Oct 12, 2010

Cú mèo


Thế giới dị kỳ của Linda Lê có rất nhiều cú mèo, xác ướp và tượng Giacometti ở bìa sách, thông báo trước một cách lôgic rằng trong nội dung sẽ ngập tràn điên rồ, tội ác, buồn bã, và lưu đày (mệnh đề “viết là lưu đày” từ lâu nay đã gắn chặt với Linda Lê). Văn bản chằng chịt phức tạp và luôn luôn căng thẳng cao độ của nhà văn Pháp gốc Việt dường như lúc nào cũng trực chỉ hai điều: cuộc sống này là điên rồ, và cách thể hiện sự điên rồ ấy nên thông qua các ngụ ngôn chính trị. Chính trị trong tác phẩm của Linda Lê không nằm ở phân tích chính sách xã hội hay phê phán các nhà chính trị, mà là thứ đổ ụp xuống đầu mỗi cá thể con người chúng ta, toàn diện, không có loại trừ, không thể chống đỡ, một thân phận mà con người phải chịu đựng, không bao giờ tách rời được khỏi điều kiện chính trị.

Nhưng ở mức độ nền tảng hơn cả, hai chủ đề chưa bao giờ thôi ám ảnh tiểu thuyết, truyện ngắn và cả tiểu luận của Linda Lê, thường xuyên xuất hiện mạnh mẽ và tràn ngập, chi phối mọi chủ đề khác, là: viết, và chết.
Những người quen đọc tiểu luận của Linda Lê đều biết mặc dù xuất phát từ niềm yêu mến văn chương Victor Hugo khi còn nhỏ, bà luôn luôn viết về những nhà văn đã xa xôi, ít người đọc, bị quên lãng, nhất là những con người kỳ quặc có số phận điên rồ. Linda Lê trước đây giữ mục “Quay trở về với các nhà văn cổ điển” trên tờ tạp chí danh tiếng “Magazine Littéraire”, và trong tập tiểu luận mới nhất, “Au fond de l’inconnu pour trouver du nouveau” (Xuống đến đáy cái không biết để tìm ra cái mới), các nhà văn mà bà đề cập chắc hẳn ngay các chuyên gia văn học cũng không nhiều người từng đọc. Tác phẩm hư cấu của Linda Lê thì thường trực nỗi ám ảnh về người cha đã mất (chi tiết thuộc tiểu sử: người cha Việt Nam của Linda Lê ở lại đất nước sau 1975 và đã qua đời).

“Lại chơi với lửa” (tập truyện ngắn, Nguyễn Khánh Long dịch, Nhã Nam & NXB Văn học) gồm 14 truyện ngắn là minh chứng không thể rõ ràng hơn cho việc trong đời nhà văn của mình Linda Lê chỉ thực sự viết về hai thứ, hai “trung tâm của hư cấu”: viết và chết.

Các nhân vật chính của những truyện trong tập đều viết: “Con ruồi” được giả định là những trang viết tìm thấy bên cạnh thi thể một người đàn ông, trong “Lọ mực” nhân vật viết để phục vụ chính trị, trong “Người khách” nhân vật là một nhà văn vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết, “Vết cắn” là nhật ký của một người đã chết, còn “Ngày Bonel gặp người viết điếu văn khóc mình” (truyện ngắn đặc biệt có hơi hướm Luis Borges) thì Linda Lê kể về một nhà phê bình văn học… và cứ như vậy. Nhiều lúc đọc Linda Lê, mặc dù không có gì thực sự tương đồng giữa hai người, ta nghĩ tới Virginia Woolf, một nhà văn nữ cũng đặc biệt nổi tiếng về cả viết và viết về sự viết.

Điều đặc biệt ở phương diện này trong “Lại chơi với lửa” nằm ở những ý tưởng kỳ dị của Linda Lê trong những lúc truyện liên quan đến viết. Sự viết, với Linda Lê, không phải một thứ gì hư ảo kiêu kỳ phù phiếm, cũng không trần tục xô bồ giải trí hằng ngày, mà máu thịt không thể tách rời khỏi thân thể, và cũng điên rồ như là bản thân sự điên rồ của con người. Trong truyện “Con ruồi” ở đầu tập (những miêu tả tỉ mỉ thực sự làm người ta rất dễ liên hệ tới Virginia Woolf của các truyện ngắn), Linda Lê viết: “Cứ hễ tôi cố gắng viết vài chữ là những chữ ấy hóa thành ruồi dưới mắt tôi”. Thân phận sự viết của nhân vật như một cách trượt nghĩa từ thân phận con người theo kiểu Kafka. Rồi: “Lọ mực tôi được tặng như món quà an ủi, tôi rót đầy nọc độc ngày ngày đổ lên giấy (“Lọ mực”).

Không có gì đáng ngạc nhiên khi viết đối với Linda Lê rất gần với chết. Ai để cho sự viết ăn sâu vào mình đến như vậy cũng đều ở bên bờ miệng vực của chết, như câu cuối cùng của truyện “Giàn giáo”, rất tiêu biểu cho không khí của cả tập “Lại chơi với lửa” này: “Anh ngã nhào xuống khoảng không”. Và rồi, ở nhiều chỗ khác, viết và chết được Linda Lê gắn thẳng vào với nhau: trong “Vết cắn”, một người đọc sách bị từ “sách” ở cuối một chương nhảy ra từ quyển sách cắn vào cổ, rồi không lâu sau đó thì chết, còn trong “Lọ mực” thì cái lọ mực ra lệnh cho người dùng nó để viết ra những lời nọc độc cầm dao giết chết tên độc tài.

Nhị Linh

5 comments:

  1. Mới nói tới mèo có mèo luôn, cả cú nữa, tốt tốt tốt tốt!

    ReplyDelete
  2. Sao bỗng dưng xấu giời lại còn ký kiếc nữa cơ. :)

    ReplyDelete
  3. Thế này thì các bác "yêu sự êm ái" làm sao dám "sờ vào hiện vật" ^_^"

    ReplyDelete
  4. á, bác chưa sờ cú mèo bao giờ à? thích cực, êm cực, sensual cực :d

    ReplyDelete
  5. À vầng, cú mèo thì đã đành một nhẽ (trừ khi nó quay đầu 180 độ rồi nhè cái ... vào tay mình), nhưng còn xác ướp và tượng Giacometti thì bác ơi, khó lắm, khó lắm (nói theo kiểu Vũ Trọng Phụng là "em chã, em chã" :D)

    Extreme thế này, thú thì thú thật, nhưng mà cũng sờ sợ nữa :"> (á nói xong dựng hết cả lông lên >v<)

    ReplyDelete