Aug 14, 2011

[VCLN] Bản danh sách chết chóc

GS-NGND Trần Thanh Đạm, ngoài tham gia bàn luận về VCLN, mới đây còn có một bài viết cực kỳ danh tiếng về Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh, tìm thấy trên mạng rất dễ nhưng tôi không đưa link vì đọc bài đó xong tôi dựng hết cả tóc gáy nên không muốn tự dưng có một đống người cùng bị chứng dựng tóc gáy, trông sẽ rất là gớm. Cái í thì đúng là vcln, hay ngắn gọn hơn là vcl.

-----------

Để nói tiếp về sở thích bi thảm của trí thức Pháp (ở đây cụ thể là trong văn học), tôi trích dịch ở đây phần đầu bài tiểu luận của Alexandre Gefen mang tên "Ma fin est mon commencement: les discours critiques sur la fin de la littérature" [Sự kết thúc của tôi là khởi đầu của tôi: các diễn ngôn phê bình về sự kết thúc của văn chương]. Link bài gốc ở đây: (trong bản danh sách chết chóc này dĩ nhiên là có Todorov)


“Từ lâu nay chúng ta vun trồng một truyền thống Pháp của những nhà tiên tri thảm họa và những kẻ khóc than cho văn hóa. Sự thất bại của tư duy là nữ thần quen thuộc tạo cảm hứng cho chúng ta về niềm khoái cảm u ám. Chúng ta than vãn về sự phá sản của văn hóa cao cấp, về thất bại của quá trình dân chủ hóa các ngành nghệ thuật, về sự kết thúc của chủ nghĩa nhân văn, về sự sụp đổ của trường học, về sự xâm chiếm của văn hóa đại chúng và công nghiệp giải trí. Không một đất nước nào khác bị thu hút bởi sự suy sút của ngôn ngữ đến mức độ ấy[i]”, Antoine Compagnon gợi ý như vậy vào năm 2008 trong Le Souci de la grandeur [Lo âu cho sự vĩ đại], viết để đáp lời tiểu luận của nhà phê bình Mỹ Donald Morrison, Que reste-t-il de la culture française? [Còn lại gì từ văn hóa Pháp?] Quả thực, mọi thứ diễn ra như thể diễn ngôn phê bình về cái chết của văn học tạo ra một đối tượng tranh luận được chia sẻ rộng rãi - nếu như đó còn chưa phải là một thể loại đích thực của phê bình. Pierre Jourde và Jean-Philippe Domecq chê trách thái độ thiếu dấn thân ở các nhà văn đương đại của chúng ta[ii], Richard Millet vạch ra Désenchantement de la littérature [Sự mất phép màu của văn chương][iii] và Renaud Camus khóc than vì La Grande déculturation [Sự sụt giảm lớn về văn hóa][iv], Enrique Vila-Matas dùng những gương mặt như Bartleby hay Lord Chandos, các nghệ sĩ không tác phẩm, làm nguyên mẫu[v], Lionel Ruffel nghĩ thời chúng ta như là Dénouement [Sự tháo nút][vi], Jean Bessière tự hỏi Qu’est-il arrivé aux écrivains français? [Điều gì đã xảy đến với các nhà văn Pháp?][vii], William Marx viết lại lịch sử của một Adieu à la littérature [Lời vĩnh biệt văn chương][viii], Dominique Maingueneau và Tzvetan Todorov thì tiên tri sự kết thúc của nó[ix] trong khi một website văn học rất mốt tự đặt tít phụ là “giải phẫu cái xác văn chương[x]” và Laurent Nunez kinh ngạc trước công việc của các nhà văn “chống lại sự viết” trong một tiểu luận mang cùng tên[xi]

