Nov 11, 2011

Tom Hanks bị gí súng

(phao tí tin nhảm :d)


Bắt chước thì có nhiều kiểu lắm. Váy của Marylin Monroe hay tóc của Louise Brooks là những điển hình (gần đây nghe nói có danh hài Việt Nam lại vừa giả gái mặc váy tốc ngược). Lại nhiều người bắt chước cách cầm điếu thuốc lá và điệu bộ hít khói của Lương Triều Vỹ trong bộ phim danh tiếng lẫy lừng một thời, Tâm trạng khi yêu. Nhìn chung, những thứ đập vào thị giác con người ta thì thường nhanh chóng dẫn tới hiện tượng bắt chước; tất nhiên cũng có thể bắt chước những thứ khó nhìn hơn, như là một cách sống, một kiểu suy nghĩ, hay thậm chí là bắt chước sự tốt bụng, lòng chính trực, cho đến cả sự cao ngạo, nhưng nói gì thì nói, phim ảnh vẫn xếp hàng đầu trong những thứ gợi ý cho người ta nhiều điều. Chẳng thế mà các bậc phụ huynh thấy điện ảnh là khả nghi và chỉ “kết” hãng nào ghi rõ độ tuổi khán giả được xem phim.

Tom Hanks là một siêu sao điện ảnh Hollywood, điều đó không có gì phải bàn cãi, và cũng không mấy phải bàn cãi chuyện anh có ảnh hưởng lớn thế nào lên người khác. Câu chuyện gần đây liên quan đến Tom Hanks được một tờ báo Việt Nam thuật lại đại khái như sau: một bộ phim mà Tom Hanks vừa viết kịch bản, làm đạo diễn lẫn đóng vai chính được trình chiếu một thời gian thì đến một hôm Tom Hanks ra ngoài đường gặp hai khán giả. Sau khi chuyện trò qua lại một thôi một hồi, Tom Hanks phát hiện hai khán giả ấy không hài lòng với bộ phim của anh, họ còn thẳng thắn chê phim ấy dở. Thế là diễn viên chính của Giải cứu binh nhì Ryan rút phăng tiền túi trả lại tiền vé cho cặp khán giả nọ.

Tờ báo đăng tin này xong thì nhân tiện đặt câu hỏi cho độc giả rằng nếu phim (Việt Nam mà) dở thì khán giả có được đòi lại tiền không.

Có nên không? Khán giả chúng ta hẳn là rất thích trả lời “có”, dĩ nhiên rồi. Nhưng nghĩ cho kỹ, bắt chước Tom Hanks cái gì thì nên, chứ chẳng nên bắt chước đoạn anh rút ví lấy tiền ra trả khán giả như thế này.

Khán giả bỏ tiền mua vé xem phim không chỉ là để trả cho việc xem một bộ phim. Không ít người vào rạp là để tận dụng chừng hai tiếng mát mẻ của máy lạnh đặng chống trả sự nóng nực ngoài đường, hoặc sự ấm áp tương phản với cơn gió rét đang hoành hành ngoài kia. Lại có người đặc biệt thích ăn pop-corn và uống Coca-Cola. Lại có những người (ví dụ như tôi, thỉnh thoảng) tận dụng cơ hội để làm một giấc ngắn; đấy là còn chưa nói tới những người mắc chứng mất ngủ và đặc biệt chỉ ngủ được khi vào trong rạp.

Thêm nữa, cái lợi của người bỏ tiền vào rạp xem phim là nếu thấy phim dở thì tha hồ mà chê bôi. Sung sướng gì hơn khi xem xong một bộ phim nhạt nhẽo, đã ngủ được dăm giấc năm mười phút cơ thể khoan khoái lắm rồi về đến nhà còn được “thả một cái status” trên facebook đầy ý nhị như: Vừa đi xem phim ABC của đạo diễn XYZ về, phim với chả ảnh haizz hoặc súc tích hơn: Mình ngáp trong khi cả rạp cười rần rần LOL. Đề tài câu chuyện nơi công sở ngày hôm sau đột nhiên thêm hẳn gia vị với những chỗ ngớ ngẩn của đạo diễn đoạn vụng về của cô diễn viên hình ảnh lố lăng của anh ca sĩ đá lộn sân sang điện ảnh.

Từng ấy lợi ích, thế thì cớ gì lại đi đòi tiền, khổ thân đạo diễn phim, ở Việt Nam làm một cái phim đâu có đơn giản, mà ra được đến rạp một bộ phim đã trải qua không biết bao nhiêu thủ tục, nếu nói đến chuyện trả lại tiền thì để công bằng, các cơ quan chủ quản cùng báo chí góp phần PR cũng phải đóng góp chứ.

Người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm giải trí, khôn ngoan nhất, cũng cần có sự chuẩn bị. Điện ảnh hay bất kỳ loại hình nào khác cũng tự phân chia làm các thể loại nhỏ, là bởi vì nhu cầu xã hội thì đa đạng vô cùng. Khổ thân người nào ưa phim hành động phải ngồi chết gí mấy tiếng xem một phim sướt mướt, nhưng cũng không thể yêu cầu một bộ phim thuần giải trí có chất lượng nghệ thuật cao, như thế chẳng khác nào nhìn một cây cầu “dân sinh” bắc qua đường quốc lộ phục vụ cho dân cư trong vùng mà chất vấn tại sao cầu gì mà chả nguy nga như cầu Alexandre Đệ tam bên Paris.

Điện ảnh Việt Nam chịu nhiều búa rìu báo chí trong quá trình xây dựng các kiểu phim xưa nay vốn hiếm, điều này cũng là cần thiết, tuy nhiên cứ dùng cách đánh giá cũ của thời phim chiếu ngoài bãi để “soi” phim hiện nay hoặc khăng khăng không cho đạo diễn được “nhí nhố” một chút thì cũng thật là bất công. Khán giả mê phim nghệ thuật hoàn toàn có thể tìm đến những bộ phim ngắn của các đạo diễn trẻ giờ đây đã thực sự trở thành một hiện tượng, trong đó có những tác phẩm có chất lượng rất cao. Nhưng những người không muốn vậy, họ vẫn có quyền được lựa chọn phim để xem sao cho thỏa mãn thị hiếu của mình.

Trở lại câu chuyện Tom Hanks: vì xem quá nhiều bộ phim nhảm nhí do Hollywood sản xuất ra nhan nhản (bởi không được định hướng tốt, cái này thì tôi công nhận), tôi cứ trộm nghĩ biết đâu cặp khán giả gặp anh ngoài đường kia chẳng mang bộ mặt rất hăm dọa, tay lại cứ nhét vào túi áo, trong đó cồm cộm lên một vật gì đó trông như là khẩu súng…

1 comment:

  1. Từ thời YxineFF2012 đến giờ chưa nhìn lại anh, tóc tai râu ria có đã “mọc dài như bầy cỏ loạn” ;)

    ReplyDelete