Mar 6, 2011

The Loser

Đây lại là một cục đen sì hiểm ác nữa: Thomas Bernhard.

----------------


Tự sát được tính toán kỹ từ trước, tôi nghĩ, không phải một hành động bột phát của tuyệt vọng.


Ngay Glenn Gould, bạn chúng tôi và là danh cầm piano quan trọng nhất của thế kỷ, cũng chỉ làm được vậy ở tuổi năm mươi mốt, tôi tự nhủ khi bước vào quán trọ.

Giờ dĩ nhiên anh đã không tự sát như Wertheimer, mà chết, như họ nói, cái chết tự nhiên.

Bốn tháng rưỡi ở New York và vẫn luôn luôn Goldberg VariationsArt of the Fugue, bốn tháng rưỡi của Klavierexerzitien, Glenn Gould lúc nào cũng chỉ nói bằng tiếng Đức, tôi nghĩ.

Chính xác hai mươi tám năm trước đây chúng tôi đã sống ở Leopoldskron và học Horowitz và chúng tôi (ít ra là Wertheimer và tôi, nhưng dĩ nhiên là không có Gould) học được từ Horowitz trong một mùa hè mưa tầm tã nhiều hơn trong tám năm trước đó tại Mozarteum và Nhạc viện Viên. Horowitz biến mọi thầy giáo của chúng tôi thành hư vô. Nhưng những ông thầy chán ngắt đó là cần thiết để hiểu được Horowitz. Hai tháng rưỡi liền mưa không ngưng nghỉ và chúng tôi tự nhốt mình lại trong phòng ở Leopoldskron và tập ngày tập đêm, chứng mất ngủ (của Glenn Gould) đã trở thành một trạng thái cần thiết cho chúng tôi, đêm đến chúng tôi ôn lại những gì Horowitz đã dạy trong ngày. Chúng tôi gần như không ăn gì và toàn bộ thời gian không hề bị những cơn đau lưng vẫn thường phải chịu với những ông thầy hồi trước; với Horowitz những cơn đau lưng biến mất vì chúng tôi học dữ quá thành thử chúng không xuất hiện nổi. Dĩ nhiên khi học xong với Horowitz thì chuyện rất rõ ràng rằng Glenn đã thành một dương cầm thủ xịn hơn cả Horowitz, và kể từ lúc đó trở đi Glenn là danh cầm piano quan trọng nhất thế giới đối với tôi, bất kể tôi có nghe bao nhiêu dương cầm thủ kể từ lúc đó trở đi, chẳng một ai chơi giống Glenn hết, ngay cả Rubinstein, người tôi vẫn luôn luôn yêu quý, cũng không hơn được. Wertheimer và tôi giỏi ngang nhau, ngay Wertheimer cũng luôn luôn nói, Glenn giỏi nhất, ngay cả khi chúng tôi còn chưa dám nói anh là tay đàn giỏi nhất thế kỷ. Khi Glenn trở lại Canada chúng tôi đã mất hẳn người bạn Canada của chúng tôi, chúng tôi không nghĩ sẽ còn gặp lại anh, anh bị ám ảnh bởi nghệ thuật của mình đến mức chúng tôi cho rằng anh sẽ không thể tiếp tục cái trạng thái ấy lâu nữa và sẽ chết sớm. Nhưng hai năm sau đợt chúng tôi cùng học với Horowitz Glenn đến Salzburg Festival để chơi Goldberg Variations, mà trước đó hai năm anh đã tập ngày đêm cùng chúng tôi tại Mozarteum và cứ dượt đi dượt lại suốt. Sau buổi hòa nhạc các tờ báo viết chưa nghệ sĩ piano nào chơi được Goldberg Variations nghệ thuật như thế, nghĩa là, sau buổi hòa nhạc Salzburg của anh họ viết điều chúng tôi đã nói và đã biết hồi hai năm trước đó. Chúng tôi hẹn gặp Glenn sau buổi hòa nhạc của anh tại Ganshof ở Maxglan, một quán cổ mà tôi đặc biệt thích. Chúng tôi uống nước và không nói năng gì. Ở cuộc gặp ấy tôi nói thẳng với Glenn rằng Wertheimer (đã đến Salzburg từ Viên) và tôi chưa tin lấy một phút rằng chúng tôi sẽ còn bao giờ gặp lại anh, Glenn, chúng tôi thường trực bị quấy rầy với ý nghĩ Glenn sẽ tự hủy hoại mình sau khi từ Salzburg về lại Canada, tự hủy hoại mình với ám ảnh âm nhạc của anh, với sự cực đoan piano của anh. Tôi là người nói những từ sự cực đoan piano với anh. Sự cực đoan piano của tôi, Glenn luôn luôn nói thế sau này, và tôi biết anh luôn luôn dùng cách nói này, cả ở Canada lẫn Mỹ. Ngay lúc bấy giờ, gần ba mươi năm trước khi anh mất, Glenn vẫn không yêu quý một nhà soạn nhạc nào hơn Bach, Handel là người anh yêu quý thứ hai, anh khinh bỉ Beethoven, và ngay Mozart cũng không còn là nhà soạn nhạc tôi yêu hơn mọi người khác khi anh nói về ông, tôi nghĩ, khi bước vào quán trọ. Glenn không bao giờ gõ một phím nào mà không ầm ừ, tôi nghĩ, không một dương cầm thủ nào khác có thói