Nhưng thật ra khởi đầu của sự kết thúc của văn chương này là lúc nào? Có phải trong những cuộc tranh luận hiện nay của chúng ta về sự xâm nhập của các sản phẩm nước Pháp vào “văn chương thế giới”[xii]? Vào năm 1994, khi Henri Raczimov gợi lại bóng ma của La Mort du grand l’écrivain [Cái chết của nhà văn lớn][xiii]? Vào năm 1992, khi Alain Nadaud lên án sự xuất hiện của một Malaise dans la littérature [Nỗi khó ở trong văn chương][xiv]? Vào năm 1977, khi François Laruelle tố cáo Sự suy tàn của viết [Déclin de l’écriture][xv]? Vào đầu những năm 70, như một tiểu luận của Jacques-Etienne Ehrmann gợi ra, La Mort de la littérature [Cái chết của văn chương][xvi] hay một số đặc biệt của tờ NRF mang tên “Vie ou survie de la littérature” [Cuộc sống hay sự sống sót của văn chương][xvii]? Vào những năm 60 và thời Tiểu thuyết mới, khi mà văn chương quay hẳn lưng với thực tại, như Jean Bessière và nhiều người khác nữa gợi ý[xviii]? Vào đầu những năm 50, nếu ta lắng nghe Roland Barthes, khi ấy lo lắng về sự đắm thuyền có thể có của ý tưởng về văn chương bên trong tính hiện đại[xix], tác phẩm đả kích danh tiếng của Julien Gracq, La Littérature à l’estomac [Văn chương cho dạ dày][xx] hoặc Raymond Dumay, tác giả một tiểu luận ngày nay ít được biết đến nhưng đã đánh mạnh vào tâm trí người cùng thời ông, cũng mang tên La Mort de la littérature [Cái chết của văn chương][xxi]? Vào thời hậu chiến theo những giả thuyết u tối của Maurice Blanchot[xxii] mà người ta tìm được tiếng vọng mãi cho tới tận Richard Millet? Vào những năm 20 (đó là nỗi lo của Jacques Rivière[xxiii] cũng như đối thủ Henri Beraud của ông[xxiv])? Vào cuối thế kỷ XIX, luận đề của Léon Bloy, của anh em Goncourt[xxv], của Barbey d’Aurevilly[xxvi], rồi nhiều người khác nữa? Chính xác hơn là vào năm 1892, khi Leconte de Lisle khẳng định rằng thanh niên thế hệ ông “đều là hạng bá láp” và rằng “chúng ta đã bước vào thời suy đồi”[xxvii]? Vào đầu thế kỷ XIX như Sainte-Beuve gợi lên, bằng cách khẳng định “cái điều văn chương […] dường như ngày càng bị thỏa hiệp[xxviii]”? Vào năm 1763, “việc ký hiệp ước Paris theo đó [nước Pháp] khước từ châu Mỹ và Ấn Độ, nghĩa là thế giới” và sẽ chỉ còn sản sinh ra được các tác phẩm “Mạt kỳ Đế chế” như Richard Millet nêu lên[xxix]? Vào cuối thời cổ điển, như Henri François Aguesseau phàn nàn trong Des causes de la décadence de l’éloquence [Những lý do của sự suy đồi của hùng biện] (1699), công trình vững chắc phòng chống sự sụp đổ của văn hóa mà Sainte-Beuve so sánh với những lời than thở của Pline Trẻ về sự suy tàn của thời cổ đại và chúng ta có thể đọc lại như là một đạo văn đi trước[xxx] của các tác phẩm của Marc Fumaroli[xxxi]? Vào đầu thế kỷ XVII, nếu tin lời Mathurin Régnier khẳng định vào năm 1604: “Nữ thần Nghệ thuật đã chết, hoặc là ân sủng của nàng/Ta sẽ vô vọng mà gọi thần Apollon trên đỉnh Thi Sơn”? Hay vào vào thế kỷ đầu tiên sau Thiên Chúa, nếu ta lắng nghe các Châm chích của Juvenal (Ngay từ thời Homère còn sống, dòng giống của chúng ta đã tụt dốc[xxxii]”? hoặc Cuộc tranh luận giữa các nhà hùng biện của Tacite, người đặt đối lập thời hiện tại u sầu của mình với một “thời đại hoàng kim” “có vô số nhà thơ và người ca ngợi đầy cảm hứng trong việc tuyên xưng những hành động vinh quang chứ không phải để bảo vệ những hành vi xấu xa[xxxiii]”? Ta hãy dừng các ví dụ lại ở đây: ở “thời kỳ vĩ đại” nào của văn chương theo tiêu chí lúc đó, người ta cũng sẽ nhìn thấy một diễn ngôn đi kèm tuyên bố sự kết thúc của nó: nhà phê bình Henry Aron không liều lĩnh lắm khi chẩn đoán vào năm 1883 trên Revue Bleue rằng “trong rất lâu người ta sẽ còn tạo ra nhiều câu văn đẹp để khóc than cho cái chết của văn chương[xxxiv]”. Ông tin chắc sự cũ mòn về mặt văn hóa này không chỉ là của người Pháp: ở Đức, người ta đã không ngừng tranh luận về một cái chết của văn chương kể từ (ít nhất là) Walter Benjamin và đặc biệt vấn đề đã trở thành đối tượng cho một cuộc tranh luận gay gắt trong những năm 70, giữa một bên là các lý thuyết gia về cái chết thông qua sự tha hóa của nhà văn trong chủ nghĩa tư bản và một bên là Hans Robert Jauss[xxxv]. Ở Tây Ban Nha, José Ortega y Gasset đã làm chủ đề cái chết của văn chương trở nên nổi tiếng vào năm 1925[xxxvi], nỗi lo cũng là một leitmotiv trong phê bình tại Ý. Người ta sẽ tìm thấy lại chủ đề “kiệt sức” ở Mỹ với John Barth vào năm 1967[xxxvii] rồi trong những năm 70 xung quanh các tiểu luận tân bảo thủ của René Wellek và Alan Bloom[xxxviii], rồi sau này trong cuộc tranh luận do tác phẩm The Death of littérature [Cái chết của văn chương] (1990) của Alvin Kernan[xxxix] khơi ra, hoặc nữa, vài năm sau đó, do những công trình của Richard B. Schwartz (After the Death of Literature [Sau cái chết của văn chương], 1997)[xl].



