt nhỉ :) các bác không thấy đó là một cách kết hợp từ sai à?

    ReplyDelete
  6. Tui cũng đang định hỏi xem "chiều kích" là cái gì, nghe hay và trong sáng quá! :)

    Tui thích đoạn bác dịch về luân lý của văn chương. "mặt trời chiếu lên cả đao phủ và nạn nhân" và "không thể cắt tóc Medusa" là những ý rất hay! Người đọc Việt Nam hay thích Medusa trọc đầu, còn một số người gõ bàn phím tre trẻ lại chẳng phân biệt được đâu là đao phủ đâu là nạn nhân khi đánh máy.

    Mừng là bác đã khỏe! :)

    ReplyDelete
  7. Bạn Nhị Linh thử phân tích xem "chiều kích" là sự kết hợp từ sai thế nào. Mình ko phải « chiên gia ngôn ngữ » nên cứ thấy quen là dùng thôi, nhiều khi không hiểu hết ngữ nghĩa của nó. Đọc thấy người ta dùng theo nghĩa đó thì thành quen, nạp nó một cách vô thức vào từ vựng của mình thôi.

    Quả thực mình nghe từ "chiều kích" quen tai hơn => thuận tai hơn là so với từ "kích thước" Người ta vẫn nói « chiều kích văn hóa/chiều kích xã hội/ « các chiều kích của tính tôn giáo » v.v).

    Từ điển online French-Việt Nam Mít VDICT.com cho kết quả nghĩa của "dimension" :

    DIMENSION
    danh từ giống cái

    * kích thước

    * (toán học) chiều, số chiều; thứ nguyên

    * (nghĩa bóng) tầm vóc, tầm quan trọng
    o Donner aux événements une dimension historique
    cho sự kiện xảy ra một tầm vóc lịch sử
    o prendre les dimensions de quelqu'un
    (thân mật) nhận xét người nào, nhận định về người nào


    Hẳn là bạn Nhị Linh dùng từ "kích thước" theo nghĩa đen của nó :D Chắc là bạn dùng thế là có chủ ý. Nhưng từ "kích thước" trong tiếng Việt đơn thuần nói về "sự dài rộng" của một vật thể. Trong khi nghĩa của "dimension" trong trường hợp này lại là nghĩa bóng. Sợ người đọc thấy khó hiểu không nhỉ ? :)

    Ở đây minh nghĩ tương đương của « dimension » (nghĩa bóng) trong tiếng Việt có lẽ là « phương diện », « khía cạnh », đúng ko nhỉ ?

    ReplyDelete
  8. "Chiều kích" nghe có vẻ ghê gớm quá các bác nhỉ? Những từ [ngữ] thiên hạ dùng nhiều chưa chắc đã là chuẩn. Tuy nhiên, đối với những từ [ngữ] mình không chắc có chuẩn hay không, thì tốt nhất là mình đừng có dùng. Theo em biết, đối với bác Nhị Linh, từ điển chưa chắc đã là cái chuẩn; bác ấy luôn có cách 'tạo từ' riêng của bác ấy. Ai cũng có quyền làm thế, miễn là từ [ngữ] mình tạo ra tỏ ra dễ đọc, dễ hiểu. "Kích thước đạo đức": nghe cũng lạ tai nhỉ? 'Chiều' (Việt) + 'Kích' (Hán) không thể đứng chung được với nhau; nhưng 'kích thước' (hữu hình) + 'đạo đức' (vô hình) thì có thể kề vai sát cánh được, không đụng 'chan chát' lắm. :-)

    ReplyDelete
  9. Có hai khả năng :

    1) "Văn chương có một kích thước đạo đức" là cách NL thách thức sự trong sáng của tiếng việt

    2) trong lúc tiếp nước chống sốt, NL dùng google để dịch cho khỏe.

    Dịch thế này nghe thuận tai hơn

    "Văn chương có cái chiều luân lý của nó"

    tuy thiếu mất tính hậu hiện đại, là phong cách riêng của NL.