quen đó. Anh nói về bệnh phổi của mình như thể nó là nghệ thuật thứ hai của anh. Rằng chúng tôi mắc cùng chứng bệnh vào cùng khoảng thời gian và rồi luôn luôn bị lại, tôi nghĩ, và rồi rốt cuộc Wertheimer cũng dính chứng bệnh của chúng tôi. Nhưng Glenn không chết vì căn bệnh phổi ấy, tôi nghĩ. Ạnh bị giết bởi cái ngõ cụt anh đã chơi mình vào trong suốt gần bốn mươi năm, tôi nghĩ. Anh không bao giờ bỏ piano, tôi nghĩ, dĩ nhiên là không, trong khi Wertheimer và tôi bỏ piano vì chúng tôi không bao giờ đạt được cái trạng thái phi nhân mà Glenn đạt được, anh, bằng cách không bao giờ từ bỏ cái trạng thái phi nhân ấy, thậm chí anh chưa từng muốn từ bỏ cái trạng thái phi nhân ấy. Wertheimer cho bán đấu giá chiếc piano lớn Bösendorfer của mình tại Dorotheum, một hôm tôi tặng cái Steinway của tôi cho đứa con gái chín tuổi của một ông thầy giáo ở Neukirchen gần Altmünster để thôi không bị nó hành hạ thêm nữa. Đứa con của ông thầy giáo phá hỏng chiếc Steinway của tôi trong một quãng thời gian ngắn nhất có thể hình dung được, tôi chẳng thấy đau khổ gì về chuyện đó, ngược lại, tôi quan sát sự tàn phá đần độn cái piano của tôi với niềm khoái trá biến thái. Wertheimer, như anh vẫn luôn luôn nói, đã đi vào các khoa học nhân văn, còn tôi khởi sự tiến trình sa đọa của tôi. Thiếu vắng âm nhạc của tôi, cái thứ từ ngày này sang ngày khác tôi không còn chịu đựng nổi nữa, tôi sa đọa, thiếu vắng âm nhạc thực hành, âm nhạc lý thuyết ngay từ thời khắc đầu tiên đã chỉ gây được một hiệu ứng thảm họa lên tôi. Từ thời khắc này sang thời khắc khác tôi căm ghét cái piano của tôi, cái đàn của tôi, không sao chịu đựng nổi việc nghe mình chơi nó nữa; tôi không còn muốn cào vào nhạc cụ của tôi nữa. Thế nên một hôm tôi đến thăm ông thầy giáo để tuyên bố món quà tặng, chiếc Steinway của tôi, tôi nghe nói con gái ông có năng khiếu âm nhạc, tôi nói với ông và thông báo sẽ chuyển chiếc Steinway của tôi tới nhà ông. Tôi đã tự thuyết phục mình rất đúng lúc rằng cá nhân mà nói tôi không phù hợp với một sự nghiệp danh cầm, tôi nói với ông thầy giáo, vì lúc nào tôi cũng chỉ muốn xếp cao nhất trong mọi thứ tôi phải tự tách mình khỏi nhạc cụ của tôi, bởi với nó chắc chắn tôi không vươn tới được vị trí cao nhất, như tôi chợt nhận ra, và bởi thế logic hơn cả là tôi chuyển chiếc piano của tôi sang cho đứa con gái có khiếu của ông, tôi sẽ không còn mở được cái nắp đàn ra dù chỉ là một lần, tôi nói với ông thầy giáo đang kinh ngạc, một người đàn ông khá mông muội lấy một người phụ nữ thậm chí còn mông muội hơn, cũng là người Neukirchen gần Altmünster. Hẳn là tôi sẽ lo chi phí vận chuyển rồi! Tôi nói với ông thầy giáo, người tôi biết rất rõ từ khi tôi còn nhỏ, tôi rất biết sự giản đơn của ông, chưa nói đến sự ngu xuẩn của ông. Ông thầy giáo nhận món quà của tôi ngay lập tức, tôi nghĩ khi bước vào quán trọ. Tôi chưa từng tin vào tài năng của con gái ông lấy một phút; bọn con cái của các ông thầy giáo nông thôn luôn luôn được cho là có tài, trên hết là tài âm nhạc, nhưng sự thật là chúng chẳng có tài về bất cứ cái gì cả, tất cả những đứa trẻ ấy lúc nào cũng hoàn toàn không có tài và ngay cả khi một trong số chúng biết thổi vào một cây sáo hay bật dây một chiếc đàn hay nện vào một cái piano, thì cũng chẳng có một dấu hiệu tài năng nào hết.

----------------

Goldberg Variations và Art of the Fugue, hic.

Quyển ấy đây, bản dịch tiếng Anh của Jack Dawson.

Tôi định làm một phát hết một đoạn cho nó gọn, nhưng thật ra là không thể, vì cả quyển có mỗi một đoạn ;d

4 comments:

  1. Trông người lại ngẫm đến ta đấy ạ? :p

    ReplyDelete
  2. ừ, nhỉ, phải tập đàn kha khá thời gian thì mới hiểu được tâm trạng của anh giai kia

    nhưng mà đen thế, học cùng với Glenn Gould há há

    ReplyDelete
  3. Giờ anh mới được đọc bài này. Cảm ơn.

    ReplyDelete
  4. tưởng phải đọc lâu rồi chứ :p

    ReplyDelete