[i] Donald Morrison, Antoine Compagnon, Que reste-t-il de la culture française?, in chung với Le souci de la grandeur, Paris, Denoël, 2008, tr. 158-159.
[ii] Pierre Jourde, La Littérature sans estomac, Paris, L’Esprit des péninsules, 2002; Jean-Philippe Domecq, Qui a peur de la littérature?, Paris, Mille et une nuits, 2002; Misère de l’art, Calmann Lévy, 1999.
[iii] Richard Millet, Désenchantement de la littérature, Paris, Gallimard, 2007. Cũng xem Le Dernier écrivain, Fata Morgana, 2005; Harcèlement littéraire: entretiens avec Delphine Descaves et Thierry Cecille, Paris, Gallimard, 2005 và L’Opprobre, essai de démonologie, Paris, Gallimard, 2007, tiểu luận trong đó Richard Millet khoái trá về sự trục xuất ma quỷ tiếp theo những diễn ngôn tận thế của ông.
[iv] Renaud Camus, “La Grande déculturation”, xã luận số 45 của Parti de l’in-nocence, 12/2007, trên mạng Internet: http://www.in-nocence.org/pages/parti/editoriaux/edit_45_main.html, văn bản này đã được sử dụng lại, bổ sung trong La Grande déculturation, Paris, Fayard, 2008.
[v] Enrique Vila-Matas, Bartleby et compagnie, Paris, Bourgois, 2003. Về ý tưởng này, cũng xem tiểu luận rất hay của Jean-Yves Jouannais, Artistes sans œuvres, Paris, Hazan, 1997.
[vi] Lionel Ruffel, Le Dénouement, Paris, Verdier, tủ sách “Chaoïd”, 2005.
[vii] Jean Bessière, Qu’est-il arrivé aux écrivains français? D’Alain Robbe-Grillet à Jonathan Littell, Loverval, Labor, tủ sách “Liberté j’écris ton nom”, 2006.
[viii] William Marx, L’Adieu à la littérature. Histoire d’une dévalorisation, xviiie-xxe siècles, Paris, Minuit, tủ sách “Paradoxe”, 2005.
[ix] Dominique Maingueneau, Contre Saint Proust ou la fin de la littérature, Paris, Belin, 2006; Tzvetan Todorov, La Littérature en péril, Paris, Flammarion, 2007. Tác phẩm của Todorov đã có bản dịch tiếng Việt: Văn chương lâm nguy, Trần Huyền Sâm và Đan Thanh dịch, Trần Thiện Đạo hiệu đính, NXB Văn học, 2011.
[x] Stalker, “Dissection du cadavre de la littérature”, trên mạng Internet: http://stalker.hautetfort.com.
[xi] Laurent Nunez, Les Écrivains contre l’écriture, Paris, José Corti, 2006.
[xii] “Pour une “littérature-monde” en français”, Le Monde, 16/3/2007, tuyên ngôn của Jean Rouaud và Michel Le Bris với chữ ký của khoảng 50 nhà văn, được in lại trong Michel Le Bris, Jean Rouaud và Eva Almassy, Pour une littérature-monde, Paris, Gallimard, 2007. Ta sẽ thấy lại những luận thuyết này trong bài diễn văn nhận giải Nobel của Jean-Marie Le Clézio, người từng ký tên vào bản tuyên ngôn.
[xiii] Henri Raczymov, La Mort du grand écrivain, Paris, Stock, 1994.
[xiv] Alain Nadaud, Malaise dans la littérature, Champ-Vallon, 1993. Trong sách in lại “La Grande Scripturie”, trò chuyện với J.-P. Corsetti, Esprit, số 184, 8-9/1992.