    ReplyDelete
  10. từ "kích thước" hóa ra lại không thấy có trong Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, chứng tỏ có thể cũng là từ mới :)

    tôi dùng "kích thước" là bởi vì "chiều kích" không dùng được dù rất mốt (có bạn gì ở trên đã chỉ ra tại sao là sai), cũng không dùng được các từ như "tầm vóc", "phương diện", "khía cạnh"... mỗi từ có một hàm nghĩa riêng, dùng tạm thì cũng được nhưng nghĩa vẫn bị trượt đi; nếu dùng "chiều" thì chẳng hạn nói tới 100 cái "dimension" thì sao bác?

    nghĩa bóng bao giờ cũng là cái phát sinh từ nghĩa đen, "dimension" trong các thứ tiếng khác đầu tiên cũng chỉ có nghĩa đen, sau mới sinh ra các nghĩa bóng để diễn đạt đủ hơn các ý

    nếu không có từ "chuyên dụng" thì làm thế nào dịch được câu ví dụ trong Robert 2009: "La révolte est une des dimensions essentielles de l'homme" (Camus)?

    ở đây có "đạo đức" và "luân lý" là vì trong bản gốc có cả hai từ "morale" và "éthique" (ở đây gần như đồng nghĩa)

    "kích thước" cũng giống như "kích cỡ" theo nghĩa bóng

    ReplyDelete
  11. "kích thước" bác NL dùng ở đây, em thấy là gần nghĩa với "tầm mức", "tầm vóc" (theo tự điển). Trong khi đó "chiều" và "khía cạnh" mang nghĩa khác hơn nhiều. Phải gout của em thì dịch "une dimension morale" thành "kích thước đạo đức" có vẻ hợp lý, thậm chí thuận tai hơn.

    ReplyDelete
  12. Tôi cũng nghĩ là không nên quá câu nệ về cách diễn đạt : nghe lâu cái lạ tai rồi cũng quen thôi. Cái chính là phải diễn đạt cho chính xác, đúng nghĩa. Cái này chỉ có Nhị Linh mới rõ trong bối cảnh của văn bản, tác giả dùng từ dimension này theo nghĩa nào. Một bên là chiều hiểu như một phương pháp : đo theo chiều rộng, chiều dài hay theo chiều thời gian. Một bên là kết quả đo : tức là độ rộng, độ dài, độ dài thời gian. Dĩ nhiên trong ngôn ngữ hàng ngày có cái độ mờ của nó, chiều rộng đôi khi cũng được hiểu như độ rộng, nhưng nếu nghĩ đến biến thời gian thì ta thấy ngay chiều thời gian có nghĩa khác hẳn với độ dài thời gian. Chắc phải đọc nguyên tác mới rõ được ý tác giả là kích thước đạo đức hay là chiều luân lý, phải không Nhị Linh ?

    ReplyDelete
  13. tôi nghĩ "chiều kích" như người ta dùng lâu nay là 1 từ ghép đã tiêu biến chữ "và" ở giữa; khi mới xuất hiện "dimension" như là 1 thuật ngữ được/bị áp dụng vào các bản tổng thuật (dịch)các vđ khxh, có lẽ ai đó đã tìm cách kết hợp hai hình dung thật khó diễn đạt như " kích thước" của 1 vđ đồng thời là tính độc lập tách biệt của nó như 1 " chiều" thứ 3/4 trong bất cứ " không gian" có liên hệ nào; tôi không nghĩ đây là 1 phần tử của ngôn ngữ hàng ngày; cũng không cùng loại với chẳng hạn " tầm vóc", "phương diện", "khía cạnh"; có lẽ thời gian đã điều chỉnh " chiều kích" khi tước đi chữ " và" đồng thời với quá trình người ta thấy "3D" "4D" như tv tủ lạnh không có nhu cầu mô tả đặc dị nữa, như là 1 " kích thước" của đời sống này thôi.

    ReplyDelete
  14. tôi chưa bao giờ thấy có từ "chiều và kích" cả; bây giờ thậm chí tôi còn có thể nói (những) ai dùng từ đó đầu tiên, sau đó được bắt chước một cách thiếu suy nghĩ thành ra tràn lan như bây giờ

    tôi không thuộc "phái tạo từ" (phái này đông lắm đấy) :) dùng hết những từ sẵn có đã là đủ lắm rồi

    quyển của Dante (finita la commedia): bản mà bác marcofogg nói là "Thần khúc", Đỗ Ngoạn và Thế Lữ dịch, mới được một tập vì hình như Thế Lữ chết giữa chừng, sau này còn có một bản mới dịch từ tiếng Ý (đầy đủ) chứ nhỉ, hay là tôi nhớ nhầm sang "Faust"?

    ReplyDelete
  15. Sau một hồi lục lọi trên mạng, tớ thấy có cái này http://www.cnrtl.fr/definition/dimension định nghĩa tương đối chi tiết về « dimension » (gớm, tra mỗi nơi thấy một phách !)

    Ngoài nghĩa đen là « chiều », là « kích thước » thì « dimension » có những nghĩa bóng sau :

    A.− Importance, ampleur (tầm quan trọng, tầm vóc, độ lớn). Avec ma toute petite troupe et mes minuscules bateaux, je me sentais comme écrasé par la dimension du devoir (De Gaulle, Mém. guerre, 1954, p. 101).
    − Prendre la (les) dimension(s) de qqc.
    ♦ [Le suj. désigne une pers.] Saisir l'importance de. Synon. évaluer. Prendre les dimensions d'un événement (cf. Gilb. 1971).
    ♦ [Le suj. désigne une chose] Avoir l'importance, l'extension de. Synon. devenir. Nous sommes dans une époque qui devient une période. Je veux dire que depuis 1905 nous avons toute la tension et toute la suspension d'une époque mais que cette suspension, que cette époque (...) prend la dimension d'une période (Péguy, Argent, 1913, p. 1304).

    B.− Composante spécifique et relativement importante, quoique parfois mal perçue, de la pensée ou du réel.

    (Yếu tố đặc thù và tương đối quan trọng, dù nhiều khi khó thấy, của tư tưởng hay của sự vật)

    Dimension chronologique, nouvelle, politique, temporelle; introduire une nouvelle dimension. (Quasi-)synon. aspect, axe, orientation. Cette grande dimension du temps suivant laquelle la vie se réalise (Proust, Temps retr., 1922, p. 1031) :
    4. ... l'histoire d'aujourd'hui, par ses contestations, nous force à dire que la révolte est l'une des dimensions essentielles de l'homme. Elle est notre réalité historique. À moins de fuir la réalité, il nous faut trouver en elle nos valeurs.
    Camus, L'Homme révolté, 1951, p. 135.


    Vậy nên tớ nghĩ nghĩa của « dimension » trong trường hợp câu « “La littérature possède une dimension morale” có lẽ là cái nghĩa bóng thứ 2 (trong mục B). Nếu đúng thì chắc dịch « dimension » là « phương diện », « khía cạnh » có lẽ cũng chấp nhận được. Có lẽ hợp lý hơn là từ « kích thước » vì độc giả Việt Nam dễ hiểu nhầm sang nghĩa « vật lý » của từ « kích thước », trong khi ý của câu này nói về một « khía cạnh », một « đặc điểm » trừu tượng của văn học (khía cạnh đạo đức/luân lý).

    Nhưng công nhận chọn từ nào để dịch cho « đắt » khó thật ! Hihi. Cái này tùy ở dịch giả. Sáng tạo ra một từ mới, dù ban đầu có vẻ hơi khó nghe, khó hiểu, nhưng lâu dần với thời gian, người ta có thể chấp nhận nó, dùng nó một cách đương nhiên mà không thắc mắc gì.

    Cũng giống như từ « chiều kích », bao nhiều người vẫn đọc, vẫn dùng nó, vẫn chấp nhận mà có khi chẳng hiểu rõ « chiều kích » nghĩa là gì. Bạn nào có cách lý giải thuyết phục hơn về từ « chiều kích » thì giảng hộ cái nhỉ ?

    Vì nếu suy luận thông thường thì « chiều + kích » = « chiều (hướng) + « kích thước » !?! Đã « chiều hướng » rồi lại còn « kích thước » ... Thật ngộ nghĩnh !