[xv] François Laruelle, Jean-Luc Nancy, và các tác giả khác, Le Déclin de l'écriture, Paris, Aubier-Flammarion, 1977.
[xvi] Jacques-Etienne Ehrmann, Textes, in cùng La Mort de la littérature, Paris, L’Herne, 1971.
[xvii] Nouvelle Revue Française, 10/1970. Số tạp chí này, do Marcel Arland chỉ đạo, nhấn mạnh vào sự “khủng bố từng đầy rẫy trong văn chương, và quay trở lại với cuộc tranh luận đã đặt ông ở thế đối lập với Jacques Rivière gần nửa thế kỷ trước đó, năm 1924. Ta sẽ thấy lại sự lo lắng này trong bộ sách mới in lại của Lagarde và Michard dành cho “văn chương hiện nay”: “Mort de la littérature, résurrection de la littérature? Question alternatives que ne peut éviter en ce milieu de siècle, une culture menacée”, André Lagarde, Laurent Michard, và các tác giả khác, La Littérature française, t. 5, La littérature d’aujourd’hui, Paris, Bordas, 1970, tr. 9.
[xviii] Xem Jean Bessière, Qu’est-il arrivé aux écrivains français? sđd., ở nhiều chỗ.
[xix] Roland Barthes, Le Degré zéro de l’écriture, in cùng Nouveaux essais critiques, Paris, Seuil, Paris, 1953. Le Degré zéro de l’écriture đã có bản dịch tiếng Việt: Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội Nhà văn, 1998.
[xx] “Chủ nghĩa hoài nghi trong văn chương ở giữa thế kỷ này bắt nguồn từ rất xa - xa đến nỗi người ta tự hỏi không biết bản thân tính toàn vẹn của khái niệm văn chương có mắc phải nguy cơ vì thế mà sớm bị tan vỡ hay không” (Julien Gracq, La Littérature à l’estomac, Paris, José Corti, 1950, tr. 19), lời khẳng định mà ông sẽ nhắc đi nhắc lại cho tới tận khi qua đời vào năm 2007.
[xxi] Raymond Dumay, Mort de la littérature, Paris, Julliard, 1950.
[xxii] Xem chủ yếu Maurice Blanchot, L’Espace littéraire, Paris, Gallimard, 1955. Về những hậu quả về mặt thẩm mỹ của các tiểu luận của Maurice Blanchot, có thể tham khảo chủ yếu Dominique Rabaté, Vers une littérature de l’épuisement, Paris, José Corti, 2004, ở nhiều chỗ.
[xxiii] Jacques Rivière, “La crise du concept de littérature”, Nouvelle Revue Française, 2/1924, tr. 159-168.
[xxiv] Henri Béraud, La Croisade des longues figures, Paris, Éditions du siècle, 1924.
[xxv] “Giữa cuộc trò chuyện của mọi người ở nhà de Nittis, tôi nghe thấy thằng bé Jacques nói với một thằng khác ngồi ăn tối cạnh nó: “Tỉ trọng của nước á?” Đó là thế hệ trẻ con hiện nay đấy, chúng không còn vui đùa nữa, chúng chỉ còn quan tâm đến mấy cái trò khoa học, hóa học hoặc vật lý vừa tầm với bộ óc của chúng. Những câu chuyện cổ tích hay các Robinson, chúng không thích nữa. Tôi e đây là một triệu chứng của cái chết của văn chương và nghệ thuật, ở con người thế kỷ XX” (Jules và Edmond Goncourt, Nhật ký, 5/7/1882).