    ReplyDelete
  16. Thật là "lích kích" ! :D

    ReplyDelete
  17. bạn JD vất vả quá :) trên Internet mà muốn tra từ điển thật kỹ theo kiểu dân chuyên nghiệp :) thì bạn vào google gõ "trésor", nó sẽ ra "Trésor de la langue francaise informatisée", cái này bọn tớ được recommend đấy

    ReplyDelete
  18. Hihi. Mình đâu phải dịch giả "chiên nghiệp" mà biết :D Nhưng khi tớ gõ "dictionnaire français " trên Google thì nó dẫn thẳng tới cái này :

    www.lexilogos.com/français_langue_dictionnaire.htm

    trong đó có link trực tiếp tớI Trésor, Larousse Encarta v.v... (trong đó có cái link ở trên). Có thể so sánh một lúc cách định nghĩa của nhiều từ điển. Tiện phết :D

    Bàn luận tí thôi chứ biết rằng dịch thuật là ột công việc khó và vô cùng cực nhọc. Sự tranh cãi là luôn tồn tại. "Bình thường như cân đường hộp sữa" :))

    Bạn Nhị Linh yên tâm. Chả vì một từ nào đó dịch chưa chuẩn mà cả bản dịch hay của bạn lại ko được đánh giá cao :)

    ReplyDelete
  19. Faust phần 1 có bản dịch thơ của Thế Lữ, Đỗ Ngoạn, phần 2 có bản dịch nghĩa của Đỗ Ngoạn in trong một tuyển văn học Đức. Quyển của Dante ở Việt Nam có 2 bản dịch, một bản của Lê Trí Viễn và Khương Hữu Dụng dịch in năm 79 từ tiếng Pháp. Mới đây có bản dịch mới thẳng từ tiếng Italia của Nguyễn Văn Hoàn, tên là Thần khúc địa ngục. Bản này thì đầy đủ (vậy nên mới thấy buồn cười nếu chỉ nhìn tên sách). Bản dịch mới này có thể qua nhà sách NVC, Xuân Thủy để mua. Nhưng tốt hơn là đừng mua. Hình như còn một bản dịch tên là Hài kịch thánh thần nữa, nhưng của ai thì không nhớ :)

    ReplyDelete
  20. to NL: vậy cũng được, tuy tiện đường thì thật là không có.
    Thực ra muốn đợi bác khỏi để hỏi thêm về cuốn A Moveable Feast, nhất là những đoạn nói về Ezra Pound. Chiều mai em qua gởi.

    @ thich hoc toan: hình như bác này là NBT? Phải không ạ?

    ReplyDelete
  21. giờ mà vẫn có người hỏi bác Thích Học Toán là bác nào à :)

    mình có đủ cả làng Dante và Goethe kia mà cũng chẳng nhớ được, giờ tìm còn không ra :( Faust cũng có một bản đủ dịch từ tiếng Đức của Quang Chiến, nói dại miệng đọc cũng chả thấy hay

    ReplyDelete
  22. À,đọc lại comment của bác Thích Học Toán, tớ thấy dịch là "Văn chương có cái chiều luân lý" nghe cũng rất ổn đấy :)

    Có khi chúng ta nên đề nghị thay từ "chiều kích" bằng từ "chiều" cho nó dễ hiểu. Thay vì nói "chiều kích xã hội", "chiều kích luân lý", "chiều kích thời gian" thì chúng ta nói "chiều xã hội", "chiều luân lý", v.v cho nó đỡ lích kích :) ... Nhưng "chiều thời gian" thì lại khác nhỉ (dimension temporelle > < dimension chronologique) !?!