[xxvi] Chẳng hạn Barbey nhắc tới “cái chết của văn chương và thơ ca mà mỗi ngày chúng ta lại bị đe dọa nhiều hơn” (Jules Barbey d’Aurevilly, Poésie et poètes [1906], tái bản Bibliopolis, 1998 (CD-ROM), tr. 61).
[xxvii] Jules Huret, Enquête sur l’évolution littéraire [1891], tái bản Paris, Thot, 1982, tr. 242.
[xxviii] Charles-Augustin Sainte-Beuve, “La littérature industrielle”, Revue des Deux Mondes, t.19, 1/9/1839.
[xxix] Richard Millet, Désenchantement de la littérature, sđd., tr. 46.
[xxx] Tức khái niệm “plagiat par anticipation” do Pierre Bayard đưa ra, để chỉ sự “đạo văn” nhưng theo chiều nghịch của thời gian. [ND]
[xxxi] Ta sẽ tìm thấy những nhận xét thú vị về các diễn ngôn thảm họa thời cổ điển trong Pascale Hummel, Mœurs érudites. Étude sur la micrologie littéraire (Allemagne, xvie-xviiie siècles), Genève, Droz, 2002.
[xxxii] Juvénal, Satires, xv, v. 69, Pierre de Labriole và François Villeneuve san định và dịch chú, Paris, Les Belles Lettres, 1983, tr. 192.
[xxxiii] Tacite, Dialogue des orateurs, xii, Henri Goelzeer san định, Henri Bornecque dịch, Paris, Les Belles Lettres, 1985, tr. 37.
[xxxiv] Henri Aron, La Revue politique et littéraire (La Revue Bleue), 1883, tr. 603.
[xxxv] Xem Hans Robert Jauss, Petite Apologie de l'expérience esthétique, trong Pour une esthétique de la réception, Paris, Gallimard, 1978.
[xxxvi] Xem José Ortega y Gasset, La Déshumanisation de l’art et Idées sur le roman, Paul Aubert và Eve Giustiniani dịch, bình luận và chú thích, Cabris, Sulliver, 2008.
[xxxvii] John Barth, “The Literature of Exhaustion”, Boston, The Atlantic, 8/1967, tr. 29-34. Về so sánh giữa sự kiệt sức Mỹ và sự kiệt cùng Pháp, xem Dominique Rabaté, Vers une littérature de l’épuisement, sđd., tr. 190 và tiếp theo.
[xxxviii] Xem các nhận xét gợi ý của Pierre Bourdieu trong Les Règles de L’Art. Genèse et structure du champ littéraire, Paris, Seuil, 1992, tr. 273, số 32.
[xxxix] Alvin Kernan, The Death of littérature, New Haven, Yale University Press, 1990.
[xl] Richard B. Schwartz, After the Death of Literature, Carbondale and Edwardsville, Southern Illinois University Press, 1997. Về những cơn khủng hoảng ở Mỹ, ta có thể tham khảo các phân tích của Kathleen Fitzpatrick, The Anxiety of Obsolescence. The American Novel in the Age of Television, Nashville, Vanderbilt University Press, 2006, bài báo tổng hợp của Bertrand Gervais, “La mort du roman: d’un mélodrame et de ses avatars”, Études littéraires, mùa đông 1999, tập 31, số 2, tr. 53-70.

1 comment:

  1. Reference oách quá, nhờ nó em cũng kiếm được mấy món hay ho (Jauss, John Barth, Alvin Kernan). Tks

    ReplyDelete