    ReplyDelete
  23. Em vừa có tin, chiều mai chắc không qua NN được. Thôi em gửi bản word luôn cho anh, anh in ra đọc vậy nhé.
    Anh check mail luôn đi ạ. Khi nào xem xong anh tin lại cho em :)

    ReplyDelete
  24. hay là dịch thành "thứ nguyên đạo đức", bác thichhoctoan nhỉ? :D

    ReplyDelete
  25. tôi thấy dịch "kích thước luân lý" quả là cũng ổn, chỉ vì " chiều kích" mơ hồ hơn, ko có lợi đv ng đọc; tuy nhiên bản thân đối tượng cũng đã abstract rồi Nhị Linh nhỉ? tiếp tục thì văn học hẳn là có những kích thước quen thuộc khác như là "hiện thực" "hiểu biết" chứ nhỉ? liệu có phải thay đổi toàn diện tương ứng cách mô tả như vậy ko? như gợi ý của JazzyDali thì "chiều" sẽ thành ra bị nhấn mạnh và "luân lý" sẽ có 1 hình thù :)

    ReplyDelete
  26. em đang học cấp 3.
    và bác nào từng xem qua tập văn lớp 11 của con cháu mình chắc chắn 80% sẽ bắt gặp " mở rộng ra mọi chiều kích không gian" trong các bài bình giảng về Tràng giang của Huy Cận.

    em cũng biết từ "chiều kích" nhờ nghe cô giáo đọc cho ghi đấy :))

    cho em hỏi có từ "trường lao" không? (từ điển và google không có, theo luật ghép từ thì nó cũng sai, nhưng em nhớ nghe đâu đó "cuộc khácng chiến trường lao")

    ReplyDelete
  27. trường lao nghe như kiểu cụ tỉ ý nhỉ :-D trường kỳ và gian lao :-D

    ReplyDelete
  28. mình thấy nghe chiều kích đạo đức vẫn cứ vừa tai hơn kích thước đạo đức, có vẻ như nó mang được cái ý hàm chứa (đạo đức của văn chương); với lại "kích thước" nghe cụ thể quá nếu đi với ý "khó tưởng tượng nổi"

    ReplyDelete
  29. "trường lao" mình tra tự vị mấy quyển rất dày thấy nói có liên quan đến thuốc lào ("Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn có dành một số chữ không ít cho thuốc lào, Ai Lao etc.)

    thời ấy kháng chiến khó khăn chỉ có thuốc lào là nguồn động viên tinh thần chính, nên kháng chiến được đặt tên theo tinh thần biểu tượng, trừu tượng, theo kích thước của khói lửa

    ;-))

    ReplyDelete
  30. Kologist có thể tìm "trường lao" và một vài mục từ tương đương ở Cải huấn Từ điển. Tôi muốn đưa ra để mời các bác mấy từ " chiều kích" trong Tàu văn nhưng chưa có bộ gõ. Nhị Linh có thể bonus cho cái tên ng dùng từ đó đầu tiên đc ko?

    ReplyDelete
  31. vụ tên tuổi này tôi khất cái nhé, bao giờ làm một cái nghiên cứu về từ ngữ mà có kết quả đúng như tôi nghĩ thì tôi sẽ công bố, nhưng từ việc bạn học sinh trung học nói từ "chiều kích" được cô giáo đọc cho học trò chép thì đã có thể suy ra từ này bắt nguồn từ các ngôi sao của giới giảng văn trong trường học

    ReplyDelete
  32. "khuôn khổ" thì sao?

    ReplyDelete
  33. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  34. Truy lùng Sabato bị lạc vào đây, hic, ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Cái này buồn cười quá, sao " Đường hầm" lại được xuất bản vào 1988 ?

    http://vnca.cand.com.vn/vi-VN/tulieuvanhoa/2006/8/51116.cand

    ReplyDelete
  35. Nếu không phiền bạn có thể cho mình hỏi chút là bản dịch Faust của Quang Chiến và bản dịch của Thế Lữ, Đỗ Ngoạn, bản nào hay hơn ạ? Mình ko có rành lắm về vh Đức nên phải đi hỏi mót thế này, Cám ơn bạn trước nhé ^^!

    ReplyDelete
  36. mới đây tôi đọc lại toàn bộ Faust bản Quang Chiến, thấy là đọc được, mặc dù lúc nào với tôi phần 2 cũng rất khó nuốt, bản Đỗ Ngoạn-Thế Lữ tôi đọc lâu lắm rồi, chẳng nhớ mấy, mà bản ấy có đủ đâu nhỉ, hoặc nếu có đủ thì tôi cũng đọc thiếu, nhớ là chưa hết truyện

    ReplyDelete